Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cho 46 năm họp mặt (Khóa 2 Học Viện CSQG)

Collapse
X

Cho 46 năm họp mặt (Khóa 2 Học Viện CSQG)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cho 46 năm họp mặt (Khóa 2 Học Viện CSQG)

    CHO 46 NĂM HỌP MẶT
    NGUYỄN THỪA BÌNH

    Cứ nghe nói rằng, người già thường nghĩ về những ngày xưa cũ đan mờ cát bụi thời gian, nhưng lớp trẻ thì nghĩ đến tương lai rộng mở ánh hào quang rỡ ràng. Ðiều đó là thường tình. Tôi cho rằng, nó đúng như tâm lý con người là luyến tiếc quá khứ, mơ ước tương lai, bất mãn hiện tại như một triết gia Tây phương nào đó đã nói. Chúng ta, bây giờ là những người già gần đất xa trời, sống được ngày nào hay ngày đó, nói gì xa xôi viễn vong tương lai hẹp lần, hẹp lần rồi kín mít? Vậy thì, nói gì tâm lý đương nhiên là luyến tiếc quá khứ? Những ngày xưa dù gì đi nữa, chúng ta cũng có và có thật nhiều cái mà đem ra khoe, đem ra nhìn, đem ra nói với nhau như nhắc lại một thời kỷ niệm mênh mông, thênh thang. Huống gì, chúng ta sinh bất phùng thời, gặp quá nhiều oan khiên trời đất nổi cơn gió bụi. Những người anh em bạn bè ta đây bây giờ, có người ở tuổi cũng đến 80; có nhiều người ở tuổi trên hay xấp xỉ 70 dính dáng quá nhiều nỗi bi đát của nhiều thời chiến tranh tàn khốc, thảm thương.


    SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG năm 1967

    Những anh em Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia ra trường năm 1967 đến nay ngót đã 46 năm dài thiên địa đổi dời và trên trời cao bao phen vân cẩu thay phiên! Có người đã ra đi ngay từ buổi bình minh đời Sĩ Quan ngày Tết Mậu Thân; có người đã nằm xuống thời vận nước mạt suy ngày 30 tháng 4 năm 1975; có người “vị quốc vong thân” nơi bãi chiến trường sắt máu rạch ròi Quốc-Cộng trên bốn Vùng Chiến Thuật; có người không biết nấm mồ nằm đâu trong các trại gọi là Trại Cải Tạo của Việt Cộng; có người đành là công dân loại hai, lang thang nơi quê hương mình bữa đói bữa no; có người làm khách lữ thứ khắp nẽo đường nhân gian thế giới, già theo năm tháng cuối đời buồn hiu hun hút! Chúng ta sắp ra đi, “cát bụi trở về với cát bụi”. Chúng ta còn gì cần giữ? Chúng ta có gì để mang theo? Và chúng ta sao cứ lẩn quẩn lo mọi thứ trên đời như là nỗi sợ lo chưa đủ, nỗi sợ lo không kịp…để rồi thình lình nhắm mắt là buông tay hết thảy?

    Năm ngoái, một cách bất ngờ, chúng tôi, những người bạn Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia sau 45 năm gặp lại. Ai tôi không biết, riêng tôi, tôi thấy vui hết sức và cũng buồn hết sức. Vui là vui anh em còn có ngày gặp lại đây sau mấy chục năm dập vùi tưởng không còn trên đời. Buồn là buồn những ông bạn ta đây, bây giờ có người chống gậy mà đi còn không muốn vững; có người cặp mắt lờ mờ, đâu còn nhìn ra người bạn mình năm xưa; có người tóc trắng như tuyết mùa Ðông, nói không muốn ra lời; có người trệu trạo, không còn một cái răng để làm duyên với đời…Ôi, bạn bè tôi đó, nhìn nhau mà muốn rưng rưng nước mắt! Năm nay, chắc mấy ông bạn tôi, Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia ở Orange County nhớ nhau bạn bè, nhớ nhau trường cũ National Police Academy trong Biệt Khu Thủ Ðô, nhớ nhau cuộc đời bềnh bồng thế sự trời ơi đất hỡi khói lửa binh đao…lại muốn gặp nhau vội vàng lần nữa như e rằng sẽ không còn gặp nhau nữa đâu! Tính tới bàn lui, các Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia bạn tôi, định ngày 26 và 27 tháng 10 năm 2013 năm nay sẽ tổ chức Ngày Hội Ngộ 46 Năm mà anh em gọi nôm na là Ngày Họp Mặt Khóa 2 Trần Bình Trọng.


    Họp Mặt Khóa 2 ngày 27/5/2012

    Ông bà mình nói “ngôn dị hành nan” là đúng. Nói sẽ tổ chức Ngày Họp Mặt Khóa 2 Trần Bình Trọng thì dễ, nhưng bắt tay vào việc hình thành và tổ chức Ngày Họp Mặt Khoá 2 Trần Bình Trọng thì khó đủ thứ trên đời. Dọ tới dò lui bạn bè ngày nay ăn ở rải rác khắp năm châu bốn biển, ngày tháng nào cho thuận lợi anh em về với nhau cho đông đủ là cả một vấn đề. Chưa nói, người có email để liên lạc với nhau cho dễ dàng không phải là nhiều; người không có email, liên lạc với nhau bằng điện thoại thì khi được khi không. Ai với ai nhiệt tình đứng ra “ăn cơm nhà vác ngà voi thiên hạ” nhận lãnh trách nhiệm là ban tổ chức mà phải run ngày run đêm? Chương trình như thế nào cho thích hợp để tránh người trong xì xầm, người ngoài chê bai? Việc ăn ở, đưa đón với mấy ông già bà cả đâu phải dễ dàng, huống gì có nhiều ông bạn vàng của ta tuổi đã đến hồi lụm thụm lại chọn máy bay hạ cánh lúc 12 gìờ khuya, 1 giờ sáng. Ðồng phục mấy ông tìm đâu ra áo trắng cụt tay bỏ trong quần tây dài màu xám tro đậm với kết bi, với huy hiệu, với dây nịt nhà binh có búp vàng…như thời Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 2 của Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia năm xưa? Mấy chị phu nhân cũng đồng phục áo dài xanh xanh màu Cảnh Sát với quần trắng, chị nào và được mấy chị huởng ứng? Khách mời là những ai? Ai đại diện cho anh em Khóa 2 đọc diễn văn và ai là khách quan trọng nhất được mời lên diễn đàn phát biểu cảm tưởng, và chỉ một người hay vài người? Làm Lễ Tưởng Niệm các bạn đồng khóa 2 đã nằm xuống có hay không có thêm ông Viện trưởng, quý vị Cán bộ của Học Viện CSQG cũng đã khuất bóng ở trỏng? Văn nghệ do ai phụ với ai mà ca, nhạc, kịch như thế nào đây, sao coi cho được? Nhà hàng ít nhất phải sang sang một chút, ăn ngon ngon một chút và nhất là có một cái sân khấu cao cao một chút để Ngày Họp Mặt được sáng sủa, trang trọng. Thời gian sắp xếp làm sao từ 11 giờ trưa đến 3 giờ 30 chiều là phải chấm dứt cho nhà hàng Diamond Seafood Palace có đám cưới sau đó, đối với bà con mình quen nề quen nếp đi trể thì coi chừng hụt giờ là chết? Các Khóa 1, Khóa 3, Khóa 6…người ta chế ra huy hiệu như thể huy hiệu của riêng cho khóa mình, Khóa 2 thì sao? Học Viện ngày xưa anh em học là Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, bây giờ ở Mỹ lại có thêm mấy chữ Việt Nam Cộng Hòa nằm ở đằng sau, mình nên bắt chước hay không nên bắt chước? Có lập bàn thờ tổ quốc hay không? Nên hay không nên đặt bàn hương án để làm Lễ Tưởng Niệm những bạn bè đồng môn đồng khóa đã ra đi? Ðã biết tưởng niệm những người bạn đồng môn đồng khóa đã ra đi, thì cũng nên tưởng niệm luôn những vị như Viện Trưởng, các vị cán bộ của Học Viện…mới phải. Anh em, bình thường thì nhạy bén, tinh tế, tỏ ra tích cực đủ thứ, nhưng xin cho ý kiến hay đóng góp một chút công sức, một chút nhiệt tình cho Ngày Họp Mặt Khóa 2 thì đủ trăm ngàn lý do không thể làm được! Thật không phải dễ chút nào!


    Ngày xưa, những năm 1972, 1973, …, tôi là Phụ Tá Ðặc Biệt BCH/CSQG Tỉnh Quảng Ðức, cứ cuối năm thường được Trung Tá Cao Khánh Sang rồi Trung Tá Trần Ngọc Giang, Chỉ Huy Trưởng BCH/CSQG Tỉnh Quảng Ðức chỉ định đứng ra tổ chức buổi Tiệc Tất Niên. Tiệc Tất Niên có Tỉnh Trưởng, có 2 ông Phó Tỉnh Trưởng, có các Trưởng Ty nội ngoại Tòa Hành Chánh Tỉnh, có các Trưởng Phòng của Tiểu Khu…và dĩ nhiên có hằng chục Trưởng Phòng, Chỉ Huy Trưởng BCH/CSQG Quận và hằng trăm Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan CSQG thuộc BCH/CSQG Tỉnh Quảng Ðức…và thức ăn thường là mỗi người một hộp được chở từ Sài gòn lên bằng Air ViệtNam đúng ngày giờ. Văn nghệ giao cho anh em nhà thằng Châu độc quyền ở đây xập xình, ca xướng. Và tôi hồi đó, có thấy gì khó khăn đâu, nếu không muốn nói tếu một chút là “khỏe re như bò kéo xe”? Nói thì nói vậy chứ ai cũng biết, hồi đó mình có cái miệng ra lệnh và người ta đông có bổn phận phải thi hành. Qua Mỹ, tôi thấy người ta tổ chức lễ nầy, tiệc kia thường xuyên, không nghe ai bảo “khó đủ thứ trên đời”? Có thể mình không ở trong chăn nên không biết trong chăn có rệp hay không có rệp chăng? Ngay thành phố tôi ở đây, một người em bạn và chỉ một người em bạn đó thôi mà mấy năm nay đã đứng ra tổ chức rất thành công Ngày 30 tháng 4, Ngày Quân Lực VNCH hơn mấy năm trước đó rất nhiều dù có hội nầy, đoàn kia, đông người…Dĩ nhiên người em bạn ta phải “gồng” túi tiền và công sức biết chừng nào, nhưng không một lời thán oán là điều đáng nói và điều đáng nói hơn nữa là người em bạn ta làm được việc, được hơn nhiều người gộp lại. Các bạn tôi cùng là Cựu SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG làm việc rất có tinh thần dân chủ, có tình đồng đội và nhiệt tình thì thiệt nhiều, nên không có điều gì mà không đưa ra cho toàn thể anh em ở khắp nước Mỹ, ngay cả Pháp, Úc, Gia Nã Ðại, có khi cả Việt Nam nữa để thảo luận một cách “cạn tàu, ráo máng”. Có lẻ đưa banh qua, đá banh lại nhiều quá, đôi lần thật sự trở nên phức tạp mà thấy mệt, nên tôi mới nói ra rằng: “khó đủ thứ trên đời” là vậy đó? Người ta, cứ rập khuôn ai sao tôi vậy, nhắm mắt làm theo lần nầy như lần trước, năm nầy như năm trước, không cần nhiều ý kiến của ai mà “lắm thầy ra ma” thì dễ như trở bàn tay phải không?
    Vào cuối tháng 6 năm 2013, vài anh em cựu SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG nhâm nhi cà phê sáng nơi quán Lan Hương ở Orange County bên Cali có đặt vấn đề và cần sự trả lời đông người, rằng: “Nên hay không nên tổ chức một Ngày Họp Mặt Khóa Khóa 2 Học Viện CSQG”? Ðược nhiều anh em đồng khóa trên nhiều tiểu bang nước Mỹ hưởng ứng. “Vậy thì tổ chức”, anh em đồng lòng và nói ra như vậy. Thật tình mà nói, đã mấy chục năm nay, Cựu SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG chưa một lần chính thức tổ chức một ngày hội ngộ hay một ngày họp mặt nào đúng ý và đúng nghĩa của nó. Tính từ năm ra trường 1967 đến nay cũng đã 46 năm dài, biết bao nhiêu đổi thay trời đất và con người. Có những người bạn rất thân ngày đó, bây giờ gặp lại không nhìn ra. Có những người bạn ngày đó cùng đi bãi, cùng học giảng đường, cùng ăn cơm nhà bàn nay không còn trên thế gian. Bây giờ tuổi đời đã xế bóng, việc những người bạn cũ ngày xưa, giờ muốn về Little Sàigòn tìm gặp lại những người bạn một thời tuổi trẻ hiên ngang, tung hoành chí trai bốn bể là một ước ao chờ đợi mà không ai lại không muốn. Một Ngày Họp Mặt Khóa 2 Học Viện CSQG không đủ, thêm một ngày nữa, gọi là ngày gì nhỉ? Ngày Tiền Họp Mặt, không được vì nghe giống như “lính thủy đánh bộ” của Việt Cộng. Ngày Tiền Hội Ngộ thì cũng không được vì đâu có Ngày Hội Ngộ mà có Tiền với có Hậu. Thôi thì Ngày Họp Mặt Khóa 2 Học Viện CSQG đổi ra là Ngày Hội Ngộ Khóa 2 Học Viện CSQG cho có tên Tiền Hội Ngộ, cho có chút chữ nghĩa ăn học. Nói gì nói, cũng tội nghiệp cho mấy ông đầu nậu. “Ðầu nậu”, xin hiểu theo nghĩa lương thiện, trong sáng phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm làm Ban Tổ Chức lo ngày lo đêm giùm cho anh em làm sao có Ngày Tiền Hội Ngộ và Ngày Hội Ngộ diễn ra viên mãn.


    Ông bà Nguyễn Văn Lợi

    Nói mấy ông thì cũng phải cám ơn quý bà phu nhân của mấy ổng cũng cùng chồng chạy đôn, chạy đáo, mệt đã đành mà còn chán chết cha, đôi khi còn bị dèm pha, dè bỉu! Ðó là mấy ông bà Nguyễn Văn Lợi, Lê Sỹ Tài, Phan Thành Ngọc Ðiệp, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Hoài Dĩnh, Ðặng Kim Hàm…và tôi, đôi khi “xía vô” một chút trong Ban Tổ Chức. Nếu như không có mấy ông bạn đó, không có quý bà vợ của mấy ông bạn đó, liệu chúng ta có được một ngày anh em 46 năm gặp mặt nhau mà hàn huyên đủ thứ chuyện đời xưa, chuyện đời nay và cả chuyện tương lai những ngày chắc không còn sống lâu nữa. Chuyện lo liệu cho 2 ngày gọi là Ngày Tiền Hội Ngộ và Ngày Hội Ngộ đương nhiên không phải một, hai người lo là được, phải có nhiều người nữa, nhưng phải nói, có mấy ông, mấy bà đó mới nên cớ sự là cái chắc. Dẫu gì cũng là anh em, nhân nhượng lý luận với nhau một chút, mà ông bà mình đã bảo “chín bỏ làm mười” thì mọi việc cũng đâu vào đó một cách xuôi chèo, mát mái mà vui vẻ cả làng


    Ông bà Lê Sỹ Tài

    Ðể đi đến một kết luận đồng nhất những chi tiết chương trình Ngày Hội Ngộ, anh em đã phải san sẻ cho nhau những ý kiến ngược chiều, đôi khi cũng chèo kéo, xung khắc, gây go và khác thường. Ở đâu không biết, nhưng với người Việt ở Mỹ thì người ta thường thấy, chỗ nào có lễ lạt, hội hè bất kể lớn nhỏ, bất kể là loại gì đi nữa, y như rằng chỗ đó có Bàn Thờ Tổ Quốc. Bàn Thờ Tổ Quốc được dựng lên, có khi trên sân cỏ, có lúc trong phòng ốc một ngôi nhà ở, có hồi trong khách sạn, trong nhà hàng, có lần ngoài vườn tược…mất tính thiêng liêng, thiếu sự trang nghiêm, không có sự trân trọng. Nghĩ rằng, giá trị Bàn Thờ Tổ Quốc đã bị lạm dụng một cách thô lậu, nên Ngày Hội Ngộ Khóa 2 là một tập họp nhỏ nhoi, có tính cách nội bộ, nên anh em thuận ý với nhau là thôi, không nên lập Bàn Thờ Tổ Quốc trên sân khấu nhà hàng Diamond Seafood Palace, mà thay vào đó bằng lá Quốc Kỳ VNCH thả dài từ cao xuống. Ði đến kết luận nầy, không phải không có sự tranh luận gây go. Chừng một chục năm trở lại đây, không biết từ đâu mà ra, có mấy chữ Việt Nam Cộng Hòa viết tắt là VNCH đi đằng sau Cảnh Sát Quốc Gia viết tắt là CSQG thành CSQG/VNCH. Và tự nhiên Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia cũng thành Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa mà gọn gàng lại là Học Viện CSQG/VNCH. Danh từ đó, anh em suy qua xét lại, kiểm tới kiểm lui mù cả hai con mắt, ù cả hai cái lỗ tai cũng không tìm đâu ra. Từ tấm bảng hiệu của nhà trường là Học-Viện Cảnh-Sát Quốc-Gia, phía dưới có hàng chữ Mỹ là National Police Academy, đâu có chữ nào Việt Nam Cộng Hòa hay VNCH nằm ở đằng sau? Trong Sự Vụ Lệnh số 1205/-TCSQG/NHNV/SVL mà Chuẩn-Tướng Nguyễn-Ngọc-Loan ký ngày 11 tháng 11 năm 1967 “Nay đặt các nhân viên có tên dưới đây, mãn khóa Ðào-Tạo Biên-Tập-Viên ngày 28. 10. 1967 tại Học-Viện Cảnh-Sát Quốc-Gia, thuộc quyền sử dụng của: ..., đâu có chữ nào Việt Nam Cộng Hòa hay VNCH nằm ở đằng sau? Văn-Bằng Tốt-Nghiệp có ghi “Học-Viện Cảnh-Sát Quốc-Gia, chứng nhận ông…đã theo học lớp…khóa II Sĩ-Quan-Cảnh-Sát, mở tại Học-Viện và đã được chấm đậu kỳ thi mãn khóa”. Phía dưới bên trái Tổng Giám-Ðốc Cảnh-Sát Quốc-Gia, Chuẩn-Tướng Nguyễn-Ngọc-Loan ấn ký và cũng phía dưới mà bên phải, Viện-Trưởng Học-Viện Cảnh-Sát Quốc-Gia, Quận-Trưởng Thượng-Hạng…Ðàm-Trung-Mộc ấn ký, đâu có chữ nào Việt Nam Cộng Hòa hay VNCH nằm ở đằng sau? Vậy thì tại sao mình cứ đèo hàng chữ Việt Nam Cộng Hòa đi đằng sau Cảnh Sát Quốc Gia cho nó dài, có khi viết banderôle lại trở ngại?


    Nói rằng, qua Mỹ mình chống Cộng, sợ bị lẫn lộn Cảnh Sát của ta qua của Việt Cộng thì càng không đúng. Tụi Cộng Sản Việt Nam nó sợ 2 chữ Quốc Gia và không bao giờ tổ chức chính quyền nào của chúng lại có 2 chữ Quốc Gia đó. Hai chữ Quốc Gia bị chúng thay thế bằng 2 chữ Nhân Dân như Học Viện Cảnh Sát Nhân Dân, Ðại Học Cảnh Sát Nhân Dân…thì chúng ta sợ gì lộn qua, lẫn lại để tìm mệt chết cha Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa trước 30 tháng 4 năm 1975 không ra. Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia đã có nhiều khóa tốt nghiệp dưới cùng một huy hiệu màu xanh lá cây của Học Viện CSQG, có thanh gươm báu, có ngọn lửa thiêng, có 2 cành lúa, có chữ kỷ luật, có chữ danh dự. Và có lẻ bây giờ sống ở Mỹ đã yên bề sinh kế, đã già cả nhưng đầu óc thì rộng rãi ra, nên một số bạn bè ta, những cựu SVSQ Học Viện CSQG đã sáng tạo mà vẽ ra nhiều nhãn hiệu, nhiều bảng hiệu thiệt đẹp cho khóa của mình dùng vào những dịp họp khóa. Khóa thì có con số 1 thiệt to, thiệt cao, đứng ngạo nghễ đằng sau huy hiệu Học Viện CSQG; khóa thì có cái đầu trâu mang cặp sừng dài kiểu Texas Longhorns Football của xứ cao bồi đang ngậm huy hiệu Học Viện CSQG. Có điều, cái gốc huy hiệu Học Viện CSQG, các khóa đó vẫn giữ nguyên, vẫn tôn trọng, không dám đánh đổi. Duy chỉ có một khóa can đảm hết sức can đảm là vẽ con số 3 to lớn với chữ KHÓA trong một vòng tròn màu xanh da trời nằm “nguyên con” như thể “yểm tài” ngay trên đầu thanh gươm báu và ngọn lửa thiêng của huy hiệu Học Viện CSQG. Chắc quý ông bạn ta muốn chế ra cho khóa mình một huy hiệu riêng chăng?
    Tôi thử nhìn qua nhiều quân trường như Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, Trường Bộ Binh Thủ Ðức…họ rất tôn trọng huy hiệu quân trường cũ của mình nên chưa có ai khóa nào dám “nhảy tọt vào trong” một cách vô trật tự mà vẽ vời cái nầy, sơn phết cái kia làm mất đi tính cách trân trọng, cao cả, đôi khi còn mang nặng ý nghĩa thiêng liêng nữa của ngôi trường mình đã xuất thân. Tôi vẫn thấy cái bảng hiệu Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ của Khóa 2 Trần Bình Trọng, dù không mỹ miều, nhưng nó vừa nói lên ý nghĩa đầy đủ, vừa không có hình thức là một huy hiệu mới đẻ ra, lại vừa trọn tình trọn nghĩa với ngôi trường mẹ, không dám làm sứt mẻ, không dám làm suy suyển đến cái huy hiệu thân mến Học Viện CSQG làmh btruyện ngắn anh em buồn lòng.


    Bảng hiệu Khóa 2 “Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ”

    Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia được đặt tên là Khóa Trần Bình Trọng, ra trường trên 500 Sĩ Quan mà bây giờ ghi nhận được một cách chắc chắn, ít nhất là 70 bạn đã ra người thiên cổ. Vậy thì, người bạn đồng môn còn sống định họp mặt hôm nay cũng nên tưởng niệm đến những người bạn đồng môn của mình đã ra người thiên cổ mà mời về cùng tham dự cho vui là tự nhiên, là hợp với đạo lý và truyền thống người Việt chúng ta? Một người bạn đồng khóa đã làm ra Bài Thơ Tưởng Niệm như sau: “Bốn mươi sáu năm xưa, năm 1967, Bọn chúng ta cùng đầu xanh tuổi trẻ. Ôm chí trai hùng vùng vẫy bốn phương. Học Viện gặp nhau chung luyện trí đúc hồn. Nung nấu tài năng chờ ngày giúp nước. Rồi tung cánh khắp bốn vùng chiến thuật. Kẻ thành đô, người Bến Hải, Cà Mâu. Dù hậu phương hay lăn lộn tuyến đầu. Ðều quyết một lòng vì dân trừ bạo! Rủi vận nước đang gặp hồi suy bại. Khiến lũ bất lương đắc thế lăng loàn. Rước voi dày mồ, đất mẹ tan hoang. Ðẩy dân lành xuống chín tầng địa ngục! Hôm nay chúng tôi, Những kẻ lưu vong may còn sống sót. Má hóp da nhăn, bạc thếch mái đầu. Tụ về đây ôn lại thuở bên nhau. Lòng chạnh xót cảnh kẻ còn người mất! Vì lẻ đó, chúng tôi. Ðốt hương tưởng niệm những đồng môn đã khuất. Bởi bệnh tật, già nua hay vị quốc vong thân. Dù nấm ấm mồ cao hay áo đất quan sương. Xin cầu nguyện thảy đều siêu linh vĩnh cửu! Cổ bàn tuy đơn sơ. Hương hoa bánh trái. Vài chén rượu nồng. Nhưng mặn ân tình thủy chung. Các đồng môn có linh thiêng. Xin về chứng giám! Thương ô! Thượng hưởng!” Dĩ nhiên, cũng có một cái bàn dù đơn sơ cũng là một cái bàn có nhang, có đèn, có hoa, có quả, có bài vị, có hình ảnh cũ của những người anh em mình đã không còn hình hài hiện tiền…mà van vái “Xin về chứng giám”.


    Vài người bạn năm 1967, nay kẻ còn người mất

    Tôi thường mau miệng, phụ làm phát ngôn viên phụ họa với mấy ông bạn trong Ban Tổ Chức mà mời gọi bạn bè đồng môn Khóa 2 Học Viện CSQG vào ngày 26 và 27 tháng 10 năm 2013 ráng về Orange County họp mặt một lần với nhau, sau nầy dẫu có nằm xuống, chắc cũng không ân hận gì, buồn phiền gì! Nhưng, có bắt tay vào việc mới thấy việc không đơn giản chút nào, không dễ dàng chút nào. Mò tìm cho ra được số điện thoại của mấy ông bạn già của mình, nhứt là những ông muốn im hơi lặng tiếng, gác kiếm giang hồ thiệt là khó. Khi có rồi, gọi thì một loạt tiếng trong trẻo của một người đàn bà Mỹ nói lia lịa nghe không kịp “We’re sorry you have reached a number that has been disconnected or is no longer in service, if you feel you have reached this recording in error please hang up and try your call again”. Khi gọi mà đầu dây bên kia có người Việt trả lời là mình mừng, nhưng thường là mừng hụt vì đa số cả ông chồng lẫn bà vợ đều trả lời: “ Muốn đi lắm, ngặt phải làm “baby sitter”, trông coi mấy đứa cháu nội, mấy đứa cháu ngoại để cha mẹ tụi nó đi làm”. Có người lại cho biết: “Nhà hai vợ chồng già có 2 con chó lớn lắm, dữ lắm giữ nhà, đi ai nuôi tụi nó?”. Có người than trời thở đất như ong vò vẻ rằng thì là “Già cả lú lẫn lắm rồi, đi đứng làm sao?” Có người “Bệnh hoạn đủ thứ, đi cái nỗi gì”. Cũng có người không ngần ngại cái gì, nói hoạch toẹt “Tôi chán, tôi ngán hội với hè lắm rồi, xin để tôi được bình yên”. Có người, bà vợ nói thay ông chồng: “Mèn ơi! ổng đâu bỏ được một ngày đi câu cá mà đi với chạy”. Nghe bạn bè trả lời, lòng mình cảm thấy sao nặng chình chịch nỗi buồn mênh mông, chán chường, muốn thôi không thèm gọi ai nữa chi cho mệt! Nhưng bù lại, có những người nghe nói chưa hết ý thì, cả vợ lẫn chồng vui vẻ: “Ði chớ! già rồi, còn gì nữa, có gì nữa, đã 46 năm trời mới có lần đầu, biết còn lần sau?”. Một người, tháng 12 năm nay cả hai vợ chồng sẽ về Việt Nam ăn Tết, nhưng: “Về Việt Nam thì về, để gặp anh em bạn bè, thế nào cũng phải đi một chuyến chớ bạn”. Có người, gia đình không dễ dàng chút nào, nhưng bà vợ Dược Sĩ cứ bảo ông chồng Thiếu Tá: “anh nên đến với anh em một lần họp mặt”. Có như vậy, tôi đến hôm nay vẫn còn vui mừng mà cầm điện thoại gọi tên từng anh một mà nói: “Bạn ơi! Ðến với nhau một lần nầy đi, gặp mặt nhau lần nầy đi, có khi không nhìn ra nhau, và hàn huyên những chuyện đời kẻ còn, người mất. Chúng ta tuổi “thất thập cổ lai hy” hết trơn, chắc không có, không còn lần nào nữa Ngày Hội Ngộ đông đủ như kỳ nầy đâu để chờ năm sau hay năm sau nữa!”.


    Ðường và Trại Lê Văn Duyệt, SVSQ Khóa 2 ai quên?

    Cũng không phải phí công phí lòng, đến hôm nay tôi viết bài nầy, cũng đã có trên 100 người bạn đồng khóa đã ghi tên và khoảng 160 người về tham dự 2 ngày Tiền Hội Ngộ và Ngày Hội Ngộ trong ngày 26 và ngày 27 tháng 10 năm 2013. Cùng với vài chục khách mời đến chung vui, Ngày Hội Ngộ Khóa 2 Trần Bình Trọng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia chắc cũng đông tới 200 người. Ðó cũng là một niềm vui cho những anh em Cựu Sinh Viên Sĩ Quan đồng môn, đồng khóa Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia được gặp lại những vị niên trưởng của một thời nhà trường Học Viện, của những bạn bè một thời là Sinh Viên Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia với nhau, của những anh em bằng hữu trong cùng một lực lượng…Thật là một hạnh ngộ đẹp đẽ, sáng ngời biết chừng nào, ngoài sự suy nghĩ, ngoài sự mong đợi của toàn thể anh em Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia mang tên vị anh hùng dân tộc Trần Bình Trọng. Dẫu sao, cũng phải tung hô vài ông bạn đồng môn cùng khóa với tôi vài lời ca ngợi, hoan hô và vỗ tay cho thật lâu, cho thật mạnh mẽ mới đúng luật ân oán “giang hồ quen thói vẫy vùng. Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Không những các ổng lo việc các ổng đã đành, đằng nầy các ổng còn chèo kéo mấy bà xã “vào cơn gió bụi” lo toan với chồng mới đáng quý làm sao. Thật tình mà nói, mấy bả mà nhắm mắt làm ngơ, tôi đố các ổng làm được, đừng nói gì các bả cấm cản, rầy rà. Thôi thì, các bà phu nhân đã quen rồi mấy ông chồng phu quân của mình, nên “cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. Nói bây giờ là nói trên lý thuyết anh em đã thảo luận trong những ngày qua, nhưng từ đây tới đó còn cả 2 tháng nữa thì biết bao nhiêu chuyện nầy, chuyện kia có thể xẩy ra mà thêm, mà bớt là không tránh khỏi. Gì thì gì, chúng ta những anh em Khóa 2 Học Viện CSQG trong lòng đã quyết đi rồi thì trông cho ngày tháng qua mau mà gặp nhau vui biết mấy! Và một công hai, ba việc, chúng tôi những anh em Khóa 2 Trần Bình Trong vô cùng háu hức muốn gặp lại những bậc niên trưởng một thời Học Viện dẫn dắt chúng tôi ra trường là một Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia đến nay cả 46 năm chưa từng gặp mặt lại. Và bạn bè các khóa nầy, khóa kia tụ họp nơi đây kể chuyện ký ức một thời dưới cùng một mái trường Học Viện CSQG, người thì Trại Lê Văn Duyệt Biệt Khu Thủ Ðô, kẻ thì trên Ðồi Tăng Nhơn Phú Thủ Ðức. Vậy thì, xin chúng ta cùng chờ, cùng ngóng./.

    NGUYỄN THỪA BÌNH
    26/8/2012 chờ Ngày Hội Ngộ



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X