Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đọc Thơ Khoa Hữu

Collapse
X

Đọc Thơ Khoa Hữu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đọc Thơ Khoa Hữu



    NGUYỄN MẠNH TRINH

    KHOA HỮU
    NỬA KHUÔN MẶT
    đọc thơ

    Khoa Hữu, tên thật Ngô Đình Khoa sinh ngày 21 tháng 8 năm 1938 tại Bắc phần. Đào thoát vào Nam tháng 3 năm 1953. Tốt nghiệp Bách Khoa hệ Cao đẳng 4 năm. Bị tù chính trị oan, mất sở làm. Sau đó đi dạy tư 4 năm. Đi lính tác chiến 10 năm, bị thương 2 lần. Đã đăng thơ và truyện ngắn trên vài tạp chí văn học tại Sài gòn. Đến tháng 4 năm 1975 giải giáp. Hiện đang sống tại Việt Nam và vẫn âm thầm sáng tác, không hợp tác với bất cứ tạp chí, tổ chức văn nghệ nào của chế độ hiện hành.

    Đã xuất bản sau năm 1975:
    – Lục Bát, tập thơ do nhà xuất bản Trình Bày và nhà thơ Diễm Châu ấn hành tại Pháp năm 1994.
    – Thơ Khoa Hữu, tập thơ do tạp chí Văn Học phát hành tại Mỹ. Tập thơ này được bảo trợ tài chính bởi các tạp chí Hợp Lưu, Văn, Văn Học, cùng nhà văn Nguyễn Mộng Giác và các thân hữu của anh. (theo NMT)



    Thơ hoài niệm có lẽ là đặc thù của chân dung thơ Khoa Hữu. Thi sĩ đã sống trong một không gian thời gian lãng đãng của trí nhớ. In một tập thơ chỉ toàn những câu lục bát có lẽ là một thách đố bởi với một thể thơ đã từ lâu đời, dựng sẵn nhiều khuôn khổ, và dòng thơ hiển hiện nhiều ghềnh thác khó vượt qua. Thế mà, trong “Nửa Khuôn Mặt”, vẫn tràn ứ những dòng lục bát, chảy trôi đi những ẩn ức thế thời. Thơ, có khi là một cách thế nói, để, cuộc sống còn một điều gì đáng nói, đáng nhớ lại, cần quan tâm. Thơ nhắc nhở. Tình quê hương. Thơ gọi về những tâm tình bạn hữu. Thơ mở ngỏ ra những cảnh đời và thơ khép lại những tân toan lịch sử. Thơ, gửi cho người và giữ lại cho mình. Một trời tâm sự. Một biển nỗi niềm…

    Làm thơ cho “những nửa khuôn mặt”, có phải là âm vang từ cuộc sống trong thơ Khoa Hữu? Không, một cảm giác ngược lại. Thơ cho người đã chết và gửi đến cõi âm. Thơ làm cuộc sống hiện tại như nhuốm màu tang tóc và ở đó, cái bóng đen thời thế, cái tang tóc nhân sinh tràn đầy. Thơ như gửi theo niềm phẫn chí. Thơ gửi theo những eo sèo của cuộc sống không có ngày mai.

    Như bài thơ nảy ý từ sau khi dự những đám tang của "những người muôn năm cũ” của một thời văn học đã qua. Những cái chết lạnh lẽo khác nhau. Những đám tang âm thầm của những người một thời bút mực tài hoa. Những Lý Hoàng Phong, Tú Kếu Trần Đức Uyển, Lê Xuyên,…Khoa Hữu đã than trời trong câu chú thích ”Ở đây, mai kia đâu còn ai đến tiễn biệt”

    “Về đây cửa ngục người nằm
    ngọn nhang cháy lửa trăm năm đợi tàn
    viếng người lòng kẻ khô khan
    bàn tay khẽ nắm bàng hoàng ngón tay
    tịnh không làm áo người thay
    môi hôn chư lạnh mê say bao giờ
    trán còn sợi tóc bơ vơ
    hàng mi chợt khép bên bờ âm dương
    thản nhiên cái phút dị thường
    chiếc thân còn ở linh hồn ở đâu
    lễ người nến nhỏ giọt châu
    chiều dưng mắt lạ đêm cau mặt nhìn.”

    Làm thơ cho một người bạn "Châu Trị là bút hiệu. Anh viết truyện ngắn nổi tiếng một thời. Đi học tập cải tạo ở quê nhà chị không chịu được nỗi cùng khổ, tự tử chết, để lại 6 đứa con thơ cho bên ngoại. Và anh được tha về... Hơn nửa thế kỷ bạn hữu - chỉ còn một giọt mưa ngâu tặng bạn”.

    Thơ như có tiếng khóc ở bên trong, của một thời đại mà quanh quanh đất nước đầy những cảnh tình oan khổ, đầy những tâm sự nát lòng.

    “Ta về đốt sách tàng thư
    giải oan khiên bóc lá bùa thời gian
    hỏi ta đã trắng phong trần
    hỏi em cũng bạc đôi phần áo xanh
    mười năm ta mắt xây thành
    mười năm em nỗi cỏ quanh chân ngồi
    gió lên ngàn nước buông xuôi
    áo da mặc rét đêm trời nhớ nhau
    nhớ không lành giấc mơ khâu
    em buông kim chỉ ta đau mấy hàng”

    Với ”Một Tình Tiết Mới” để tưởng nhớ Đồng Văn Khải, “khóa 4 ThỦ Đức. Giải ngũ. Không vợ con, sau năm 1975 về chết tại Thủ Đức” Những cước chú ngắn gọn nhưng chuyên chở nhiều biến cố ở trong mà thơ cần giải mã

    “Ta vừa cắt máu ngón tay
    nhẫn tâm tìm lại một ngày yên vui
    con chim gãy cánh bên trời
    tiếng kêu thành tiếng hót ngoài thiên thu
    cám ơn em đã bất ngờ
    lệ xanh trên ngọn cỏ mồ khóc ta…”

    Thơ Khoa Hữu có những địa danh của những vùng sông nước, những bến bắc, những con sông mà ở những thời điểm của cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 nhắc đến những chuyến ra khơi của những con thuyền vuợt biển. Tôi không biết có chủ tâm của tác giả ”Nửa Khuôn Mặt” không nhưng cảm giác của tôi khi đọc những câu thơ Khoa Hữu lại nhớ đến những ngày tháng còn long đong ở quê nhà. Thí dụ khi tôi đọc” Một ngày qua bắc Cần Thơ” tôi nhớ ngay đến tâm tư của ngày chờ chuyến vượt biển, đau xót trong lòng với những chập chờn quá khứ. Tôi nghĩ chắc tác giả cũng có một chút gì tương tự với tôi.

    “Ta về tự vẫn sông sâu
    vong linh làm ngọn sóng sầu trường gian
    trầm mình trong nước giải oan
    bèo mây từ biệt hợp tan đã chờ
    tội tình một bến bắc xưa
    tội tình cả nắng cả mưa giãi bày
    lòng e chiều sợi khói bay
    tưởng chân nhang cắm lên ngày mộ bia
    ngàn năm dòng nước phân ly
    ngàn năm đời vẫn còn nghe sóng cồn”

    Bài thơ viết năm 1976, có phải là một thời điểm của bắt đầu những chuyến tàu vượt biển ra đi?

    Với Sài Gòn, ba trăm năm lịch sử có còn hiện hữu những cơn xao động, những bùi ngùi của một tâm thức luôn tiếc nuối những gì đã xa xưa nhưng còn đầy âm vang trong tiềm thức.

    “ta về mây phố về chưa
    mắt trông chớp bể vai mưa đầu nguồn
    về như sương khói hoàng hôn
    lao đao cơn gió ngả buồn trăm năm
    về nghe đường đá ăn năn
    hàng cây sám hối nhà oan khuất người
    ba trăm năm Sài Gòn ơi
    bãi dâu cát lở đất bồi phù du
    vế ta một bóng thiên thu
    áo che trời rộng lòng như sông này
    môi đoạn tình uống chẳng khuây
    một ly cố quận rót đầy oán sâu
    về bôi mặt nhọ tìm nhau
    Hỏi: trăng xưa khuyết
    Hỏi: châu ngọc chìm”

    Với Hà Nội, một người sinh trưởng ở đó mà sao trong thơ Khoa Hữu lại vẳng ”tiếng thưc tuyệt tình”. Tại sao, ngàn năm Thăng long. Một quá khứ oai hùng từ thời lập quốc mà lại không được thi sĩ nâng niu? Có phải vì những lễ lạc linh đình bây giờ cũng không che phủ được những âm mưu thôn tính của đế quốc phương bắc?

    “Hà Nội ta, Hà Nội ai
    đá trong lăng miếu nhạn ngoài ải quan
    mắt nhìn theo cánh nhạn tan
    đá còn ngậm tiếng thở than bốn mùa
    hỏi ngàn năm đã nghe chưa
    gọi ngàn năm dội tiếng thưa tuyệt tình
    ngàn năm hoa cỏ dấy binh
    ngàn năm mây nước viễn chinh không về”

    Thơ Khoa Hữu. Thơ hoài niệm. Thơ trong ký ức. Thơ của những ngày chinh chiến đã qua, của những đau đớn ray rứt không hết. Thơ của Ký Ức An Lộc. Của Trở lại chiến trường Xuân Lộc. Của Mộ Đoạn Đường 9. Của Bước chân trên đại lộ kinh hoàng. Của 30-04-2000 Về nghĩa trang Biên hòa. Hay về Một cái Chết Vô Danh với cái cước chú thơ đầy những nét đau xót ngậm ngùi” lần thứ I gặp nhau ở chiến trường Xuân Lộc. Anh là chiến binh. Lần thứ II ngồi xe lăn ở tổng y viện Cộng Hòa, anh là thương binh. Lần thứ III trên xe nông giới, chở xác anh về Long Khánh, tất cả đều tình cờ :

    Tiễn người xưa chiếc xe lăn
    Giờ xe nông giới buồn chăng đường về
    Cỏ tai ương mọc bốn bề
    Rừng sa cơ, núi ngồi mê, gió ngàn
    Giết người ơi, giết dã man
    Giết người ơi,vết thời gian lạnh lùng
    Áo quan này chỗ tận trung
    Nến, nhang, lửa, khói, bập bùng mặt nhau
    Mặt người lạnh, mặt ta đau
    Nỗi ta còn, biết gửi đâu quê nhà”

    Một bài lục bát khác nối dòng theo những bài thơ về mưa. Ôi mưa ở thành phố tan hoang. Mưa ở những nơi chốn buồn đau từ những thời gian chìm trong vô thức trong tâm cảm của một người chứa chan tâm thức trong lòng. Thơ mưa, của những cơn mưa buốt xót. Đêm mưa ở Ngã Bảy:

    “Mưa nghe cuối bãi đầu sông
    về qua Ngã Bảy trắng dòng xe đi
    phố nghiêng mưa tạt tiếng về
    đường run lạnh khoác gió se nỗi hàn
    nghe từ vô vọng mưa tan
    trăm tay gõ xuống phiếm đàn phân ly
    đêm chia tối đủ bốn bề
    đêm che mặt thức áo che lạnh lùng
    nghe tầng sấm sét không trung
    chân đi hỗn loạn về chong mắt ngồi”

    và bài cuối Điếu văn cho một người cầm bút. Người ấy? Là ai? Là một trong những chúng ta? Hay là Khoa Hữu:

    “giận ta vuốt mặt u sầu
    thương ta, thơ những dòng đau đã mềm
    một thời như nhớ lại quên
    một thời quên để nhớ lên từng ngày
    mười năm ta vẫn còn say
    nằm yên trong nấm mộ này nhìn ra
    môi hôn người những vòng hoa
    ta hôn lên ngọn nến ta hãi hùng
    ta thằng gù dưới tháp chuông
    con chim báo bão dặm trường trú mưa
    thằng gù chim chết từ xưa
    chuông rung lời nguyện gọi ta đất này
    gọi ta ta lại về đây
    trăm năm cỏ mọc lên đầy bóng ta
    áo quan này mở nắp ra
    trái tim ta vẫn còn ta thở cùng
    ta quỳ hôn đất hưng vong
    đời băng vầng lửa ta trong tro tàn”

    Thơ lục bát. Có phải là những khuôn khổ để gói ghém ngôn ngữ của nỗi đau dầu dãi từ trăn năm ngàn năm trước. Có khúc quen nhưng cũng có điệu lạ. Mấy ai làm được nỗi đau thành bất tử. Cho nên, ở một vài cung đoạn, thơ cũng làm trái tim người đọc nhói lên nỗi tự tình. Thơ, là chia sẻ, là trao cho nhau chút vị đắng nhân sinh. Và như thế, chắc chẳng ai còn cứ vấn nạn hoài thơ tuyệt cú hay không?

    Nguyễn Mạnh Trinh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X