Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thư Gửi Bạn

Collapse
X

Thư Gửi Bạn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thư Gửi Bạn

    Thư gửi Hải

    Ðã lâu rồi tao không có cơ hội cầm cây viết. Bây giờ tao không biết tao đang làm nghề gì. Do đó, cầm cây gì, không nhất thiết là cây viết, ngay cả cây chổi, cây cuốc, không phải cây…súng, cây dao, mà đổi lấy đồng tiền mua gạo thì tao cầm ngay. Còn cây viết chỉ dành cho …ai đó. Tao chưa có cái đặc quyền nầy. Không dùng cây viết nữa sau ngày chia tay buổi học cuối, năm 1972….

    Kể từ ngày rời mái trường xưa, lên đường nhập ngũ. Tao ngỡ khúc quanh của cuộc đời, từ nay không còn cơ hội cầm cây bút và gặp lại bạn bè xưa nữa, mà phải cầm súng để gìn giử quê hương .
    Sau khi mãn hạn tù về nhà, thì gia đình tao phải đi vào rừng sâu, nước độc, mà họ gọi là vùng kinh tế mới. Chẵng phải kinh tế gì cả. Ðây chính là sự trã thù, bằng cách bỏ đói, từ người thắng cuộc. Mầy thấy không? Nếu là chính sách, sao họ không còn nhắc đến Vùng Kinh Tế Mới nữa?? Thủ đoạn trã thù mà nị….?? Hèn hạ và bỉ ổi lắm mà.
    Tao và Thúy yêu nhau, tưởng rằng với đôi tay của thằng thanh niên, vốn chịu đựng gió sương, đáng lẻ ra tao mang hạnh phúc đến cho nàng?? Thế mà sau khi tụi tao cưới nhau, thì Thuý bị đuổi việc…mầy biết mà…có chồng “Nguỵ” thì làm gì có tương lai. ..
    Hải ơi! người mà từng nói yêu tao như Thuý, cũng phải sửng sờ với đời sống vô cùng ngang trái. Có lần Thuý tự hỏi?
    - Anh thi hành nghĩa vụ, bảo vệ đất nước và dân tộc.
    Cớ sao lại bị ghép vào tội phản quốc??
    - Thuý à! Mình là kẻ bại trận, đứng ở bên kia chuyến tuyến mà em..
    Mãi kể chuyện buồn, mà tao quên kể chuyện vui cho mầy nghe. Còn nhớ không ?? Bọn mình có mấy đứa, thằng: Trai (ÐB), Tân (G), Hiếu (GT) …bọn tao cùng cảnh ngộ.
    Lúc bấy giờ, tụi tao có cái nghề rất vui là : Chạy xem Honda ôm. Mổi sáng bọn nầy tụ tập chốn củ. Bà Tư bán cà phê ở đầu lộ 20 (gần phi trường Bình Thuỷ) chào mừng vui vẻ và không quên tuyên bố một câu xanh rờn:
    - Nè mấy chú thời còn đi học hay uống trà đá ghi sổ, nay chạy xe ôm có tiền làm ơn thanh toán cho tui nhờ nhé. Hai vợ chồng già, mà quán thì không có vốn.
    - Bà yên tâm đi, tụi nầy có đi cải tạo mà…đường lối chánh sách, bọn nầy làm sao quên, ăn uống thì phải trả ngay mới có… đạo đức cách mạng…
    Hải ơi! chỉ sau thời gian ngắn, thì đám người gọi là trí thứ ngày xưa, bây giờ ai cũng chạy xe ôm. Xã hội biến sự lao động của bộ nảo thành cây cuốc. Dịch Chủ Tái Nô mà.
    Thế rồi bọn nầy bày qua bao nhiều nghề khác, quấn thuốc lá .. làm xà bông từ dừa khô, bôm mực viết big, thay gas hột quẹt, biên số đề… kể cả giết heo mướn (họ cấm không được giết heo, ngay cả heo của mình). Sống trong xã hội bấy giờ cái gì cũng lậu. Vì cái gì nhà nước cũng giành quyền làm chủ cả. Bọn phe ta thì chôm cái gì thì chôm, kiếm sống qua ngày.
    Tao còn nhớ, sau khi đao phủ thủ làm xong sứ mạng thọc huyết heo, thì hai ông thần đăm họng heo được tạ ơn bằng 1 ký dồi trường. (lúc 2 giờ sáng). Tao còn nhớ khi phải sang nhà thằng kia để rủ ren, vì sẽ không bao giờ gây tiếng động, mà chỉ gỏ nhịp bằng móng tay, nhẹ thật nhẹ vào thanh cửa sổ nhà hắn…mãi cho đến khi nào hắn tỉnh dậy lúc hai giờ sáng. Sau đó mới chờ cho trời tờ mờ sáng, khoản.. gà hết gáy..thì lọn chọn ra quán cơm tấm, xin phần cơm trắng, và đổi lại cho chủ xạp cơm, phân nữa dồi trường. Thế là hai thằng tao yên vui trong ngày đó.
    Trời ơi! Khi để miếng dồi heo vào mồm thì tao mới hay rằng, lâu lắm rồi mới ăn được miếng thịt mở heo…chắc cả năm rồi đấy. Vì mùi mở dồi heo, cơm tấm, củ tỏi bóc cháy thơm lừng, bay thẳng vào khứu giác của mấy thằng ma đói như bọn tao. Thú thật, đổi cả “Thiên Ðường Cộng Sản” tao cũng đổi nữa. Hình như chất béo, nó chạy từ cổ họng cho xuống đến tận…ngón chân cái.
    Ðã lâu lắm rồi, bọn tao mới có được hạnh phúc ấy, dù ngắn ngủi. Mầy biết không ? phải chi còn ở trong tù cải tạo thì đói khát cũng không màn, đằng nầy, xã hội ta trân quý cái ăn đến tột đỉnh. Cái ăn, cái ở sao mà nó quý, hiếm, hơn nữ trang đắc tiền…
    …Cuộc đời cứ thế mà long đong. Thuý đã bị thôi việc, vì có lý lịch chồng “ Nguỵ ”. Cô giáo Thuý bị “ mất dạy ” và cô theo sống với một thằng công an nhỏ hơn cô mấy tuổi…chỉ vì hắn có nhiều tiền, bởi thiên hạ “ biếu tiền ” cho hắn vô điều kiện.
    Lúc đầu tao không hiểu, hắn ăn học đến đâu mà được làm công an, tướng hắn hách dịch thì thôi. Sau cùng, tao khám phá ra mới biết, thật là buồn cười.. Thì ra, càng không ăn học, thì càng được tuyển mộ vào làm công an…chỉ vì những thằng thất học, vô giáo dục mới đủ nhẩn tâm mà đàn áp dân nghèo, và làm theo mệnh lệnh của chế độ.. để tha hồ mà trã thù.
    Ðời sống của tao thì thua thằng ăn mày, vì những kẻ đứng đường ăn xin, không cần giấy tờ tuỳ thân, họ cũng vẫn ngang nhiên chờ lòng hảo tâm của khách qua đường. Riêng bọn tao lẫn trốn xã hội hiện tại, tìm chỗ ẩn náo cho qua ngày. Ðôi khi tao cứ ngở quê hương nầy là của ai chứ không phải của mình. Nơi mà mình đã sinh ra và trưởng thành. Nhà mình, vợ mình, con mình, thành phố, tên đường, tên trường, mọi thứ bấy giờ đã thay đổi chủ quyền. Duy chỉ có niềm tin không thay đổi. Tao tin rằng, kẻ gian ác không thể tồn tại mãi. Và tin rằng một ngày nào đó quê hương mình sẽ tươi sáng hơn.
    Tao không bao giờ nghỉ rằng cuộc đời ngang trái đến mức đó, đôi khi tao gặp lại Thuý giữa đường, mà ngỡ ngàng, hai đứa không dám chào nhau, dù một cái mĩm môi. Muốn bỏ xứ mà đi, nhưng đi đâu? khi quanh tao là những cặp mắt của bọn vô tình. Bản thân thì không tiền. Phải ở lại xóm củ, phải đối diện với những thứ tâm lý tréo ngoe. Ngậm ngùi khi một lúc nào đó, tự đánh lưà mình, để ráng nhớ về kỹ niệm cũ, rồi cố cho phép mình mơ rằng ..vẫn còn yêu Thuý, vẫn còn có Thuý bên mình. Ôi! nó êm đềm và đẹp làm sao..tuổi học trò.
    Mổi năm dự hội ngộ cựu học sinh, vào những ngày đó, tao đã không dám đến dự. Thà nhớ bạn bè còn hơn chứng kiến cảnh đời ngang trái, những thư sinh năm nào, bây giờ như cụ non. Những người hết lòng vì đất nước và dân tộc. Thì chỉ là những thằng phản quốc. Tao vẫn biết rằng bạn bè có những đứa còn nhớ đến mình, chính tao cũng rất nhớ, nam cũng như nữ, một thời cùng dưới mái học đường xưa. Nơi đó quãng đời niên thiếu, gắng liền với buồn, vui lẫn lộn, mà tuổi thư sinh chẵng biết gì về cuộc đời. Chưa biết được bề trái của đời sống. ..Hình như, càng sống là càng thấy mình đang đi dần xuống cái hố, do chính mình tạo ra.
    Vâng, cũng có những lúc tê mê bên ngươì yêu, khi thề non hẹn biển. Nhưng Hải ơi, không biết những giai thoại về yêu đương như là chuyện tình Roméo và Juliette hay sao mà, ngay lúc đó, thính giác của tao, như bị mê hoặc bởi một âm thanh ru ngũ nào đó, tao chưa bao giờ có kinh nghiệm về tình yêu lứa đôi… Nàng thì thầm như lời thề …
    “Bây giờ, và mãi mãi em chỉ yêu anh mà thôi”.
    Nghe y như thiệt, nhớ hồi còn bé, má tao hứa cho ăn kẹo ra sao, thì tao tin Thuý như vậy. Hay là nghe, mà không nghe bằng lỗ tai, mà nghe bằng con tim rạo rực của thằng con trai khờ khạo vừa mới lớn, yêu cô nữ sinh cùng trường. Ðể rồi một ngày, tao mất tất cả, mất cái dấu yêu nhỏ bé của đời mình. Tao bị người ta giựt trắng tay, mà không làm gì được. Không biết tại sao mình quá ươn hèn…??
    Hải ơi! tao yêu giản dị lắm, khi yêu là cứ yêu, và chấp nhận bất cứ điều kiện gì, chỉ cần yêu. Thế mà Thuý đã không chịu nổi ám ảnh của thời cuộc…nàng đã thay lòng…
    Buồn quá Hải ơi, dẫu cái chết cũng không sao làm cho tao quên, quên những thứ mà mình đã trót thề “anh sẽ yêu em suốt đời”. Bây giờ tao phải làm sao?? Tao có nuốt lời thề được đâu?? Dạo đó, gần ba mươi tuổi đời, mà trông tao như ông cụ…chỉ vì bị tình phụ, và bị đời ruồng bỏ, giống như mình là kẻ đốn mạt.
    Thôi, thì coi như tao chưa từng gặp nàng, tao chưa từng đứng bên vườn nhà ai, chờ ai để trao vội lá thơ tình, tao chưa từng đón ai mổi buổi tan trường, tao chưa bao giờ nhận thư nàng gửi từ Cần Thơ đến quân trường Nha Trang, với những lời thề non hẹn biển…tao chưa từng hôn vội lên má ai, rồi mơ ngày hai đứa cùng sánh vai, đi hết khoản đường còn lại. ….và nàng chưa hề nhận lời cầu hôn của tao.
    Chỉ vì ở học đường thời đó, ai mà biết hai đứa tao có tình ý với nhau, là coi như ngang với “án tử hình”… Vì làm sao tao chịu nổi bọn bạn bè cùng lứa…chúng nó chọc quê…hình như học trò yêu nhau là cấm kỵ !!?? Ít có tiền lệ như thế ở nhà trường??
    …Xã hội bấy giờ đã đảo lộn, mấy cô giáo ngày xưa, ra chợ bán rau, bán cá, sĩ quan chánh quyền cũ đi tù, thầy giáo chạy xem ôm, chỉ vì tiền lương tháng, kém hơn một em bé ngồi bán xăng lẻ dọc đường…
    Mầy còn nhớ cô giáo X. không? Vì mắc cở nên che mặt sau nón lá ngoài chợ. Tao đi ngang không dám chào. Một hôm nọ, tao lấy sức bình sanh và đến ngay thau rau muống của cô và thưa. “Em xin chào cô”….Hải ơi! Cô rưng rưng ngấn lệ, những giọt nước mắt nóng từ đâu chảy xuống thành dòng….như gặp lại người thân. Như nhìn ra gương mặt nầy. Bà không làm quen với sự đối đải, giữa những người củ trong hoàn cảnh éo le nầy. Bà rất nghiêm trong lớp học, bà là ngươì có lương tâm nghề giáo. Bà cũng từng là vợ của Sỉ Quan Phi Công Phản Lực A. 37. Một binh chủng hào hùng và độc đáo. Nói tóm lại, đời sống của bà vô cùng lý tưởng, so với những ngươì phụ nữ thời bấy giờ. Tao thưa rằng: “ Cô ơi ! cả đất nước như thế nầy, chứ tội vạ gì riêng cô!!!
    Hỏi ra mới biết, chồng cô vùi xác trong tù cải tạo..vì mang tội là “ giặc lái ”. Ông ấy bị đày ra Bắc, sau mấy năm liền không có tin tức. Mãi đến khi có người được “ khoang hồng” thì bạn tù mới cho hay, chồng chị đã bị biệt giam và chết trong tù, xác không nguyên vẹn, chỉ vì khám phá ra chậm quá.. thú rừng đã xơi gần hết thân người…
    …Hải ơi, sau cùng tao vẫn không có chỗ ở, bèn trốn vào chùa để có miếng cơm. Nghe sao mà nhục quá, vì ăn chực cơm chùa, tức là mang nợ của đàng na!!. Tại vì phải lang thang mà không có căn cước, bọn trốn kinh tế mới như tao bị án treo… Án nầy treo.. dài dài cho đến khi… tắt thở. Ở một xứ mà công an đi ruồng như chúa chổm, mình lại không có giấy tuỳ thân, vì không có hộ khẩu ở thành phố, lang thang và bị lưu đày trên chính quê hương mình. Phải đành trốn vào chùa thôi.
    Ban đầu thì tao bị ăn chay, vì chưa quen khẩu vị, sau dần thì được ăn chay, vì ăn chay sao mà nó ngon miệng thì thôi. Ngon còn hơn cao lương mỹ vị nữa.
    Có lần đứng cạnh bờ “ao thả cá phóng sanh” trong chùa. Ðang nhìn mấy chú cá trồi lên mặt nước đốp mồi, thả bọt, đùa giởn vui thật vui. Tao tự có ý nghĩ, nghiệp oan của mình sao mà nặng quá thế nầy. Mấy con cá dưới ao còn được cho vào chỗ ở an toàn, còn được hưởng cơm thừa rửa chén, mổi ngày hai lần. Còn tao, sao chưa được ai “phóng sanh”?
    Hải ơi, tao mơ ước được có cái “ao đời ” để được hưởng quyền làm “con cá người ” để hàng ngày nhìn nắng ban mai mà biết mình đang sống, được thở khí trông lành, nhìn nắng chiều để biết hoàng hôn đang về trong vũ trụ, để nhìn thấy mục đồng dẫn trâu về chuồng, sau một ngày làm việc cực khổ…Còn tao… chưa có bình minh. Cuộc đời tao thì mãi hoàng hôn và mãi mãi là chỉ một cảnh trời chiều….Ngày nào đối với tao cũng là trời chiều, ngày nào tao cũng vác cuốc ra đồng, ăn uống thiếu thốn, trốn tránh ngay cả chính mình, lâu rồi tao không dám nhìn mình trong gương.
    Hải ơi! Ngoài kia trời đã chiều rồi mà tao chưa được về ..chuồng…khổ hơn trâu....làm người có gì sướng đâu Hải ??
    Có lúc tao giận đời, giận người, hận cả thế gian, vì mình quá xui xẻo, sanh nhầm chỗ.!!
    Trời ơi! Tại sao tôi phải là người Việt Nam? Tạo sao tôi phải quen biết Thuý? Tại sao phải vào quân ngũ? Tại sao phải đi tù? Tại sao tôi phải làm người…loại người đang sống mà thiếu thốn mọi quyền…Trời ơi! Tại sao? Tại sao??
    Nhưng Hải ơi, sau cùng tao không buồn giận gì nữa. Bây giờ thì tao biết tại sao rồi…….
    …Lần tụng kinh chiều ngày nao..đã làm “thằng người” của tao tỉnh giấc và nhận ra chính mình. Mùi khói hương trầm, quyện trong không gian tỉnh mịch, tôn nghiêm. Giữa chánh điện chùa, tao thấy mình không phải là cái của hiện hữu và có cái sở hữu nầy nữa?
    Cái gọi là “mình”, đã chưa bao giờ “tồn tại” !!! Tên tuổi? Nghề nghiệp ? Chánh kiến? Gia cảnh ? Niềm tin ? Ngay cả sự suy nghỉ, hiểu biết nầy, cũng chỉ là vay mượn…những thứ nầy không phải thuộc về mình, chính chúng là giả thân, không có tự tánh, là do tiền nghiệp mà có..một khi nhắm mắt.. chúng sẽ phải xa lìa..người đời gọi chúng là…cát bụi.
    ..Những giọt nước làm cho mặt hồ xao động, chính là những hơi nước hồ đã bóc lên và động lại trên cành cây lâu ngày, chính sự tích tụ đó là nguồn góc của giọt nước rơi lại xuống chỗ cũ, làm xao động mặt hồ…Mặt hồ yên lặng kia…tự nó có xao động bao giờ…

    PS: Mười năm sau đó, thằng công an bị loại khỏi hàng ngũ vì tội hối lộ. Thuý thôi chồng, về quê, nhưng không trỡ lại nghề giáo nữa. Có lẻ mối tình đầu của hai đưá, nàng mang theo như một kỹ niệm cuối đời. Khi viếng mộ của má tao, trước lúc vượt biên. Thình lình, tao thấy có lá thơ, không ghi tên người gởi, cũng không tên người nhận, với mấy hàng chữ :
    Bác ơi! Cho con xin lổi ảnh. Giờ con mới biết.
    Khi mất.. là mất hết tất cả…Hãy tha thứ cho em.. (nét chữ của Thuý) .
    Tao ngẫng mặt lên không, và thì thầm với bao la:
    Thuý ơi, Anh đã không còn ở quê hương khốn nạn đó nữa. Bây giờ anh đã đến cuối đường hầm của đời mình rồi..trước mặt anh là ánh sáng tự do. Vâng, Anh sẽ không bao giờ quên, sau lưng là quê nhà, có mộ phần của má anh, có em và có nhiều thứ khác nữa. Tất cả chỉ còn trong ký ức.
    Tao vẫn còn yêu người con gái nầy. Yêu nàng như yêu cả một thế hệ hẵm hiu. Vì nàng là một trong những cô gái đáng thương, bị trận cuồng phong của đời, khi tuổi mới đôi mươi. Thế hệ của chúng ta là nạn nhân của trận cuồng phong đó. Phải quên mình mới đứng vững./.

    Nguyễn Hoàng Tân
    viết xong Ngày Ðầu Thu 2009


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X