Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhớ về trâu điên

Collapse
X

Nhớ về trâu điên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhớ về trâu điên

    NHỚ VỀ TRÂU ĐIÊN

    Đồ Sơn.



    TĐ2TQLC "Trâu Điên"

    Lời Nói Đầu:

    Là một quân nhân thâm niên trong Binh Chủng, từ cấp trung đội đến cấp lữ đoàn và trải qua nhiều đơn vị, tôi đã đựơc hân hạnh làm việc với nhiều cấp chỉ huy và cùng nhiều anh em Mũ Xanh. Nay, năm 2013, nhiều vị đã về cõi vĩnh hằng và nhiều anh em đang còn vất vả tản mác khắp nơi từ quốc nội ra đến hải ngoại, tôi nhớ đến các anh, nhưng khó mà có dịp gặp lại, vì vậy, tôi xin:

    Xin dâng một nén nhang đến các Mũ Xanh đã trở lên người Thiên Cổ.
    Xin gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe đến tất cả Cọp Biển và gia đình.


    Đặc biệt là TĐ2 Trâu Điên, các anh và tôi đã sát cánh cùng nhau chiến đầu trên khắp các mặt trận trong một thời gian dài từ khi tôi là trung đội trưởng đến tiểu đoàn trưởng. Hiệu Kỳ TĐ2/TQLC được 8 lần tuyên dương trước Quân Đội với nhành Dương Liễu là do xương máu của anh em đã nằm xuống, là mồ hôi nước mắt của tất cả anh em chúng ta.
    Chúng ta có nhiều kỷ niệm vui buồn bên nhau, vui khi chiến thắng, buồn khi có đồng đội ở lại chiến trường và hẳn nhiên, đôi lúc vì nhiệm vụ nếu có Trâu Điên buồn “Trâu Điên Trưởng”thì cũng là lẽ thường tình, vì “nhiệm vụ trên hết”.
    Tôi luôn nhớ đến chiến công và sự hy sinh của quân nhân các cấp thuộc TĐ2/TQLC. Các anh em đã chịu đựng nhiều gian khổ và thua thiệt nhiều phương diện, với với quyền hạn của một cấp chỉ huy tác chiến, tôi chỉ biết xin đựơc chia sẽ cùng anh em..

    Chính lúc này đây, ngồi nhớ về quá khứ hào hùng, tôi thật sự khâm phục tinh thần chiến đấu và sức chịu đựng của anh em. Nếu có anh em nào buồn Trâu Điên Trưởng”, tôi thành thật xin lỗi các anh em.

    “Nhớ Về Trâu Điên” là tâm tình của tôi nhớ đến tất cả, tất cả Trâu Điên, nhưng tôi không thể nhớ hết, những danh xưng ghi trong bài này chỉ là tượng trưng cho một phần nhỏ mà tôi còn nhớ trong đại gia đình TĐ2/TQLC.

    Có thể có Trâu Điên không tin lời tôi, nhưng tôi tin chắc một điều là tôi không thể nói dối với những Trâu Điên trên Thiên Quốc như Lê Hằng Minh, Nguyễn Năng Bảo, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Văn Hợp, Nguyễn Quốc Chính, Trần Đăng Túc, Nguyễn Văn Thà, Bùi Ngọc Đường v.v..

    “XIN NHỚ ĐẾN TẤT CẢ TRÂU ĐIÊN”

    ***

    Cách đây mấy tháng tôi có nhận được một e-mail của một người nói là con gái Trung Uý Trần Đăng Túc TQLC, cô nghe nói là ba cô ở Tiểu Đoàn Trâu Điên nên cô đi tìm tài liệu của cha trên trang web TQLC và đi hỏi những người có liên quan với Trâu Điên. Cô đã tìm và có địa chỉ của tôi nên cô gửi lời thăm và hỏi về cha cô có thực sự là Trâu Điên hay không.

    Một người vợ lặn lội từ hải ngoại phương xa trở về nơi xưa là chiến trường, là gò mối, là đồi tranh quanh trại tù để tìm xương chồng là chuyện đã có, một người con hiếu thảo đi tìm tung tích cha bị mất tích sau cuộc chiến là chuyện đã có nhiều. Nhưng một người con, tuy đã biết cha mình ở bên kia thế giới nhưng lại cố đi tìm lý lịch của cha xem có phải là thuộc Tiểu Đoàn Trâu Điên hay không thì là chuyện tôi gặp lần đầu.

    Là quân nhân thuộc TĐ2/TQLC, rồi sau đó là Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2 dưới danh xưng Trâu Điên khiến tôi xúc động về tấm lòng phụ tử này nên hôm nay tôi viết vài trang về anh em Trâu Điên, đặc biệt là Trâu Điên Trần Đăng Túc, một trường hợp đặc biệt của thế hệ thứ 2, điển hình là con của một TQLCVN, một tấm lòng đáng trân trọng. Cô nói:
    - “Hôm nay, sau gần 50 năm tìm được ba cháu ở Trâu Điên, biết rõ ba cháu là Trâu Điên đánh trận phản phục kích cùng Trung Tá Lê Hằng Minh ngày 29-6-1966 qua tài liệu bác cho khiến cháu như người đi trên mây vì biết ba cháu cũng là một Trâu Điên bảo vệ tổ quốc”.

    ***

    Thông thường, để dễ chuyển lệnh của Tiểu Đoàn Trưởng hoặc Tiểu Đoàn Phó đến các Đại Đội Trưởng khi huấn luyện cũng như hành quân thì Sĩ Quan Hành Quân Huấn Luyện trong Tiểu Đoàn, thường đựơc gọi ngắn gọn là Trưởng Ban 3, là Sĩ Quan có thâm niên hơn hoặc bằng các ĐĐT. Thời gian sau này có lẽ vì nhu cầu chiến trường thiếu hụt cán bộ nên thấy ít có đơn vị còn áp dụng điều lệ trên.

    Tôi là TB3/TĐ2 từ đầu năm 1961 đến 4-63, thời gian lâu hơn tất cả những sĩ quan ban 3 khác của TĐ2. Trước đó tôi đã làm TB3/TĐ1 hơn 1 năm (1958). Vì ở đâu cần ban 3 là tôi được thuyên chuyển đến. Có lẽ ám số chuyên nghiệp lính của tôi là ban 3. Tôi đang làm ban 3/TĐ2 thì được Đại Uý Nguyễn Thành Yên, TĐT/TĐ2 chỉ định làm ĐĐT thay Đại Uý Hoàng Văn Nam ĐĐT/4/2 ở Tân Ân, Cần Giờ khi Đại Úy Nam bị thương trong cuộc hành quân Sóng Tình Thương tháng 3/63. Ông Nam bị thương nặng vì trúng đạn pháo kích tháng 4/63. Chuyên nghiệp Trưởng ban 3 cấp tiểu đoàn của tôi cũng chấm dứt kể từ tháng 4-63. Trung Uý Nguyễn Bạch Mai ở TĐ1 về làm TB3/TĐ2 thay tôi.

    Chiến dịch Sóng Tình Thương chấm dứt tháng 4/63, TĐ2 đi hành quân vào mật khu Đỗ Xá ở quận Trà Mi, Quảng Nam khoảng 2 tháng. Chấm dứt Hành Quân Đỗ Xá TĐ2 đi về Vùng 4 hoạt động ở vùng Rạch Giá. (Kiên Giang sau này).

    Đêm 9 tháng 10/63 TĐ2 về giải cứu quận Đầm Dơi, An Xuyên khi quận này bị VC tấn công và đã mất liên lạc với tỉnh. Sáng ngày 10/10/63 theo lệnh HQ, TĐ2 chia làm 2 cánh A và B. Cánh A gồm BCH/TĐ2 Đại Uý Nguyễn Thành Yên TĐT cùng ĐĐ2 Đại Uý Nguyễn Văn Hay và ĐĐ1 Trung Uý Phạm Nhã xuống quân bên cạnh Quận. TĐP là Đại Uý Cổ Tấn Tinh Châu đi học nên không có mặt. Sau khi BCH/TĐ và 2 ĐĐ đổ xuống cạnh quân, vô sự vì VC đã rút. Khi phát giác VC đã rút theo đường sông, Quân Đoàn cho lệnh TĐ2 đổ ĐĐ3 và ĐĐ4 cách quận 10 Km để chặn đường rút lui của chúng. ĐĐ3 đổ đúng chỗ chúng dừng quân trên đường rút. Tao ngộ chiến. Nếu chúng chuẩn bị đánh mình thi đợt đầu của ĐĐ4 đã bị 106 ly hạ hết máy bay không còn trực thăng để chở quân tiếp viện nữa.

    ĐĐ3/TĐ2 do Trung Uý Nguyễn Năng Bảo chỉ huy đổ sau khi ĐĐ4 hoàn tất. Đổ quân cùng một khu vực, 2 bãi đáp ở trái, phải cách nhau 1 Km, trên một cánh đồng ngập nước tới lưng. và cách quận Đầm Dơi chừng 10 km. Trực thăng H21 là loại trực thăng của Lục Quân Mỹ, căn cứ ở tại Vũng Tầu. Có mặt đầu tiên ở chiến trường VN năm 1963. Không có Tiểu Đoàn Phó nên chúng tôi phối hợp hàng ngang và yểm trợ lẫn nhau. ĐĐ3 của Trung Uý Bảo lội ruộng vào rặng dừa bên phải khi vào gần đến khu có thế đất cao, địch khai hoả, ta ở thế bất lợi không quân và pháo binh yểm trợ rất giới hạn, chỉ có Sơn Pháo 75 ly của TQLC. Thiếu Uý Nguyễn Xuân Phúc khoá 16 VB là Đại Đội Phó bị thương nặng và một số SQ và nhiều anh em tử thương và bị thương ĐĐ4 tiếp ứng ĐĐ3. Đến đêm địch rút, tất cả anh em tử thương và bị thương được các CV giúp phương tiện tản thương trong đêm ra khỏi vùng hành quân.

    Sáng hôm sau TĐ lên , bên ta thu nhiều súng, gồm 1 đại bác 106 ly Trung Cộng, 2 đại Liên 50 và 2 đại liên 30 cùng với nhiều súng cá nhân. Trận Đầm Đơi tháng 10/63 trưởng ban 3/2 là Trung Uý Nguyễn Bạch Mai. Cố vấn trưởng TĐ là Đai Uý Joseph Smith.

    Xong trận Đầm Dơi tháng 10-63 tôi được tự động thăng cấp Đại Úy thường niên trong 1 danh sách cho tất cả những Trung Uý trong Quân Đội VNCH có 8 năm thâm niên cấp bậc không cần phải có đề nghị của đơn vị gốc.

    Tháng 11/63 đảo chánh, Đại Uý Yên bị tạm giữ ở Bộ Tổng Tham Mưu. Đại Uý Cổ Tấn Tinh Châu, Tiểu Đoàn Phó dự khoá học tại trường chỉ huy tham mưu Đà lạt về chỉ huy TĐ2 thay Đại Uý Yên. TĐ2 trách nhiệm phòng thủ trong Bộ Tổng Tham Mưu. Đảo chánh xong, TĐ2 chấm dứt nhiệm vụ trong BTTM. Đại Uý Châu thăng cấp Thiếu Tá. Ngày 31 tháng 12/63 TĐ2 hành quân Trực Thăng Vận giải vây trại Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ ở Đức Hoà bị VC tấn công và bắt đi nhiều quân nhân MỸ. Nhiệm vụ TĐ2 là đi tìm và bắt lại tù binh Mỹ. Cũng lại ĐĐ4/2 đổ trực thăng đợt đầu, xuống đất là đụng ngay và ĐĐ4 lấy nhiều súng của VC đang di chuyển trên xuồng, chúng bỏ của chạy lấy người. Nhưng nửa chừng thì được lệnh ngưng không đuổi theo sợ chúng giết tù binh MỸ. Trong cuộc hành quân sau đó cũng ở Đức Hoà, Đức Huệ Trung Uý Nguyễn Bạch Mai TB3 tử trận. Bị 1 viên đạn trúng vào ngưc chết ngay.

    Sau trận này tôi được đề cử đi học khoá Tham Mưu Trung Cấp tháng 3 Năm 64 ai làm ban 3 TĐ2 thay Trung Uý Mai thì tôi không biết vì tôi đi học. Học xong tôi về làm ĐĐT/4/2 trở lại mà khi đi học tôi được lệnh giao Đại Đội cho Trung Uý Vũ Anh Kỳ. Lúc này TĐ2 đang ở Cần Đước Long An. Thiếu Uý Đăng Văn Sơ là TB3. Đầu năm 65 Thiếu Sơ bị xe GMC cán chết ở sân TĐ khi đoàn xe GMC chuẩn bị chuyển bánh đi ra sân bay Biên Hoà đi Qui Nhơn vì trời tối tài xế không thấy ông đứng cạnh xe. Lúc này Đại Uý H.T Thông làm TĐT/2 thay Thiếu Tá CTTC (Tháng 12/ 65)

    Tháng 7 năm 65 sau chiến thắng Phụng Dư của TĐ2, tôi thuyên chuyển khỏi TĐ nên tôi không biết ai làm ban 3 thay Thiếu Uý Sơ . Đại Uý Thông bàn giao TĐ2 cho Thiếu Tá Lê Hằng Minh tháng 12/65.

    Ngày 29-6-66 khi đang làm Tiểu Đoàn Phó cho Thiếu Tá Nguyễn Thế Lương TĐT/3 hoạt động ở Đà Nẵng. Tôi đi phép về thăm gia đình ở Thủ Đức thi gần trưa được P4/SĐ cấp 1 Sự Vụ Lệnh và vé máy bay đi ra Đà Nẵng. P4 cho biết khi đến phi trường Đà Nẵng sẽ có xe TĐ2 đưa về TĐ Hành quân ở Phong Điền Thừa thiên Huế để thay Cố Trung tá Minh tử trận.

    Sự việc quá bất ngờ với tôi, Phòng 4 đem Sự Vụ Lệnh lên nhà đưa cho tôi, đọc qua rồi vội vã từ giã gia đình và chào 2 bên hàng xóm là Ông Bà giáo sư Lạc và Trung Uý Hàm. Tôi gửi gấm nhà tôi và 2 cháu gái 6 tuổi và 3 tuổi để ra phi trường cho kịp.

    Kỳ này đi không biết có về không. Nhìn lại 2 năm 65-66 có 3 Tiểu Đoàn Trưởng hy sinh (Nho tại Bình Giả Phước Tuy 31-12-1964 (kể như bắt đầu 65), Phước tại Quảng Ngãi cuối năm 1965, Minh tại Phong Điền Thừa Thiên 29-6-66), tôi đi nhận chức vụ TĐT lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này, nắm chắc đặc cách thăng cấp Thiếu Tá tại mặt trận nhưng gắn lon Nằm Nghiêm chứ không đứng nghiêm và có thêm vòng hoa.

    Khi tôi thay Cố Trung Tá Minh thì trưởng ban 3 Trâu Điên là Trung Uý Trần Đăng Túc khoá 10 SQ Thủ Đức, nghe gia đình cho biết là Trung Uý Túc có đi du học MỸ, nhưng không nhớ năm nào, và từ đơn vị nào trước khi ra nhập TĐ2 năm 1966. Tháng 3 năm 1966 Trung Uý Túc trong nhiệm vụ TB3/TĐ2 đánh trận vào ấp Chiến Lược An Quý, Tam Quan, Bình Định. Góp công cho TĐ2 được mang phù hiệu Trâu Điên trên chiến phục ngụy trang binh chủng sau trận An Quý. Rồi tháng 6 anh lại cùng Trâu Điên đánh trận bị VC phục kích tại Phong Điền Huế ngày 29-6-66. Thiếu tá Minh TĐT Tử trận, trên 40 anh em trong BCH hy sinh, gần 100 người bị thương trong trận này, anh thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Trong trận này anh đã được phiá CV đề nghị huy chương Navy and Marines Corps Commendation with Combat "V" về những hành động dũng cảm của anh trước đông đảo địch quân, bảo vệ đồng đội. Năm 1967, sau khi Trung Uý Túc qua đời, phu nhân và gia đình dọn về quê quán ở Bình Định. Bà được giấy mời của chính phủ Mỹ đi Saigon nhận huy chương của chồng là Trung Uý Túc . Bà không nhớ nơi gữi nhưng có lẽ là của Toà Đại Sứ Mỹ Tại SG, qua văn phòng CV Trưởng Hải quân Mỹ cho Hải Quân VN, mời bà đi Saigon nhận huy chương của chồng. Nhờ vào trí nhớ bà còn nhớ cũng là 1 yếu tố quan trọng để chứng minh là Trung Uý Túc chồng bà đã được chính phủ Mỹ ân thưởng huy chương năm 1966, nên sau 46 năm (1966-2012 )tại Hoa Kỳ con gái bà cô Yvonne Trần cũng có phần dễ dàng làm đơn xin truy lục lại hồ sơ Huy chương chính phủ Mỹ ân thưởng cho Trung Uý Túc cha của cô ngày 29-6-66 về hành động dũng cảm trong trận phản phục kích của TĐ2 Trâu Điên ở Phong Điền Huế ngày 29-6-66. BCH là nơi bị hỏa lực địch mạnh nhất trung tâm của trận đánh mà thoát chết trong trận này cũng là điều lạ, số mạng con người do trời định. Tôi gửi cho cháu lá thư nhân ngày Lễ Tạ ơn 2012 như sau:

    Cháu Yvonne,

    Đã gần 50 năm. Trí nhớ mọi người đã sút giảm. Những người biết về ba cháu thì không mấy người còn sống. Bây giờ bác đã tìm đươc hình ảnh của ba cháu chụp khi TĐ2 đi huấn luyện ở Vạn Kiếp sau trận TĐ2 bị phục kích. Tài liệu của Bác Tôn Thất Soạn trong bài Phản phục kích có đề cập đến ba cháu. Như vậy thì chúng ta coi như là tài liệu bác Soạn cho là chính xác. Cháu hãnh diện ba cháu ở Trâu Điên. Làm bác cũng hãnh diện. Quan trọng là chỗ cháu là thế hệ thứ hai. Cha mất khi cháu còn nhỏ. Cùng mẹ sống với CS nhiều năm. Sang Mỹ sau này. Sau mấy chục năm cố gắng đi tìm cha. Bây giờ đã thấy và cháu rất hãnh diện về ba cháu đã là TQLC, mà lại là Trâu Điên. Bác cũng hãnh diện vì cháu. Đã cố học và thành công trên đất Mỹ. Giữ những công việc quan trọng trong chính quyền. Bác sẽ liên lạc vói bà Nancy vợ ông Thomas Campbell xem bà còn hình ảnh gì thì cho bác. Bác sẽ tặng cho cháu. Ông Campbell trước khi qua đời có để lại cái note cho vợ là gửi hình ảnh kỷ niệm với Trâư Điên cho bác.

    Chào cháu.
    ĐS.


    Sau khi đọc thư của tôi cháu hồi âm:

    Kính Gửi Bác Định,

    Biết cha cháu đi lính, như hầu hết tất cả các cháu đều có cha đi lính, cha mình chết bịnh, có gì đáng kể? Chạy tỵ nan, sống nhờ sống cậy, có gì đang nói? Có bằng chức, nhưng mình là dân tộc mất nước, ai muốn nghe? Những anh hùng lính Việt Nam đâu, sao không nghe thấy?

    Đây là mặc cảm của cháu mang theo hơn mấy chục năm nay. Nhưng nay nó tan biến, cảm tưởng con bây giờ như người đi trên mây. Nếu không có bác nhắc đến tên ba cháu, chắc cháu cũng quên. Nếu không biết bác là người lính anh hùng TQLC nổi tiếng, là người cha, người chồng đang quí, chắc cháu cũng không đi tìm hiểu thêm ba mình làm gì? Lẽ sống con người, càng đọc về những dòng bút của tất cả những MX viết, cháu càng thấy thấm. Có ai được như cháu như ngày hôm nay khám phá ra ba mình cũng là một trong những TQLC anh hùng Trâu Điên, và sống chết cho hai chữ “Danh Dự Tổ Quốc”. Cháulà người đi trên mây.

    Cháu Yvonne


    Hôm nay đã tìm đươc lý lịch của Trung Uý Trần Đăng Túc ba Cháu.
    Thiếu Úy Trần Đăng Túc khoá 10 SQTB Thủ Đức. Số quân 53A/124670 Sinh ngày.. tháng 10/1933 tại Bình Định. Thăng cấp Trung Uý tháng 3/1964.
    ĐS

    Kính Bác Định.

    Cháu liên lạc với bác đầu tháng 4, năm 2012 khi cháu thấy tên ba cháu trên TQLC website. Cháu quá cảm động khi thấy có người nhắc đến tên ba cháu trong chiến sử TQLC vì ba cháu chết đã 45 năm rồi. Người nhắc đến là bác. Lúc đó, cháu không biết bác là ai. Sau này cháu mới biết bác là người hùng Ngô văn Định. Khi ba cháu chết, cháu chưa đầy năm tuổi, nên không biết gì về lịch sử của TQLC, hay là chiến tranh Việt Nam xảy ra như thế nào. Từ khi đi kiếm kỷ niệm của ba cháu, cháu đọc rất nhiều về những tài liệu TQLC qua những gì bác và những người lính MX khác đã viết. Những gì cháu tìm hiểu cho cháu lại một hình ảnh rất là quí báu, đó là sự hy sinh cao cả của người lính TQLC nói riêng, và người lính VNCH nói chung.

    Qua sự giúp đỡ của bác, nay cháu đã biết nhiều về lý lịch lính của ba cháu. Cháu không làm sao tả được sự tự hào của cháu là thuộc gia đình TQLC, và ba cháu là anh hùng Trâu Điên. Bác có hỏi, nay cháu làm việc gì? Cháu không ngại viết về lý lịch cháu cho gia đình TQLC biết. Cũng như những người Việt Nam ty nạn, cháu vượt biên năm 1979. Khi cháu qua, thì lúc đó cháu 17 tuổi, vẫn còn trẻ để theo đuổi sự học hành để kiếm được một tương lai tươi sáng. Cháu đã đạt được những gì cháu muốn. Cháu ra đại học năm 1985, với bằng kỹ sư hóa học (B.S.chemical engineering). Cháu được Naval Surface Warfare Center (NSWC), Dahlgren, Virginia, nhận vào làm việc. Cháu đã làm những chi nhánh khác của NSWC cho đến năm 2001. Hiện giờ cháu làm ở Federal Aviation Administration, Washington D.C.

    Nếu nói về địa vị, thật ra cháu cũng không bằng ai, vì có nhiều người thế hệ thư hai rất là thành công, và có địa vị nổi tiếng trong xã hội Hoa Kỳ. Nhưng nhìn lại những biến cố của chiến tranh Việt Nam, thế hệ thứ hai con của lính TQLC như trường hợp cháu, cũng rất cương quyết, và trải qua được những cảnh nguy hiểm vượt biên, những thử thách khó khăn cuộc đời, cũng thành công trong xã hội mới, và không quay lưng quên nguồn gốc của mình. Riêng cháu, những giòng bút của lính TQLC cho cháu biết lính TQLC họ yêu nước ngoài sức tưởng tượng của cháu. Dù có thất bại chiến trận, dù có lạc loại nước ngoài, dù đã đến tuổi hoàng hôn, họ vẫn cầm bút được để cho con cháu họ biết đến sự thật của chiến tranh, và đem lại vinh dự cho những người lính đã nằm xuống. Cháu sẽ mãi mãi không bao giờ quên sự hy sinh của lính TQLC.

    Yvonne Tran
    Trưởng nữ của
    Cố Trung Uy Trâu Điên Trần Đăng Túc
    23 Tháng 11, 2012


    Hôm nay ngày 21 tháng 12 năm 2012. Cháu Yvonne Trần con gái của Trung Uý Túc báo cho tôi biết đã nhận được bản tuyên dương cho ba cháu lưu trữ tại trung Tâm lưu trữ hồ sơ cá nhân của Bộ Hải Quân Hoa Kỳ thuộc trung tâm lưu trữ hồ sơ của Quân Đội Mỹ và đồng minh còn lưu giữ . Cháu làm đơn xin cách đây hơn 1 tuần lễ. Nay đã có hồi âm.

    Đây là món quà có ý nghiã trong mủa Giáng sinh 2013 cho Cháu và Gia đình cháu. Để tưởng nhớ đến ông Bố Trâu Điên, đến những anh hùng Trâu Điên và Mũ xanh đã hy sinh.

    UNITED STATES PACIFIC FLEET
    HEADQUARTERS OF THE COMMANDER IN CHIEF
    FPO SAN FRANCISCO 9661

    In the name of the Secretary of the Navy, the Commander in Chief U.S Pacific Fleet takes pleasure in awarding the Navy Commendation Medal to

    First Lieutenant Tran Dang TUC
    Vietnamese Marine Corps
    For service as set forth in the following

    CITATION

    “For heroic achievement while serving with forces engaged in armed conflict against the Communist insurgent forces in the Republic of Vietnam as the Operations Officer, Second Battalion, Vietnamese Marine Brigade on 29 June 1966, when his battalion was ambushed south of Quang Tri and cut into three segments by a reinforced Viet Cong Battalion, First Lieutenant TUC exhibited great professional skill and personal courage in attempting to restore command and organization to the besieged battalion after the staff and command group had been nearly annihilated. With the Battalion Commander dead and other staff officers either dead or wounded, First Lieutenant TUC fought his way with a pistol and grenades out of an enemy trap, attempting to save the life of a wounded United States advisor in the process. Despite the murderous enemy fire, First Lieutenant TUC managed to reach a defensive perimeter. He then assisted a United States advisor in the organization and defense of the perimeter, and in the subsequent counterattack to search for survivors. His courageous and determined efforts in the face of grave personal danger served as an inspiration to the besieged forces and were in keeping with the highest traditions of the Vietnamese Marine Corps and of the United States Naval Service.”
    First Lieutenant TUC is authorized to wear the Combat "V".

    [Signed]
    ROY L. JOHNSON
    Admiral, U.S. Navy

    Trung Uý Túc cùng TĐ2 ra Trung Tâm Huấn luyện Vạn Kiếp. Huấn luyện xong TĐ về HC chuẩn bị ra vùng giới tuyến, TĐ2 dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Hoàng Tích Thông CĐT/A. Hoạt động vùng căn cứ A1, A2, A3, A4. Căn Cứ Hoả Lực C1, C2 và căn cứ Cồn Thiên ở Quận Gio Linh, vĩ tuyến thứ 17. Cố Vấn Trưởng là Đại Uý Thomas Campbell phụ tá là Đại Uý Joseph Hoar. Về Mỹ lần lượt ông Campbell về hưu với cấp Đ/Tá Trung Đoàn Trưởng, còn ông Hoar về hưu với cấp Đ/Tướng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cuộc chiến Iraq năm 1991.

    Từ QK1 Trâu Điên đi hành quân với CĐA Thiếu Tá Hoàng Tích Thông, TĐ2 về QK2 ra Bồng Sơn với CĐB Trung Tá Tôn Thất Soạn vào An Lão rồi Phù Mỹ cùng Sói Biển TĐ3. Tháng 5 năm 67 TĐ đang hành quân ở Bồng Sơn. Trung Uý Túc đang ăn cơm chiều khi dừng quân. Tôi thấy ông mệt và ói. Tôi xin trực thăng để đưa ông đi BV Qui Nhơn. Tôi và Đại Uý Campbell đưa Trung Uý Túc ra trực thăng. Được tin ông ấy qua đời ở bệnh viên. Tôi không ngờ đây lại là lần tiễn đưa lần cuối một TB3 có khả năng và mọi người qúy mến.

    Tôi báo cho Trung Uý Nguyễn Văn Diễn chỉ huy hậu cứ báo tin cho gia đình Trung Uý Túc. Ông qua đời vì bạo bệnh nhưng trước đó ông đã là anh hùng Trâu Điên, gan dạ dùng lựu đạn ném vào những toán quân CS mà chúng tấn công vào BCH/TĐ2 khiến Tiểu Đoàn Trưởng và nhiều đồng đội Trâu Điên tử thương.

    Trung Uý Trần Kim Đệ thuộc ĐĐCH thay Trung Uý Túc làm TB3/2 từ đó cho đến trận Tết Mậu Thân 1. Trung Uý Đệ được đề cử làm Đại Đội Trưởng ĐĐ2 thay cho Đại Uý Đinh Xuân Lãm. Đại Uý Lãm làm TB3/2 sau MT1 mấy ngày. TB3 Đại Uý Đinh Xuân Lãm tuy thời gian ngắn nhưng đã góp công vào chiến thắng Khiêm Hạnh và Bời Lời tháng 9 năm 1968.

    Đại Uý Lãm đã cùng Trung Tá Tôn Thất Soạn CĐT/B, bay trực thăng suốt đêm từ tối đến sáng ở trên bầu trời chiến khu D chỉ đáp xuống khi cần đổ xăng xong lại cất cánh ngay không ngừng nghỉ chỉ điểm những vị trí súng cối 82 ly của VC trong khu vực TĐ2 đụng độ cho pháo binh tiêu diệt góp công nhiều cho chiến thắng này. Trâu Điên đã đánh tan Tiểu Đoàn 14D chủ lực tỉnh Tây Ninh và một đơn vị của Trung Đoàn 33 chính quy BV có căn cứ ở Bời Lời tháng 9 năm 1968.

    Cuộc hành quân này CĐB tăng phái cho Sư Đoàn Nhẩy Dù. Trung Tướng Dư Quốc Đống Tư Lệnh Sư Đoàn ND đã đáp trực thăng xuống ngay vùng ĐĐ1 của Đại Uý Tô Văn Cấp đã đánh tan đơn vị VC tấn công vào vị trí phòng thủ của ĐĐ1 trong đêm trước. Sáng sớm ông đến khi trận điạ còn vang tiếng súng AK nổ và cũng còn vài anh em ĐĐ1 hy sinh khi Trung Tướng TL/ND đến thăm anh em Trâu Điên. Cảm động vô vùng vì trường hợp như thế này hiếm có.

    Xong trận này TĐ về Hậu cứ chuẩn bị đi vùng 4. Tiểu Đoàn 2 lại cùng TĐ3 do CĐB Trung Tá Soạn chỉ huy, TĐ2 trực thăng vận vào U Minh Thượng còn TĐ3 vào vùng Cà Mâu với phương tiện các Giang Đoàn của Hải Quân. Đêm 6 tháng 1 năm 69 tôi bị thương nặng ở U Minh Thượng. Thiếu Tá Nguyễn Kim Đễ TĐ Phó XLTV/TĐ cho đến tháng 5/69. Tháng 5/69 TĐ2 được BTL giao quyền chỉ huy cho Thiếu Tá Nguyễn Xuân Phúc và đó cũng là ngày tôi vĩnh viễn dời khỏi TĐ2 sau 9 năm 61- 69 đến TĐ2 rồi đi, đi rồi trở lại TĐ2 làm TB3, ĐĐT, TĐT có mặt cùng anh em TĐ2 trên khắp chiến trường ở QK1 và Tam Quan, Bồng Sơn, Bình Định QK2 1966-67.

    Khi chỉ huy TĐ2 tôi được vinh dự sát cánh cùng anh em Trâu Điên, anh em luôn luôn nêu cao tinh thần TQLC nói chung và TĐ2 nói riêng trên hết. Hiệu Kỳ TĐ2 ba lần Tuyên Dương Công Trạng trước Quân Đội chỉ trong vòng 1 năm, đó là trận Cái Thia 31/12/ 67, Mậu Thân 68 tại Saigòn và Khiêm Hạnh 9/1968. Công đầu là của những anh em ĐĐT Tô Văn Cấp, Trần Văn Hợp, Trần Kim Đệ, Trần Văn Thương, Vũ Đoàn Dzoan và Đinh Xuân Lãm, Nguyễn Kim Đễ TĐ Phó.

    Trận Cái Thia và Khiêm Hạnh do Trung Tá Tôn Thất Soạn Chiến Đoàn Trưởng CĐB chỉ huy cuộc hành quân. Đã đánh tan Tiểu Đoàn 14Đ chủ lực Tây Ninh và phá tan căn cứ trú quân của Trung Đoàn 33 chính quy Bắc Việt tại Bời Lời được 1 đơn vị bảo vệ hồi cuối tháng 9-1969. TĐ2 là Tiểu Đoàn đầu tiên trong binh chủng TQLC đươc mang giây Tuyên Công mầu BQHC. Năm 1970 TĐ2 do Thiếu Tá Nguyễn Xuân Phúc TĐT dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Hoàng Tích Thông LĐT/A thắng trận ở Previeng, Miên. Mang về cho hiệu kỳ TĐ2 giây Tuyên Công mầu Tam Hợp. Ban 3 /2thời gian này là Đại Uý Nguyễn Kim Thân khoá 21 Võ Bị Quốc Gia.

    Tôi hãnh diện là 1 thành phần của Trâu Điên. Mặc dù trong 21 năm ở TQLC từ ngày đầu đến ngày cuối ở binh chủng TQLC cũng có nhiều thăng trầm trong đời quân ngũ gian khổ và hiểm nguy, có thời gian trong vòng 4 năm từ 60 đến 63 mà tôi bị thuyên chuyển 7 lần đi vòng vòng trong 2 Tiểu Đoàn 2 và 3. 21 năm ở binh chủng TQLC là những ngày tháng xa gia đình, nhưng bù lại sớm tối có anh em giúp đỡ, khi vui cũng như khi buồn lúc hoạn nạn do đó tôi vẫn cố vui sống với binh chủng và coi TQLC như gia đình vì tôi tình nguyện về Binh Chủng TQLC khi ra trường, đảm nhiệm từ Đại Đội phó, TB3, ĐĐT, TĐT rồi đến Lữ Đoàn Trưởng cả 4 Lữ Đoàn TQLC. Trong đó có thành lập 2 Lữ Đoàn 369 và 468. Tôi đã góp xương, máu cho việc xây dựng nên 1 binh chủng hùng mạnh.

    Đa số Trâu Điên đều sống hùng sống mạnh nhưng không sống lâu. Tôi may mắn sau 4 lần thương trận, 1 lần cùng toàn thể anh em Trâu Điên (9-68) và 1 lần cùng toàn bộ Lữ Đoàn 258 TQLC (4-72) gồm TĐ1, 3, 6, TĐ3 PB, BCH Lữ Đoàn và khoảng 15 cố vấn Mỹ thuộc Hải, Lục, Không Quân và TQLC MỸ trong Trung Tâm Hành Quân của Lữ Đoàn 258 tránh khỏi trận mưa bom B52 trong may mắn 1/10 nhờ 1 cựu phi công B52 trong đoàn CV liên lạc được với phi hành đoàn đang trên đường từ Thái Lan đến Quảng Trị để san bằng Căn Cứ Ái TỬ vị họ sợ CS chiếm vì không biết BCH Lữ Đoàn 258 và nhiều CV còn ở đó. Phi vụ ném xuống Ái Tử được di chuyển đi nơi khác.

    Những trận chiến ác liệt như Giồng Riềng (55), Đầm Dơi (63) Phụng Dư (65), An Lão (67), Cái Thia (67), Khiêm Hạnh, Bời Lời ( 68), Aí Tử rồi Quảng Trị (72) nhưng cảm ơn Trời vẫn cho tôi sống ..

    Hôm nay nhớ về những chiến trường mà 21 năm tôi đã trải qua ở quê hương từ Cà Mâu ra Bến Hải, Nhớ lại những nghĩa trang nhỏ bé đơn sơ nơi an nghỉ cuối cùng của anh em TQLC rải rác khắp 4 vùng Chiến Thuật nhưng nay tôi đã thuộc đoàn quân cao niên nên chắc không còn dịp nhìn lại quê hương, thăm lại nơi an nghỉ của những anh em TQLC đã cùng tôi chung vai sát cánh đã hy sinh cho Tỗ quốc VN và cho Binh chủng TQLCVN.

    Ngô Văn Định.
    Lễ tạ ơn 2012
    San Jose, Ca
    11-22-2012
    Last edited by khongquan2; 08-10-2013, 02:44 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X