Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tiếng Huế

Collapse
X

Tiếng Huế

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiếng Huế

    Tiếng Huế tam tập
    (lượm trên net)

    Tập Một

    Đi đâu thi` nói “đi mô”
    “O nớ” ám chỉ “Cái Cô” chung trường
    “Ốt dột” khi tui nói thương
    Có nghĩa “mắc cỡ” má vương nụ hồng.
    “Khôn” là đồng nghĩa với không
    Chẳng muốn lấy chồng, “khôn muốn lấy dôn”
    “Đoản hậu” là “Ác” en ni
    Tui đã … im lặng cứ đi theo hoài
    Nhà tui còn khoảng đường dài
    Có chi noái nấy, ngày mai hết rồi
    Trên cao thì nói “trên côi”
    “Đi rượng” là lúc sóng đôi như chừ
    “Phủ phê” là lúc thặng dư
    Như là tình cảm “đã nư”, no đầy
    “Như ri” có nghĩa như vầy
    … Mô Tê Răng Rứa, em quây … mòng mòng
    ======>=====>=====>=======>======

    Tập Hai

    “Ở nể” đồng nghĩa ở không
    Trai hông lí dzợ., không chồng “ế dôn”
    Ngu ngu thì nói “”khôn khun”
    Dại dại mô tả “đù đù” mặt ra
    Còn trẻ thì nói chưa “tra”
    Tới tuổi già già khú đế là “ôn”
    Có cô thiếu nữ lấy “dôn”
    Lấy được ông chồng thăng chức “mụ o”
    “Răng chừ” đồng nghĩa “”khi mô”
    “Khi mô” có nghĩa khi nào đó thôi
    “Khi mô” có cặp có đôi
    “Răng chừ” hết cảnh tuổi đời bơ vơ
    Đơn côi “cái trốt” dật dờ
    Là ôm đầu bạc “”cà ngơ” một mình
    Lặng yên thì nói “mần thinh”.
    Để nghe len lén duyên tình giăng tơ.
    “Mua lửa” thì thật phải lo
    Vì là mua chịu ai cho “lửa” hoài
    “Mắc lửa” là thiếu nợ dài
    “Lửa” chi không thiếu, chẳng phai “lửa tình”
    “Sáng mơi” là lúc bình minh
    Của ngày kế tiếp, nong tình đem phơi
    “Bữa tê” em hẹn lại chơi
    Quên bẵng cái việc em mời bữa kia
    “Bữa tề” mang lịch ra chia
    “Bữa tể” là trước bữa kia hai ngày
    “Bữa ni” là bữa hôm nay
    Là lúc đương nói hàng hai đây nì
    “Mần chi” ai hỏi làm chi
    Em muốn làm gi`, “răng hoải mần chi?”
    Thế này thì nói “ri nì”
    “Rứa tề”, thế đó mần chi đây hè?
    Cái cây thì noái cái “que”
    Còn ở trước hè lại nói cái “cươi”
    Cái “ôn” bản mặt tươi tươi
    Ưa đi tán bậy là người “vô duyên”
    ======>=====>=====>=======>=======>

    Tập Ba:

    Lấy chồng răng gọi mụ o ?
    Anh trai lấy vợ, mình thành mụ o
    mụ o hiền hậu khỏi lo
    mụ o nhiều chuyện là mụ o “dọn” mồm
    Tối qua thi` noái “khi hôm”
    Hoàng hôn: “Chạng vạng, nghe run quá trời
    Sớm mơi mang “chủi xuốt cươi”
    Sài Gòn nghe thấy thì cười bò lăn
    Lỡ ưng rồi, biết mần răng !
    Cái giọng trọ trẹ…..cũng muốn ăn chung một nồi
    Con gái chưa noái đã cười
    Bị người ta noái là người vô duyên.
    Đọc thơ Cai, thấy đã ghiền
    Huế ơi nhớ quá, muốn bay liền ra ngay…


    Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu, phức tạp, nhiêu khê, đa dạng và phong phú hơn nhiều . Tùy vào từng địa phương của Huế, cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; lúc thanh tao khi khó hiểu .
    Xin được đơn cử một câu rất Huế, một tâm sự kín đáo giữa hai o đang tuổi lấy chồng: “Tau noái với mi ri nì, ien còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, ien chộ tau phơi ló ngoài cươi, ien kiêu tau vô, bồn tau lên chờn, cái ba . . . ien đẩn . Mi quai chướng khôn ?”
    Sở dĩ tâm sự kín đáo vì đây là chuyện riêng của hai người, nói bằng thổ ngữ, nhưng ý nghĩa thì như vầy: “Tao nói với mày như vầy, ảnh còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, ảnh kêu tao vào, bồng tao lên giường, rồi ảnh . . . Mày coi có kỳ không ?” .

    Chữ đẩn, ngoài ý nghĩa một trong bốn cái nhất của đời người trên còn có nghĩa như ăn: “Đẩn cho bưa rồi đi nghể” . Ăn cho no rồi đi ngắm gái . Đẩn cũng có nghĩa là đánh đòn: “Đẩn cho hắn một chặp !”(Đục cho hắn một hồi!) .

    Chữ đẩn còn được phong dao Huế ghi lại:
    Được mùa thì chê cơm hẩm
    Mất mùa thì đẩn cơm thiu
    Xin được thêm một câu ngăn ngắn gần như rặt thổ ngữ của Huế mà, nếu không có . . . thông dịch viên gốc Huế hoặc Huế rặt, e rằng khó mà . . đã thông cho được:
    “Thưa cụ mự, bọ tui vô rú rút mây về đươn trẹt, bọ tui chộ con cọt, rứa mà nỏ biết ra răng, con cọt lủi, lủi năng lắm, bọ tui mờng rứa thê ! Chừ mạ tui cúng con gà, cụ mự qua chút chò bui .”

    (Thưa cậu mợ, bố con vào rừng rút mây về đan rá (hoặc nia), bố con thấy con cọp, vậy mà chẳng biết sao; con cọp chạy trốn, chạy lẹ lắm; bố con mừng quá . Giờ mẹ con đang cúng con gà, cậu mợ qua chút xíu cho vui) Khó hiểu chưa ? !
    Thổ ngữ ở Huế thì nhiều lắm và cũng lạ lắm, và vì tiêu đề của bài này là lan man về những thổ ngữ đó, nên xin được nhẩn nha tìm lại chút ít những gì đã mất và ôn lại những gì đang còn xài .

    Vì trang báo có hạn, không thể giải thích từng chữ một, nên trong bài này, xin được ghép thổ ngữ thành từng câu, từng nhóm thổ ngữ, vừa đỡ nhàm chán lại ra câu ra kéo, có đầu có đuôi hơn: “Đồ cái mặt trỏm lơ mà đòi rượn đực!” (Thứ mặt mày hốc hác mà đòi hóng trai) Độc chưa ?
    O mô mà lỡ mang cái nhãn không cầu chứng tại tòa này chắc phải ở giá hoặc phải chọn kiếp . . . tha hương may ra mới có được tấm chồng .

    Chữ rượn gần đồng nghĩa với câu con ngựa Thượng Tứ, câu này cũng độc không kém . Thượng Tứ là tên gọi của cửa Đông Nam, bên trong cửa này có Viện Thượng Kỵ gồm hai vệ Khinh kỵ vệ và Phi kỵ vệ chuyên nuôi dạy ngựa cho triều đình Huế . Vì thế gọi ngựa Thượng Tứ có nghĩa bóng bảy xa xôi rằng con đó nó ngựa lắm, nó lắm, nhưng thâm thuý hơn nhiều
    “Mệ cứ thộn ló vô lu, còn lưa, tui này lại !” (Bà cứ dồn lúa vô khạp (cho đầy), còn dư ra, con mua lại) .

    Chữ lưa cũng còn có nghĩa là còn đó như trong hai câu trong bài ca dao Huế: Cây đa bến cộ (cũ) còn lưa (còn đó)
    Con đò đã khác năm xưa tê rồi

    Này lại (mua lại); tiếng này thường chỉ dùng nơi xóm giềng, thân cận; tương đương với chữ nhường lại, chia lại, mua lại . Chứ không dùng ở chợ búa hoặc nơi mua bán um sùm Đập chắc lỗ đầu, vại máu! (Đánh nhau bể đầu, toé máu!)

    Thương bọ mạ để mô ? Để côi trốt ! Chắc chúng ta cũng thường hay hỏi lũ con lúc chúng vừa tập nói, vừa biết tỏ tình thương đối với cha mẹ, câu này có nghĩa: “Thương bố mẹ để đâu ? Để trên đầu!” Rồi đưa ngón tay chỉ chỉ, miệng cười cười, nghe hoài không biết chán

    Tra trắn rứa mà còn ở lỗ ! (Chững chạc, già đầu vậy mà còn cởi truồng) . Ở lỗ cũng xuất hiện trong câu phương ngôn “ăn lông ở lỗ” hoặc “con gái Nam Phổ, ở lỗ trèo cau!”

    Lên côi độn mà coi (Lên trên đồi mà xem .) Chữ coi về sau này đã phổ biến đến nhiều địa phương khác .
    Mự đừng có làm đày ! (Mợ đừng có lắm lời, thày lay) . Riêng chữ cụ mự thường là dùng cho cậu mợ . Người Huế ít dùng chữ cụ để chỉ người già vì đã có chữ ôn hay ông . Điển hình như cụ Phan Bội Châu với chuỗi ngày “an trí ” ở Huế, dân Huế đã có tên gọi ông già Bến Ngự, hoặc trong ca dao Huế, khi nói đến cụ Phan:
    Chiều chiều ông Ngự ra câu
    Cái ve cái chén cái bầu sau lưng

    Chộ chưa ? Nỏ chộ ! (Thấy chưa ? Không thấy !) Nỏ là lối phủ nhận gọn gàng pha chút giận hờn, chanh cốm như chả biết, chả ăn, chả thèm vào ! Hắn mô rồi ? Nỏ biết ! Chữ nỏ biết ở đây pha chút, chút xíu thôi sự phủi tay về cái chuyện hắn đang ở đâu ! Tục ngữ Huế: Có vỏ mà nỏ có ruột .

    Khóc lảy đảy, không biết ốt dột ! (Khóc ngon khóc lành, không biết xấu hổ!) .

    En dòm tui, tui dị òm ! (Anh ấy nhìn tôi, tôi thẹn quá !) Chữ òm người Huế vẫn thường dùng để bổ túc cho cái phủ định của mình: Ngon không ? Dở òm !

    O nớ răng mà không biết hổ ngươi ! (Cô đó sao mà không biết mắc cỡ !) Hổ ngươi cũng là tên của cây trinh nữ, cây mắc cỡ . Cũng như xấu hổ, thẹn, mắc cỡ thì ốt dột, dị và hổ ngươi có nghĩa khác nhau tuy chút ít nhưng tinh tế, nhẹ nhàng

    Chiều hắn cho gắt, hắn được lờn !: Chiều nó cho lắm vào, nó làm tới . Mời ôn mệ thời cơm: Mời ông bà dùng cơm .

    Mệ tra rồi mệ chướng: Bà ấy già nên sinh tật . Chữ chướng, người Huế cũng thường dùng để chỉ mấy đấng nhóc tì khóc nhè, bướng bỉnh hoặc các vị có lối nói, cách hành xử ngang như cua .

    Ăn bụ cua cho hết đái mế: Ăn vú cua cho hết đái dầm . Chữ bụ cũng dành cho người và các loài có vú khác . Bụ mạ là vú mẹ, bọp bụ là bóp vú .

    Bữa ni răng tau buồn chi lạ, buồn dễ sợ luôn ! (Sao hôm nay tao buồn quá, buồn quá trời luôn !) . Dễ sợ, với người Huế không đơn thuần ở nghĩa thấy mà ghê ! hoặc khủng khiếp quá !, mà còn có nghĩa, thí dụ: Con nớ đẹp dễ sợ !: Con bé đó đẹp quá trời !

    Răng mà cú tráu rứa tê ?: Sao mà cộc cằn quá vậy ? Chữ cú tráu nếu phát âm đúng với giọng Huế thì nghe nặng hơn chữ cộc cằn nhiều, có lẽ phải gom thêm mấy chữ như thô lỗ, vũ phu thì mới lột tả được hết nghĩa .

    Huế nói trại :

    Nói trại là nói sai giọng, không đúng âm theo giọng viết, nói trại đôi khi cũng dùng trong trường hợp “nói khác đi, nói cách khác” . Cách nói bị biến âm này rất phổ thông ở Huế, nhất là dân cư vùng biển . Nói trại làm cho âm thanh nặng hơn, khó hiểu hơn .

    Con tâu tắng ăn ngoài bụi te tức là con trâu trắng ăn ngoài bụi tre . Tời tong tẻo, nước tong veo: Trời trong trẻo, nước trong veo .
    Hầu hết những từ bắt đầu bằng “nh” đều được người Huế nói trại thành “gi”: già (nhà) . Giớ già giớ vợ ở già: Nhớ nhà nhớ (luôn) vợ ở nhà!
    Những từ bắt đầu bằng “s” thì nói trại ra thành “th”:
    Ăn thung mặc thướng:Ăn sung mặc sướng hoặcThầy gòn là Sài gòn, hoặc nữa: Noái năng thòng phẳng: nói cho sòng phẳng, rõ ràng . Lối phát âm của người Huế không xác định được âm cuối là “n” hay “ng”:
    Con thằng lằng chép miệng thở thang !: Con thằn lằn chép miệng thở than!
    Những chữ có âm “o” thường nói trại ra “oa”: Xa voài voại, noái khôn tới, với khôn được, ngó khôn chộ: Xa vòi vọi, nói không tới, với không được, nhìn không thấy!
    Hoặc nữa: Đi coai boái, thầy boái noái đi coai cái voài voai
    Đi coi bói, thầy bói nói đi coi cái vòi voi !

    Những chữ có âm “ô”, người Huế thường nói trại thành âm “u”:
    Thúi trong thúi ra: Thối từ trong ra ngoài. Túi lửa tắt đèn: Tối lửa tắt đèn.
    Nậy rồi mà mũi rãi thò lò !: Lớn đầu mà mũi rãi lòng thòng ! Chữ thò lò cũng đã góp mặt trong ca dao Huế:
    Học trò thò lò mũi xanh
    Cầm cái bánh đúc chạy quanh nhà thầy !

    Vô rú mà đốn săng: Vào rừng mà đẵn gỗ . Săng cũng đã góp mặt trong mấy câu hò giã gạo với lối đối đáp rất “văn hóa” của Huế:
    Bên nữ:
    Lẻ củi săng chẻ ra văng vỏ
    Bỏ vô lửa đỏ than lại thành than
    Trai nam nhân chàng mà đối đặng
    Thiếp xin kết nghĩa tào khang trọn đời

    Nghĩa: Cây củi gỗ chẻ ra văng (Văn) vỏ (Võ), thảy vô lửa thì thành (Thành) than (Thang) . Cái kẹt là ý lại thâm hậu, cao xa hơn nhiều: Các danh từ :Văn, Võ Thành, Thang là những vị vua thời Tam Đại, Tây Châu bên Tàu .

    Bên Nam:
    Trâu ăn giữa vạc ló lỗ
    Đã ngụy chưa tề !
    Nam nhân chàng đã đối đặng
    Thiếp đã chịu theo chàng hay chưa ?

    Nghĩa: Con trâu (Trâu) ăn giữa vạt lúa trổ (Lỗ), sao kỳ quá vậy ? Ý ư, cũng điển tích như ai: Trâu, Lỗ, Ngụy Tề là bốn nước thời Xuân thu Chiến Quốc cũng ở bên Tàu luôn . Còn hai người có “tào khang” với nhau được hay không là chuyện . . .
    của họ

    En trên rầm thượng bổ xuống, nằm ngay đơ cán cuốc, phải địu đi nhà thương !: Anh ấy té trên rầm thượng té xuống, nằm cứng như cán cuốc, phải bồng, cõng đi nhà thương ! ( Bệnh viện ).
    Rầm thượng là gác lửng, hay kho chứa bên dưới mái nhà ? Ở Huế, rầm thượng không phải là chỗ ngủ nghỉ mà là nơi chứa những đồ gia dụng đáng giá nhưng phải cỡ nhỏ, vì không có lối lên . Muốn lên rầm thượng, phải bắc thang; thân phụ tôi đã dùng rầm thượng để cất giữ những đồ cổ vừa phải, không qúy lắm .Còn nếu qúy nữa thì bỏ vào rương xe, một thứ tủ thấp đóng bằng gỗ thật dày, có nắp đậy, có luôn 4 bánh xe để đẩy vì khiêng không nổi, nặng quá mà ! Mặt bằng của rương xe là cái đi-văng, tối tối cứ trải chiếu nằm ngủ trên đó là khỏi lo trộm đạo

    Nước mắt chặm hoài không khô, răng khổ ri nì trời !: Nước mắt lau, thấm hoài không khô, sao khổ vậy nè trời ! Chữ chặm cũng đã lãng đãng trong mấy câu hò giã gạo, mà vì não nùng ai oán quá, nghe hò xong e phải . . bỏ chày luôn:
    Hai hàng nước mắt như mưa
    Cái khăn lau không ráo
    Cái áo chặm không khô
    Công anh đổ xuống ao hồ
    Quì thưa bẩm dạ thuở mô đến chừ !

    Mặt mày chạu bạu, ai chịu cho thấu !: Mặt mày một . . đống, ai chịu cho nổi ! Chữ thấu cũng có nghĩa là tới: Kêu trời không thấu: Kêu không tới trời; Vô thấu trong Thầy gòn: Vô tuốt trong Sài gòn . Mả cha cái thằng vô hậu: Tiên sư cái thằng đoảng

    Ăn trầu cơi thiếc: Ăn trầu (để) trong hộp, quả bằng thiếc . Cái cơi thiếc cũng đã đi vào tục ngữ Huế: Uống nước chè tàu, ăn trầu cơi thiếc.

    “Mả cha mi” là tiếng chửi, lời nhiếc mắng rất thông dụng ở Huế, đồng nghĩa với “mồ cha mày” . Lối chửi này ít thông dụng ở những địa phương khác .

    Đi xe hay đi chưn xuống rứa ?: Đi xe hay đi bộ xuống đây vậy ?

    Túi thùi thui, có chộ chi mô !: Tối quá, không thấy gì hết!

    Rạt gáo rồi mà còn làm le làm gió !:Cạn túi rồi mà còn làm chảnh, làm sang !

    Ăn đoại cơm hến, uống đoại nước chè: Ăn tô cơm hến, uống bát nước chè (xanh) .
    Tục ngữ Huế: Ăn lưng đoại, làm đoại lưng (làm muốn gãy lưng !) .
    Cơm hến, chẳng có chi cầu kỳ, nhưng nhiều mùi vị với lưng bát cơm nguội, rau sống, thân chuối non, rau mùi xắt nhuyễn, nước luộc hến chan vô, cho chút xíu ruốc, bỏ chút ít hến xào, thêm vài trái ớt, đúng với cái ít ỏi của Huế .
    Error! Filename not specified.Bữa ni đi kéo ghế: Hôm nay đi ăn nhà hàng . Người Huế, nhất là ở thôn quê, thường dọn cơm trên phản, trên tấm ngựa . Không dọn trên bàn nên khỏi có cái vụ kéo cái ghế mà ngồi vào bàn . Vì thế, mỗi khi được dịp đi ăn ở quán, ở nhà hàng thì gọi là đi kéo ghế .
    Huế làm đày làm láo, Huế nói chữ
    Vâng, người Huế, nhất là mấy o, mấy mệ thì ưa ăn nói văn hoa chữ nghĩa, ưa đa sự đa lự, ưa . . . làm đày làm láo, tức ưa xảnh xẹ, ưa nói lý nói sự, nói dông nói dài . Thêm vào đó, phải nói cho hay, khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan thì “tụng” mới phê !
    Cái phong cách noái lặp đi lặp lại của người Huế vừa như là một cách nhấn mạnh, vừa có vẻ dạy đời lại vừa mang nhiều ý nghĩa khác, xa xôi hơn, thâm thúy hơn nữa.
    Để mô tả cái sự lanh chanh lắm, xí xọn quá, lu bu lắm . Người Huế ít khi dùng chữ lắm hay chữ quá mà dùng điệp ngữ:Cái con nớ, lanh cha lanh chanh ! Mấy mụ o giọn (nhọn) mồm tức mấy bà chị chồng mỏng mép của Huế vẫn đôi khi chê em dâu: Răng mà hắn vô phép vô tắc rứa hè !: Sao mà nó vô phép quá vậy!
    Về màu sắc, người Huế thường có lối nói điệp ngữ để nhấn mạnh:
    xanh lè lè, đỏ lòm lòm, đen thùi thui, vàng khè khè, tím giắt giắt (tím ngắt) .

    Bởi, cà rịch cà tang rứa mà đoài làm giôn !: Vậy đó, tà tà, lè phè vậy mà đòi làm rể !
    Còn nữa, để than trách ông trời sao mưa lâu quá, mấy o ngồi chỏ hỏ trong nhà dòm ra, chép miệng than dài than ngắn: Mưa chi mưa mưa thúi đất thúi đai !.

    Một bà mẹ tụng cô con gái, một bà chị cả mô-ran cô em thứ mà nghe cứ như là đang đọc một bài đồng giao với vần điệu, trầm bổng cũng là một trong những sinh hoạt dưới mái gia đình:Mi phải suy đi nghĩ lại cho kỹ ! Mi coi, là con gái con lứa, đừng có đụng chăng hay chớ, cũng đừng lật đa lật đật, cũng đừng có mặt sa mày sỉa . Bọ mạ thì quần ống cao ống thấp, tất ba tất bật để nuôi mình . Tau thấy mi rứa, tau cũng rầu thúi ruột thúi gan !

    Cái thông điệp cho thằng em trai thì: Năm tể năm năm tê, mi còn lẩm đa lẩm đẩm, mũi rãi thò lò, chừ mi nậy rồi, phải biết ăn biết noái, biết goái biết mở, vô khuôn vô phép . Chớ mai tê mốt nọ mi nên vai nên vế, nên vợ nên chồng, làm răng mi bông lông ba la hoài như cái đồ trôi sông lạc chợ cho
    được ?!
    Mấy ôn, khi giáo huấn con cháu, vẫn thường trích dẫn ca dao, tục ngữ để đệm thêm cho ý tưởng của mình: Đó, mi thấy đó . Ai ơi chớ phụ đèn chai, thắp trong Cần Chánh rạng ngoài Ngọ Môn . Mi đoảng, mi vô hậu, được bèo quên rá, được cá quên nơm; thì mi lấy ai mà bầu bạn, lấy mô mà tri kỷ !
    ================================================== ======================================
    Xa Huế đã lâu lắm rồi, từ ngày vừa biết tập tành đi nghễ mấy o Đồng Khánh, vừa ngấp nga ngấp nghé muốn vào (nhưng sợ bị chưởi) nhấm nháp thử ly cà phê đen sánh của cà phê Phấn, nơi mà các anh hùng trong thiên hạ vẫn tấp nập ra vào; và cũng vừa biết để dành tiền để mua những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn tại nhà sách Ưng Hạ . Phong cách Huế không ít thì nhiều cũng đã phôi pha, thổ ngữ Huế cũng không mấy khi có dịp để dùng lại cho đỡ giớ, cho khỏi quên; thành ra cũng xao lãng đi nhiều . Trong cái xao lãng bỗng có ý nghĩ muốn tìm lại, noái lại tiếng noái của thời cũ rích cũ rang nhưng đằm thắm đó . Cho nên chỉ xin được ghi lại đây những gì còn nhớ mài mại, để gọi là khơi lại chút âm thanh của những ngày xưa cũ .
    Last edited by thanphongkingwood; 11-19-2013, 03:56 PM.
    Mời bạn ghé thăm nhà:
    http://thovanyenson.com

  • #2
    Chiếc Nanh Heo Rừng

    Chiếc Nanh Heo Rừng
    (lượm trên net)
    Tác giả: Phương Hoa


    Nó hình cong lưỡi liềm, dài chừng bảy phân tây, đầu mũi nhọn hoắt, đầu gốc vun vun dẹp được bọc bạc và chạm trỗ dày đặc hoa văn, sáng trắng đồng màu với sợi dây chuyền. Tòan thân nó bóng loáng màu ngà, nhưng khoảng giữa có điểm những đường vân nâu sậm vắt ngan xeo xéo. Nó được đặt trên chiếc khăn trắng nằm cạnh hồ bơi, khăn của trung tâm thể dục, cùng với cái bình nước nhỏ màu xanh loại có gắn ống hút.

    Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó, trong lúc ngồi chờ xem có ai đó "get out" khỏi hồ bơi, để tôi...nhào vô. "Racquet & Health Club" là trung tâm thể dục rất lớn, tọa lạc tại một vùng gần ngọai ô thành phố Yuba, xung quanh có nhiều cây maple (cây thích) và những khóm hoa dạ lý. Trung tâm có đầy đủ các lọai dụng cụ thể dục, nhiều sân Tenis, phòng tắm hơi, tắm nắng, bốn hồ bơi và hồ "Spa" đấm bóp nước nóng, nước lạnh, trong nhà và cả ngoài trời. Mỗi hồ bơi được chia ra bốn làn đôi có ngăn dây nổi, mỗi làn cũng được chia hai bằng một vạch sơn đen dưới đáy hồ, đủ chỗ cho hai người bơi chung. "Nếu anh chị thấy trong làn chỉ có một người bơi, thì anh hoặc chị có thể vào bơi "share" với họ," người quản lý đã nói trong ngày đầu chúng tôi đến ghi danh. Tuy đã gần cuối mùa hè và trời cũng chớm sang thu, nhưng khí hậu vẫn còn oi bức, có ngày nhiệt độ đến trên chín chục nên hồ bơi là chỗ hấp dẫn nhiều người, đôi khi không đủ chỗ.

    Bơi lội là sở thích của tôi vì tôi đã sống và lớn lên ở thành phố biển Nha Trang từ thời "tuổi ngọc." Cho đến bây giờ, mỗi lần nhào xuống biển hay hồ bơi là tôi như "cá gặp nước," vùng vẫy lung tung, phải được một mình một cõi bơi tự do, bơi ào ào thì mới "đã," chứ bơi chung với ai đó cứ phải từ từ, len lén sợ nước văng làm phiền thiên hạ tôi thà là... ở nhà sướng hơn. Hơn nữa, sau mấy tháng tập trung vào kiểu bơi sải vận động toàn thân, cái lưng đau của tôi đã được điều chỉnh rất nhiều nên tôi cố gắng "lôi" ông xã đến trung tâm hầu như mỗi ngày. Khi nào hồ bơi đông người, tôi ngồi trên dãy bờ tường thấp ngăn giữa hồ bơi và hồ nước nóng "Spa" chờ có người ra trống chỗ để tôi vào bơi một mình cho thoải mái. Nhờ vậy mà tôi mới có dịp nhìn thấy chiếc nanh heo.

    Ngày xưa trong thời kỳ chiến tranh, tôi đã từng nghe nói có nhiều người qua tận bên Miên để tìm mua nanh heo rừng về đeo. Trừ những tay anh chị giang hồ đeo nanh heo rừng để "làm oai," phần lớn người ta tin tưởng đeo nó sẽ mang lại may mắn và nhất là giúp cho sự an toàn, bảo vệ tính mạng tránh khỏi "tên bay đạn lạc."

    Tôi còn nhớ khi tôi còn nhỏ, ở xã tôi có một người làm nghề pháp sư tên Kỵ, thường được người ta rước đi chữa bệnh tà, cúng đất, cúng cầu an cho gia đạo. Một lần ông ấy đến cúng đất cho người hàng xóm gần nhà tôi, ông có đeo chiếc nanh heo trên cổ. Tôi và đám con nít xúm lại coi và sợ hãi tản đi khi thấy ông làm phù phép, dùng sơn đủ màu vẽ những "ông tướng" mặt mày dữ tợn rồi đem "trấn" ở bốn góc rào nhà ông hàng xóm. Từ đó mỗi lần đi học ngan qua chỗ mấy ông tướng ngồi, nếu không có ai đi cùng thì tôi nhắm mắt chạy thục mạng, cố vượt qua khỏi chỗ "các ngài" càng nhanh càng tốt.

    Buổi tối hôm đó sau khi xong lễ, mọi người đến ăn cỗ xúm lại ngồi quanh đàm đạo cùng ông thầy. Bọn con nít chúng tôi cũng lao nhao trong nhà bếp rập rình hóng chuyện. Ông thầy Kỵ đã rất tự hào về chiếc nanh heo rừng mà ông cho là linh thiêng, đem lại "quyền lực" và "đạn bắn không trúng" của ông. Ông ta nói đó là chiếc nanh "Heo Rừng Rủ" rất quí hiếm, độc nhất vô nhị, vì nó là nanh của "heo rừng thành tinh" và rụng tự nhiên mà người thầy Miên của ông đã "yểm bùa" vào trước khi tặng ông, chứ không phải được lấy từ heo rừng săn bắn. Ông còn kháo rằng nó đã cứu ông thoát chết nhiều lần, đạn bắn vào ông không trúng, cà nông nổ gần kề cũng "chả ăn thua."

    Có phải thật sự chiếc nanh heo rừng đã "phò trì" cho ông ta hay chăng thì không ai dám chắc, nhưng người ta thấy ông ấy sống an nhàn tự tại hành nghề "phù thủy" và sau 75 vẫn ung dung làm thầy cúng cho đến hết đời mà không một lần bị bắt bớ, dù cũng có nghe chính quyền mới nhiều lần đến "bố ráp" ông. Người ta đồn rằng "ông heo rừng" thành tinh đã che mắt "mấy ổng" để cứu ông thầy.

    Không ngờ bây giờ ở Mỹ mà cũng có người đeo nanh heo rừng. Tôi thích thú nghĩ thầm rồi tẩn mẩn quan sát xem ai là chủ nhân của nó. Dưới hồ ngay chỗ để chiếc nanh heo, một tay bơi có mái tóc ngắn bạc trắng muối tiêu đang sải tay vun vút, lặn hụp nhịp nhàng làm nước văng tung tóe sang cả những làn bơi bên cạnh. Tôi căng mắt ra nhìn, cố đoán xem đó là nam hay nữ, nhưng không thể. Người ấy bơi liên tục không nghỉ tay, bơi giáp đến bên này là hụp ngay xuống để trở đầu, đạp tống vào thành hồ, vút một cái đã thấy cách bờ hồ xa lắc, y hệt một tay bơi Olympic. Quan sát một hồi, tôi cũng chỉ có thể thấy loáng thoáng được cái đầu tóc muối tiêu, hai cánh tay áo ngắn màu nâu nâu đỏ, đôi kiến lội (goggle) đen ngòm ngòm, và đôi chân nhái xanh màu mực vung vẩy giữa đám bọt nước trắng xóa.

    Bỗng bên góc trái có một bà trèo lên khỏi hồ. Tôi vội vàng đứng dậy, bước lại chỗ vòi nước lọc, uống vài ngụm rồi phóng ùm xuống hồ và bắt đầu bơi. Thường thì tôi bơi tính đủ mười "lap" tức là bơi qua lại hai chục vòng, sau đó ôm miếng xốp bơi nhẹ bằng chân, thư giãn trong vòng mười lăm phút nữa rồi qua hồ nước nóng "Spa" để cho nó "đấm lưng." Nhưng hôm ấy dù cố gắng cách nào tôi cũng không thể tập trung đếm "lap" được vì mắt tôi cứ mãi dán vào cái làn bơi "nanh heo" ở cuối hồ. Người ta nói "đàn bà là chúa tò mò" quả không sai. Thật là kỳ cục. Không dưng tôi lại quan tâm, muốn biết mặt chủ nhân của chiếc nanh heo để làm gì nhỉ. Tôi cố gắng đến hụt hơi, bơi theo cùng chiều với "người bên ấy" nhưng không tài nào bắt kịp, chỉ qua được nửa đường thì người ta đã "lộn mèo" trở lại, liên tục không dừng lấy một lần. Tôi thầm phục cho sự dẻo dai của tay bơi.

    "Ngược xuôi tơi tả," hết bơi lại rồi lại bơi qua, cho đến khi tôi đuổi kịp về nơi bắt đầu thì cũng là lúc người đó ngừng bơi, đứng lên chống hai tay thót ngược ngồi vắt vẻo trên bờ hồ. Thì ra đó là một "lão bá bá." Ông ta gỡ cặp kiến lội ra, chộp lấy chai nước nút lấy nút để như một đứa bé bú bình. Tôi cũng dừng lại, vừa thở vừa làm động tác lội bộ vừa nhìn sang chỗ ông ta.

    Người này trông chưa già lắm, nhưng có lẽ cũng đã quá sáu mươi, mặc quần sọt hoa nâu màu lính, và cái mà tôi tưởng là "tay áo" lại là những hình xâm dày đặc trên hai cánh tay, từ vai chạy dài xuống đến khuỷu tay. Dáng người gọn gàng, khuôn mặt xương xương, chóp mũi nho nhỏ đỏ hoe vì lạnh, mắt sâu, hàm râu quai nón được gọt tỉa kỹ càng nhưng đã mọc ra lún phún làm khuôn mặt ông trông xanh kìn kịn và "ngầu" như tài tử cạo gội Al Pacino.

    Uống nước xong, ông ta chống hai tay lên bờ hồ thở dốc, làm như đã nhịn thở trong thời gian bơi liên tục vừa qua. Quần tắm hoa rừng, râu quai nón, tay chân mình mẩy đầy lông, những hình xâm rậm rạp, tất cả những thứ ấy gộp lại làm cho ông ta nhìn giống hệt một "bác" King Kong đang ngồi thư giãn trên cành cây sau một hồi "quần nhau" với đồng lọai.

    Được một lát, người đó rút đôi chân nhái bỏ sang bên cạnh, nhặt sợi dây chuyền nanh heo lên, tay kia lấy khăn lau tóc lau mặt xong thì đeo nó vào cổ. Bất chợt ông ta cầm lấy chiếc nanh heo đưa lên môi hôn một cái rất là trang trọng, giống như người ta hôn cây thánh giá, rồi đứng lên vơ vội chiếc khăn và mọi thứ, bước nhanh qua phía hồ nước nóng "Spa." Tôi sững sờ nhìn theo. Chiếc nanh heo rừng chắc chắn có một ý nghĩa nào đó rất quan trọng đối với người này. Tôi bèn đặt tên cho ông ta là "người nanh heo," và bắt đầu theo dõi ông từ hôm ấy.

    Tôi thấy ông ta hầu như mỗi ngày ở hồ bơi, lúc nào ông cũng đến vào khoảng 12 giờ trưa, lập lại những động tác quen thuộc, cởi bỏ sợi dây chuyền trên chiếc khăn, xuống bơi một hơi, lên bờ, đeo nó vào và đi qua hồ nước nóng. Điều làm tôi ngạc nhiên là ông ta liên tục chạy qua chạy lại giữa hai hồ nước nóng và nước lạnh. Nước nóng thì quá nóng, còn hồ nước lạnh thì lạnh như đá, thế mà ông ta có vẻ như không thấy lạnh chút nào, nhúng xuống hồ "Spa" một lát thì trèo lên chạy sang hồ nước lạnh và ngược lại.

    Tôi có nghe người ta nói, ngâm mình vào hồ nước nóng sau đó nhúng sang hồ nước lạnh sẽ làm cho sức khỏe dẻo dai, da thịt săn chắc, nhưng chưa một lần dám thử. Nhìn ông ta, tôi chợt liên tưởng đến miếng sắt người thợ rèn ở làng tôi ngày xưa trui vào lửa cho đến đỏ lòe rồi đem nhúng vào nước kêu cái xèo và lập đi lập lại cho đến khi miếng sắt thật sự cứng đủ làm ra cái rựa. Hình như nhờ vậy mà ông ta trông khỏe mạnh rắn chắc và nhanh nhẹn so với những người cùng độ tuổi ông mà tôi thường gặp, mập mạp phốp pháp, ngực lép bụng phình, đi đứng rủng rỉnh rung rinh, lờ đờ chậm chạp.

    Ông ta nào biết đã bị tôi quan sát kỹ như một thám tử đang theo dõi người bị tình nghi. Rất may nhà tôi không thích ra hồ bơi mà chỉ chăm lo rèn luyện mấy cái bắp thịt của ông ấy bằng cách kéo máy và chạy bộ trên Treadmill chứ nếu không có lẽ ổng cũng "question" về cái vụ tôi cứ "mắt la mày lét" nhìn theo ông Mỹ đó. Nhiều lần tôi muốn lại bắt chuyện làm quen để hỏi về cái nanh heo, nhưng mỗi lần tôi gật đầu chào thì ông ta chỉ gật đầu chào lại, mặt mày lạnh tanh, khó đăm đăm như người "bị bón," nên tôi cũng ngán.

    Dịp may đến với tôi một tuần sau đó, khi trung tâm tổ chức cuộc thi Tennis thường niên có ăn tối và hòa nhạc. Chúng tôi mua hai vé để sau khi tập thể dục xong sẽ ở lại chung vui, vì cụ chàng nhà tôi cũng có "máu Tennis" đầy người. Đến quá trưa thì một dàn nhạc "dã chiến" được sắp xếp, chuẩn bị ở bãi đậu xe cạnh dãy sân Tennis. Tất cả các sân Tennis và lối đi đều được xịt sơn xanh, màu xanh của mạ giống như sân cỏ thật, nhìn rất mát mắt. Các cây dù lớn màu sắc sặc sỡ được dựng lên rải rác khắp nơi cùng với bàn ghế bày ra bên dưới, và mấy lò nướng "Barbecue" bự chảng nằm ngạo nghễ chênh vênh ở một góc sân đang bắt đầu ngùn ngụt nhả khói, những làn khói thơm lừng mùi thịt nướng hấp dẫn người ta, làm cho ai hít vào cũng phải... chảy nước miếng.

    Khi chúng tôi ở hồ bơi ra thì khán giả đã ngồi kín hết các nơi có bóng mát bên ngoài sân Tennis, kể cả trên hai dãy ban công của trung tâm. Vì không còn chỗ trống, chúng tôi phải ra ngoài bãi đậu xe và chọn cái bàn dưới gốc một cây maple cho dễ nhìn vào sân Tennis và cũng khỏi mất công dời đi khi họ phục vụ bữa ăn chiều sau trận đấu.

    Chúng tôi thích thú ngồi xem nhiều trận đấu "ác liệt" giữa các đội nhà với nhau, những tay vợt "cây nhà lá vườn" nhưng chơi cũng hùng dũng chẳng kém gì anh em song sinh nhà Mike Bryan và Bob của Mỹ. Các đội nữ chơi cũng đẹp mắt vô cùng. "Xem mấy trận đấu thật là đáng đồng tiền bát gạo!" Ông nhà tôi thích quá nói đùa.

    Đến gần chiều, khi các trận đấu vừa kết thúc thì nhạc bắt đầu trổi lên, vui nhộn, rộn ràng, làm cho ai có máu "dancing" cũng phải bước đi nhún nhẩy. Khán giả bây giờ đã trở thành thực khách, ra chọn bàn ngồi và bắt đầu đi lấy thức ăn. Mọi người sắp hàng, thi nhau "gắp kẹp" vào đĩa của mình. Ngoài các món đặc sản của "chú Sam" như thịt nướng "Barbecue," bơ, phó mát, các lọai rau trộn và trái cây, bữa tối còn hấp dẫn thực khách bằng nhiều món đậu và bánh bắp của người Mễ. Tôi cũng đi chọn mấy món và đem trở lại bàn mình, vừa ngồi xuống thì có một người tay bưng đĩa thức ăn đầy vun, tay bưng ly nước "Brunch" cao nghều bước lại:

    - Xin lỗi, tôi có thể ngồi đây không?

    Tôi nhìn lên bỗng thấy lòng mừng khôn tả. Người đó là "ông nanh heo." Tôi từng theo dõi, "săn lùng" ông ta cả tuần nay chờ cơ hội để làm quen, không ngờ bây giờ tự dưng đến đây...nộp mạng! Và điều làm cho tôi "vui hết biết" là ông ta mặc chiếc áo nhà binh loại áo vét sát cánh, quần sọt kaki, và đội chiếc mũ lưỡi trai có hàng chữ "Vietnam Veteran." Chiếc nanh heo vẫn tòng teng trước ngực. Thì ra ông là một cựu chiến binh Việt Nam! Thảo nào. Bây giờ thì tôi đã có giải đáp cho xuất xứ của chiếc nanh heo ông đang mang trên cổ. Thích thật.

    - Ồ, xin ông cứ tự nhiên. Tôi "hồ hởi" nói với ông khi nhà tôi cũng vừa đem thức ăn lại.

    Ông ta nói cám ơn rồi ngồi xuống. Cái đĩa của ông đầy thật là đầy, nhưng ngoài mấy miếng thịt nướng ra, còn lại toàn là các loại rau đầy màu sắc, xà lách xanh, cà nút đỏ, ớt bell vàng, nấm trắng, hột ô liu đen, những mảnh bánh mì sấy... và bên trên là một lớp "Dressing" màu sữa đục được tưới ngoằn ngoèo khéo léo nhìn thật bắt mắt. Tay này quả là biết cách ăn uống "healthy," tôi thầm nghĩ.

    Trong tiếng nhạc vui rộn rã, tôi vừa ăn vừa ngầm quan sát người khách cùng bàn. Ông ta dùng nỉa trộn tất cả lại và bắt đầu nhai ngồm ngoàm, cắm cúi ăn không cần nhìn ai, ăn mạnh mẽ như "tằm ăn lên," chỉ thỉnh thoảng dừng lại uống vài ngụm nước và dùng khăn giấy thấm vào bộ ria mép. Đúng là ăn như...lính ăn! Sau một tiếng đồng hồ bơi liên tục như vậy chắc ông ta đã đói lắm. Ông ăn một hơi cho đến khi sạch đĩa. Nhìn cái đĩa trống trơn của ông ta, tôi chợt nhớ có lần cô bạn Jilly đã nói, người Mỹ họ không thích phung phí thức ăn, dù là đi ăn "Bufett" họ cũng chỉ ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu và ăn cho hết chứ không bao giờ lấy thật nhiều để rồi nửa ăn nửa bỏ. Tôi bỗng cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại những lần đi ăn "bao bụng" vì "đói con mắt" nên thấy thứ gì cũng muốn thử, lấy cho nhiều rồi "nuốt không vô" đã phải đem vất bỏ. Lần này thì tôi nhất định phải ăn cho hết những gì có trong đĩa của mình.

    Ăn xong, ông ta dừng lại lau miệng, đem vất đĩa muổng vào thùng rác, đi lấy một đĩa bánh kem tráng miệng, và trở lại bàn cùng với ly nước trái cây. Nhiều người vẫn còn tiếp tục lấy thêm thức ăn nhưng chúng tôi đã xong và dọn dẹp, trên bàn bây giờ chỉ còn lại mấy ly nước. Ban nhạc chuyển sang chơi một khúc êm dịu. Sau bữa ăn trong buổi chiều hè, ngồi dưới bóng những tàn cây maple, nhâm nhi món nước trái cây hỗn hợp giữa âm thanh của bản hòa tấu êm dịu, thật làm mát lòng người. Bấy giờ thì ông nanh heo" mới nhìn sang chúng tôi:

    - Anh chị là "Chinese" hả?

    Trời đất. Không biết ông ta "trông gà hóa cuốc" thế nào mà nghĩ chúng tôi là người Hoa nhỉ.

    - Không, chúng tôi là người Việt Nam. Nhà tôi trả lời.

    Ông ta kêu lên:

    - "Really!" -Vậy sao, thế mà bữa giờ thấy chị này hoài nhưng tôi cứ tưởng chị là người Hoa.

    Vậy ra ông tưởng tôi người Tàu nên đã "làm mặt lạnh" với tôi sao. Tại sao vậy nhỉ. Tôi cười, chỉ vào chiếc mũ của ông:

    - Ông là cựu chiến binh Việt Nam? Chiếc mũ của ông đã nói lên điều đó.

    Ông ta gật đầu xác nhận và nói: "Mỗi lần tôi đội chiếc mũ này ra phố, nhiều thanh thiếu niên đã đến chào tôi và nói "cám ơn ông đã phục vụ cho nước Mỹ," nên tôi thích đội nó." Trao đổi thêm vài chuyện bâng quơ, ông hỏi chúng tôi có biết chỗ nào bán những loại cây thuốc "herb plant," dược thảo thì chỉ dùm. Ông cho biết là không thích dùng các loại thuốc Tây "supplement" vì nó có nhiều phản ứng phụ. "Thuốc dược thảo bất quá cũng chỉ là cây lá thiên nhiên, uống vào như mình ăn rau trái, nếu không lợi thì cũng chẳng hại gì," ông nói.

    Tôi thật ngạc nhiên. Không ngờ một người Mỹ lại cũng thích dùng dược thảo như người Á Châu. Tôi ghi cho ông địa chỉ và tên hiệu thuốc Bắc của một người Việt gốc Hoa mà tôi quen ở Sacramento, nói với ông ở đó họ có thầy xem mạch và hốt thuốc chữa bệnh nếu ông cần. Ông tỏ vẻ rất mừng, cám ơn rối rít và tự giới thiệu ông tên Devin.

    Trong khi chuyện trò, tôi để ý mấy hình xâm bên cánh tay trái của ông Devin. Giữa những hình lập thể kỳ dị là một hình trái tim màu xanh đậm, và chính giữa là chữ "Tho" màu đỏ được viết rất kiểu cách, phải để ý kỹ mới đọc được. Sau khi tôi nói tên tôi và tên của ông xã, Devin hỏi:

    - Anh chị ở vùng nào bên Việt Nam?

    - Miền Trung. Nhà tôi nói.

    Ông cười thật rạng rỡ:

    - Ồ, vậy ra là anh chị ở "Hue" ư? Ngày xưa tôi đã từng làm việc ở Huế từ năm 67 đến 68 đó.

    Nhà tôi chưa kịp trả lời thì tôi đã gật đầu để cho qua chuyện, không đính chính, lòng thầm "tính kế" để lái câu chuyện sang chiếc nanh heo rừng mà tôi đã một lần thấy ông trang trọng hôn lên nó, và cái tên "Tho" rất Việt Nam xâm trên cánh tay ông cũng gợi sự tò mò của tôi.

    Thấy tôi gật đầu, mắt ông ta sáng lên, ông nhìn chúng tôi với một vẻ thân thiện lạ kỳ:

    - Vậy thì khi sự kiện "TET 68," trận chiến Tết Mậu Thân xảy ra anh chị có ở Huế không? Ông ta hỏi chưa hết câu thì giọng chùng xuống nghe buồn não ruột.

    Tết Mậu thân ư. Có người dân miền Nam Việt Nam nào mà quên được cái "Tết Con Khỉ" đẫm máu, thây phơi chật đất, máu chảy đầy...chùa chiền, đền miếu, nhà thờ, cái Tết mà tiếng pháo mừng Xuân hòa lẫn vào tiếng súng đánh nhau vang rền khắp nơi ấy nhỉ. Tôi lắc đầu:

    - Không. Khi ấy chúng tôi đang ở Nha Trang.

    Rồi để rời khỏi sự hồi tưởng quá khứ đớn đau trong một buổi chiều vui đẹp và an bình như thế này, tôi bèn lảng sang chuyện khác. Tôi chỉ vào sợi dây chuyền trên cổ ông và hỏi:

    - Đây là chiếc nanh heo rừng phải không? Đẹp quá! Ngày xưa bên Việt Nam nhiều người bạn của tôi cũng có mang những chiếc nanh heo như thế này. Ông làm sao có được nó vậy?

    - Đúng rồi. Nó là chiếc nanh heo rừng do người vợ Việt Nam của tôi tặng. Nàng ở Huế, tên "Tho," ông chỉ vào chữ Tho trong hình xâm trên cánh tay: - Nghĩa là "Poem" đó. Nói xong, ông sờ vào chiếc nanh heo, tay mân mê, mắt nhìn xa xăm, vẻ mặt thẩn thờ như đang hồi tưởng về quá khứ.

    - Ồ! Tôi kêu lên đầy thú vị. - Vậy ra bà nhà là người Việt Nam sao? Wow! Ông còn hiểu cả nghĩa tên của bà nữa. Đúng rồi! "Tho" nghĩa là "Poem" đó! Tôi lập lại và hỏi: - Ông có thể nào kể chúng tôi nghe về chuyện tình của hai người không? Bà tặng ông chiếc nanh heo này trong trường hợp nào? Bà đến Mỹ cùng lúc với ông hả? Tôi hỏi một hơi không kịp thở. Nhà tôi trợn mắt:

    - Cái bà này! Hỏi gì mà tía lia vậy, làm sao ông ấy trả lời kịp chứ!

    Dường như ông Devin bắt đầu có cảm tình với chúng tôi và cảm thấy gần gũi khi biết chúng tôi là "đồng hương" của người vợ Việt Nam của ông. Vẻ lạnh lùng trên gương mặt ông bây giờ đã biến mất, cái vẻ lạnh lùng khép kín mà tôi thường bắt gặp mỗi khi nói chuyện với những cựu chiến binh Việt Nam khác. Nếu không quen thân thì mỗi khi có ai hỏi về việc ngày xưa chiến đấu bên Việt Nam họ thường trả lời, "Tôi không muốn nhắc lại." Có lẽ đã lâu rồi Devin chưa hề có dịp để tâm sự với một ai về Việt Nam.

    Nghe tôi hỏi, ông lắc đầu buồn bã:

    - "I wish!" Tôi ước gì được như thế! Tho, "Ton Nu Thuy Tho" (chẳng biết là Thụy hay Thùy...?) không phải vợ tôi bây giờ, mà là người vợ trong quá khứ của tôi. Chiếc nanh heo rừng này nàng đã tặng tôi khi chúng tôi vừa mới yêu nhau.

    Lòng bồi hồi, tôi ngồi gần như nín thở, đợi ông Devin kể tiếp, làm như thở mạnh sẽ khiến cho tan loãng đi những gì ông ấy sắp nói ra. Trầm ngâm một lúc, rồi có lẽ vì sự xúc động bất ngờ khi gặp lại những đồng hương của người vợ cũ, hoặc vì tác động bỡi bầu không khí êm đềm của buổi chiều hè, ông Devin bằng một giọng trầm trầm bắt đầu kể chúng tôi nghe về chuyện tình của ông và Thơ cô gái Huế, cùng xuất xứ của chiếc nanh heo rừng đã theo ông bốn mươi mấy năm qua...

    Năm 1967, chàng trai trẻ Devin được điều sang Việt Nam, chức vụ thiếu úy, là cố vấn quân sự cho quân

    đội Việt Nam Cộng Hòa, làm việc ở Huế. Qua giao dịch giấy tờ, Devin được anh bạn Trung úy người Việt Nam giới thiệu làm quen với cô gái xinh đẹp tên Thơ, là người bà con của Tam, khi anh đến Việt Nam được hơn bốn tháng. Thơ là thông dịch viên văn phòng, chuyên dịch văn kiện giấy tờ cho một căn cứ quân sự Mỹ thuộc tỉnh Thừa Thiên.

    Chuyện tình của hai người gặp phải rất nhiều sóng gió. Thơ là con gái của một gia đình quyền quí, có họ hàng với vua chúa ngày xưa. Khi biết chuyện hai người yêu nhau, gia đình nàng kịch liệt phản đối, nhất quyết ngăn cấm. Đã từ lâu, từ thời Pháp thuộc, người dân Huế luôn bảo thủ, gìn giữ nề nếp cổ truyền, không muốn con cái lấy vợ lấy chồng ngọai quốc. "Người Huế không thích người ngoại quốc hiện diện trên quê hương họ, Nhật, Pháp, Mỹ gì cũng thế. Cho đến khi sự kiện Tết 68 xảy ra, họ mới hiểu họ cần sự bảo vệ của chúng tôi, và rất đông người đã chạy ùa vào căn cứ Mạc-Vi (MACV Advisory) để nhờ giúp đỡ," ông Devin nói.

    Thơ đã bị cha đánh đập, mẹ rầy la, dòng họ mắng nhiếc, làng xóm xầm xì, vì có người yêu là một anh chàng "mũi lõ." Nhưng tình yêu của Thơ đối với Devin đã vượt qua cả sự ngăn cấm của gia đình. Điều này thì tôi biết, vì cô bạn thân người Huế của tôi ngày xưa từng nói "Con gái Huế nổi tiếng là lãng mạn và đa tình, khi đã yêu ai thì yêu hết mình, chết cũng không sợ." Thơ và Devin không dám đi cùng với nhau ra ngoài, họ thường hẹn hò ở những quán bar hay căng tin trong căn cứ quân sự. Hầu hết là do Tam giúp sắp xếp.

    Những khi Devin đi công tác, Thơ ở nhà thấp thỏm không yên, nàng vô cùng lo lắng cho sự an nguy của anh. Một lần Thơ tặng cho người yêu sợi dây chuyền có chiếc nanh heo rừng. Đây là món quà từ người bạn học ở Tây Nguyên tặng Thơ, vì tin rằng nó sẽ giúp nàng may mắn, tránh khỏi hiểm nguy trong thời chiến. Chiếc nanh heo thật lớn mà Thơ là con gái không thể đeo nên đã đem cất kỹ. Và khi có người yêu thì nàng tặng cho Devin, mong nó sẽ đem lại an tòan cho anh.

    Cuối cùng, hai người phải nhờ đến Trung úy Tam cầu cứu với cấp trên của anh, nhờ họ cùng nhau đến nhà thuyết phục cha mẹ Thơ. Và gia đình nàng đã đồng ý trong miễn cưỡng cho hai người lấy nhau. Vì vậy "đám cưới nhà binh" của họ diễn ra thật đơn giản, một ngày trước lễ Giáng Sinh năm 1967.

    Khác với gia đình Thơ, cha mẹ Devin khi biết tin anh có người yêu và thấy được hình của cô gái Việt nam xinh đẹp, họ rất vui mừng. Họ gửi quà mừng cho cặp vợ chồng mới và thúc giục anh lo sẵn giấy tờ để khi anh hết nhiệm vụ trở về Mỹ thì phải đem Thơ đi cùng. Hai người đã sống với nhau rất hạnh phúc. Thơ thường nấu cho chồng những món đặc sản xứ Huế, tập Devin ăn thức ăn Việt Nam. Ông Devin nói "món ruột" của Tho mà ông rất thích là "Bun Bo Hue." Cho đến bây giờ, mỗi khi có dịp đến những vùng có nhà hàng Việt Nam, thế nào ông cũng đi ăn bún bò Huế cho bằng được.

    "Đến Tết Monkey, chưa đầy ba tháng sau khi chúng tôi đám cưới." Ông Devin nhớ lại. "Hai ngày trước Tết, Thơ nói với tôi cô ấy về quê để cùng ăn Tết với gia đình, bốn ngày sau sẽ trở lại thành phố. Tối ba mươi Tết, tôi ở trong căn cứ Mạc-Vi một mình cũng buồn nên rủ hai thằng bạn, Mike và Jack, bày ra nhậu cho vui. Ba đứa tôi thức rất khuya, vừa ăn uống vừa tán chuyện vừa nghe tiếng pháo mừng giao thừa của dân địa phương nổ râm rang ngoài thành phố. Khoảng hơn ba giờ sáng, thình lình căn cứ của chúng tôi bị tấn công, bắt đầu là một lọat pháo kích nổ ầm ầm ngoài cổng căn cứ, rung rinh cả tòa nhà. Tôi và hai thằng bạn vội vã trang bị súng ống, đội mũ sắt vào rồi ra ngoài để xem xét tình hình."

    Nói đến đây ông Devin bỗng dừng lại, bàn tay ông run run, nét mặt căng thẳng.

    Trời đã về chiều, vài cơn gió thổi qua lay động hàng cây maple. Những chiếc lá khô vội vã lìa cành bay là đà xuống đất, nằm rải rác trên sân Tennis và các lối đi, điểm những vệt nâu hình năm cánh trên nền sơn xanh, giống như những bàn tay vấy đất của đứa bé nghịch ngợm in dấu vào một bức tranh đồng cỏ. Tự nhiên tôi cảm thấy ngột ngạt, cồn cào dù bầu không khí lúc này đã phần nào dịu mát. Tôi bần thần, người toát mồ hôi, những lời kể của ông Kavin gợi nhớ đêm giao thừa năm xưa. Hình ảnh cái đêm giao thừa Mậu Thân khủng khiếp ấy bỗng ào ạt hiện về.

    Những ngày trước Tết 68, người ta nghe nói đã có lệnh "ngừng bắn để cho dân ăn Tết" giữa hai bên, vậy mà sau đó người dân miền Nam lại phải ăn Tết trong cảnh máu lửa kinh hoàng. Ba giờ sáng mồng một Tết tôi và một người bạn từ Nha Trang ngồi xích lô ra bến xe miền Trung để về quê ăn Tết. Trên đường đi chúng tôi thấy xác pháo ngập đường Độc Lập, tiếng pháo vẫn còn "Tạch! Tạch! Đùng! Đùng!" và tiếng súng lớn mà chúng tôi cứ tưởng là pháo đại cũng "Ầm! Ầm!" khắp mọi nơi. Chúng tôi nào biết thành phố đã bị tấn công, nên cứ mãi trầm trồ là chưa có năm nào tiếng pháo giao thừa lại nổ rầm rộ và kéo dài đến gần sáng như năm này. Từ đường Độc Lập chạy xuống hướng chợ Đầm, dưới ánh đèn đường thỉnh thoảng có những vật hay đống gì đó đen đen nằm lù lù dọc theo hè phố. Khi ra đến đường Phan Bội Châu thì trời đã sáng dần, và chúng tôi hoảng hốt nhận ra những đống đen đó là những xác người bị bắn chết bỏ nằm rải rác trên lề đường. Ra đến bến xe thì gặp phải đánh nhau, súng nổ bốn phương tám hướng, cuối cùng chúng tôi phải hối xe chạy bán sống bán chết để quay về.

    Tuy sự chết chóc ở thành phố Nha Trang trong sự kiện Mậu Thân chưa đến nỗi khủng khiếp kinh hoàng như những gì nhà văn Nhã Ca đã đối diện ở Huế khoản thời gian đó và tường thuật trong quyển hồi ký "Giải Khăn Sô Cho Huế" của bà, nhưng nó cũng đã làm cho tôi gặp ác mộng hằng đêm sau ngày ấy. Thật là kinh khủng.

    "Anh chị biết không?" Ông Devin lên tiếng sau phút im lặng. "Vì còn thức nên chúng tôi là những người ra ngoài sớm nhất trong khi các phòng khác còn đang mặc trang phục và la hét nhốn nháo trong phòng. Chúng tôi cùng nhau bước về hướng bên trái, là nơi có những lô cốt chống đạn xây bằng bao cát, để chuẩn bị phòng thủ. Trời lúc này vẫn còn tối và lạnh. Đi được mấy bước, thình lình tôi thấy một người con gái mặc áo dài tím xuất hiện ngay trước mắt tôi. Cô ta đưa tay ra chận lại và hét lên: "Stop!" Đừng đi! Rồi cô biến mất. Nhìn quanh nhìn quất cũng không thấy cô ta đâu, tôi giật mình chụp lấy tay thằng bạn Mike. "Cô ta là ai thế?" Tôi hỏi nó. Thằng bạn tôi ngơ ngác, rồi phì cười: "Mày nói cái gì vậy Devin? Cô nào? Mới có mấy tiếng rốc kết mà mày đã hoảng loạn như thế rồi sao?"

    Ông Devin nói người bạn tên Jack cũng cười nhạo ông, dù ông quả quyết đã chính mắt nhìn thấy rõ ràng cô gái đó dưới ánh đèn lờ mờ của căn cứ. Tuy chưa bao giờ tin là có ma, nhưng cô ta biến mất một cách nhanh chóng như thế cũng làm Devin cảm thấy rờn rợn, dựng tóc gáy. Và ông bỗng rùng mình trong đêm tối khi bước theo hai người bạn. Hiện tượng kỳ lạ đã làm cho ông phân tâm, quên đi sự lo lắng về mấy quả pháo kích.

    "Chúng tôi tiếp tục bước," Ông Devin kể tiếp, "khi đến gần một chiếc xe Jeep đang đậu thì cô gái áo dài tím lại hiện ra. Tôi dụi mắt thật mạnh để biết là mình không mơ ngủ. Lần này thì tôi thấy cô gái đang bay lơ lửng, vạt áo dài tím phất phơ bên trên đôi chân cụt lủn máu chảy ròng ròng, hai tay cô vung vẩy trước mặt tôi, và cô gào lên thảm thiết: "Đứng lại! Đừng đi!"

    Devin bỗng lắc đầu thật mạnh, như xua đi những hình ảnh thảm thương mà ông vừa nhớ lại. Ông bưng ly nước lên hớp một ngụm rồi đặt chiếc ly xuống bàn, cố gắng nuốt một cách khó nhọc như người đang mắc nghẹn:

    "Tôi hoảng quá, biết là mình đã gặp ma thật rồi. Không kịp suy nghĩ, tôi vội vàng chụp tay hai thằng bạn lôi ngược lại, vừa lúc tiếng đạn rốc kết bay xé gió rít lên trên không "Hú...ú...ú...ú..." và chúng tôi chỉ kịp nhào xuống phía sau chiếc Jeep thì "Boooom!" một tiếng nổ long trời lở đất vang lên ở gần bên, tôi bị hất tung lên rồi bắn ra xa, và không còn biết gì nữa."

    - Trời! Tôi và nhà tôi cùng kêu lên thảng thốt. -Rồi bạn ông và ông có bị thương không? Tôi vội vàng hỏi.

    "Jack bị thương rất nặng, sém chút nữa thì nó đã đi chầu trời, thằng Mike thì gãy chân và một cánh tay. Tụi nó được trạm y tế dã chiến trong căn cứ tận tình cứu chữa và cầm cự đến hơn hai mươi ngày mới được đưa đi bệnh viện. Riêng tôi bị ngất xỉu một ngày đêm, nhưng như một phép lạ, tôi chỉ bị thương ở những phần mềm, vì tôi văng trúng cái thùng container bằng giấy cát tông và mấy cái bao cát."

    "Oh my God!" -Trời ơi! Như vậy là cô "Ma" đó đã cứu các ông rồi! Tôi kêu lên trong sự ngưỡng mộ, ma người Việt mà cũng có lòng nhân, đã giúp cứu mạng mấy người lính Mỹ. Thật là kỳ diệu.

    Ông Devin đột nhiên ngồi sững, hai tay ôm lấy đầu nhìn vào khoảng không trước mặt, mắt lộ vẻ đau đớn cùng cực. Được một lúc, ông bỏ tay ra và nói nho nhỏ, gần như là thì thầm với chính ông:

    "Cô ấy là Thơ, vợ tôi. Nàng đã bị giết trong đêm giao thừa, buổi tối trước lúc chúng tôi bị tấn công."

    Tôi tròn mắt, không thể tin được những gì mình vừa nghe:

    - Trời đất! Nhưng làm sao mà ông biết được chính xác như thế chứ?

    Ông Devin thở dài:

    "Mãi đến gần một tháng sau, đúng hơn là hai mươi tám ngày sau, sau khi quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa lấy lại được toàn bộ thành phố Huế, tôi mới liên lạc được với gia đình Thơ. Họ cho tôi biết, hôm tối ba mươi, chiếc xe lam chở vợ tôi và hai người bạn của cô ấy cùng nhiều người khác nữa, trên đường đi chùa về thì bị trúng một quả đạn súng cối, mọi người trên xe đều chết hết." Và ông bỗng nấc lên: "Tối hôm đó Thơ cũng mặc chiếc áo dài màu tím và mảnh đạn đã cắt mất đôi chân của nàng..."

    - Tôi thật xin lỗi. Tôi nói, nước mắt tôi ứa ra. - Linh hồn cô ấy quả linh thiêng, đã hiện về để cứu ông và mấy người bạn. Chắc bây giờ cô ấy đang ở trên thiên đàng, xin ông cũng đừng buồn.

    Ông Devin ngồi thẫn thờ, hình như không nghe những lời tôi nói. Ông lại lần nữa mân mê chiếc nanh heo rừng trên cổ. Có lẽ ông đang hồi tưởng lại thời kỳ yêu đương nồng thắm với Thơ, thời kỳ yêu đương cách nay đã hơn bốn thập niên, nhưng nó vẫn còn sôi sục trong lòng người cựu chiến binh cho đến tận bây giờ. Không biết chiếc nanh heo này có thật sự linh nghiệm hay chăng, nhưng tôi tin chắc một điều, là nó đã được hòa quyện tình yêu bất diệt của cô gái Huế, và tình yêu ấy đã cứu mạng ông Devin.

    Ba người chúng tôi cùng ngồi bất động thật lâu cho đến khi trời xẩm tối. Đèn đường đã bật sáng, ban nhạc đã ngừng chơi tự lúc nào, thực khách lục tục đứng dậy ra về, và người ta bắt đầu xếp dù, thu dọn bàn ghế.

    Khi vợ chồng tôi và ông Devin đứng lên thì mọi người cũng đã về gần hết. Chúng tôi băng qua khu vực bãi đậu, ra ngoài đường để lấy xe. Hàng cây maple vô tư phe phẩy xạc xào trước ngọn gió đêm mát rượi, bầu trời hè buổi tối trong xanh, rải rác những vì sao lấp lánh, và thoang thoảng đâu đây trong không khí mùi hương hoa dạ lý ngọt ngào. Một buổi tối thật yên bình, nhưng tôi biết trong lòng người cựu chiến binh Devin đang dậy sóng. Tôi thở dài, nhìn ông cúi đầu lầm lũi bước đi.

    Phương Hoa
    Mời bạn ghé thăm nhà:
    http://thovanyenson.com

    Comment


    • #3
      Huế Rặt

      Huế Rặt

      Khi nói Huế rặt, tôi muốn kể chuyện chỉ có Huế mới có, không lẫn vào đâu được . . .

      Nước đái bà Chúa

      Trời tháng Sáu ở Huế. Mới buổi sáng mà gió Nam đã thổi sớm, hứa hẹn một ngày nóng kinh người. Chặt xong ba cây chuối sứ cho bầy heo bốn con ở nhà , chị Lùn đi vào bếp, xin bà ngoại tôi nước uống. Chị biết bao giờ bà tôi cũng có một nồi nước chè tươi ngon lành, không chè Truồi thì cũng chè Tuần. Vừa nghiêng cái om (nồi) nước chè rót vào cái tô sành, miệng chị đã bài bãi la lên:

      -Ui chao! Nước chè chi của mệ vừa nguội ngắt vừa trong như nước đái bà chúa, ri .

      Bà tôi trả lời:

      -Cái con ni ăn nói vô duyên ỏm. Dễ chi có nước đái bà chúa cho mi uống. Sáng ni mụ Lời bán trầu chè chưa đi ngang đây thì lấy mô ra chè tươi để nấu, mà chê nguội với nóng.

      Ngoài Huế ra, có lẽ không có một địa phương nào khác có lối diễn tả độc đáo và buồn cười như vậy. Vừa thanh vừa tục. Bình dân và quí tộc có mặt đề huề. Để chỉ độ loãng tối đa của một nồi chè tươi hay một ấm trà đến lúc không còn nhận ra màu sắc hay hương vị thường có của nó nữa, người ta đã mượn đến cái trong trẻo của nước đái bà công chúa cho dễ gây ấn tượng khi so sánh. Trong trí óc chất phát của người bình dân xứ Huế thời xưa, thuở vàng son cung đình còn rực rỡ, có lẽ cái gì thuộc về vua chúa cũng có phẩm chất tuyệt hảo. Thế nên đã là công chúa lá ngọc cành vàng thì không những đương nhiên nàng phải có cái nhan sắc tuyệt mỹ như tiên nga gíang thế, mà đến cái chất thải kia của nàng cũng trong trẻo khác thường và không có cái mùi vị ô uế khó ngửi như của đám tiện dân, nên rất đáng đem ra làm mẫu mực để so sánh ! Quả là một ý nghĩ ngộ nghĩnh hiếm có và rất…tiếu lâm

      Ngựa Thượng Tứ

      Giữa trưa, đang thiêm thiếp trên chiếc võng gai mắc dưới hai gốc vú sữa im mát, tôi bỗng giật mình vì tiếng bà Cửu Thí cạnh nhà:

      -Lài ơi, Lài! Lài ơi, Lài!

      Không có tiếng chị Lài trả lời.

      -Đứa mô chạy qua nhà bà Mới kêu con Lài về đây tau biểu. Con ni ngày càng hư. Hở ra là chạy rong như ngựa Thượng Tứ, không lo ở nhà trông coi nhà cửa chi hết. Không biết nhà bà Mới có làm chay hát bội chi không mà trưa mô cũng qua tụ tập chuyện trò.

      Lại ngựa Thượng Tứ. Trong mười cửa ra vào Kinh thành Huế, có lẽ cửa Đông Nam với cái tên thông tục Thượng Tứ là quen thuộc với mọi người hơn cả, kể cả những người ngoại tỉnh đã có lần đến Huế. Người ta hầu như đã quên cái tên chính thức Đông Nam dù ba chữ Đông Nam Môn được khắc trên một cái bảng vôi lớn gắn trên vòm cửa vẫn còn đó. Người ta chỉ biết có Thượng Tứ vì hồi xa xưa, khi triều Nguyễn còn làm chủ đất nước, đã có một đơn vị kỵ binh tinh nhuệ, mang tên Thượng Tứ, đóng ngay bên trong cửa. Có lẽ những con ngựa Thượng Tứ thường xuất hiện trước mắt người dân qua những lần thao diễn, tập luyện hay tuần phòng với tiếng vó ngựa dập dồn, tiếng hí dài náo động, những bóng ngựa thoáng hiện thoáng mất, rậm rật trên đường, những mùa ngựa cái động đực bày ra những cảnh khó coi trên những bãi cỏ ven đường v.v. đã gây ấn tượng về một cái gì thường xuyên động chuyển, ồn ào, không chịu ở yên, có khi lộ liễu lăng loàn khó coi, không đáng có nơi chỗ đông người v.v. Ấn tượng đó được liên hệ với trường hợp những cô gái thiếu nết na dịu dàng, không thích không khí gia đình mà chỉ muốn rong chơi chòm xóm, tụ tập, lân la. Tiến xa hơn nữa, đó là hình ảnh của những phụ nữ trắc nết, lăng nhăng trong vấn đề quan hệ trai gái.

      Con gái Huế mà bị xếp vào loại ngựa Thượng Tứ thì thiệt là hết mê. . .

      Đưa con vô Nội

      Trường đến chơi, hỏi mượn một cuốn sách hay mà tôi vừa kiếm được. Tôi bảo đã cho Bình, bạn chung của hai đứa, mượn hôm kia rồi. Trường thở dài chép miệng:

      -Mi đưa cho thằng nớ mượn cũng cầm bằng như đưa con vô Nội. Chắc tau không có hy vọng chi đọc được.

      Bình có tật chóng quên. Mượn cái gì của ai thường để lạc mất hoặc để lâu ngày rồi quên trả, coi như của. . . mình. Bạn bè thường cho rằng đưa cho Bình mượn cái gì có nghĩa là sẽ mất luôn, rất ít hy vọng vật hoàn cố chủ. Trường thở dài là vì thế. Nhưng sao lại đưa con vô Nội?

      Dưới ảnh hưởng của Nho giáo và trong chế độ quân chủ, việc trai năm thê bảy thiếp là điều xã hội và luật pháp chấp nhận như một đặc quyền của nam giới. Đám đàn ông dân dã mà còn được như thế, nói gì đến đấng quân vương. Cung A-Phòng của vua Tần Thủy Hoàng đã nổi tiếng trong lịch sử, văn học và truyền thuyết với số lượng cung nữ lên đến hàng nghìn. Các vua Nhà Nguyễn tuy không bằng các vua Trung Quốc về số người đẹp trong hậu cung, nhưng vẫn có hàng chục bà phục vụ bên mình, ngoài các bà vợ chính thức. Việc một người đẹp nào đó do một cơ may hy hữu được lọt vào mắt xanh của vua để rồi một bước nhảy lên ngôi vị cao sang mà cô gái nào cũng mơ ước – như trường hợp của bà Nguyên phi Ỷ-Lan, vợ vua Lý Thánh Tông, vốn là một thôn nữ làng Thổ Lỗi tỉnh Bắc Ninh – là điều thường có nhiều trong chuyện cổ tích hơn trong thực tế. Thực tế phũ phàng hơn nhiều. Vì vậy, khi có lệnh truyền tuyển chọn các thiếu nữ xuân thì đẹp người đẹp nết để đưa vào cung cấm, các bậc cha mẹ có con gái xinh đẹp trong lứa tuổi mười tám đôi mươi phải một phen mất ăn mất ngủ. Có người sẽ hỏi: bộ có con gái được tuyển làm cung phi không phải là một niềm hãnh diện, một diễm phúc hay sao mà lại âu lo lắm chuyện?

      Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều đã trả lời cho câu hỏi đó. May mắn được nhà vua sủng ái và có một địa vị xứng đáng trong cung cấm để làm vẻ vang cho cha mẹ, làng nước, là điều khó khăn cũng như trúng số độc đắc vậy.

      Điều chắc chắn là một khi đã được đưa về kinh đô, nhập vào Đại Nội, thường được gọi tắt là Nội, trong khu vực cung cấm thuộc Tử Cấm Thành, thì người con gái vinh hạnh bất đắc dĩ đó cũng như Kinh Kha thuở nào bên sông Dịch chuẩn bị sang đất Tần: tráng sĩ và giai nhân đều một đi không trở lại!

      Dù cuộc sống về sau có thể huy hoàng hay chỉ âm thầm trong bóng tối cung đình, số phận của người con gái tiến cung coi như đã chôn chặt sau mấy vòng thành quách. Cha mẹ cầm bằng như đã mất con. Khi vua băng hà, thân phận của các cung nữ hoàn toàn tùy thuộc vào lòng tốt của vua mới. Một số may mắn có thể được trả về nguyên quán để làm lại cuộc đời. còn đa số được đưa đến sống tại khu vực lăng tẩm của vị vua vừa qua đời để tiếp tục hầu hạ khói hương cho đến khi chính họ được hương khói.

      Đưa con vô Nội có nghĩa là sẽ mất con, chẳng khác gì vật sở hữu của mình đưa cho người khác mượn rồi bị mất hẳn. Đúng là một lối ví von không giống ai, một đặc sản của người dân sống gần gũi chốn cung đình.

      Đẽ ông Bộ cho làng nhờ

      Lại nhớ môt buổi trưa nọ, mẹ tôi đi chợ về, đang chuẩn bị bữa cơm trưa thì tiếng bà Cửu hàng xóm đã hỏi vọng sang:

      -Cô đi chợ về rồi à? Răng đó ? Con cá hanh khi rồi ngon như rứa, mà cô có mua được không?

      -Không. Con mẹ đó nói thách thấu trời, ai mua cho nổi. Họa là mua ăn để đẻ ông Bộ cho làng nhờ thì tui cũng mua đó.

      Với cái tuổi “Đệ Nhị chuyên khoa” hồi đó (lớp 11), tôi tạm hiểu rằng mẹ tôi muốn nói đó là một cuộc đầu tư không đáng, nhưng tôi không thể hiểu ông Bộ là ai mà làng lại có thể nhờ vã được. Tôi có hỏi nhưng mẹ tôi không cắt nghĩa được ngọn ngành, chỉ nói vắn tắt rằng ông Bộ là ông Giám, lớn rồi biết.

      Bên trong Kinh thành Huế có một khu vực rộng lớn thâm nghiêm, kín cổng cao tường. Đó là Hoàng thành, tức Đại Nội, gọi tắt là Nội. Đại Nội có nhiều khu vực khác nhau, trong đó quan yếu hơn cả là Tử Cấm thành. Đây chính là nơi các vua Nhà Nguyễn điều khiển guồng máy cai trị từ ải Nam Quan ở cực Bắc cho đến mũi Cà Mau ở cực Nam. Đây cũng là nơi vua ăn ngủ, giải trí, sống đời sống gia đình, như mọi con người khác. Tử Cấm thành có nhiều lâu đài, cung điện, mang nhiều tên gọi khác nhau, là nơi vua và bầu đoàn thê tử cư trú. Do ảnh hưởng của sử Tàu, khi nói đến tam cung lục viện người ta thường nghĩ rằng đó là chốn hậu cung của vua, bao gồm các bà vợ chính thức và đám vợ lẽ nàng hầu , thường được gọi là cung phi mỹ nữ. Điều này có thể đúng với Tàu và một số triều đại khác của Việt Nam, còn theo chỗ chúng tôi biết, khi đề cập đến Nhà Nguyễn, nhất là từ đời Minh Mạng đến Khải Định, mấy chữ tam cung lục viện nên được hiểu chính xác hơn một chút.

      Vua làm việc tại điện Cần Chánh hay điện Văn Minh, và ăn ở tại điện Càn Thành, còn chánh phi thì ở tại cung Khôn Thái. Các thứ phi thì ở điện Trinh Minh, các cung tần thì chia nhau ở trong 6 viện (lục viện) là Thuận Huy, Đoan Huy, Đoan Thuận, Đoan Hòa, Đoan Trang và Đoan Trường. Sát về phía Tây của Tử Cấm thành có hai cung quan trọng khác dành cho các bậc bề trên của vua. Đó là cung Diên Thọ, dành cho bà nội vua (Thái hoàng thái hậu) và cung Trường Sanh dành cho mẹ vua (Thái hậu).

      Vậy thì tam cung lục viện của Nhà Nguyễn bao gồm thế giới đàn bà sau lưng vua, gồm cả thế hệ trên trước lẫn phi tần cung nữ. Thế giới này là cung cấm, hiểu theo nghĩa đen, vì ngoài vua ra, cấm không có một bóng dáng đàn ông nào được lai vãng. Để lửa gần rơm thế nào rồi cũng có ngày sinh chuyện, nên phải nghiêm cấm như thế cho đúng phép tắc lễ nghi, và … an toàn! Tuy nhiên, cung cấm cũng có lúc cần đến người có sức khỏe, cần người làm con thoi liên lạc giữa vua và hậu cung, nghĩa là cần người có sức khỏe phục vụ mà vẫn bảo đảm đươc sự an toàn như ý muốn của vua. Đó là các thái giám, thường được gọi là các ông giám.

      Về mặt sinh lý, thái giám là người thuộc loại không rõ ràng về mặt giới tính (ái nam ái nữ) do bẩm sinh (ông bộ nắp), hoặc do người nam tự nguyện hũy bộ phận sinh dục để được làm giám (giám thiến, giám lặt), suốt đời phục vụ trong cung cấm, vừa có địa vị, bổng lộc, gần gũi vua chúa, lại khỏi nắng mưa vất vả ngoài đời.

      Ngay cả với phương tiện giải phẩu tiến bộ như ngày nay, vừa an toàn vừa không đau đớn, liệu có đấng nam nhi nào dám hy sinh “của quí” để mưu cầu một địa vị nào đó chăng? Thời xưa, có triều đại đã dùng biện pháp cắt bỏ bộ phận sinh dục nam như một nhục hình dành cho trọng tội. Vậy nên số người vì miếng cơm manh áo mà tự nguyện làm giám hẳn là rất hiếm hoi, trong khi đó nhu cầu cung cấm đòi hỏi phải có đầy đủ nhân lực kế thừa liên tục. Thế nên chỉ còn trông cậy vào hạng giám . . . trời cho (bẩm sinh).

      Đã gọi rằng của trời cho thì hẳn không phải dễ kiếm. Vua biết rõ sự chênh lệch về cung cầu này nên đã ban hành một qui chế đặc biệt cho giám bẩm sinh. Theo đó, hễ làng xã nào trong nước có gia đình sinh con ái nam ái nữ thì phải báo ngay lên huyện để huyện khám xét. Sau khi xác minh được tình trạng đặc biệt của hài nhi, huyện sẽ theo hệ thống hành chánh để báo lên phủ, rồi lên tỉnh. Tỉnh sẽ báo về Bộ Lễ, là cơ quan trung ương đặc trách về giáo dục và nghi lễ của triều đình. Lý lịch đứa bé như thế đã được “đăng ký” và từ đó nhà nước sẽ chu cấp để nuôi dưỡng.

      Cha mẹ đứa bé, vì có công sinh con hữu ích cho vua, nên được miễn sưu dịch và thuế đinh, lại còn được cấp công điền công thổ để cày cấy nuôi con. Làng sở tại, nơi có đứa bé sinh ra, cũng được hưởng chút thơm lây, ấy là làng được miễn sưu thuế trong một số năm nào đó, chưa kể có thể có những đặc ân bất thường khác, tùy dịp và tùy lòng tốt của vua. Có đứa bé mang khuyết tật bẩm sinh nào lại có thể mang vinh dự và lợi lộc về cho cha mẹ và làng nước như vậy chăng? Có đứa bé nào mới sinh ra mà đã trờ thành người của vua như vậy chăng? Quả là hiếm hoi quí báu!

      Vậy thì để tỏ lòng biết ơn (người đã mang lại ân huệ) và kính trọng (người của vua), làng không gọi đứa bé kia là thằng này thằng nọ nữa, mà gọi là ông Bộ. Rõ ràng là đẻ ông Bộ thì làng được nhờ. Tôi chưa được xem tài liệu hay nghe người nào khác giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của chữ “Bộ” này. Thiết nghĩ đứa bé do Bộ Lễ quản lý, là người của Bộ, của vua, nên được gọi là ông Bộ chăng?

      Đến năm ông Bộ được 12 tuổi, Bộ Lễ yêu cầu tỉnh sở tại lập thủ tục đưa đứa bé về Kinh. Cũng như số phận của người con gái vô Nội, ông Bộ cũng một đi không trở lại. Cuộc chia tay này thường là một vĩnh biệt. Theo hệ thống giao thông cung trạm, ông Bộ được hộ tống về Huế, trình diện Bộ Lễ. Tại đây, sau khi được kiểm tra lần cuối về tình trạng giới tính (giám thật hay giám giả), nếu được chấp thuận, đứa bé được chuyển vào cung cấm. Một thái giám giàu kinh nghiệm sẽ được giao làm người đỡ đầu, có nhiệm vụ rèn cặp ông Bộ công việc sẽ đảm đương, cùng những lễ nghi cung cách chốn cung đình để khi trưởng thành có thể nối nghiệp đàn cha đàn anh.

      Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ thời vua Lê chúa Trịnh là thời hoàng kim của các thái giám. Sử cho biết rằng quan chế thời ấy được tổ chức thành ba ban thay vì hai ban như các triều đại khác. Đó là ban quan Văn, ban quan Võ và ban Thái giám. Thái giám thời ấy được dự vào việc cai trị chứ không phải quanh quẩn trong cung cấm. Có nhiều thái giám được phong tới tước Hầu và rất có thế lực trong triều đình .

      Đời Nhà Nguyễn, thái giám có cuộc đời khiêm tốn hơn. Tuy họ cũng làm quan – vì họ cũng có đẳng cấp và bổng lộc – nhưng chỉ có mỗi một quyền, đó là quyền được phục vụ hoàng gia trong cung cấm cho đến mãn đời. Do vị trí đăc biệt ở trong cung nên thái giám được coi là hạng người có ưu thế biết rõ chuyện thâm cung bí sử hơn bất cứ ai khác. Tiếc thay, cho đến nay họ không để lại cho hậu thế một tiết lộ nào về những bí mật ấy.

      Trong quan niệm của Nho giáo, bất hiếu là một tôi nặng, trong đó nặng nhất là không có con trai để nối dõi tông đường (bất hiếu hữu tam, vô tự vi đại). Dĩ nhiên luân lý của xã hội xưa không lấy đó làm điều để trách cứ mấy ông thái giám. Tuy nhiên, lúc đến cái tuổi trăng tà bóng xế, ngó quanh ngó quẩn không thấy ai ở bên mình, chạnh nghĩ tới cảnh hương tàn khói lạnh khi nằm xuống, các thái giám không khỏi buồn tủi.

      Chính vì cảm thông điều này và để cho các thái giám có nơi nương tựa phần hồn sau khi chết nên chùa Từ Hiếu được vua ban sắc chỉ thành lập. Hầu hết các thái giám đều được ký tự ở đó. Ngày trước, chùa Từ Hiếu được xem là một ngôi chùa giàu ở Huế. Gọi rằng giàu là vì người ta thấy chùa có nhiều ruộng đất làm hoa lợi, do các thái giám mua cúng vào chùa để được hưởng hương khói, kinh kệ về sau .

      Ở góc đường Đoàn Thị Điểm và Hòa Bình (Đặng Thái Thân ngày nay) trong Thành Nội, ngay góc Đông Bắc của Đại Nội, có một ngôi nhà cổ nằm cô độc sát bờ hồ, ít ai để ý. Đó là Bình An Đường của ngày xưa, nằm trong danh sách quần thể kiến trúc của kinh đô.

      Như cái tên gọi của nó – nhà bình an – ngôi nhà này chính là trạm điều dưỡng của cung nữ và thái giám. Khi cung nữ hay thái giám bị bịnh nặng, họ được đưa ra điều trị và an dưỡng tại đây, vừa tránh được lây lan vừa tiện cho thân nhân ở lại chăm sóc thuốc men, cơm cháo. Vạn nhất, nếu không qua khỏi thì cũng tiện cho thân nhân lo việc ma chay. Nếu cung nữ hay thái giám chẳng may bị bạo bệnh, chết đột ngột ở trong cung, họ sẽ lâm vào cảnh khá tủi thân, ấy là xác của họ sẽ được bó chiếu, rồi người ta sẽ dùng dây đưa lên mặt hoàng thành phía Bắc, gần cửa Hòa Bình, để đưa ra ngoài cho thân nhân nhận về lo ma chay. Theo qui định thời đó, người không thuộc về hoàng gia mà chết trong cung cấm thì không được đưa xác ra ngoài qua các cửa hoàng thành. Xác của cung nữ hay thái giám phải “leo thành” là vậy.

      Chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam chấm dứt vào tháng 8 năm 1945. Tính ra nới tròm trèm 50 năm, thời gian quá ngắn để một vật dụng trở thành món đồ cổ. Vậy mà những cái Huế rặt vừa nói xem ra đã trở thành đồ cổ mất rồi. Ngay trên đất quê hương những lối nói như thế cũng không còn thông dụng trong thế hệ trẻ nữa, nói chi ở xứ người./.

      Võ Hương-An
      Mời bạn ghé thăm nhà:
      http://thovanyenson.com

      Comment


      • #4
        Huế Tình Đầu ♥

        Huế Tình Đầu


        Ai xa Huế mà không nhớ Huế
        Nhớ chuông chùa Diệu Đế, nhớ Văn Lâu
        Nhớ Trường Tiền da diết sáu nhịp cầu
        Nhớ Kim Long, nhớ bến đò Thừa Phủ
        Nhớ dốc Nam Giao, nhớ bờ sông Bến Ngự
        Nhớ Hàng Bè, Thượng Tứ, nhớ Bao Vinh
        Nhớ sông Hương chan chứa thiết tha tình
        Nhớ thông reo đỉnh Ngự Bình gió mát
        Nhớ Tịnh Tâm, hồ sen bát ngát
        Nhớ đò Cồn, An Cựu, Chợ Dinh
        Nhớ con đường Vỹ Dạ bóng cây xanh
        Nhớ Gia Hội, Đông Ba, Hàng Me, Đập Đá
        Nhớ Ngự Viên, nhớ Nội Thành, Mang Cá...
        Huế của ta ơi, biết nhớ mấy cho vừa!
        Ai xa Huế mà không thương Huế
        Thương mẹ già lặn lội mùa Đông
        Thương em thơ đi học mưa dầm
        Thương chị, thương anh mùa hè cháy nắng
        Thương bữa cơm nghèo, nồi canh mướp đắng
        Thương dĩa mắm cà, con cá thệ kho khô...
        Huế của ta ơi, thương biết chừng mô!

        Ai xa Huế mà không mơ về Huế
        Dạo bước trên cầu áo trắng tung bay
        Vành nón nghiêng nghiêng che mái tóc mây
        Ánh mắt trong veo dòng Hương gợn sóng
        Đêm trăng hè trời cao lồng lộng
        Chiều thu êm tím ngát cả không gian
        Tiếng hò trên sông ngơ ngẩn bàng hoàng
        Hò ơ hò...chiều chiều trước bến...
        Mơ sớm mai chèo đò qua cồn Hến
        Trái bắp tươi non, nấu chén chè thơm
        Dĩa bánh bèo tôm chấy hồng ươm
        Đọi cơm hến, bánh canh, bánh ướt...
        Nhớ biết mấy, những món quà quê hương
        Không gì thay thế được
        Dải đất quê nghèo mà mặn nồng yêu thương
        Ai đã từng uống nước sông Hương
        Ai đã từng hưởng ngọn gió chiều đỉnh Ngự
        Ai đã từng bước đi trên những con đường tình tứ
        Ai đã thả hồn trên những chiếc võng âm thanh
        Ai đã đắm say tình Huế quê mình
        Dẫu xa xôi mà không mơ về Huế
        Huế tình đầu thơm ngát, Huế yêu ơi!


        Hoàng Hương Trang


        O Huế - Thơ: Việt Hải - Nhạc: Nguyễn Hải & Hà Lan Phương

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X