Thông báo

Collapse
No announcement yet.

NÉN HƯƠNG TƯỞNG NIỆM Trung úy Phan Đắc Công, Phi đoàn Thần Tượng 215

Collapse
X

NÉN HƯƠNG TƯỞNG NIỆM Trung úy Phan Đắc Công, Phi đoàn Thần Tượng 215

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • NÉN HƯƠNG TƯỞNG NIỆM Trung úy Phan Đắc Công, Phi đoàn Thần Tượng 215

    Xin gửi đến độc giả một bài viết rất cảm động của tác giả Lê Thị Hoài Niệm, là người yêu của một cố phi công thuộc Phi Đoàn 215, Thần Tượng, đã tử nạn trong chuyến bay phi diễn tại sân cờ Không Đoàn 62, Sư Đoàn 2 Nha Trang trong dịp lễ ăn mừng chiến thắng "mùa hè đỏ lửa". Vĩnh Hiếu


    Anh ạ! Đã bao nhiêu năm qua rồi, em vẫn luôn cầu nguyện cho linh hồn anh được siêu thoát về cõi vĩnh hằng.
    Chắc anh không thể cảm nhận được mùi khói nhang em vừa đốt để tưởng niệm anh, dù hôm nay không phải là ngày 9 tháng 9, ngày mà hằng năm em vẫn thắp nén hương để tưởng nhớ về anh, đôi lần trong hoàn cảnh khó khăn phải tạm đốt nén hương lòng.
    Nhưng, một kỷ niệm chợt bùng lên, oà vỡ không thể nào tan biến được khi em đọc bài viết của tác giả phi công VĨNH HIẾU: "Ngày Chim Vỡ Tổ", người đã nhắc lại những hình ảnh đau thương về một cái chết “vô duyên” tức tưởi khôn cùng.

    Trong số bảy người chết thảm khốc đó, bạc phần làm sao lại có cả anh, mà trong những giấc mơ sau thời gian đó, em vẫn thấy anh về trong bộ đồ bay, xô cửa buớc vô nhà, nhoẻn miệng cười và bảo rằng: “anh đâu có chết, anh chỉ bị thương thôi mà!”
    Ngày đó, ngày đầu tuần thứ hai sau lễ khai giảng năm học mới. Em vẫn còn nhiệm sở ở Ninh hòa, trước khi bàn giao cho cô giáo mới để về lại Nha trang. Vẫn là những chuyến xe hàng đưa em đi đến nơi đó mỗi buổi sáng sớm, nhưng sao không có chuyến nào còn chỗ cho em đi, một chuyện xảy ra không bình thường. Mấy người tài xế và lơ xe vẫn dành riêng cho “cô giáo” một chỗ ngồi phía trước, nhưng hôm đó xe nào vừa cập bến cũng vội chạy đi, để chú lơ xe thò đầu ra ngoài và nói…..xin lỗi cô giáo, chờ xe sau nghe!.

    Trời nắng vội, đã hơn tám giờ rồi, giờ trống trường đã đổ để học sinh vào lớp học, vậy mà cô giáo vẫn còn ngồi tại bến xe Nha Trang. Ruột gan em như có lửa đốt, nó nóng bức một cách kỳ lạ, em cứ nghĩ là mình chờ xe không có, nên bức rức, bực mình. Cuối cùng thì một chiếc Da-hat-su trờ tới, và gọi em lên xe. Gần 9 giờ sáng, trễ lắm rồi, nhưng dù trễ em vẫn phải đi.
    Một buổi “bàn giao lớp học” đơn giản, em vừa nhận lớp lại giao lớp, tình cô trò chưa có nên không có cảnh chia ly, ấy vậy mà sao em thấy buồn nẫu ruột. Em đón xe trở về thành phố trong trạng thái bồn chồn, lo lắng.
    Mọi bữa, đứa em trai của em vẫn đón em từ bến xe trở về nhà trong tiếng nói cười vui vẻ, nhưng hôm nay sao nó không nói , không cười. Linh cảm có điều gì không ổn, em nhìn nó hồi lâu không chịu ngồi lên yên sau chiếc Honda, em bảo nó: “nói đi, hình như có chuyện gì phải không? Hôm nay chị thấy nóng ruột quá, nên không ghé xuống đèo mua Ốc-Sò để về làm tiệc buổi tối như lời anh Công dặn”. Nó bỗng khóc oà và nói: “Sáng nay, lúc hơn tám giờ, anh Công đã bị rớt máy bay và chết rồi!”

    Em bước vào nhà như kẻ vô hồn, mắt ráo hoảnh nhưng không nhìn thấy gì hết, đến khi Ba em lên tiếng: “con đi rửa mặt, rồi ra ngồi may mấy cái áo tang này, để mai liệm xác cho mấy anh!”Hình như em thấy có mấy người mặc áo bay trong phi đoàn ngồi đó, những người bạn mà hằng ngày họ đến nơi đây nói cười vui vẻ, nhưng hôm nay họ lặng lẽ u buồn đến lạnh người nên em chẳng chào hỏi được ai.
    Em ngồi vào bàn máy và cặm cụi may, em may những chiếc áo để liệm xác- một tập tục lâu đời, do ba em cắt vải sẵn, em may mà đôi mắt cay xé, những màng mỏng nước cứ giăng ngang, ruột gan quặn thắt, từng mũi kim lướt đi là ngần ấy giọt nước mắt chảy ngược vào lòng. Em đã may thật nhanh những chiếc áo trắng, tấm áo gói ghém hình hài không lành lặn của những người phi công và xạ thủ trẻ mà những tháng ngày qua, với nhiều trận chiến khốc liệt, máy bay trúng đạn thù không chết, lại chết tức tưởi trong một phi vụ “phi diễn” trong ngày đại lễ của phi đoàn.
    Bạn anh mang những tấm áo ra đi mà không cho em theo, còn có người ở lại để ..canh chừng em nữa. Nhưng cuối cùng, trước sự năn nỉ của em, anh “Thành đen” đã đưa em đến nhà xác, nơi để những xác người trong hộc tủ lạnh, nơi có những đồng đội đang đứng lặng người, để “nghiêm chào” cũng như từ giã lần cuối trong đời với những người bạn đồng ngũ vắn số.
    Anh Thành và mấy người bạn anh nhất định cấm, không cho em nhìn anh lần cuối, các anh ấy bảo em nhìn thấy rồi sẽ “chết siếng”, nhưng em vẫn từ từ đi vào gian phòng lạnh lẽo, buộc anh Thành phải kéo hộc tủ ra. Không biết vô tình hay cố ý, mà anh kéo....nhầm, để hiện ra trước mắt em một người mặc quân phục Bộ binh, mặt mày bê bết máu, hình hài không nguyên vẹn. Em không còn cảm giác và từ từ quị xuống.

    Dù không ai cho đi khỏi nhà, nhưng rồi em cũng thoát ra và một mình trên chiếc Honda, em đã chạy lòng vòng cùng thành phố, rồi ra nhìn biển cả mà đầu óc trống trơn. Đến khi trở về nhà, được má em sai đi mua trà để liệm xác ngày mai. Bao nhiêu trà thơm ở mấy tiệm buôn em mua hết, như món quà lần cuối trong đời em được phép tặng cho anh.

    Người ta đứng chung quanh chiếc hòm kẽm đông lắm, vài người níu giữ em lại bên ngoài. Ban chung sự đang tẩm liệm xác. Hình như có một sức mạnh vô hình nào đẩy em đi tới, không ai cản được em, để em nhìn thấy một dạng người cháy đen, co rút lại, hai chân cong lên, đến nỗi muốn đậy nắp áo quan, mấy người lính chung sự phải cố đè hai chân xuống, hèn chi họ bảo mua trà thật nhiều, trà …hút nước…! Em không còn thấy và biết gì nữa nên mấy cái bông mai em vừa thêu xong định tặng anh vừa vinh thăng trung uý, đã rời tay không biết có ai bỏ dùm theo anh vào cỗ áo quan?

    Đứng lặng nhìn anh trong áo quan
    Hình hài cháy nát thật kinh hoàng.
    Hồn anh nương gió về đâu nhỉ ,
    Có thấu người thân dạ nát tan?


    Những người bạn thân của anh, đã đưa anh về trên …chiếc trực thăng sơn màu tang trắng. Hình như quan tài về đến nhà trước khi gia đình biết đứa con, người em, anh trai yêu quí của mình đã vĩnh viễn ra đi(?).
    Thiếu tá Vinh đến nhà em thật sớm hai ngày sau đó, đón em vào phi đoàn để đi lên Đà Lạt dự lễ di quan. Phi hành đoàn trên chiếc trực thăng đông lắm, họ nhắc nhiều kỷ niệm về anh, về những …“người yêu” của anh. Ối chà! ông Pilot nào chẳng thế. Một thi sĩ nào đó đã viết:

    Đời phi công không bao giờ chung thủy
    Mỗi lần bay…thay một cánh hoa rơi..?”(nhiều thế?)


    Và anh, một phi công cao ráo, đẹp người chắc cũng không khác mấy với họ? Anh có một chị Th., một chị H. vẫn đến nhà em để tìm anh mỗi khi họ đến Nha Trang, từ lúc anh rời nhà anh Sơn để về ở trong cư xá phi đoàn. Em vẫn thắc mắc tại sao chị ấy lại đi tìm sai chỗ vậy? anh chỉ cười và nhún vai: mặc kệ! để ý làm gì?. Có phải vì anh vẫn đến nhà em hằng ngày, ngoại trừ những tuần biệt phái, anh vẫn hay đứng chờ trước cửa trường trung học tư thục Văn Hóa. ban đêm, nơi em có giờ dạy thêm buổi tối. Thậm chí có hôm anh làm em giật nẩy người , khi đang ngồi lớp tận Ninh hoà, vừa nhìn ra cửa sổ, thấy một người trong bộ đồ bay lù lù đứng đó.

    Nhiều lần anh đến nhà em, và vui vẻ chuyện trò với “bạn” của em ở đó. Anh đã biết nhưng vẫn gặng hỏi nhiều điều. Trong gia đình, anh vẫn là Anh mà, người lớn quen nhau, thì con cái không là người xa lạ, do đó, mỗi khi gặp bạn bè trong phi đoàn, anh vẫn tươi cười giới thiệu với họ em là “con Bà Dì” bên Mẹ!.Anh đau nặng sau những ngày hành quân biệt phái. Anh “Sơn 5” ra nhà em, đưa em vào cư xá sĩ quan vì anh muốn gặp. Không có phận sự và người bảo lãnh làm sao vào cư xá được? Anh cảm nặng, Bác sĩ cho thật nhiều thuốc, nhưng anh không hề uống viên nào. Nhìn cà-mên cháo vịt, do anh bạn nào đó mua ngoài chợ mang vô, em nghe mùi đã ớn, huống chi người bịnh. Thế là em đã thành cô “y tá” bất đắc dĩ, mỗi ngày được bạn anh ra cổng đón vào, nhờ đó những “bụm thuốc” của bác sĩ cho, anh uống vào mà không còn nhăn mặt, và những chén cháo trắng ăn với thịt kho mặn không còn lạt lưỡi đắng môi. Anh dần dần bình phục. …Vậy mà anh lại ra đi thật tức tuởi.

    Đêm hôm trước, anh đến nhà, còn dặn dò em rằng tối mai anh sẽ không dự tiệc vui trong phi đoàn, anh sẽ ra nhà chơi, thôi thì lần cuối rời khỏi Ninh hòa, hãy mua một số ốc, sò huyết đem về làm …món nhậu, tối mấy anh ra…chúc mừng “người về lại thành phố”!.

    Đúng là người về lại thành phố! mà thành phố Đà Lạt thân thương. Em đi sau quan tài trong đoàn người đưa tiễn.Những tiếng khóc than não nuột của mẹ anh, của Hiền- em gái anh, và những bà con thân thuộc như xoáy vào làm quặn nát ruột gan em, nhưng em cố giữ không buông tiếng khóc. Những người bạn già của mẹ anh, không biết vô tình hay cố ý, họ đến an ủỉ, hỏi han em, họ “săn sóc” em rất kỹ. Thì ra, trong những ngày về phép trước đó, anh đã xin phép cha mẹ anh sẽ về Nha trang hỏi xin....cô giáo về làm vợ!. Một sự “chọn lựa” từ tình cảm của riêng anh. Từ lâu em vẫn thường nghe anh tâm sự: “ bồ bịch thì sao cũng được, chứ lấy vợ phải chọn đàng hoàng, khỏi có cảnh chén bay, diã bay…!”

    Anh đã nằm yên trong nghiã trang trên ngọn đồi cuối con đường dốc đó. Trời Đà lạt mù sương đã ấp ủ nấm mồ anh trong ngần ấy năm dài. Người sống vẫn hướng về phía trước., nhưng kỷ niệm thì vẫn hoài là kỷ niệm. Hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau, những người chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, vẫn chiếm ngự một chỗ trong tim những thân tình.... Mãi mãi và mãi mãi……


    Xin cảm ơn tác giả Vĩnh Hiếu đã gợi lại kỷ niệm năm nào

    Lê Thị Hoài Niệm

  • #2
    bài viết rất cãm động, tôi có 1 tấm hình của anh Công, nhưng không biết cách gởi.
    Thân
    Minh 538

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X