Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mưu sinh thoát hiểm

Collapse
X

Mưu sinh thoát hiểm

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mưu sinh thoát hiểm


    MƯU SINH THOÁT HIỂM

    (Physical Fitness-Survival)
    Tình Hoài Hương
    *

    Đợt 11
    Điều hai:




    Khoá huấn luyện phi hành có ba ngày đêm Survival Days tại khu sình lầy của rừng Eglin AFB, đây là nơi từng huấn luyện Biệt Kích Mỹ, để sinh viên sĩ quan Không-quân học lớp Mưu Sinh Thoát Hiểm (Physical Fitness-Survival).


    Khoá sinh mặc bộ áo quần lót dày cui, nai nịt gọn gàng, kế đó mặc bộ đồ vía mùa đông ấm áp, bên ngoài mặc thêm áo treillis, đội mũ lưỡi trai trùm kín hai lỗ tai và cổ, mang giày ống cao loại giày đi rừng vượt đồi núi, hay lội sông suối, đầm lầy.


    Trang bị mỗi cá nhân gồm có:


    - Được đeo dao găm.
    - 1 bình bi đông đựng nước uống.

    - Đem theo dụng cụ cần thiết để cắm lều đi rừng.

    - Khóa sinh được phép chế ra cái ná dây thun.

    - Được cấp phát thuốc trừ sốt rét. Thuốc khử nước độc. Thuốc trừ muỗi.

    - Ngoài ra sinh viên sĩ quan Không-quân hoàn toàn không được mang theo chút xíu thức ăn nào, (trừ nước lạnh).




    Mỗi toán bốn người: Hoàng và Cường may mắn đi chung với hai cựu quân nhân Thủy-quân Lục-chiến Mỹ có nhiều kinh nghiệm dồi dào. Vì họ đã từng sống và chiến đấu tại chiến trường ở Việt Nam lâu năm. Sáng sớm hôm đó, ban tổ chức vất mỗi toán một ở nơi khác nhau; cách xa doanh trại của ban tổ chức cả bốn năm miles. Ban tổ chức hẹn ba ngày sau, sẽ gặp lại tất cả khoá sinh sinh viên sĩ quan Không-quân ở tại điểm X nào đó trên bản đồ.



    Ngày đầu tiên có dồi dào sinh khí, nên sinh viên sĩ quan Không-quân ai nấy đều vui vẻ hăng hái, nhóm Hoàng đi miên man trong rừng rậm, ngày đi đêm đi quá vất vả, mệt không thể tưởng tượng, thỉnh thoảng họ chỉ nghỉ ngơi khoảng vài ba giờ khuya cho lại sức.
    Ngày thứ hai họ bắt đầu thấm mệt, nhưng không thể nào có giờ phút ung dung ngồi nghỉ ngơi, trong bụng mỗi người trống rỗng, cồn cào bèo bọt, xót ruột quá sức, bình nước hết sạch khiến họ khát khô cổ họng rát bỏng, hai môi khô nứt nẻ và dính chặt vô hàm niếu, khiến mình thêm đau, và mệt lử.
    Họ hốc hác, bơ phờ đi tìm nguồn nước ở các khe suối, mương lạch, khử trùng cẩn thận trước khi nhấp môi, cho bớt khát bớt đau cổ và quá mệt mỏi. Nhưng ai nấy đều quyết tâm phải thực hành môn học “quái ác” nầy cho bằng được. Đàn anh niên trưởng đã thành công vẻ vang vượt trội, cớ sao mình không giống được như họ thế nhỉ!



    Ngày cuối cùng là Escape Day. Sau khi tất cả khoá sinh biến sâu trong rừng rậm, họ tỏa đi trên các đường mòn, thì có nhiều cán bộ huấn luyện viên rất “ngầu” mặc toàn đồ pijama đen, cán bộ đeo mắt kính râm, đội mũ lưỡi trai, cổ choàng khăn len, vai đeo AK lủng lẳng đập lộp cộp vô dây nịt, (coi giống “Vi Ci” quá ta). Họ lanh như sóc, chạy rảo quanh khắp nơi lùng sục dòm ngó. Nếu họ thấy có toán sinh viên sĩ quan nào vô tình, hay vô ý đi lang bang ngơ ngác đi trên đường cái. Thì cán bộ nổ súng (đạn mã tử) ngay. Lập tức họ chận bắt sinh viên sĩ quan ấy lại.

    Thế là toi đời... sinh viên! Khoá sinh phải đưa phiếu của mình ra, cán bộ bình tĩnh ung dung cười tủm tỉm, bấm lỗ vô những chỗ nào mà khoá sinh ấy sai phạm (“người ta” thì lo âu, đau khổ thấy bà nội, mà nhìn cung cách cán bộ ung dung tủm tỉm cười cười! còn hơn (“một nụ cười bao thành cũng đổ" của Bao Tự). Lỗi, ví dụ như:

    - Lỗi, khi đi trên đường mòn.

    - Không ngụy trang khéo léo.

    - Bị lộ mục tiêu, vân vân...




    Tuần sau, những anh sinh viên sĩ quan ấy băn khoăn, lo lắng, phập phồng vì phạm lỗi đó, họ buồn xo bâng khuâng phải xếp hàng đi thi lại môn nầy. Thật trớ trêu, cười không được khóc cũng không xong, chỉ biết ngậm ngùi âm thầm khóc mếu ngâm câu thơ đường thi: “Thủy lưu hoa tạ lưỡng vô tình”. Nước cứ vô tình chảy theo dòng và cuốn trôi tất cả mộng ước đời trai. Đây cũng là một kinh nghiệm quý báu trong đường binh nghiệp, họ sẽ lưu tâm cẩn thận, bền gan trì chí hơn thì sẽ thành công tốt đẹp. Dĩ nhiên! các anh sẽ thành công và thành tài thôi. Phải không em?

    Họ sẽ giống như ông Khuông Hoành thời Hán (bên Tàu) nhà nghèo đến nỗi không có tiền mua sách, mua đèn để thắp, ông liền nghĩ ra cách xoi lủng bức vách nhà kế bên, để hưởng tí ánh sáng, mà học bài. Sau đó ông ấy xin vô làm công ở một nhà giàu kia đã lưu trữ nhiều sách vở. Ông Khuông Hoành không nhận lấy tiền công, chỉ xin mượn sách để học. Nhờ ông có ý chí, chuyên cần, và cầu tiến, nên ông đã thành công vẻ vang.

    Trong ba ngày đó tất cả toán sinh sĩ quan Không-quân phải tự lực cánh sinh: Băng rừng rậm. Vượt đèo leo dốc trơn trượt cao chót vót. Lội sình lầy. Đầm lầy sâu lút đến ngực sền sệt bùn và đất sét trộn lẫn vô càng dẻo quẹo. Nếu ai sa chân vô chỗ nầy, khi ta cựa quậy thì mình càng bị lún sâu xuống bùn, không thể nhấc chân lên giữa đầm rộng mênh mông, toàn cây gai chằng chịt rậm rạp mọc lúp xúp, bẩn thỉu, hôi tanh. Đầm tối âm u đầy dẫy muỗi, cá sấu, trăn, rắn, rết, bọ cạp, vắt, ve. Toàn là “thứ dữ” độc hại biết bao, chúng có thể giết chết con người trong nháy mắt. Vì thế mới gọi là Survival. Ban tổ chức nói:
    - Nếu ai bị rớt máy bay ở trong rừng, mình phải biết linh hoạt, thông minh, uyển chuyển lanh lẹ ứng phó, để thích nghi với mọi hoàn cảnh. Sau đó ta tự mình tìm cách sống, rồi chờ đợi cứu viện sau.


    Úi Trời! Nơi đây đầy nguy hiểm, nhứt là ngày đêm lo ngay ngáy vì những nanh vuốt mãnh thú, nhìn miệng mồm của bầy cá sấu ốm đói mở toác hoác, chúng luôn bò lổm ngổm trong đầm lầy, để sục sạo tìm thức ăn, thì tính mạng con người coi như chỉ mành treo chuông.

    Buổi tối hôm ấy trời cuối thu rất lạnh. Nhóm sinh viên sĩ quan Không-quân bốn người không thể nào ngủ ngáy gì nỗi. Bốn người lo đi chặt cây làm một cái lều nho nhỏ, họ gom góp đầy cây khô, củi mục, kể cả lá cây tươi kèm vào, họ chất thành đống to để đốt lửa.

    Các bạn nhịn đói nhịn khát ngồi sát bên nhau sưởi ấm. Nửa đêm, khi quá đói, Cường không chịu nỗi, anh đành lôi ra hai cái hot dog, mà bạn đã dấu kỹ đâu đó, Cường nướng trên đống lửa, bốn người “sáng mắt ra”, thật là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Cường chia đều “cuả quý” với bạn chung nhóm, họ khoan khoái ngồi chụm đầu vô nhau. Bây giờ đúng là lúc cùng “ăn một mâm nằm một chiếu”, tâm đầu ý hợp giữa những người cùng cảnh ngộ là thật tình thân thiết.

    Họ từ tốn nhai nhỏ nhẻ ngấu nghiến như mèo gặm nhấm thật lâu từng rẻo hot dog. Họ “ăn lấy thơm lấy tho, chớ không lấy no lấy béo”. Vì “ăn lấy vị, không ai đong lấy bị mà ăn”. Họ uống từng ngụm nước nhỏ. Mọi người vui vẻ trao đổi những kinh nghiệm, kể chuyện về thời niên thiếu ở quê nhà, nói chuyện phiếm, tếu rất vui, ngỏ hầu tạm quên thời gian chậm chạp trôi, cho bớt buồn ngủ và bớt lạnh cóng. Kể chuyện tếu, là cốt mong cho trời mau sáng. Nhứt là muốn quên trong bụng cứ “réo rắt” sôi ọc ọc, ruột non ruột già đều phản đối biểu tình dữ dội vì đói, đòi ăn.



    Lúc đó thì Hoàng và Cường tha hồ moi trong óc ra tìm “những vần thơ” trong tục ngữ, thành ngữ, ca dao về “ăn” và “đói” mà cười hể hả. Họ thông dịch lại những câu ca dao cho hai bạn Mỹ đồng hành nghe. Mọi người cảm thấy thú vị, reo vui. Nhứt là hai bạn Mỹ quá “nể” và "trọng" người Việt Nam mình: một dân tộc ôn nhu, cần mẫn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thông minh, giàu tình cảm, trọng tình trọng nghĩa “ăn đến nơi, làm đến chốn”, và “ăn hiền ở lành, ăn ngọt trả bùi”, thủy chung:

    “Ăn chanh ngồi gốc cây chanh.
    Khuyên cội khuyên cành khuyên lá khuyên lung", dù: "đói rụng râu, rầu rụng tóc". Đói đầu gối phải bò. Đói ăn vụng, túng làm liều. Ô!

    - Không được. “Đói cho sạch, rách cho thơm”. “Đói cho qua, nết phải giữ”.
    - “Đói cơm lạt mắm tèm hem, cơm no ấm áo lại tìm nọ kia”.
    - “Đói lòng ăn trái khổ qua, nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười”.
    - “Đói lòng ăn một quả sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương”.
    - “Đói thì thèm thịt thèm xôi, hễ no cơm tẻ thì thôi mọi đường”.
    - “Đói thì đầu gối phải bò, cái chân phải chạy cái giò phải đi”. Mau lên, đứng dậy, đi… trời đã sáng rồi! Đi…



    Bình minh mập mờ vừa thấp thoáng lấp ló trong đầm lầy, thì họ vội vàng thu dọn sạch sẽ, cẩn thận xoá kỹ hết các dấu vết, dập tắt lửa cẩn thận mới bắt đầu ra đi. Hai ông Thủy-quân Lục-chiến nhìn lui nhìn tới, chu đáo cẩn trọng xem la-bàn định hướng, họ đi trước dẫn đường, Hoàng và Cường lẽo đẽo lọt tọt đi bám riết theo đó, không sợ “giao trứng cho ác” vì họ rất tin hai bạn ấy đã giàu kinh nghiệm ở chiến trường Việt Nam.


    Dọc đường, nhóm nầy đã gặp một toán sinh viên Hải-quân bạn đi ngược lại hướng mình đang đi. Nhóm Hoàng vui mừng khi đã biết: Từ nơi nầy (chỗ tám người đang đứng nhìn ngó xung quanh, tính toán, cân nhắc, thảo luận), để đi đến điểm hẹn X, là chỉ còn cách xa chừng năm trăm, hay sáu trăm mét mà thôi.
    Ôi quá tuyệt vời.


    Nhưng bốn ông khoá sinh Hải-quân vừa gặp cứ gân cổ lên cãi lại hai ông Thủy-quân Lục-chiến Mỹ, họ lắc đầu muốn gãy cái cổ không tin hai ông Thủy-quân nói gì hết, họ vội vàng từ giã mọi người tiếp tục đi ngược lại hướng nhóm Hoàng Cường đã đi. Hai anh Thủy-quân Lục-chiến dù đầy thiện chí cố gắng giải thích khuyên bảo gì, thì nhóm sinh viên Hải quân nọ cũng ngoan cố, không chịu nghe mà! Biết làm thế nào được. Thây kệ!



    Đến chiều, toán bốn người Hải-quân mà Cường Hoàng vừa gặp buổi trưa, đã đi mất dạng vô trong rừng sâu, xa hun hú, họ bị lạc gần tám cây số trong rừng rậm âm u chằng chịt gai góc và đầm lầy u ám. Nơi đây, mặc dù có ánh mặt trời chỉ hơi nghiêng về chiều, nhưng ở trong rừng rậm thì ban ngày cũng tối đen, âm u như đêm ba mươi không trăng sao.


    Bốn anh Hải-quân kia đành dùng tín hiệu kêu cứu khẩn cấp xin trực thăng đến địa điểm đã bị lạc, để đón họ quay về điểm X. Họ phải “đau khổ” buồn bã chờ đợi... khi nào có một kỳ học khác, họ đi thi lại môn Mưu Sinh Thoát Hiểm (Physical Fitness-Survival) nầy.



    *




    Tình Hoài Hương





    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X