Thông báo

Collapse
No announcement yet.

HAI NGƯỜI BẠN GIÀ và CÂY MAI CHẾT HAI LẦN

Collapse
X

HAI NGƯỜI BẠN GIÀ và CÂY MAI CHẾT HAI LẦN

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • HAI NGƯỜI BẠN GIÀ và CÂY MAI CHẾT HAI LẦN

    HAI NGƯỜI BẠN GIÀ và CÂY MAI CHẾT HAI LẦN hay TÌNH MAI


    Lê Khánh Long
    (Kính gửi linh hồn Ba và Bác Sáu)

    Con hẻm trông sáng sủa và khá sạch dù phía đầu hẻm vào buổi sáng, những hàng bán thức ăn nhiều san sát bên nhau. Căn nhà nằm vào khoảng giữa có vuông sân là nơi tụ tập nhiều sinh hoạt của xóm. Ở sát cửa sổ, sân được lát gạch bông xen kẽ hai màu trắng xanh bề ngang một mét hai.

    Từ đó ra tới cửa rào được lát gạch tàu vuông vuông màu đỏ. Chung quanh kê sát tường rào thấp là những chậu mai, hai cây hoa mộc lan mọc sánh đôi và ở góc phía ngoài là gốc sứ to cao. Căn nhà hướng về phía tây nhưng nhờ những nhà đối diện và những cây mận, cây mít chắn bớt nắng nên vào buổi chiều cũng không nóng lắm. Vào khoảng xế, ánh nắng muộn rớt trên tường còn làm cho khoảng sân dường như sáng hơn.


    Cứ vào tầm khoảng 3 giờ chiều, không chú Quân ở xóm Bên thì cũng là anh Trung hay A Bi ở xóm Trong hay chú Năm ở xóm Sau tới gõ cạch cạch ở cái cửa sắt rồi gọi:” Bác Bảy ơi!” Ông Bảy đang nằm nghỉ trưa trên chiếc ghế dài đan bằng những sợi nhựa kiểu ca rô cũng có màu trắng và xanh, trở người dậy rồi vói tay lấy trên đầu tủ chiếc hộp đựng mấy quân cờ tướng, lôi chiếc bàn cờ để ở kẹt cửa rồi bước ra sân đón tiếp bạn cờ. A Bi thì đặc biệt hơn, anh xô cửa bước thẳng vào nhà cho ông Bảy thấy mặt luôn vì anh bị câm. Buổi sinh hoạt chiều của cái xóm nhỏ đó thường bắt đầu như vậy.

    ***

    Ông Sáu Thế thọc hai tay vào hai chiếc túi của chiếc áo màu xanh may kiểu kaki 3 túi trông rất hạp với tướng tá dềnh dàng của ông, rồi lửng thửng bước ra khỏi nhà. Ông bước tới gần bờ tường rào nhà bà Hai kế bên nhà ông Bảy rồi kiễng chân ghé đít ngồi lên. Đây là chỗ ngồi quen thuộc của ông, nơi ông có thể nhìn tất cả mọi sinh hoạt trong xóm. Những người đàn ông đang đánh cờ trong sân nhà ông Bảy; những xe bán hàng rong với tiếng rao rộn rã; những người hàng xóm thức dậy sau giấc ngủ trưa bước ra gặp mặt và lên tiếng chào hỏi; những đứa trẻ chạy chơi với nhau lăng quăng khiến những người chạy xe máy trong hẻm phải chạy chậm hoặc dừng lại để tránh chúng. Có đứa mải chạy chơi va vào xe mà người lái đã dừng lại. Nó la lên:”Xí” khi bị bạn chơi ôm lại trong khi ông Thế kêu lên:”U ọa! Chết mày nghe con!” Mấy đứa nhỏ như không nghe người lớn rầy lại tiếp tục chạy chơi và người lái xe nhìn ông Sáu cười độ lượng rồi chạy xe đi khỏi. Chú Thanh thợ may, nhà đối diện với nhà ông Bảy, ở trong bước ra góp chuyện. Tiếng ồn ào huyên náo kéo dài đến xẫm tối khi những đứa trẻ bị kêu về tắm hoặc ăn cơm.

    Nhường bàn lại cho người khác, ông Bảy đứng dậy bước ra nói chuyện với ông Sáu. Hai ông là những người đầu tiên đến làm nhà và sinh sống ở khu vực này khi nơi đây còn là những bãi đất hoang vắng đầy rác rưởi và những vũng đọng nước của những năm 1940 – 50 của thế kỷ trước và là bạn nhau từ khi ấy. Ông Bảy dáng người gầy, trắng trẻo, dong dỏng cao và trông trí thức với đôi kính trắng. Cũng đúng thôi! Ông học trường Tây và từng làm cho hãng của người Pháp. Còn ông Sáu thì người mập mạp, cục mịch, da nâu xẫm. Ông có gương mặt bự với cặp môi dầy. Ông chính hiệu là người lao động tay chân. Đến tuổi về hưu, hai ông càng thân nhau hơn và hai gia đình cũng rất thân thiện. Có lần cả nhà ông Bảy xớn xác đi tìm đứa con gái út tám tuổi chạy chơi đâu từ chiều mà tới giờ cơm vẫn chưa thấy về. Cả nhà ông Sáu cũng hè nhau đi kiếm phụ khắp các xóm trong ngoài. Cuối cùng, cả hai nhà phát hiện ra cô bé đang nằm ngủ ngon lành ở góc một chiếc giường trong nhà ông Sáu. Vừa lo, vừa mệt nhưng thấy lại con ông Bảy mừng rỡ, nhìn bạn, lắc đầu rồi nhẹ nhàng lòn tay ẵm con về. Còn ông Sáu lại nói đệm chữ quen thuộc:”U ọa! Ai dè nó ngủ ngay trong nhà tui.”

    Ông Sáu nói với ông Bảy:

    – Ăn cơm xong rồi mình đi coi chợ bông nghe Thầy Bảy.

    Ông thường gọi người hàng xóm trí thức của mình là Thầy Bảy. Ông Bảy như xực nhớ:

    – Bữa nay bao nhiêu rồi anh Sáu. Hình như hăm lăm, hăm sáu gì rồi phải không? Chà! Bông xuống nhiều rồi lắm à nghen.
    – Đi há Thầy Bảy?

    – Ừ! Ăn cơm xong anh ra gọi tui nghen.

    Hai người bạn già chia tay để chuẩn bị cho buổi dạo chợ ngắm hoa tết.

    ***
    Sáng hôm sau, hai người bạn già lại hẹn nhau đi ăn sáng, uống cà phê và dạo chợ bông buổi sáng. Những chậu hoa mùa xuân dường như khiến họ khỏe khoắn hơn, cứ hẹn nhau đi ngắm hết buổi sáng lại hẹn buổi tối nhưng chẳng thấy hai ông mua gì.
    Hôm nay đã là ngày 29 âm lịch, đi ngắm bông buổi sáng về, ông Bảy rủ bạn vào sân ngồi uống nước và trò chuyện tiếp. Câu chuyện vẫn là những chậu bông tết, ông Bảy nói:

    – Cây mai đẹp quá hả anh Sáu?

    Ông Sáu gật đầu, ông Bảy nói tiếp:

    – Sao không thấy ai mua?

    Ông Sáu tằng hắng giọng rồi nói:

    – Thầy Bảy biết sao không?

    – Sao anh?

    – Cây mai đó đã bị cắt một lần.

    – Ờ! Ờ! Anh nói tui mới nhớ. Cái thân chính của nó đã bị cưa một lần. Chắc hồi còn nhỏ bị cắt để chưng bình. Hèn gì. Mà bông của nó là loại tám cánh hay mười cánh đó nghe anh Sáu. Nụ quá trời!

    – U ọa! Cánh bông dầy lớp lớp. Đẹp thiệt! Uổng thiệt!

    – Sao lại uổng?

    – Nó mà không bị cưa một lần thì có giá lắm nghe chứ đâu có mấy ngày mà hổng ai mua.

    – Nhờ vậy anh em mình mới được ngắm nó đó chớ.

    Ông Bảy chợt cười ha hả:

    – Anh thấy thằng cha bán bông không? Nó thấy tui với anh ngày nào cũng tới hàng nó ngắm bông mà đặc biệt là ngắm cái cây mai đó, nó cứ mời hoài. Cây mai cả trăm ngàn đồng, tụi già mình làm gì có tiền mà mua.

    – U ọa! Thây kệ nó. Sáng mai cũng còn chợ mình ra ngắm lần nữa. Tui dzìa đây Thầy Bảy.

    Ông Bảy tiễn bạn rồi bước tới ngắm nghía mấy cây mai trong sân nhà. Những cây mai được tuốt lá từ bữa rằm đến nay đã trổ nhiều nụ, nhiều chiếc to mập chắc sẽ nở kịp vào đêm giao thừa hay sáng mùng một. Những chiếc lá non màu xanh ngọc pha màu nâu nhạt trông thật dễ thương.


    ***

    Sáng sớm mùng 2 ông Sáu dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà. Ở vào tuổi 70, ông vẫn còn chạy được xe đạp đi dạo, đi công chuyện khắp nơi. Nhưng chẳng bao lâu sau ông đã quay trở về xóm, dừng lại trước nhà ông Bảy rồi không kiêng cử ngày tết ngày nhất gì cả gọi hối hả:

    – Thầy Bảy! Thầy Bảy!

    Ông Bảy đang ngồi ở bộ ghế salon thưởng thức ly trà thơm với mấy hạt mứt sen, vội ngẩng đầu nhìn ra sân rồi cũng bước vội ra ngoài:

    – Chuyện gì đó anh Sáu? Dzô nhà uống miếng trà

    Ông Sáu đưa tay lên như từ chối rồi nói vội. Vì vội vàng hai chiếc môi dầy của ông lập cập bập vào nhau. Ông nói như cà lăm:

    – Cái... cây mai tụi nó bỏ... ở ngoài đống rác chợ đó Thầy Bảy. Tui thấy nó đứng chơ vơ... Từ bữa ba mươi tới giờ xe rác không làm việc thành ra nó còn đó. Mình... ra khiêng nó về đi Thầy Bảy.

    Ông Bảy tự dưng cuống lên, trở bộ tới lui mấy lần. Mấy bữa nay, hễ ra sân ngắm mai nhà là ông nhớ tới cây mai đã bị cắt gốc một lần, nụ nở đầy cây mà không bán được. Cứ như đứa con gái rất xinh đẹp bị một cái khuyết tật nên không ai muốn cưới. Mà mấy cái cành mọc sau này cũng rất xum xuê như muốn ôm lại, muốn che dấu chỗ bị cưa cắt. Rồi lại bông rất nhiều rất đẹp nữa chứ như muốn chứng minh nó cũng muốn làm đẹp cho cuộc đời. Con người ta nhiều khi xăm xoi kỹ quá những khuyết tật nhỏ mà quên đi cái đẹp quý giá lớn lao khác. À! Mà nhờ vậy, biết đâu ông có duyên với cây mai này. Ông nói:

    – Anh chờ tui thay bộ đồ nghe anh Sáu.

    Ông Sáu ờ một tiếng rồi quay đầu chiếc xe đạp ra phía hẻm ngoài như sẵn sàng đi. Ông Bảy bước ra phía ngoài, ngoái tay khép cánh cửa lại rồi hai người bạn già, người dắt chiếc xe đạp, người đi bộ tất tả đi.

    Một lúc sau, mọi người trong xóm thấy hai ông già, người thì nắm chặt chiếc ghi đông xe đạp dắt đi, mặt ướt đẫm mồ hôi đang chảy thành giọt nhễ nhại, người thì khệ nệ vịn một cây mai đang để trên chiếc poọc ba ga phía sau bước theo cũng đang thở dốc. Chiếc giỏ đan bằng tre bọc phần đất rễ của cây đã rách bươm. Cây mai như bị phơi nắng mấy ngày trông xác xơ, những chiếc nụ còn xót lại đã héo rũ, đong đưa theo nhịp đẩy xe của hai ông già.

    Đến trước nhà ông Bảy, ông Sáu dừng xe lại, đưa chân gạt chiếc chống ngang rồi phụ ông Bảy khiêng cây mai vào và bỏ xuống nền sân. Hai ông thở dốc nhìn nhau. Ông Bảy kêu con lấy nước uống rồi nói với ông Sáu:

    – Liệu nó còn sống không anh Sáu? Hoa lá của nó rũ rụng hết rồi.

    – Không sao đâu anh. Còn cái bọc đất rễ là nó còn sống. Chừng nào rễ của nó bị khô nó mới chết. Anh trồng nó vô đâu?

    – Cái chậu bự này nè anh. Mình bỏ vô rồi tưới nước liền cho nó nghe anh.

    Nhờ hai ông già, cây mai dường như số phận đã chết giữa đường phố, giữa đống rác ngay giữa mùa xuân mà nó là hiện thân đã sống lại. Với hai đôi bàn tay già nua và những những gáo nước, chỉ sau một đêm, sáng hôm sau cây mai trông đã tươi tắn hơn. Ông Bảy chỉ cho ông Sáu coi những chiếc nụ đã cứng cáp lại và những chùm nụ nhỏ khác vừa tách khỏi lớp vỏ khoe màu xanh tươi.

    – U ọa! Cây mai này mạnh thiệt nghe Thầy Bảy.

    – Nó sống lại là nhờ anh đó nghe anh Sáu.

    – Nhờ Thầy nữa chớ. Thầy tưới nước cho nó.

    – Ờ! Anh biết hôn, suốt đêm tui mong trời sáng để ra coi nó sống chết ra sao.

    Như tạ ơn ân nhân cứu mình, mùng mười tết cây mai nở thêm một đợt hoa vàng tươi rực rỡ làm sáng một góc sân. Mọi người ngắm bông nở từ cây mai bị liệng bỏ đều khen ngợi ông Sáu, ông Bảy. Ông Bảy cười thâm thúy:”Nó có duyên với tui đó đa.”

    Trong suốt mười năm sau đó, mỗi độ xuân về cây mai đều cho rất nhiều nụ và những đóa hoa to mười cánh nở sáng sân vườn nhà ông Bảy khiến ai đi ngang nhà cũng đều dừng chân ngắm rồi trầm trồ khen.


    ***

    Đã vào những tháng cuối năm, Sàigòn cũng có vài ngày mang âm hưởng của mùa thu heo may. Những ngày đó, gió nhiều hơn và khí trời nghe lành lạnh. Bước vào tuổi tám mươi, ông Sáu và ông Bảy chỉ thỉnh thoảng mới cùng nhau đi ăn điểm tâm, uống cà phê bên ngoài. Những cơn đau yếu của tuổi già khiến hai ông phải ở nhà. Đáp lại những lời vừa hỏi thăm vừa trêu ghẹo của con cháu ông Bảy, ông Sáu cười khổ. Cái miệng với hai chiếc môi dầy và hai hàm răng đã rụng gần hết móm mém. Ông nói:

    – Cái máy nó lão nhược hết rồi con à!

    Đặc biệt năm đó, trên thân cây mai bỗng có sâu. Những con sâu, xanh xanh, vàng vàng bò khắp cành ngoạm ăn sạch những chiếc lá khiến cây nhìn xác xơ bệnh hoạn. Cuối năm đó, Ông Sáu qua đời. Ông Bảy buồn thương nhớ bạn. Giờ chỉ còn riêng mình ông ngắm cây mai. Nhớ bữa trước ghé thăm bạn, ông nói điều lạ là cây mai cũng bị bịnh, sâu cắn phá tùm lum. Ông Sáu với gương mặt giờ thất sắc nói phều phào như hụt hơi:

    – Thầy Bảy biết hôn... cây mai là loại cây có tình cảm đó thầy.

    – Anh nói phải. Mình cứu nó, chăm sóc nó, giờ mình bịnh nó cũng bịnh theo. Cái đó mình gọi là Tình Mai cũng được hả anh.

    Suốt năm, cây mai trông bình thường như mọi cái cây khác, chỉ khi gió heo may cuối năm chuyển mình báo hiệu mùa xuân sắp về, cây mai mới gom hết sức lực để đơm nụ, nở hoa. Rằm tháng chạp năm nay, ông Bảy phải khoác thêm chiếc áo dầy khi bước ra sân tuốt lá mai. Chỉ riêng lá cây mai được ông cứu sống là vàng úa, bị sâu ăn rách nát. Ông lắt từng chiếc lá và thì thầm lời an ủi. Như nghe lời ông, tết năm đó cây mai cũng cho ông nhiều nụ nhưng so ra vẫn ít hơn những năm trước.

    Ông Bảy cũng không khỏe được bao lâu. Vào giữa năm sau, bác sĩ bảo ông bị một chứng nan y và ông cũng đã rũ bỏ cuộc đời ra đi theo người bạn già trước khi kịp nhìn thấy mùa xuân tới. Năm đó, cây mai cũng bị những đám sâu hành hạ, trông xác xơ hơn cả năm trước.

    Mùa xuân đến, cây mai với chiếc gốc bị cưa cắt, không ai mua, bị vứt bỏ giữa đống rác và được hai ông già cứu sống đem về trồng lại đã không đơm chiếc nụ hoa nào cho đời. Vĩnh viễn!

    Lê Khánh Long

    (nguồn: T. Vấn & Bạn Hữu)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 02-20-2021, 09:49 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X