Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bộ "Đi Văng" và anh Cuộc Mù

Collapse
X

Bộ "Đi Văng" và anh Cuộc Mù

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bộ "Đi Văng" và anh Cuộc Mù


    BỘ "ĐI VĂNG"
    VÀ ANH CUỘC MÙ.
    ***
    Cứ chừng chín giờ sáng mỗi ngày, từ xóm dưới anh Cuộc Mù lò dò đi đến tiệm tạp hóa nhà cô Ba Sao nằm ở xóm trên, mọi lần đi anh phải dùng cây gậy tầm vong để dò đường, đi riết rồi anh thuộc lòng, có lẽ anh đếm từng bước chân, đến khúc nào quẹo phải, quẹo trái. Bao nhiêu bước chân sẽ đến cái bộ " Đi Văng" nhà cô Ba Sao để anh nằm nghỉ ngơi ca hát.

    Anh Cuộc lớn hơn tui chục tuổi, anh bị mù từ khi mới chào đời, Chú thím xẫm ba má anh Cuộc thương anh lắm, hai ông bà ráng lo cho đàn con hai trai một gái được đủ đầy, xe trái cây bán dạo của chú Thím đủ sức trang trải cho gia đình, chú Thím dự định cho anh Cuộc học ở một trường Mù nọ nhưng anh không thích, thương con chú thím cũng chìu theo ý con, sợ anh buồn chú thím sắm cho anh cái radio nhỏ để anh nghe Cải Lương, vốn mê các nghệ sỹ nên anh thuộc lòng những bản vọng cổ do các danh tài như ông Út Trà Ôn, Minh Cảnh, Dũng Thanh Lâm, Tấn Tài ( Cha của Danh hài Tấn Beo, Tấn Bo), những bản cải lương trong tuồng anh thuộc làu như; Người phu khiêng kiệu cưới. Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, còn gánh nước đêm trăng , Tình anh bán chiếu thì anh làm cho ông Năm là tía của cô Ba Sao mê mẫn.

    Tới đây tui xin nói về ông Năm tía của cô Ba Sao. Ông Năm có dáng người phúc hậu, tóc bạc hoa râm nhưng da dẻ hồng hào vì cô Ba đã tẩm bổ cho ông tối đa hàng ngày, do tuổi tác khá lớn nên ông Năm không còn lanh lợi như mọi khi, cô Ba sắm cho ông chiếc ghế bố có đồ tựa chân để ông nằm nghe radio hoặc nghe anh Cuộc Mù hát vọng cổ cho ông nghe.

    Nói nào ngay lần đầu khi anh Cuộc Mù đến chơi, cô Ba không Hài lòng lắm, nhưng vì có người hủ hỉ với cha mình nên cô Ba đành ưng thuận, ban đầu anh Cuộc chỉ được ngồi trên con Voi đá trang trí hai bên nhà, lâu dài thấy ông Năm thương mến anh Cuộc nên cô Ba cho anh vô nằm trên bộ Đi Văng bằng gỗ đen mun bóng lưỡng, lần đầu anh cuộc được đặt lưng trên bộ Đi Văng mát rượi anh sung sướng vô cùng, gát tréo chân rồi anh cất tiếng ca nghe buồn não ruột, không biết tại giọng hát của anh Cuộc truyền cảm, hay do lời ca thắm thiết khiến ông Năm rơi lệ, tui thấy ông móc trong túi áo Bà Ba cái khăn Mù xoa ra chặm nước mắt, cô Ba đang đang đong gạo bán cho thím Tư Chuông, thấy tía mình khóc, cô Ba ngưng tay rồi nói với Thím Tư Chuông:

    -Chi Tư ngồi chơi chờ em một chút, không biết tại sao cha em ổng khóc nữa kìa.

    Bước qua nhà trên, nơi thông qua cái cửa ngăn với tiệm tạo hóa, cô Ba liền hỏi:

    -Cha có mần sao không mà khóc nức nở vậy.

    Hất cái mặt về phía anh Cuộc Mù, ông Năm nói:

    -Chèn ơi ! Thằng Cuộc hôm nay nó hát cái bài mà chú Sáu bây lúc sanh thời nó hay hát cho tao nghe, tự nhiên nhớ thằng Sáu nước mắt tự nhiên nó tuôn ra chứ cha đâu có mít ướt dữ vậy.

    Nói xong ông Năm thút thít khóc rồi lấy khăn mù xoa chặm nước mắt.

    Anh Cuộc đang ngồi trên bộ Đi Văng đưa tay gãi đầu điệu bộ áy náy khi nghe ông Năm nói với cô Ba như vậy, sợ cô Ba rầy mình nên anh Cuộc Mù lên tiếng:

    -Cô Ba ơi! Con không cố ý làm cho ông Năm buồn, bản vọng cổ con ca khi nãy nó hay quá, con hát còn muốn khóc nữa là.

    Nhận thấy anh Cuộc bối rối ra mặt, cô Ba an ủi:

    -Con không có lỗi, con có tài lắm, tuy cô Ba không nghe hết nhưng cô nghe loáng thoáng con hát rất hay..

    Sau bữa đó anh Cuộc Mù tự dưng không ghé lại nhà cô Ba như mọi lần, thấy vắng người bạn vong niên của mình ông Năm sai tui chạy u xuống nhà coi anh Cuộc bận việc gì mà không lên chơi, sợ tui làm biếng không chịu đi, ông Năm lòn tay vô túi áo móc ra năm cắc bạc cho tui, ông nói:

    - Nè tiền lộ phí nè anh Hai mần ơn đi lẹ giùm tui đi.

    Tự nhiên có tiền rũng rĩnh trong túi ai mà hông ham, tui đón lấy tiền lận liền vô lưng quần sà lõn rồi dông lẹ xuống nhà anh Cuộc liền, tới nơi nhà anh Cuộc cửa đóng then gài, tui thấy chú Hai Tỵ người hàng xóm nhà chú Thím Xẫm đang quét lá cây, tui bèn hỏi:

    -Dạ thưa chú Hai, sao nhà anh Cuộc đóng cửa hết ráo vậy.

    Chú Hai Tỵ dừng chỗi rồi nói:

    -Thằng Cuộc nó bị cái giống gì mà con mắt sưng húp, ba má nó chỡ vô nhà thương rồi.

    Tui cảm ơn chú Hai rồi mau chóng chạy về báo hung tin cho ông Năm hay.

    Mấy ngày sau khi hết bệnh anh Cuộc lại ghé nhà gặp ông Năm, dường như ông Năm và anh Cuộc Mù có duyên nợ gì ở kiếp trước, thấy anh Cuộc vừa đến ông Năm không cần chống cây gậy trợ lực, ông tự đứng lên và ôm chầm anh Cuộc Mù, cả hai thể hiện niềm vui " Hội ngộ" tột cùng, lúc sau ông Năm lên tiếng:

    -Sao ,hôm nay bây hát bài gì cho ông Năm nghe, ngoài hát ra bây biểt đấm lưng, xoa bóp tay chân không, bây làm cho ông Năm rồi ông trả công sòng phẳng bây đừng có lo.

    Anh Cuộc nghe vậy mừng lắm vì anh có việc làm chính thức để kiếm tiền, anh cảm ơn ông Năm tạo điều kiện cho anh có đồng ra đồng vô cũng vui, thấy vậy tui "Cà Nanh" với anh Cuộc, tui nói:

    -Sao ông Năm không kêu con làm với. Vụ đó làm dễ ẹc hà.

    Ông Năm giẫy nẫy nói:

    - Í đâu có được thằng Cuộc nó lớn con khỏe mạnh nó làm mới xuễ, còn mấy ông tí hon thấy mồ mần sao nổi.

    Rồi ông thêm ý :

    -,Hay vầy đi, mấy đứa thay phiên kể chuyện , đứa nào kể hay ông Năm thưởng.

    Nghe vậy đám tụi rui ai nấy đều vui.

    Bữa nọ đấm bóp cho ông Năm xong, anh Cuộc thấm mệt, thay vì leo lên bộ Đi Văng nằm nghỉ, Cuộc nhà ta chui xuống gầm cái Đi văng rồi ngã lưng trên nền gạch tàu mát lạnh khiến anh đi vào giấc ngủ ngon lành.

    Không được nghe ca vọng cổ, ông Năm bèn kêu đám tụi tui xúm lại kể chuyện cho ông nghe, trước khi kể ông ra điều kiện, đứa nào kể hay thì được phát cho năm cắc bạc, đứa nào kể ông nghe cho là dỡ sẽ bị ông dùng hai ngón chân kẹp bắp vế non.

    Thằng Lạc Lớn xung phong kể chuyện trước, nó kể chuyện đi chợ Tết với Thím Tư Chuông với không khí thật vui tươi, ông Năm là người hoài cổ, khi nghe thằng Lạc kể chuyện phong tục tập quán ngày Tết khiến ông vui trong lòng, nó vừa dứt câu chuyện ông Năm đưa liền đồng năm cắc có hình đúc nổi của Ngô Tổng Thống, phải công nhận thời con nít mà được năm cắc lận lưng tự nhiên thấy người nó khỏe mạnh lên hẳn, tới phiên thằng Thành Ba Lọn kể chuyện, nó kể câu chuyện Alibaba,và bốn mươi tên cướp, ông Năm cũng thưởng cho nó năm cắc như thằng Lạc, còn lại mấy đứa nữa trong đó có tui, sau khi kể xong mỗi đứa lãnh một cái kẹp bằng hai đầu ngón chân của ông Năm đau thấy tía luôn, nghi ông Năm chơi ăn gian có đứa thì thầm:

    - Có khi nào ông Năm làm bộ chê để nhéo mình không bây.

    Có điều lấy làm lạ , sau này anh Cuộc Mù bớt ca hát, anh tham gia trò kể chuyện nhưng chưa bao giờ anh Cuộc bị ông Năm nhéo bằng hai ngón chân của mình, về sau khi lớn lên tụi tui mới biết
    Ông Năm ngầm giúp cho anh Cuộc để bù đắp vào khiếm khuyết anh phải mang trong đời.
    ***
    Cuộc đời không có gì trường tồn mãi với thời gian.

    Một sáng nọ tin tức lan nhanh đầu trên xóm dưới, ông Năm không còn hiện diện trên cõi đời này nữa, ngày tiễn ông Năm về nơi cuối trời có một người không là thân thích của ông Năm nhưng anh ta vẫn chít khăn tang tay chống gậy lần mò phía sau quan tài, người bạn Vong niên này đưa tiển ông Năm như người thân yêu đích thực, anh Cuộc Mù đã trả món nợ ân tình cho người vừa nằm xuống.

    Chiến cuộc tràn lan sau này đã cuốn hút thanh niên ra tiền tuyến, khi tàn chiến cuộc tui không còn thấy anh Cuộc Mù, rồi cô Ba cũng từ giã hồng trần để trở về các bụi, đám con nít ngày xưa cũng rụng rơi gần hểt, giờ thì tụi tui cũng già khú như ông Năm ngày xưa, nhưng muốn nếm trải lại cái không khí như ông Năm từng hưởng là điều không bao giờ có được, cái tình làng nghĩa xóm nó dần mai một theo thời gian rồi các bạn ơi.

    Thương nhớ ngày xưa
    2.7.2023
    Last edited by chimtroi; 07-03-2023, 11:49 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X