Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Dựng Nêu Ăn Tết

Collapse
X

Dựng Nêu Ăn Tết

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dựng Nêu Ăn Tết

    Dựng Nêu Ăn Tết




    Cây Nêu là hình ảnh đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Cây Nêu dựng lên là dấu hiệu chính thức ngày Tết bắt đầu, hạ Nêu là nghi thức kết thúc lễ Tết. Cây nêu Bắc Nam đều có, nhưng cây Nêu Nam Kỳ có nét duyên riêng, ẩn chứa bản sắc văn hóa địa phương.Cây Nêu dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu. Do những điều kiện đặc thù về tự nhiên, xã hội và ý thức tạo lập bản sắc văn hóa cho vùng đất mới, các chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn lần lượt xây dựng những nếp sinh hoạt riêng cho xứ Đàng Trong: Từ các nghi lễ cho đời người quan hôn tang tế, đến nghi lễ thờ cúng tổ tiên, tảo mộ và dựng cây Nêu ngày Tết.

    Nét duyên cây Nêu
    “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức ghi nhận về tục dựng nêu ở Gia Định như sau: “Ngày trừ tịch, ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu. Việc này không thể khảo cứu nguyên do được, mà có người cho đó là chia ra ba giới thống trị cũng là thuyết hoang đường không nên tin, nhưng suy ý làm như vậy cũng như người Trung Quốc ngày đầu năm đốt pháo tre, treo bùa đào, ngày Đoan Ngọ treo lá ngải, lá xương bồ vậy, ý là để làm tượng trưng cho năm mới mà tảo trừ những việc xấu xa trong năm cũ. Đến ngày Mùng Bảy Tết thì triệt hạ, gọi là hạ nêu”.

    Như vậy, ngày dựng nêu ở Đàng Trong, Gia Định, Nam Kỳ là ngày cuối năm, khác với Đàng Ngoài thường vào ngày 23 Tết cùng với lễ đưa ông Táo về trời.

    Ngoài thời điểm dựng nêu ngày cuối năm, lễ dựng nêu ở Nam Bộ còn khác ở miền ngoài qua câu ca dao:

    “Cu kêu ba tiếng cu kêu
    Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè
    Dựng nêu thì dựng đầu hè
    Để sân gieo cải, vãi mè mà ăn”

    Vì sao lại có ăn chè cùng với dựng nêu?



    Hai ông Nguyễn Huỳnh Triều (trái) và Nguyễn Huỳnh Long bên cây nêu

    Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trương Ngọc Tường giải thích: “Nhà tôi thường nấu chè chiều 30, ăn xong rồi còn đi tưới cây. Ở miền Nam không có tục hái lộc đầu năm, mà chiều 30 ra tưới cây, hoa kiểng ngoài vườn. Tưới cây để trong ba ngày Tết không động tới cây cối gì hết và cũng không được bẻ cây hái trái trong ba ngày Tết”.

    Tương đồng với cách giải thích này, các gia đình ở vùng Long An, Tiền Giang có tục kiêng cữ không động đến cây trái trong vườn suốt ba ngày Tết. Chỉ đến ngày Mùng Bốn, sau khi cúng kiếu ông bà, lại có mâm bánh trái cúng Tết vườn, lấy giấy vàng bạc dán lên cây cối cho cây ăn Tết xong mới được hái hoa quả. Đó cũng là nét nhân văn, cho cây trái nghỉ ngơi ăn Tết.

    Sau năm 1945, tục dựng nêu ăn Tết đã bị gián đoạn trong bối cảnh chiến tranh. Do cây nêu thường cao khỏi nóc nhà, có thể nhìn thấy từ rất xa, các bên tham chiến lo ngại cây nêu có thể được dùng để nhắn gửi tín hiệu gì đó. Trong con mắt nghi ngờ của Việt Minh thời đó, một người tình cờ mặc quần áo hoặc mang đồ vật có ba màu xanh, trắng và đỏ có thể bị tử hình vì tội làm gián điệp.

    Cây nêu bị cấm kéo dài hàng chục năm, qua nhiều thế hệ, người dân phương Nam đã đánh mất thói quen dựng nêu ăn Tết, thậm chí còn nhiều nơi khác trên cả nước.


    Ông Nguyễn Huỳnh Triều, hậu duệ dòng đích đời thứ bảy của Đức Khâm Sai,
    Chưởng Tiền Quân, Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức


    Cây Nêu ở Nhà Lớn, Long Sơn, Bà Rịa Vũng Tàu
    Tuy vậy, dưới chân núi Nứa, đảo Long Sơn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ hơn trăm năm nay vẫn duy trì lệ dựng nêu ngày 30 Tết. Nguyên từ cuối thế kỷ 19, ông Lê Văn Mưu (có lẽ là một bộ tướng trong các cuộc khởi nghĩa kháng Pháp của Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành, Ngô Lợi) từ Hà Tiên đi ghe bầu mang một nhóm người đến vùng đất này khai hoang lập nghiệp. Tiếp theo đó, nhiều người dân các tỉnh miền Tây cũng kéo về đây. Họ sống cộng cư và tạo lập ra nhà thờ, phố chợ và hình thành cộng đồng gọi là Đạo Ông Trần.

    Hiện nay hơn 20,000 nhà dân Long Sơn đều là thành viên Đạo Ông Trần. Họ mặc áo bà ba đen, nam búi tóc, để râu. Sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách. Cả cộng đồng dùng chung một quan tài gọi là “Bao Quan” đưa thi hài người thân ra huyệt mộ trong nghĩa trang chung. An táng xong, quan tài được tháo rời và đem về Nhà Lớn.

    Theo truyền thuyết của Nhà Lớn do ông Nguyễn Văn Lan, cháu đời thứ năm của ông Lê Văn Mưu, kể lại, ngày xưa thượng giới có hai vị thần xuống trần gian hóa thành quỷ ăn thịt nhiều người nên Thái Thượng Lão Quân đã ban cho người dân bùa và phép dựng cây nêu để tập hợp các vị thần xua đuổi quỷ.



    Bàn thờ cúng dựng Nêu ở Nguyễn Huỳnh Gia Trang


    Ngày 30 Tết, họ chọn từ bô lão và tráng niên trong cộng đồng, những người có kinh nghiệm và nhân thân, tên họ tốt như Phước, Lộc, Thọ, Minh… để tham gia lễ dựng nêu. Ở Nhà Lớn dựng đến hai cây nêu, một ở trước nhà Cấm và một ở sau nhà Hội. Nhà nào không có cây nêu thì làm lá bùa treo trước nhà.

    Đầu tiên là chọn cây tre cao, suôn thẳng, róc gai nhánh, chỉ để lại phần lá ngọn cây đem về Nhà Lớn làm nêu. Sự lựa chọn này nhằm thể hiện sự trân trọng ý nghĩa mong ước cây nêu mang lại những điều tốt lành cho bá tánh trong năm mới.

    Các vị kỳ lão vót tre đan tấm bùa Tứ Tung, Ngũ Hoành của Thái Thượng Lão Quân màu đỏ (bốn thanh đứng và năm thanh ngang) treo trên đầu cây nêu, cùng với đó là một giỏ tre trong đó có trái quýt, bánh ít, trầu cau, giấy tiền vàng bạc. Những vật cúng trên cây nêu là để dâng hiến cho các vị thiên thần xua đuổi quỷ. Sau khi dựng nêu sẽ làm lễ Kỉnh Cơm (cúng cơm) rước ông bà và tối đến sẽ Kỉnh Nhang (cúng nhang) và đốt pháo tre xua đuổi quỷ.

    Cây Nêu của hậu duệ Tiền Quân Nguyễn Huỳnh Đức
    Năm Tân Sửu vừa qua, tại Huỳnh Phủ Gia Trang ở phường Khánh Hậu (thành phố Tân An, tỉnh Long An), Nguyễn Huỳnh Gia Trang, mà gia chủ là ông Nguyễn Huỳnh Triều – hậu duệ dòng đích đời thứ bảy của Đức Khâm Sai, Chưởng Tiền Quân, Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức – đã phục hồi nghi thức dựng cây nêu.



    Lá phướn dài là đặc trưng cây nêu gia tộc Nguyễn Huỳnh


    Ông Nguyễn Huỳnh Đức, tên thật là Huỳnh Tường Đức, do nhiều lần lập công và trung nghĩa phò tá Nguyễn Ánh trong thời tẩu quốc nên được cải sang họ vua. Khi Gia Long lên ngôi, ông lần lượt được phong tổng trấn ba thành quan trọng nhất là Quy Nhơn, Bắc Thành, Gia Định Thành, kiêm chức khâm sai như vị phó vương.

    Là truyền nhân võ tướng, nhưng hậu duệ của Đức Tiền Quân lại theo nghiệp văn. Hai ông Nguyễn Huỳnh Triều và Nguyễn Huỳnh Long đều là những nghệ nhân thư pháp nổi tiếng của Long An. Riêng ông Triều hàng chục năm qua là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Thư Pháp Long An.

    Gia tộc Nguyễn Huỳnh luôn giữ nề nếp những lễ nghi tế tự truyền thống và là mẫu mực cho sinh hoạt của địa phương. Các thế hệ trước cha anh của anh Triều luôn duy trì lệ dựng nêu hằng năm.

    Cũng theo mô thức chung về truyền thuyết cây nêu có nguồn gốc từ cuộc đấu tranh của người và quỷ, Phật đã giúp con người dùng cây nêu đuổi quỷ. Ông Triều cho biết, câu chuyện cổ thể hiện tâm lý người xưa phải chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, để bảo vệ mùa màng và cuộc sống. Cây nêu là niềm tin, là ước muốn có vụ mùa tốt đẹp và một cuộc sống yên lành.

    Về cơ bản cây nêu đều giống nhau, là cây tre cao, trên ngọn buộc nhiều thứ như lá phướn, túi nhỏ đựng trầu cau, chuông gió, ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ… phát ra âm thanh. Người ta tin rằng, những vật treo trên cây nêu và những tiếng động là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu.

    Nhưng điểm khác biệt của cây nêu từng nơi là nội dung dòng chữ trong lá phướn, hay những vật dụng mang tính biểu tượng của địa phương. Nơi nào có nông sản đặc thù, hoặc muốn thể hiện mong ước riêng tư nào thì treo thêm loại trái cây đó. Có nơi treo thêm lá bùa Bát Quái để trấn yểm tà ma.

    Cây nêu của Huỳnh Gia ngày xưa treo trái bầu, tượng trưng mong muốn sự sinh sôi nảy nở, sự phồn thịnh ngày một tăng thêm. Nội dung dòng chữ trong lá phướn rất quan trọng, thể hiện ý chí, mong muốn chính yếu của gia chủ.

    Trên lá phướng Huỳnh Gia dùng bốn chữ Hanh-Nguyên-Lợi-Trinh thể hiện mong muốn mọi sự hanh thông, nguyên vẹn và trong sạch. Đó là mong muốn rất nhân văn, không ham giàu có, tiền tài phú quý. Ngày nay, cây nêu mang tính văn hóa nên lá phướn ghi lời chúc thân quen Mừng Xuân Quốc Thái Dân An.

    Theo ông Triều, cây nêu càng cao càng tốt, càng cao nhìn từ xa người ta đã thấy. Thời xưa cha ông dựng cây nêu cao 5 mét. Cây nêu của ông lần này cũng khá cao, treo chuông gió, khánh bạc và đặc biệt là lá phướn đỏ dài khoảng gần 3 mét uốn lượn trong làn gió Tết.

    Ngày dựng nêu, trong nhà, ngay gian giữa ông Triều bày một bàn cúng đơn giản theo phong cách Nam Bộ là tam sên (thịt heo, tôm, trứng) biểu trưng cho ba loài dưới nước, trên mặt đất và trên không. Nhưng quan trọng, ấn tượng nhất là những bức thư pháp với nội dung chúc Xuân tốt đẹp. Có thể treo thư pháp quanh cột, trên dây chằng thân cột hoặc xen với các cây kiểng chung quanh thân cây nêu.

    Với mô thức linh hoạt này, cây nêu ở vùng đất này mang màu sắc tâm linh mà không hề mê tín, là biểu tượng thông tin hơn là cầu cúng. Cây nêu mang khát vọng con người hiệp thông với trời đất, với thiên nhiên và hàm chứa tôn vinh bản sắc đất và người địa phương.

    Anh Kiệt
    Last edited by KiwiTeTua; 01-19-2023, 09:20 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X