Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Francoise Sagan và Con Trai

Collapse
X

Francoise Sagan và Con Trai

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Francoise Sagan và Con Trai


    Françoise Sagan và con trai



    Posted by quangioloc in Giới thiệu sách, Tùy bút, Đặng Đình Túy


    Mười bẩy tuổi bà viết tác phẩm đầu. Mười tám tuổi bà gửi bản thảo cùng một lúc đến hai nhà xuất bản, một đến Julliard và một đến Plon. Sau khi duyệt qua, René Julliard đã chắc mẫm là mình đang giữ trong tay một điều gì rất đặc biệt. Ông vớ điện thoại gọi về địa chỉ tác giả, điện thoại hỏng, ông bèn đánh bức điện tín gồm mấy chữ : “Xin gọi gấp đến nhà xuất bản Julliard” (prière d’appeler d’urgence maison Julliard). Hồi đó ngoài điện thoại là phương tiện liên lạc nhanh nhất người ta không có gì khác, không điện thoại tư động không internet. Bức điện tín ấy khai sinh một tên tuổi văn chương: Françoise Quoirez tên thật của cây bút Sagan; và trình làng văn cuốn Bonjour Tristesse.

    F. Sagan lìa đời ngày 24 tháng chín năm 2004, lúc sinh tiền cũng như khi đã qua đời đã có nhiều người viết tiểu sử bà, điều gì đáng tin điều gì phóng đại điều gì nghe lỏm điều gì phỏng đoán, người đọc chẳng biết đâu mà rờ. Giờ đây (năm 2012, cuốn sách được ra mắt lần đầu từ nhà Stock mang tựa đề “Sagan et Fils”) câu con trai duy nhất của bà tung ra cuốn sách kể lại những gì biết thật, trực tiếp hoặc những điều nghe thấy từ những kẻ gần gũi và tin cậy nhất, thì ít ra cuốn sách đó, trên lý thuyết, cũng chứa đựng phần xác thực lớn hơn bất cứ cuốn sách nào khác. Tất nhiên trong tình cảm thiêng liêng giữa mẹ và con, có khi cậu con cũng có thể thuận tay tô hồng một chút, chỗ đó nghe ra chẳng hại chi lắm. Rồi bên cạnh có chỗ éo le mà cậu con cũng phải đưa vai gánh chịu: món nợ thuế của mẹ đối với nhà nước. Không phải ít ỏi gì: trên một triệu euros! Có lẽ cái tài sản tinh thần to lớn xứng đáng để cậu ngậm đắng nuốt cay hòng đổi lấy một đời tim óc của mẹ. Tiền tài vật chất nào có nghĩa gì so với ba mươi triệu cuốn sách tiêu thụ chỉ riêng trên đất Pháp và mười lăm ngôn ngữ của vô số bản dịch khác trên thế giới.

    Cuộc đời Sagan tự nó là một cuốn tiểu thuyết giàu tình tiết thú vị. Có lẽ nhiều kẻ tìm thấy hứng khởi khi viết về đời bà. Ấy thế mà đối với họ vẫn chưa đủ, họ còn phỏng đoán, thêm thắt cho ly kỳ hơn nữa. Người con, vì lẽ đó đã tự mình làm cuộc cải chính (bày tỏ trong lời tựa), điều đó chúng ta sẽ thấy là cậu có thành công hay chăng sau khi đọc xong.

    Sau đây là cảm nghĩ riêng tư của người thuật truyện :

    Tôi thuộc thế hệ Sagan, chỉ kém bà vài ba tuổi. Khi cuốn Bonjour Tristesse được bày bán ở Sài Gòn, tôi là một trong những kẻ –so với thành phần xã hội, tuổi tác, sự hiểu biết nhỏ nhoi của mình– đầu tiên dám bỏ đồng tiền xương máu ra mua, không ngần ngại. Nói rõ hơn, lúc ấy tôi còn là thằng học sinh chưa đậu tú tài, được bà chị cả nuôi với đồng tiền kiếm được hết sức chật vật của một nhà giáo tiểu học, thế nhưng không khí hào hứng của phong trào theo dõi, tìm hiểu các khuynh hướng văn học tây phương trong học đường, với sự khuyến khích của những ông thày, cùng với sinh hoạt văn học của giới trẻ ngoài học đường nữa khiến Sài Gòn hồi đó dường như chỉ gồm trong thế giới của kẻ sĩ, sinh hoạt của kẻ sĩ. Những ông “chi, hồ, giả, dã” tân thời này không móng tay dài không cầm quạt không khoác áo the, nhưng ngày ngày ngồi trầm ngâm trưóc ly cà phê bàn toàn chuyện văn chương bên Tây bên Mỹ như ngày xưa các cụ tú cụ cử đọc thơ Đường và viết câu đối. Tuổi trẻ với bầu máu nóng, làm gì cũng quá đáng một khi đã cảm thấy thích. Sách vở giáo khoa dường như đã bắt đầu bị lãng quên, tâm trí chỉ dành riêng cho văn chương. Để rồi sau đó không thiếu những kẻ ta hỏng tú tài, ta đợi ngày đi…

    Sagan chưa phải là nhà văn lớn nhưng là nhà văn của thời đại. Là một hiện tượng trong văn chương Pháp, nhờ nổi danh sớm, nhờ sống vượt khuôn phép, liều lĩnh, sôi nổi. Chính bà cũng sáng suốt nhận định về tác phẩm của mình rằng cứ lần được thì lần hỏng, “un succès un flop, un succès un flop”… Nhưng ít ra bà là một nhà văn nổi danh. Người ta có thể không biết đến Proust đến Gide nhưng ai cũng phải một lần nghe tên Sagan !

    Đến đây, tôi bắt đầu tóm lược những điều do cậu con viết về bà mẹ nhà văn. Tóm lược cách nào đây? Sẽ không theo dàn bài của cậu nhưng sắp xếp theo chủ đề :

    Thân thế : Françoise Sagan tên thật là Quoirez, một gia đình hoạt động kỹ nghệ, gốc vùng Lot. Hai lần lấy chồng, lần đấu với Guy Schoeller, nhà xuất bản, hơn bà hai mươi tuổi. Sau hai năm sống chung, họ ly dị. Sau đó Sagan gặp Robert James Westhosff và có với ông này một cậu con trai, chính là tác giả cuốn sách chúng ta đọc trên đây.

    Sau khi đậu tú tài, Françoise Sagan ghi tên vào Sorbonne, theo môn văn chương nhưng ngay năm dự bị (propédeutique, ngày xưa ban cử nhân gồm 4 năm vì có thêm năm dự bị) bà hỏng thi và bỏ cuộc.

    Françoise Sagan tự cho mình là kẻ vô thần nhưng nước Pháp thời bà sống là một quốc gia gốc Thiên chúa giáo. Roma vẫn thường cho rằng nước Pháp là cô chị cả của Giáo hội. Sagan tuy sống vượt giáo điều nhưng không chống đối, bà có những tiêu chuẩn luân lý rất gần với đạo như lòng bác ái, sự tôn trọng nhân phẩm và nếu có thái độ đi ngược thì chỉ hàm chất khôi hài, chẳng hạn đọc kinh lạy cha theo một trong những ý thơ Jacques Prévert : “Lạy cha chúng tôi ở trên trời, xin cha cứ ở yên trên ấy và chúng con thì ở dưới này nơi quá tươi đẹp” (Notre Père qui êtes aux cieux, restez-y. Et nous resterons sur terre qui est si jolie).

    Lối sống : Coi nhẹ tiền bạc nhưng lại có tiền rất sớm lúc chưa đến tuổi trưởng thành, nhà xuất bản Julliard phải “quản lý” đồng tiền của bà trong ba năm, từ năm bà mười tám tuổi cho đến năm hai mươi mốt tuổi (tuổi trưởng thành theo luật thời ấy) vì vậy càng thêm một lý do để bà thờ ơ với vật chất, không biết giá trị đồng tiền. Đã thế, bà lại thích trò đen đỏ, ham tốc lực, và xài ma túy. Nhiều lần bị tai nạn xe, có lần nặng nhất (nhiều thương tích ở sọ, sườn và xương chậu) nằm nhà thương khá lâu và từ đó nảy sinh một cuốn ký có tựa là Toxique, lần đầu chỉ in bốn nghìn bản có tính riêng tư. Có vài lần bị bắt vì sử dụng và cất giữ ma túy. Thua được rất nhiều ở các sòng bài.

    Nhờ nổi tiếng bà có cơ hội giao thiệp với các khuôn mặt lớn như Tổng thống Mitterand, Tổng thống Pompidou (đã tặng ông này một chiếc xe hơi) khi ông này còn giữ chức Thủ tướng.

    Vài giai thoại : Hồi còn học trung học khi học về Molière bà chán quá, đã lấy tượng bán thân của nhà văn treo cổ bức tượng và máng ngay trên cửa ra vào. Bà bị đuổi học vì hành động đó. Trong một kỳ nghỉ hè, bà thuê căn nhà tại vùng Bắc Pháp, Normandie. Đêm bà đến sòng bài chơi và thắng đến 80,000 francs thời ấy (cuối thập niên 50) sáng về đến nhà thì cũng là hạn định phải trả lại nhà cho chủ. Truớc khi trả phải lập biên bản kiểm soát vật dụng trong nhà giữa người thuê và nhà chủ, bà mệt và buồn ngủ quá, nảy sáng kiến hỏi xem người chủ có định bán nhà không và giá bao nhiêu. Chủ khứng bán và ra giá tám chục nghìn, bà dốc hết túi tiền ra bàn chờ chủ đếm xong ký tên mua và vào giường lăn ra ngủ.

    Bà có rất nhiều bạn bè và thường khi bà dành một số phòng trong nhà cho những người bạn. Có những người ở với bà quanh năm suốt tháng. Sự đó không tránh được lạm dụng. Trong nhà bà có đặt một hộp bằng giấy bỏ đầy tiền trong ấy, bạn bè và người nhà ai muốn tiêu xài thì tự tiện lấy, như vậy theo ý bà tránh cho họ khỏi ngõ lời yêu cầu và phần bà tránh được việc cầm tiền cho làm mất mặt kẻ kia.

    Một lần, một trong những người bạn thân từ Paris lái xe lên nơi bà nghỉ hè để thăm viếng, khi gần đến nơi xe hết xăng, ông ghé lại trạm xăng duy nhất trong làng. Khi xăng đã được đổ đầy, ông đưa tiền trà thì người bán xăng từ chối bảo tiền xăng đã được Sagan đặt cọc trước cho mọi người bạn của bà.

    Khi đã nổi tiếng Sagan nhận được nhiều thư ca tụng ngợi khen; cũng có loại thư khẩn cầu giúp đỡ tài chính. Một lần có phụ nữ hỏi xin bà tiền để sửa mũi. Cuộc giải phẩu không thành công, mũi sửa còn tệ hơn nguyên bản, người nọ bèn quay ra hăm dọa ra tòa kiện bà!

    Đời sống tình cảm: Hai đời chồng, ly dị với người thứ nhất sau hai năm chung sống. Người chồng thứ hai đã sống với bà mười hai năm. Và khi đã ly dị nhau họ vẫn tiếp tục cuộc đời tình nhân. Luôn luôn có một số bạn vây quanh. Bà không hề tuyên bố công khai nhưng đã sống cuộc sống ái tình với bà Peggy Roche, vợ cũ một diễn viên điện ảnh, cho đến khi bà này chết, để lại nơi bà một vết thương tình cảm khó phai.

    Trung thành với bản chất phóng khoáng Françoise Sagan đã không hề để tâm đến tác phẩm mình một khi chúng đã ra mắt độc giả. Bản quyền tác giả tượng trưng cho đồng tiền, mà đồng tiền thì bà không muốn để mắt tới mặc dù bà cũng nhận là đồng tiền có giá trị của nó. Thất tình trên chiếc Ferrari vẫn còn hơn là thất tình trong túp lều xiêu vẹo. Khi bà nằm xuống, kẻ thừa kế và luật sư cố vấn của anh ta không biết cuốn nào đã nhường đứt cuốn nào còn thuộc bản quyền tác giả. Những năm cuối đời các nhà xuất bản còn giữ khế ước, thấy rằng văn chương bà đã không còn ăn khách, đã không buồn tái bản tôn trọng điều khoản ghi trong khế ước. Hiện giờ F. Sagan không còn được đọc trong nước nhưng ở các quốc gia cộng sản cũ như Nga, danh tiếng bà vẫn còn đồng vọng, sách bà vẫn còn được tiêu thụ ở những nơi ấy. Chính tính chất thời thượng của văn Sagan đã khiến tên tuổi bà nổi như cồn mà cũng vì tính chất ấy nên cũng mau chóng bị mai một.

    Khế Chua đăng bài

    nguồn : gio-o .com


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X