Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ba má của tôi

Collapse
X

Ba má của tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ba má của tôi


    Tôi mạn phép chia sẻ bài viết về "Ngày của Cha".
    Cảm ơn Admins, cảm ơn quý anh chị ghé đọc bài tôi viết.
    Chúc Ban Quản Trị, thành viên và gia đình có sức khỏe dồi dào, bình yên, vui tươi, như ý nhé.
    Quý mến.
    Hoài Hương.
    *

    BA MÁ CỦA TÔI
    Tình Hoài Hương.
    *

    Tinh thần gia đình là gì?
    Đó là: Pha trộn tình mến sợ cha. Tình âu yếm sợ mẹ. Kính trọng cả hai. Thán phục nhân đức của cha lẫn mẹ. Bỏ qua các lỗi lầm. Ghi nhớ công ơn. Thông cảm đau khổ. Cảm kích các hy sinh của cha lẫn mẹ”.
    (P. Janet).

    Ba của Hồng Hạnh là người con thứ tư, sinh trưởng trong một gia đình bề thế giàu có ở làng Hưng Nhơn, thuộc tổng An Thơ,
    phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

    Ba làm nghề thầy thuốc Đông Y ân cần chu đáo, Ba tận tụy trị bệnh nhân khá mát tay, đúng là “lương y như từ mẫu”.
    Ngoài ra, Ba còn có vài ba nghề tay trái: cưa xẻ cây gỗ, làm nông, và mở một trang trại ương cây giống rất to lớn. Dĩ nhiên, mọi công việc nặng nhọc về vườn tược, đồng áng, Ba có nhờ tá điền, quản gia phụ việc.

    Ba Má Hạnh rất hiền, đạo đức và giống nhau ở lòng nhân ái, phúc hậu (mà các con ưa nói Ba Má có tính tào lao: "ăn cơm nhà vác ngà voi"). Ba Má sống cuộc đời khá hoàn thiện, ngày nào họ cũng xem là ngày cuối cuộc đời trước mặt Chúa: không gian dối, không thất đức, không lừa gạt ai, họ chỉ ôn nhu, yêu tha nhân, tận tình giúp đỡ người khốn khổ và cần mẫn tận tụy làm việc.

    Điển hình là họ bị quật ngã biết bao phen trong cuộc đời thăng trầm sướng khổ cay cực, mà họ không chịu lùi bước. Ba Má đắn đo suy nghĩ quyết chí làm một việc gì, thì họ đồng tâm hiệp sức phải thực hiện tạo thành cơ nghiệp ấy cho kỳ được. Dù gian truân đến đâu mặc lòng.

    Ở quê nhà nay chỉ còn hai ông bà lom khom lui cui đi ra đi vô thui thủi, nhưng họ không thấy phiền muộn bên ngọn đèn dầu tù mù le lói chút ánh sáng, Ba luôn cúi xuống quyển sổ bệnh nhân dày cộm, mà sự sống Ba Má vẫn đạm bạc, khiêm nhường, là sao hở Ba?

    Cuộc đời Ba Má hầu như cắm rễ khá sâu nơi miếng đất gia tiên, gắn liền với ruộng nương, vườn sắn, ao bèo, gốc tre, bụi chuối. Các con chưa có cách gì gỡ Ba Má ra nổi trong cái “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” nầy, dù chỉ một phần điền tẻo teo, mà họ ưa thích nén lại chân quê.

    Nơi mái nhà xưa, Hạnh thiết nghĩ đó chân trời mở ra cánh cửa buồn thảm, không hứa hẹn vui vẻ, không bình an ở thời kỳ bắt đầu có chiến tranh. Những viên đạn xoáy tít trong không gian tạo thành luồng vàng sáng, loé ánh lửa đỏ xẹt xẹt bay vút qua vút lại trên đầu. Thì sự sụp đổ của một gia đình bề thế trước kia, nay đã bị uốn cong như con đại bàng gãy cánh trên đống hoang tàn.

    Mặc cho mặt trời bừng dậy từ phương đông, mặc kệ giặc phương bắc về đây gieo tang tóc lầm than khốn đốn đến nhiều gia đình, rồi tàn bạo kéo nhau đi nơi khác, mặc bệnh tật đói rách ở lại, đau thương và khốn khổ trăm điều điêu đứng vẫn còn đây. Ấy vậy mà Ba vẫn điềm nhiên ngồi bốc thuốc. Giờ rảnh, Ba ra vườn cuốc đất thành từng vồng trên đống sỏi đá khô cằn nứt nẻ, với hy vọng bừng lên.

    Ngoài nghề chính là thầy thuốc, những thì giờ còn lại, Ba thích làm vườn, theo tháng năm chất chồng, chiếc áo cần lao của Ba ngày trước còn mịn và mới, do thời gian đã bào mòn sức lực con người, thì những chiếc áo ấy, ngày nay vá mấy chỗ dày cui khô và cứng. Mỗi lần Ba cử động, tấm áo cũ kêu sột soạt như cái mo cau cọ siết rít vô nhau, tiếng kêu hãnh diện đắc thắng của người dạn dày kinh nghiệm làm đất đai phải thuần thục.

    Ba Má Hạnh luôn đắn đo, chần chừ do dự mãi; nếu họ dọn đi ra khỏi vùng Mỹ Chánh, nơi chó ăn đá gà ăn muối, thì Ba Má quá thương dân quê cần cù lo làm lụng, mà họ vẫn đói khổ triền miên, ốm đau bệnh nạn họ nằm đó ngáp ngáp chịu trận.
    Đã một đời Ba vì đất vì đai, vì dân quê làng xã, vì bệnh nhân cùng đinh nghèo khổ đói rách rồi. Nếu có Ba đi lui đi tới an ủi vỗ về, chăm lo, giúp đỡ, săn sóc, thuốc men, thì họ được giảm bớt cơn đau rất nhiều. Họ không có gì đền trả… ngoài sự tận tụy làm việc kiếm sống, tấm chân tình cưu mang ơn trọng nghĩa cao với ông thầy thuốc, chỉ bằng cách họ chia sẻ kinh nghiệm đồng áng, kèm theo nụ cười thân thiện nở trên môi.

    Ba chế ngự mọi thử thách gian khó bằng hai bàn tay “thư sinh lẫn cần lao, cần cù" cùng sự từng trải, thấu hiểu. Hai tay Ba Má làm việc thoăn thoắt, vất vả bận rộn tất bật, chân nầy chưa kịp đặt xuống bén đất, thì chân kia đã nhấc lên. Nhiều lần mải mê làm việc, Ba Má quên ăn uống. Đó là kết quả một đời Ba lao lực phơi mình giữa nắng mưa khuya chiều mà cuốc cày đất đai không ngơi tay.

    Từng ấy nhọc nhằn khốn đốn mà Ba chưa thất kinh, không chịu ngồi yên. Nay, Ba lại bươn bả đi mở đất khai hoang, mong đem ấm no cho người thất nghiệp. Ba tận tình giúp họ từ vật chất đến tinh thần và kinh nghiệm. Túi tiền Ba Má không lúc nào đầy, trái lại hao hụt khá nhiều. Đó là niềm tự hào dân tộc, là nguồn vui sót lại trong đời khi Ba tuổi già sức cạn.

    Hồng Hạnh nghe quá đắng cay chua xót trong lòng, làm sao Ba có thể mang hết cả gia tài khiêm nhường dành dụm gần suốt đời người, để lo cho bá tánh nghèo khổ quá đông đúc! Khi tận mắt nhìn thấy Ba kêu Má xắn tay áo lên phụ lo cho người thương tật, ốm đau, mà họ không một lời thở than.
    Niềm vui đó có phải do Ba đã vắt cạn kiệt ra từ trí não, trầy trụa trên tấm lưng cong, ở bờ vai trần, để san sẻ ban tặng không công cho đời thụ hưởng.

    Hồng Hạnh ví Ba Má giống như Khuất Nguyên thời Chiến Quốc loạn lạc liên miên. Khuất Nguyên là một thi hào Trung Hoa, ông trí thức hữu ngã, hữu nghì, tài trí, đức hạnh, là bậc trượng phu ngay thẳng. Nhưng gặp Sở Hoài Vương (Trung Hoa) bất tài, ham mê tửu sắc không lo việc nước.

    Khuất Nguyên nhiều lần khuyên can, nhưng nhà vua không chịu nghe, vua nghe lời hèn thần, họ xu nịnh đã hãm hại ông. Nên Khuất Nguyên bị lưu đày, ông buồn chán đã viết thiên truyện “Ly Tao”, làm bài phú “Hoài Sa” để cảnh cáo nhà vua. Khi lịch sử bỏ quên chuyện thế thái nhân tình, Khuất Nguyên tự cột đá vô người nhảy xuống sông tuẫn tiết, ông đã chết thảm.

    Sách Luận Ngữ viết: “Quân tử nghiêm trang mà không tranh với ai. Hợp quần với mọi người mà không bè phái”. Thật quá hay. Hoàn cảnh cổ nhân ngày xưa, và Ba của Hạnh là ông thầy thuốc sắp đến tuổi "cổ lai hy" thật không khác chi mấy.
    Có khác chăng ở chỗ ba biết vận nước đến thời kỳ tha hóa, ba tự giam mình trong góc núi, lánh xa bể đời luân lạc. Ba chỉ mong phục hồi miếng đất khô cằn sỏi đá đã bị gió táp mưa gào vùi dập tả tơi, nơi vùng đất cằn cỗi chính phủ chưa cần trưng dụng: để Ba quên Đời, quên con người.

    Nhưng có người không quên Ba, đó là anh của Ba, bác Trần Văn Lý người làng Cây Đa, phủ Hải Lăng. Bác Lý đã đứng ra lập Hội Đồng Chấp Chánh tại Trung Kỳ. Bác làm Thủ Hiến Trung Việt năm 1948.
    Người thứ hai là ông Trần Văn Hữu, người lập ra Quân Đội Quốc Gia, là một chính khách lỗi lạc. Đồng bào được đãi ngộ xứng đáng, công dân rất quý trọng ông Hữu, tiền bạc thời của ông có giá trị cao, tương xứng với mức cần lao.

    Hai ông đã mời Ba tham chính, ấy vậy mà Ba mỉm cười ái ngại lắc đầu, hòa nhã cám ơn "xin không". Ba Má chỉ lặn lội về ẩn dật nơi vùng hoang dã. Đó là phần cuối con đường đi tìm sự sống bên người già nua run rẩy trên luống đất thiếu màu mỡ, thiếu tin tưởng. Đó là kết quả một đời lao lực, cần mẫn của mẹ cha đã nhỏ từng hàng nước mắt chan mồ hôi trên luống đất khô cằn.

    Ba má vẫn không sờn lòng cấy lại nắm mạ đầu tiên với hy vọng bừng lên sóng mắt bờ môi. Ba Má thật là một tấm gương sáng về sự cần mẫn chịu đựng và kiên nhẫn đáng trân trọng.
    * * *


    Ba Má vất vả nhọc nhằn quá chừng, khiến người tao nhã khôn ngoan, dạn dày kinh nghiệm trí thức như Ba, đôi khi trở thành lầm lì, nghiêm nghị trầm lặng và khó tính.

    Có một lần thấy anh Thuyền đi học về, áo quần lấm lem, bị bầm mắt, chảy máu mũi, Ba kêu anh qua phòng khám, vừa làm việc, Ba hỏi nguyên nhân tại sao.

    Nghe xong, Ba điềm đạm nói:

    - Đánh nhau, dù bạn đánh con trước, đều có lỗi. Bạn mặc cảm bị thua sút con về nhiều mặt, bạn đâm ra ganh tỵ, thù ghét, tức giận để tâm ghim gút trong bụng, khi nào con có sơ hở, bạn liền trả thù. Phần con, Ba từng dạy con:

    - Con vô trường, lớp, nên tìm bạn mà chơi, cần học hỏi nơi bạn hữu những điều hay, tìm bạn giỏi hơn con, để cùng nhau ôn tồn ganh đua học tập.

    Ganh đua, chớ không phải ghen ghét, hay ganh tỵ, hiềm khích, nghe chưa?

    Ganh đua với người giỏi hơn con, mới xứng đáng để con mở mang đầu óc, mà học hỏi nơi bạn điều hay lẽ phải. Không cần ganh, ghét người dỡ hơn con làm chi.

    Thấy người ưa tỵ hiềm, nhỏ mọn, hung ác, con phải nhớ: chỉ im lặng mỉm cười cúi chào bạn, rồi con lo bước đi, tránh xa người đó. Con đã sai, vì con đã đứng lại đôi co, rồi đánh bạn bị thương như con, thì còn ra cái thể thống gì. Hả?

    Ba thường lấy câu của bậc tiền bối, thánh hiền răn dạy con cái. Thí dụ:

    Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kỳ thiện giả, nhi tòng chi. Bất kỳ thiện giả, nhi cải chi”. (Ba người cùng đi, tất nhiên có người là thầy ta. Hãy theo đó mà bắt chước. Nhìn người xấu, nên tự sửa mình).


    Hoặc câu Quan Tử:

    Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ... là bốn rường cột để duy trì giữ vững quốc gia. Bốn rường cột ấy nếu không căng được lên, có nghĩa là người trong nước mà vô lễ, vô nghĩa, vô liêm sỉ - thì quốc gia ấy phải sụp đổ, và tất nhiên bị diệt vong.

    Đôi khi mộc mạc đơn sơ bình dân hơn, Ba nói:

    - “Tiên học lễ, hậu học văn”. - “Nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi”.

    Hoặc là:

    Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách, thì soi gương thấy mặt mũi đáng ghét. Nói chuyện lạt lẽo, khó nghe”.

    Ba ưa nói câu của cổ nhân để gián tiếp răn dạy các con:

    - “Nếu ta có đứa con phải giáo dục. Ta sẽ lo cho nó cái gì? Tạo cho nó thành thiện nhân, hay vĩ nhân?”

    Ta tự đáp: “Phải tạo cho nó thành thiện nhân”.
    * * *
    Tình Hoài Hương.
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X