Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Người Muôn Năm Cũ

Collapse
X

Những Người Muôn Năm Cũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Người Muôn Năm Cũ

    Những người muôn năm cũ…
    Nguyễn Mạnh Trinh



    Trưa chủ nhật, tôi lái xe trên đường Bolsa. Những hàng phố hai bên đường tấp nập người qua lại. Quang cảnh so với mấy năm về trước đông đúc và náo nhiệt hơn nhiều. Dù trưa nắng, vẫn thấy lũ lượt đám đông trên hè phố. Vào trong thương xá Phước Lộc Thọ lại càng náo nhiệt hơn. Hình như, một sức sống mãnh liệt của người Việt tị nạn đang bung tỏa cả ra không gian và thời gian. Cuộc sống cứ như thế mỗi ngày, không ngưng nghỉ.

    Nhưng lái xe về hướng tây, qua khỏi con đường Beach, thì lại gặp một phong cảnh hoàn toàn khác. Dường như, lúc sống quanh quẩn ở phía đông con đường Bolsa thì lúc chết lại về tụ hội ở phía tây của đại lộ ấy. Nghĩa trang với bồn cỏ xanh, với đình lục giác, với vòi nước phun, dù là đất của cõi âm nhưng lại dường như tiềm tàng một cuộc sống khác, một cõi đời khác, của những chuyến khởi hành ra đi vào vô tận.

    Ở nơi chốn ấy, lúc nào cũng có những người thân đến để tưởng nhớ. Ở đó, lúc nào cũng có những nén nhang thơm hoài niệm những người đã xa đã khuất. Trong những vòm cây xanh, vẫn còn những tia nắng hiền đan vào nhau lung linh. Dưới bãi cỏ mượt, vẫn có những chú quạ đen, những chú chim dạn dĩ bay vờn trên những nấm mộ.

    Tôi đi thăm mộ mẹ tôi ngày Vu Lan. Mộ mẹ chan hòa nắng. Nhìn ra ngoài đường, xe cộ vẫn qua lại trong cái nhịp hối hả. Còn ở đây, bên trong, nắng như cũng đậm màu hơn, và không khí như loãng ra của những nỗi niềm nào mơ hồ. Nhìn mặt bia mộ, thấy lại đôi mắt mẹ. Và, trong phút giây ấy, tưởng như nắm bắt được một điều gì của thần giao cách cảm, của huyền diệu linh thiêng. Đừng có ai hỏi tôi đời sống sẽ chấm dứt thế nào mà hãy nghĩ rằng cuộc viễn du sẽ bắt đầu ra sao. Và, ở đây có phải là bến tạm cho một hành trình mà bất cứ ai cũng phải trải qua…

    Gần mộ mẹ tôi vài ba bước là mộ của anh Mai Thảo. Dường như có ai vừa đến thăm với đóa hồng cùng ly cà phê và điếu thuốc trên mộ. Khói thuốc như làm cho chân dung anh mơ hồ hơn và cũng sinh động hơn. Thơ khắc trên mộ cũng .. rất Mai Thảo. Những câu thơ làm mường tượng đến một đời đã qua, một cõi văn chương vẫn còn thật nhiều âm hưởng :


    “ Thế giới có triệu điều không hiểu
    Càng hiểu không ra lúc cuối đời
    Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
    Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi”

    Tự nhiên nhớ lại những câu nói của anh lúc sinh tiền khi ly ruợu ngất ngưởng trên tay, bàn về Nam Hoa Kinh, về cái lẽ “Một” của cái nhìn huyền đồng trong thơ để bây giờ tôi mới lờ mờ hiểu được trong sâu thẳm cái ý nghĩa của sự ra đi và trở về. Mới ngày nào, trong buổi sáng ở Bolsa, một ông già tay cầm cái túi giấy đi trên hè phố, và là một hình bóng quen thuộc của mọi người. Bây giờ, ông đã thành người muôn năm cũ. Nhưng, trong những người thân quen, đó là một vóc dáng của hoài niệm, của những điều khi nghĩ đến lại man mác trong lòng. Phố Bolsa không có lá vàng rơi, nhưng mỗi buổi sáng sớm lái xe trên con phố vắng lặng còn ngái ngủ tôi dường như thấy lại hình ảnh ông. Một ông già cô đơn lầm lũi bước một mình trên con phố xứ người mà lại thân thuộc như một quê hương thứ hai. Và lúc ấy, nhớ lại những bài thơ của ông, để hé ra những nỗi niềm, mở ra những phương trời suy tư của một cõi người nhiều hệ lụy…

    Đi trên con đường nhỏ xi măng chừng vài chục bước, tôi đến thăm mộ anh Long Ân nằm trong khu nghĩa trang quân đội. Ở đây, chan hòa nắng và gió làm phần phật bay lá cờ vàng ba sọc đỏ ở trên cột cờ cao. Cỏ trên mộ vẫn xanh, những đóa hoa thăm viếng vẫn còn tươi dù nắng trưa hừng hực trên đầu. Nhưng bài thơ trên mộ lại gợi lại một phương trời nào mênh mông cao rộng của những dòng sông mãi tha thiết một đời. Có bước chân nào về con sông xưa, để thấy trong sông yên lặng chảy một đời người sóng vỗ mênh mông. Anh Long Ân ghi lại tâm tình của mình và có lẽ cũng của chung nhiều người của một thế hệ sống và lớn lên từ những đoạn trường thời thế đầy khuất khúc phức tạp. Một cách khẳng định: Ta là một dòng sông mênh mông:

    “Nay Ta trở lại dòng sông cũ
    Rượu đã nhạt trong chai nhẹ không
    Ta thấy sông im nằm say ngủ.
    Còn chính Ta là sông mênh mông”

    Đi sâu vào trong, đến mộ nhà thơ Nguyên Sa. Ở đây có những bóng cây cổ thụ êm mát và thác nước phun để làm đích khi tìm kiếm. Như trong một góc khuất, mà tiếng xe như chỉ còn vọng âm và đời sống thường trong một phút giây nào đã trở thành xa cách. Nắng loang trên mặt cỏ, lung linh trên những hàng bia mộ. Thơ khắc trên mộ thi sĩ và nơi an nghỉ ngàn thu của ông có điều gì như trùng hợp. Thơ, có phải là tượng hình cho một chân dung để còn tồn tại với đời sau:


    “ Nằm chơi ở góc rừng này
    chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
    xin em một sợi tóc vàng
    làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
    biết đâu thảo mộc bớt đau
    biết đâu có bản kinh cầu dâng lên”

    Khi còn sinh tiền có lần ông nói bút danh Nguyên Sa đơn thuần gợi ý đến một hạt cát. Nhưng có khi tôi lại nghĩ sâu xa hơn về cái cực tiểu của hạt cát lại có chứa cả một biển trời mênh mông của cực đại . Và như thế, thi ca đã thành cánh vỗ để ông phiêu du vào những phương trời cao rông của chữ nghĩa văn chương. Có thể như vậy không? Có thể lắm chứ! Nhìn ảnh trên mộ, thấy ông đội mũ. Cái mũ của một vóc dáng quen thuộc ngày nào. Và như tôi thấy lại nụ cười của ông, một nụ cười hồn nhiên lúc trước và muôn đời trẻ như thơ của ông của “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”…

    Gần một vài bước chân là mộ Nguyễn Tất Nhiên. Cũng chung bóng mát của vòm lá cổ thụ, cũng lóng lánh màu nước phun dưới nắng mặt trời, ở đây là nơi yên nghỉ của một thi sĩ mà cái chết như là một duyên nghiệp tiền định. Từ hơn hai chục năm trước, năm 1972, Nguyễn Tất Nhiên đã làm bài thơ “Giữa trần gian tuyệt vọng” để tiên đoán giây phút cuối cùng của mình trên cõi dương trần. Bây giờ thành những câu thơ khắc trên mộ chí :



    “Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
    phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
    phải đau theo từng hớp rượu tàn
    phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định
    ( vì Thương Đế từ lâu kiêu hãnh
    cầm trong tay sinh tử muôn loài
    tình ta vừa gánh nặng thấu xương vai
    thì em hỡi ngai trời ta đạp xuống)

    Thơ của một chàng thi sĩ chết trẻ có nét nghênh ngang của sự kiêu hãnh của một người làm thơ nói giùm những người đồng cảm những thăng hoa của văn chương trong đời sống. Tôi lại nhớ đến câu nói của anh Trầm Tử Thiêng giờ cũng đã khuất núi nói về ngôn ngữ của thơ Nguyễn Tất Nhiên “chữ nghĩa của Nhiên nó “mềm” lắm nên khi phổ nhạc dễ thành những lời ca hay..” . Cái chữ “ mềm” anh dùng thật độc đáo khi nói về thơ Nhiên, một cách dân giả thành thực nhưng tạo nhiều liên cảm…

    Những người muôn năm cũ. Nay đã vào chung một chỗ nằm. Câu thơ Đinh Hùng trong bài “Chiêu niệm” đọc lên như một trùng hợp. Nghĩa trang này là nơi an nghỉ của thầy Nguyễn Khắc Hoạch, của thầy Vũ Văn Tiên, của anh Đỗ Ngọc Yến, của anh Trần Đình Quân, của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ,..và còn nhiều khuôn mặt danh tiếng khác. Tôi đã đến trước mộ thầy Nguyễn Khắc Hoạch và tự nhiên muốn đọc lên một bài thơ về Paris, về Sài Gòn. Cũng như đến mộ anh Trần Đình Quân để hát nhẩm trong lòng những ca khúc của “Vườn Dâu Xanh” hay đến trước mộ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nhớ đến những bài hát đã quen thuộc với tôi trong hơn nửa thế kỷ. Tôi cũng đến trước mộ anh Đỗ Ngọc Yến để tưởng tượng ra niềm say mê của một người làm nghề viết báo đã tạo dựng một tờ nhật báo bề thế bậc nhất ở hải ngoại...

    Có bao giờ tôi bâng khuâng tự hỏi như câu thơ Vũ Đình Liên. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ? Nắng vẫn loang vàng trên đất trời, và ở phía đông con đường Bolsa cuộc sống vẫn náo nhiệt.

    Tôi đứng trước mộ mẹ tôi. Có những ý nghĩ vụt qua, để thấy đời sống dường như chẳng bao giờ chấm dứt, cái phút giây cuối cùng lại là phút giây đầu tiên của một kiếp đời khác.

    Và rồi hôm nay, trong ký ức, lại hiện về những hình ảnh cũ, những xúc cảm xưa.

    Tháng tám ở Cali năm nay thời tiết như có điều gì khác lạ. Có lúc trời nóng nhưng có lúc trời âm âm với những đám mây xám xịt che phủ mặt trời. Đất trời hình như cũng xao xuyến vì những nỗi niềm nào. Trong dòng nhân sinh trôi đi, chuyện hiện tại và tương lai hay hiện tại bị xóa nhòa trộn lẫn vào nhau trong vòng quay siêu tốc của đổi thay dời đổi. Nhưng, có một điều, tâm cảm con người không đổi và lúc nào cũng bàng bạc ẩn giấu những nỗi nhớ thương…

    Tháng tám, như nhắc nhớ ngày lễ Vu Lan. Một ngày chủ nhật, tôi đến chùa nghe kinh và đọc kinh. Có lẽ, ở đời sống này, tôi đã lờ mờ thấy những gì gọi là tạm bợ. Hình như, tôi có cảm giác rằng những ngày bây giờ chỉ là bắt đầu cho một chu kỳ dù rằng bây giờ tôi đã qua tuổi năm mươi để đến tuổi sáu mươi. Sinh lão bệnh tử, một vòng tròn kín, có phải? Và, có ai hiểu được lẽ thành trụ hoại không ?

    Hôm nay, có một cô bé hỏi tôi. Chú cài bông hồng mầu gì? Và tôi trả lời. Mầu trắng. Một cách phản xạ. Nhớ lại vành khăn trắng, mùi nhang khói, đôi mắt nhắm lại của mẹ ngày nào, tất cả làm tôi như hụt hẫng. Đọc những câu kinh, nhìn lên bàn thờ Phật, để trấn tĩnh lại. Đôi mắt Đức Phật, như có chút gì sẻ chia, như có chút gì an ủi. Mẹ tôi đã đi xa. Bây giờ, hết rồi, không còn nụ cười móm mém mắt cũng cười theo khi nhìn con cháu. Bây giờ hết rồi không còn những chuyện kể ngày xưa lúc ở phố Lạng Sơn hay ở làng Phù Lưu. Bây giờ, mẹ đang nằm trong lòng đất xứ người. Và biết đâu, ở cõi âm phần đó mẹ trở về lại quê hương, để ghé thăm ngôi nhà cũ, ngõ làng xưa .Biết đâu…

    Tháng tám, trong tôi những cơn gió. Quỳ trước chánh điện, tôi quên đi cái nóng nực của thời tiết để theo cánh gió như cánh buồm của lời kinh dẫn dắt suy nghĩ của tôi đến một nơi chốn mà có lẽ đã xa vời mà sao gần gũi. Đời sống có lúc sao ngắn ngủi. Nhớ lại cả cuộc đời của mẹ, hình như không bao giờ nghĩ đến bản thân mình. Khi còn trẻ, vì chồng. Khi góa bụa, vì con. Những lúc ngặt nghèo, bao giờ cũng dang tay ra chịu hết nhọc nhằn cho con cho cháu. Sống ở xứ người cũng như khi sống ở quê nhà, nỗi vui của con cũng là nỗi vui của mẹ và cái đau xót của cháu con cũng là cái xót đau của bà…

    Có một lúc nào như khi trong trại cải tạo nghe bài “Lòng mẹ” tưởng không bao giờ gặp lại khi mẹ tôi đã di tản vào những ngày tháng tư năm 1975. Hay như bây giờ nghe bài “Bông hồng cài áo” để thấy trong dạ thổn thức. Lúc ở nghĩa trang, nhìn những con chim sáo đen mổ những hạt cơm cúng, tự nhiên tưởng tượng đến những ngã đường nào mù mịt trong cõi âm phần. Ra đi hay trở về, hiện tại không xác định được. Nhưng chỉ mường tượng một điều cuộc sống sẽ còn dài chẳng phải ngày một ngày hai mà chấm dứt…

    Có một bài thơ, đọc lại như một hơi thở dài, bâng khuâng…

    Tháng tám những ngọn gió trở về.
    Những ngọn gió từ thung lũng hoang sơ
    Khi thành phố dòn những mái nhà khô cong rêu xám
    Mưa đời ôi đánh thức tôi
    Làm một bài thơ nhớ mẹ.

    Tự hỏi mình
    Có chuyến xe nào ra đi không về
    Như chiếc xe tang mầu trắng hôm đó.
    Cỏ có bao giờ rạp dưới gót giày
    Khi nắng nhuộm vàng những cụm mây
    Và nước mắt như dòng sông mùa hạn

    Kiếm một góc khuất
    Để khóc thỏa thuê
    Sao cạn khô tuyến lệ
    Có nỗi đau nào từ ngực trái
    Đến tận đỉnh đầu như cơn buốt thịt da
    Ta đứng vững hai chân
    Sao nghe mặt đất rung lên từng chập
    Không phải cơn địa chấn
    Hãy hỏi ký ức ta ?

    Hãy hỏi ký ức ta
    Những ngày xưa đã cũ
    Bước chân nào ghé qua
    Phận đời ai tạm trú

    Hãy hỏi trong lòng ta
    Có bao giờ nhỏ lệ
    Ta có biết tuổi già
    Như mặt trời bóng xế.

    Hãy hỏi góc hồn ta
    Dấu những gì nuối tiếc
    Hỏi ta, hỏi chính ta
    Đến bao giờ vĩnh biệt

    Viết về mẹ. Một đề tài với tôi đã ấp ủ từ bao nhiêu lâu, tưởng khi bắt đầu thì sẽ câu tiếp câu, chữ tiếp chữ ào ào dễ dàng. Thế mà, tôi vẫn ngồi loay hoay, đánh vật với chữ nghĩa. Có những nỗi đau, tôi không muốn ngồi nhai lại. Có những hối tiếc, tôi muốn quên đi. Tự hỏi mình có bao giờ làm cho mẹ buồn chưa thì câu trả lời một cách thành thực là rất nhiều. Đứa con ngỗ nghịch cứng đầu, chính tôi. Đứa con sau những trầm bổng cuộc đời mới hiểu được thế nào là tình thương người mẹ. Nhưng khi nhìn mẹ nằm thiêm thiếp ở giường bệnh của nhà thương, tôi thấy lo, thấy buồn mà bất lực không làm gì được. Đời sống cứ thế cuốn trôi đi, chuyện phải đến đã đến. Có sinh có tử thì phải có luân hồi, câu kinh ấy đã đọc bao lần mà vẫn ngậm ngùi…

    Hôm nay ở chùa đông ngợp những người. Ngày xưa Đức Mục Kiền Liên trả hiếu cho mẹ thì bây giờ những người con tưởng nhớ đến mẹ cha. Những nụ hồng được gắn lên trên áo…

    Tôi trở lại nghĩa trang
    Con đường Bolsa ngoài kia náo nhiệt
    Mà ở đây.
    Trên bãi cỏ xanh
    Những chú sáo đen vẫn ngơ ngác trên bia mộ.
    Ở trong lòng đất
    Hình như tiếng hát cất lên.

    Không phải tiếng chú dế ngày xưa
    Cũng chẳng phải tiếng dương cầm buổi tối Sài gòn
    Có phải tiếng nhạc chiêu hồn trong đêm khuya bệnh viện.
    Không phải không phải đâu !
    Chỉ là âm thanh đồng vọng của những tháng ngày nào
    Mẹ ngồi nhìn ra mặt đường
    Bất động
    Khi giọt nắng ban trưa rót vào ô cửa kính.

    Hình như có bước chân
    Rất nhẹ.
    Như tiếng gió thì thầm.

    Những cơn gió tháng tám. Thổi về từ tháng bảy âm lịch mưa dầm sùi sụt quê nhà. Có nỗi buồn nào như những chiếc lá khô rụng rơi theo chiều gió. Ở Cali, trời vẫn nóng. Không có ai mặc giùm mầu áo xanh để nhớ lại những cổng chùa gió bay lồng lộng quê nhà. Và mầu hoa hồng, dù đỏ hay trắng vẫn bát ngát tình thương và nhắc nhở đến từ nhịp đập trái tim của những người xa xứ.

    Những cơn gió tháng tám. Ơi những cơn gió gửi vào trí nhớ tôi những giọt lệ. Những giọt lệ mà có lúc tôi đã gói kín vào cảm xúc. Làm sao trong cái nghẹn ngào riêng mình thấy mình như ấu thơ giữa những gian truân đã trải qua. Lạ lùng làm sao thấy mình quá đơn côi trên con đường sẽ phải đi đến và đi qua của cuộc đời

    Nguyễn Mạnh Trinh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X