Thông báo

Collapse
No announcement yet.

THƠ và TÀI HOA

Collapse
X

THƠ và TÀI HOA

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • THƠ và TÀI HOA

    THƠ và TÀI HOA
    Posted on September 11, 2015 by hoanghaithuy
    Trước khi viết về Thơ và Tài Hoa, tôi viết về Thơ và Sự Cùng Khổ

    Nhất cùng chí thử khởi công thi?

    Nguyễn Du

    Trong Bắc Hành Tạp Lục, tập thơ Nguyễn Du làm trong chuyến đi sứ sang Bắc Kinh năm 1813, có bài thơ về Nhà Thơ Ðỗ Phủ:

    Lỗi Dương Ðỗ Thiếu Lăng Mộ

    Thiên cổ văn chương thiên cổ sư

    Bình sinh bội phục vị thường ly.

    Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ,

    Thu mãn ngư long hữu sở ty (tư).

    Dị đại tương lân không hữu lệ,

    Nhất cùng chí thử khởi công thi?

    Trạc đầu cựu chứng y thuyên vị?

    Ðịa hạ vô linh quỷ bối xi.

    Mộ Ðỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương

    Văn chương muôn đời, thầy của muôn đời, Bình sinh tôi vẫn khâm phục. Cây tùng, cây bách đất Lỗi Dương không biết ở đâu, Giữa mùa thu rồng cá cũng thương nhớ. Sống khác đời nhau nên thương nhau chỉ biết rơi lệ, Một đời cùng khổ đến thế phải chăng là vì thơ? Cái chứng lắc đầu cũ chữa đã khỏi chưa? Chớ để dưới đất bọn quỷ nó cười.

    Thơ phóng tác H2T:

    Thơ muôn đời, người cũng muôn đời,

    Kính phục thi nhân dạ chẳng rời.

    Lỗi Dương tùng bách tìm đâu thấy,

    Bến thu rồng cá nhớ khôn ngơi.

    Khốn cùng đến thế thơ làm hại?

    Xót thương về trước lệ thầm rơi.

    Lắc đầu bệnh cũ còn hay khỏi?

    Ðừng để Âm Ty quỷ chúng cười.

    Qua Thơ Nguyễn Du ta thấy Ðỗ Thiếu Lăng – Ðỗ Phủ — bị bệnh Parkinson: đầu lắc lia lịa, có thể hai tay cũng run, và ta thấy Nguyễn Du bội phục Ðỗ Phủ, coi Ðỗ Phủ là bậc thầy văn chương không những chỉ của ông mà là của muôn đời. Suốt đời Nguyễn Du thán phục Ðỗ Phủ. Nguyễn Du làm bài thơ nhớ thương Ðỗ Phủ trên đường ông đi sứ sang Bắc Kinh, Trung Quốc năm Quí Dậu – 1813 – Có thể Thi sĩ đi qua vùng Lỗi Dương ở tỉnh Hồ Nam, ông biết ở đấy có mộ Ðỗ Phủ nên cảm khái mà làm thơ viếng Ðỗ Phủ.

    Ðỗ Phủ chết trong một con thuyền trên sông Tương. Vì nhà nghèo vợ con ông không đưa ngay được di hài ông về an táng ở quê nhà, phải tạm chôn ông ở Nhạc Châu. Bốn mươi năm sau người cháu của Ðỗ Phủ là Ðỗ Tư Nghiệp dời hài cốt ông về Yển Sư, táng ở chân núi Thú Dương, Hà Nam. Tuy vậy ở Lỗi Dương vẫn có ngôi mộ giả của Ðỗ Phủ, do viên huyện lệnh Lỗi Dương họ Nhiếp xây để kỷ niệm nhà thơ lớn. Người Hoa ngày xưa thường xây những ngôi mộ giả những nhân vật lịch sử họ kính trọng, như Quan Vân Trường có cả trăm ngôi mộ trên khắp nước.

    Câu “Thu mãn ngư long hữu sở tư..” lấy ý từ hai câu trong bài Thu Hứng của Ðỗ Phủ: “Ngư long tịch mịch thu giang lãnh. Cố quốc bình cư hữu sở tư: Cá rồng lặng lẽ, sông thu lạnh. Nước cũ ngày nao cứ nhớ thương..”

    Khốn cùng chí thử khởi công thi? Vì Ðỗ Phủ thơ hay tuyệt thế mà suốt đời nghèo khổ, nghèo đến không nuôi nổi vợ con và thân mình, để đến nỗi một người con nhỏ của ông phải chết vì thiếu ăn, Nguyễn Du đặt câu hỏi:

    “Ông khổ cùng đến thế phải chăng là vì Thơ? Phải chăng ta có thể quy tôi làm cho ông khổ cùng cho Thơ?”

    Trong quyển Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội ấn hành năm 1988, phần chú thích ghi như sau về câu “Khốn cùng chí thử khởi công thi?”

    — Ý nói: do cảnh nghèo khổ quá mà thành thơ hay như thế chứ có phải vốn sinh ra đã làm thơ hay đâu.

    Lời phụ chú ngớ ngẩn. Ý thơ rõ như ban ngày: Ông khổ cùng đến thế phải chăng là tại vì ông làm thơ hay? Ðến đây ta phải kể lời luận về Thơ và Sựï Cùng Khổ của Người Làm Thơ của Âu Dương Tu:

    Bài Tựa tập Thơ Mai Thánh Du

    Tôi nghe người đời nói: thi nhân ít người thành đạt mà lắm kẻ khốn cùng. Phải như vậy chăng? Chỉ vì là những bài thơ được truyền tụng phần nhiều đều do những người cùng khổ đời xưa làm ra. Phàm kẻ sĩ có điều gì uẩn súc mà không đem thi hành được ở đời, đều muốn phóng lãng ở ngoài cảnh núi gò, sông bến, ngắm hình trạng cá sâu, thảo mộc, gió mây, điểu thú, thường xét cái kỳ quái của những vật ấy, mà trong lòng lại uất tích những ưu tư, căm phẫn, mới phát ra những lời oán hận, chê bai, để than thở cho những kẻ ky thần, quả phụ, mà tả những cái khó nói của nhân tình. Vậy đời càng khốn thì thơ càng hay. Không phải thơ làm cho nguời ta khốn cùng, chính vì có khốn cùng rồi thơ mới hay.

    Mai Thánh Du Thi Tập Tự. Âu Dương Tu. Nguyễn Hiến Lê dịch.

    Âu Dương Tu nói rõ: “Không phải Thơ làm cho người làm thơ cùng khổ, chính vì người làm thơ có cùng khổ thơ của người đó mới hay.” Nhưng người đời vẫn cứ cho là: Tại ông ấy làm thơ hay quá nên ông ấy cùng khổ. Nguyễn Du, khi thấy Ðỗ Phủ thơ hay mà suốt một đời nghèo đói thảm thê, cũng hỏi:

    “Thầy cùng khổ đến thế phải chăng là vì Thơ?”

    Lý Bạch bị đi đầy, Ðỗ Phủ nhớ thương làm bài thơ:

    Thiên mạt hoài Lý Bạch

    Lương phong khởi thiên mạt

    Quân tử ý như hà?

    Hồng nhạn kỷ thì đáo?

    Giang hồ thu thủy đa.

    Văn chương tăng mệnh đạt,

    Lị vị hỉ nhân qua.

    Ưng cộng oan hồn ngữ

    Ðầu thi tặng Mịch La.

    Cuối trời nhớ Lý Bạch

    Gió mát thổi lên ở nơi cuối trời. Ý người quân tử nay thế nào? Hồng nhạn bao giờ tới? Sông hồ đầy nước thu. Văn chương ghen ghét người mệnh đạt – người thành công. Ma quiû mừng vì có người đi qua. Muốn cùng hồn oan trò chuyện, ném thơ tặng xuống sông Mịch La.

    Ðỗ Phủ nhớ Lý Bạch, rồi nhớ Khuất Nguyên tự trầm ở sông Mịch La. Thi sĩ than thở: làm thơ hay như Khuất Nguyên, như Lý Bạch, mà cuộc đời khổ sở. Ðó là vì văn chương ghen ghét những người mệnh đạt, văn chương không cho những người làm thơ được thành công trong đời.

    Nguyễn Du coi Ðỗ Phủ là sư phụ, ông chịu ảnh hưởng Thơ Ðỗ Phủ rất nhiều nhưng ông không đồng ý với Ðỗ Sư phụ của ông về chuyện “Văn chương tăng mệnh đạt..”, ông bác bỏ cái thuyết ấy trong bài thơ:

    Tự Thán

    Tam thập hành canh, lục xích thân

    Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân.

    Bản vô văn tự năng tăng mệnh,

    Hà sự càn khôn thác đố nhân?

    Thư kiếm vô thành sinh kế xúc,

    Xuân thu đại tự bạch đầu tân.

    Hà năng lạc phát qui lâm khứ.

    Ngọa thính tùng thanh hưởng bán vân.

    Tự than

    Ba mươi tuổi, thân sáu thước. Khiếu thông minh khoét đục làm hỏng tính thật của mình. Vốn không có chuyện văn chương có thể ghét được mệnh đạt. Cớ gì mà trời đất lại ghen ghét người? Nghiệp võ, nghiệp văn đều không thành, sinh kế khó khăn, Xuân thu đắp đổi, đầu thêm bạc. Ước sao có thể cắt tóc trở về rừng xưa Nằm nghe tiếng thông reo ở nửa từng mây!

    Thân cao sáu thước, tuổi ba mươi,

    Thông minh sai lạc hại cho đời.

    Vốn chẳng văn chương nào ghét mệnh,

    Có đâu trời đất lại ghen người?

    Thư kiếm không thành, sinh kế quẫn,

    Xuân thu cứ đến, bạc đầu rồi.

    Bao giờ xõa tóc về rừng cũ

    Nằm nghe gió thổi lá ngang trời!

    Nguyễn Du chịu ảnh hưởng của Ðỗ Phủ, thán phục Ðỗ Phủ, nhưng ông không làm nô lệ cho ý thức của Ðỗ Phủ. Ðỗ Phủ nói: Văn chương ghét mệnh, Nguyễn Du nói:

    Làm gì có chuyện văn chương ghét mệnh..! Làm gì có chuyện Trời ghen với người ..!

    Trong Kiều, Nguyễn Du nói:

    Lạ gì bỉ sắc, tư phong

    Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

    Rõ ràng Thi sĩ nói:

    “Trời – Tạo Hóa – ghen ghét những người đàn bà đẹp, Trời vì ghen mà làm cho những người đàn bà đẹp phải đau khổ.”

    Nhưng trong Thơ Thi sĩ lại nói:

    “Làm gì có chuyện Trời ghen người? Vì cớ gì mà Trời lại ghen người?” Ðây không phải là một điều mâu thuẫn trong quan niệm về nhân sinh của Thi sĩ, không phải là Nguyễn Du bất nhất trong quan niệm của ông về đời người. Ý thức của chúng ta rất phức tạp, đa dạng, lúc ta nghĩ thế này, lúc ta nghĩ thế khác. Ý thức và quan niệm của người thơ tài hoa Nguyễn Du tất nhiên là phức tạp hơn người thường.

    Thơ có làm cho người làm thơ phải khổ sở không? Viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi, có thể nói tôi suốt một đời yêu thương, gắn bó, sống chết với việc Viết truyện – Với tôi Viết là Hạnh Phúc, tôi đã sống để viết, viết để sống và trước 1975 tôi đã sống được với việc viết truyện của tôi. Trước 1975 ở Sàigòn, thủ đô Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa của tôi, trong hai mươi năm tôi đã sống để viết và tôi đã viết để sống. Sau 1975 tuy biết viết là tù tội, tôi vẫn viết, dù vậy tôi vẫn không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi:

    ” Thơ có làm cho người làm thơ cùng khổ hay không?”

    Tôi thấy Nguyễn Du đúng khi Thi sĩ nói: Chữ Tài liền với chữ Tai một vần…

    Ngu si hưởng thái bình. Người có tài thường gập tai họa. Chuyện đó tôi thấy thường xẩy ra trong đời, nhất là trong thời loạn. Tôi “chịu” câu nói của Âu Dương Tu:

    — Thơ không làm cho người làm thơ cùng khổ, chính vì có cùng khổ Thơ mới hay.

    Nguyễn Du sinh năm 1765, mất ngày 16 Tháng Chín, 1820. Ðã 200 năm kể từ ngày Tiên sinh tạ thế. Những năm 1981, 1982, trong căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, tôi phóng dịch khoảng ba mươi bài Thơ Chữ Hán của Nguyễn Du. Những năm ấy trong một bài viết về Thơ Nguyễn Du gửi ra hải ngoại, tôi viết:

    — Khi người cháu của Ðỗ Phủ đem hài cốt của ông về quê, trên đường đi gập Thi sĩ Nguyên Chẩn. Nguyên Chẩn viết trong bài minh đặt trên mộ Ðỗ Phủ:

    — Từ ngày có Thơ không có nhà thơ nào vĩ đại bằng Ðỗ Phủ.

    Hôm nay, sau Ðỗ Phủ hơn một ngàn năm, viết về Nguyễn Du, tôi viết:

    — Từ ngày Việt Nam có Thơ không có nhà thơ nào tài hoa như Nguyễn Du!

    Tôi đã viết những câu trên ở Sàigòn hai mươi năm trước – những năm 1981, 1982 — Năm nay 2000, sống ở xứ người, tưởng niệm ngày tháng Nguyễn Du lìa đời, tôi viết:

    — Từ ngày Việt Nam có Thơ, Nguyễn Du là Thi Sĩ Tài Hoa nhất.

    Rừng Phong. Tháng Chín 2000.

    CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG

    o O o

    THƠ và TÀI HOA

    Có thể nói gần như tất cả những người đọc Kiều đều yêu Thúy Kiều, đều ca tụng Thúy Kiều. Người ta có thể chửi tất cả những nhân vật trong Kiều, trừ một mình Thúy Kiều. Cũng tất nhiên là Thúy Kiều, với tư cách là một người sống thực ở đời, không thể nào tồn bích được, và tôi – CTHĐ — cũng không quân tử Tàu đến cái độ đòi hỏi Thúy Kiều phải thánh thiện, phải dửng dưng trước Tình Yêu. Nhưng tôi cũng thấy có sự khôi hài ở chuyện Nguyễn Du diễn tả Thúy Kiều với những câu như:

    Một tường tuyết chở, sương che
    Tường đông ong bướm đi về mặc ai…

    Rõ ràng là Thúy Kiều chẳng thèm để ý gì đến những chuyện bướm ong, tức là chuyện tình ái. Thế nhưng sự thực có phải nàng dửng dưng như thế không? Những việc nàng làm cho chúng ta thấy nàng là một em “lẳng lơ hạng nặng.” Phải gọi là “lẳng lơ” vì hai tiếng “đa tình” quá nhẹ đối với những việc Kiều làm.

    Việc Kiều vừa mới gặp Kim Trọng lần đầu ở nghĩa địa, chưa biết ất giáp gì về chàng thư sinh playboy này, nàng đã tình trong như đã, chỉ có mặt ngồi là còn e… cho ta thấy nàng là một em rất hào hứng với những chuyện ái tình, những chuyện được gọi bằng cái tên miệt thị là “chuyện bướm ong”. Không những chỉ hào hứng mà thôi, có thể nói Kiều còn rất đói ái tình nữa. Song, ta hãy bỏ qua cái vụ “tình trong như đã….” ngay từ buổi gặp trai đầu tiên ấy, cái việc nàng chui rào sang nhà Kim Trọng, không những chỉ chui một lần vào buổi chiều mà còn chui rào cả vào lúc nửa đêm là một việc mà không cần phải chi ly gọi là “lễ giáo phong kiến” không cho phép, bất cứ thứ lễ giáo nào cũng không cho phép người con gái làm như thế. Chỉ trừ những xã hội không có lễ giáo chi hết trọi mới coi việc đó là được mà thôi.

    Lần thứ hai Kim Trọng rình rập chờ Kiều ở khu vườn sau, việc trai gái đứng tỏ tình với nhau qua hàng rào sau nhà là một việc nếu không thể cấm đốn được thì cũng là một việc không thể ca tụng. Nếu quả thật Kiều là người có thái độ “tường đông ong bướm đi về mặc ai” nhỏ bằng đầu que tăm xỉa răng thôi, khi nghe tiếng người con trai lạ cất lên từ nhà bên kia, nàng đã lẳng lặng bỏ về, làm sao chàng Kim hào hoa phong thấp có thể thả lời ong bướm với nàng được? Nhưng Kiều đã không “mặc ai”, nàng đã đứng lại, nàng đã bắt chuyện, và nàng tiếp nhận những lời ong bướm liền một khi. Cuộc tình của nàng với Kim Trọng đốt cháy mọi giai đoạn, nó tiến nhanh đến cái độ chóng mặt…

    Vì vậy, Công tử Hà Đông khi tại ngục đọc Kiều bèn có thơ Tại ngục vịnh Kiều về chuyện này như sau:

    Kiều và ong bướm

    Êm đềm trướng rủ màn che
    Tường đông ong bướm đi về mặc ai…

    Rằng hay thì thật là hay
    Tin em thì sẽ cĩ ngày xót sa
    Bướm ong khi của người ta
    Thì em phớt tỉnh như là hổng ưa.
    Đến khi nó đợi, nó chờ
    Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng.
    Là em chẳng ngượng chẳng ngùng,
    Dưới đào em đấu lung tung một lèo.
    Lẳng lơ trướng rủ, màn treo,
    Tường đông ong bướm xì xèo là em.

    Chưa hết. Tôi thật không biết Nguyễn Du có tính chuyện khôi hài hay có ý mỉa mai hay không khi thi sĩ tả cảnh nhà ông Vương Viên Ngoại, tức là ông thân của nàng Vương Thúy Kiều, với những câu xanh rờn như sau:

    Thâm nghiêm kín cổng cao tường
    Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh…

    Chàng Kim khi lảng vảng tản bộ trước cửa nhà Thúy Kiều chỉ thấy:

    Mấy lần cửa đóng then cài
    Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?

    Nào là “kín cổng, cao tường”, nào là những “mấy lần cửa đóng, then cài”. Thâm nghiêm và kín đến như vậy thì đúng là thâm nghiêm và kín mít rồi, khơng còn nhà nào có thể thâm nghiêm và kín hơn được nữa! Thế nhưng… hỡi ơi… Khu đằng sau của tòa nhà thâm nghiêm hạng nhất ấy lại là một khu vườn nát. Và khu vườn nát ấy lại chỉ chia cách tòa nhà thâm nghiêm ấy với nhà bên cạnh bằng một dẫy tường đất cũng nát không kém. Thi sĩ tả đó là bức “tường gấm”:

    Lần theo tường gấm dạo quanh
    Trên đào nhác thấy một cành kim thoa…

    Không những cái bức tường gấm ấy sự thật chỉ là một bức tường đất nát, nó còn thấp lè tè nữa, thấp đến cái độ Thúy Kiều đi chơi ở trong vườn để cây thoa cài đầu vướng vào cành cây treo tòng teng và để cho cậu Kim Trọng từ vườn nhà bên cạnh có thể

    Giơ tay với lấy về nhà…

    Không những cái bức tường gấm ấy sự thật chỉ là một bức tường đất nát và thấp lè tè mà thôi, nó còn bị hổng một chỗ khá lớn phải lấy mấy cành cây rào lại một cách hết sức bôi bác. Chỗ rào ấy sơ sài bê bối đến cái nước thiên hạ chỉ cần xé nhẹ một cái là rách toang và người ta có thể thơ thới chui qua để sang với nhau được:

    Lần theo núi giả đi vòng
    Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.
    Sắn tay mở khóa động đào,
    Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai.

    Đời sau, vào khoảng giữa thế kỷ 20, tức là vào khoảng 150 năm sau ngày Thúy Kiều ra đời dưới ngọn bút tài hoa của Nguyễn Du, có những tên Việt Nam tán rằng bốn câu trên đây là câu tả cảnh chàng Kim “thám hiểm Ngọc Long Cung” Thúy Kiều. Cứ kể ra thì những tên ma giáo văn nghệ này gán cho những động tác trong bốn câu Kiều trên đây cái ý nghĩa đó cũng chẳng phải là nhảm nhí chi cho lắm. Và dù cho có tán nhảm đi nữa thì cũng chẳng có lỗi gì nhiều. Bởi vì họ tán nhảm là do họ quá yêu những câu thơ Kiều.

    Dù có tán nhăng tán cuội, có xuyên tạc hay là không thì việc Thúy Kiều chui hàng rào sang nhà Kim Trọng cũng là chuyện có thật. Việc người con gái chưa chồng hay đã có chồng cũng vậy, nửa đêm chui rào, leo tường, sang nhà đàn ông lạ, là một việc mà từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, đời nào cũng không thể ca tụng được. Người ta chỉ vì yêu thơ Kiều, yêu mến tài hoa của Nguyễn Du, mà làm lơ đi cái trò bê bối đó của nàng Kiều.

    Tôi thấy buồn cười, và thương hại nữa, khi mới đây tôi đọc vài lời phê bình Thúy Kiều của một vài người viết cùng thời với tôi, thấy có người ca tụng việc chui rào của Thúy Kiều bằng những lời đại khái như:

    “… Với hành động tự ý sang nhà Kim Trọng tự tình, Thúy Kiều dẫm chân lên lễ giáo phong kiến… Đêm trăng ấy, khi Thúy Kiều băng lối vườn khuya một mình, những gót chân son của nàng đã đặt lên mặt những nhà đạo đức phong kiến…” Khi đọc những lời như thế, tôi mỉm cười và tôi tự hỏi:

    “Những người viết những lời này ca tụng việc con gái và vợ người khác nửa đêm chui rào, leo tường sang nhà đàn ông lạ để tự tình, nhưng nếu như con gái anh ta, vợ anh ta nửa đêm làm cái việc ấy liệu anh ta có ngồi yên chỗ mà rung đùi ca tụng cái gọi là tự do luyến ái và giải phóng phụ nữ hay là anh ta sẽ nhảy nhổm lên, miệng sùi bọt mép, chân tay run lẩy bẩy? Khỉ ơi là khỉ! Vừa phải thôi!”

    Về mục nhà ông Viên Ngoại họ Vương được tả là “thâm nghiêm kín cổng cao tường”, Công tử Hà Đơng bèn có thơ rằng:

    Thâm nghiêm kín cổng, cao tường
    Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
    Lơ thơ tơ liễu buông mành
    Con oanh học nói trên cành mỉa mai…
    Mỉa mai nó mỉa mai ai?
    Thâm nghiêm có cái mặt ngồi mà thôi.
    Bề trong thì chán mớ đời
    Cơ em trong trắng quá chời là trong!
    Dưới hoa em kết giải đồng,
    Cuối tường em lộn nẻo thông mới rào.
    Sắn tay em cho nó mở khóa động đào,
    Rẽ mây em cho nó trông tỏ lối vào thiên thai.
    Con oanh nói mỉa, nói mai
    Mỉa mai nó mỉa: “Nhà này thật thâm…”

    Khi Thúy Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình thì lúc đó trăng đã nhặt thưa gương rọi đầu cành, tức là vào khoảng 7, 8 giờ tối, giờ Tây dương – đêm trăng ấy lên sớm. Đến lúc đơi tình nhân diễn trò thề thốt dưới trăng thì trăng đã vằng vặc giữa trời, tức là trăng đã lên đến đỉnh trời. Thúy Kiều ở lại đó thề thốt, ký văn tự, đàn ca, uống rượu, đưa đầy với Kim Trọng mãi cho đến khi bóng tàu vừa lạt vẻ ngân, tức là khi ánh trăng đã nhạt trên những tàu lá chuối trong vườn. Thời gian lúc trăng nhạt, trăng lặn đó phải là 3, 4 giờ sáng, giờ Tây dương. Như vậy là nàng đã qua gần một đêm trắng với Kim Trọng. Nếu không có tên gia đồng vào gửi tin nhà mới sang thì ta có thể nói mà không sợ mang lỗi vu oan cho nàng là nàng sẽ pass night với Kim Trọng. Khơôg những chỉ qua đêm mà thôi, nàng còn có thể ở đó tới trưa hôm sau mới trở về cái gọi là đài trang hết sức thâm nghiêm kín cổng cao tường của nàng.

    Việc Thúy Kiều chui rào qua nhà Kim Trọng vào cái năm Gia Tĩnh triều Minh cách nay cả năm sáu trăm năm ấy là một việc mà tôi nghĩ rằng những thiếu nữ lương thiện đời nào cũng không nên làm. Nhưng việc Thúy Kiều lẻn sang nhà Kim Trọng vào buổi chiều và vào lúc nửa đêm cũng chưa ly kỳ bằng sau khi được tin “… thúc phụ từ đường. Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề. Liêu Dương cách trở sơn khê, Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang…”, Kim Trọng đã cũng chui rào, hoặc leo tường, phăng phăng vào tận phòng ngủ của Thúy Kiều để chia tay. Tự do cứ như là nhà Thúy Kiều không còn một người nào khác ngòai Thúy Kiều. Luơng tuồng đến như vậy nhưng mỉa mai thay, tòa nhà Viên Ngoại họ Vương vẫn được mô tả là:

    Thâm nghiêm kín cổng cao tường
    Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.



    Mấy lần cửa đóng then cài
    Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?

    Viết ở Sài Gòn năm 1991.

    Sửa lại ở Kỳ Hoa Đất Trích năm 2015.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X