Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thú Rong Chơi Của Dân Anh

Collapse
X

Thú Rong Chơi Của Dân Anh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thú Rong Chơi Của Dân Anh

    Thú rong chơi của dân Anh

    ~~~






    Người viết vừa trở về Luân Ðôn sau hai tuần đi chơi tại Trung Quốc. Một trong những điều đáng ngạc nhiên là trong số những khách du lịch gặp gỡ tại hầu như mọi nơi ở Trung Quốc con số người Anh rất nhiều. Và số người Anh sinh sống tại nơi này cũng không nhỏ.

    Ðây quả là một chuyện đáng ngạc nhiên. Về dân số, dân Anh không cao lắm, chỉ bằng một phần năm nước Mỹ (60 triệu so với 300 triệu) nhưng số người Anh sinh sống ngoài nước Anh so với dân số vượt xa hơn nước Mỹ. Theo các thống kê của Bộ Ngoại Giao Anh, có đến 14 triệu người Anh - gần một phần tư dân số, sống ít nhất là một phần của năm tại nước ngoài. Và bất kể mọi lúc bao giờ cũng có khoảng 4.5 triệu người mang thông hành Anh ở nước ngoài.

    Trên một phương diện nào đó, những con số này cho thấy Anh quốc là nước có một cộng đồng dân chúng của mình sống ở nước ngoài lớn nhất trong thế giới của những nước phát triển. Và những người này chắc chắn không phải là loại như anh chàng lái taxi tại Luân Ðôn mà cứ hăm he sẽ dọn nhà sang Tây Ban Nha để thoát khỏi bọn ngoại quốc ở Luân Ðôn, hoặc là con số khoảng 200,000 người Anh dọn nhà sang khu Dordogne của Pháp và thấy rằng cả nửa miền Bắc Âu cũng có mặt tại đó.

    Sự thật là tinh thần phiêu lưu của dân Anh vốn đã là một yếu tố lịch sử từ nhiều thế kỷ nay, hoặc là vì lý do chinh phục hoặc chiến tranh (Anh là một trong những nước đóng góp nhiều người nhất cho các cuộc Thập Tự Chinh thời Trung Cổ) hoặc là vì thói tò mò hoặc vì thể hiện quyền tự do cá nhân. Dưới thời Nữ Hoàng Victoria của thế kỷ thứ 19, đối với giới quý tộc hoặc là tư sản thượng lưu một chuyến di dài ngày tại các nước Châu Âu (đặc biệt là Ý và Hy Lạp) gọi là Grand Tour of Europe là một điều bắt buộc trong quá trình trở thành một nhân vật của xã hội thượng lưu. Giai đoạn đế quốc cũng cho hàng trăm ngàn người Anh một cuộc sống ưu đãi như là giai cấp thống trị tại các thuộc địa ở Châu Á và Châu Phi, (sau Thế Chiến Thứ Hai chẳng hạn khi quân đội Anh cho giải ngũ hàng triệu binh sĩ, người ta nói các hạ sĩ quan thì di cư sang Rhodesia nay là Zimbabwe còn các sĩ quan thì di cư sang Kenya - và đó là lý do tại sao cuộc chiến tranh giành độc lập tại hai nước này phức tạp và đẫm máu).

    Trong giai đoạn đen tối của những năm hậu chiến thời 1950, số người Anh bỏ nước ra đi nhiều đến nỗi người ta sợ rằng tình trạng gọi là “chảy máu não” (brain drain) sẽ khiến nước Anh không còn những người giỏi nhất và thông minh nhất nữa. Nhưng những năm 60 huy hoàng với Luân Ðôn trở thành một trung tâm thời thượng đã giúp cho giới trẻ lưu lại tại Anh nhiều hơn, tuy rằng những thống kê cho thấy cho tới vài chục năm sau - phải đến những năm 1980 - số người bỏ nước ra đi vẫn nhiều hơn số người nhập cư: lưu vong là một lựa chọn tự nhiên đối với những ai muốn tìm một chân trời mới hấp dẫn hơn, hoặc là không chắc chắn về vị thế của mình tại quê hương hoặc là muốn làm lại từ đầu cuộc đời.

    Bây giờ sau mấy chục năm di dân giảm sút, người Anh có vẻ lại bị thúc đẩy bởi ước vọng phiêu lưu. Ðúng vào lúc mà nước Anh bắt đầu nhận hàng triệu những người di dân mới từ các nước Ðông Âu (trong mười năm qua, riêng Ba Lan đã có 600,000 người di dân sang Anh) người Anh bắt đầu bỏ ra ngoại quốc càng ngày càng nhiều.

    Theo những con số chính thức năm ngoái có đến 359,000 người Anh di cư ra nước ngoài, tăng một phần ba so với cách đây mười năm. Và theo một cuộc thăm dò được đài BBC thực hiện thì con số người Anh dự trù di cư ra nước ngoài đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái (13% so với 7%).

    “Di cư ra nước ngoài là vế bên kia mà thường không được để ý đến của phương trình về di dân,” đó là nhận định của Danny Sriskandarajah, phó giám đốc viện nghiên cứu Institute for Public Policy Research. “Vào lúc này người Anh di cư ra nước ngoài với con số kỷ lục. Hiện có nhiều người Anh sống ở nước ngoài hơn là người nước ngoài sống ở Anh.”

    Tại sao họ di cư? Và họ đi những nơi nào?

    Có nhiều lý do và không phải chỉ thuần vì những lý do kinh tế. Ngoài ra còn di sản của đế quốc cũng để lại dấu ấn trong các con số tỷ như con số 175,000 người có thông hành Anh sống ở Nam Phi mà hầu như đã sống ở đây từ lâu và chỉ giữ thông hành Anh như là một phương tiện bảo vệ để ra đi nếu cần. Các con số của Bộ Ngoại Giao Anh cũng cho thấy có 800,000 người mang thông hành Anh sống tại Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), một di sản của việc cai trị của Anh tại Hồng Kông. Nước mà dân Anh sống di cư nhiều nhất là Úc với 615,000 người sau đó là Hoa Kỳ với 500,000. Tây Ban Nha và Pháp là hai nước Châu Âu mà dân Anh sang sinh sống nhiều nhất, mỗi nước có khoảng 200,000.

    Còn một lý do sâu xa nữa đẩy những người Anh ra khỏi nước của mình. Ðó là trong linh hồn người Anh bao giờ cũng chen lẫn một cảm giác mâu thuẫn; một mặt họ tự hào về những thành quả lịch sử của mình, đất nước sản xuất ra Shakespeare và mở đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ, nhưng mặt khác người Anh lại có một một mặc cảm tự ti sâu đậm rằng người Mỹ thì lớn hơn bạo trợn hơn; rằng người Ý lịch sự hơn trong cách ăn mặc; người Pháp tinh vi hơn trong cách hành xử và ăn uống trong khi người Ðức thì có hiệu năng cao hơn.

    Thành ra và lúc này nước Anh có thể là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất tại Châu Âu với một tỷ lệ thất nghiệp thấp, giá nhà đất phục hồi. Nhưng nó cũng là đất nước của các hãng máy bay rẻ tiền; của những chuyến đi ra nước ngoài nhằm giải thoát khỏi những kềm kẹp của xã hội: những ước vọng của những kẻ bất mãn muốn đến một nơi nào khác.

    Nhưng có lẽ vì vậy mà khi người Anh di cư sang một nước khác, chưa chắc là họ đã có được hạnh phúc. Theo cuộc khảo sát của đài BBC thì Úc là nước mà dân Anh di cư ưa thích nhất. Nhưng cũng chính tại nước Úc, người Úc đã có câu thành ngữ “whingeing pommies” (cái bọn Ăng Lê hay cằn nhằn) để chỉ những người mới đến từ hòn đảo xa xôi này.

    Lê Mạnh Hùng


    (diendantheky.net)
    Last edited by khongquan2; 11-09-2013, 02:47 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X