Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hành Trình Trăm Năm

Collapse
X

Hành Trình Trăm Năm

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hành Trình Trăm Năm

    Hành Trình Trăm Năm
    ~~~



    Dalat nostalgia – (tranh Đinh Cường)


    Vị linh mục dẫn ông và nàng vào nhà thờ và đi ra khép cửa, để hai người tĩnh tâm một lúc trong lúc chờ đợi linh mục trở lại.

    Chưa bao giờ ông ở trong nhà thờ vắng lặng như thế này. Nàng ngồi xuống ghế nhắm mắt lại trầm tư. Ông nhẹ nhàng đi một vòng ngắm cách cấu trúc và trang trí trong nhà thờ.

    Ông đã từng đi qua nhà thờ nổi tiếng này hàng ngàn lần nhưng chưa bao giờ vào bên trong. Đó là một ngôi nhà thờ cổ kính, xây dựng gần một thế kỷ nhưng vẫn bền vững với thời gian, hầu như không có một vết nứt.

    Trần nhà không cao lắm nhưng có vẻ lồng lộng với những vòm tròn quét vôi màu hồng nhạt. Những cửa kính màu là những bức tranh thánh tích kỳ ảo. Nhìn từ bên trong ra, những vầng hào quang, những trái tim thánh thiện, những tà áo thanh sạch của các vị thánh ngời lên ánh sáng sống động lạ lùng. Tất cả là tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ bậc thầy chắc chắn đã được làm nên bằng trái tim sùng tín và bàn tay tài hoa cách đây hơn sáu mươi năm theo ngày tháng ghi chú bên dưới. Ông cảm thấy mình hơi xa lạ nhưng kính phục loại nghệ thuật này, nghệ thuật trong tôn giáo hay tôn giáo qua nghệ thuật. Ông vốn là kẻ vô thần ngay từ thời trẻ. Nhìn những bức tranh này, ông cảm nhận người nghệ sĩ không phải sáng tạo một cách thông thường mà chắc chắn đã làm nên tác phẩm trong một trạng thái tinh thần hưng phấn kỳ lạ, có thể là một cách nguyện cầu hay dâng hiến của người nghệ sĩ.

    Bên dưới những bức tranh kính màu, chỉ cao hơn tầm đầu người là những phù điêu về sự tích Chúa Giê Su, có lẽ làm bằng xi măng. Những phác họa đơn giản, mầu vàng nhạt, hơi nặng nề nhưng phù hợp với các cảnh Chúa Giê Su vác thập tự giá trong nhiều tư thế trên đường đi lên chỗ chịu nạn. Cây thập tự giá, một dụng cụ hành hình, đã trở thành cây thánh giá, tượng trưng cho một tôn giáo, cho lòng sùng kính của hàng triệu triệu người, bằng sự hi sinh cao cả của một con người, một con Thiên chúa, theo như giáo lý của tôn giáo này.

    Đi hết một vòng quanh tường nhà thờ, ông đứng lặng nhìn lên tượng Chúa Giê Su lớn phía sau bệ thờ. Một thân thể gần như trần truồng với mảnh vải khoác chéo che thân bị đóng đinh trên cây thập tự lớn màu nâu. Chiếc đầu đội vòng gai rỉ máu ngoẹo sang bên. Thân hình với màu da rất giống người thật nổi rõ từng bắp thịt trên cánh tay, lồng ngực, cặp đùi và những chiếc xương sườn lồ lộ. Những chỗ đóng đinh ở tay, chân và vết thương ở sườn đang tiếp tục chảy máu. Ai đã khắc họa nên hình tượng này hay chính là một hình ảnh có thực đã trở nên lồng lộng qua không gian và thời gian. Đó không phải là một thân thể. Đó là sự khổ nạn. Không phải khổ nạn. Đó là sự hi sinh. Không phải hi sinh. Đó chính là tình yêu. Một tình yêu mãnh liệt, rộng lớn, vượt qua phản bội, tội ác, khổ đau và cái chết. Phải chăng đó là cái gì rất mơ hồ nhưng cũng rất rõ ràng ông cảm nhận được từ giáo lý của một tôn giáo khi đứng trước hình tượng bi thảm và hùng tráng này.

    Ông chợt tỉnh dòng trầm tư khi vị linh mục nhẹ nhàng mở cửa gọi hai người. Ông và nàng đã đến yêu cầu gặp linh mục vì một lý do hơi lạ lùng, gần như kỳ quặc. Sau khi kỷ niệm hai mươi lăm năm chung sống, hai người đã đề nghị linh mục cho làm phép chuẩn hôn phối theo nghi thức Công giáo. Linh mục chấp thuận ngay và tổ chức buổi lễ một cách hết sức riêng tư , chỉ có linh mục và hai người, theo yêu cầu của họ.

    Từ trước ông vốn vô thần và nàng theo đạo Công giáo. Nhưng từ cái ngày mê đắm đó, khi hai người quyết định về với nhau, không cần sự đồng ý của gia đình, không cần nghi thức cưới hỏi, nàng cũng không đi nhà thờ nữa. Hai người đã bỏ thành phố, bỏ gia đình, bạn bè, đi đến một nơi rất xa trên cao nguyên đèo heo hút gió để tạo dựng một cuộc sống chung hoàn toàn tự do, phi công thức. Đó là một quyết định điên rồ nhưng mạnh mẽ, đầy tự do và lãng mạn của tuổi hai mươi. Hai người đã không cần gì cả, bất chấp tất cả, gần như thách thức với toàn thể xã hội. Chỉ với chiếc xắc nhỏ đựng quần áo, hai chiếc vé máy bay và một số tiền nhỏ đủ ăn hai ngày khi xuống phi trường vào vùng đất mới, họ đã tay trong tay đi vào một cuộc sống chung mang tính phiêu lưu không hề dự liệu trước.

    Hai mươi lăm năm của cuộc sống hôn nhân, thời gian của một “đám cưới bạc” như người ta vẫn nói, một phần tư thế kỷ sống bên nhau với vô vàn biến cố lớn nhỏ đối với họ là điều có thể nói phi thường. Không thể dùng một từ, một khái niệm, một cách diễn đạt nào đó để mô tả đầy đủ cuộc sống chung này. Một hạnh phúc bi thảm. Một thiên đường trong địa ngục hay địa ngục trong thên đường. Chung cùng và cách biệt. Yêu thương và oán hận. Chia sẻ và khép lòng. Dài lâu mà ngắn ngủi. Tự do nhưng ràng buộc. Vị tha mà ích kỷ. Cay đắng lẫn ngọt bùi. Cảm thông nhưng đầy ngộ nhận. Gắn bó đã hàm chứa chia lìa…

    Năm nay họ bước vào tuổi năm mươi. Hai mươi lăm năm. Nửa đời trong nửa đời. Những vết nhăn đã hằn trên vầng trán, những vết chân chim nơi đuôi mắt, những sợi tóc điểm bạc, những vết thương đã lặn chìm, những đứa con bé bỏng đã trưởng thành. Tất cả đã đi qua thời gian, thấm mầu thời gian.

    Tất cả đều là trần thế. Trần thế sục sôi, quyến rũ, tràn đầy khoái cảm và đau thương. Nhưng tất cả đều phù du, rực rỡ rồi phai tàn như muôn vạn loài hoa có và không hương sắc họ đã cùng nhau nhìn ngắm trong những giờ hạnh phúc.

    Đến một lúc nào đó, hai người chợt nhận ra mình cần một cái gì khác hơn thế. Một cái gì dài lâu hơn. Vô hạn hơn. Tuyệt đối hơn. Siêu thoát hơn. Đối với nàng, những tình cảm tôn giáo thời thơ ấu tự dưng sống dậy. Nàng nhớ lại những bài học giáo lý, sự tích Chúa Giê Su và các vị thánh, những buổi xem lễ, cầu nguyện. Nàng đến nhà thờ nhưng chỉ đứng bên ngoài. Nàng cảm thấy mình như con chiên lạc bầy và mặc cảm tội lỗi day dứt. Theo luật giáo hội, nàng không có quyền tham dự các thánh lễ bí tích như những tín đồ bình thường khác nếu nàng chưa chịu phép chuẩn hôn phối khi có chồng là người ngoại đạo.

    Hai người đã trao đổi nhiều lần về vấn đề và tâm trạng này của nàng. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, đến với mọi người ngưỡng vọng, mọi kẻ sa ngã. Thiên Chúa không phải là hội thánh, lề luật dù hội thánh đã làm sáng danh Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng không phải là những linh mục, tu sĩ dù phần lớn họ là những người đạo đức và trong đó cũng có một số người đầy tính phàm nhân mà nàng đã gặp và phiền lòng vì sự hẹp hòi, cố chấp của họ. Tuy nhiên, một cái gì đó làm nàng cảm thấy bất an. Thời gian gần đây, hàng tuần nàng mang hoa đến tượng Đức Mẹ nằm trong khuôn viên nhà thờ. Những bông hoa hình chuông mầu trắng tinh khiết như tâm hồn nàng thời thơ ấu mà chính tay nàng đã trồng trong vườn nhà. Bây giờ tâm hồn nàng đã vẩn đục với bao lớp bụi thời gian nhưng những bông hoa mầu trắng vẫn là của lễ đẹp đẽ nhất nàng muốn dâng hiến cho Đức Mẹ dịu hiền và đầy lòng tha thứ. Nàng cảm thấy nhẹ lòng đôi chút sau mỗi lần dâng hoa nhưng nỗi bất an vẫn còn khắc khoải trong từng ngày tháng, lẩn khuất trong những ngõ ngách nào đó của tâm hồn nàng.

    Ngược lại với nàng, như đã từ lâu, ông không cần đến tôn giáo, không cần đến những ảnh tượng thánh tích, không cần đến những lời cầu nguyện. Sau bao nhiêu biến cố thăng trầm của cuộc đời, ông vẫn kiêu hãnh về bản thân, về con người và những hành động trần thế của mình. Tuy nhiên, mấy năm nay, từ khi nghỉ việc ở công sở sau một cuộc xung đột dữ dội với những kẻ nắm quyền lực và về sống ẩn dật, ông có nhiều thời gian để chiêm nghiệm lại toàn bộ con người và cuộc đời của mình. Ông trở nên trầm lặng hơn như khung cảnh khu vườn yên tĩnh quanh căn nhà bé nhỏ ông đang sống. Trầm lặng nhưng tỉnh thức hơn trong những buổi thiền ông thực tập hằng ngày.

    Đó là những bài thiền theo pháp môn Yoga huyền bí của Ấn Độ ông đã được tâm truyền bởi sứ giả của một đạo sư vĩ đại xứ Hi Mã Lạp Sơn, trong một dịp tình cờ của định mệnh. Vị thầy sứ giả này là một người châu Âu có đôi mắt sáng xanh mầu biển biếc, tóc hoe vàng dài đến gần vai và bộ râu rậm rạp cùng mầu tóc. Vị thầy này đã thụ giáo bậc chân sư ở Ấn Độ hơn mười năm và nay đang đi khắp thế gian để truyền đạo. “Khi một người thực sự ngưỡng vọng Đấng Tối Cao thì chân sư sẽ xuất hiện”. Vị thầy đã nói với ông như thế khi truyền cho ông các bài thiền. Đấng Tối Cao đây là Thực thể Vũ Trụ, là Ý Thức Tối Cao, là Tình Thương Vô Biên. Vị thầy chỉ là người trung gian giữa người ngưỡng vọng và chân sư. Và chân sư không ai khác hơn là hóa thân của Đấng Tối Cao.

    Mỗi ngày lúc rạng đông và hoàng hôn, trong ánh sáng mờ, ông ngồi theo thế hoa sen, khóa hết tất cả các giác quan, hít thở sâu và nhẹ nhàng, bằng một kỹ thuật tự kỷ ám thị đặc biệt, ông dần dần rút tâm thức ra khỏi ngoại cảnh, ra khỏi cả bản thân, chỉ hiện hữu bằng một điểm năng lượng và lắng nghe âm thanh của một câu “mantra” huyền bí bằng tiếng Sanscrit vang động theo nhịp thở. Tất cả cuộc đời, tư tưởng, hành động, cảm xúc đều lắng xuống rồi nâng cao lên một bình diện mới, bàng bạc sắc hư vô.

    Vị linh mục nhờ ông giúp một tay để bày biện nơi làm lễ. Đơn giản chỉ có một chiếc bàn phủ khăn trắng, cặp nến lớn và hai chiếc ghế màu đỏ. Linh mục mời hai người ngồi vào ghế của cô dâu chú rể và nói nhẹ nhàng:

    - Tôi cảm động vì sự kiện này. Đây là một điều đẹp đẽ và thấm nhuần ơn Chúa. Việc làm phép chuẩn cho những cặp vợ chồng đã chung sống nhiều năm, đã có con cái, thỉnh thoảng vẫn có, nhưng trường hợp sau hai mươi lăm năm thật hiếm hoi, có lẽ là lần đầu tiên ở nhà thờ này. Tôi có thể nói đây là một việc làm có tính cách thiêng liêng và mang tính chất lịch sử đối với nhà thờ này vì dù trải qua bao nhiêu biến đổi, nhà thờ này vẫn giữ được hồ sơ của các cuộc hôn phối và rửa tội từ ngày đầu cho đến hơn tám mươi năm qua.

    Linh mục ngừng một chút rồi liếc nhìn sang ông:

    - Đặc biệt đối với riêng ông, tôi cho rằng ông đã thể hiện đức ái khi nghĩ đến người bạn đời của mình trong sự việc này. Yêu thương, kính trọng và chấp nhận nhau trong cuộc sống, nhất là trong hôn nhân là điều không dễ dàng. Phần lớn mục đích của đời người là quyền lực, tiền bạc, danh vọng nhưng cũng có người sống để yêu thương. Yêu thương cao đẹp nhất là yêu thương của Chúa Giê Su. Yêu thương là tha thứ và chấp nhận. Tha thứ và chấp nhận là dấu chỉ của yêu thương như Chúa đã yêu thương và xả thân để cứu chuộc loài người.

    Hai người lắng nghe và cảm thấy thấm thía vì những lời bình dị của vị linh mục. Đó không phải là những điều gì cao siêu, xa lạ, trái lại rất giản dị, giản dị như chân lý nhưng không dễ gì nhận ra và càng khó khăn hơn khi sống thực với chân lý. Hôn nhân là một cuộc hạnh phúc bi thảm trong đó hai người cảm thông, gần gũi, chia sẻ nhưng cũng mâu thuẫn và xung đột thường xuyên. Nước mắt chảy trên nụ cười và nụ cười chan hòa nước mắt. Hai người đã thâm cảm điều này và rõ ràng không gì có thể giúp gắn bó cuộc hôn nhân ngoài yêu thương, chấp nhận và tha thứ. Quả thật như vậy. Bằng kinh nghiệm riêng của đời mình, họ cảm thấy yêu thương thực sự phải bao hàm chấp nhận và tha thứ. Chấp nhận và tha thứ mới thực sự yêu thương.

    Linh mục tiếp tục nghi thức, yêu cầu hai người trả lời ba câu hỏi về tự do đến với cuộc hôn nhân, về sự yêu thương kính trọng nhau và về việc nuôi dạy con cái. Sau đó, ông thực sự xúc động khi đọc lời hứa sẽ chung thủy với nhau lúc vinh quanh cũng như hoạn nạn, tôn trọng nhau trong mỗi ngày và mọi ngày suốt đời mình. Đó là một nghi thức nhưng không phải chỉ là nghi thức vì nó động chạm đến những điều rất sâu xa.

    Chung thủy. Một khái niệm tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp và tiềm ẩn biết bao gian nan. Đã không ít lần ông hoài nghi về giá trị của lòng chung thủy. Chung thủy có cần thiết không nếu người ta đã thay lòng đổi dạ và chán ghét lẫn nhau. Chung thủy lúc đó chỉ là bản án chung thân khổ sai và phân ly mới là giải pháp tốt dù không được vẹn toàn. Hãy sống cùng nhau khi yêu thương và hãy chia tay khi không còn tình cảm. Nếu được, hãy chia tay nhẹ nhàng và thân ái. Nhưng có thể làm đơn giản như thế không? Cuộc hôn nhân là một hòa nhập sâu xa của cả hồn xác và những đứa con kết tinh tình yêu thương, ràng buộc và trách nhiệm. Lẽ nào chia tay chỉ là chia tay giản đơn như hai người khách ngồi gần nhau trên một chuyến tàu khi đến ga tạm dừng. Nếu có thể chấp nhận, tha thứ và tôn trọng nhau sao lại không thể cùng nhau đồng hành cho đến hết cuộc đời, dù cho phải tự kiềm chế, hoàn thiện bản thân và sống hết lòng vì người bạn đời trong từng ngày. Yêu thương không chỉ là đắm say của buổi ban đầu. Và chỉ có thể chấp nhận, tha thứ và tôn trọng nhau khi mỗi người gột bỏ lòng ích kỷ, sự kiêu căng mênh mông nơi bản thể. Làm được thế cũng là yêu thương, thứ yêu thương đã trải qua trui rèn và thấm đẫm mọi hương vị ngọt bùi, đắng cay của cuộc đời trần thế.

    Khi linh mục hướng dẫn hai người đeo nhẫn cho nhau, ông quay sang nàng và thấy hai giọt nước mắt lăn dài trên má nàng. Họ đã không hề đeo nhẫn trong suốt hai mươi lăm năm chung sống và đã kiêu hãnh về điều này. Họ đã đến với nhau hoàn toàn tự do, không cần nghi thức và cũng không cần chiếc nhẫn dấu chỉ của ràng buộc. Họ đã hứa với nhau, khi cần họ sẽ tự do ra đi như đã tự do tìm đến. Không ít lần họ đã tính đến chuyện chia tay, mỗi người hoặc cả hai người cùng nghĩ đến, vì những lý do này khác, nhưng rồi một cái gì sâu xa đã giữ họ lại, cho đến tận bây giờ. Lần đeo nhẫn sau hai mươi lăm năm chung sống phải chăng là biểu hiện của sự chấm dứt mọi hoài nghi, là sự tình nguyện thật sự tự do sau khi đã tự do đi qua mọi chặng đường hoan lạc và khổ ải. Những giọt nước mắt của nàng tiếp tục rơi trên chiếc nhẫn định mệnh của tự do. Nàng không lau và ông cũng không muốn lau cho nàng những giọt mặn trong ngời của tình yêu thương đã thánh hóa sau một chặng đường dài trần thế.

    Nhìn những giọt lệ của nàng, vị linh mục cúi đầu trầm tư một lúc lâu và đột nhiên thay vì làm dấu thánh để kết thúc buổi lễ và chúc phúc cho hai người, ông tự dưng nhớ đến câu chuyện về thánh Jérome dâng hiến cho Thiên Chúa. Ông tiếp tục nói về thánh Jérome bằng một giọng run run đầy xúc cảm như chưa bao giờ xảy ra trong các buổi thánh lễ mà ông đã thực hiện hàng ngàn lần trong đời làm linh mục của mình.

    “- Con có gì để dâng hiến cho ta?
    - Thưa Ngài, con xin dâng hiến trái tim, vật quý nhất của đời con.
    - Không, ta không cần trái tim của con. Ta đã có trái tim bác ái để yêu thương cả loài người.
    - Vậy thì con là một nhà bác học, bộ óc của con được người đời xem là vĩ đại, con xin dâng hiến cho Ngài.
    - Không, ta cũng không cần. Ta là Đấng Toàn Năng, Toàn Tri. Ta cần gì bộ óc gọi là vĩ đại của con nhưng thật ra đối với ta vô cùng bé nhỏ.
    Thánh Jérome im lặng bối rối.
    - Vậy con có những giọt nước mắt không?
    - Thưa có.
    - Tại sao con không dâng hiến cho ta những giọt nước mắt để ta chia sẻ cùng con.
    - Thưa con xin vâng.
    - Con có nỗi cô đơn đau khổ nào không?
    - Thưa có.
    - Tại sao con không dâng hiến cho ta nỗi cô đơn đau khổ để ta có dịp an ủi, gần gũi con hơn.
    - Thưa con xin vâng.
    - Con có tội lỗi nào không?
    - Thưa có.
    - Tại sao con không dâng hiến cho ta tội lỗi của con để ta có dịp tha thứ như đã tha thứ mọi tội lỗi của loài người.
    - Thưa con xin vâng.”


    Linh mục không bình luận gì sau câu chuyện, làm dấu thánh kết thúc buổi lễ và đề nghị hai người ở lại tĩnh tâm thêm một lúc trước khi ra về. Linh mục lại nhẹ nhàng khép cánh cửa hông nhà thờ không một tiếng động như lúc vào.

    Còn lại hai người, nàng chớp mắt nhìn ông rồi lặng lẽ đến quỳ trước tượng Đức Mẹ phía bên trái trong nhà thờ. Ông nhìn theo. Nàng vẫn dịu dàng, thiết tha và bé nhỏ đến mong manh như ngày xưa, lúc hai người cầm tay nhau bước lên chiếc máy bay của tự do và số phận.

    Chợt cánh cửa hông nhà thờ hé mở và một phụ nữ gần như lẻn vào. Bà ta trạc tuổi nàng, đôi mắt u buồn. Bà đi đến sau lưng nàng, làm dấu thánh và quỳ xuống trước tượng Đức Mẹ. Bà gục đầu trên đôi bàn tay rồi hai vai run lên thổn thức. Một lúc lâu sau, như đã bình tâm, bà lặng lẽ đứng dậy làm dấu thánh rồi rời khỏi nhà thờ.

    Trong khung cảnh hầu như tuyệt đối thanh lặng của giáo đường, ông vẫn ngồi yên nhìn cảnh tượng đó diễn ra như trong một cơn mơ. Ông chợt nhớ đến một truyện ngắn ông đã viết gởi đăng báo cách đây khá lâu. Xúc động vì một câu chuyện bi đát diễn ra ngay dưới chân tượng Chúa Giê Su trước nhà thờ, ông đã viết một truyện ngắn mang tính tượng trưng về sự tỉnh thức của một nhà thơ trước thực tế tàn bạo của cuộc đời, trong đó có câu: “Tượng Chúa quay lưng lại, đứng im sững giữa hàng rào sắt bao quanh. Tượng chúa nhìn vào nhà thờ cửa đóng kín bên kia đường, quay lưng lại với cuộc đời”. Vào lúc đó, khi cái ác đang lan tràn, ông không bài xích tôn giáo nhưng ông không tin tôn giáo có thể cứu rỗi con người mà chỉ có thể dùng bạo lực để đối đầu với bạo lực. Bây giờ ông nhận ra rằng, bất cứ với mục đích nào dù tốt đẹp đi nữa, bạo lực chỉ dẫn đến bạo lực, oán thù chỉ kêu gọi oán thù, ngay cả trong cuộc sống hôn nhân. Chỉ có yêu thương mới mang lại hòa bình cho trần thế và thanh thản cho tâm trí con người. Và điều tinh túy nhất trong tôn giáo chính là cái gì đã mang lại sự bình an và thăng hoa cho tâm hồn, bằng tình yêu thương của một Đấng Tối Cao.

    Ông liên tưởng đến động tác Guru puja – hiến dâng cho Đấng Tối Cao – cuối mỗi buổi thiền. Quỳ gối, hát một bài hát Sanscrit cổ nội dung nói lên khát vọng hiến dâng, hai bàn tay xòe ra, tưởng tượng trong đó có một đóa hoa sen với bất kỳ màu sắc nào tượng trưng cho những ý nghĩ đang đến trong đầu, dù tốt đẹp hay xấu xa, hạnh phúc hay đau khổ, và ngay cả tội lỗi, hiến dâng cho Đấng Tối Cao. Đấng Tối Cao chấp nhận tất cả và con người ngưỡng vọng – sùng tín sẽ được giải thoát, trở nên tự do đối với mọi ràng buộc, vui buồn của trần thế. Con người đó sẽ hòa nhập làm một với Đấng Tối Cao, trở thành chính Đấng Tối Cao.

    Ông nhẹ bước đến đặt tay lên vai nàng. Nàng ngước nhìn ông, đôi mắt tỏa sáng một niềm tin yêu ấm áp, như ngày xưa lần đầu tiên hai người gặp gỡ. Ông cầm tay dắt nàng ra khỏi giáo đường. Khi cánh cửa khép lại đằng sau, ông thấy rõ từ đây hai người sẽ cùng nhau đi đến cuối đường trần thế, trong một cuộc hành trình trăm năm, trước khi tiếp tục viễn du vào cõi hư không.

    Tiêu Dao Bảo Cự


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X