Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đem Tâm Tình Nghe Nhạc Sến

Collapse
X

Đem Tâm Tình Nghe Nhạc Sến

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đem Tâm Tình Nghe Nhạc Sến

    ĐEM TÂM TÌNH NGHE NHẠC ‘SẾN’



    Năm 1958, ông Nguyễn Mạnh Côn xuất bản tập sách “ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ”. Đó là một cuốn sách giá trị tuyệt đối về mọi mặt. Kẻ hậu ... hậu bối về mọi mặt như tôi chẳng có ý gì dám mó mé tới cạnh bên. Chẳng qua tôi khoái cái tựa. Thường khi viết sử, từ đời xưa đời xửa ở bên Tàu, nghĩa là khi còn mấy ông tự nhận con trời ( thiên tử ) làm vua làm chúa làm cha thiên hạ, oai quyền tột đỉnh nghĩa là muốn làm gì thì làm, vậy mà người ta cũng đã đặt ra chức sử quan. Ông-quan-viết-sử ăn bổng lộc chuyên môn ghi chép chuyện nước non, từng ngày từng giờ từng phút từng giây. Nghĩa là không được bỏ sót một chi tiết, một biến cố nào đã xảy ra trong triều ngoài nội. Nhất là có-sao-viết-vậy-người-ơi! Có lẽ gọi là chép-sử sẽ rõ nghĩa hơn chăng. Viết có nghĩa chủ động, dễ lạc bút. Chép nghĩa là ghi chép, có gì nói nấy không thêm bớt, không sửa chữa, một là một, hai là hai, không có on-đơ gì hê ́̉t. Khác nhau như chụp ảnh và vẽ tranh.Sư thật của lịch sử là điều cấm kỵ, tối thượng, không được tô son thoa phấn mà cũng chẳng được bôi tro trét trấu. Muốn được vậy, người chép sử phải có đủ mọi đức tính, từ trung thực đến liêm sĩ, kể cả sự can trường, uy-vũ-bất-năngkhuất. Ngay cả trong bộ Kinh Xuân Thu mà Khổng Tử đã san định, ổng cũng đã đòi như vậy.

    Thế mà ông Nguyễn lại đem tâm tình mà viết lịch sử ! Tâm tình là cái thứ lộn xộn nhất của con người. Nay vui mai buồn mốt giận bữa kia hờn. Thứ tình cảm bộp chộp đó dễ làm sai lạc mọi nhận định. Vậy mà ông Nguyễn đòi viết lịch sử bằng tâm tình có mâu thuẩn lắm không. Thật ra dụng ý của ông u uẩn và thâm thúy hơn nhiều khi đem-tâm-tình viết về thời kỳ hổn mang đó. Ba chữ “Đem tâm tình” cốt để xác định sự thành tâm, để bảo đảm sự chính trực của mình khi đặt bút viết lại những dòng hận sử, với ước vọng soi lại đường đi cho tuổi trẻ sau khi đã lạc bước vì những tuyên truyền đường mật của loại chính trị lọc lừa. Cái tựa với lối chơi chữ thượng thừa đó đã dựng lại một giai đoạn đen tối của lịch sử Việt Nam cận đại, và làm sáng mắt cho không ít tuổi trẻ còn mù mờ vì sự quỉ quyệt của người cộng sản. Vậy mà rồi, đâu lại vào đó. Người tin, người không tin để cho lịch sử trớ trêu, kẻ nuốt hận chui đầu vào rọ, kẻ quính quáng nhào ra khơi bán mạng cho sóng gió vô tình !!!

    Cái chuyện tôi bắt chước ông ở đây chẳng qua vì lòng ngưỡng mộ của một kẻ đến sau biết ơn người đến trước nên chẳng ngại ... bắt chước ... cái tựa. Dẫu vậy, vẫn phải cúi đầu xin lỗi bậc trưởng thượng. Bởi vì chữ ông Nguyễn viết là máu xương là cốt tủy của một đời người thao thức vì vận mệnh của dân tộc. Còn thứ tôi viết chỉ là chuyện càm ràm qua ngày đoạn tháng. Lựa cái tựa như vậy cốt để nói rằng ... dốt mà hay nói chữ. Thiệt vậy, tôi vốn là một kẻ dốt nhạc mà lại bỗng nổi hứng muốn viết về nhạc, thành ra, nói về nhạc mà nói bằng ... tâm tình chớ không bằng ... nhạc lý như mấy ông maestro vẫn thường hay múa đủa mà sửa méo sửa tròn mấy dàn giàn nhạc giao hưởng. Nhạc tôi muốn nghe, muốn kể lể là thứ nhạc đã có một lúc bị xử ức oan tình. Rằng thì là nhạc Boléro, nhạc máy nước, kể cả ... nhạc-sến. Có một thời tiếng Việt của chúng ta sung mãn lắm. Ngoài cái kho ngữ vựng đã dùng lâu dùng quen mà ai cũng rành, đã được ghi chép hẵn hoi vô tự điển với lời giải thích rạch ròi, hằng khi vẫn phát sinh những tiếng, những chữ mới hoặc những chữ cũ với nghĩa mới có khi chỉ nhằm để chỉ trích hay giễu cợt một hiện tượng xả hội nào đó ... Riết rồi thành quen, nhập tâm và xài mát tay lúc nào không biết. Giã sử chữ ... “sến”. Nếu không lầm, dường như danh từ marie-sến đã sanh ra và phổ biến đâu từ những thiên phóng sự với giọng văn khinh bạc trên những tờ báo hằng ngày xuất bản ở Sài Gòn, để ám chỉ những người đi ở mướn, ở đợ, giữ em, tối tối xách thùng thiếc biến chế từ thùng dầu lửa 20 lít, ra mấy cái phông-ten nước ở đầu đường, chờ chực để hứng rồi gánh nước-máy về cho chủ. Ẩn ý nhằm chê bai trình độ học thức cũng như thứ “mỹ cảm” bình dân, ít học ... Đến một lúc, chữ “sến” tách riêng ra trở thành một tính từ độc lập, hàm ý nhà-quê, dở ẹt, thấp kém ... được phát biểu với giọng điệu khinh thị, khích bác, chế giễu ... Vậy rồi, cho đến một lúc, dường như vào những năm 90, bỗng nghe lõm bõm đâu đó trên môi mép của quí vị tự cho mình có thẩm quyền về âm nhạc, một danh từ mới : nhạc-sến. Nhạc-sến, hình dung như một cái bĩu môi khi nói về một bản nhạc cũ đã có thời phổ biến rộng rãi ở nửa phần đất phía Nam và sau này vẫn tiếp tục phổ biến ở đó, luôn cả nửa phần đất phía Bắc bất kể có bị cấm lên cấm xuống tới nỗi riết rồi ai cũng biết ... cũng mê !

    Đã không rành nhạc lý, từ mấy nốt “đô” “rế” “mì” ... đến cung thứ rồi cung trưởng, rồi trường canh, từ điệu Tango rồi Rumba, Cha-cha-cha ... nói gì đến cái thứ nhạc cổ điển mà ai nấy đều tấm tắc khen hay dẫu có khi hai tai cứ loạn xà ngầu vì mớ âm thanh phát ra loạn cào cào của hằng chục thứ nhạc khí phát ra cùng một lúc ! Dẫu vậy, dẫu vậy tôi cũng sẽ viết về nhạc, nhạc-sến, với tâm tình của một người thích, khoái đến độ lắm khi muốn chảy nước mắt vì nhạc-sến. Ờ mà sến, hay máy nước, hay boléro hay nhạc vàng hay ... hay gì đi nữa miễn là khoái tai, vừa ý, thỏa lòng thì sến hay không sến cũng có sá gì đâu. Mà cái vụ khoái nhạc-sến này cũng phải nói cho rõ, không phải do bẩm sinh cũng không phải bị tẩy nảo. Mà là do nhu cầu thiết yếu của thời học đòi làm người lớn. Từ khi ... lỡ-yêu-rồi-làm-sao-quên-được ...-NẾU ANH ĐỪNG HẸN-LÊ DINH Thử nghĩ coi, ngay lúc tuổi vừa mới lớn ở cái xứ Việt miền Nam đó, những năm năm mươi mấy sáu mươi, lỡ có muốn tỏ lòng ái mộ ai đó mà cứ moi ra mấy cái Symphonie n o 9 của Beethoven hay Concerto n o 1 của Chopin mà tán tỉnh thì chắc chắn là có màn thất bát dài dài ... Thuở đó, đầu trên xóm dưới, trong làng ngoài tỉnh, bằng cấp cả xấp hay chỉ mới bập bẹ ba chữ i tờ gì cũng vậy ... chỉ có lắp ba lắp bắp theo ông Trúc Phương Ai cho tôi tình yêu của ngày thơ ngày mộng / Tôi xin dâng vòng tay mở rộng / Và đón người đi vào tim tôi / Bằng môi trên bờ môi ... là mới hy vọng có thể mở được đường-vào-tình-yêu –AI CHO TÔI TÌNH YÊU-TRÚC PHƯƠNG. Mà chắc cũng không phải chỉ mình tôi tin như vậy. Còn tin hay không là quyền của bá tánh. Có điều, chuyện đờn-ca-hát-xướng ở miền Nam thuở trước không đúng hẵn cũng hao hao như vậy. Nếu không vậy, làm sao nhà xuất bản Tinh Hoa in nhạc với tờ giấy xếp đôi có trang bìa là hình vẽ của họa sĩ Duy Liêm, mấy cái phòng trà, mấy chỗ sang lậu băng ca-sét, chưa kể quí vị được trời cho cái giọng thiên phú ... làm sao sống nỗi một cách vinh quang trong một xứ sở mà tiếng đạn bay mìn nổ nghe riết đã muốn lãng tai ! Nói như vậy để thấy cả một nền âm nhạc mà người ta gọi là nhạc-sến cho đành đó, là cả một gia-tài-của-mẹ-TRỊNH CÔNG SƠN. Chớ có phải chơi đâu.

    Thử nghĩ coi, nghệ thuật để làm gì nếu không phải là để đáp ứng cho khát vọng đi tìm “cái đẹp” của nhân sinh. Dẫu có chọn cho mình một đường hướng nào đi nữa, nghệ thuật mà không có người thưởng thức thì chỉ có đem vô mấy trại cải tạo của việt-cộng mà làm trò tẩy nảo. Ngay cả chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật đi nữa, rốt lại, vẽ, làm thơ, viết nhạc ... mà không có ai trố mắt nhìn, vểnh tai nghe, chong mắt đọc thì cũng y như kiểu ... nói chuyện với đầu gối. Vậy thôi. Như vậy, nhạc mà làm mê mẩn cả mấy thế hệ người nghe thì nếu không gọi là nghệ thuật thì gọi là gì cho phải đây ?! Vã lại, y như mọi ngành nghệ thuật khác, nhạc như thơ cũng cần sự cảm thông bằng trực giác trước khi bỏ lên bàn mổ. Hãy thử bắt chước Xuân-Diệu-thời-tiền-chiến ... ai đem phân chất một mùi hương / hay bản cầm ca tôi chỉ thương / chỉ lặng truồi theo dòng cảm xúc / như thuyền ngư phủ lạc trong sương. Được chăng ?

    Bởi vậy, nói gì thì nói đem mớ ca nhạc một thời đó ra giễu cợt, dè biểu chẳng qua chỉ là chuyện tự dối lòng của mẫu người tự cao tự đại, thiếu thành thật ngay cả với chính mình. Nê u không, có thể là một cách thức phản-tuyên-truyền của đám cầm quyền cộng sản, muốn cấm đoán, muốn tiêu hủy mà bất lực trước sự thưởng thức dù có khi phải lén lút của đại đa số người hâm mộ, ở ngoài cũng như còn kẹt ở trong nước. Y kiểu mấy mụ đàn bà xấu tánh, ham muốn hay cấm đoán hoài mà không được bèn quay qua nói xấu cho ... hả giận !

    Trở lại với dòng nhạc của một thời đã qua, đang qua, và sẽ còn qua nữa ... Ai sao không biết, còn tôi, sau khi dong ruổi ba đồng bảy đổi trong cái thế giới âm nhạc tây tàu, xưa nay, cũ mới ... new age, kể cả ráp riết v.v... cuối đường lạng quạng xin được quày đầu trở về với dòng nhạc mà số phận đa đoan chẳng kém vì người làm ra nó và người yêu thích nó. Thứ nhạc mà người ta phán cho là nhạc-sến ! Nếu nhớ không lầm thì cái “gu” cũ-người-mới-ta này đã lậm thêm vào người đâu chừng đôi mươi năm nay, nhất là từ khi sẩy bước xuống ghe tìm đường bôn tẩu khỏi cái chế độ quỷ quái ma đầu ma cô ma mị ... Số là sau khi bôn tẩu trên dặm nghìn sóng nước, được đặt chân lên đất lạ rồi được đặc ân cho làm người ra giống người, được ăn thêm bơ sửa, bánh mì, pizza ... no nứt bụng rồi có lúc bỗng quay ra thèm đến chảy nước miếng cái mùi mằn mặn tanh tanh của nước mắm pha chút dấm chút tỏi, dầm chút ớt chút tiêu ... Khổ nỗi, thời đó người cùng giống rồng-tiên (!) bỏ ổ còn quá ít ỏi nên lắm khi cũng đành tìm quên với nước tương xì-dầu của mấy chú con trời ở China town. Vậy rồi nhờ vận rủi may, người bỏ xứ trốn tự-do-hạnh-phúc-độc-lập của bác-và-đảng càng lúc càng đông nên nước mắm và hương vị quê hương càng lúc càng bay mùi thơm phức trên xứ người. Có nước mắm, phở tái chín nạm gầu gân sách ... tạm lấp đầy cái bao tử tha hương rồi là nổi chứng nhớ thương mấy cái vụ đờn ca xướng hát của một thời Sài-gòn đèn xanh đèn đỏ. Nhất là những hôm giáp tết xứ người. Trời mùa đông lạnh cóng, hoa mai hoa đào đâu không thấy, chỉ thấy tuyết bay mù mắt, phủ trắng cây cỏ núi đồi phố xá, phủ trắng cả tấm lòng của những kẻ mất quê hương. Chiều ba mươi, nấu mâm cơm cúng vái ông bà, dọn ra bàn chưa kịp thắp mấy nén nhang là trong lòng đâu như ai đã dạo sẵn mấy nốt hò xự xang xê cống líu rồi bắt giọng mà ngân nga để sửa soạn xuống xề. Cứ mỗi lần thấy bông ô môi nở hồng trong gió sớm, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng vội vã đón xuân sang, cứ mỗi lần có dịp về Vĩnh Long ngang làng Tân Ngải chợ Trường An ... – TUYỆT TÌNH CA-HÀ TRIỀU HOA PHƯƠNG .Ngay lúc đó, mà đâu đó lại bồi thêm mấy câu tân nhạc của Trịnh Lâm Ngân nữa thì thôi khỏi nói. Con biết bây giờ mẹ chờ tin con / Khi thấy mai đào nở vàng bên nương / Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về / Nay én bay đầy trước ngõ / Mà tin con vẫn xa ngàn xa- XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ-TRỊNH LÂM NGÂN
    Con mắt đâu ai xát muối mà cứ cay cay, đầu mũi muốn rục rịch mà cứ ráng kềm sợ con nít nó cười. Dẫu vậy, cái đầu lại cứ quay mòng mòng với bao nhiêu hình ảnh cũ dẫu đã xa mút ... mù xa. Cái thuở trời miền Nam nắng vàng như nghệ, đêm châu thổ nồng ẩm như hơ, những cơn mưa mùa vụt chạc, những con kinh dậy phèn, những lạch nước úng bùn, những bến đò thắc thẻo người sang, những chái liếp hở hang, những cội tre xơ xác, những chùm lá me tíu tít, những gốc phượng đỏ hè, những mái trường lợp thiếc, những chiếc áo dài trắng lắt lay, những chợ chiều hiu hắt, những xề bánh khọt lề đường, những xe nước mía ngã tư, những con đường liên tỉnh mấp mô, những con đường mòn lẫn lút ... Và những mặt người. Ờ, những mặt người quen kẻ lạ, những thân thuộc đã sinh ly, những ruột rà đã tử biệt ngay khi vừa mới quay lưng chưa kịp nhìn lại một lần ... ghe đã tách bến ! Sài-gòn, Vĩnh-long, Rạch-giá, Mỹ-tho, Cần-thơ, Cà-mau ... chỉ là những tên gọi hay vốn là thịt da máu huyết chảy luồn tận trong tim, đóng chốt trong nảo từ hồi nào không biết.
    Lâu rồi, tưởng đã quên luôn. Vậy mà ... vẫn nhớ !

    Y như ông Thế Uyên có lần đã viết, ̣đại khái như là nghe nhạc là sống lại kỷ niệm, rõ ràng, với tôi, lắm khi nghe lại những bản nhạc của một thời muốn-quênmà-cứ-nhớ đó, là sống lại y khuôn một thời quá vãng, thuở còn loi choi giữa tuổi con nít và người lớn, học đòi mơ mộng giữa thực tại và trăng sao, giữa những nề nếp rành rọt như một bài học-thuộc-lòng. Song song với cái tuổi lưng chừng đó là cả một thế giới âm thanh, dù phải chen lấn với tiếng đạn réo mìn gầm, vẫn đủ sức đem lại cả một trời mơ mộng với hoa với bướm. Y như một thứ nhạc đệm cho cảnh cũ tình xưa. Tình nào nhạc nấy. Đến lúc mọi kỷ niệm đã mù mịt, thì những nốt nhạc cũ đó trở thành dấu chỉ cho một bước tìm về. Quê cũ. Nẻo cũ. Nhà cũ. Trường cũ. Tình cũ ... Ôi, biết bao ân tình ân nghĩa đã bị lấp liếm đằng sau bao nhiêu dâu bể ! Bao nhiêu dấu vết đã mờ mà cái trí nhớ còm cõi càng lúc càng lệch lạc ! Còn lại chăng, những dòng nhạc cũ như một nhắc nhở, dẫn đường cho những hồi ức về một cõi đời đã xa ... xa đâu đến tận ngoài tầm nhớ ! Nghĩ coi, một lần nào, một lần nào trong hơn mười bốn ngàn đêm sống lạc trên xứ người, bỗng vọng lại tiếng ai hát, lẫn lẫn trong điệu nhạc rumba ... đường xưa lối cũ, có me tôi tóc rưng rưng trong hôn hoàng .. Rồi đổi sang điệp khúc ... khi tôi về nghẹn ngào trong nắng / tưởng mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về / nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời / không lời từ ly cuối cùng trước khi phân kỳ – ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ-HOÀNG THI THƠ. Ngay lúc đó, nghe mà lòng không nhúc nhích thì chắc nếu không phải là Tây thì cũng là Tàu ! Nhiều, nhiều lắm, làm sao kể ra cho xiết. Thứ ân tình, ân nghĩa đã nuôi dưỡng hồn người bằng âm điệu ngọt ngào, đỡ đần cho những lời lẽ quen thuộc, cùng với tám nốt nhạc nương theo năm dấu giọng đã nằm lòng ngay từ buổi mới bập bẹ mấy tiếng mẹ cha. Tai nghe vậy mà lòng trơ trơ sao nở ?!

    Đành quên sao anh, những con đường mùa trăng ấy, thao thức đêm trường nghe từng bước em đi / Đành quên sao anh, đáy mắt hiền trong xóm vắng, nắng thu vàng nhìn ngơ ngẩn bóng người đi -ĐÀNH QUÊN SAO-HOÀNG THI THƠ

    Từ khởi thủy, khi còn gọi là âm nhạc cải cách, đến khi bỏ chạy tuốt vô trong Nam sau năm 54, trải suốt mấy chục năm trời nương theo dòng sinh mệnh của dân tộc, thứ âm nhạc đó đã nói giùm cho chúng ta hết mọi nỗi niềm, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ kỷ niệm đến viễn mơ ..., từ một rung động nhẹ như tơ trời đến một xúc cảm mạnh như gió bão, từ một vọng tưởng đến một hoài niệm v.v ... và v. v... chuyện tình riêng, chuyện nước non ... nhất là từ khi cả một dân tộc vô tội bị lùa vào làm mồi cho lửa đạn vì tham vọng của một số người cuồng tín. Chính từ đó phát sinh thêm một loại nhạc mà người ta gọi là Nhạc Lính. Ở một xứ sở mà lính tráng chiếm gần 1/20 dân số, chuyện đó cũng chẳng có gì khó hiểu. Có điều qua cái kho nhạc lính đó, người ta khám phá ra một sự thật. Trong khi những cán binh ngoài Bắc được nhồi sọ sùng sục một mối căm thù đồng chủng ngay từ lúc mới biết đọc biết viết, người lính miền Nam, dù vẫn phải gánh trên vai cả một núi nợ nước non vẫn là những con người bình thường, rất đỗi bình thường với hết mọi thứ yêu thương hờn giận ... Dù cho đó có thể là một phần nguyên nhân của cuộc bại trận tức tưởi. Nhưng biết sao hơn, làm người với đủ đầy nhân tính ! Thử nghe lại vài câu hát của Trần Thiện Thanh.
    Từ khi anh thôi học, từ khi anh khoác áo treilli / Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây / Ngại chăng dêm di hành và thường khi dừng bước giữa hoang vu / Một thằng ước ao để một thằng khát khao, còn mình thì nằm dếm sao ... Đồn anh bên sông cạn / Và hoàng hôn ướt đẫm đáy sông thưa / Nhiều tên trong đơn vị gọi đùa anh chiến sĩ của mộng mơ- THƯ TÌNH CỦA LÍNH.

    Còn gì dễ thương mà xác thực hơn nữa. Những người trẻ tuổi, mười tám đôi mươi từ giữa những năm 50 đến giữa những năm 70, ở miền Nam Việt Nam, đã phải dang thân chống giữ xóm làng bằng xương máu của chính mình nhưng chưa bao giờ đánh mất nhân tính. Họ vẫn mơ mộng, vẫn cắn răng chiến đấu và vẫn giữ trọn lòng nhân ái. Chẳng bù với những người đối đầu với họ !
    Xét về phương diện nhạc lý, có thể có người cho là dễ dãi, là nghèo nàn ... tuy nhiên thử sống lại thời buổi chiến tranh đó, khi mà mọi thứ đều gần như bị giới hạn bởi điều kiện ... chiến tranh, ai sẽ làm hơn được nữa. Chúng ta sống thuở đó trong điều kiện sống thu hẹp, bởi mọi thứ lý do. Một bản nhạc được trình diễn nhiều lắm với một ban nhạc năm bảy người với dàn trống, một hai tay kèn, vài tay đàn giây ... đã là lý tưởng. Dương cầm là phải chui tuốt vô trong mấy cái phòng trà tiệm nhảy. Còn ngoài ra, nhiều khi một cây tây-ban-cầm đã quá đủ. Những buổi sinh hoạt ngoài trời, trong một lớp học, giữa một giảng đường, trên một bãi cỏ cạnh cổng một quân trường ... âm nhạc thời chiến không thể đòi hỏi hơn nữa. Vậy mà, dường như cái loại nhạc ... sến đó đã làm đủ phận mình, xoa dịu được những nỗi lòng sầu muộn vì ngăn cách hay hớn hở khi sum vầy. Loại nhạc ... sến đó đã thay người ta cười, khóc ... theo vận nước, thay người ta buồn bã lúc tình xa, rộn rã khi đón người về, khóc giùm ta cho một người nằm xuống, mơ giùm ta một ngày trả súng về xây lại quê hương ... Nói sao cho hết những diệu kỳ của sự phối hợp giữa những nốt nhạc với chữ nghĩa của một thời. Thử một thí dụ vài ba chữ với vài ba nốt nhạc của người mà thiên hạ phong là Ông Vua Boléro, nhạc sĩ Trúc Phương. Trong một bài hát rất được ưa thích thời đó, thời của những trại lính, những quân trường, những trận mạc ... Bài 24 giờ phép. Từ xa tôi về phép hai mươi bốn giờ / Tìm người thương trong người thương / Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà / Chiều nghiêng nghiêng nắng đổ / Và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngỏ bao giờ Cửa tâm tư là mắt nên khi đối mặt / Chuyện buồn dương gian lẩn mất / Ðưa ta đi về nguyên thủy loài người / Lời yêu khi muốn ngỏ vụng về / Ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay.

    Phải công nhận người ta phong vương cho ông cũng là phải. Ông đặt nhạc đã êm tai dù lắm khi lắt léo âm điệu, đảo nghịch cung bậc đến não nùng. Ông xài chữ còn thuộc loại bậc thầy. Người con trai đi lính chỉ có được 24 giờ phép về thăm vợ trẻ, (hay người tình) mà đã mất hết 8 tiếng đồng hồ đi lại. Thời gian không ai thúc mà cũng tự nhiên thành gấp rút. Gặp nhau rồi vội vội vàng vàng. Khổ nỗi, bao nhiêu thương nhớ, bao nhiêu thiết tha, bao nhiêu tức tưởi ... nói sao cho kịp, nói làm sao cho hết. Trong điều kiện không gian chật chội thời gian hấp tấp đó, ông giải quyết cái một. Lời yêu khi muốn ngỏ vụng về / Ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay. Nói năng lắp ba lắp bắp, mà càng gấp gáp người ta càng lập bập ... Hay nhất là để cho hai bàn tay mười ngón nói thay giùm ! Ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay. Nhất ông, ông nhạc sĩ Trúc Phương ! Vừa gọn gàng mà sát nghĩa mà tượng hình mà ...

    Những dẫn dụ như vậy nhiều lắm, những người nhạc sĩ tài ba một thời ở đất nước tôi. Kể ra làm sao cho hết ! Chỉ tiếc là ông trời ổng tính sao mà làm cho ngược đời ráo trọi.
    Nghe lại những bản nhạc thịnh hành thuở đó, và còn thịnh hành gần nửa thế kỷ sau, ở bên ngoài đất nước, hay chính ngay trong lòng đất nước đã mất, mới thắy ảnh hưởng của dòng nhạc nhân ái đó như thế nào. Không hay sao còn làm rung động mãi tới bây giờ ở cả hai phe vốn đã một thời thù địch. Không hay sao cứ như con phượng hoàng sống dậy từ lửa đỏ. Thứ lửa đỏ mà đám người cuồng tín đã đốt phừng lên sau năm 75 cốt để tiêu hủy hết mọi thứ gọi là ... đồi trụy, phản động. Vậy mà không ! Không ! Hơn bốn mươi năm sau, cái mớ phản động đó vẫn còn ... động đậy. Mà động mạnh nữa chớ. Hồi trước chỉ hát trong nhà, trong phòng, trong rạp ... bây giờ thì hát cả ngoài đường, trên hè phố, giữa chợ cá đồng cá biển ...
    Hổng tin lên You tube mà coi, ở cái xứ gọi là CHXHCN Việt Nam bây giờ, người ta đẩy cả thùng loa ra phố xá mà ca hát những bản nhạc bị cấm đoán một thời. Nói vậy cũng không có nghĩa tất cả đều là tuyệt phẩm. Nhưng thử nghĩ coi ngó một bãi cỏ vào xuân thấy xanh mướt, vậy mà vẫn có lẫn lộn những cọng cỏ dại đó đây. Ông trời ổng còn không cản nỗi nói chi cái đám nhốn nháo nơi cõi hồng trần. Vã lại có xấu mới thấu cái đẹp. Đó cũng là cái thói trớ trêu của tạo hóa. Sao đem gom-đủa-cả-nắm cho đành !!!

    Lại nữa, còn nghe kể lại chuyện xưa, có một lúc nào đó, ở ngoài Bắc, ngay cái ổ của chế độ tồi tệ nhất lịch sử, vào những năm 50-60 có người còn bị nhốt lên nhốt xuống chỉ vì cái tội mê nhạc, loại nhạc mà những kể cầm quyền gọi là Nhạc Vàng (*). Dụng ý chắc là để phân biệt với loại nhạc đỏ ... viết bằng máu ! Nhưng kể ra gọi là vàng thì cũng đúng. Đó là thứ vàng thiệt vàng ròng. Nhắc lại vậy không có ý lẫn lộn giữa dòng nhạc gọi là tiền chiến với nhạc ở miền Nam sau năm 1954, nhưng ít hay nhiều cả hai đều có chung một nguồn cảm hứng, xuất phát từ những rung động chân thành của tình người, tình nước vốn được nuôi dưỡng trong lòng một nền văn hóa đã ngàn năm nhân bản. Trái hẵn với lối sắt máu của một thứ chủ nghĩa ngoại lai, được nhập cảng bằng máu, nước mắt, xiềng xích với tù đày. Và đẻ ra thứ âm nhạc quái thai kiểu Cô gái vót chông, Cô gái SG đi tải đạn, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân ... mà đâu đó ít lâu sau bỗng tắt tiếng im hơi vì ... chẳng còn ai muốn nghe.

    Kể lể lăng nhăng cho vui rồi lại thấy buồn buồn. Thiệt y như chuyện ... hồng nhan bạc mệnh. Hết bị đày ải ... rồi phỉ nhổ, đủ thứ trò phụ rẫy mà sao vẫn một dạ thủy chung hết lòng mua vui cho thiên hạ. Hổng tin, cỡ này, thời buổi đại dịch, nếu có dịp chui xuống mấy cái hầm nhà của đám người Việt bỏ nước lưu vong, ở mọi nơi trên mặt đất mênh mông này, sẽ thấy không ít nhà nào nhà nấy đều có “sân khấu” dựng quanh một giàn máy gọi là ca-ra-ô-kê, mà vốn liếng trình diễn chính là mớ nhạc Việt xưa ... được (bị) gọi là ... nhạc sến đó. Kể ra cũng đỡ buồn cho cái đám lỡ làng ngay thời buổi cấm cung, có chút phương tiện để thả hồn thoát ra khỏi bốn vách nhà mà không sợ bị “lây nhiễm” ! Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, tròm trèm hai phần ba đời người, những người chết đã chết, những người còn sống lưu lạc xứ người hay vật vờ nơi đất mẹ, mọi thứ giá trị ít hay nhiều đã được sàn lọc. Cái mất đi có lý do của sự tiêu hủy. Cái còn lại cũng có lý do của sự tồn tại.

    Ai gọi nhạc-sến thì cứ gọi. Còn tôi, tôi nghe nhạc với tâm tình của tôi. Âm nhạc không chỉ tính bằng nốt thăng nốt giáng. Âm nhạc còn tính bằng sự rung động của những tấm lòng mộ điệu.

    CaoVị Khanh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X