Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuông Khuya Trên Ngọn Cô Sơn

Collapse
X

Chuông Khuya Trên Ngọn Cô Sơn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuông Khuya Trên Ngọn Cô Sơn

    Chuông Khuya Trên Ngọn Cô Sơn

    Mai Xuân Vỹ
    18/07/2018


    We're all born mad. Some remain so.
    Samuel Beckett

    Phi Lộ - Hay là Disclaimer

    I.
    Từ thuở nhỏ, và có lẽ cho đến tận bây giờ, trong lòng tôi luôn có hai nước Trung Hoa khác hẳn nhau. Và thường thì luôn đối lập với nhau.

    Đó là một nước Trung Hoa với Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Bạch Cư Dị Đỗ Phủ Lý Bạch với những điển tích điển cố mà năm lớp 6 bắt đầu trung học, trong khi lũ bạn tôi thường phải “struggling”, thiên nan vạn nan cố nhét vào đầu những từ Hán Việt tối nghĩa thì tôi thoải mái nhớ dễ dàng như đọc truyện Kim Dung. Đó là một nước Trung Hoa rất đẹp về văn hóa.

    Có một nước Trung Hoa khác là Tô Định Sỹ Nhiếp Cao Biền, những thái thú cai trị một An Nam đô hộ phủ. Và cũng là nước sản xuất ra những AK47, T54 cùng với những cuộc cách mạng cải cách ruộng đất, đấu tố đẫm máu. Đó là một nước Trung Hoa man rợ với những Hồng Vệ Binh 15, 16 tuổi, Sách Đỏ trên tay hăm hở kéo sập chùa chiền đền miếu Khổng Tử, kéo cái quá khứ phong kiến 5000 năm và những thúc bá của họ ra nông trường để được cải tạo thành con người mới XHCN. Là một xứ sở cuồng tín khi các công dân với lý tưởng cộng sản chỉ dùng những câu trích trong Sách Đỏ của Mao để tranh luận và “nói chuyện” với nhau. Cũng là một nước Trung Hoa đầy rẫy chết chóc và bạo lực ẩn sâu sau những mỹ từ và khẩu hiệu như “Bách hoa tề phóng - Bách gia tranh minh”. Cái câu bóng bẩy ấy phải được hiểu là trăm hoa rỏ máu trăm nhà điêu linh trên thực tế. Tiếp theo đó là thời “tứ thanh ngũ phiên” bốn sạch năm diệt khiến hàng triệu người chết, hàng chục triệu lưu xứ, hàng trăm triệu đói khát đã được Mao Trạch Đông gọi một cách văn hoa là “Văn Cách”. Khi Mao chết đi, một nạn nhân thời Văn Cách là Đặng Tiểu Bình và người dân Trung Hoa đã gọi nó đúng với thực tế là “Thập niên động loạn, thập niên hạo kiếp”.

    Hai nước Trung Hoa ấy là hai nước khác hẳn nhau dù người ta có gọi cùng tên, có chung một tọa độ vị trí địa dư trên bản đồ thế giới. Với tôi, vẫn là hai nước khác nhau: một xấu một đẹp. Tôi không thắc mắc và cũng chẳng hề thấy mâu thuẫn gì về sự tồn tại cùng thời gian và không gian của cả hai nước Trung Hoa ấy cho đến một hôm tôi sửng sốt khi biết ra tác giả của câu nói kiêu bạt hào hùng “làm trai chết ở sa trường da ngựa bọc thây” là Mã Viện. Tôi chưa hề ghét ai như ghét Mã Viện, kẻ thù của Hai Bà Trưng, người đã cho khắc vào cột đồng giòng chữ “đồng trụ chiết Giao Chỉ triệt”. Đây là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Rồi sau đó tôi còn ngạc nhiên thẫn thờ cả buổi khi biết Mã Viện lại là tổ tiên mấy đời của một tướng Tây Lương Mã Siêu. Đây là một trong những vị tướng của Gia Cát Khổng Minh mà tôi hằng thán phục: Cẩm Mã Siêu. La Quán Trung gọi anh ta là “Cẩm” bởi vì –ngoài sức khỏe địch muôn người và tài thao lược- anh ta đẹp trai.

    Kể từ ngày hôm ấy, lòng tôi luôn lấn cấn giữa hai nước Trung Hoa đẹp và xấu ấy.

    Và một ngày, tôi thực sự phân vân khi đứng giữa sân trường với các bạn tôi một sáng thứ Hai chào cờ và truy điệu hạm trưởng Ngụy Văn Thà cùng đồng đội đã bỏ mình giữ đảo Hoàng Sa. Tôi nhìn lá cờ rủ trong nắng sớm, ngập đầy lòng kính nể người hạm trưởng đã chết theo con tàu và ngơ ngẩn tự hỏi những người lính Trung Cộng bắn vào Ngụy Văn Thà và đồng đội có phải là hậu duệ của những Cẩm Mã Siêu, Gia Cát Khổng Minh hay không?

    Kể từ buổi sáng hôm ấy, khi nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ được kéo rủ lưng chừng cột cờ và cả sân trường im phăng phắc trong phút mặc niệm, tâm trí tôi chợt tràn đầy ăm ắp những bài học lịch sử từ Bà Triệu khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Ngô, Ngô Quyền phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, đến Lê Lợi 10 năm kháng chiến chống quân Minh. Tôi hả hê khi Trần Quốc Tuấn dụ được đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi vào trận địa chôn đầy cọc gỗ Bạch Đằng giang lặp lại bài học lịch sử của năm 938, khoái chí khi thấy Thoát Hoan, một hoàng tử của Hốt Tất Liệt, và đội quân Mông Cổ thiện chiến từng chinh phục Âu châu tiến đến tận bờ sông Danube, kinh hoàng chạy bán sống bán chết trước những đợt truy kích của quân Hưng Đạo Vương ngay sát biên giới Việt Hoa.

    Rồi tôi ngẫm ngợi. Nguyễn Du hẳn là “lấn cấn” hơn tôi nhiều. Trận Hà Hồi Ngọc Hồi Đống Đa lúc Quang Trung đuổi Tôn Sĩ Nghị về bên kia biên giới chỉ mới xảy ra năm Kỷ Dậu 1789 lúc ông 23 tuổi, ở tuổi đã trưởng thành để thấy cái nhục vong quốc khi những đạo quân Mãn Thanh tràn qua biên giới chiếm Thăng Long cướp bóc lương dân Đại Việt, rồi chỉ hơn 10 năm sau chính ông phụng mệnh vua lên ải Nam Quan nhận sắc phong khai sinh nước Việt Nam của Gia Long. Đúng hai giáp sau cuộc chiến Đại Việt với Thanh Triều, năm Quý Dậu 1813 ông lại dẫn đầu đoàn ngoại giao Việt Nam đi sứ sang Bắc Kinh. Nguyễn Du hẳn là thấy cái họa Trung Hoa rõ hơn tôi, thế nhưng ông vẫn viết những vần thơ trác tuyệt bằng chữ Hán, chữ của kẻ thù. Ông còn viết Độc Tiểu Thanh Ký khóc một cô gái Trung Hoa Phùng Huyền Huyền nào đó sống vào đầu đời Minh, tức là thời của Minh Thành Tổ, vị vua Trung Hoa đã khởi binh đao chiếm nước Đại Ngu của Hồ Quý Ly, bắt dẫn độ về Trung Hoa những tinh hoa của đất nước như Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn An, Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Du không thể không biết Lê Lợi và chàng thư sinh vừa đỗ Thái học sinh –tức Tiến sĩ sau này- Nguyễn Trãi đã phải nhọc nhằn suốt 10 năm gian khổ để dành lại chủ quyền cho Đại Việt từ tay nhà Minh.

    Tôi dài dòng như thế cũng là vì cái quan hệ giữa đất nước tôi và một nước Trung Hoa đang quật khởi không dấu giếm tham vọng thay thế ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong cục diện Thế Giới bây giờ. Đất nước tôi liền đất liền biên giới với một nước không lồ tất nhiên sẽ có những hệ quả tất yếu về địa lý chính trị như đã từng xảy ra trong lịch sử hơn 2000 năm nay.

    Và hai “nước” Trung Hoa đối lập nhau vẫn luôn là cái lấn cấn trong tôi mãi cho tới bây giờ khi tôi viết những giòng này.

    II.
    Truyện của Kim Dung, cũng như các truyện cổ tích tấm cám, le petit poucet, truyện cổ Grimm, truyện Andersen, là những truyện người ta thường thưởng thức trọn vẹn ở tuổi thơ hoặc lớn hơn một chút. Nhiều người không đọc được Kim Dung vì khi cầm một pho truyện dầy trong tay, họ đã trưởng thành. Đó là ý kiến rất chủ quan –và suy ra từ chính kinh nghiệm bản thân- của tôi và hẳn nhiên là không trăm phần trăm đúng, hoặc có nhiều rất nhiều luật trừ. Tôi không đọc được Kim Dung nữa khi tôi ra nước ngoài. Nhưng dầu vậy, những truyện của Kim Dung vẫn nằm mãi trong đầu tôi và tỏa thứ ánh sáng dịu dàng như những truyện cổ tích. Mỗi khi nhớ lại những câu chuyện, những tình tiết, lòng tôi vẫn có cái cảm giác êm đềm như thuở ấu thơ.

    Và cũng như thế giới cổ tích, thế giới của Kim Dung là thế giới của “nhân chi sơ tính bản thiện”, thiện ác phân minh. Có chính có tà, tà có thể chính và ngược lại. Nhưng không bao giờ đi xa hơn thế. Là trắng và đen phân minh. Lúc vừa đến Melbourne trong những ngày đầu chưa biết làm gì, tôi ngày ngày ra thư viện ôm về hằng đống sách đọc cho bõ những tháng ngày đói sách. Trong mớ sách ấy tôi vô tình vớ được cuốn Waiting For Godot. Tôi vừa qua những năm khốn khó ở quê nhà và trại tỵ nạn của Pol Pot, nếm trải nhiều vị đắng của cuộc đời và bắt đầu hiểu được rằng Godot thường sẽ không đến như đã hẹn hằng ngày. Tôi sửng sốt khi Estragon bảo rằng nhân chi sơ tính bản ác. Tôi vừa có kinh nghiệm sống chết với những người lính Pol Pot biết cầm súng giết người từ 13, 14 tuổi, ngờ ngợ về chuyện nhân-chi-sơ-tính-bản-thiện thấy rằng làm sao những chú lính trẻ thơ ấy lại dám dùng cuốc bửa sọ người khác. Làm thế nào mà những nữ sinh Hồng Vệ Binh đang học lớp 7 lớp 8 trung học lại có thể lôi thầy cô giáo của họ ra bắt quỳ gối giữa sân trường rồi đánh các “sư phụ” của họ đến chết? Hay là đúng như Estragon đã nói: “We’re all born mad”. Và những kẻ sát nhân này thuộc vào nhóm “Some remain so”.

    Vậy điều gì khiến người ta trở nên “Sane” hay “Thiện”? Có phải văn hóa hay là một điều gì đó thiêng liêng hơn, khó kiểm chứng hơn, như là đức tin và sự cứu rỗi hoặc một điều tương tự như tôn giáo?


    Chuông khuya trên ngọn cô sơn

    Thuở ấy tôi mê Kim Dung ở những đoạn văn theo cái cách “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” của ông. Trong những chương đầu, cho dù Lệnh Hồ Xung chưa xuất hiện nhưng đám đệ tử Hoa Sơn đã nhắc đến anh. Tôi nghe đám đệ tử ấy kể cho nhau chuyện “Lệnh Hồ đại ca” đá hai đệ tử phái Thanh Thành văng xuống lầu trong tư thế khó coi mông đít chổng ngược. Câu chuyện được Lao Đức Nặc và Lục Đại Hữu kể thật sống động, tôi như nghe được tiếng cười khinh mạn của anh và tiếng anh hô lớn: “Thí cổ hướng hậu … Bình sa lạc nhạn” trong lúc Hầu Nhân Anh và Hồng Nhân Hùng lộn cổ xuống những bậc thang dựng đứng của tửu lầu.

    Qua lời kể của bọn đệ tử phái Hoa Sơn ở tửu quán “trá hình” do Lao Đức Nặc và Nhạc Linh San mở ra để dọ thám Phước Oai tiêu cục, anh được nhắc đến trước khi anh thực sự xuất hiện như một vị đại sư huynh được toàn thể đồng môn kính nể.

    Và qua lời kể của Nghi Lâm, anh là người sư huynh hiệp nghĩa thấy cảnh bất bình rút đao tương trợ, xả thân cứu một đệ tử của Hằng Sơn không quen biết chỉ vì một câu …”quảng cáo” Ngũ nhạc kiếm phái như cây liền cành. Và trong câu chuyện của Nghi Lâm, địch thủ của anh cũng là người quân tử mã thượng, hai bên xảy ra một trường huyết chiến rồi đối thủ nẩy sinh lòng kính nể cho dù kiếm pháp anh còn rất non kém trước môn khoái đao nhanh thần tốc của địch thủ. Tôi –và chắc độc giả của Tiếu Ngạo Giang Hồ đều- bất ngờ khi thấy một Độc Hành Đại Đạo thanh danh bại hoại lại cư xử mã thượng như thế.

    Anh vì cứu Nghi Lâm nên bất đắc dĩ phải đọ kiếm với Điền Bá Quang. Không may cho anh, đao pháp của địch thủ cao hơn hẳn nhiều tầng. Đánh không lại, anh dùng hoa ngôn xảo ngữ, nôm na là đánh võ mồm! Anh cùng Điền Bá Quang đánh cược ngồi ghế tọa đấu để phân thắng bại, kẻ thua phải vái cô bé 18 tuổi Nghi Lâm làm sư phụ. Và cuối cùng anh thắng kẻ địch trong đường tơ kẽ tóc nhờ liều mạng, và thắng ở một tư thế không lấy gì làm đẹp mắt cho lắm. Bị chém 13 nhát đao máu tuôn đầm đìa nhưng “mông đít” anh thủy chung vẫn gắn chặt vào ghế, anh nằm bò lăn dưới đất tuy trông rất thảm hại, nhưng theo lời giao ước thì hiển nhiên anh là người thắng cuộc. Và lúc đọc đoạn ấy, tôi cười thầm vì cái “láu cá” của anh. Bởi trong trận tọa đấu này, ngoài việc không thể nhấc mông ra khỏi ghế đuổi theo bắt Nghi Lâm, Điền Bá Quang còn phải vất vả hơn nhiều so với những trận đánh trước với anh trong sơn động. Vì phải ngồi mà đánh, môn khinh công tuyệt diệu của Điền Bá Quang không thi triển được. Khinh công anh tầm thường, anh ngồi đâm ra chiếm thượng phong!

    Rồi tôi tiếp tục nghe Nghi Lâm với giọng trong trẻo ngây thơ “dây cà ra dây muống” kể lại cho sư phụ Định Dật - nóng nảy luôn ngắt lời cô- chuyện Lệnh Hồ đại ca cứu cô khỏi tay Điền Bá Quang vất vả gian nan như thế nào. Tôi nghe được tiếng “dạ” nhu mì của Nghi Lâm mỗi khi nghe sư phụ cô hỏi. Tiếng hầm hừ của Đinh Dật nóng nảy nhưng tốt bụng “thằng lỏi Lệnh Hồ Xung” này nọ. Tiếng chát của cái bạt tai nẩy lửa mà Định Dật tức quá không biết phát tiết vào đâu vả vào mặt Lao Đức Nặc. Câu trả lời ngang ngạnh của Định Dật trước câu cật vấn hằn học của Dư Thương Hải khi thấy đồ đệ của mình bị Đinh Dật hắt thẳng vào mặt chén trà nóng.

    Và người đầu tiên bị khuất phục trước tính hào hiệp trượng nghĩa của Lệnh Hồ Xung cũng chính là Định Dật. Đang từ một người nóng nảy hằm hằm đi tìm “thằng lỏi Lệnh Hồ Xung to gan lớn mật” để hỏi tội, lúc bà nghe các đệ tử kể lại Nghi Lâm bị ép ngồi uống rượu với Lệnh Hồ Xung và Điền Bá Quang trên Túy Tiên lâu, Định Dật đến trà quán nơi quần đệ tử Hoa Sơn tạm trú, hỏi không thấy Lệnh Hồ Xung đâu, bà ngang ngược bắt theo Nhạc Linh San để chờ Nhạc Bất Quần đến đối chất về tội giáo huấn đệ tử không nghiêm. Rồi đến khi Dư Thương Hải mỉa mai về trận huyết chiến và “mánh lới” tọa đấu mà Lệnh Hồ Xung đã dùng để cứu Nghi Lâm và thủ thắng, bà “bênh” Lệnh Hồ Xung và chỉ khinh khỉnh lãnh đạm trả miếng: “Bậc đại trượng phu đấu trí chứ không đấu lực”.

    Qua lời kể của Lao Đức Nặc và Lục Đại Hữu, lần thứ nhất anh đá hai đệ tử phái Thanh Thành văng xuống lầu bằng một chiêu mà anh gọi là “Thí cổ hướng hậu bình sa lạc nhạn”. Bọn sư đệ này kể là Hầu Nhân Anh và Hồng Nhân Hùng bị đá lộn đi bảy tám vòng mà không biết bị ai đánh, và cũng không hiểu vì lẽ gì mà bị ăn đòn.

    Hóa ra Lệnh Hồ Xung ngứa mắt vì bọn “anh hùng hào kiệt” Thanh Thành Tứ Tú của phái Thanh Thành. Thực ra bọn Hầu Nhân Anh và Hồng Nhân Hùng chẳng có lỗi gì cả, chính anh mới là người gây hấn trước. Anh đang ngất ngưỡng chén tạc chén thù với một lão khiếu hóa rách rưới vô danh trên lầu Túy Tiên, thấy bọn đệ tử phái Thanh Thành bước vào, anh “cà khịa” xách mé hỏi có phải là Thanh Thành Tứ Thú Cẩu Hùng Dã Trư –tức là Chó Gấu Khỉ Heo- khiến bọn này nổi nóng động võ rồi bị anh đá văng xuống lầu.

    Lần thứ hai, cũng với chiêu “Thí cổ hướng hậu” nhanh và chuẩn đích ấy, anh đá La nhân Kiệt lộn cổ xuống thang lầu Túy Tiên lâu là qua lời kể của Nghi Lâm. Lúc ấy anh đang mang trên mình 13 nhát khoái đao chí mạng của Điền Bá Quang.

    Anh vừa thắng Độc Hành Đại Đạo, tuy nhiên anh thắng chỉ là nhờ địch thủ sinh lòng lân tuất vì cái đởm lược, cái to gan lớn mật của anh, coi sinh mệnh nhẹ tựa lông hồng. Anh thắng mà địch thủ thì lành lặn, mình mẩy không hề suy suyển. Chỉ có anh là bị chém nát người, sức cùng lực kiệt. Anh thắng địch thủ không bằng Hoa sơn kiếm pháp do Nhạc Bất Quần dạy, mà bằng món “võ mồm”, với vũ khí là miệng lưỡi cực kỳ khoái hoạt của anh, và do anh nhất thời nghĩ ra để đối phó với một địch thủ võ công cao hơn mình nhiều bậc.

    Tôi thấy được qua những trang sách một Lệnh Hồ Xung mình đầy thương tích mặt không chút huyết sắc vì mất máu quá nhiều sau trận tử chiến, nhưng vẫn quật cường không chịu khuất tất trước La Nhân Kiệt. Lúc ấy anh không có chọn lựa nào cả. Trước kẻ tiểu nhân như La Nhân Kiệt, anh chỉ có một con đường duy nhất là quyết đấu. Không may, thương tích đầy mình là lợi thế của đối thủ đang sức lực sung mãn, địch thủ anh sẽ lợi dụng nhược điểm này. Mất máu nhiều, óc anh thiếu lượng dưỡng khí tối thiểu để suy tính ước lượng chiêu số đối phó địch nhân, địch thủ anh sẽ chiếm tiện nghi.

    Tôi thấy anh trừng mắt nhìn đối thủ, ngầm vận dụng hết sức tàn -trong lúc La Nhân Kiệt đang hoang mang không biết có bị lừa vì vẻ bề ngoài đầy thương tích ấy hay không- rồi bất thần tung ngọn cước “vừa mau lẹ vừa chuẩn đích” – lời do chính miệng Nghi Lâm thuật lại cho sư phụ Định Dật sư thái- hất La Nhân Kiệt nhào đi mấy vòng trên không rồi lộn nhào xuống cầu thang của lầu Túy Tiên.

    Tôi nghe tiếng anh cười lớn, và rồi hết sức tàn hơi phải thì thào vào tai Nghi Lâm đang gắng sức nâng cho anh khỏi ngã: “Đó! Sư muội đã thấy môn võ công trấn sơn của phái Thanh Thành chưa? Ðó là chiêu số tối cao của phái Thanh Thành kêu bằng thí cổ hướng hậu, bình sa lạc nhạn. Thí cổ hướng hậu là chuyên để cho người phía trước đá…”

    Rồi trỏ vào La Nhân Kiệt đang lóp ngóp bò dậy ở chân cầu thang: “Còn bình sa lạc nhạn thì sư muội xem đó. Có đúng như vậy không?"

    Rồi lại ho rũ đi vì các vết thương trong người lại vỡ miệng, máu tuôn đầm đìa như suối.

    Đến khi La Nhân Kiệt hoàn hồn sau cú đá xốc kiếm cùng đồng bọn chạy lên lầu hỏi có phải anh là Hoa Sơn Lệnh Hồ Xung? Dù đang đứng không vững vì đã kiệt lực, sẽ bị các đối thủ giết bất cứ lúc nào, anh vẫn ngạo mạn: "Những tay cao thủ quý phái thi triển chiêu thí cổ hướng hậu, bình sa lạc nhạn đến các hạ là người thứ ba rồi... Ðừng trách... đừng trách…”

    Rồi lại ho rũ đi.

    Tôi cũng nghe được tiếng cười hào sảng đầy khinh mạn của anh khi trịch thượng gọi lớn trước các địch thủ dùng số đông vây quanh anh “Cẩu hùng dã trư …Thanh Thành tứ thú”

    Bạn biết đấy, Dư Thương Hải rất hãnh diện với bốn đại đệ tử Thanh Thành Tứ Tú - Anh-Hùng-Hào-Kiệt của mình. Là bốn người “xuất chúng ưu tú”, là bốn “tú” của Thanh Thành phái: Hầu Nhân Anh, Hồng Nhân Hùng, Vu Nhân Hào, La Nhân Kiệt. Anh không coi bốn đệ tử kém nhân cách ấy của Dư Thương Hải là cái đinh gì cả. Anh xách mé gọi trệch “tú” thành “thú” và gọi bọn họ là “cẩu hùng dã trư”. Anh “chọc quê” cái đám ấy là chó gấu khỉ heo, và trong bốn người, anh đã đá văng ba người lộn cổ xuống lầu bằng chiêu cước nhanh thần tốc mà anh diễu cợt gọi là “Thí cổ hướng hậu. Bình sa lạc nhạn”.

    Cũng thời gian ấy, lúc tôi đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ, Saigon đang chiếu những cuốn phim quyền cước của Lý Tiểu Long. Anh tài tử Mỹ-Hồng Kông này có những ngọn cước nhanh thần tốc mắt tôi không nhìn kịp. Khi xem những thước phim ấy, tôi nghĩ ngay đến Lệnh Hồ Xung và những cú đá anh dùng để đá lộn nhào các thành viên “cẩu hùng dã trư” của phái Thanh Thành.

    Những trang viết ấy tôi cho là những trang đẹp nhất của Kim Dung trong toàn bộ các tác phẩm của ông. Ông dụng công dàn dựng các tình tiết hùng, bi, tình, oan, oán, lệ… và phóng tay đổ đầy ắp các chất liệu ấy vào những trang mở đầu của bộ truyện. Cái tương phản giữa nét hào sảng của một hán tử coi thường sinh mạng vì sư huynh đệ muội của Lệnh Hồ Xung và nét ngây thơ trong sáng chưa hiểu gì về sóng gió giang hồ của Nghi Lâm làm cho Lệnh Hồ Xung đã đẹp càng đẹp hơn, và Nghi Lâm đã thoát tục lại càng thoát tục thánh thiện hơn trong tấm đạo bào mầu xám đơn giản của cô.

    Tôi dám cá là độc giả khi đọc đến đoạn Điền Bá Quang đồng ý giao hẹn ngồi mà tỷ đấu, ai rời mông khỏi ghế là thua, rồi sau đó Nghi Lâm cứ lần khân không chịu chạy, thế nào cũng la lên: “tiểu ni cô ngu ngốc vớ vẩn này”! Chính Định Dật cũng phải phát cáu nạt Nghi Lâm: “thế thì ngươi phải lập tức chạy ngay, nếu trùng trình lại một chút mà Ðiền Bá Quang giết xong Lệnh Hồ Xung thì ngươi khó lòng thoát tay độc thủ”

    Và đỉnh điểm của những trang viết này chính là lúc Nghi Lâm kể đến cái nhát kiếm tối hậu mà La Nhân Kiệt đâm thẳng vào ngực Lệnh Hồ Xung.

    Vẫn theo lời kể của Nghi Lâm, La Nhân Kiệt quay lại bảo đồng bọn: "Lê sư đệ! Sư đệ đối phó với tiểu ni cô này", rồi phóng kiếm đâm tới tấp vào Lệnh Hồ Xung. Anh miễn cưỡng dùng hết sức tàn hươi kiếm đỡ gạt trong lúc Địa Tuyệt đạo nhân của phái Hành Sơn la lên:” Dừng tay! Dừng tay! Toàn là người nhà cả mà”. Thế nhưng La Nhân Kiệt điềm nhiên phớt lờ tiếng hô hoán của Địa Tuyệt –cũng đang mang trọng thương nằm dưới sàn tửu lâu vì nhát khoái đao chí mạng của Điền Bá Quang- hắn vẫn nhằm vào người Lệnh Hồ Xung đâm chém tới tấp. Anh bị hất văng kiếm và La Nhân Kiệt phóng kiếm dí vào ngực anh cười ngạo mạn: "Ngươi kêu ta gia gia phái Thanh Thành ba tiếng ta sẽ tha mạng cho". Ngay chính lúc thập tử nhất sinh ấy anh vẫn bỡn cợt ngạo nghễ: "Tại hạ kêu rồi, các hạ có truyền cho tại hạ chiêu thức thí cổ hướng hậu, bình sa lạc..." Chưa dứt lời, kiếm của La Nhân Kiệt đã xuyên suốt ngực anh.

    Lúc ấy, Kim Dung đã hạ bút: Cả nhà hoa sảnh lặng im như tờ!


    * * *

    Phần kế tiếp của câu chuyện là Nghi Lâm, một nét tương phản với Lệnh Hồ Xung. Cô được anh cứu nhưng sinh mệnh của cô dường như không còn thuộc về cô nữa sau lần được cứu thoát khỏi tay Điền Bá Quang.

    Sau khi cứu được Nghi Lâm, Lệnh Hồ Xung mang trọng thương rồi bị La Nhân Kiệt đâm một kiếm xuyên suốt ngực tưởng chết. Bấy giờ Nghi Lâm phải cáng đáng chiếu liệu hết mọi chuyện. Việc trước tiên Nghi Lâm làm là ôm thi thể anh bỏ chạy khỏi hiện trường. Cô lúc này thần hồn nát thần tính làm mọi việc chỉ theo phản xạ và bản năng.

    Nghi Lâm ôm thi thể Lệnh Hồ Xung loạng choạng xuống thang lầu, ra khỏi Túy Tiên lâu, lòng hoang mang không hiểu mình ở chỗ nào cứ đi bừa ra cổng thành chạy loạn trên đường cái. Cô cảm thấy Lệnh Hồ Xung lạnh dần trong tay nhưng lòng không thấy bi thương cũng chẳng sầu não. Cô ôm cái thi thể lạnh giá ấy chạy cuồng như người mất hồn cho đến lúc gặp một đầm sen bên đường, hoa sen đua nở cực kỳ tươi đẹp. Rồi cô ngất đi.

    Lúc tỉnh dậy, như một phản xạ, cô quờ tay ôm thì không thấy Lệnh Hồ Xung đâu nữa. Cô tỉnh hẳn đứng phắt dậy chỉ thấy bốn bề im ắng rưng rưng những đóa sen hồng ngơ ngác. Cô chạy quanh không thấy Lệnh Hồ Xung đâu. Bàng hoàng chạy quanh đầm sen tìm kỹ thêm một vòng cũng không thấy. Chỉ thấy sen lãnh đạm nở hồng trên nước tốt tươi. Cô tưởng mình đang mơ nhưng nhìn lại thấy tay và áo tràng vấy máu loang lỗ thì hẳn là không mơ. Cô nhìn áo. Nhìn tay. Lúc ấy mới chợt thấy lòng vỡ òa một nỗi thương tâm vô hạn.

    Và trong mối thương tâm vô hạn ấy cô chợt mơ hồ lóe lên một ý niệm mà cô cảm thấy sợ hãi không dám nghĩ tiếp. Cô miễn cưỡng gạt nó ra khỏi trí óc nhưng thật kỳ lạ, nó cứ len lỏi dai dẳng ám ảnh cô. Cái ý niệm mà cô cho là sư phụ không ưng bồ tát không dung. Cô thấy tâm trí hỗn loạn rồi tựa hồ thấy Lệnh Hồ Xung nhìn cô mỉm cười. Cái cười mỉm thản nhiên như không. Rồi cô lại văng vẳng nghe tiếng anh mắng tiểu ni cô xúi quẩy này! Và đến lúc ấy thì cô không cầm lòng được nữa. Cô bật khóc lòng đau như dao cắt. Tôi nghĩ là ngay lúc ấy, sen trong đầm, và cả muôn vạn đóa sen trong cõi ta bà này cũng bật khóc theo cô.

    Lần thứ hai, cô gái 18 tuổi Nghi Lâm ôm Lệnh Hồ Xung chạy muôn dặm trường từ Quần Ngọc viện trong lúc bốn mặt tiếng gà xao xác gáy mau, rồi ra đến ngoại thành Hành Sơn lúc vừa tờ mờ sáng. Lần này cô biết Lệnh Hồ Xung không chết, chỉ mang thương tích trầm trọng. Cô lấy chiếc chăn đơn quấn người anh rồi ôm xốc lấy chạy lẹ ra khỏi kỷ viện, cô nghe tiếng chó sủa bốn mặt và tiếng bọn người phái Thanh Thành đang lùng xục kiếm Lệnh Hồ Xung. Cô chạy đến cổng thành lúc trời còn nhá nhem chưa rõ mặt người, vượt qua những nông dân từ ngoại ô gánh rau dưa vào thành bán. Cắm đầu chạy lướt qua đám lương nông và lính gác thành, rồi chạy bừa tiếp thêm bảy tám dặm nữa đến một khu hoang sơn dã lĩnh đá núi ngổn ngang. Mãi đến lúc này cô mới định thần nhìn xuống tay ôm. Thấy anh đã tỉnh mặt có nét cười thì lòng bối rối run lên sẩy tay đánh rớt anh xuống đất.

    Và lần này, thay vì bị dằng xé bởi một ý niệm mơ hồ, cô bị dằng xé bởi một chuyện rất cụ thể, chuyện Lệnh Hồ Xung bị chết khát và chuyện hái trộm chỉ một trái dưa.

    Cô đứng giữa ruộng dưa trái chín lúc lỉu bốn bề không bóng người, lòng dằng co Lệnh Hồ Xung mất máu nhiều khát nước cần dưa, nhưng dưa ấy là vật có chủ sao dám tự tiện lấy của người. Cô gắng đi thêm hơn dặm nữa đứng trên gò cao dõi mắt nhìn bốn mặt vẫn không thấy ai cũng chẳng thấy một mái nhà nào của nông dân. Bước xuống ruộng dưa đưa tay toan ngắt thì lại giật mình rụt tay về vì nghĩ đến thanh qui giới luật sư phụ dạy. Muốn bỏ đi thì đầu óc lại hiện lên nét mặt tiêu điều vì khát của Lệnh Hồ Xung. Cứ dùng dằng như thế rất lâu, cuối cùng cô đành nghiến răng, nước mắt ràn rụa xin phật tổ phạt chỉ mình cô vĩnh viễn chịu kiếp luân hồi vì cô mới là người hái dưa.

    Cô ôm dưa hái trộm bỏ trong vạt áo đem về, Lệnh Hồ Xung thản nhiên ăn dưa nào biết cô đã phải trải qua nhiều trận bão lòng để có được trái dưa ấy.

    Lần này cô ngồi với Lệnh Hồ Xung ở giữa vùng dã thảo hoang sơn trong tiếng ve kêu rền rỉ. Vậy là đang mùa hè. Bởi mấy hôm trước cô ôm Lệnh Hồ Xung -tưởng đã chết- đến bên một đầm sen đầy những đóa đua nở tươi tốt. Tôi phải ngừng để mở một dấu ngoặc ở đây. Hoa sen nở trong mùa hè dù có ở tận đất Việt phương nam hay ở chân núi Hành Sơn tỉnh Hồ Nam phía bắc. Và tôi nhớ mãi mùa hè năm ấy khi tôi được lơi lỏng sách đèn lười biếng nằm đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ…

    Ở giữa chốn hoang sơn u tịch ấy chỉ có cô và Lệnh Hồ Xung. Anh thì vô tư mà cô thì lòng đã chớm mối thiện cảm đặc biệt với những ý niệm mơ hồ khiến cô sợ hãi tránh né. Mà dù có tránh né thế nào thì Lệnh Hồ Xung cũng chiếm trọn tâm trí cô sư nữ ngây thơ ấy. Cô vô tình đụng phải ánh mắt Lệnh Hồ Xung, lập tức đỏ mặt mắc cỡ quay lưng đi. Cô nghe Lệnh Hồ Xung buột miệng khen “Hay quá” lại càng mắc cỡ muốn chui xuống đất trốn, rồi chợt thất vọng vì hiểu ra anh khen cầu vồng đẹp chứ không phải khen cô.

    Rồi khi cùng anh đến bên thác nước, nghe anh nhắc chuyện cùng Nhạc Linh San luyện kiếm ở Hoa Sơn thì tim cô se lại tựa hồ bị đánh một đòn nặng. Và cô hờn mát hỏi lại có phải anh có nhiều tiểu sư muội lắm phải không. Cô đang ghen mà không tự biết đấy thôi.

    * * *

    Sau lần hái trộm dưa ấy cô trở về Hằng Sơn. Trở về với nếp sống tu trì nhiệm nhặt như 18 năm trước. Thế nhưng tội nghiệp cô, cuộc sống của cô vĩnh viễn không còn bình yên như trước. Cô về chùa Hằng Sơn trên ngọn Kiến Tính, một ngọn cô sơn mây phủ chỉ dành cho những người có nếp sống thanh tịnh xa vòng tục lụy như sư phụ và các sư tỷ muội của cô. Và cả cô nữa, như đã từng suốt 18 năm nay.

    Kim Dung bảo là am chính chùa Hằng Sơn –tức là Vô Sắc am của chưởng môn Định Nhàn- ở trên ngọn Kiến Tính. Không rõ sư tỷ của chưởng môn là Định Tĩnh có am nào không. Nhưng sư muội Định Dật –tức là sư phụ Nghi Lâm- thì ở Bạch Vân am. Vậy núi Kiến Tính là nơi quần đệ tử Hằng Sơn cư ngụ. Cách đó vài chục dặm là hang Thông Nguyên, nơi Nghi Thanh Nghi Hòa cho lập Hằng Sơn biệt viện để bọn hào sĩ Tổ Thiên Thu, Kế Vô Thi ở tạm từ lúc theo chân Lệnh Hồ Xung, từ núi Ngũ Đài cứu Doanh Doanh, trở về Hằng Sơn..



    Vẫn theo Kim Dung thì Huyền Không tự ở lưng chừng vách núi Thúy Bình Sơn phía đối diện với ngọn Kiến Tính. Từ Vô Sắc am ở ngọn Kiến Tính muốn qua Huyền Không tự phải đi xuống chân núi Kiến Tính rồi qua của Từ Diêu đi đến chân núi Thúy Bình, rồi phải “thi triển khinh công thượng thặng” theo vách núi Thúy Bình để lên chùa Huyền Không. Và chùa Huyên Không là một kiến trúc gồm “hai tòa lâu các cao chót vót trên đỉnh núi”. Giữa hai tòa lâu cách nhau chừng mấy chục thước được nối vào nhau bằng một cây cầu treo lơ lửng, một đầu là Linh Qui các, đầu kia cầu treo là Thần Xà các.

    Trong truyện, bộ ba Lệnh Hồ Xung, Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng từ Vô Sắc am cùng qua đây thương nghị kế sách ở Linh Qui Các rồi bị bọn Giả Bố và Thượng Quan Vân cho cung tiễn thủ mai phục ở cây cầu treo này. Linh Qui các cũng là nơi Lệnh Hồ Xung bị Á bà bà –mẹ ruột Nghi Lâm- bắt cạo đầu làm sư và cưỡng bách cưới Nghi Lâm.

    Có lẽ núi Kiến Tính, hang Thông Nguyên, Vô Sắc am, Bạch Vân am là do Kim Dung hư cấu thêm. Người ta vẫn gọi hai vách núi đối mặt nhau ấy là Thúy Bình Sơn và ngọn cao nhất trong dãy Hằng Sơn ấy là Thiên Phong lĩnh, theo tương truyền là nơi Trương Quả Lão của nhóm bát tiên cư ngụ. Và Huyền Không tự -theo Kim Dung- chỉ là hai tòa lâu ở đỉnh núi nối với nhau bằng chiếc cầu treo. Thực ra Huyền Không tự là một quần thể gồm 40 gian tự viện được “khảm” vào vách ở lưng chừng vách núi Thúy Bình Sơn, các tự viện này được nối với nhau bằng một số cầu treo, thang gỗ xếp theo kiểu hành lang gấp khúc và các bậc đá đẽo vào vách núi.

    Lễ tiếp nhiệm chức chưởng môn phái Hằng Sơn diễn ra ở Vô Sắc am trên ngọn Kiến Tính, Kim Dung đã mô tả chùa Huyền Không là dưới ngọn núi này bên cửa Từ Diêu có ngọn Thúy Bình Sơn. Vách núi dựng đứng, nhẵn bóng như gương. Trên núi có chùa Huyền Không. Lệnh Hồ Xung đã đưa Xung Hư đạo trưởng và Phương Chứng đại sư từ ngọn Kiến Tính qua ngọn Thúy Bình để thương nghị kế sách chống lại âm mưu sáp nhập ngũ nhạc kiếm phái của Tả Lãnh Thiền.

    Đó là nơi Nghi Lâm trở lại. Là chùa Hằng Sơn sau một lần theo chân sư phụ và các sư tỷ xuống núi dự lễ rửa tay gác kiếm của Lưu Chính Phong phái Hành Sơn.

    Tội nghiệp Nghi Lâm, từ một sư nữ chỉ biết kinh kệ và các sư tỷ muội chung quanh, cô xuống núi lần đầu và trải nghiệm vị yêu, sắc giới đầu tiên sư phụ dạy phải tránh. Cô tránh không được. Và cô tuyệt vọng trì tụng phật tổ xá tội.

    Kim Dung quả rất ác với Nghi Lâm. Ông bắt một cô sư nữ trong trắng không hiểu sự đời phải liên lục chịu những cảnh éo le nằm chung giường trong kỷ viện với một chàng trai, nhiều lần ôm chàng trai ấy chạy trên đường vắng. Rồi không cho cô tự nhiên yêu vì trót vướng lời thề với phật tổ, thân gửi chốn không môn, làm cô phải tiều tụy hao mòn vì những dằng xé khiến tim cô như rũ liệt.

    * * *



    Trên núi Hằng Sơn, chùa Huyền Không vẫn được khảm chặt vào vách núi từ hơn 14 thế kỷ nay. Núi có trắc bá, bách, dương, tùng, du, thông và những cây táo gai mọc hoang dại ở những vách núi trơ trọi. Đỉnh núi vẫn trổ đầy hoa Tử Đinh Hương thơm ngát vào tháng sáu mỗi năm. Tôi không biết Nghi Lâm có nhìn mầu tím bạt ngàn trên đỉnh khi tử đinh hương nở rộ vào mùa hè hay không? Hẳn là vào mùa hè năm sau khi nhìn mầu tím bâng khuâng của Tử Đinh Hương nở tràn trên núi, cô sẽ nhớ đến sen hồng ngào ngạt của hè năm trước lúc cô ôm thi thể Lệnh Hồ Xung chạy đến bên đầm rồi ngất đi. Cô hẳn nhớ cái cảm giác lúc tỉnh dậy chỉ thấy sen đua nở mà không thấy người đâu nữa. Và cho tới mùa hè này thì cô đã biết Lệnh Hồ đại ca của cô đã có Nhậm đại tiểu thư ở trong lòng. Cô thủy chung chỉ là kẻ đứng ngoài với mối tình đơn phương và lòng sầu muộn héo hắt. Thế nhưng cô vẫn độ lượng hằng đêm khẩn cầu bồ tát cho Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh nên duyên giai ngẫu.

    Và lúc đọc đến đoạn Nghi Lâm thổ lộ mối ẩn tình cho Á bà bà, và nghe cô gọi tên Lệnh Hồ Xung thành tiếng cho vơi nỗi sầu, tôi buông sách thẫn thờ…

    Ngọn Kiến Tính là nơi Nghi Lâm quay về với hình bóng Lệnh Hồ Xung trong tâm tưởng. Cô trở về và trở thành một con người khác, không còn vô tư hồn nhiên như Nghi Lâm thuở xưa. Ngày qua ngày lòng cô héo hắt vì nhớ Lệnh Hồ Xung, ngủ cũng mơ thấy anh ta. Cô nhớ đến những lần ôm anh ta mà chạy thục mạng ra khỏi Túy Tiên lâu đến bên một đầm sen, từ Quần Ngọc viện ra cổng thành Hành Sơn, rồi chạy tiếp vào chốn hoang sơn. Lòng ấm áp khi nhớ lại những lần cùng Lệnh Hồ Xung trò chuyện. Cô còn nhớ cả chuyện phải cùng chung giường đắp chung chăn với anh trong lúc trốn đám đệ tử Thanh Thành xục tìm. Lòng cô ôm khối tình sầu vô lượng dày vò tâm can. Và cô kể hết nỗi lòng của cô cho Á bà bà nghe -bởi cô tưởng bà vừa câm vừa điếc- để được vơi đi, để trút bớt những phiền não vì thương nhớ. Cô phải gọi thành tiếng “Lệnh Hồ đại ca” mới thấy nỗi u uất trong lòng vơi đi vài phần và tâm thần cảm thấy nhẹ nhàng đôi chút.

    Tội nghiệp cô. Hằng đêm cô trì tụng xin phật tổ xá tội vì tâm không thanh tịnh, đồng thời lại khẩn cầu quan âm bồ tát giúp “Lệnh Hồ đại ca” tai qua nạn khỏi. Cô đã đọc biết bao nhiêu lần kinh Quán Thế Âm cầu bình yên cho Lệnh Hồ đại ca của cô? Và cô có hiểu ra điều nghịch lý khi cùng lúc cầu phật tổ xá tội vì tâm không tịnh và những xao động khi trì tụng kinh Quán thế âm hay không? Vì sao khi mở kinh phật thì thấp thoáng bóng Lệnh Hồ Xung giữa những trang kinh. Gõ mõ tụng niệm thì trong tiếng kinh kệ văng vẳng tiếng cười của Lệnh Hồ Xung và tiếng anh mắng tiểu ni cô xúi quẩy? Tội nghiệp Nghi Lâm lòng như gió bãi trăng ngàn.

    Bọn sư tỷ đã lớn tuổi như Nghi Thanh Nghi Hòa thì biết cô mang trong lòng hình bóng Lệnh Hồ Xung nhưng chỉ thở dài quay lưng nhắm mắt làm như không biết, bọn họ chỉ đôn đốc cô chú tâm luyện tập với hy vọng kiếm pháp cô tinh tiến để đặt chức chưởng môn lên vai cô khi Lệnh Hồ Xung bỏ đi, và cũng để khiến cô vì tập trung luyện kiếm mà vơi bớt những tâm sự trong lòng.

    Tôi nghe tiếng Nghi Lâm dóng chuông gõ mõ nhưng sầu không vơi. Kinh kệ không làm hồn cô thanh tĩnh chỉ như thêm muộn phiền. Tiếng chuông như gọi vào sâu lắng tịch mịch hoang sơn đem thêm mối sầu về.

    Những đêm hè trời trong nhấp nhánh sao, Nghi Lâm có nhớ đêm cô và Lệnh Hồ Xung đang ẩn trong rừng bên suối giữa đám loạn thạch trị thương. Cô có nhớ lời ước nguyện của cô ngày đó? Và điều cô ước có được bồ tát thành toàn cho không? Đêm hôm ấy, Nghi Lâm nhìn sao băng lóe lên giữa trời khuya, cô vội vã tháo và cột lại dải áo với lời ước nguyện, để rồi hoảng sợ cầu Bồ Tát xá tội cho chính lời ước vừa nguyện của cô.

    Chuông khuya trên ngàn thước cao, vượt lên cao nữa thêm ngàn thước mây, từ Bạch Vân am trắng mộng, từ Hằng sơn vọng về Hoa Sơn ngàn dặm thiên lý. Chuông có đủ âm lượng vượt thiên lý ngàn dặm đến tận Hoa Sơn. Hay khánh âm chỉ vừa đủ lượng gõ vào vách núi Hằng Sơn động đến vết thương của lòng. Làm sao cho lòng thanh tĩnh hết vướng lụy phiền khi tâm còn động. Khi lòng còn vương. Hỡi Nghi Lâm?

    Trên ngọn cô sơn hàng ngàn thước cao, chừng như với tay là chạm đến trời, cô có hái được vì sao ước nguyện hay không? Hay chỉ hái đủ vừa vô vàn trái sầu vô lượng? Tội nghiệp Nghi Lâm.Tiếng chuông khuya của cô sư nữ không xua được khối sầu mênh mang mang về an tĩnh mà mang về bao nhiêu là sầu muộn giữa khuya khuắt tịch mịch cô sơn. Cô một mình ôm khối tình thầm lặng với tiếng chuông khuya vẳng vào lòng đêm cô tịch dắt mối sầu về. Chuông dội vào bằn bặt vách núi Thúy Bình khuya khoắt, vọng lại tiếng lòng tha thiết của một ẩn tình thầm lặng oan khiên. Tim héo hắt. Mắt đẫm lệ rớt nhòe trang kinh.


    Mai Xuân Vỹ
    18/07/2018



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X