Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Miền nam đã mất các nơi...

Collapse
X

Miền nam đã mất các nơi...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Miền nam đã mất các nơi...

    Tôi xin mạn phép được chia sẻ tiếp bài viết: "Thương hải biến vi tang điền", phần 2
    Cảm ơn quý anh chị ghé đọc bài tôi viết.
    Chúc Ban Quản Trị, thành viên và gia đình có sức khỏe dồi dào, bình yên, vui tươi, như ý nhé.
    Quý mến.
    Hoài Hương.

    MIỀN NAM ĐÃ MẤT CÁC NƠI...
    (Thương hải biến vi tang điền)
    Phần 2

    Tình Hoài Hương
    *

    Qua đầu Tháng Tư năm 1975, nhóm anh em tôi đi lang thang ở ngoài lộ, luôn nghe láo pháo nhiều người nói đủ thứ chuyện buồn, bây giờ thì chuyện không nói có, chuyện có nói không. Chẳng ai có thể đi đâu kiểm chứng, vì mọi ngả đường đông nghịt người không thể chen chân, tôi chỉ đứng một chỗ hóng chuyện cũng đủ lo lắng muộn phiền mà mệt đừ.

    - Ngày 2-4-1975: mất Nha Trang. Ngày 3-4-1975: mất Phan Thiết. Từ sông La Ngà, khu Tánh Linh, qua phía nam Định Quán, Rừng Sác ra cửa biển Cần Giờ: đang bị đe dọa trầm trọng.

    - Ngày 8-4 có trận đánh vô cùng ác liệt giữa quân lực Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, với quân đoàn 4 và sư đoàn 6 Chủ lực
    quân khu 7 của cộng sản Bắc Việt.

    Việt Nam Cộng Hòa có Sư đoàn 18 tăng cường Lữ Kỵ binh, Sư đoàn 5 Thiết giáp. Các Liên đoàn Biệt Động Quân từ Quân khu Một, chuyển về Quân khu Hai để bảo vệ Xuân Lộc, Long Khánh, Dầu Giây, do Chuẩn tướng Lê Minh Đảo Tư Lệnh Sư đoàn 18 đảm nhiệm.

    - Ngày 10-4-1975: hai Trung đoàn 43 và 48 (của Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng Hòa và một Lữ đoàn Dù), cùng Lữ đoàn 3 Kỵ
    binh, từ Biên Hòa ra Xuân Lộc tiếp ứng, giao tranh ác liệt dữ dội đến ngày 19-4-1975.

    - Ngày 18-4-1975: mất thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận.
    Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc hiệu triệu quốc dân đồng bào. Đài phát thanh và truyền hình nhai đi nhai lại bản tin nầy nhiều lần.

    - Ngày 19-4-1975: Bình Tuy đang sôi động. Giao tranh ở tuyến đường số 1, từ phía đông và đông bắc Sài Gòn, tới Trà Võ,
    Bàu Nâu, Gò Dầu Hạ.

    - Ngày 20-4-1975:Biên Hòa, Bà Rịa, Xuân Lộc triệt thoái.

    - Ngày 20-4-1975: khu Rừng Lá (cách Xuân Lộc độ 20km) coi như mất liên lạc.


    Trong khi đó ngày nầy Bộ Giáo Dục ra thông báo đóng cửa không có thời hạn tất cả các trường: tiểu học, trung học, đại học và các trường chuyên nghiệp trên toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam (cho đến khi nào có thông báo mới).
    Nhiều người nhốn nháo chèn ép xô đẩy nhau tìm đường chạy thoát thân, mong ra khỏi chỗ đông nghẹt người từ các nơi dồn về Thủ đô Sài Gòn ngột ngạt. Mọi tiếng động đều đinh tai nhức óc không bao giờ ngưng.

    Nhóm tôi hốt hoảng lo sợ vì đủ thứ chuyện thay đổi liên tục xảy ra từng giờ. Tin xấu càng xấu tệ chẳng lạc quan vui vẻ gì! Nhóm tôi đã cúi mặt ôm nhau ngồi trong xó hè mà khóc hụ hụ.

    - Hồi xưa, nhà bác học lẫy lừng Pierre Curie khám phá ra chất phóng xạ radium năm 1900. Và, ông Mc Robert Namara cho
    trắc nghiệm khai quang rừng rú, ông chế ra một loạt chất độc màu trắng (nhưng không hiểu sao ở ngoài thùng đựng thuốc ấy, theo ý ông lại đặt tên màu da cam (Agent Orange) để tiêu diệt cỏ?

    Thì ngày nay, Tổng thống Thiệu đã lưu lại danh thiên cổ gì cho núi sông? Khi mà ông Trạng Trình đã nói: “Bắc hữu kim thành
    tráng. Nam hữu ngọc bích thành
    ”. Cố mà gìn giữ Việt Nam toàn vẹn, thì mọi công dân đều ấm no an vui, keo sơn gắn bó.

    Bộ Tổng Tham Mưu, sân bay Tân Sơn Nhứt, Bộ Tư lịnh Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha Cảnh sát, Thủ đô Sài Gòn có 12 quận nội thành, và sáu quận ngoại thành: Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Duyên Hải đều báo động đèn đỏ 100%.

    - Ngày21-4-1975: hằng triệu triệu người già trẻ lớn bé ở Miền Nam Việt Nam chồm tới bu quanh nhìn sững vào vô tuyến truyền hình, lắng nghe miết mãi, chờ đợi khoảng nửa giờ sau vị nguyên thủ quốc gia Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền thanh truyền hình đọc diễn văn từ chức ngày 21 tháng Tư năm 1975, đại khái:

    - Tôichính thức tuyên bố từ chức tổng thống, tôi trở về với quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thì quân đội có thêm một Trung tướng. Chúng ta sẽ cùng nhau nỗ lực chống cộng sản, bảo vệ Miền Nam.

    Ôi! Bàng hoàng sửng sốt, quân nhân các cấp ai nấy đều quyết chiến đấu, họ chịu bao gian khổ và hy sinh đến giọt máu cuối cùng trên chiến trường, để bảo vệ quê hương và dân tộc, thì chắc chắn họ tin ông Thiệu sẽ về với quân đội, mọi người cùng một lòng trung quân ái quốc quyết bảo vệ Miền Nam.

    Thật ra, Tổng thống Thiệu làm tổng thống hai nhiệm kỳ, ngài đã thành lập đảng Dân Chủ. Nhiều lần Tổng thống Thiệu lên đài truyền thanh, truyền hình mạnh mẽ đọc diễn văn; trong đó có những câu bất hủ như:

    - Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!

    - ... Không ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản.

    - Chúng nó đã nói: "công đức ngàn đời con tố mẹ, tình nghĩa trăm năm vợ tố chồng".

    - Đất nước còn, còn tất cả. Cộng sản thắng, mất tất cả.

    - Sống không có tự do, là đã chết.

    - Mỹ còn viện trợ, thì chúng ta còn chống cộng sản.

    - Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa, thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm, mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập!

    - Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ thì rất khó.

    - Tôi mà tham nhũng, thì chính phủ này sẽ sụp đổ trong ba ngày!

    Tổng thống Thiệu hùng hồn khẳng định tuyên bố “bốn không” chí lý:

    1- Không thừa nhận cộng sản.

    2- Không lập chính phủ liên hiệp.

    3- Không trung lập hóa Miền Nam Việt Nam.

    4- Không nhường một tấc đất cho cộng sản.

    Không hiểu từ đâu rò rỉ ra mấy tin đồn rùm beng:

    1. Việt Nam sẽ trung lập.

    2. Chính phủ Việt Nam có 3 thành phần.

    3. Miền Nam Việt Nam bị Miền Bắc “giải phóng”. (Chớ chẳng phải như lời Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ hô hào: "xung phong Bắc tiến”).

    Tổng thống Thiệu ủng hộ luật “Người Cày Có Ruộng”, rầm rộ khuyến khích nông dân trồng lúa Thần Nông IR3 và AR8 để có nắng suất cao.

    Thật ra, sự phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp ở thời điểm khi có lúa Thần Nông IR3 và AR8 "tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa”, nông dân đã làm ăn phát đạt sung túc, vì cây lúa thấp, không bị gió bão làm hư gãy, (lúa không ốm cao lêu khêu như giống lúa mùa cũ).

    Trồng lúa loại nầy ngắn hạn, chỉ 3 tháng là đã thu hoạch. Nhờ đất đai phì nhiêu màu mỡ gặp mưa thuận gió hòa, nông dân chăm sóc ruộng đồng bạt ngàn vẫn thảnh thơi an nhàn, dân sống sung túc ấm no, giàu có. Kho vựa Miền Nam dư thừa lúa gạo, Việt Nam thường xuất cảng gạo đi các nước khác.

    Sau năm 1968, do sự quậy phá tàn độc của cộng sản Bắc Việt hiểm ác, nông dân thuộc các tỉnh miền Nam, miền Trung, và số ít ở Cao Nguyên không thể cày cấy gieo trồng lúa và ngũ cốc hoa màu nhiều. Từ đó Miền Nam Việt Nam bị khan hiếm lúa, kinh tế ngày càng hạn hẹp, cộng thêm an ninh không hề yên ổn, Miền Nam suy thoái trầm trọng. Việt Nam phải nhập cảng gạo, thực phẩm và xin Mỹ viện trợ tiền bạc, vũ khí. Nhưng hiện trạng đau khổ nầy do bè lũ việt cộng gây ra.


    Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức, Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay thế điều hành guồng máy quốc gia. Thành phần nội các do cụ Trần Văn Hương đảm nhận được mấy ngày vắn vỏi.

    - Ngày 22-4-1975: Long Khánh mất kiểm soát. Đường quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn với Cần Thơ, các hướng tây bắc, đông đông bắc, đông đông nam, tây tây nam đã cô lập với Sài Gòn.

    - Ngày 23-4-1975: Đô Đốc Noel Gayler Chỉ huy trưởng Hạm đội Thái Bình Dương đã lập cầu không vận Sài Gòn và Đệ Thất Hạm Đội (trong chương trình di tản người Mỹ và người Việt Nam đã làm việc cho họ ra đi). Tàu đậu ngoài khơi Vũng Tàu, họ sẽ di tản khoảng vài trăm ngàn người Hoa Kỳ và người Việt Nam.

    Chắc chắn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, thành phần nội các đều nghe bùi tai khi cố vấn Lục quân Mỹ Weyand gián tiếp khuyên chính phủ nên ra lịnh cho quân đội Miền Nam Việt Nam "Bằng mọi giá phải tử thủ".

    Luật và toàn thể quân nhân đã vâng lời thượng lịnh ở lại với trách nhiệm, với danh dự bổn phận làm trai trong thời chiến, họ cương quyết tiếp tục giữ gìn và giành lại từng tấc đất của quê hương.

    Cho đến khi họ kinh ngạc "bị" tan hàng! Cảnh khói lửa bạo tàn lan mau khắp đó đây, gây đau khổ quá sức cho triệu người dân phải lầm than khốn đốn cơ cực chạy giặc. Miền Nam Việt Nam dở sống tức tưởi, dở chết không kịp nhắm mắt, bàng hoàng tột độ, mà không thể há miệng kêu than Trời!

    Tôi lo sợ hãi hùng khi chạy giặc từ Đà Lạt về Nha Trang, lê chân vô Sài Gòn. Những tưởng mình sẽ bớt khổ, ai dè từ Quốc Hội Tony Tơn tất tả về gặp chúng tôi, anh khẳng định việc Tổng thống Thiệu đã trao quyền điều hành quốc gia lại cho phó Tổng thống Trần Văn Hương. Ông Thiệu và thân tín đã bỏ nước "bôn tẩu ra đi" .
    Mấy bạn cùng nhóm há hốc miệng, rồi gượng cười:

    - Anh nói chơi thôi phải không? Đang rầu thúi ruột, đừng chọc quê nà.

    - Tôi nào dám! Hổng nói nhiều, mở truyền hình lên coi đi.


    Khuya Thứ Sáu, ngày 25-4-1975 đương kim Tổng thống Trần Văn Hương lên đài truyền thanh, truyền hình xác nhận tin trên. Ôi! Sự bỏ đi của tổng thống đã có thật, diễn ra ở phi trường Tân Sơn Nhứt: một chiếc xe Mercedes chạy vô Tân Sơn Nhứt lúc 21 giờ 30 đêm 24 tháng 4 năm 1975.

    Tại phi cảng Tân Sơn Nhứt có lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đứng hàng ngang bảo vệ phái đoàn “các ngài” lên chiếc máy bay C-118 lịch sử của Không quân Hoa Kỳ. Ông Thiệu, ông Khiêm và đoàn tùy tùng đã ra đi).

    - Thứ Bảy, ngày26-4-1975: mất Bà Rịa. Ông Đại sứ Khiêu Samphan của Cam Bốt dẫn một phái đoàn Trung cộng từ Mi Mót Nam Vang qua ngả Xa Cam. Tại đó có một Đại tá Không quân Pháp, một Thiếu tá Pháp (họ trực thuộc Nha An Ninh tình báo hải ngoại Pháp SDECE) đưa phái đoàn Trung cộng nầy vô ở trong tòa đại sứ Pháp tại Sài Gòn (!)

    - Vẫnngày26-4-1975: "bão lửa" đã ùa vô các khu: Long Khánh từ hướng đông bắc đi Sài Gòn xa khoảng 80km.
    Long Khánh nằm giữa hai quốc lộ: 1 và 20, 105 kinh độ đông, 11 vĩ độ bắc, ở múi giờ 17 GMT, giáp giới mặt đông hướng đông đông nam về Sài Gòn.

    Long Khánh có đỉnh núi Gia Rai cao 916 mét, là tấm bình phong che chắn thuận lợi cho toàn vùng. Muốn đi từ miền Cao Nguyên, hay từ miền Trung vô Sài Gòn, xuống miền Tây, tất cả loại xe cộ đều phải đi ngang qua vùng Long Khánh.
    Phía nam núi Gia Rai đã mất không còn đường đi qua Xuyên Mộc, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Long Thành, Nước Trong, Đức Thạnh (Bà Rịa), qua vùng Phước Tuy, Đất Đỏ. Về hướng tây tây nam, Bến Lức, Tân An, Trung Lương, Tân Hiệp, Long Định, Giao lộ 4, Cai Lậy đi An Hữu.

    Tiếp theo là Lộc Giang, Vàm Cỏ Đông qua Tây Vĩnh Lộc, Mỹ Hạnh. Hướng bắc, thì các đoạn đường 16 Phú Lợi, Thủ Dầu Một, tây bắc về Đồng Dù, Hóc Môn, Bình Dương đều báo động đèn đỏ 100%.

    Bắt đầu từ ngày Chủ Nhật 27- 4-1975: Tân Cảng có nhiều người lo tìm đường thoát ra khỏi Sài Gòn.

    - Ngày27-04-1975:Có tin: Caritas, Usaid, Usom, Juspao, Cords, The Asia Foundation, IUS, chỉ là những thành phần cầm đầu trá hình đi vô Miền Nam Việt Nam do CIA điều hành.
    Nay họ lo đóng cửa và chuồn bay đi hết!

    - Vẫn ngày27-4-1975: mất các nơi: Bà Rịa, Phước Tuy, Nước Trong, Trảng Bom, Suối Đĩa, cầu Rạch Chiếc, Rạch Cát, cầu Bình Phước, Quán Tre lan ra tận xa lộ Đại Hàn.

    Tất cả mọi liên lạc ở nội thành Sài Gòn với ngoại thành, đi các tỉnh hầu như tê liệt, trục giao thông chính dẫn đi phi cảng, hải cảng, các bến xe miền đông, miền tây, miền Trung hoàn toàn ứ đọng “bế quan tắc lộ”.

    - Thứ Hai, 28-4-1975: Phi công Nguyễn Thành Trung thả bom dinh Độc Lập lần đầu bằng F5, cất cánh từ phi trường Biên Hòa.

    Lần thứ hai cùng một tốp phi cơ Dragonfly A 37 do Nguyễn Văn Lục dẫn đường, ép Trần Văn On, Nguyễn Văn Xanh bay cùng mấy tên “giặc lái” ở Bắc là Từ Đề, Mai Vượng, Hán Văn Quan, xuất phát ở Phan Rang bay về thả bom Tân Sơn Nhứt.

    Nhiều tiếng nổ long trời lở đất đâu đó vang rền, khói lửa ngùn ngụt bốc cháy đen mù mịt.
    * * *


    Có một quân nhân VNCH, tên Bồng Sơn David Buis cho biết như sau:


    - "Khi tôi lập phòng tuyến tại ngã ba Thái Lan, nỗ lực chận đứng sức tiến công của việt cộng vào Sài Gòn. Tôi đi kiểm soát phòng tuyến, vì chiến xa địch xuất hiện tại quán Chim, nằm trên quốc lộ 15 Sài Gòn, Vũng Tàu. Trưa ngày 28 tháng Tư, đơn vị tôi mới rút vào căn cứ Long Bình.

    Đêm 29 tháng Tư, lúc 3 giờ sáng đơn vị tôi chận hậu, để hộ tống Bộ Tư Lệnh, Thủy Quân Lục Chiến - và Sư Đoàn 18 của Tướng Lê Minh Đảo về Sài Gòn".


    Bầu trời Sài Gòn mấy ngày nầy thường u ám, không phải trời muốn chuyển mưa, mà do khói mù lan tỏa khắp nơi, khí trời
    nóng rát hừng hực ngày lẫn đêm. Thủ đô dường như muốn bốc lửa từ mọi người đông nghìn nghịt đang tá túc. Thành phố Sài Gòn vào tháng Tư nóng kinh khủng như ở trong lò lửa!

    Có lẽ Sài Gòn đã ôm trọn mọi người vào lòng, nên Sài Gòn tỏa ra cơn nóng như thiêu đốt chăng? Không hiểu tại sao nhiều nẻo đường hôi ơi là hôi một cách kỳ lạ.
    *
    Tình Hoài Hương.

    Còn tiếp phần 3 "Thương hải biến vi tang điền":

    Ngày 30 Tháng Tư: Sự "đổi Đời" Nghẹt Thở!

    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X