Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cuộc Biển Dâu, Rưới Chút Rượu Hồng

Collapse
X

Cuộc Biển Dâu, Rưới Chút Rượu Hồng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cuộc Biển Dâu, Rưới Chút Rượu Hồng




    Nguyễn Thị Minh Ngọc
    “…Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
    Giải oan cho cuộc biển dâu này…”
    “Ta Về” – Tô Thùy Yên

    Áp phích Rashomon của Ý, Tây Đức, Tiệp Khắc, và Mỹ



    MỘT. Một câu chuyện – nhiều góc nhìn.
    Những ai ở Sài Gòn thập niên 50, 60 chắc còn nhớ phim Lã Sanh Môn do đạo diễn Akira Kurosawa thực hiện, trong đó có tài tử Toshiro Mifune (bắt đầu nổi tiếng từ phim đó). Sau khi đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice, và được phát hành ở Châu Âu và Bắc Mỹ, phim thành công về thương mại lẫn sự thán phục của trong và ngoài giới điện ảnh và đã dẫn đến sự công nhận quốc tế cho các nhà làm phim Nhật Bản khác, mở ra thị trường phim phương Tây cho các sản phẩm của ngành điện ảnh Nhật Bản. Cốt truyện phim được chuyển từ truyện gốc của nhà văn Akutagawa Ryunosuke. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã từng diễn vở Trăng Lên Đỉnh Núi do soạn giả Loan Thảo chuyển từ truyện Địa Ngục Môn của nhà văn này, và đã thâu vào đĩa với các giọng ca Thanh Nga, Hùng Cường, Tấn Tài.
    Qua lời kể của một tiều phu, ông cho biết đã báo quan khi gặp xác chết của một võ sĩ đạo trong rừng trúc. Một nhà sư cũng cho biết ông từng thấy cùng vào rừng với võ sĩ đạo ấy là một phụ nữ và một tên cướp. Khi bị bắt, tên cướp nhận mình đã giết người chồng theo đề nghị của người vợ sau khi hắn lừa anh ta vào rừng, trói anh ta lại và hãm hiếp vợ anh. Người vợ lại khai kẻ thủ ác là mình, để tránh đi ánh nhìn lạnh lùng của chồng sau vụ cưỡng bức. Hồn ma người chồng nhập vào kẻ lên đồng lại nhận chính mình đã tự tử vì nghĩ không nên sống nữa sau khi chứng kiến vợ mình bị hãm hiếp xong lại xui tên cướp giết chồng để gá đời với hắn. Sau cùng, ông tiều phu đưa ra thêm một sự thật thứ tư, mà ông đã không khai báo để tránh rắc rối. Bị cưỡng bức xong, thấy cả hai người đàng ông đều khinh rẻ mình, người vợ mắng cả hai đều không đáng mặt đàn ông. Cuối cùng, một cuộc đấu kiếm xảy ra giữa hai người đàn ông, rồi tên cướp giết được người chồng do may mắn.
    Quốc tế dùng từ hiệu ứng Lã Sanh Môn để mô tả một tình huống trong đó một sự kiện được các cá nhân liên quan đưa ra những cách giải thích hoặc mô tả trái ngược nhau. Một luận án về phim này còn đưa ra một cái nhìn chủ quan của người viết, rằng dù truyện gốc được viết khá lâu, nhưng phim ra đời ngay sau Nhật thất trận sau thế chiến thứ Hai nên người vợ theo họ, tượng trưng cho nước Nhật, người chồng tiêu biểu cho tinh thần nước Nhật cổ, anh cướp là nước Mỹ thắng trận (do may mắn?) còn ông tiều phu là người đứng ngoài nước Nhật, chứng kiến, và đưa ra sự thật ít nhiều tùy … người đối diện.
    Tinh thần Lã Sanh Môn này theo tôi khá lâu. Là một người viết trước 1975, sau 1975 trở thành một đạo diễn, một soạn giả và là một người đi dạy (ngoài ý muốn), tôi phải luôn chọn sự thật nào để khi tác phẩm ra đời không phản bội những độc giả, khán giả tin tưởng mình, vừa không bị kiểm duyệt cắt xén, vừa để làm nên một tác phẩm theo tiêu chí của tôi: nói giùm những người không nói được.

    HAI – Chuyện Người – Chuyện Mình

    Jesse James khi sống là một người Mỹ sống ngoài vòng pháp luật, chuyên cướp ngân hàng và xe lửa, cầm đầu một băng đảng và khi chết anh trở nên một nhân vật huyền thoại. Mạng anh được treo giá khá cao. Mẹ anh đã chôn anh ở sân trước của trang trại James với một tượng đài sừng sững, trong đó khắc câu Người Con Yêu dấu của bà đã bị giết bởi một kẻ phản bội và hèn nhát không đáng ghi tên ở đây. Từ ý tưởng đó ta có bộ phim Assassination of Jesse James by the Coward Robert Ford mà vai Jesse James do Brad Pitt thủ diễn. Có tới mấy chục bộ phim, vở kịch, tiểu thuyết viết về hay nhắc đến anh. Có cả những bảo tàng, lễ hội, video game về anh. Ở bộ phim này, anh được so sánh với Robinhood, kẻ chuyên cướp của người giàu để cho người nghèo. Ở bộ phim khác cho thấy anh thành cướp vì cùng nhiều nhà khác, gia đình anh là nạn nhân của công ty hỏa xa; họ đã đền bù đất đai bị con đường sắt xắn qua bằng giá như ăn cướp.
    Có lần xem phim Hàn, vừa thấy một thứ phi có thật trong lịch sử được ca ngợi như một người chánh nghĩa ở bộ phim này, thì không lâu sau, sang bộ phim khác, bà được khắc họa thành một nhân vật thâm hiểm, gian tà đến độ tôi tưởng đó là hai người khác nhau. Một thời gian dài, ở trong nước, có cái nhìn tệ hại với triều đại cuối cùng của Việt Nam. Dòng họ Nguyễn Phước Tộc từng phải biểu tình chống đối một hội diễn sân khấu toàn quốc năm năm một lần tổ chức ngay tại Huế có những vở diễn ca ngợi Tây Sơn mà đổ hết những gì tệ hại cho Gia Long và con cháu Nguyễn Ánh.
    Một thời gian dài, bị xem những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam dưới góc nhìn phiến diện của những người Mỹ hay Hà Nội, chúng tôi vẫn mong có những bộ phim trả lại ít nhiều công bằng cho sự đóng góp máu xương của chiến sĩ và dân chúng của miền Nam Việt Nam trước 1975. Năm nay có Da 5 Bloods của Spike Lee, những tưởng khá hơn, ai dè vẫn những cái nhìn xưa và sai về người Sài Gòn. Cuốn phim khiến tôi nhớ một cuốn truyện được giải sách hay trong nước cách đây vài năm. Nhiều người sống qua thời ấy, có viết bài chỉnh nhiều chi tiết sai trong sách. Cũng có ý kiến nói sửa những cái sai đó đâu khó. Vấn đề của cuốn sách ấy- theo tôi – còn cho thấy người viết có lẽ đã thấm nhuần một nền giáo dục mà lịch sử đã bị chỉnh sửa hoàn toàn theo cái nhìn của “bên thắng cuộc” nên là một độc giả, tôi không tin những cảm xúc giả tạo khi tác giả cho nhân vật xưng tôi là con trai của một vị tướng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bạn có thể viết dở và sai- điều đó có thể chỉnh sửa được theo thời gian – nhưng sẽ phí công nếu bạn cố giả trang gồng mình vào một thế giới mà bạn vĩnh viễn không thuộc về
    Lỡ bị xem những phim và truyện kiểu đó, tôi tiếc mình đã bỏ giờ cho nó. Chỉ an ủi được một điều, ít ra tôi cũng có thể khuyên bạn không nên tốn giờ xem những loại sách và phim mang định kiến sai lầm từ gốc xuất phát

    BA- QUÊN & NHỚ

    Dĩ nhiên, khi ghi những dòng này, tôi nhận ra tôi -và chúng ta- đã có lỗi ít nhiều trong việc không ghi lại những trang sử đời, sử nước không nên để lãng quên khi ta đã từng là người trong cuộc. Atlantics là cuốn phim an ủi tôi phần nào khi trong phim có chi tiết những người công nhân oằn mình xây tòa tháp nguy nga cho chủ mà một thời gian dài chưa được trả lương, đành phải vượt biên để mong có tương lai tốt đẹp hơn. Bỏ mình trên biển, họ trở thành oan hồn, trở về, nhập hồn vào những người sống để đòi lại những món nợ tiền, tình. Sợ tòa tháp bị thiêu rụi bởi những oan hồn này, tên trùm xây dựng đành phải trả sạch lương, sau đó, nhiều oan hồn còn muốn ông phải đào mộ họ lên thì họ mới được yên nghỉ. Những món nợ đừng tưởng bị xóa khi chủ nợ đã vong gia thất thổ, sang thế giới bên kia. Cho dù chẳng rõ liệu những hồn oan thân thích của ta có ứng hiện được không để buộc đám trùm trả sạch nợ. Ít ra phim cũng xoa dịu phần nào, những người Việt, đặc biệt những gia đình có thân nhân thất tán trong cuộc biển dâu vừa qua, sẽ luôn vững tin: Chết chưa phải là hết.

    Nhân Cách – Şahsiyet (Persona) là một bộ phim truyền hình của Thổ Nhĩ Kỳ nằm chung trong top 250 bộ phim truyền hình hay nhất mọi thời đại do hệ thống IMDB bình chọn (Trong đó có Breaking Bad, Game of Thrones, Planet Earth I & II, The Sopranos, Friends….) Khi biết mình bị mắc bệnh Alzheimer, Agâh Beyoğlu, một thư ký tòa án đã nghỉ hưu quyết định dành thời gian còn nhớ của mình đi trừng trị những kẻ sử dụng bạo lực với phụ nữ đã lọt lưới pháp luật. Nữ cảnh sát Nevra Elmas, trong lúc đi truy lùng kẻ giết người hàng loạt bí ẩn ấy bắt buộc phải nhớ lại một sự kiện đã xảy ra khi cô còn nhỏ mà cô là nạn nhân, dù cô đã cố quên đi mới có thể sống tiếp. Theo nhóm tác giả thì “Công lý không phải là vấn đề cá nhân. Công lý là vấn đề của nhân cách”.
    Mong là những chuyện chúng ta muốn quên, chỉ là cảm giác tạm thởi, để không phải chờ đến một người hiền lương trở thành kẻ sát nhân hàng loạt “thế thiên hành đạo” mới lôi được ra các hồi ức không nên lãng quên ấy trong ta.


    BỐN- Cuộc Biển Dâu và Thủy, Hỏa, Đạo, Tặc…
    Nghe tin phim Ròm sau bao nhiêu năm lận đận, đoạt giải quốc tế, bị phạt, bị cấm rồi công chiếu với bản dựng lại, cuối cùng đạt doanh thu cao, tôi rất vui vì thường những phim thuộc dòng phim độc lập rất khó hòa vốn, nói chi đến có lời. Điều buồn cười là tôi thấy một bạn trẻ la trên FB là “Chuyện gì đã xảy ra với nhà tôi vậy?” Sau khi xem phim này, cha anh thích, má anh chê, anh cũng thích, em gái theo mẹ, người dì chờ kết quả từ nhà anh, còn ba má anh giận nhau có nguy cơ không hòa giải được chỉ vì bất đồng quan điểm về phim Ròm. (nghe giống như chuyện bầu cử 2020 ở Mỹ quá).
    Khi viết những dòng nầy, miền Trung, quê nội và quê ngoại tôi đang khốn khổ vì bão, lũ, đất lở, nhà sụp, người chết… khiến tôi nhớ lại khoảng 1995- 1997, ở Tánh Linh, Bình Thuận những khu rừng phòng hộ giữ đất ngăn lũ bị tàn phá nghiêm trọng. Dựa theo chuyện một cá nhân đội đơn khắp nơi, đi bộ ra tới Hà Nội để đưa đơn chống đám quan chức địa phương tham nhũng cấu kết cùng “lâm tặc”, tôi đã viết vở cải lương Lũ Rừng đưa cả hình ảnh đàn voi chạy lụt khi núi lở, nhà cuốn, người trôi… lên sân khấu với lời cảnh tỉnh thủy, hỏa, đạo, tặc là những kiếp nạn khủng khiếp cho dân đen nêu người cầm quyền để lòng tham ác che mờ lương tâm, lý trí. 1999, nhân vật chánh của tôi bị vu là CIA, dù ông đã từ chối 372,000 Mỹ kim do Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam tặng thưởng. Sau đó, ông vẫn chăm chỉ làm rẫy ở Tánh Linh.
    Một nhân vật kịch trong vở kịch mà tôi tham gia diễn đã khuyên chúng tôi: đạo đức mới trong lúc này phải là “Không ngạc nhiên, không kêu ca, không sợ hãi” Nên tôi cũng chẳng ngạc nhiên lúc duyệt vở Tía Ơi, Má Dìa cho sân khấu Idecaf có người trong hội đồng duyệt còn đề nghị đừng ghi tên tác giả là Nguyễn Thị Minh Ngọc với lý do tác giả đã định cư ở nước ngoài. Vở này năm 2018 đã được mang sang diễn ở Nam và Bắc California.

    Còn nhớ khi sân khấu Idecaf mới thành lập, giám đốc Huỳnh Anh Tuấn mời Thành Lộc, Đoàn Khoa và tôi về góp tay diễn cho trẻ con coi trước, lấy trớn làm sân khấu cho người lớn coi sau. Một đạo diễn trùng tên (nhưng khác họ) với tôi là Trần Minh Ngọc đã mang các vở hay của nước ngoài dựng cho chúng tôi làm diễn viên. Chúng tôi gọi ông là thầy vì có lúc ông là hiệu trưởng ngôi trường tôi học và dạy ở đó. Một hôm thầy Ngọc mang đến kịch bản Cậu Đồng phóng tác từ vở Tartuffe của Molière mà thầy mua ở hàng sách cũ vỉa hè với tên người phóng tác là Nhất Hạnh. Lúc đó Việt Nam còn kỵ thiền sư Nhất Hạnh (mà bây giờ cũng đã hết kỵ đâu), nếu đưa ra duyệt mà có tên Nhất Hạnh sẽ gặp rắc rối bởi những người luôn gây khó cho chúng tôi. Họ cho rằng sân khấu này là của …tư nhân – nghĩa là của bọn tư bản luôn ủ mưu gì đó, chớ không phải sân khấu quốc doanh toàn tòng với nhà nước. Thầy Ngọc đành đứng tên đạo diễn kiêm luôn người phóng tác. Đến giờ, sau hơn 400 xuất diễn đợt trước và thêm đợt tái diễn gần đây, chúng tôi mới có thể đưa tên thiền sư Nhất Hạnh vào đúng nơi của vở diễn khi sức khỏe của thiền sư đã cạn kiệt. Thiền sư là người đã thất bại trong việc mơ mộng về nước xin được lập đàn cầu siêu cho những người chết oan sau cuộc chiến vừa qua.
    Một nhân vật trong một truyện ngắn của tôi tin: “Cũng năm đó, nạn đói kém mất mùa gây bao hậu quả tệ hại ở vùng này. Nhất là những gia đình từ phương xa đổ về đây lập nghiệp. Con cầm dao rượt mẹ. Chồng say đòi đốt rẫy, đốt luôn cả vợ con. ….” “…phải giúp những người đã chết được siêu thoát hầu cầu an cho mảnh đất này….” Tôi đã gặp nhiều người tin rằng dù cuộc chiến đã tàn cách đây gần nửa thế kỷ, nhưng nằm dưới lòng đất vẫn có nhiều người trẻ ra đi không vợ, không con, không cả một mối tình, không biết đến một nụ hôn…Khi giấc ngủ cuối cùng dưới đất của những người trẻ ấy không yên, mọi thứ trên mặt đất sẽ bất ổn theo.
    Dù có tin vào yếu tố tâm linh hay không, tôi cũng thấy may mắn biết bao nếu những điều sai đúng, những chuyện nhớ quên, sẽ được chỉnh sửa khi ta còn sống. Sau một năm sống cùng đại dịch, chỉ mong trong tương lai, có nhiều bàn tay nữa chung vào, để những khuất tất được đưa ra ánh sáng, trả lại công bằng cho những người Việt, dù sống hay đã chết.

    Nguyễn Thị Minh Ngọc


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X