Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bắc Kỳ Di Cư Ăn Cá Rô Cây

Collapse
X

Bắc Kỳ Di Cư Ăn Cá Rô Cây

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bắc Kỳ Di Cư Ăn Cá Rô Cây

    Tui là dân Nam Kỳ, 100% giá sống nhưng những người bạn thân của tui từ khi còn ở Việt Nam cho đến bây giờ đều là người Bắc. Ngay cả người bạn gái mà tui yêu mến nhất lúc ở VN cũng là người Bắc.

    Tôi đã gặp nhiều người Nam mà "nổ" còn hơn pháo Tết đốt múa Lân, chắc đẻ ở kho đạn Long Bình? Mấy thằng người Nam này "bán Trời, không mời Thiên Lôi...", nói trời nói đất, xạo ơi là xạo!


    Ai tử tế, dể thương, biết điều thì chơi, không care Nam Bắc Trung gì hết ráo...!

    Kiếp sau ta trốn vô rừng,
    Chơi toàn với khỉ, lại mừng khỏi lo... bị xạo!
    ______________________

    Bắc Kỳ Di Cư Ăn Cá Rô Cây
    Chu Tất Tiến


    Năm ấy tôi hơn 10 tuổi, đang học lớp Nhì trường Ngô Quyền, Hải Phòng. Môt hôm, me tôi bảo:
    - Con vào trường xin phép Thầy cho con đi di cư.

    Tôi lẳng lặng tuân theo, vì hai tiếng “di cư” đã xôn xao từ lâu trong xóm rồi. Các cậu tôi ở đâu mà tôi không từng biết cũng đột nhiên xuất hiện đầy nhà tôi, nói chuyện, hút thuốc lào, nhả khói ngập phòng. Tối đến thì nằm tràn lan dưới đất. Cả nhà có một cái quạt máy cũ, các cậu chiếm luôn để ngay đầu mình nằm, có lẽ để che tiếng ngáy của các cậu, y hệt tiếng bánh xe lửa, “kẹt, kẹt, hú.. hú.. kẹt, kẹt…”

    Khi tôi đến lớp học, môt không khí buồn thảm đã chăng đầy làm cho những thằng quậy nhất lớp cũng im lặng. Tôi tiến lên bàn thầy, khoanh tay, cúi đầu:
    -Thưa Thầy, con xin phép Thầy cho con nghỉ học. Con đi di cư.

    Thầy ngước cặp mắt kính dầy như cái đít chai, nhìn tôi, hiền từ:
    - Ừ! Thì con đi nhé.

    Tôi quay trở lại bàn, lục trong cặp ra lấy hết những cái hình Tạc Dăng mà tôi cắt trong sách báo, với một bó dây cao su và mấy viên bi ve khổng lồ, mầu xanh biếc, to bằng ngón chân cái mà tôi quý lắm, đưa hết cho thằng Thắng, bạn thân nhất của tôi. Nó im lặng, chẳng nói gì, buồn buồn nhìn tôi. Hai đứa lặng lẽ chia tay. Tôi đi xuống thang mà lòng như rỗng hẳn đi.

    Về đến nhà, me tôi bảo:
    - Con đi đằng này với me.

    Tôi gật đầu ngay. Me tôi dẫn tôi đi ra các phố xem thiên hạ nhộn nhịp chuẩn bị di cư. Trên các vỉa hè, người ta bán tống bán tháo mọi thứ cho nhẹ người mà đi. Đồng hồ đứng, đồng hồ bàn, ghế, bàn, lồng chim, quần áo, chai lọ, tranh ảnh, sách vở..đủ thứ lỉnh kỉnh. Tiếng người ồn ào, gay gắt. Những người không đi di cư thì hoặc đứng hoặc ngồi bệt xuống đất mà trả giá rồi khệ nệ ôm ôm, xách xách, kéo lê đồ mới mua được về nhà. Kẻ bán xong được thì phủi đít đứng dậy, vừa thở dài vừa mừng. Nhưng có một điều ai cũng giống ai là khuôn mặt mọi người đều mang một vẻ ưu tư, trầm uất, không thấy có môt nụ cười nào tươi nở, ngay cả những cô thiếu nữ trong chiếc áo dài trịnh trọng, thường ngày vui tươi, hớn hở, mà nay cũng đăm chiêu như các cụ già. Mấy thằng bé trạc tuổi tôi, vẫn chạy nhẩy nhốn nháo mà nay cũng ngơ ngác, xỏ tay túi quần, đứng nhìn mọi sinh hoạt chộn rộn kia như nhìn người của thế giới khác.




    Hai mẹ con đi mãi đến mỏi chân mới trở về nhà. Thực ra, đây chỉ là nhà mà me tôi thuê tạm mà thôi. Chúng tôi vốn ở xa mới dọn tới đây được gần hai năm. Me tôi vốn quê Thái Bình, còn Thầy tôi quê Hà Đông. Thầy tôi vốn là ông Đồ nho, được dân làng bầu làm Tiên Chỉ, một chức vụ lớn nhất làng, nên được trọng vọng nhưng không có tiền nhiều vì không có thực quyền như ông Lý Trưởng. Với địa vị Tiên Chỉ, mỗi lần họp hành, ăn nhậu thì Thầy được ngồi chiếu trên, và nếu có chặt gà, thì Thầy tôi được cái đầu gà, nếu giết lợn thì Thầy tôi được nguyên một cái “thủ” lợn! Nếu có cãi nhau, thì ý kiến Thầy tôi là ý kiến chung cuộc, không ai dám cãi, chỉ biết cúi đầu nói:
    -Vâng, nếu ý kiến cụ Chỉ đã như thế, thì chúng tôi xin vâng. Cụ Chỉ dậy sao, chúng tôi làm vậy!

    (Để tỏ lòng tôn trọng, người làng đều bớt đi chữ Tiên, mà gọi ngắn là cụ Chỉ!)
    Dân làng mà thấy Thầy tôi đi qua, thì phải ngả nón chào: “Lạy cụ Chỉ ạ!” Nhưng chỉ có thế thôi! Thầy tôi có “tiếng” nhưng không có “miếng”. Nhưng, như người xưa nói: “Của Trời cho, thì tự khắc nó bò vào nhà!” Thầy tôi lại rất giầu, vì có may mắn là được bà Nội tôi chia cho mấy mẫu ruộng ở miền thượng du, cho tá điền cấy rẽ, nên chẳng phải làm gì mà vẫn sống huy hoàng. Nếu không có Việt Minh nổi lên, dán cho Thầy me tôi cái bản án: “Nợ máu với nhân dân” rồi tịch thu hết đất đai, bắt Thầy tôi ra khảo của, thì chúng tôi còn ở quê mãi. Khi Thầy tôi sắp sửa bị đem ra đấu tố, những tá điền thương Thầy tôi, cõng Thầy tôi chạy. Cả nhà tôi lúp xúp chạy theo, hai chị kế tôi thì được cho vào hai cái thúng cho một anh tá điền gánh, còn tôi thì được me tôi cột chặt vào sau lưng, chạy băng ruộng về Hà Nội.

    Thầy me tôi về Hà Nội, mua căn nhà thật lớn ngay tại phố Khâm Thiên, hai tầng, mà thang đi lên tầng hai đặt ở giữa phòng khách, có tay vịn hai bên bằng đồng sáng chói. Tưởng thế là hạnh phúc mãi. Ai ngờ, lại gặp trắc trở. Thầy tôi về đấy lại gặp ngay những “cô đầu” gần nhà, dụ dỗ đi hát “ả đào” hoài. Từ đó, mà Thầy me tôi xích mích nhau trầm trọng. Trong một lần cãi nhau nặng lời, me tôi đùng đùng kéo mấy đứa con về Bùi Chu, một tỉnh xa lắc xa lơ, hẻo lánh. Me tôi mua ngay căn nhà đầu đường sát với nhà thờ Bùi Chu, rồi đi buôn đủ thứ. Vì bà rất bạo gan, và muốn làm giầu để cho Thầy tôi “biết mặt”, nên chuyến buôn nào của bà cũng là nguy hiểm, chín chết một sống. Lúc thì bà buôn đá lửa, thuốc cảm Aspirin vào trong vùng Việt Minh đóng. Bà thuê thuyền đinh chở đi, và cho người đục rỗng mái chèo ra, rồi đổ đá lửa, thuốc men vào trong ấy rồi khằn lại. Tới khu Việt Minh, bà khôn khéo nộp tiền mãi lộ, nên bọn chúng cho qua. Nhưng rồi thấy nguy hiểm quá, có thể bị Việt Minh bổ cuốc vào đầu bất cứ lúc nào, bà đi buôn gỗ từ trên rừng thượng xuống đồng bằng. Bà mua gỗ ngay từ đầu nguồn rồi thuê người đóng thành bè, cho thả xuống sông, thuê người đẩy gỗ đi, còn bà thì đi thuyền theo. Đến bến dưới bình nguyên, bà bán từng bè gỗ như thế cho thương lái, lấy tiền chênh lệch, nhưng rồi nguy hiểm chập chùng trong suốt đường đi, nào cướp, nào tai nạn, có những bè gỗ dạt vào bờ, hay đâm vào đá, bể tung, muốn đi vớt lại cũng “chằng ăn, trăn cuốn”. Bà lại bỏ. Rồi đi buôn thuốc lào. Từng bánh thuốc lào Vĩnh Bảo được nén chặt trong các thùng nhôm tròn, cao khoảng gần một thước, đường kính cũng gần một thước. Bà cho chở lên xe “ca” , loại xe chở hành khách ngày xưa, mang đi các tỉnh. Xe ca hồi đó chỉ có ghế gỗ, ngồi trên đường xóc muốn đứt cả ruột, giữa đám bụi đỏ mù trời. Nhưng vì xe ca hay bị dính mìn của bọn Viêt Minh, nổ tung xác pháo nên bà lại đi tầu thủy, loại tầu từ thế chiến thứ 2, do gia đình họ Bạch đấu thầu, chạy chậm rì, phun khói mù trời. Tầu thủy thì không sợ bị mìn, nhưng lại sợ đắm! Mấy cái tầu ấy cũ xì, gỗ và sắt làm đáy tầu chỉ mấy năm là rỉ sét, nếu chở nặng quá thì bể tung, người chết hàng lũ như đàn cá bị trúng thuốc độc.

    Trong tất cả các chuyến đi ấy, me tôi vất vả lắm, nhưng ngược lại, tôi thì khoái vô cùng vì bà cho tôi, thằng Út, đi theo, còn các anh chị khác thì ở nhà, thèm nhỏ giãi... Nhưng thôi, trở lại chuyện di cư 1954.

    Một buổi sáng lạnh, me tôi đánh thức chúng tôi dậy và hấp tấp leo lên một chiếc xe nhà binh đậu trước cửa. Gia tài chúng tôi mang theo chỉ là hai cái hòm gỗ. Cùng với một số gia đình gần bên, chúng tôi được chở tới “căng con cóc”, là một nơi tập trung tạm dưới những cái lều nhà binh mầu xanh dầy, khổng lồ chứa được vài chục gia đình. (Gọi là “căng con cóc” vì có 4 cái tượng con cóc ngồi chồm hổm, chĩa miệng vào trong, phun nước vào một cái hồ cạn). Mỗi gia đình, tùy theo số người mà nhận những chiếc ghế bố xếp của nhà binh, và chăn. Mỗi ngày chúng tôi được phát đồ ăn hai lần. Chiều chiều, máy phóng thanh đặt tại bốn góc “căng” phổ biến tin tức và phát bài “Sáng trăng sáng cả vườn chè...anh chưa thi đỗ, thì chưa động phòng” do ca sĩ Xuân Sơn hát. Ngoài ra, còn các bài “Thuyền Viễn Xứ” do Mai Hương ca, và bài “Ô Mê Ly” do cả ban nhạc Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc trình bầy. Hoài Trung giả tiếng Ngưa hí “hí... hí... í... í... í” nghe giống hệt tiếng ngựa! Tôi nhớ ở đây, nhiều bà mẹ vẫn còn mặc áo tứ thân, cột chéo hai cái tà trước thành cái nút to đùng. Có một bà gài khoảng 5, 6 cái khăn mặt vào cạp quần. Mỗi lần xì mũi, bà lại rút ra một cái, đưa lên mũi hỉ hỉ một lúc rồi lại dắt cái khăn ấy vào cạp quần trở lại. Sáng hôm sau, bà mang ra vòi nước, giặt tất cả rồi nhét thành hàng ngang trên cạp quần. Gần chỗ tôi nằm, có ông hay hút thuốc lào xòng xọc. Mỗi lần hút xong, là ông lăn đùng ra, nằm thẳng cẳng.

    Ở đấy được vài ngày, chúng tôi lại phải di chuyển về “căng xi măng”, một nơi tập trung lớn gấp nhiều lần “căng con cóc”. Ở đây được ăn nhiều hơn, nhưng lại gặp trở ngại là vì ở gần nhà máy sản xuất xi măng nên bụi xi măng lúc nào cũng nghẹt cả không gian. Mũi chúng tôi lúc nào cũng trắng xóa. Lúc đó lũ trẻ chúng tôi chẳng biết hiểm họa của bụi xi măng khi vào phổi thì làm sao, mà chỉ ham vui, thích đứng ngắm một cái cầu “rút”, gần nhà máy, khi có tầu lớn đi ngang, thì chiếc cầu từ từ nứt ra ở giữa, rồi từ từ mở lên cao, cho tầu đi quan xong thì lại từ từ gập xuống.

    Rồi buổi sáng ấy cũng đến. Tôi nhớ mài mại là môt ngày cuối năm. Trời lạnh cóng. Máy phóng thanh kêu gọi mọi người thức dậy, mang hết hành lý lên xe, ra bến tầu. Chúng tôi lần lượt leo lên xe, tương đối gọn gàng, nhưng cũng có nhiều người lại mang theo những bó chiếu dài, có lẽ sợ miền Nam không có chiếu! Bà cụ mà hay giắt đầy khăn măt vào giải lưng quần, cũng có mặt. Lần này, bà khệ nệ bưng một cái rổ to đầy, chất nặng những thứ lỉnh kỉnh gì đó, mà đến khi lên tầu, bị buộc phải vất lại, bà khóc nức nở: “Giê Ma lạy Chúa tôi! Giê Ma lạy Chúa tôi!”.







    Tới bến tầu, mọi người phải sắp hàng đi theo những cái cọc chăng giây, và lần lượt mọi người phải vạch bụng ra cho một người cầm bình xịt thuốc DDT vào bụng trắng xóa, để diệt chấy rận. Đi hết hàng xịt thuốc, thì lên tầu “há mồm” là chiếc tầu đổ bộ nên không có phòng ốc gì, chỉ là môt khoảng sàn trống cho người di cư nằm ngồi tùm lum. Không có phòng vệ sinh, chỉ có mấy cái khung sắt hàn dính vào hai bên sườn tầu ở trên cao, ngồi trong cái khung sắt ấy mà thả “bom” xuống biển! Đi khoảng nửa ngày ra tới tầu lớn như một cái thành phố có nhiều tầng. Từ tầu “há mồm”, mọi người phải leo lên cầu tầu là một cái cầu treo rất cao bắt tuốt tới boong tầu. Đến đầu cầu thang, từng người môt được phát một cái khăn mặt, một hộp kẹo xô-cô-la, môt cái bàn chải đánh răng, môt hộp kem đánh răng, loại hộp tròn, mở ra, dùng bàn chải chà chà vào lớp bột cứng bên trong. Me tôi lôi từng đứa vào phòng, chiếm mấy cái giường tầng liền nhau. Tôi hào hứng leo lên tầng cao nhất, mà không biết rằng, khi tầu chạy, tôi say sóng, nôn thốc tháo xuống đầy mặt người nằm dưới! Vì tính tò mò, sau khi cả nhà an vị, tôi chạy lung tung, lên khoang này, xuống khoang kia, có lẽ đến 7,8 tầng, rồi lại chạy lên boong, ngó người ngồi nằm la liệt. Điều buồn cười nhất là việc đi vệ sinh. Phòng vệ sinh ở trên tầu là môt dẫy bàn cầu trống huyếch hoác, không có cửa. Mọi người đều quen ngồi kiểu nước lụt, nên khi đi vệ sinh, cứ leo lên ngồi chồm hỗm bên trên, phơi hết đồ lòng ra. Mấy anh lính thủy Mỹ cười bò lăn rồi kéo từng người ngồi bệt xuống bàn cầu. Nhiều cụ già không chịu, vì vừa xấu hổ, vừa dốt nát, nên cự cãi um xùm, mà lính Mỹ dễ tính, không cãi lại.

    Đến bữa ăn, thì xếp hàng đi lãnh cơm, táo, bánh mì.. Mấy cụ bà gốc quê thấy trái táo thì chẳng biết là cái gì, cứ trố mắt ra mà xăm xoi. Còn những ông tham ăn, vơ vét cho đầy khay, nhét vào đầy bụng để lúc say sóng thì trả lại sàn tầu, nhơ nhớp kinh khủng.

    Tầu chạy chừng 3, 4 ngày thì tới bến Saigon. Khi tầu ngừng và nghe tiếng người la ó um xùm, tôi chạy lên boong để thấy môt khung cảnh thật lạ. Lạ nhất là cảnh bán đồ ăn, trái cây từ dưới sông lên tầu. Những chiếc thuyền con kẹp sát thành tầu, giơ cao những cây gậy thật dài lên tới boong, trên đầu gậy là cái rổ nhỏ, trong đó đựng trái cây, bánh, kẹo. Ai ở trên boong mà mua, thì cứ việc bốc ra rồi bỏ tiền vào trong đó, không mặc cả gì hết. Người ở dưới từ từ rút cái rổ xuống, nhặt tiền ra rồi lại bỏ đồ vào trong rồi đẩy cây lên… Tầu ngừng một thời gian rồi thả thang xuống cho mọi người lên bờ. Gia đình chúng tôi xuống sau hết để tìm người quen đến đón: ông anh rể của tôi, đã đi theo Sở vào Nam trước cả tháng rồi. Khi chúng tôi xuống đến bến, thì thấy trên bờ có giăng một cái biểu ngữ mầu vàng dài cả chục thước, đề chữ: “Hân hoan đón chào người di cư thứ 1 triệu!”. Dưới cái biểu ngữ là một dẫy hai, ba cái bàn, trên đó, chất đống đầy tiền mới. Cứ mỗi đầu người đi qua, thì được đưa cho 800 đồng! Mấy nhân viên làm việc cho Tổng Cuộc Di Cư hồi đó, cứ bốc tiền ra mà đưa, chẳng hỏi tên tuổi gì! (Vì không đếm tiền, không đếm người, không hồ sơ tổng kết, một số viên chức làm cho Tổng Cuộc Di Cư sau đó thành triệu phú!).




    Sau khi lãnh tiền, thì có loa gọi, hỏi ai muốn về các trại định cư thì xếp hàng, lên xe nhà binh, chở về chỗ định cư, có thể là Hố Nai, Gia Kiệm, Xóm Mới, Bùi Môn hay đi xa hơn nữa, tới tận Rạch Giá, Hà Tiên. Vì đa số dân di cư là Công Giáo nên có các linh mục đứng đón, đưa về từng vùng thích hợp với địa phương cũ của mình ở Bắc. Còn chúng tôi, có ông anh rể đến đón, nên đi riêng về khu tạm cư Bình Đông gần Khu Cầu Sắt, Khánh Hội, nơi dành riêng cho công chức miền Bắc di cư. Khu tạm cư này vốn là những nhà kho khổng lồ, được ngăn ra từng phòng bằng vách tre đan, cho mỗi gia đình một ngăn, cho nên nếu có một người “xì hơi” là cả dẫy nhà đều ngửi chung! Những tiếng xì xầm đều nghe được, thì tiếng nói to, tiếng cãi nhau cứ như là từ loa phóng thanh, làm điếc tai lũ con nít chúng tôi. Để trốn tiếng ồn, lũ con nít chúng tôi phải chạy cà nhỏng ở bên ngoài suốt ngày cho đến khi về ăn cơm, hoặc ngủ.




    Tôi nhớ có mấy đứa nhóc mất dậy cứ chạy theo các cô bé cột tóc sau lưng mà hát: “Búi tó củ hành, làm anh thiên hạ!” rồi chúng xô lại, nắm cái củ hành đó mà giật!

    Chúng tôi chỉ ở tạm đó có một tháng, rồi me tôi kéo chúng tôi về thuê một phòng sau ở khu Vườn Lài, rặt Nam Kỳ Quốc. (Không hiểu sao me tôi lại lanh thế, biết đường đi thuê nhà?) Ở đây, me tôi bắt đầu làm người buôn gánh, bán bưng. Bà bắt tụi tôi dậy từ 2,3 giờ sáng, ngồi dưới đất, phụ với bà gói bánh nếp, một loại như bánh ú, nhân đậu xanh, không có đường, nhưng to ngang bằng cái bánh giò. Mấy mẹ con ngồi quanh cái bếp củi, rực lửa, cắm cúi cắt lá, đổ bột, trộn nhân, gói lại bằng dây lạt, rồi thả trong cái nồi to kềnh… Đến sáng, bà lụi hụi bưng cái mẹt đựng bánh ra ngồi trước cửa nhà, mời “ông đi qua, bà đi lại” mua bánh..

    Ở khu Vườn Lài này, tôi có nhiều kỷ niệm. Trước hết, là cô bé hàng xóm có cặp mắt to hơn hột nhãn rất quý hai chị tôi. Đến một dịp nào đó, cô bé làm thiệp gửi tặng cho cả ba chị em tôi, nhưng gửi lộn cái thiệp đáng lẽ cho chị tôi lại đưa cho tôi. Mở ra, thấy dòng thơ nhỏ, tôi lặng người luôn: “Gửi ai một đĩa muối gừng. Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau!” Thằng bé 11 tuổi chới với, đem khoe với chị tôi, chị giật lấy và đưa cho tôi tờ khác: “Chúc em trai mạnh khỏe!” Thế là cụt hứng! Thời đó, còn kỳ thị Nam Bắc cực kỳ luôn. Một hôm, thằng con trai bà chủ nhà, lớn hơn tôi vài tuổi, tướng mất dậy, du côn, hớt hải chạy về xóm, tung tin vịt: “Bà con ơi. Mới rồi, cảnh sát bắt được một cái xích lô, chở đầy đầu lâu con nít! Cảnh sát nói là của dân Bắc kỳ di cư đó!”.

    Má nó phải bợp tai nó, nó mới chịu im. Thằng này là vua kỳ thị. Có lần nó đè tôi xuống đất, bẹo tại tôi gần đứt, bắt tôi phải trả lời là có phải “Bắc kỳ di cư ăn cá gỗ không?” Tôi nhất định không trả lời. Nó hành tôi một lúc đến đau điếng rồi mới chịu buông.

    Cũng tại một lớp học Vườn Lài, tôi và hai chị cùng họp lớp Nhất. Thầy giáo là một ông già khó chịu, ghét dân di cư. Ổng hay dùng thước kẻ gõ đầu tôi mà ngân nga: Thằng này lư..ờ.. i.. quá!” (Tiếng Nam kỳ là “làm biếng”). Một hôm, ổng lôi tôi lên trước bảng, quất vào đít tôi mấy roi, vì tôi viết sai câu tính mà ổng đọc. Tôi viết “Cô tôi cho giai 10 đồng, lấy lại 5 đồng, hỏi còn mấy đồng?” thay vì viết “cô tôi cho vay…”, vì cái giọng khè khè của ông đọc chữ “vay”, tôi nghe ra chữ “giai”!

    Me tôi thấy tôi hay bị đánh oan, bà đưa tôi đi học trường khác, tôi không nhớ là trường gì vì chỉ là một căn nhà nhỏ, mặt đường, có hai, ba lớp gì đó, ngoài cửa đề bảng: “Trường Tiểu Học…” Tưởng thoát vỏ dưa, ai dè gặp vỏ dừa. Trường này cũng kỳ thị tối đa. Một hôm, lũ học cùng lớp với tôi, hè nhau nắm cổ tôi, ném xuống cái giếng cạn trong sân trường. Tôi khóc la vang trời. Ông Thầy nghe tiếng la, chạy ra, thấy tôi vùng vẫy dưới giếng, bèn ra lệnh cho lũ nhóc kia thả dây xuống cho tôi leo lên. Về nhà, mách mẹ, mẹ tôi giận quá, xách nách tôi, lôi đến trường, chỉ tay vào ông Thầy mà hét lên: “Thầy dậy học trò của thầy làm sao mà chúng nó ném con tôi xuống giếng hả?” Ông Thầy đứng yên, không trả lời. Me tôi la một hồi cho xẹp cơn giận rồi lôi tôi về, không cho đi học nữa.

    Sau đó, bà lại lần mò thuê được một căn nhà sàn ở đường Nguyễn Tri Phương, Khánh Hội, gần nhà thương Khánh Hội. Nhà dựng trên đống sình lầy quanh năm, đường đi trước nhà là những cây cầu gổ ọp ẹp. Dưới chân cầu, chuột cống to đùng chạy qua chạy lại ăn rác và những thứ phóng uế do con người thải xuống. Đôi khi chuột bám theo những cây cột leo lên nhà. Một hôm, tôi hết hồn nhẩy lui, vì thấy một cái đuôi chuột thò ra trên nóc trạn. Chị tôi nhanh lắm, chụp lấy con dao làm bếp, gài bên vách, chặp “Phụp!” một cái, đứt đuôi con chuột. Nó phóng từ nóc trạn ra, bay xuống đất, rồi nhào vào cầu tiêu, biến mất tăm. Chị tôi lấy que củi khều cái đuôi chuột đỏ máu ra, rồi cũng hất vào cầu tiêu. Nhà cầu ở đây chỉ là một cái khung che 3 mặt, phía cửa là tấm vải che, bên dưới là một cái lỗ, để thả bom xuống xình. Vì chỉ là xình nhão, khi nào nước triều lên thì thành rạch nhỏ, khi nước triều xuống, thì xình lộ ra với đủ thứ rác thải, hôi kinh khủng.

    Từ những ngày ở khu Khánh Hội này, tôi mới biết dân miền Nam dữ đòn. Con bé chừng 14 tuổi ở trước nhà tôi, gầy như bộ xương cách trí, mà thỉnh thoảng bị bố quất bằng những thanh củi to, kêu khóc vang trời. Một hôm, không biết vì tội lỗi gì mà bố nó lôi ra trước cửa, lột truồng con bé ra, rồi cứ thế mà giáng củi xuống lưng nó. Một lúc thì con bé bất tỉnh, nằm còng queo trước cửa nhà và cũng là trước cái khung nuôi 2 con heo nhỏ, trần truồng. Mẹ tôi thấy vậy, vội mang tấm chăn chạy qua, đắp cho con bé, rồi hạch hỏi ông bố: “Ông ác quá mà! Sao lại đánh nó mà còn lột quần áo nó nữa?” Ông bố gằn giọng: “Bà biết gì! Về nhà bà đi!”.

    Sau đó, một thời gian, không thấy con bé đâu. Nghe nói nó xấu hổ đã bỏ nhà đi bụi đời rồi. Chuyện đánh lộn ở khu Khánh Hội này là chuyện thường ngày. Vợ chồng đánh nhau, bồ bịch đánh nhau, hàng xóm đánh nhau đổ máu… Lạ lùng là không ai can thiệp!

    Tôi ở đây khoảng một năm trời gì đó mà cũng bị ảnh hưởng! Theo chân một số đàn anh, lớn hơn tôi 6,7 tuổi, tung chân đi khắp các xóm nghèo toàn điếm, đĩ, du côn, băng đảng.. mà chơi đủ trò nguy hiểm như bắn nhau bằng súng cao su, bắn đạn bằng sắt, chẩy máu là thường. Mẹ tôi thấy tôi dần dần mất dậy, liền kéo chúng tôi về khu Vườn Xoài Trương Minh Giảng.

    Tới giai đoạn này là chấm dứt cuộc di cư của gia đình chúng tôi. Tại đây, các anh chị em tôi đã cắp cặp đi học và bắt đầu một cuộc đời mới tại miền Nam “đất lành, chim đậu”, để hòa nhập với đời sống Nam Kỳ, ăn hột vịt lộn, giá sống, mắm chua và hủ tiếu.

    Đời sống cứ thế mà trôi đi. Đến nay, nhìn lại ngày di cư năm ấy đã hơn 60 năm! Nhanh quá! Như Cao Bá Quát đã viết:

    "Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ
    Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày
    Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay..."

    Chu Tất Tiến
    Last edited by KiwiTeTua; 01-29-2024, 10:13 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X