Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nước mắt chảy vào tim tôi !

Collapse
X

Nước mắt chảy vào tim tôi !

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nước mắt chảy vào tim tôi !

    15 tháng 04-1975, tôi đem vợ và đưa con trai (duy nhất) mới 16 ngày tuổi từ Vũng Tàu về Sàigòn tá túc nhà người anh họ ở khu Kiến Thiết đối diện Nhà thờ Ba Chuông, đường Trương Minh Giảng, bấy giờ trong nhà của anh đã tập trung các gia đình anh em bà con từ NhaTrang, Phan Thiết chạy vào , bao gồm Cô và Dượng tôi nữa. Tưởng là tập trung lại với nhau, sống chết có nhau, ai ai cũng hoang mang lo lắng theo dõi nghe ngóng tin tức Việt cộng đã tấn công vào Sàigòn đến đâu rồi... chứ chẳng ai có phương tiện nào để ra đi . Suốt 2 tuần lễ, chúng tôi và 1 người anh vợ của tôi đã chạy đôn chạy đáo khắp Sàigòn, Tân Cảng...hỏi thăm những nơi có "tuy dô" có tàu lớn ra đi, nhưng chỉ tìm được một mối với giá cả cho 1 người là 2 triệu tiền VNCH (tương đương trên 6 ngàn Đôla Mỹ)!


    Tất cả chúng tôi đều là quân nhân, lương tháng vài chục ngàn đồng $VN (khoảng $200 Đôla), nuôi vợ con còn thiếu trước hụt sau thì đến đời nào mới có tiền triệu $VN mà đóng cho chủ tàu. Đành lòng buông xuôi cho số phận nổi trôi, đến đâu hay đó. Cuối cùng, vào chiều 28 tháng 04-1975, anh vợ tôi đến nhà hối hả chúng tôi tìm cách ra đi vì Việt công đã tấn công vào đến Xa Lộ Biên Hòa- Sàigon, theo anh hướng dẫn, tôi và anh họ tên Y (chủ nhà) lấy chiếc xe Toyota Corolla cũ mà anh mới mua lại của 1 người Mỹ với giá $1500 USD, chạy ra Tân Cảng, nơi có 1 tàu lớn của Đai Hàn sắp nhổ neo về nước. Người anh vợ tôi (tên Th) xuống tàu một mình để gặp một người thân quen đang làm việc cho tàu này giúp đỡ. Nhưng, lại chữ Nhưng nữa, cũng vẫn điều kiện cho 1 người đươc đi là 01 triệu đồng VNCH! Chúng tôi buồn bã quay về, ghé vào quán nước ở Ngã 3 Hàng Sanh giải khát và nghe ngóng tin tức trên TV của quán, bỗng nghe tiếng máy bay phản lực gầm thét không trung, chúng tôi nhìn lên trời thấy 2 chiếc phản lực cơ A-37 đang nhào lộn phóng pháo hỏa tiễn, thật không ngờ đó là tên phi công phản nghịch Nguyễn Thành Trung và 1 đồng bọn đã cướp máy bay từ phi trường Phan Rang bay vào oanh tạc Dinh Độc Lập. Tên này là 1 VC nằm vùng trong Không Quân VNCH, hắn có gốc gác cha mẹ là người miền Trung vùng cựu Liên Khu 5 của Việt Minh thời 1940-1954.


    Tôi vốn gốc "Không Quân không cánh" cảm thấy đau đớn, uất hận tên phản tặc Nguyễn Thành Trung này vô cùng! Nó đang ở trên trời, mình dưới đất thì làm được gì nhau, ước gì lúc đó tôi có súng cao xạ hay hỏa tiễn địa-không để bắn hạ nó ngay. Đồng thời qua TV chúng tôi nghe đọc thông báo Lệnh Thiết Quân Luật ban hành, nghiêm cấm sự đi lại, giao thông... Thế là chúng tôi không thể trở về với gia đình ở khu Kiến Thiết, Trương Minh Giảng mà phải theo ông anh vợ (tên Th) đến tư gia của Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp ở Tân Định là nơi gần nhất từ Ngã Ba Hàng Sanh, nơi đó có ông anh cả của vợ tôi (tên C) là Chánh Văn Phòng của Tướng Hiệp đang cư ngụ tại biệt thự này. Suốt khuya 28 tháng 04 đến rạng ngày 29-04-1975 VC pháo kích, bắn hàng ngàn hỏa tiễn vào phi trường Tân Sơn Nhứ, chúng muốn tiêu diệt tất cả phi cơ và đường băng phi đạo để vô hiệu hóa lực lượng Không Quân, và bế cảng xuất nhập hàng không của VNCH.


    Tướng Phan Hòa Hiệp đã ra đi trước và có để lại lá thơ cho anh C, người anh cả của vợ tôi với dặn dò nếu không có phương tiện nào ra đi thì đến nhà chủ thương thuyền Tiền Phong và tài công theo địa chỉ đã ghi trong thơ, bảo họ đem tàu ra đi theo Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ (Tàu Tiền Phong này là chung vốn của chủ tàu và Tướng Hiệp chuyên chở đồng, săt... hải hành Saigon-Singapore). Sáng sớm 29-04 chúng tôi ra quán Càphê của một chú Ba Tàu ở trong một ngõ hẽm, không biết có phải là vì khủng hoảng suốt đêm trước do VC pháo kích long trời mà anh Y (chủ chiếc xe Toyota Corolla) đã đánh mất chùm chìa khóa xe lúc nào, ở đâu mà không hay biết dù đã cố tìm tòi moi móc khắp nơi trong nhà, nên sau khi ông anh cả vợ tôi ra lệnh xuống bến Bạch Đằng lên tàu Tiền Phong(đã neo đậu sẵn ở đó) để ra đi thì chúng tôi không có cách nào để mở cửa xe để nổ máy khởi động. Nhất là bị Thiết Quân Luật nên chúng tôi không biết phải làm gì, đi đâu nữa. Muốn trở về lại với gia đình ở khu Kiến Thiết, Trương Minh Giảng cũng không có phương tiện vì đã mất chìa khóa xe. Trong nhà của Tướng Hiệp chỉ còn lại 1 chiếc xe Jeep dân sự với bảng số Quốc Phòng VA hay VB gì đó thôi, chú tài xế tên Hải đã chở tất cả con cái và nhiều Valy đồ dùng của gia đình ông anh vợ xuống bến tàu Bạch Đằng 2 chuyến rồi . Chúng tôi gồm 4 anh em (tôi và 3 người anh họ, mới có thêm 2 người anh họ nữa vừa tìm đến với tôi và anh Y tại nhà Tướng Hiệp) ngồi xuống lề đường bàn tính với nhau : Việt cộng đã lấp ló xuất hiện khắp nơi ở Sàigòn, và Thiết Quân Luật với nhiều nút chặn đường của Nhân Dân Tự Vệ khắp các khu phố thì chúng tôi vô phương di chuyển, và nếu muốn đi bộ về nhà cũng có thể bị nguy hiểm tánh mạng nếu gặp VC trên đường đi từ Tân Định về Trương Minh Giảng - Tân Bình. Hơn nữa, chúng tôi nghe anh cả của vợ tôi nói đến "Giải pháp Trung Lập Miền Nam Việt Nam" của Pháp qua lời nói của viên Đại sứ Jean Merillon, nên chỉ còn hi vọng rằng tạm thời cứ chạy ra một đảo nào đó trốn tránh 1 thời gian, sau khi Sàigòn đã tái lập trật tự, chúng tôi sẽ trở về lại với gia đình.


    Tôi nói với chú Hải (tài xế xe Jeep) là chúng tôi bị mất chìa khóa xe Toyota, nên không thể chạy xuống bến tàu được, và xin chú giúp đỡ chở chúng tôi quá giang, chú nói xe nhỏ quá, hết chỗ rồi, nếu bám víu đu đeo theo được thì theo. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Thế là chiều 29-04-1975 lúc 3 giờ chiều, toàn bộ Hạm Đội Hải Quân VNCH nhổ neo lừ đừ bỏ nước ra đi trong nỗi hoang mang bàng hoàng sợ hãi của người dân Sàigòn đang tất tưởi chạy ngược xuôi tìm đường ra đi trên bến Bạch Đằng, họ ngóng nhìn theo. Ngay lập tức, chủ tàu Tiền Phong ra lịnh vừa nổ máy,vừa chặt giây neo để chạy theo cho kịp chiếc tàu cuối cùng của Hạm Đội Hải Quân. Ai ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của 4 anh em chúng tôi, vĩnh biệt vợ con yêu dấu, xa lìa ngàn trùng từ đó ...


    Khi tàu Tiền Phong của chúng tôi chạy ngang bến Khánh Hội thì bị nhóm quân nhân áo quần rằn ri trên tàu Trường Hải chỉa súng bắt phải dừng lại đậu sát hông tàu của họ để họ đổ người qua và cướp quyền điều khiển luôn. Họ chỉa súng ra lịnh tất cả mọi người trên tàu Tiền Phong phải xuống ở dưới hầm tàu để họ chiếm đoạt tầng trên và buồng chỉ huy tàu. Tôi nói với ông anh cả của vợ tôi về việc này, nhưng ông không trả lời, không mảy may phản ứng gì hết. Sau này tôi mới hiểu ra là vì Cha Mẹ của ông(cũng là Cha Mẹ vợ tôi) bị kẹt ở đảo Phú quốc không biết sống chết ra sao nên ông anh vợ rất ưu lo phiền não, bất cần mọi sự chung quanh. Cha Mẹ vợ tôi theo nhóm của Linh Mục Ái tổ chức đi Úc theo lời hứa hẹn của một Đức Tổng Giám Mục Úc khi ông qua Việt Nam trước 30-04-1975 rằng Giáo Hội Công Giáo Úc sẽ bảo lãnh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nếu Miền Nam Việt Nam bị mất vào tay csBV. Nhưng cuối cùng Ông chỉ vận động được một chiếc tàu lớn qua ViệtNam cứu giúp, mà không liên lạc được với nhóm giáo dân của Linh Mục ÁI từ Phan Thiết đã vô đến Vũng Tàu rồi ra Phú Quốc vào cuối tháng Tư - 1975. Thay vào đó, tàu của Úc lại đón đoàn người của Đài Phát Thanh "Mẹ Việt Nam" hay "Gươm Thiêng Ái Quốc", lâu quá tôi không nhớ chính xác. Tôi chạy xuống tầng dưới của tàu Tiền Phong để coi đồng bào đi theo hướng nào để tìm chỗ trước cho gia đình anh vợ, và giúp đỡ gia đình anh vợ tôi di chuyển cả chục cái Valy lớn xuống đó, nhưng chỉ thấy đồng bào ào ạt theo nhau đi vòng vòng, tôi quan sát mà không thấy ai hướng dẫn nên mới la lớn tiếng lên hỏi ai đang hướng dẫn để tôi biết hướng đi mới có thể giúp gia đình anh tôi di chuyển. Tôi hỏi 2-3 lần mà không nghe ai trả lời, bỗng nhiên tôi nghe có tiếng thét lớn:"Eh! thằng kia mày là ai,lên đây biểu". Tôi giật mình nhìn quanh không thấy ai vừa la thét, chợt nhìn lên thì thấy 1 hàng quân nhân áo quần rằn ri đứng dài theo mép tàu Trường Hải của họ đang chỉa súng xuống phía đồng bào bên tàu Tiền Phong để điều khiển (lúc này họ chưa đổ người qua tàu Tiền Phong của chúng tôi).


    Sự tình nguyện để giúp gia đình anh vợ, tôi đã phải trả giá bằng một trận đòn sinh tử của toán quân kiêu binh vô cương vô pháp trên tàu Trường hải. Chuyện này dài giòng, tôi sẽ trình bày trong bài kỳ tới. Hôm nay tôi đọc bài "Ko Kra và cơn ác mộng hải tặc TháiLan" của tác giả Nguyễn Gia Việt khiến chạnh nhớ nỗi đau khôn cùng của bản thân mình : Vợ con tôi bị lũ hải tặc Thái giết tại ven biển tỉnh Songkhla của Thái, chuyến tàu mang số SS-0646-IA cũng khởi hành từ Rạch Giá, ngày 26 tháng 12-1979, do giáo sư Trần Quang Huy, Khoa trưởng Phân Khoa Khoa-Học Đai học Sàigòn tổ chưc. Ông HUY và Mẹ ông, cậu ông và gia đình cũng bị chúng giết hết trong chuyến tàu này, riêng vợ ông là Bà Nguyễn Thị Thương, giáo sư Đại Học Bách Khoa Thủ Đức được chúng tha chết là vì bà đang mang thai lớn, và 2 đứa con nhỏ của ông bà cũng được tha. Chuyện thương tâm của gia đình giáo sư Huy xảy ra khi có vợ chồng ký giả Dương Phục & Vũ Thanh Thủy đang có mặt tại trại tị nạn Songkhla, Thái Lan, họ đã viết tường trình lại mọi sự và đăng trên nhiều tờ báo ở hải ngoại, viết theo lời kể lại của các nạn nhân còn sống sót. Cũng trong thời gian này gia đình của Văn sĩ Nhật Tiến vượt biên cũng bị lũ hải tặc TháiLan cưỡng áp vào đảo KoKra, ông cùng vợ chồng Dương Phục & Vũ Thanh Thủy đã viết đăng nhiều bài kêu gọi Liên Hiệp Quốc giải cứu các nạn nhân Việt Nam trên đảo KoKra này vào đầu năm 1980, đã in thành tập Thỉnh Thư rất phổ biến.


    Trong hơn 43 năm qua , tôi đã cố gắng tìm cách liên lạc với bà giáo sư Nguyễn Thị Thương, phu nhân của cố Giáo sư Trần Quang Huy để được chính tai mình nghe người trong cuộc kể lại cho vơi vai nguồn đau khổ không cùng trong tôi , mà chưa thể được, năm 2002 tôi đến thăm văn sĩ Nhật Tiến tại tư gia ở Nam Cali và hỏi thăm tin tức về Bà Nguyễn Thị Thương, tiếc thay, nhà văn không có tin tức gì về bà Thương, ông bảo tôi liên lạc với vợ chồng Dương Phục & Vũ Thanh Thủy ở Houston, Texas mới biết được, tôi nản lòng suy nghĩ : có lẽ nào vợ (quá cố của tôi không muốn tôi thêm đau lòng hơn nữa khi nghe bà Thương kể lại cảnh tượng kinh hoàng xé tim khi 2 chiếc tàu của lũ hải tặc Thái buộc giây vào tàu của thuyền nhân SS-0646-IA kéo chạy phóng lên tốc độ cao, rồi chạy Zigzag quành qua quành lại để lật úp tàu cho chìm xuống đáy biển chôn sống hơn 100 người ! Chúng làm thế để phi tang nhân chứng, chúng sợ bị truy tố bởi các tổ chức Liên Hiệp Quốc và chính phủ Thái. Chính phủ Thái Lan có phong tục theo chế độ Sứ Quân, Lãnh Chúa. Mỗi tên Tướng vùng (thường là Hoàng thân quốc thích) được Vua ban thống lãnh toàn quyền một vùng, rất phong kiến độc ác, thâu thuế tự do theo ý. Đám ngư dân - hải tặc cướp của, đánh cá được bao nhiêu phải báo cáo, nộp hết cho những tên Tướng vùng này rồi mới được chia phần trăm.


    Oan nghiệt thay cho số phận tôi lại có bạn thân Không quân Thái Lan trong một biệt đoàn Không Quân của họ trú quân trong khuôn viên đơn vị của tôi trong Phi trường Tân Sơn Nhứt vào những năm 1966-1970, và một bạn Thái khác cùng thuê chung Appartement ở Mỹ 1977-1979. Khi tôi đọc số báo Hội Ngộ LK 72-74 Kỳ 6 Liên Lạc của Công Giáo ở San Jose năm 1980, ngay trang đầu đã đăng danh sách nạn nhân hải tặc Thái có tên vơ con tôi bằng giấy trắng mực đen rành rành trên chuyến tàu SS-0646-IA do một Linh Mục người Mỹ đã từng phục vụ ở Nam Việt Nam trước 1975 tường trình . Sau 1975 khi phong trào vượt biên lên cao tràn ngập các nước Đông Nam Á, biết bao cảnh sống cùng cực khó khăn của người Việt tị nạn, bị xua lánh ở các trại tạm cư , vị Linh Mục người Mỹ này đã tình nguyện từ Mỹ qua trại tị nạn Songkhla, TháiLan để giúp đỡ an ủi các thuyền nhân Việt Nam.


    Không biết người xưa/nay khóc vợ con tử vong thế nào, tôi chỉ biết kêu gào mông lung :


    Ta tưởng quên ta hiện hữu
    Quên cả dĩ vãng liêu trai
    Vì ngày mai đâu là ý nghĩa
    Trong cõi mù tăm kiếp nào luân lạc
    Ta đã được mang ơn cứu rỗi bụi trần
    Thành phố ấy cao những buổi chiều trời chợt thấp
    Trên đồi Bellevue ngất ngưỡng hàng thông réo rắt
    Phím nhạc cung đàn ai kéo ngược giòng thiên sử
    Gần hai mươi thế kỷ rạng ngời đông xưa
    Nơi đây có bóng hạc gầy đưa bước
    Bên người Trung Cổ da ngựa bọc thây một thời
    Tình này phiêu lãng sao bằng nghĩa phu thê


    Hắn gỗ đá trong bộ giáp thép đeo mang kệch cỡm
    Che kín trái tim che cả khuôn mặt cuộc đời
    Hình như hắn cũng có một quê hương
    Hình như hắn cũng có một cuộc tình đã chết
    Gần biển Đông một ngày ảm đạm
    Cuối tháng chạp năm 1979 trầm kha
    Chuyến tàu định mệnh SS-0646-IA
    Khởi hành từ Rạch Giá bôn ba bão bùng
    Hơn trăm mạng người tìm Tự Do Công Lý
    Than ôi Thái tặc man rợ chôn chìm đáy biển
    Nhân danh dân chủ nhân quyền cái gì nhỉ
    Thôi thế từ đây ta cỡi oán từ bi


    *****


    Hiện hữu này hư vô
    Lãng quên nào quá khứ
    Tưởng đời chút phù du
    Trí tuệ nhòa thượng cổ

    Mênh mông cõi u minh
    Tiếng yêu vỡ tương quỳnh
    Tiếng lòng đau nhân ái
    Thương hoài nét nguyên trinh

    Một đời sao lầm lỗi
    U mê chối mặt trời
    Bóng hồng mãi cơn reo
    Vờn trăng vạn chén cười


    Thiên Thu- Hoài Thê Tử



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X