Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đọc Ngàn Lời Thơ (toàn tập) của Hà Thúc Sinh

Collapse
X

Đọc Ngàn Lời Thơ (toàn tập) của Hà Thúc Sinh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đọc Ngàn Lời Thơ (toàn tập) của Hà Thúc Sinh


    Đọc Ngàn Lời Thơ (toàn tập) của Hà Thúc Sinh


    Nguyễn Mạnh Trinh





    Không hiểu sao, thơ Hà Thúc Sinh đối với riêng tôi có sự cộng hưởng kỳ lạ. Khi đọc những bài thơ của ông, tôi thấy hình như có điều gì giông giống với suy tư của mình và gợi cho tôi những cảm giác của giây phút sống thực song song với những thi ảnh và thi tứ của một người coi thi ca như một lẽ sống trên đời. Ðọc Ngàn Lời Thơ, tôi thấy được những dặm trường hành của thơ ông, từ những tập thơ viết thời gian gần đây đến những bài thơ viết thuở xa xưa, là phản ảnh lại một cuộc sống mà những thăng trầm đã còn hằn dấu vết. Thơ hào sảng khi tuổi trẻ chiến tranh, bây giờ ở xứ người “cay chua” với thời thế và “mặn ngọt” với kỷ niệm.

    Toàn tập Ngàn Lời Thơ gồm những tập thơ viết trong những không gian thời gian khác nhau và những cuộc sống thăng trầm khác nhau của một thời thế Việt Nam. Tập “Cay Chua” và “Mặn Ngọt” viết khoảng thời gian gần đây. Tập “Tình Sinh” có lẽ khoảng cuối những ngày còn ở Việt Nam và bắt đầu cuộc đời lưu lạc tạm dung xứ người từ trại đảo đến nơi định cư ở Hoa kỳ. “Hơi Ðất” của những suy tư về bóng thời gian và bóng đời sống. “Hòa Bình và Tôi” in năm 1994 ở Washington DC. “Thơ Viết Giữa Ðường” nhà xuất bản Tân Văn năm 1988 ở san Diego. “Dạo Núi Mình Ta” in năm 1972, nhà xuất bản Ðồng Dao, Sài Gòn. “Ðiệu Buồn Của Chúng Ta”, nhà xuất bản khai Phá, 1972, ở Sài Gòn. Mấy chục năm làm thơ để trang bìa sau của Toàn Tập Ngàn Lời Thơ, thi sĩ đã viết:

    “Chặng cuối đời thôi ngưng giấc mơ
    Lòng vui gói ghém ít lời thơ
    Giá mà dòng sống còn trôi mãi
    Thơ biết về đâu chỗ bến bờ.”

    Hà Thúc Sinh không phải là một tên tuổi xa lạ. Trái lại. Ðó là một tên tuổi tác giả quen thuộc với văn học Việt Nam. Nhưng câu hỏi để định hình một danh tánh văn chương sẽ rất khó trả lời môt cách giản dị bởi trong chân dung nghệ thuật ấy, trong tên tuổi ấy, bao gồm nhiều lãnh vực. Là nhà thơ? Là nhà văn? Là nhạc sĩ sáng tác? Là trưởng ca đoàn Hưng ca một thời? Là tác giả viết về ngục tù Cộng sản với tác phẩm nổi bật nhất của văn học Việt Nam hải ngoại? Là một nhà báo chuyên nghiệp của nền báo chí Việt Nam hải ngoại lúc phôi thai đến khi phát triển? Và bất cứ trên lãnh vực nào, cũng là nổi bật, cũng đầy cá tính và gây cho độc giả những ấn tượng sâu sắc khó mờ phai…

    Trong mục đích phác họa lại một chân dung văn học qua nhiều sáng tác mà tác giả đã biểu lộ cá tính độc đáo của mình, một nửa thế kỷ văn chương trải qua từ những biến chuyển thời thế đã làm thành những nét riêng mà chung của Hà Thúc Sinh, bài viết này cũng chỉ là một vài chi tiết chưa được đầy đủ lắm. Và nhất là mang tính chủ quan của một người đọc, riêng một mình và không giống với những người đọc khác…

    Có lẽ, chúng ta nên biết một chút về tiểu sử của nghệ sĩ tài hoa và đa diện đa tài này. Ông tên thật là Phạm Vĩnh Xuân sinh năm 1947 ở Thanh Hóa và theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Ông là cựu sĩ quan Hải Quân VNCH. Sau năm 1975 bị tù khổ sai cải tạo đến năm 1980 được thả về và vượt biển. Năm 1981 định cư ở Hoa Kỳ. Hiện nay sinh sống ở Sacramento.

    Tác phẩm đã xuất bản 6 tập thơ gồm 4 tập trước năm 1975: Ðá Vàng, Trí Nhớ Ðau Thương, Ðiệu Buồn Của Chúng Ta, Dạo Núi Mình Ta, hai tập thơ ở hải ngoại Thơ Viết Giữa Ðường, và Hòa Bình và Tôi. Về truyện ngắn ông xuất bản 5 tập truyện: Ông H. O., Cố Hương, Dưa Cà Mắm Muối, Về, Ðêm Hè,. Một truyện dài: Chị Em, Một ký: Ðại Học Máu. Một tuyển tập: Tống biệt Hai Mươi. Một tài liệu biên khảo về nhân quyền viết bằng Anh ngữ chung với Nguyễn Trí Văn, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Ðại Tường, Nguyễn Thiệu Chính: Red Files 50 years of Violations of Human Rights in Communist Việt Nam. Ông còn dịch ra Việt ngữ các tác phẩm của Isaac Bashevis Singer, của John Toland, của Yael Dyan, của Harry Petrakis…


    Nhà thơ Hà Thúc Sinh

    Hà Thúc Sinh nhiều phần là một thi sĩ. Chất thơ đã ngầm chứa trong văn, trong nhạc và mạch ngầm ấy dường như lúc nào cũng đầy ắp những lãng mạn mơ mộng tuy nhiều lúc cũng có những chua chát đắng cay của cuộc sống. Ông đã làm thơ rất sớm từ lúc còn ngồi ghế nhà trường. Từ trước năm 1975 ở trong nước hay sau 1975 ở hải ngoại, thơ vẫn có lúc là hình nhưng có lúc là bóng hiện diện trong cuộc sống. Thơ khi chiến tranh hay thơ khi là một tù nhân cải tạo, thơ vẫn là con đường mù sương, của chữ nghĩa hằng hằng quanh quất. Dù có thay đổi theo thời gian, nhưng chất lửa ngày nào của tuổi thơ mơ mộng, của tuổi trẻ bềnh bồng vẫn là những tinh chất của một người luôn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống qua văn chương.

    Hà Thúc Sinh đã nhắc đến kỷ niệm đầu tiên của mình khi thấy bài viết của mình được đăng báo. Hình như là trong nhật báo Xây Dựng thì phải. Và ông thú thực lúc đó ông muốn in số báo ấy thành muôn ngàn bản để phổ biến đến khắp bốn phương trời. Tâm cảm xôn xao một thời cuả những người mang nặng nợ văn chương đều giống nhau. Có người hỏi đối với anh, thi ca của trước năm 1975 ở quê nhà với sau 1975 ở hải ngoại có gì khác biệt thì ông đã trả lời tựu chung thì vẫn vậy nhưng dĩ nhiên tâm cảm cũng phải khác đi tùy thuộc vào thời thế đất nước. Chiến tranh có lẽ hiện diện trong thơ của ông như một thực thể không nhòa phai. Nếu có ai nói thơ của ông là thơ của người lính thì nhận định ấy cũng có phần chính xác. Nhưng người lính trong Hà Thúc Sinh không phải là người máy robot chỉ biết bóp cò trong vô thức mà người lính ấy có tâm cảm nhân bản, có những suy tư rất người. Tâm cảm ấy có lẽ khác rất xa với những người cán binh Cộng sản mà nền văn học phục vụ cho chính trị cho chiến tranh luôn đề cao sự hy sinh quên mình luôn luôn mọi hoàn cảnh biến căm thù thành hành động. Thơ không thúc đẩy chém giết và thơ kêu gọi yêu thương:

    “Giao thừa sao mà vội
    Hãy khoan đã chú mày
    Cứ đóng xa vài dặm
    mà ăn uống no say

    Ta cũng người như chú
    Cũng nhỏ bé trong đời
    Có núi sông trong bụng
    Mà bất lực hôm nay

    Chiến chinh trời cũng sợ
    Chỉ còn lại hai bên
    Vội vàng chi cho cực
    Cứ thong thả nghỉ đêm

    Vì nói thật cùng chú
    trăm năm có là bao
    binh đao sao biết được
    sinh tử ở nơi nào?”

    Cái hoàn cảnh của đất nước Việt Nam sao mà ngao ngán. Ðâu có ai muốn cầm súng để bắn giết lẫn nhau huynh đệ tương tàn. Chẳng thể nào người lính VNCH nhìn những người cán binh Cộng sản bằng con mắt rực lửa căm thù. Mà trái lại như có một niềm trắc ẩn dấu kín trong tâm. Chúng ta, chỉ là những thế hệ đã buộc phải đi vào con đường binh lửa mà chẳng còn chọn lựa nào hơn.

    Một nhà thơ trong nước, Hoàng Vũ Thuật, đã viết về thơ Hà Thúc Sinh đăng trên tạp chí Sông Hương:

    “Khoảng năm 1974, qua Trần Nhật Thu tôi đọc được một bài thơ của Hà Thúc Sinh, nhà thơ, sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi còn thuộc đến bây giờ và nay ghi lại theo trí nhớ có thể không hoàn toàn chính xác:

    Dằn ly xuống chiếu dưới gượng cười
    Ta biết rằng chưa ấm bụng ngươi
    Bực thay bạn đến từ muôn dặm
    Mà rượu không hề đủ say chơi

    Con ta chợt ré lên sau bếp
    Nắng chiều đổ lửa xuống nhà tôn
    Hà Thúc phu nhân coi buồn lắm
    Sữa thiếu làm sao tiếp rượu chồng?

    Bạn ta người của mùa chinh chiến
    Quen thói ngang tàng thú tiêu pha
    Kéo ta ra quán hề ra quán
    Nhìn trời nhìn đất mà thương ta

    Trăng kia sao chẳng nằm dinh thự
    Mà chỉ nằm chơi ở ngọn cây
    Bạn ta nào hiểu niềm vui sướng
    Ðời ta chưa hề bẩn đôi tay…”

    Có một niềm vui sướng nào đấy mà chắc gì mấy ai hiểu được trong con người Hà Thúc Sinh?

    Nhưng khi đọc bài thơ tôi đã nhìn thấy một tâm hồn trong trẻo nhân văn dù người đó đang cầm súng trên đường hành quân từ một phía của trận tuyến. Tôi cứ nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ gặp chàng thi sĩ ấy và sẽ ôm nhau như những người bạn thân thiết xa lâu ngày.

    Ðời ta chưa hề bẩn đôi tay.

    Câu thơ vừa tâm trạng vừa bày tỏ của một người trước cuộc đời đấy biến động phi lý…”

    Một người ở phía bên kia chiến tuyến đã nghĩ về thơ Hà Thúc Sinh như thế. Hình như, với thi ca, những tâm hồn đồng điệu vượt lên trên những ranh giới những biên thùy để trong một lúc tương thông nào đó hiểu được trong sâu thẳm hơn những nỗi niềm của con người trong nỗi thống khổ vô biên của cuộc sống.

    Có người đã hỏi Hà Thúc Sinh. Vậy chứ thời đó thi ca của anh có ảnh hưởng chút nào của phong trào phản chiến không? Ông trả lời không thích chiến tranh nhưng không có một chút gì ảnh hưởng của những phong trào phản chiến từ Hoa Kỳ hay trong nước. Phản chiến kiểu ấy là thiên tả, là ngụy hòa. Còn trong thơ của ông, chỉ phản ánh trung thực tâm cảm của một người thanh niên lớn lên trong đất nước chiến tranh không thích chém giết nhưng vẫn phải làm nhiệm vụ của một người trai trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước.

    Những tâm hồn đồng điệu đã gặp nhau. Hà Thúc Sinh đã in tập thơ “Chiến Tranh Việt Nam và tôi” của Nguyễn Bắc Sơn. Một nhà thơ có nét ngang tàng của những chàng hào sĩ sống trong hoàn cảnh thế thời nhiễu nhương. Thơ Nguyễn Bắc Sơn đã phát tiết từ những nỗi niềm thời đại. Chính trong những bài thơ ấy, tâm trạng của chung cả một thế hệ đã được bày tỏ, để nét nhân bản đã rạng ngời hơn dù lý tưởng nhiều khi được xử dụng như một chiêu bài và sự còn mất cũng như sống chết chẳng còn nghĩa lý. Viết về sự thực, làm thơ về những mảnh đời thực, để thấy rằng sự mơ mộng lãng mạn cũng còn cần thiết dù sự thực có đen tối đến chừng nào chăng nữa. Thơ vượt lên trên những giới hạn để những giấc mộng vẫn được nâng niu trong hồn người trong tâm thức Việt Nam.

    Hà Thúc Sinh là người lính, cũng có những người cùng tuổi trẻ có mặt trên khắp vùng đất nước chiến đấu. Ông cũng có những người bạn đồng đội gục ngã khi tuổi còn xanh tóc. Ðời ông cũng đầy những cuộc hội ngộ và chia ly. Thơ của ông cũng thế:

    “Hãy cụng ly chết bỏ
    tôm cua cá lươn sò
    lương ta còn nguyên vẹn
    còn nguyên cái Seiko

    Cửu Long Giang ra biển
    Sẽ chẳng trở về đây
    Chiến tranh hề gặp gỡ
    Có chắc lần thứ hai

    Mai mỗi thằng mỗi ngả
    Thằng Cà Mau, Năm Căn
    Thằng Bình Long, Bình Giả
    Thằng địa ngục, thiên đàng… ”

    Hào sảng, ngang tàng, những chàng tuổi trẻ đã đi trong cuộc chiến như thế. Sống chết mất còn, nhiều khi chẳng đáng quan tâm và địa ngục thiên đàng cũng chỉ là ý nghĩ thoáng qua của bèo nước gặp nhau của nỗi niềm chinh chiến gặp thời bày tỏ chia sẻ…

    Là người lính, nhưng thi sĩ vẫn nghĩ đến ngày hòa bình sẽ trở về trên đất nước. Khát vọng yên bình của những ngày thập niên 60, 70 mà chiến tranh đang ở mức cực độ khi mỗi ngày hàng ngàn chiến sĩ hai bên gục ngã. Dù vẫn phải chiến đấu nhưng vẫn ngóng đến hòa bình:

    “Xin hãy đến đây
    Hỡi hòa bình lạ mặt yêu dấu
    Xin đừng cho tôi những buổi sáng giết nhau
    Xin đừng cho tôi những buổi trưa hối hận
    Xin đừng cho tôi những buổi chiều ăn năn
    Xin đừng cho tôi những buổi tối trống vắng

    Xin hãy đến đây
    Hỡi hòa bình lạ mặt yêu dấu
    Có biết rằng chúng tôi mồ côi người từ buổi sơ sinh
    Có biết rằng chúng tôi đợi chờ người từ ngày khôn lớn

    Xin hãy đến đây đi
    Hỡi hòa bình lạ mặt yêu dấu
    Sao người kiêu hãnh như giai nhân hoài hoài lỗi hẹn
    Khi tuổi xuân chúng tôi chỉ có một lần
    Làm sao chờ được trăm năm
    Mà đến trăm năm còn gì xương máu anh em…”

    Hết Tết Mậu Thân đến Mùa hè đỏ lửa, rồi hiệp ước Paris của ngày ngưng bắn, những biến cố ấy càng nấu nung thêm khát vọng hòa bình. Nhưng tiếng súng vẫn còn vang dội và chiến tranh vẫn càng ngày thêm khốc liệt. Cho đến một ngày tháng tư ngưng tiếng súng. Nhưng, hòa bình đến với nỗi thê thảm đắng cay của dân tộc.

    Bình minh dân tộc chưa đến. Chiến tranh không còn. Nhưng bi thảm thì vẫn dài dài không chấm dứt. Cả nước là một trại tù lớn mà trại giam nhỏ là những trại tập trung đầy ải ở khắp nơi. Hà Thúc Sinh viết về trại giam tù nhỏ ở Hàm Tân nơi ông đang là một chứng nhân cho một thời gian luyện ngục:

    “Rắc trấu lưng người mặt trời lửa
    mây sà xuống suối vướng cành Buông
    tiếng cuốc tiếng búa im một cõi
    hai ngàn tù đội nắng giữa sân

    anh cán bộ đôi giày khập khễnh
    chui khỏi mồm lời như bầy giun
    lao động là thước đo yêu nước
    tù ngu ngơ uống lấy vinh quang.

    Bài diễn văn giữa trại tù lao động
    Là tặng phú ông thêm một đồng xèng
    Chới với có thằng đổ sập xuống
    thêm bộ xương bị chứng nắng ăn

    chen giữa kẻng tù tiếng trống lễ
    buồn như hạ huyệt kẻ đồng hành
    lao xao khói bếp chuyển mùi mỡ
    lễ vào thấm thia trong tâm can”

    Ra tù trở về, nhìn thấy những cảnh ngộ đắng cay. Những bò vàng nhan nhản đường phố. Ðêm đêm vẫn những cảnh bắt người xét nhà trong bóng đêm đen dầy kín khủng bố. Vùng kinh tế mới được lập ra để đầy ải những người dân thành thị. Chợ trời ở khắp nơi mà những người dân mang của cải còn sót lại ra buôn bán để sống còn:

    “Nằm chui khóm lá chiếc bàn thấp
    Lề đường một lũ tụm quanh nhau
    Ém sâu hơi thuốc vào gan mật
    Bất giác phà ra nỗi dãi dầu

    Trung tá xích lô thầm hỏi bạn
    Chợ trời dược sĩ sao về không
    Cười như nước mắt nói như bỡn
    Nó bố trưa nay còn cái quần

    Ông giáo sử mấy năm vá lốp
    Ðồ nghề lỉnh kỉnh nặng trên lưng
    Một anh văn sĩ ngồi lê hỏi
    Thời xưa phong kiến khá hơn không?

    Gió chiều thổi tốc người nghi ngại
    Mỗi hồn hiện một nét công an
    Lá khô thôi chạy cây thôi động
    Vừa lúc đêm lên khắp Sài Gòn”

    Nhưng thơ không phải toàn là những điều vô vọng. Không phải là toàn những nỗi đắng cay. Mà thơ nói lên tâm cảm của một người không bó tay. Tâm sự với nhân vật của Ðoạn Trường Tân Thanh có phải là tâm sự với chính mình:

    “Ta cũng biến thơ kia thành gậy nhỏ
    Chống mà đi trên sinh lộ một thời
    Như em có xác thân làm gậy nhỏ
    Ðể đạp trên đường định mệnh để mà chơi

    Quỷ thần hiện trên đường ta đi đó
    Mà hôm nay xiềng xích vẫn vô cùng
    Ðường vạn nẻo chung quy về cố quận
    Là mịt mù vô ảnh của hư không

    Ta sắp vượt một trường giang dậy sóng
    Không cầu nào có thể bắc ngang qua
    Ðây là lúc mà phượng hoàng sắp phải
    Ðem cánh mình phủ lấy bóng trời xa

    Chiều hôm nay mảnh hồn ta chếnh choáng
    Trước khi chơi một trận chiến cuối cùng
    Cả trời xanh thu vào khung cửa nhỏ
    Bỗng thấy mình nở rộ cánh sau lưng”

    Cõi thơ Hà Thúc Sinh còn mở ra nhiều đề tài. Thơ cho bằng hữu. Thơ ở xứ người. Thơ cho người tình. Thơ cho xứ tạm dung đời tạm ngụ đã buộc chặt đời sống từ hơn qua nửa đời người. Thơ mở ra nhiều tâm tư. Thơ gói tròn nhiều mộng ước.

    Ở cương vị một độc giả yêu thơ, vào năm 1985, nghĩa là cách nay hơn hai mươi mấy năm tôi đã có bài thơ gửi Hà Thúc Sinh như một chia sẻ của những người cùng chung và chia sẻ những nỗi niềm của thời đại chiến tranh mà mọi người phải bước vào dù muốn hay không muốn:

    “viết giùm ta những nỗi niềm
    thiên thu dòng mực còn nguyên lửa hồng.
    Thịt xương lấp mấy dòng sông
    Vài trang sách giở ròng ròng máu tươi

    Viết giùm ta mộng cuối trời
    Bại binh hồn vẫn bừng sôi chiến trường
    Tội tù chiếu đất màn sương
    Xó rừng mắt ngóng nẻo đường ngày xưa

    Viết giùm ta buổi tiễn đưa
    Chia lưng cơm giữa cơn mưa nát lòng
    Aùo bao cát ủ long đong
    Chiến y vẫn đợi một vòng xông pha

    Viết giùm ta chữ nước nhà
    Chim kêu quốc vọng nẻo xa chập chùng
    Cờ tang nước mắt rưng rưng
    Bó taylửa hận bừng bừng máu sôi

    Viết giùm ta chuyện thế thời
    Soi đêm nhật nguyệt bôì hồi trăng treo
    Ngựa ai lồng vó ngang đèo
    Bóng thiên thu một bóng theo mịt mùng

    Tóc bạc đâu thuở vẫy vùng
    Mồ hoang mấy núi mấy rừng xác xơ
    Viết giùm ta những câu thơ
    Lưu vong tâm sự mịt mờ nỗi ai.

    Viết giùm ta giữa dặm dài…

    Nguyễn Mạnh Trinh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X