Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hai Buổi Chia Tay Ở Gare du Nord

Collapse
X

Hai Buổi Chia Tay Ở Gare du Nord

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hai Buổi Chia Tay Ở Gare du Nord

    Hai Buổi Chia Tay Ở Gare du Nord


    Ngọc Cường ♦ 24.06.2022



    So sánh với bên Pháp, nhà cửa ở bên Mỹ rộng rãi, sạch sẽ như mới xây, và thường có một mảnh vườn bao quanh, nhưng như mọi thứ ở trên đời, nếu có được cái này phải chịu mất cái kia, vì dùng vật liệu tiền chế, nên không bền chắc và thật ra nó mong manh, dễ đổ như một căn nhà giấy !
    Vốn có tính hiếu khách , người Việt tỵ nạn ở xứ Cờ-Hoa, nhất là sau khi mới mua được một căn nhà tương đối khang trang, rộng rãi, thường vui vẻ, có thể còn hãnh diện được mời khách đến chơi, và đôi khi bày ra chuyện ăn nhậu…tiện thể khoe luôn cái dàn máy Karaoke mới sắm, rồi còn rủ khách phương xa ngủ lại, và coi đó như là một chuyện nhỏ trong kiếp sống tha hương .

    Trái lại, ở bên kia bờ Đại Tây Dương,trên đất Pháp,nhất là dưới bầu trời Paris, khung cảnh có khác: thành phố này cổ kính;phố xá thường nhỏ hẹp,nhà cửa chật chội, vật giá đắt đỏ…tâm tình bà con ta cũng có phần đổi thay: dân bên Tây ít khi muốn nói tới chỗ ở của mình; đôi khi còn tìm cách lờ đi , như một kẻ lỡ ngoại tình, không muốn ai nhắc đến đứa con rơi. Có thể, dân mình bên đó coi căn-nhà khiêm nhường của họ thuộc về cõi riêng tư; cho nên, ngoài gia đình ra, không muốn một ai dòm ngó hay lai vãng tới. Không phải thực tâm họ muốn lạnh nhạt với đồng hương, nhưng do hoàn cảnh lâu ngày, như hệ lụy vô hình, đã trói buộc mọi người : một khi sống lâu ở đâu, dễ trở nên nạn nhân của phong tục nơi đó, rồi thành thói quen như dân tỵ nạn ở Mỹ lâu ngày cũng bắt đầu thích hamburger, và ghiền cà phê starbucks !

    Tất nhiên, đằng sau còn có nhiều lý do khác nữa, nhưng tựu trung là về kinh tế: nước Mỹ có diện tích rộng, đất đai lại phì nhiêu, công ăn việc làm tương đối dễ kiếm, buôn bán có phần thuận lợi, và nhà cửa dễ mua. Đối với người Mỹ căn nhà là một điều kiện làm cho cuộc sống hạnh phúc, là một phần trong cái gọi là “Giấc Mơ Mỹ Quốc” mà họ vẫn tự hào cho nền văn hóa non trẻ (The American Dream ).
    Trong khi đó, ở Pháp, dù là cái nôi của ba lý tưởng cao đẹp: Tự Do, Công Bằng và Bác Ấi, nhưng sinh hoạt lại đắt đỏ, người dân khó làm giàu , và ít có cơ hội tiến thân, nhất là đối với dân tỵ nạn chưa thông thạo tiếng Tây. Cùng là dân da trắng, mắt xanh mũi lõ, nhưng văn hóa hai nước khác nhau như một trời và một vực: Dân Tây lè phè, làm việc tà tà, ăn chơi lại phây phả, và ít coi trọng nhà cửa hay xe cộ; trong khi đó, người Mỹ làm việc hùng hục như muốn chạy đua với cái đồng hồ, khi về đến nhà là lo làm vườn,cắt cỏ,sửa sang cửa nẻo phòng ốc…
    Như hai mặt của một đồng tiền, một mặt là dân bên Tây coi trọng cái khoản riêng tư của mình ( và của kẻ khác), mặt khác, là cốt cho khách không rơi vào một tình trạng khó xử, phải kiếm cách từ chối lời mời, chịu cảnh phiền toái, do chủ nhân quá hãnh diện về căn nhà của mình, nói thao thao bất tuyệt về nó, rồi đưa đi thăm từng phòng, giải thích dài dòng, khoe khoang tệ xá, rồi khoe thêm chút của, và đôi khi còn kèm theo chuyện khoe con cháu nữa, khiến khách phải chịu đựng và, thay vì được mời, hóa ra là bị mời !!

    Biết hoàn cảnh bên Pháp như vậy,cho nên qua Paris lần này, cũng như mấy chuyến đi trước, Chương không ngạc nhiên khi Nguyên không rủ đến nhà chơi, mà hẹn gặp chàng ở một tiệm ăn ngoài phố. Dù đã qua Pháp nhiều lần, nhưng Chương không biết Nguyên ở đâu, chỉ phong phanh nghe bạn có căn hộ nhỏ ở Ivry-Sur-Seine, một thị xã ngay sát Quận 13 của Paris, là nơi tập trung khu buôn bán, chợ búa của dân gốc Á Đông.
    Lần chót sang Pháp là cách đây hai năm, Chương được gặp lại cả hai người bạn học cũ là Nguyên và Khôi. Nhưng lần này, chỉ còn có một mình Nguyên, vì Khôi vừa đột ngột qua đời vào cuối mùa Đông năm ngoái !
    Bốn mươi năm trước, ba đứa quen nhau vào niên học cuối cùng thời Trung Học, khi ngồi chung lớp Đệ Nhất ở trường Chu Văn An. Và sau khi đậu Tú Tài, Nguyên và Khôi qua Pháp du học, còn Chương lêu bêu ở Sài-Gòn vài năm rồi đi lính; từ đó ba đứa mất liên lạc: xa nhau ngàn dậm, ở hai phương trời cách biệt, và khác nhau về hoàn cảnh; tưởng chừng họ đã quên nhau. Chẳng khác gì ba đứa bạn, không ngờ bị thời gian, một cách lặng lẽ âm thầm trôi, chia cách họ không luyến tiếc…
    Nếu không có chuyến đi Pháp của Chương cách đây đã trên mười năm, có lẽ ba đứa chẳng bao giờ có thể gặp lại nhau…Phải chăng số mệnh nhân sinh là do con tạo sắp xếp cả?

    Khi lần đầu được biết Paris, bất ngờ trước khung cảnh lãng mạn, với đường phố có vẻ đẹp quý phái cổ kính, Chương ngạc nhiên như một tiếng sét ái tình, và như bị thu hút vào trong một thế giới khác lạ, khác hẳn bên Mỹ. Không gian huyền ảo của bầu trời Paris, từ đó, đã làm Chương mê muội tất cả những gì dính líu đến thành phố mang danh là “ thành phố của ánh sáng” , hay “kinh đô của tình yêu “. Dù rộng mênh mông và đông đúc, trên 11 triệu dân , nhưng trong giới du học sinh Việt-Nam ở Paris, cũng không bao nhiêu người và dễ tìm kiếm nhau , chỉ cần biết là sinh viên du học vào năm nào và có khuynh hướng Quốc Gia hay là thành phần “ Việt kiều yêu nước” !
    Biết có hai người bạn học cũ đang sinh sống ở Pháp, với một số chi tiết về họ, Chương nhờ người anh tìm kiếm và cũng dễ kiếm ra Nguyên, và sau đó Khôi. Sau bao năm xa cách và dù trước kia cũng chẳng thân lắm, nhưng không ngờ Nguyên vui vẻ hiếu khách, đã chịu khó xách cái xe cà khổ, bé tí, đưa hai vợ chồng Chương và Thủy đi thăm Paris. Loại xe có bốn chỗ này nhỏ đến nỗi tài xế không cần bằng lái xe.
    Sau đó, nhờ có bạn ở Paris, nên mỗi lần qua Pháp, Chương lại điện thoại cho hai người bạn đồng môn để cùng hẹn hò đưa nhau đi chơi.
    Tình bạn giữa ba đứa tưởng đã đi vào quên lãng, bỗng trở lại thân thiết như thủa nào, có lẽ nhờ vào sự kỳ diệu của Paris là mẫu số chung, hay vì ba đứa đến cái tuổi chưa hẳn già nhưng không còn trẻ, nên thường luyến tiếc dĩ vãng, thuộc loại ăn mày kỷ niệm ? Là tù nhân của quá khứ, ba đứa có thể ngồi nói chuyện cũ, kéo dài như không bao giờ dứt; đôi khi nhắc lại nhiều lần một kỷ niệm vui mà không thấy nhàm chán hay ngại ngùng.
    Có một điều lạ, khó hiểu như chuyện đời : khi kẻ ở Mỹ như Chương yêu mến Paris bao nhiêu, thì hai người dân parisien lại ghét nó bấy nhiêu. Nhất là Khôi, qua Pháp từ lâu nhưng luôn mồm chê dân Tây kiêu căng khinh người… than phiền về thành phố Paris bẩn thỉu, ô nhiễm… khiến Chương hoang mang, đâm ra nghi ngờ sự thành thật của bạn mình, như anh muốn lên tiếng cốt để được góp chuyện, vì thường Khôi chỉ lầm lì ngồi yên lặng như pho tượng. Hay vì một lẽ thường tình : con người vốn ưa thích cái gì họ chưa có, hơn là đang có?

    Có người anh cả du học sang Pháp từ nhỏ, sẵn có chỗ ăn chốn ở, nên những chuyến đi Tây của Chương cũng đỡ tốn kém; và như vậy, Thủy không ngại cho chồng đi chơi và ở lại lâu. Về hưu sớm, trong khi Thủy vẫn còn tiếp tục đi làm, Chương đôi khi đi du lịch một mình. Nói là du lịch cũng không đúng lắm, Chương thường đến thăm những chỗ có người thân quen, và không quan tâm đến danh lam thắng cảnh. Đến Paris bốn năm bận nhưng chưa lần nào Chương muốn leo lên tháp Eiffel.
    Mỗi khi đi xa, Chương thích giao tiếp với người địa phương , được hòa với đồng dân bản xứ, tìm hiểu về cuộc sống của họ là điều thích thú nhất, và tự cho mình là một kẻ lãng du, đi lang thang hơn là một du khách, đi du lịch để ngắm cảnh, hoặc chụp ảnh lưu niệm, mang về treo lên tường coi như một thành tích, có ý khoe khoang những nơi đã từng đặt chân đến.
    Đến Paris, ngao du phố phường như một parisien chính cống, hay ít ra có được kỷ niệm tuyệt đẹp như thi sĩ Không Quân VNCH Cung Trầm Tưởng là lý tưởng nhất, khi ông viết lên mấy câu thơ lãng mạn về Paris:

    Mùa thu Paris
    Trời buốt ra đi
    Hẹn em quán nhỏ
    Rưng rưng rượu đỏ tràn ly…

    Có lẽ hình ảnh đẹp đẽ và lãng mạn ấy chỉ có thể xẩy ra với tuổi đôi mươi và ở vào thời kỳ xa xưa nào đó, đã qua lâu rồi. Giờ đây, Paris chỉ còn lác đác mấy quán nhỏ, và thay vào đó là những tiệm ăn nhanh Mắc- đô, và những cuộc biểu tình hàng tuần của đám áo gi-lê vàng ! Cảnh tượng đã đổi thay, hay chính lòng người đã chai đá?…

    Đáng lẽ chưa tính đi vào tháng Tư này, và muốn chờ cuối mùa Xuân cho ấm áp mới qua Tây, nhưng vì có tin Khôi mất, và lại, có sale bất ngờ, Chương mua vé ngay và vội gọi báo tin cho Nguyên biết về chuyến bay và chương trình ở Pháp. Được tin, Nguyên tình nguyện ra Roissy đón vì tiện tuyến đường xe lửa gần phi trường De Gaulles. Nhưng vì có người anh ở Jaux, nên Chương muốn đến thăm ngay và ở chơi vài ngày trước khi hẹn với Nguyên ở trong Paris.

    Trong lòng như mở cờ, vì được rong chơi Paris vào mùa Xuân thì còn gì đẹp bằng…Nhưng đến khi đặt chân xuống tới phi trường Charle de Gaulle , vừa bước ra ngoài, chàng hơi thất vọng vì thời tiết vẫn còn lạnh như mùa Đông chưa chịu ra đi…
    Sau khi tới phi trường ở Roissy, Chương đến ở nhà người anh ở Jaux, một ngôi làng nhỏ cổ kính và vắng vẻ, và sau vài ngày nghỉ ngơi, chưa đi chơi đâu ngoài chạy xe một vòng qua thành phố Compiegne kế cận. Ông anh lớn tuổi, đi lại có khó khăn, nên hai anh em ở nhà nói chuyện gẫu về những kỷ niệm cũ của gia đình,như hai ông già lâu mới được gặp lại, cùng tìm về quá khứ. Là người anh cả đã góa vợ từ lâu, sống một mình trong một chung cư nhỏ kể từ khi qua Pháp; anh chỉ có thằng con trai đã lập gia đình đi làm ở xa. Nó lấy vợ đầm nên ít về thăm bố, anh bất lực, nhưng không buồn lòng, thắc mắc gì việc này, vì có lẽ đã quen sống một mình, độc lập với con. Cũng có thể anh bắt buộc phải chấp nhận, vì nó là thằng Tây con, có lối sống theo chủ nghĩa cá nhân…Khi Chương hỏi anh về công ăn việc làm của cháu,anh chỉ cười đáp:“Nó thông minh và giống chú hồi nhỏ..” Nhưng khi nói xong, giọng anh trầm xuống như thực tế thì anh cũng nhớ con, mà rõ ràng đành chịu cuộc sống lẻ loi,vì hòan cảnh không được ở gần cháu nội.Xem ra hai cha con anh vẫn thương nhau, nhưng họ quen tôn trọng sự riêng tư một cách quá đáng, đối xử như hai người khách lịch lãm ! Đôi khi Chương tự hỏi tại sao giữa hai anh em của mình,cùng cha cùng mẹ,mà cuối đời hay hậu vận, như danh từ của mấy ông thầy bói, lại khác nhau như trắng và đen, ở hai phương Trời xa cách ngàn dậm ? Phải chăng đó là số mệnh của mỗi người không ai thoát ra được:Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao…Ở chơi với ông anh ba ngày, Nguyên gọi hẹn Chương ở Quận 13, chỗ chợ Việt-Nam.
    Sau bữa điểm tâm theo kiểu Tây chính cống ở nhà ông anh, gồm cà-phê sữa đặc có đường với bánh croissant, Chương lấy xe buýt từ Jaux tới ga Compiègne để vào Paris gặp Nguyên.

    Trên tuyến dài 80 cây số đi mất khoảng một giờ, ngồi trong toa vắng khách, lơ đãng nhìn bên ngoài, phong cảnh cây cối xanh tươi, chứng tỏ mùa Đông vừa qua ở bên này không đến nỗi lạnh như ở Mỹ, nhất là vùng Fairborn, nơi gia đình chàng định cư từ khi vượt biển qua Mỹ, giờ này cây cối còn trụi lá và cỏ cháy vàng bên đường…
    Xuống tàu ở nhà ga gare du Nord, xong lấy thêm hai chuyến métro, Chương leo lên ở trạm Olympiade, gần khu chợ Tăng Frères. Theo chỉ lời dẫn của Nguyên, chàng thả bộ trên phố Ivry, rồi rẽ dọc theo con hẻm nhỏ băng qua phía Choisy để tìm tiệm ăn hẹn nhau mang một cái tên ấm cúng: Quán Nhậu Miền Tây. Người bạn cho biết đó là một nhà hàng nhỏ, nằm khuất ở đầu hẻm, nhưng có đủ thứ, đặc biệt là món lẩu dê ngon nhất ở Paris.Qua điện thoại,Nguyên nhắc đi nhắc lại với Chương “Moa phải đưa toa đến tiệm này, chủ nhân là thằng em nuôi của moa, chỉ có ở đó toa mới ăn được tô lẩu dê đặc biệt miền Tây …”Mặc dầu chưa bao giờ được thưởng thức món lẩu dê, nhưng Chương tin vào sự chọn lựa của Nguyên, vì trước kia vốn là con nhà giàu ở Sài-Gòn, đã sành điệu về các món ăn chơi, qua Pháp sớm nên có nhiều kinh nghiệm về ẩm thực của Paris.Hơn nữa, trời lạnh mà có tô lẩu nóng hổi cũng thú vị, nhất là sau hai ngày đã ăn chán cơm Tây, cho đến phát ngán, nhất là mấy món pa-tê và súc-xích ở nhà người anh.
    Từ phố Ivry, Chương rẽ qua con hẻm nhỏ ăn thông qua bên Avenue de Choisy, vì chật chội nên không có hai hàng cây bên đường, một bên là dãy nhà cao tầng có của hàng nhỏ phía dưới , còn bên kia là hàng rào trông vào khu vườn của những chung cư. Văng vẳng từ phía trong vườn có tiếng cười đùa khúc khích của trẻ con được cho ra ngoài chơi, khiến chàng cảm thấy ấm lòng trong bầu không khí se lạnh.
    Dưới ánh nắng ấm áp, Chương bước đi thong thả trong lòng phơi phới khỏe khoắn, như một người mới khỏi bệnh …,và chợt nhận ra còn sớm, bèn đi chậm lại, nhưng chợt thấy mình đã đi lố , đã qua tới đầu bên kia đường Choisy mà không thấy tiệm ăn đâu. Theo chỉ dẫn của Nguyên, nhà hàng nằm giữa hai con đường lớn đó?

    Đứng lại ở ngã ba, đông người qua lại, Chương thấy khung cảnh ở đây hao hao giống khu Dakao xưa, khúc con đường Đinh Tiên Hoàng, khi còn mang tên cũ là rue Albert Premier, chỗ ngang với đường Phan Đình Phùng, trước thời di cư 1954, thủa đó còn bờ hè rộng rãi và bóng mát của hai hàng cây cao…Đó là hình ảnh của SàiGòn của một thời thuộc địa xưa đã xa…Bất chợt một ý tưởng thoáng trong đầu: Phải chăng Chương yêu mến Paris vì nó gợi lại cảnh tượng xưa của Sài-Gòn ?…

    Sáng hôm nay, bầu trời Paris trong vắt một một màu xanh ngọc bích, bao trùm không gian như muôn thủa ngự trị trên cao; ánh nắng mặt trời đang chiếu rọi xuống như làm bừng sáng đường phố, và xuyên qua tàng lá cây lấp lánh như những tia chớp. Tuy thời tiết không còn lạnh như ban sáng, lúc rời nhà, nhưng có vài cơn gió se sẽ thổi nhẹ, tạt vào mặt cũng khiến Chương rùng mình, ớn bên gáy như còn sót lại chút dư âm của một mùa Đông chưa chịu qua đi… Một cảm giác lâng lâng chợt đến, mới lạ vì lần đầu tiên trong đời Chương cảm nhận được, đó là ý thức đang trọn vẹn sống, trong hiện tại, và không gian chung quanh đây là một xác tín rõ rệt là mình hiện hữu và có thật , và rõ ràng có mặt ở Quận 13 của Paris, mà không phải là Fairborn, Ohio lạnh lẽo. Trong giây phút kỳ diệu đó, chàng đang được sống hoàn toàn cho mình, cho hiện tại, như thời gian đang tạm ngừng lại, và không còn bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh và tha nhân… rồi tự hỏi: Phải chăng khoảng khắc này mình mới đang thật sự sống, hoàn toàn nhận thức hiện tại,không còn quá khứ và tương lai… đang đắm mình trong một thế giới huyền ảo mơ hồ hân hoan và mãn nguyện, nhưng trong khỏang khắc vụt biến mất ….

    Quay về với thực tại, Chương quyết định bước trở lại con hẻm chàng vừa đi qua để kiếm tiệm ăn có tên Miền Tây thêm một lần nữa…Vừa lúc đó, một người đàn ông Á Đông có tuổi, đang chậm rãi và lầm lũi kéo cái túi đi chợ có bánh xe, đi ngang qua trông như bao người lạ vô danh khác trong đám đông..Dường như sáng nay là ngày đi chợ trong tuần… Ông ngước nhìn thấy Chương, cái nhìn có nét băn khoăn như cố nhớ xem chàng có phải là một người quen nào đó.. Rồi như thất vọng, ông vội quay đầu tiếp tục bước đi. Thoáng qua, trông ông ta chẳng có gì lạ với bộ quần áo ấm trên mình đã cũ, nhưng gương mặt có vẻ thông minh, sáng sủa của những ông giáo già, về hưu…Tự nhiên Chương liên tưởng đến Khôi, vì đã có một dạo Khôi cũng ở trong một chung cư cao tầng gần đây, buổi sáng cũng kéo túi chợ như ông già này đi mua thức ăn, cô đơn trong một thành phố tất bật được mệnh danh là Kinh Đô của Ánh Sáng này…
    Vài năm sau khi về hưu, Khôi đã dọn về sống ở vùng ngoại ô và chết ở đó. Cái chết của Khôi có nhiều bí ẩn: Có thể do sơ sót quên tắt nút ga trên bếp… mà cũng có thể anh đã cố tình làm như vậy , vì không muốn sống nữa… Nhưng cuộc đời vốn phức tạp, đôi khi ngang trái như cái chết của anh: Học hành xuất sắc mà lại không thành công, cuối đời nghèo nàn và cô quạnh…Phải chăng như lá số tử vi đã tiên đoán là hậu vận của Khôi xấu? Chẳng lẽ không ai thoát ra được số mệnh, và một khi đã có tài thường đi đôi với gian truân vì “chữ tài liền với chữ tai một vần” ?

    Cùng học chung một lớp ở Chu Văn An, nhưng Khôi học giỏi nhất, đậu Tú Tài hạng Bình, và sau khi xong chứng chỉ dự bị khoa học MPC ở trường Khoa Học, anh thi đỗ luôn vào cả hai trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Phú Thọ và Đại Học Sư Phạm Sài-Gòn. Đang lúc phân vân chưa biết chọn học trường nào, anh xin được học bổng của tòa Đại Sứ Ý ở Sài-Gòn cấp cho sang La-Mã du học về Hóa Học.
    Cùng ngồi chung một bàn với nhau trong lớp Đệ Nhất B4: Chương, Nguyên và Khôi trở nên thân nhau, cùng chia sẻ bài học, nhất là về Toán và Vật Lý. Nhà Khôi nghèo nhất trong ba đứa, nhưng Khôi luôn luôn là kẻ hiểu bài nhanh nhất và giải các bài toán bao giờ cũng xong trước hai bạn, khiến đôi khi Chương ngờ ngợ có thể anh đã làm qua bài toán đó một lần rồi mà không nói cho hai bạn biết, cốt để làm tăng sự vẻ thông minh của mình!
    Nguyên cũng là học sinh giỏi, đỗ hạng Bình Thứ. Chỉ có Chương là học sinh bình thường, lình xình, loại đậu được cái bằng Tú Tài là may mắn lắm rồi. Vào cuối thập niên 1960, Khôi xuất ngoại, rồi Nguyên cũng lên đường qua Pháp du học tự túc. Trong thâm tâm, vốn mang mặc cảm tự ty với hai người đồng môn Chu Văn An, Chương cho họ thuộc học sinh ưu tú, đã đỗ đạt rồi sau này sẽ cầm chắc chức vụ cao cấp trong chính quyền bất cứ đâu , trong nước cũng như ở ngoại quốc; và tương lai sẽ sáng lạng, trong khi bản thân chàng sẽ như thân phận con sãi ở chùa lại quét lá đa!
    Ba đứa xa nhau từ đó, và sau khi đã trải qua bao gian truân của cuộc đời, Chương mới liên lạc lại được hai người bạn học cũ, lúc cả ba đều đã quá tuổi trung niên. Qua Mỹ trễ, mấy năm đầu, Chương không có cơ hội và điều kiện đi thăm nước Pháp vì còn nghèo, bận rộn đi làm để sinh tồn, dồn hết thời giờ và sức lực chăm lo gia đình cho được an cư lạc nghiệp.

    Phải đợi gần mười năm sau, nhờ có người anh ở Pháp mua vé cho, Chương mới lần đầu được đến thăm kinh đô của ánh sáng. Từ chuyến đi đó, ngạc nhiên về vẻ đẹp lãng mạn của Paris, và cảnh êm đềm, cổ kính của làng mạc, miền quê nước Pháp,Chương đâm ra mê mẩn; và từ đó, cứ vài năm lại kiếm cớ qua chơi Kinh Đô Ánh Sáng .
    Sau khi có công ăn việc làm, cuộc sống bắt đầu ổn định dần dần, nên khi gặp lại hai anh bạn, bấy giờ Chương mới bớt đi cái mặc cảm tự ty, hơn nữa, đã có tuổi, hiểu đời hơn,hay nhờ tình yêu của vợ ban cho và đã có mái ấm gia đình, đã trang bị cho chàng thêm chút tự tin. Biết mình biết người hơn, Chương cũng dễ dàng chấp nhận cuộc sống và những người xung quanh, hơn lúc còn trẻ, khi là một tên lính nghèo của thời chinh chiến, có cuộc sống bấp bênh lây lất trong một xã hội bất ổn và rối ren…
    Không biết do ảnh hưởng của hoàn cảnh, hay tâm tính con người luôn đổi thay, khi gặp bạn cũ ở Paris, Nguyên lại vui vẻ và niềm nở rồi sốt sắng đưa Chương đi rong chơi. Họ thường hẹn nhau ở khu chợ Á Đông cho tiện có hàng quán , tiệm cà-phê: xong Nguyên đến đón Chương bằng chiếc xe Renault nhỏ bé; rồi chở bạn đi khắp các Quận của Paris, từ những ngõ ngách đến những quán nhỏ xập xệ nhưng lãng mạn; từ khu Saint-Germains-des-Prés cho đến khu sinh viên ở Quartier latin …Cứ như thế, sau đôi hai lần qua Pháp , thêm sự khích lệ của bạn cũ, Chương lại làm chuyến đi Tây, gặp lại Nguyên và Khôi.

    Càng biết nhiều về Paris, Chương dần dần khám phá ra mặt trái của thành phố ánh sáng, nhận thấy trên những con đường thơ mộng đó, không hẳn hoàn toàn chỉ có ánh nắng vui tươi, mà đôi khi vẫn tràn đầy bóng tối và nỗi u uẩn cô đơn trong tâm hồn những con dân parisiens.
    Lần trước, cách đây hai năm, Chương gặp Khôi trong chuyến đi vào cuối Thu, khi thời tiết Paris bắt đầu chớm lạnh, thành phố thưa thớt du khách, phố phường vắng hẳn đi, tô đậm thêm vẻ lãng mạn,với lá vàng rơi bị gió cuốn xoáy vòng trên hè phố rồi cuộn tròn bên các gốc cây…Mấy cô đầm cũng diện hơn, khoác vào người chiếc áo măng-tô dài, trên cổ quấn khăn quàng …nhưng họ bước đi rất nhanh, tiếng giầy bốt cao nện xuống vỉa hè kêu lộp cộp, nghe vội vã như mấy cô đang sợ lỗi hẹn với ai?
    Mùa Thu như lộ ra cá tính của Paris: cổ kính, trưởng giả và bí ẩn như một cô gái quý phái sang trọng, nhưng kiêu sa.
    Rồi cũng như mọi lần, Nguyên xách cái xe cà khổ chở hai thằng bạn đi thăm viếng các nơi. Để dễ bề ngắm cảnh, nhường cho Chương ngồi đằng trước: vừa lái Nguyên vừa nói huyên thuyên, giải thích về lịch sử các danh lam thắng cảnh, lưu lóat như người hướng dẫn du lịch; còn ở băng sau, Khôi luôn yên lặng, trầm ngâm như trong đầu anh đang tìm cách giải một bài toán rắc rối, hay anh cho sự có mặt của mình là thừa thãi. Sau cả ngày thăm viếng tứ tung,đến chiều cả ba đều mệt mỏi, và vì có việc phải đi, Nguyên quyết định thả Chương và Khôi xuống Gare du Nord, rất tiện cho Chương lấy xe lửa đi Compiègne, gần nhà ông anh ở làng Jaux kế cận, còn Khôi bắt một chuyến xe RetR đi Sevran về căn hộ có một phòng nhỏ, chỉ lớn hơn bằng cái closet của mấy căn nhà bên Mỹ.

    Hai người bạn xuống tới nhà ga thì trời tối, và những chuyến xe lửa đi ra khỏi Paris, như về Compiègne, trở nên thưa thớt. Mua vé xong, Chương mới biết phải chờ hơn một tiếng xe mới chạy, bèn đề nghị Khôi cứ lấy metro đi về trước, nhưng, nghe vậy, người bạn tình nguyện nán lại nhà ga cùng chờ vì không có việc gì cần phải về nhà sớm. Nghe vậy, Chương rủ bạn đi vô trong quán cà-phê trong nhà ga. Lúc đầu Khôi ái ngại, sợ tốn thêm tiền người bạn từ bên Mỹ sang mà đã cả ngày đi đâu cũng dành trả… nhưng rồi cũng đành chiều ý Chương : “Ừ đi thì đi…Tớ ít khi đi ra ngoài lắm, chỉ nằm nhà đọc sách thôi.” . Giữa hai người bạn ở Paris, khi xưng hô với nhau, Nguyên thường dùng từ toa , moa của Tây; còn Khôi lại vẫn gọi bạn là cậu và xưng tớ như thủa còn học chung ở Chu Văn An.

    Bước vào quán, hai đứa đi tới quầy gọi hai ly cà-phê crème, xong ra bàn ngồi chờ. Nhận thấy Khôi cứ nhìn quanh như có vẻ gì không thoải mái, chưa biết hư thực, Chương bèn kiếm chuyện hỏi thăm bạn: “Cậu đọc sách cả ngày không chán hả? Mà cậu thích đọc loại nào?” Như đã nghe nhiều người hỏi như vậy, Khôi trả lời nhanh: “Tớ chuyên về vật lý quantum, lượng tử, hơi khó hiểu nhưng hấp dẫn lắm với tớ…” Nói xong chàng ta cười mỉm chi một cách bí mật. Không biết gì về môn vật lý khó hiểu này, Chương đành quay sang hỏi thăm về cuộc sống của bạn: “Này Khôi. Tớ còn nhớ là lúc du học, cậu có học bổng đi Ý mà cớ sao sau cậu lại qua ở Paris vậy?”
    Vừa lúc ấy,người phục vụ mang cà-phê ra. Không trả lời Chương ngay, Khôi thư thả bỏ thêm đường vô tách, khuấy lên rồi đưa lên môi nhấp một ngụm… với khuôn mặt chữ điền, tóc luôn húi cao như nhà binh, Khôi toát ra vẻ thông minh lanh lợi, nhưng đôi mắt như không có hồn: khi cười chỉ ở miệng, còn cặp mắt thì vẫn lặng lờ không chút thay đổi. Dường như ít chú ý đến bề ngoài, quần áo anh lúc nào cũng xốc xếch như mặc không đúng size , như mượn tạm của ai. Bề ngòai trông như một anh thất nghiệp nghèo nàn, nhưng Khôi vốn tính tình hiền lành, thân thể mảnh khảnh, không thể hại đến ai nếu có gặp ở ngoài đường, có lẽ cũng do cái dáng trí thức và ốm yếu…

    Sau vài ngụm cà-phê, và như bắt buộc phải trả lời người bạn, Khôi láu táu: “Ồ…cái chuyện xa xưa ấy mà.Có gì đâu, học bổng của bọn Ý bắt học về hóa học, mà tớ chỉ thích vật-lý. Sau hai năm học ở Rome, chán quá nên sẵn có dịp qua thăm Nguyên ở Paris về, thấy giáo dục Đại Hoc bên Tây hay hơn, tớ bỏ qua đây …Thế là arriverderci Roma luôn!” Nghe Khôi giải thích như có cái gì không ổn: Bỏ học bổng của chính phủ Ý, một thứ học bổng quý giá mà bao sinh viên trong nước lúc ấy mơ mà không có được… Chương đâm nghi Khôi đã không nói hẳn sự thật. Biết tính người bạn vốn ít nói, kín đáo, không muốn tỏ lời tâm sự cùng người khác,Chương không hỏi thêm nữa,chỉ ngồi yên lặng,như giữa hai người có sự cách biệt của một bức tường vô hình vừa đang chắn ngang…Nhưng,câu nói của Khôi bằng tiếng Ý có nghĩa giã từ La Mã mới thốt lên,khiến Chương liên tưởng ngay đến câu chuyện tình buồn trong cuốn phim cũ với bản nhạc mang cùng tên …Hay đó, chính cũng là câu chuyện tình buồn của Khôi?
    Vốn ít nói, và có tính khép kín, nên cuộc đối thoại với Khôi như bế tắc, sau đó, Chương không còn nhớ rõ là hai người có nói thêm với nhau gì nữa, hay chỉ còn những lời hỏi thăm xã giao thông thường, nhạt nhẽo…Cho đến lúc phải ra đi, cả hai vội đứng lên, như thoát nạn, đỡ phải kéo dài thêm sự yên lặng vô duyên…Tiễn bạn tới bến xe đậu, giơ tay bắt từ giã Chương, nhưng như chưa nắm bàn tay bạn, Khôi đã vội buông ra, quay người rảo bước đi …về phía cầu thang, xuống tầng dưới, nơi có các bến métro…Dáng đi lắc lư, đầu cúi xuống , Khôi khuất dạng sau đám đông…
    Đó là hình ảnh cuối cùng của Khôi trong trí nhớ…

    Hôm nay, Chương băn khoăn thắc mắc về cái chết của người bạn thông minh học giỏi: nếu chịu khó thi lấy mảnh bằng, sẽ dư điều kiện để có một cuộc đời yên ổn và sung túc như nhiều dân du học bên Pháp, nhưng nay, vào cuối đời, Khôi lại sống bất ổn và khó khăn đến độ tự tìm đến cái chết?
    Lúc còn trẻ, Chương coi tự tử là hành động yếu đuối, bệnh hoạn của những kẻ sợ sống, và đã hèn nhát đã không dám đương đầu với nghịch cảnh , hay chỉ là phản ứng bốc đồng trong lúc khủng hoảng của những kẻ mang bệnh tâm thần. Nhưng khi đã trưởng thành, từng trải qua cảnh ngộ, Chương mới nhận ra ai đã tự tìm đến cái chết là đã làm chủ động định mệnh của mình, tự quyết định cuộc sống, trong đó bao gồm cái chết, và quan trọng là cần phải can đảm mới dám làm được. Đã nhiều lần, tuy có nghĩ đến việc tự tử, nhưng xem ra cũng chỉ dám để cho ý nghĩ đó thoáng qua trong đầu, nhưng chàng chưa bao giờ dám đi đến chỗ thực hiện, có lẽ vì bản năng sinh tồn mãnh liệt, hoặc do còn tiếc cuộc đời không chừng?…Trên thế gian, không ai là không có một lần nghĩ đến tự tìm cái chết, nhưng từ tư tưởng, qua hành động, là một cách biệt xa như vô tận, và tâm trạng cũng khác hẳn nhau ,như kẻ tỉnh với người đang trong cơn mơ vậy!

    Đang rảo bước [ Và đúng như trong nhiều hoàn cảnh hàng ngày trong cuộc sống – khi cố tìm vật gì thì chẳng thấy, và khi không để ý đến, lại tự dưng kiếm ra ], chợt nhìn thấy bảng tên Quán Miền Tây –Auberge de l’Ouest của nhà hàng, chàng thầm nghĩ, có lẽ lúc nẫy mình đã không chú tâm để thấy tấm bảng hiệu quá nhỏ, lại sơn một màu tối… Hơn nữa, mặt tiền của tiệm ăn chỉ chiếm một căn nhỏ, dễ lẫn vào các căn thương mại khác..Hay là vì không gian diễm lệ của mùa Xuân nơi đây đã thu hút mất tâm hồn mình?
    Người chủ quán Miền Tây đang đứng quan sát, nhìn quanh để đôn đốc nhân viên phục dịch khi Chương đẩy cửa bước vào trong tiệm. Trong lòng Phát, người chủ tiệm, hân hoan khi thấy chớm trưa của một ngày trong tuần mà bên trong đã đông khách: Họ ngồi chiếm gần hết mấy bàn ăn của căn phòng nhỏ.Tiệm ăn đang ồn ào cười nói, và xực mùi thức ăn đặc biệt Á Đông như làm tăng thêm sự ấm áp ngày đầu Xuân của một Paris lạnh lẽo.
    Thấy khách mở cửa bước vào, do linh tính bén nhậy, Phát đoán ra ngay Chương là người bạn của Nguyên, bèn đến gần chào đón:
    – Ông ở Mỹ qua phải không ? Mời ông vào đây ngồi.
    Vừa nói Phát vừa chỉ tay vào trong, rồi nói thêm:
    -Anh Nguyên thích bàn trong góc này thôi.
    Đã đứng tuổi, Phát trông trắng trẻo như một người ít khi ra nắng, gốc người Hoa nhưng nói tiếng Việt chuẩn, một giọng dân Miền Tây đặc sệt, hơi quê mùa và thường đồng hóa với giản dị, nếu không khác biệt cách ăn mặc thì rất khó đoán ra ông ta người Việt thuần túy hay có gốcTàu.
    Vẫn tự hào về nhận xét tinh vi đáng giá người lạ của mình, có lẽ là do từng sống như kẻ bên lề xã hội, Phát dễ trở nên nhậy cảm với tha nhân.
    Lúng túng, và hơi ngạc nhiên,Chương đáp lại:
    -Ủa sao ông biết tôi vừa bên Mỹ qua, và lại là bạn anh Nguyên nữa?
    -Trông cách ăn mặc, đi đôi giầy Nike này thường là khách Mỹ,.. Hơn nữa, anh Nguyên mới téléphone nói sẽ đến trễ một chút vì có con chim chết sáng nay…Ổng mê chơi chim lắm. Cái apartement nhỏ xíu mà chứa cả chục lồng chim!
    Vừa nói, Phát hướng chỉ dẫn Chương đi vào phía trong, và khi tới bàn, chờ khách ngồi xuống, xong với cái menu trên quầy đưa mời :
    – Ông uống trà nóng chờ ông Nguyên nghe?
    Nói xong, có vẻ bận rộn, không thể chờ cho Chương trả lời, Phát vội vàng đi ra sau bếp.

    Ngồi ở một góc bàn, mở thực đơn ra nhưng chưa vội đọc, Chương ngước mắt đảo nhìn quanh tiệm ăn :Đa số khách là bọn Tây, chỉ có bàn kế bên mình đây là có ba cô gái người Việt đang đọc thực đơn, tiếng một cô nói vang qua :“Tao đói quá,kêu nhanh nghe tụi bay..Gọi một con gà đen nhe…”
    Nghe đến “gà đen”, Chương liên tưởng đến món gà ác hầm của người Hoa, một món mà chàng không thích vì mùi thuốc Bắc và cái màu đen trông liên tưởng đến thứ thịt gà bị hư. Chàng để menu xuống và chợt nhớ tới lời ông chủ tiệm về con chim của Nguyên, đặc biệt là ông này còn biết chỗ apartment của Nguyên ở: “Có lẽ ông này thân với Nguyên chăng? Mình là bạn học từ thời Trung Học mà còn chưa biết rõ Nguyên ở đâu, mà ông này lại biết. Chắc hắn có liên hệ gì với bạn của mình… ” Chương nghĩ thầm rồi định trong bụng sẽ hỏi chuyện ông ta…Không rõ sao Chương cứ đinh ninh ông ta là chủ nhà hàng, có lẽ vì thấy ông ta vừa tiếp khách lại còn tính tiền, nhưng cũng có thể Chương lầm? Thường, theo kinh nghiệm sống, nhận xét đầu tiên của chàng về ai vẫn thường đúng, ít khi sai.Cũng có thể Chương chỉ nhớ những lúc đoán trúng, và như trí nhớ cũng được chọn lọc để tự đánh lừa chính mình chăng?
    Từ bếp đi ra, trên tay cầm bình trà và hai tách màu trắng, Phát để lên bàn:
    – Xin chờ một chút cho trà ngấm…Ông qua Pháp chơi được bao lâu? Bên Mỹ ông ở Cali hả ?
    Biết ông ta chỉ hỏi cho có lệ, như đã hỏi bao khách hàng khác, Chương đáp:
    – Không, tôi ở tiểu bang Ohio.
    Phát có khuôn mặt thanh tú, đôi mắt nhỏ nhưng đen và sáng, cái mũi vừa phải đều đặn trên khuôn mặt chữ điền nam tính và thông minh. Đặc biệt cách ăn vận sạch sẽ: áo sơ mi màu sáng có sọc ngang dài thời trang của người Hoa, trông gọn gàng như một công chức cũ, nhìn Phát không có vẻ như các mấy ông chủ tiệm ăn Á Đông, thường xốc xếch hay lem luốc như vừa ở trong bếp nấu nướng đi ra. Một cách xã giao, Phát hỏi tiếp:
    -Chỗ ông ở có nhiều người Việt không ?
    Chương cũng trả lời cho qua :
    -Không, ít lắm…
    Thấy cô khách giơ tay rồi liếc nhìn như tìm kiếm, Phát bỏ đi, bước vội đến chỗ bàn mấy cô Việt-Nam lấy order…xong xuôi nhanh nhẹn đi vào bếp …
    Ngồi nhìn cảnh sinh hoạt của tiệm ăn,Chương thấy nhà hàng chật chội , không rộng rãi và khang trang so với bên Mỹ ; bàn ghế ở đây nhỏ và kê sát nhau, khách ngồi nghe và thấy rõ bàn bên cạnh ăn gì và nói gì…
    Một lát sau, Phát đi ra , trên tay bưng mấy lon nước ngọt để trên bàn cho mấy cô gái. Chương để ý thấy đó là các lon coca, loại nước ngọt mà đã lâu lắm chàng không đụng đến.
    Có lẽ đã rảnh tay, muốn tiếp chuyện với Chương, Phát mở lời tâm sự:
    – Ông ở bên Mỹ là may mắn, chứ tụi tôi bên này làm ăn khó khăn lắm.Ở đây chỉ có người già là sướng hơn bên Mỹ,có y-tá đến nhà chăm sóc, và có cả người dọn dẹp, nấu nướng, chính phủ trả hết…nhưng mà cũng là do tiền thuế của dân thôi, như bọn tôi buôn bán đóng đủ loại thuế, mệt nghỉ.
    Nghe nói đến sự so sánh giữa hai nước, Chương không muốn ý kiến của mình đưa đến tranh cãi, đáp:
    – Riêng tôi thích cuộc sống bên Tây hơn. Bên Mỹ làm việc mệt quá, ngoài ra tụi tư bản bóc lột cũng dữ lắm, dân lao động là khổ thôi. Hơn nữa, đồ ăn bên này ngon hơn ở Mỹ nhiều…
    Thấy cửa tiệm đông khách , nhất là vào một ngày trong tuần, Chương nói có ý khen:
    – Ngày thường mà tiệm đông khách quá…Ông là chủ nhà hàng phải không ?
    Nở nụ cười tươi,Phát đáp:
    – Đúng rồi, tôi mở được hai năm nay. Tiệm cũng đông khách, nhưng thuế cao nên cũng đủ sống thôi. Bên này khó làm giàu, không như bên Cali. Tôi có người bà con làm móng tay bên đó mà có khá tiền , mua mấy cái nhà, mỗi cái giá cả triệu đô…

    Nghe nói, Chương nghĩ cũng đúng: mới qua San Jose về, chàng để ý là trong số bạn bè, nhà của họ giá cũng cả triệu, không có nhà nào rẻ hơn, như vậy thì họ cũng là triệu phú rồi còn gì ? Chả bù ở Ohio, nhà cửa chỉ vài trăm ngàn là cao ráo và rộng rãi…
    Người đàn ông phục vụ đang bưng thức ăn ra cho khách, anh ta nhanh nhẹn lướt qua các bàn. trông vẻ Á Đông, nhưng khó biết là người Việt hay Tàu hoặc Thái…. Mấy cô gái Việt ăn uống ngon lành và nói chuyện luyên thuyên không ngừng: họ dư thừa sức lực và tràn đầy nhựa sống, như mấy cô con gái 17 bẻ gẫy sừng trâu. Nhìn họ, Chương nghĩ thầm “Ai nói đó là phái yếu, khi họ ăn uống dữ tợn như hổ cái!” Nghe giọng tiếng Bắc của các cô vẳng qua, nhưng khác hẳn giọng Hà-Nội quen thuộc của người di cư 54, Chương đoán họ là các tiểu thư con ông cháu cha,hay đại gia hiện ở trong nước được qua đây du học…
    Nhận thấy Phát vẫn đứng cạnh bàn, không có vẻ bận, Chương gạ chuyện :
    – Xin cho hỏi anh tên là gì, và là bạn Nguyên lâu chưa?
    Với cử chỉ thân thiện, Phát kéo ghế ngồi xuống bên góc đầu bàn, trả lời :
    – Tôi tên Phát, khi mới qua Tây có đi làm nhà hàng của ông Nguyên, tôi nghĩ mình như đàn em dưới trướng của ổng…Ông Nguyên khó tính nhưng tốt bụng, mới quen không biết như vậy đâu, chơi lâu rồi mới khám phá hiểu ra điều đó, ổng kín đáo lắm…
    Nghe Phát bật ngờ thổ lộ về Nguyên mà Chương chưa hề biết, khiến chàng đâm ra tò mò,muốn dò hỏi thêm, nhưng lại nghĩ thầm là có lẽ nên thăm hỏi về nhà hàng đã rồi sẽ tùy câu chuyện đưa đẩy mà dò hỏi về người bạn mình sau, như vậy sẽ khéo léo hơn…Bỗng Chương nhớ đến lời Thủy dặn dò mỗi khi đi đâu một mình…Như những bà vợ tự coi là đảm đang và tính toán giỏi, Thủy luôn góp ý chồng về cả lời ăn tiếng nói khi giao thiệp, lẫn vấn đề mua bán, nhất là với người Việt ở Cali.Chương đã từng bị lừa khi đi mua hàng bên đó, vì không biết trả giá nên cứ hay bị mua hớ. Thủy tỏ ra còn bực mình hơn chính nàng bị hớ, như kẻ chơi bài mà chược đang chờ ván mủn cun thì đột nhiên bị ù phỗng tay trên.
    v
    Chiếc tramway ngừng ở trạm Porte de Choisy, Nguyên cố lách qua đám khách đang đứng đông nghẹt để ra khỏi toa xe- tramway là loại xe điện chạy trên mặt đất giống như ở Hà-Nội, nhưng có nhiều toa hơn nên trông y hệt chiếc xe lửa, nhưng chỉ chạy chậm chạp trong vòng thành phố Paris-, bước xuống tới đường, chàng rảo bước hướng về khu chợ Việt-Nam để đến Quán Miền Tây cho kịp giờ hẹn với Chương.
    Biết tính người bạn ở Mỹ rất réglo, luôn giữ lời hứa đúng giờ, làm việc gì cũng đâu ra đó: Dù ở xa tận Compiègne nhưng Chương sẽ đến đúng giờ. Biết thế nào mình cũng sẽ bị trễ nên trước khi rời nhà, Nguyên đã gọi cho Phát, người chủ tiệm để nhờ nhắn lại với Chương là cứ yên tâm ngồi chờ. Nguyên cũng không quên nhờ Phát tiếp chuyện bạn mình cho đỡ buồn…

    Là người Việt gốc Hoa, gia đình Phát đã hai đời sinh sống bằng nghề buôn bán ở chợ Biên Hòa, nhưng Phát lấy vợ Việt là em họ của Khôi. Ông nội Phát trôi giạt tới Biên Hòa từ tỉnh Phước Kiến bên Tàu sau Đệ Nhị Thế Chiến với hai bàn tay trắng. Nghe kể lại, khi mới tới Biên Hòa, chưa có nhà cửa ông ta có đêm phải ngủ ở một trạm bán rau giữa chợ.Thế mà,nhờ thông minh và cần cù,sau này ông ta trở thành một Bang Trưởng ở vùng Đồng Nai. Tuy vẫn giữ nề nếp Trung Hoa, nhưng đến đời cụ thân sinh ra Phát, ông lại cho các con đi học cả trường Tàu lẫn trường Việt. Nối gót cha, Phát làm chủ tiệm tạp hóa ngay giữa chợ. Năm 75, khi Cộng Sản vào, gia đình Phát bị đánh tư sản nên mất tất cả gia sản, của cải. Đến cuối năm 79, Phát đăng ký bán chính thức chuyến vượt biển cho gia đình và may mắn đi trót lọt tới đảo Galang. Sau 6 tháng ở đảo và bị từ chối nhiều lần đi Mỹ, thất vọng và sợ kéo dài cuộc sống bấp bênh ở trại, vợ Phát bèn viết thư nhờ Khôi bảo lãnh qua Pháp. Lúc đó Khôi cũng đang thất nghiệp lêu bêu sống ở Paris, không có đủ điều kiện tài cánh để bảo trợ, nên cầu cứu đến Nguyên nhờ bạn làm giấy tờ cho gia đình Phát. Hồi ấy, Nguyên cũng mới mở tiệm phở, đang cần người phụ việc nên sốt sắng lo giấy tờ. Khi qua tới Paris, Nguyên đưa Phát vào làm việc ngay cho nhà hàng. Nhanh nhẹn và thành thật, rất đáng tin cậy, Nguyên nhận Phát như một người em nuôi. Tiệm phở phát đạt, đông khách, nên trong bụng Nguyên vẫn tự coi mình nấu phở ngon nhất Paris, nhưng chỉ được vài năm thì thua lỗ. Tiệm phở đóng cửa vì lý do Nhàn, người vợ cũ của Nguyên phản bội chồng. Trong lúc gia đạo lộn xộn, chàng đã phải giao tiệm cho nhân viên quán xuyến nên tiệm trở nên bê bối, phở nấu mất ngon đi, và công tác phục dịch cũng luộm thuộm làm mất khách…Thật ra không rõ ai phản bội ai, “ông ăn chả, bà ăn nem”, có lẽ Nguyên lăng nhăng trước với mấy cô chạy bàn: đầm có, lai có và cả gái Việt lẫn Miên. Câu chuyện tình của vợ chồng Nguyên khởi đầu đẹp như mơ nhưng dần dần trở nên phức tạp, cuối cùng đầy gian dối và tính toán chi ly.
    Chàng vẫn tiếc là Phát lúc đó đã nghỉ làm cho mình và chạy vô Quận 16 đầu quân cho một nhà hàng Tây sang trọng. Nếu còn có Phát, Nguyên nghĩ là tiệm phở chắc vẫn tồn tại vì thằng em nuôi này ngay thẳng và đàng hoàng như phần đông người gốc Hoa…

    Đi nhanh một quãng thì thấy tim mình đập mạnh và nhanh, Nguyên đành bước chậm lại, trong bụng hơi lo vì cách đây 3 tháng, Nguyên vừa bị một coup đau tim, gọi cấp cứu và phải nằm nhà thương 3 ngày để bác sĩ bỏ mấy ống thông mạch vào 2 chỗ bị nghẽn.Cố định thần cho lòng mình lắng xuống, giảm bớt cơn giao động, nhưng chàng vẫn còn giận trong bụng: ấm ức Mai, cô bạn gái, hay đúng hơn con bồ nhí, vì chính nó đã làm con chim hoàng yến yêu quý bị chết. Nguyên cho là cô ta đã quên thay nước cho chim trong mấy ngày chàng đi xuống thăm con gái ở dưới Lyon.Nghi ngờ con bé, tuy đã hứa nhưng đã không đến chung cư của Nguyên chăm sóc mới khiến con canarie hoàng yến lăn đùng ra chết sáng nay. Con chim này tuy có tuổi nhất trong năm con, nhưng cũng chưa hẳn là đã già, nó chỉ mới sáu tuổi. Mua ở Hòa Lan đúng năm năm trước, lúc nó chỉ một tuổi, là trống nên nó hót điêu luyện, có giọng thanh thót.Mỗi buổi sáng,mình nó hót bên cạnh trong khi Nguyên uống cà phê và ngồi xem tê-lê. Sáng nay, dở tấm màn che lồng chim ra: Hỡi ôi, nó nằm bất động dưới đáy, ủ rũ yên lặng …

    Ly dị đã trên mười năm, Nguyên sống một mình ở Paris. Còn Nhàn, vợ cũ, đã dọn xuống Lyon với người chồng Tây, gần gũi với đứa con gái. Nhân dịp vợ chồng Nhàn đi chơi xa, đứa con gái rủ Nguyên xuống nghỉ ngơi và phụ trông nom đứa cháu ngoại duy nhất… Tình yêu của Nguyên và Nhàn lúc mới gặp nhau say đắm nồng nàn bao nhiêu thì lúc bỏ nhau càng khô khốc và bệ rạc như kẻ thù truyền kiếp. Họ lôi những tật xấu của nhau ra bêu rếu cốt để làm nhục người kia. Nhưng thời gian tuy vô can mà cũng âm thầm xoa dịu vết thương lòng của họ. Và bây giờ thì Nguyên cảm thấy dửng dưng, dù chàng vẫn chẳng muốn gặp lại Nhàn. Đứa con gái hiểu bố, nên cũng cố tránh cho bố mẹ khỏi phải gặp nhau.
    Hôm con gái lái xe đưa bố ra nhà ga về lại Paris, Nguyên bịn rịn chia tay với đứa cháu khi thấy nó quyến luyến khóc đòi ông ngoại bế… Thoáng qua, chàng thấy ân hận vì mình mà gia đình tan nát, ảnh hưởng đến con cháu . Người đàn ông dễ lăng nhăng mà lại không dứt khoát; trong khi đó, Nguyên biết một khi Nhàn đã quyết định là không gì thay đổi nữa, như nước làm vỡ bờ rồi….Giờ đây, mỗi khi đau yếu,Nguyên tiếc không được Nhàn chăm lo cho như thủa ban đầu cùng chung sống. Tự ái vẫn mãnh liệt hơn dư âm của tình yêu. Sau khi bỏ nhau, bồ bịch với mấy cô gái sồn sồn, Nguyên chưa bao giờ tin vào mấy cô bồ nhí đó được, nhất là mấy cô gái ở Hà-Nội qua sau này, tụi này moi được tiền xong là bỏ rơi chàng ngay, không chút do dự, chúng còn tàn nhẫn hơn cả mấy cô Đầm da trắng tóc vàng sợi nhỏ! Ít ra, bọn đầm còn ngay thẳng, yêu đương thì rất nồng nàn, mà khi chán nhau họ vẫn thành thật, nói lời chia tay mặc dù chỉ lạnh lùng như một câu chuyện nói với người lạ. Nguyên không thể ngờ dân Hà -Nội, một thời được mệnh danh là dân thanh lịch của đất ngàn năm văn vật, bây giờ đã sản xuất quá nhiều thứ ma cô, lừa đảo đến như thế! Kể cả giọng nói lich lãm của người Hà Thành xưa, nay âm điệu ấy cũng đã thay đổi, khó nghe và quê mùa như dân từ một vùng dất nào khác dọn đến Hà-Nội. Gái Hà Thành nay nổi tiếng khắp thế giới nhờ tiếng chửi tục!

    Muốn tạm quên chuyện chim hoàng yến, Nguyên cố tập trung suy nghĩ đến buổi hẹn hôm nay với Chương.. như một sợi giây chuyền liên hệ với nhau: Chàng nhớ lần nào có Chương qua Paris là ba đứa bạn cùng hẹn nhau đi ăn như trưa nay.Dù cái chết của Khôi gần đây không làm buồn lòng mấy, Nguyên nghĩ đó như là một giải thoát cho bạn mình: Khôi đã có một cuộc sống cô đơn và nghèo nàn, tâm tư như một người mất hồn, lúc nào cũng bị bất ổn, mà luôn luôn vất vả vì không có tiền. Đã vậy Khôi rất cứng đầu, từ chối lời khuyên hay chỉ dẫn của Nguyên nhằm giúp đỡ kiếm việc làm, cũng như tích cực xin quyền lợi của chính phủ như trợ cấp nhà ở loại HLM, tên tắt của chương trình housing của Pháp. Chỉ trông cậy vào món tiền trợ cấp thất nghiệp nhỏ nhoi sau một thời gian ngắn đi làm phụ giáo, Khôi thuê một căn studio ở Sevran. Mấy năm gần đây, lại bị thêm bệnh phong thấp và cao máu, mà Khôi không chịu đi khám bác sĩ để có thuốc uống. Sau mấy lần thúc giục và Nguyên còn tình nguyện đến đón, Khôi vẫn nhất định không chịu đi khám bệnh. Không tin vào thuốc Tây, cho là tự mình chữa lấy còn hay hơn, Khôi dùng thảo dược để chữa cho mình.
    Khi còn trẻ, học giỏi và thông minh nhất trong ba đứa, nhưng trời đã cho ai cái tài, kèm thêm luôn cái tật, Khôi có tính kiêu ngạo. Ganh tỵ với bạn, Nguyên đâm ghét vẻ tự cao của Khôi. Bao năm chung sống ở Paris nhưng hai đứa ít gặp nhau, chỉ từ khi có Chương liên lạc lại, Nguyên mới gặp Khôi nhiều hơn trước. Nhưng khi chứng kiến sự sa sút và nghèo khó của Khôi, Nguyên xúc động, mà không biết có thể giúp được gì hơn là lâu lâu gọi hỏi thăm, hay rủ Khôi đi ăn uống. Những khi ngồi đối diện, hai người như đang ở hai thế giới khác nhau, câu chuyện giữa họ như hai làn sóng khác tần số không thể cảm nhận nhau được. Nguyên không thể hiểu nổi Khôi…Và chỉ đến khi Khôi chết, Chương gọi qua hỏi thăm, Nguyên mới bắt đầu tìm hiểu về quá khứ của người bạn đồng môn Chu Văn An…
    v
    Trông thấy có khách mở cửa, và nhận ra Nguyên vừa ló đầu bước vào, Phát lên tiếng gọi lớn :
    -Anh Nguyên vào trong này nhe!
    Một tay cởi khăn quàng, còn tay kia tháo mũ nỉ ra, lách qua mấy bàn ăn Nguyên bước vào phía trong, đến gần, chìa tay ra bắt Chương, nhưng không quên hỏi thăm Phát :
    – Bonjour Phát, khỏe không cậu ? Độ này tiệm ra sao ?
    Kéo ghế ngồi xuống, Nguyên nhìn Chương ngỏ lời :
    – Xin lỗi toa , moa đến trễ vì mấy chuyện lăng nhăng ở nhà…
    Nhìn cái đầu hói chỉ còn lưa thưa tóc hai bên vành tai của người bạn parisien và dáng mệt mỏi, do đi bộ hấp tấp, Chương cười đáp :
    – Không có gì…Moa ngồi đây nói chuyện với ông chủ, cũng vui. Còn có dịp được biết thêm sinh hoạt bên Tây…Moa đi chơi mà, đâu có gì gấp đâu…Thăm dân cho biết sự tình là chính thôi !
    Để ý thấy Nguyên ăn bận luộm thuộm,nhiều lớp áo dầy, mặc dù trời không đến nỗi lạnh lắm, Chương cho là dân Pháp lúc nào cũng mặc cho ấm phòng xa cần đi bộ lâu và chờ đợi xe metro hoặc xe lửa, còn bên Mỹ, dù có lạnh cách mấy cũng chẳng cần, vì động một tý là nhảy lên xe rồi…
    Đột nhiên thấy bạn như già hơn ba năm trước,Chương đoán là sau cơn bệnh và mổ, sức khỏe của Nguyên hẳn có hơi sa sút. Dù ăn mặc xuề xoà nhưng nếu để ý kỹ, quần áo của bạn vẫn là loại đắt tiền, bên Pháp gọi là “đồ marque “tức có nhãn hiệu nổi tiếng như Pierre Cardin, Lacoste, hay Gucci…
    Tiến đến gần, vòng tay qua bàn, Phát đưa ra tờ menu và Nguyên đỡ lấy nhưng không cần mở ra đọc, chàng lên tiếng gọi luôn thức ăn như đã nằm lòng:
    – Toa cho ông bạn moa bên Mỹ ăn thử đĩa gà đen, rồi cho tụi moa thêm cái lẩu dê đặc biệt …Chắc cho bọn moa uống trà nóng đi nhe !
    Nói xong xoa tay ra vẻ đắc chí, Nguyên cởi cái ngoài ra, quay người máng lên thành ghế, xong đưa tay gỡ kính ra, rồi rút khăn tay ở túi áo ra lau …xong đeo vào… Phát cầm lấy tấm menu rồi bước vào trong bếp.
    Để có chỗ gác tay lên bàn, Nguyên đẩy cái chén và đĩa vào phía trong. sau khi sửa ngay ngắn và như đã ổn định xong chỗ ngồi, nhìn Chương hỏi thăm :
    – Lần này qua chơi được mấy ngày, có tính đi đâu chơi ngoài Paris ra không ? Bà Thủy không đi theo lần này, toa cũng được tự do đấy nhé!
    Nói xong, miệng nở nụ cười thân thiện, và khi nhếch mép, làn da quanh hai đôi mắt của chàng nhăn lại rõ rệt như nét vẽ. Nguyên có khuôn mặt trắng trẻo và đầy đặn, tô điểm bởi đôi mắt to đen nằm sau đôi kính cận, cân xứng với cái mũi cao và dầy. Mỗi khi nói, Nguyên vung tay lên như một ông Tây nói chuyện, hay như ông thầy đang giảng bài cho học sinh nghe…Và như cần phải nói ngay với bạn, Nguyên xuống giọng, với vẻ trang nghiêm nói :
    – Số tiền hai trăm đô toa nhờ ông anh ở Compiègne đưa cho moa để phúng điếu Khôi, moa đã đưa hết cho Loan, vợ của Phát rồi. Gia đình Khôi không có ai ngoài Loan là cousine duy nhất bên này. Không có tụi nó lo đám ma, có lẽ moa chẳng biết làm sao. Hai đứa nó làm lễ cầu siêu cho Khôi trên chùa Khánh An và tro cũng để luôn trong đó. Phát nó là dân Tàu nên rành cúng kiếng và …cũng dị đoan lắm, toa nhìn coi…
    Vừa nói, vừa cười rồi Nguyên chỉ xuống sàn, nơi có bày hai bàn thờ, một là ông thần Tài, bên cạnh thêm cho ông Quan Công, đặt dưới quầy tính tiền:
    – Lúc sống, Khôi chẳng tin vào cái gì, đạo nào. Nó là một một thứ khoa học gia, tự coi mình như một academicien, nhưng khi chết thì xem ra cũng phải nương hồn nơi cửa Chùa!
    Nói xong Nguyên lắc đầu như ra điều hoang mang, không hiểu nổi cuộc đời và Đạo Pháp, còn Chương ngạc nhiên vì là lần đầu nghe nói đến sự liên hệ của vợ Phát với Khôi. Mấy lần trước chàng qua Pháp, Nguyên không hề nhắc đến vợ chồng Phát và Loan, và bây giờ Chương mới hiểu tại sao Phát biết rõ về Nguyên như một người nhà, quen đã lâu và thân như bà con trong họ. Dân Việt ở Paris nếu cùng một phía thì có lẽ quen nhau hết, vì Cộng Đồng gốc Việt ở đây chia ra hai phe rõ rệt: Quốc Gia và đám Việt kiều, trước kia có thêm nhãn hiệu yêu nước, nay đã lột bỏ hai chữ tuyên truyền đó.
    Có vẻ như không muốn nhắc đến chuyện buồn về Khôi nữa, Nguyên hỏi Chương :
    – Plan của toa hôm nay làm gì?… Uổng quá, xe của moa bị hư nên không đưa toa đi đâu được…Nhưng hôm nay moa rảnh, bọn mình có thể lấy métro đi loanh quanh cũng tiện…Nếu toa thích xem tranh bọn họa sĩ impressionist , bọn mình đi Musée Quai D’Orsay, xong tạt qua khu Les Marais , của dân Do-Thái dạo phố rồi kiếm quán nhỏ ngồi uống cà-phê?
    Thấy người bạn không trả lời mình, dáng như đang trầm ngâm suy nghĩ, Nguyên đoán có lẽ Chương thất vọng vì không có xe hơi và phải đi bằng métro, ngại không nói ra? Nhưng thật ra, Chương đang thả hồn băn khoăn về cái chết của người bạn xưa, một người tuy học giỏi nhưng xấu số, cuối đời gian nan và cô đơn tại một thành phố vui nhộn nhất thế giới…Chợt liên tưởng đến vụ đau tim của Nguyên, xẩy ra cũng vào khoảng lúc Khôi mất, Chương hỏi thăm :
    – Cái vụ đau tim của toa đã chữa khỏi chưa ? Ăn uống bình thường lại chứ, hay là phải kiêng, ăn uống theo régime?
    Ra vẻ triết lý và làm như không quan tâm lắm đến sức khỏe, Nguyên cười đáp:
    – Sống chết có số cả, moa thà chết no, còn hơn là chết đói. Ở bên Tây mà không thưởng thức bơ sữa, pa-tê, xúc xích làm sao được toa…c’est l’ impossible !

    Nói vậy, nhưng trong ánh mắt Nguyên vẫn thoáng qua nét như lo lắng ngầm, gợn buồn về tình trạng sức khỏe của mình. Đôi khi do yếu đuối, chàng tránh không nghĩ đến hoàn cảnh già nua và sa sút của chính mình, và rồi chạy trốn vào những thú vui cho quên đời : Uống rượu, ăn nhậu hay đen đỏ cờ bạc, bỏ tiền đi đua ngựa, đá gà trên Lille hoặc xuống tận Monaco thử thời vận. Khi trúng cá hoặc được bạc thì Nguyên cho là có lời, còn những lần thua đậm, thì chàng lại coi như huề, đổ lỗi tại vì gần thắng mà hóa ra thua, rồi hứa sẽ để lần sau gỡ lại…, như tự bào chữa cho hành động ăn chơi của mình. Ngoài ra, ít khi tự hối lỗi về sự tan vỡ của gia đình, trái lại Nguyên lên án Nhàn đã bỏ chồng , chạy theo tiền bạc và giàu sang của ông Tây trẻ hơn nàng. Nhưng, điểm lại, nhớ đến hình ảnh hôm từ giã con gái và cháu ngoại, chàng chợt cảm thấy ân hận, và như là lần đầu tự nhận thấy mình có lỗi: Đã gián tiếp xô đẩy Nhàn vào tay thằng Tây con. Tận trong đáy lòng, biết mình không tự chủ trước cám dỗ của mấy cô gái đẹp, và như một con ngựa quen đường cũ, Nguyên không thể thiếu một bóng hồng bên cạnh, nên cuối cùng vẫn chứng nào tật nấy…

    Đột nhiên cả hai ngừng nói, trầm ngâm như suy tư…Từ sau bếp,Phát đi ra, trên tay bưng đĩa đồ ăn, đến để giữa bàn: Đó là món gà đen Nguyên gọi lúc nẫy. Nhưng không phải là món gà ác hầm thuốc bắc mà chỉ là một nửa con gà rô-ti nằm trên cái đĩa hình bầu dục, chín mọng , được chặt miếng sẵn, nằm gọn ghẽ, bên cạnh là một chén nước sốt cà chua.
    Chương bỗng bật hỏi :
    – Con gà này đâu có đen hả toa ?
    Nguyên cười đáp:
    – À , gà đen ở đây là gà nướng theo kiểu Tây đen ở Phi Châu, bên này gọi tắt là gà đen vậy thôi…
    Nghe bạn giải thích xong, vội gắp một miếng vừa phải: nhúng ngập vô chén sốt bên cạnh; xong đưa lên miệng cắn ăn thử,Chương cảm thấy da gà giòn tan dần trong miệng; thịt gà nạc mềm nhưng không khô, được nướng vừa khéo, hương vị quyện với mùi sốt cà chua đậm đà vừa ngọt vừa chua, ngon hơn gà rotisserie quay thường mua ở các chợ bên Mỹ.
    Có lẽ cả Nguyên và Chương đều đói, nên chỉ một chập là họ đã ăn gần hết đĩa gà đen…
    Khách ra vào bắt đầu thưa dần, và tiếng ồn cũng lắng xuống hơn trước. Trong khi chờ món lẩu dê, Chương hỏi Nguyên :
    – Toa có tin gì thêm về nguyên nhân cái chết của Khôi không? Hôm trước toa phôn cho moa, có nói là giấy khai tử không ghi gì rõ nguyên nhân tử vong?
    Đưa khăn ăn lên, lau qua miệng, Nguyên đáp :
    – Tụi Tây không có ghi gì hết, chỉ đề là chết , mặc dầu rõ ràng là do ngạt hơi ga thoát ra từ lò bếp…Có lẽ thông thường nếu tự tử thì cũng để lại thư hay dấu hiệu nào đó. Đằng này, Khôi sống một mình, hàng xóm chung quanh không nhận có điều gì khác lạ từ ngày hôm trước đó cả…
    Gắp miếng gà còn sót trên đĩa, nhai chậm chạp.., Nguyên như chợt nhớ ra điều gì, nói tiếp:
    – Để moa hỏi thăm Loan, vợ Phát, xem họ biết thêm gì nữa không…Vì không có ai thân ở Paris, Khôi được vợ chồng Loan-Phát lo cho nhiều thứ. Và Loan là người được cảnh sát báo tin trước nhất, đã đến nhà xác nhận diện Khôi…
    Như muốn dò hỏi thêm cho bạn, Nguyên quay người, thấy Phát đang đứng nơi cửa ra vào bếp, bèn gọi:
    – Này Phát, Loan độ này có hay ra tiệm không?…Anh Chương đây cũng là bạn thân cũ, muốn hỏi thăm về cái chết của Khôi. Toa có biết thêm tin gì không ?
    Bước đến gần, Phát đáp :
    – Vợ em nó lo hết chuyện hậu sự cho anh Khôi. Nó rành chứ em không biết gì ráo trọi…Nó đang làm giấy tờ thuế ở đằng sau bu-rô, để em gọi nó ra chào hai anh luôn…

    Nghe một người gốc Hoa gọi vợ bằng tiếng nó, Chương không lấy làm lạ, mà liên tưởng đến một kỷ niệm trong quân ngũ năm xưa :
    Vào khoảng năm 1970, khi được điều động tạm thời phục vụ một đơn vị văn phòng ở Sài-Gòn, thường là ngồi cà nhổng cả ngày lo mấy văn thư cho một ông Trung-Tá nổi tiếng tham nhũng, Chương ngồi chung một phòng nhỏ với độ sáu bảy anh lính tà lọt dưới quyền. Một hôm , ông xếp vừa đi về sớm thì viên Đại Tá đơn vị trưởng gọi hệ thống inter-com vào văn phòng hỏi Trung Tá đâu. Người lính đứng gần máy, nhanh nhẩu đáp: “Nó đi dzề rồi !” Sau đó im lặng và là tiếng tắt máy…Một chốc lát sau, viên sĩ quan tùy viên bước vào kêu Chương lên trình diện ông Đại-Tá gấp.
    Lần đầu tiên đứng trước đơn vị trưởng, trình diện cấp bậc, tên tuổi và số quân đàng hoàng nhưng Chương lại quên đứng ở thế nghiêm để chờ lệnh, liền bị ông lớn tiếng nạt :” Anh đứng nghiêm lại! Thiếu Úy mà quên cả Quân Phong Quân Kỷ hả? Anh có biết tôi là Đại Tá Cục Trưởng không” …Sau đó, ông hỏi đứa nào dám kêu vị Trung Tá là nó vậy . Chương bèn giải thích về gốc gác anh Hạ Sĩ là người gốc Tàu không nói rành tiếng Việt…Vị Đại Tá suy nghĩ giây lát…và sau đó ông bớt giận, phẩy tay, cho chàng về.

    Chương thoát nạn và hú hồn vì cả chàng lẫn anh Hạ Sĩ kia đều không bị phạt . Sau này chàng mới biết là anh lính này đã có chạy tiền để về được đơn vị ấy… Không chừng chính viên Đại Tá có dính dáng đến việc thuyên chuyển này nên đã dễ dàng bỏ qua.
    Cánh cửa từ bếp mở: Phát ra trước nhưng đứng lại chỗ tính tiền như tiếp tục công việc. Theo sau là một người đàn bà tầm thước, trông dáng khỏe mạnh nhưng khó đoán rõ tuổi của vợ Phát, độ khỏang năm mươi. Ở cái tuổi sồn sồn này, đàn bà thường rất khó đoán chính xác được: Có thể trẻ như bốn mươi, hoặc đã cận sáu mươi mà nhiều bà trông vẫn trẻ như năm mươi không chừng . Thường ra đàn bà dáng điệu nhẹ nhàng trông dễ trẻ trung hơn dáng nặng nề. Loan không đẫy đà mà cũng không mảnh khảnh. Nàng ăn mặc gọn gàng, quần bó sát với áo thung ngắn tay để lộ hai cánh tay tròn trịa rắn chắc, trông bình thường không xuất sắc nhưng dễ coi, nhưng có cái mũi hơi thấp và gẫy khiến cho Loan có vẻ bình dân hơn là quý phái…Nàng tiến đến bàn của Nguyên và Chương:
    – Bonjour anh Nguyên !
    Quay qua Chương, nàng chào :- Bonjour anh…anh mới ở Mỹ qua chơi?
    Không biết có nên bắt tay một phụ nữ người Việt chưa quen hay không, Chương chần chừ…rồi chỉ ngồi yên, gật đầu chào.
    Có lẽ đã được chồng nói trước về Chương, với giọng nói của người Miền Nam, Loan tự nhiên bộc lộ tính cởi mở và ngay thẳng, trái hẳn với tiếng chanh chua của mấy cô Bắc Kỳ ngồi bàn bên cạnh. Nàng có khuôn mặt trắng trẻo, không phấn son, khác với giới phụ nữ bên Mỹ thường khi ra đường lúc nào cũng lòe loẹt như một ca sĩ sắp lên sân khấu…Chẳng thế mà nghề làm móng tay ở Paris ế ẩm, không thịnh hành được như ở bên Mỹ…
    Nguyên lên tiếng đáp lễ :-Bonjour em , anh vẫn khỏe…Giới thiệu với em, đây là anh Chương bạn học từ nhỏ của anh và anh Khôi, mới từ Ohio bên Mỹ qua chơi…
    Nhìn về hướng Loan, Chương lịch sự chào lại :- Chào chị..
    Tự động kéo ghế ngồi đối diện với Nguyên, rồi quay nhìn Chương, Loan hỏi :
    – Anh bên Mỹ ở Ohio là ở đâu vậy? Kỳ này qua chơi được bao lâu và có tính đi chơi xa đâu không anh?
    Với giọng xã giao,Chương đáp lại :- Ohio là nơi khỉ ho cò gáy, cũng như vùng quê bên mình…À, thì chắc cũng đi loanh quanh Paris, rồi tính đi thăm Giverny, chỗ ông Monet cho biết cái vườn hoa của ông họa sĩ impressionist cuối cùng này…Biết để về Mỹ còn khoe vợ con, bè bạn… Nhưng anh Nguyên nói xe hư nên chắc lại thôi, không cần đi nữa…Ở đây, nhà hàng đông khách quá chị nhỉ . Đồ ăn nấu cũng ngon lắm. Xin gửi lời compliment pour le chef !
    Chương tự dịch từ tiếng Anh qua nên chàng băn khoăn không biết có nói sai tiếng Tây hay không.
    Loan mỉm cười đáp:
    -Cám ơn anh đã khen, dân Tây cũng thích món ăn của tiệm này lắm…
    Ngồi ở đầu bàn bên kia, Nguyên tiếp tục hỏi thăm Loan :
    – Mấy đứa nhỏ vẫn thường cả chứ Loan? Mà tụi nó lên Đại Học cả rồi phải không?
    Như đúng vào tâm điểm của một bà mẹ thương con, Loan hãnh diện khoe :
    – Hai đứa con em đều vô trường Paris huit. Thằng con trai nó học về informatique, còn cháu gái theo ngành Tâm Lý Học…Tụi em may mắn, hai đứa đều ngoan và dễ dậy bảo. Chứ mấy anh coi, con cháu Tây Đầm bên này ăn chơi khiếp đảm lắm.
    Nói xong, đôi mắt Loan sáng ngời đầy vẻ vui sướng.
    Nguyên đưa lời khen và dọ hỏi Loan :
    – Vợ chồng em đã lo chu toàn cho Khôi là tốt quá rồi…À mà tại sao anh Khôi có thể lơ đãng như vậy nhỉ. Ở bên Tây lâu rồi thì phải biết tắt ga khi nấu nướng xong chứ?
    Như nhớ đến tiền phúng điếu của Chương, Loan ngỏ lời :
    – Cảm ơn hai anh đã giúp đỡ cho đám tang anh Khôi. Tội nghiệp ảnh đơn côi …Tụi em có ngỏ lời mời ảnh về ở chung nhà cho vui, nhưng mấy anh cũng biết, tính của ảnh khó khăn và rắc rối lắm…Ngay cả bồ bịch mà không có cô nào chịu đựng được! Không biết sao mà nói…nhưng em không nghĩ là anh ấy tự tử…vì, khi pompiers vô nhà, trên bếp còn nồi ra-gu đang nấu mà ! Ôi bọn Tây cứ suy diễn lung tung, họ nghi ngờ cái này cái kia đủ thứ. Hơn nữa, tự tử hay không thì cũng đã chết rồi, có gì quan trọng mà thay đổi được chứ! Tài sản ảnh không có gì hết trọi, vậy mà họ cứ còn điều tra lung tung. Nếu ảnh mà có tiền trong băng thì chắc còn rắc rối lắm với tụi Tây.
    Ra vẻ rành luật pháp, Nguyên nói:
    – Bọn nhà giàu thì khi chết đi, con cháu tranh giành gia tài, nhà cửa, tài sản. Có khi họ lôi nhau ra tòa nhờ luật pháp giải quyết từng đồng…cho đến cái đĩa, cái bàn, cái ghế trong nhà. Nhiều khi, anh chị em đang vui vẻ, nhưng đùng một cái, cha hay mẹ chết, chỉ vì gia tài mà họ từ nhau, ghét như kẻ thù!

    Vừa lúc người phục dịch mang mấy đĩa thức ăn đặt kín trên bàn …Thấy bún và rau thơm, Nguyên gắp ngay để sẵn vào đĩa…Phát chậm rãi bước ra, trên hai tay bê một lò bếp ga, tới gần bàn nói lời cảnh giác: – Nước sôi…nước sôi.
    Ngó thấy chồng, Loan vội dọn chỗ trống để Phát đặt lò lên giữa bàn cái lẩu đang sôi bốc hơi.
    Để cho khách tự nhiên, Loan đứng dậy kiếu từ:
    – Bon appétit. Mời hai anh dùng ngay cho nóng ! Lát nữa em sẽ ra nói chuyện tiếp, nhe.
    Nàng vừa đứng dậy, nhưng bỗng như nhớ ra điều gì, quay lại nói :
    – À anh Nguyên ơi…hôm trước em soạn đống hình cũ của anh Khôi, em có thấy một tấm hình có lẽ chụp ở Rome, chung với một cô gái Ý; đằng sau tấm hình có ghi tên Lydia. Không biết cô này có phải bạn hay bồ cũ gì của anh Khôi không vậy? Tụi em chưa hề nghe ảnh nhắc gì đến cô ta bao giờ?
    Tay còn đang múc thìa canh lẩu xối lên bát, Nguyên trả lời :
    – Anh chỉ nhớ có một cô sinh viên…Thời anh mới qua Pháp và nghe tin anh đang ở Paris, thì Khôi từ Rome qua chơi với một cô sinh viên người Ý nhưng anh quên tên rồi…
    Làm như không tiện đào sâu thêm vấn đề, Loan đứng yên lặng giây lát xong bước vào lại trong bếp.

    Bữa cơm trưa hôm đó đáng được ghi nhớ, vì nhờ đó, Chương đã khám phá thêm về Khôi, và cũng mừng thầm đã được thưởng thức món lẩu dê ngon lành và đặc sắc. Đối với chàng, món ăn thường gắn liền với kỷ niệm về nơi chốn, như cứ trông thấy khoai lang, khoai mì là Chương nhớ tới thời gian tù đầy trong rừng sâu Việt-Bắc, và món lẩu dê sẽ làm chàng nhớ đến Nguyên và Khôi …
    Trước khi về, Loan có ra chào hai người, nhưng có lẽ bận rộn công việc nhà hàng nên đã quên, không đả động gì thêm đến câu chuyện về tấm ảnh có cô bạn người Ý của Khôi.

    Sau bữa ăn ở Quán Miền Tây, Chương và Nguyên lấy métro đến thăm bảo tàng Quai D’Orsay, nằm bên bờ sông Seine.
    Đi bộ lên xuống các trạm métro, dọc đường Chương cứ đòi ngừng lại ngắm cảnh, phố xá Paris. Khi tới nơi, lại vướng phải cái màn chờ đợi mua vé, chương trình đi chơi kéo dài hơn dự định… Lúc ở trong bảo tàng, đứng lại trước một bức tranh như đã quá quen thuộc vì đã được xem nhiều lần, Nguyên chỉ lướt qua rồi dục bạn xem bức khác.Còn Chương thì hớn hở như đứa trẻ, cứ cố nán lại đứng ngắm mãi..
    Bước vào phòng trưng bày một “tuyệt tác phẩm” của Manet ,đó là bức họa có tên là Điểm Tâm Trên Cỏ, Chương hồi hộp chợ đợi, lý do khi còn ở bên Mỹ, chàng vẫn ước ao được tới tận nơi để ngắm nó trực tiếp ngay trước mặt… cố chen chúc với đám đông du khách để được đến gần… khi được đứng trước mặt , đang treo trên tường , ngắm trong giây lái…bỗng ngạc nhiên vì tự thấy mình lạnh lùng đến như trơ trẽn vô cảm, không có được sự rung động xao xuyến như ở nhà khi ngắm nó in trên trang giấy nhỏ của mấy cuốn sách về hội họa! Tại sao vậy? Chương tự hỏi…Dường như ở nhà, trong yên tĩnh, không bị phân tâm chi phối bởi đám đông… nên chàng có thể tập trung vào bức tranh, thả hồn bay bổng trong tưởng tượng vì vậy cảm xúc mãnh liệt hơn là khi trực tiếp đứng trước nó, dù là bức họa thật…Phải chăng mơ mộng trong tưởng tượng là yếu tố quan trọng khi thưởng thức văn học và nghệ thuật ? Nếu quả thật như thế, thì cần gì phải có các nhà phê bình nghệ thuật phân tích dài dòng về bức họa, đưa ra một lô chi tiết về người họa sĩ và bức tranh, tất cả chỉ làm rối mù, khiến người thưởng ngoạn mất đi những cảm nhận thực của mình?

    Viện bảo tàng Quai D’Orsay có nhiều khu vực. Lúc xem xong tầng lầu nơi trưng bày tranh của phái ấn tượng, bỗng Nguyên bước đi chậm lại, hơi thở khó khăn, mặt mày xanh rờn như tàu lá… Biết người bạn đang có vấn đề về tim, Chương bèn rủ Nguyên ngồi nghỉ ở cafeteria để uống ly nước giải khát…
    Bên hai chai nước suối Perrier , họ tán chuyện gẫu với nhau, không cần ngắm tranh mà nhìn du khách ồn áo đi qua lại xung quanh. Biết bạn mình mới mổ để thông tim, Chương đề nghị ngưng chuyến đi chơi và sau khi nghỉ ngơi, cả hai nên đi về, bỏ dự định đi thăm khu les Marais.
    Nhìn Chương với vẻ hơi ngại ngùng ,Nguyên nói như muốn biện minh :
    – Giờ này cũng đã trễ rồi, bọn mình về là vừa. Đi thêm khu les Marais cũng không kịp cho toa về lại Compiègne …Đến Compiègne rồi , toa còn phải lấy thêm chuyến buýt nữa mới về tới nhà …Thôi để dịp khác, khi nào xe moa sửa xong thì mình đi vậy…
    Từ Quai D’Orsay, thay vì có thể lấy métro đi thẳng về nhà ở Ivry-Sur-Seine, Nguyên tình nguyện đi với Chương cho tới nhà ga Gare du Nord, và, như lần có Khôi trước đây, chuyến đi chơi ở Paris cũng lại chia tay ở nhà ga này!
    Tới nhà ga, cũng như hai năm trước, mua vé xong, Chương mới biết chuyến đi Compiègne không chạy ngay. Để cho người bạn bên Mỹ đỡ buồn, Nguyên ngỏ ý muốn ở lại cùng chờ …Và rồi hai người đưa nhau vào quán cà-phê… Nhưng lần này họ ngồi vào cái bàn khác, khuất ở tận trong cùng .
    Ngồi xuống ghế, Nguyên cởi chiếc nón nỉ ra, cái đầu hói như làm nhô ra cái trán cao và rộng. Quay người lột tiếp chiếc áo ngoài dầy, mắc lên thành ghế, chàng thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi cuộc đi bộ đầy mệt mỏi. Ngoắc người phục vụ đến gần, cả hai cùng kêu cà phê à la crème.
    Chợt nhớ tới Khôi, tò mò Chương hỏi Nguyên :
    – Cách đây hai năm, khi lần chót moa qua Pháp – chắc toa không còn nhớ – bữa đó toa cũng đưa moa đi chơi Paris, lần đó mình đi xe hơi, đến chiều toa thả moa và Khôi xuống đây để lấy xe lửa về. Hai đứa moa cũng vô quán này ngồi uống cà-phê…Mà này Nguyên : hồi trưa cô vợ Phát có nói về tấm hình cô gái Ý…Có phải đó là bồ của Khôi không vậy?
    Ngả người trên ghế, dáng thoải mái, ung dung tự nhiên như đây là nơi hàng quán là chốn quen thuộc của mình, khác hẳn Khôi ra phố lúc nào cũng như lật đật chạy trốn đám đông, Nguyên chậm rãi trả lời:
    – Moa mới nhớ ra rồi…Chuyện xảy ra quá lâu, cũng cả hơn ba, bốn chục năm rồi còn gì …Khi ấy moa mới qua Paris, ở cái appartement nhỏ xíu thuộc Quận 5,dạo đó làm gì có khu chợ Quận 13 như bây giờ, chỗ Tăng Frères toàn là cửa hàng của bọn Rệp không thôi, sau này Ba Tàu và người Việt mới dọn đến và dần dà đẩy được tụi Rệp đi…Biết tin moa qua đây du học, từ Rome Khôi đã viết thư hỏi thăm nên hắn biết địa chỉ và… quả thật, vào một ngày đẹp trời, mùa Hè năm ấy; anh chàng xuất hiện, không đi một mình mà kéo theo một cô signorina , giới thiệu nàng tên là Lydia, nữ sinh viên môn Mỹ Thuật ở Rome. Cô này trông chẳng đẹp gì nhưng rất vui tính, lúc nào cũng nói chuyện líu lo như mấy con chim hoàng yến của moa…Moa có cảm tưởng nàng là loại femme fatale đó mà, cô ta nói tiếng Pháp ít thôi, nên khi gặp nhau,câu chuyện giữa ba đứa thật nực cười: Trong khi hai đứa tụi nó nói với nhau bằng tiếng Ý;thì moa với Khôi tất nhiên xài tiếng Việt; còn moa với cô nàng lại dùng tiếng Tây! Hình như tụi nó ở chơi có vài ngày, lúc ấy moa thấy anh chàng Khôi nhà ta hớn hở, vui hẳn lên…Nhưng moa không biết có nên mừng cho Khôi không, vì một đêm moa thấy Khôi về nhà một mình, hỏi cô bạn đâu, chàng ta buồn rầu đáp là “không biết !” rồi nằm vật ra trên giường…Vài ngày sau đó thì cả hai tụi nó biến mất, họ kéo nhau về Rome…
    Nguyên ngừng nói, nâng ly cà phê lên uống…Muốn được nghe tiếp tục, Chương hỏi:
    – Toa nói cô gái Ý là loại femme fatale, là nghĩa gì?
    Uống thêm một ngụm cà phê, Nguyên trả lời nhỏ nhẹ như thì thầm:
    – Cô nàng trông không đẹp lắm nhưng có lẽ do tính tình cởi mở và..nàng hút thuốc lá như cái ống khói nhà máy, còn uống rượu như hũ chìm. Moa có cảm tưởng nàng là dân ăn chơi, thích hưởng thụ, không phải là loại thùy mị, gia giáo để cho Khôi làm vợ…Nhưng biết làm sao được, anh chàng đã mê rồi…Le coeur a ses raison que la raison ne connait point mà toa !
    Như không thể chờ lâu hơn, Chương đứng dậy nói :
    – Toa chờ cho moa một chút nhe, moa cần đi toilette …mà ở đâu vậy hả toa?
    Thò tay vào túi áo ngoài, móc ra mấy đồng bạc cắc Euro , Nguyên vừa đưa ra, vừa chỉ đường:
    – Toa cầm mấy đồng xu này trả tiền… Đi ra đây, quẹo bên trái xong đi xuống cầu thang, dưới nhà ở xế bên trái, toa sẽ thấy toilette… Nhưng phải trả tiền đó, không như bên Mỹ đâu cái gì cũng free !

    Chương với tay nắm lấy tiền rồi bước ra khỏi quán… Ngồi yên, Nguyên đảo mắt liếc qua bàn bên, quan sát gia đình ông Tây, bà Đầm đang ngồi bên cạnh, và tự nhiên chàng chú ý đến thằng bé, có lẽ độ 2 hay 3 tuổi, cũng trạc đứa cháu ngoại, đang được bà mẹ đút thức ăn từ cái hũ thủy tinh nhỏ, như chai yaourt. Nó trông kháu khỉnh, đôi mắt đen thật to như lai Bắc Phi hay Trung Đông. Hình ảnh thằng nhỏ ngây thơ mong manh như bọt biển trên cát, khiến Nguyên liên tưởng ngay đến thằng cháu ngoại mình ở Lyon, rồi động lòng thương nhớ cháu một cách xao xuyến,và thấy lòng trùng xuống đầy mệt mỏi, đượm chút bâng khuâng…Bỗng chàng thèm khung cảnh êm ấm của họ..,. nhưng không dám nghĩ đến thêm nữa, sợ sẽ phải tự trách mình, ân hận là đã làm đổ vỡ gia đình, mất đi một thời êm đẹp, hạnh phúc…Và như để cố quên dĩ vãng đau buồn đã qua, Nguyên nhớ đến câu hỏi của Chương về Khôi, rồi nhẹ nhàng và tự nhiên như đám mây bay, kỷ niệm của ngày tháng còn là sinh viên, của hơn ba bốn chục năm trước,dần dần hiện ra trong trong tâm tưởng…
    Thủa ấy… chân ướt chân ráo, vừa đặt chân tới Pháp, cái gì cũng bỡ ngỡ. May mắn có các sinh viên kỳ cựu qua trước hướng dẫn, Nguyên thuê được một căn gác nhỏ, tầng thứ năm, tận cùng trên nóc một căn nhà cũ kỹ ở Quận 5, với giá vừa rẻ lại được gần nơi tập trung đông sinh viên nên chàng cũng đỡ buồn và bớt nhớ nhà.
    Sau một năm trau giồi tiếng Tây, nhờ học gấp rút, sang đến năm thứ nhì Nguyên ghi danh học Đại Học và cuối năm đó thi đậu ngay chứng chỉ dự bị về Khoa học.

    Vào một buổi chiều mùa Hè năm thứ hai ở Paris, về nhà sau buổi họp với ban đại diện Tổng Hội Sinh Viên và như thường lệ, trước khi leo cầu thang về phòng, Nguyên ghé vô chỗ bà concierge để lấy thư.
    Thấy có tờ giấy nhỏ nhét trong hộp thư của mình, chàng mở ra đọc, nghệch ngoạc có ghi giòng chữ bằng bút chì: “N. thân : mới tới , sẽ trở lại tối nay lúc 8 giờ, cho ngủ lại. Khôi.”
    Đang lúc nhớ nhà, nhớ Sài-Gòn ra riết, Paris trở nên một thành phố vô duyên và tẻ lạt, bỗng có tin người bạn học cũ ghé thăm, Nguyên mừng rỡ như sắp được gặp lại gia đình. Đang nghỉ hè, hàng ngày, ngoài việc ra thư viện đọc sách và lâu lâu đi sinh hoạt với Ban Đại Diện sinh viên, Nguyên mừng tin có bạn đến chơi, nhất là bạn đồng môn Chu Văn An cũ. Dù rảnh rang nhưng lại không có tiền nên vào buổi tối chàng thường nằm nhà đọc sách trong căn phòng thuê nhỏ xíu, chỉ đủ kê cái giường đơn và một ghế sa-lông nhỏ, bên cửa sổ là một cái bàn học. Tất cả đồ đạc, vật dụng trong nhà đều do các sinh viên trong Ban Đại Diện kiếm mua cho, hoặc là họ xin nhà thờ hay mấy anh sinh viên mới ra trường dọn đi xa.

    Nằm trên giường đọc tờ Paris Match cũ, thoải mái chờ bạn đến. Bỗng có tiếng gõ, mở cửa ra, trông thấy Khôi trước mặt.. nhưng đứng sau lưng có thêm một cô đầm…Nguyên thốt lên:” Khôi! Mời vào đây, tệ xá của tớ đây…” Xong liếc nhìn cô gái, Nguyên ngạc nhiên hỏi:” Còn ai đây cậu?” Cả hai cùng nhau bước vào trong buồng. Nguyên chưa kịp đóng của thì Khôi đã lên tiếng giới thiệu bằng tiếng Việt:”Đây là Lydia sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Roma, bạn gái của tớ.” Rồi quay qua nói một tràng tiếng Ý với cô gái, có lẽ để giới thiệu Nguyên với cô bạn.
    Kéo hai cái ghế duy nhất trong phòng cho hai người ngồi cạnh bàn học, còn mình phỗng lên trên giường ngủ, Nguyên tò mò nhìn cô gái : Trông Lydia nhỏ nhắn, không cao lắm so với bọn Đầm nhưng cũng vẫn cao hơn Khôi một chút. Mái tóc đen láy làm nổi làn nước da trắng, khuôn mặt thon dài với cái cầm hơi nhọn, đôi mắt không to nhưng đen láy và linh động như lúc nào cũng sẵn sàng để cười, cái sống mũi hơi quặt như mỏ con chim, nàng toát ra vẻ sống động trẻ trung như một con chim sẻ. Lydia ăn mặc giản dị, áo thung và quần jeans đúng thời trang của giới trẻ thời kỳ đó. Ai mới gặp lần đầu đều có cảm tưởng nàng tính tình dễ dãi và ngây thơ.

    Rất nhanh, nàng chào Nguyên :” Bonjour! Khôi nói về toa nhiều lắm. Bọn này đi cả ngày, qua mấy chuyến xe lửa mới tới được Paris đây! Mệt quá đi…Đúng là voir Paris et mourir. Căn phòng của toa cũng xinh xắn nhỉ? Khôi nói gia đình toa ở Việt-Nam là thuộc loại bourgeois , mà sao qua đây ở một căn buồng nhỏ xíu này?” Nàng cười nắc nẻ, cái đầu nghiêng hẳn qua một bên như đứa trẻ đang đùa cợt. Lời nói tuy đúng văn phạm nhưng giọng không chuẩn, biết ngay là ngoại quốc nói tiếng Pháp.
    Một cô gái bất ngờ lần đầu xuất hiện tại căn phòng vừa nhỏ vừa bừa bộn của mình khiến Nguyên lúng túng:” Mấy toa cứ tự nhiên như ở nhà nhe, faites comme chez toi! Mấy toa ăn cơm tối chưa? Ở dưới nhà, ngay góc đường có tiệm bán đồ ăn lặt vặt…” Không để Khôi trả lời, Lydia nhanh nhẩu đáp:”Tụi moa ăn rồi…Mà toa có rượu vang không? Moa muốn uống thử rượu của bọn Tây .” Nguyên đứng dậy :” Có ngay đây, rượu rẻ tiền vin de table thôi nhe cô cậu. “
    Nói xong, cúi xuống gầm bàn, Nguyên lôi ra một chai beaujolais. Không sành rượu , chàng chỉ biết có loại này vì đã quen thấy ông cụ chàng xưa vẫn uống mỗi bữa cơm tối ở Sài-Gòn, nên qua đây mua uống thử. Sau này, khi tiếp xúc với bọn Tây Đầm dân bợm rượu, chàng mới khám phá còn rất nhiều thứ rượu khác ngon hơn nhưng cũng đắt tiền hơn nhiều.Có lẽ uống lâu quen vị, Nguyên thấy loại rượu này có vị đậm đà mùi trái cây, dù hơi chua nhưng hợp với nhiều loại thức ăn nên Nguyên mua vài chai để dưới gầm bàn. Không có cả mấy cái ly thủy tinh để uống vang, chàng lấy hai cái ly uống nước và một tách uống cà-phê cho ba người.

    Nhờ may mắn, mới mua mấy mẩu pho-mai và khúc xúc xích dành cho bữa ăn sáng, Nguyên bày ra làm mồi nhậu. Trong khi Lydia loay hoay cắt nhỏ cái thỏi xúc xích bày trên đĩa như không quen việc bếp núc, Khôi hỏi thăm tình hình bên nhà vì báo chí và truyền thông đang nói nhiều về mấy trận đánh ác liệt ở Miền Trung và Cao Nguyên, toàn là cảnh bom đạn chết chóc..Như muốn trấn an bạn, Nguyên nói ngay: “Nếu cậu coi tê-lê bên này thì thấy ghê lắm, nhưng ở Sài-Gòn thì chỉ có trận đánh vào Tết Mậu Thân là ác liệt. Mỹ vẫn đổ thêm quân và dân Việt có tiền ở tỉnh thành vẫn ăn chơi lè phè… Làm như chiến tranh chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến dân nghèo, tàn phá nhất ở miền quê hay các tỉnh nhỏ…”
    Lúc đó, Nguyên không nhớ là Khôi có gia đình đang sống trên Pleiku nên lo lắng về tình hình trên Cao Nguyên. Sau này, Loan qua Pháp, trong một lần tâm sự với Nguyên, nàng cho biết Khôi có người chị và gia đình bị mất tích trong cuộc triệt thoái từ Pleiku xuống Tuy Hòa. Người anh rể là một Thượng sĩ phục vụ ở Quân Đoàn 2, lính văn phòng thuộc đơn vị Hành Chánh nên dù có ở lại cũng không đến nỗi, nhưng trong cơn hoảng loạn, nhất là khi vị Tướng Tư Lệnh đã dùng trực thăng bay về Nha Trang,từ đó mọi người hốt hoảng kéo nhau theo đoàn di tản trên con đường Tỉnh Lộ 7B kinh hoàng. Nói chung, ngoài Loan ra, coi như Khôi không còn ai là thân thuộc, họ hàng nữa.

    Không cần chờ đợi chủ nhà, tự rót rượu đầy ly cho mình, rồi mới cho Nguyên và Khôi, đưa cho hai chàng thanh niên Việt-Nam cầm xong đâu đấy, Lydia giơ ly lên mời:“Allez,santé “Rồi nàng đưa lên môi uống một ngụm gần hết nửa ly. Khôi chỉ nhắp một vài ngụm xong để ly lại trên bàn, còn trong khi đó,cô gái Ý và Nguyên cứ thế mà nốc ngon lành. Sự có mặt của cô gái khiến hai người bạn không nói chuyện riêng bằng tiếng Việt được nhiều;và vì lịch sự, ba người nói với nhau bằng thứ tiếng Tây nhát gừng. Lâu lâu, Khôi lại chêm giải thích bằng tiếng Ý cho Lydia hiểu.
    Suốt buổi, Khôi chỉ cầm ly rượu như cho có lệ, chăm chú nghe hai người nói chuyện. Còn Lydia thì cứ cà kê nâng cốc uống với Nguyên…Rượu vào lời ra, sau khi uống hết hai chai beaujolais, bầu không khí trong căn phòng trở nên ấm cúng và thân mật như họ là bạn thân tự lúc nào.
    Là sinh viên Mỹ Thuật, Lydia thích nói chuyện hội họa, và theo câu chuyện, nàng còn có ý muốn đề cao nền mỹ thuật của nước Ý, nhất là vào thời Phục Hưng; trong khi đó, hai chàng thanh niên Việt-Nam chỉ ngồi yên, lắng nghe như bị bắt buộc. Nàng nói thao thao bất tuyệt, hăng say như đang kể câu chuyện tình của Romeo và Juliet…
    Đêm đó, Lydia ngủ trên giường, Nguyên trải tấm drap dưới sàn cho hai chàng thanh niên nằm. Uống nhiều, say rượu nên khi ngả lưng xuống, Lydia và Nguyên làm thẳng một giấc cho đến sáng, chỉ có Khôi cả đêm cứ nằm thở dài như băn khoăn điều gì…
    Có tiếng kéo ghế, và như từ chốn nào đâu Chương trở về rồi ngồi xuống bên cạnh, khiến Nguyên tỉnh cơn mơ màng, đưa về hiện tại ở Gare du Nord…Vừa cười, Chương cúi nghiêng mình nói nhỏ :
    – Toilette ở đây sạch sẽ hơn ở trong Paris nhiều. Mất tiền có khác!
    Nói xong liếc nhìn đồng hồ tay:
    – Còn hơn nửa tiếng nữa xe lửa mới chạy, toa kể tiếp cho moa nghe về Khôi …
    Nguyên chậm rãi giải thích:
    – Moa nghĩ Khôi đã yêu cô gái Ý đó, dù giữa hai đứa tụi nó chẳng có cái gì là mẫu số chung cả : Lydia tươi trẻ, sống vội hết mình chỉ cho hiện tại. Thiên về mỹ thuật, nàng bất cần đến ngày mai. Còn anh chàng Khôi nhà ta thì lúc nào cũng băn khoăn về physique des quanta , như muốn dùng lý trí để giải thích vũ trụ! Moa nghĩ hai đứa thương nhau, nhưng luôn luôn có một điều gì của đứa này làm cho đứa kia không thể chấp nhận được : Như Khôi đâu có chịu nổi tính bừa bãi của Lydia; ngược lại, nàng ta đâu có thể ngồi nhìn chàng lúi cúi suốt ngày tính toán…Đối với nàng, sống là hưởng thụ, vui chơi thả giàn như la doce vita…Bây giờ Khôi chết rồi mình mới dám đả động , bàn về chuyện riêng tư của lủy… Ngưng nói như trầm ngâm suy nghĩ, đoạn Nguyên kể tiếp :
    -Vào năm 77 và 78 gì đó, moa có mở tiệm phở ở Quận 13. Moa nấu lấy, theo gôut phở Tàu Bay. Nhiều người ở đây nói là phở moa còn ngon hơn ở Sài-Gòn trước kia, và tất nhiên là ngon nhất Paris. Nói xong, Nguyên nhếch mép cười như nửa đùa nửa thật về lời tự khen của mình. Sở dĩ moa mở nhà hàng cũng là do bà xã moa, lúc đó vợ chồng moa bảo trợ cho gia đình hai đứa em vợ qua đây. Chúng nó không có nghề ngỗng gì, lại không chịu đi học nên chỉ có cách mở nhà hàng để cho tụi nó có việc làm, vừa có nghề lại vừa hy vọng làm giàu…Nhưng như nhiều dân Sài-Gòn qua Pháp hay Mỹ là cứ tưởng như cái gì cũng dễ dàng cả, qua bên này sẽ hái ra tiền. Rồi sau khi mở ra, mấy đứa đó lao động không quen, chẳng chịu khó, nên hóa ra một mình moa phải gồng cái tiệm mệt nghỉ…Cũng tại cái tiệm phở mắc dịch đó mà vợ chồng moa cãi nhau ỏm tỏi, rồi từ từ đưa đến bỏ nhau…Lúc đầu tiệm rất đông khách, moa có dịp quen biết nhiều lắm, có một bữa có một anh chàng người Việt du học bên Ý qua Paris chơi, ghé đến ăn, ngồi nói chuyện loanh quanh, hóa ra hắn có biết Khôi…Rồi tự nhiên hắn kể là tại vì thi rớt mà còn cãi nhau với ông thầy người Ý, nên bị đuổi khỏi trường và Khôi mới đành phải qua bên này học. Sau này, moa cũng không dám hỏi Khôi xem sự thật có vậy không…
    Kể xong, Nguyên có vẻ buồn bã, ngồi yên lặng nhìn ra ngoài nhà ga…Chương cũng lây cái buồn man mác đó … trong lòng ngạc nhiên vì thi rớt là chuyện lạ khó xẩy ra với người bạn đồng môn vốn thông minh học giỏi, mà chỉ có biến cố động trời nào mới khiến Khôi chán học cho đến nỗi thi rớt. Ý nghĩ chợt lén qua trong Chương “Hay là năm đó anh chàng Khôi bỏ lỡ mối tình đầu với Lydia… thất tình mới ra nông nỗi đó ?”.
    Và làm như nhớ điều gì, Chương chia sẻ , kể thêm câu chuyện về Khôi:
    – Sống nội tâm nhiều, nên có một lần thắc mắc là làm thế nào kiếm ra được sự thật và chân lý qua môn vật lý lượng tử, Khôi trả lời moa là: hành trình đi tìm sự thật còn quan trọng hơn cả chính chân lý nữa! Có thể là mặc dù cô đơn, bị thiên hạ coi như một kẻ thất bại trên đường đời, chính Khôi tự coi mình có sứ mạng cao cả hơn bao nhiêu người có tiền của, có địa vị khác trong xã hội: Đó là đi tìm sự thật, sống không chỉ như cây cỏ, sẽ vô vị và nhàm chán biết là chừng nào!
    Ngạc nhiên về nhận xét của bạn, Nguyên lên tiếng :
    – Ối chà, toa bênh vực Khôi dữ há! Tiếc lúc còn sống, bọn mình không có dịp ngồi nói chuyện nhiều với Khôi. Mà hắn đâu có nói gì bao giờ đâu, lúc nào cũng ngồi yên lặng như con hến. Moa nghĩ khác toa về Khôi, không phải nói xấu chứ Khôi có cái ego quá to, khinh thường thiên hạ, nhưng thật chất ra nó cũng chỉ như mọi người, có nhu cầu của con người : tình yêu, gia đình và sự nghiệp. Không ai có thể sống xa lánh người khác, không ai có thể sống một mình như một ốc đảo trong sa mạc. Sự kỳ diệu của cuộc đời nằm trong những thứ nhỏ nhoi hàng ngày : được bế đứa con – đứa cháu, được gặp người bạn hay thường được dùng bữa cơm gia đình, chỉ có thế mới là cái chính của cuộc sống đó ông bạn ơi! Đừng có mơ mộng viển vông, hay là lên Chùa mà tu …Mà ngay cả trên Chùa cũng đầy rẫy hỉ, nộ, ái ố đó chứ …
    Bỗng, từ trên cao, âm vang vọng xuống như thúc dục, loa phóng thanh báo tin một chuyến tàu sắp khởi hành đi Callais-Londres ở bến số 5. Gia đình người Pháp bàn bên cạnh vội vã đứng dậy: ông chồng kéo cái va-ly lại gần xong kéo fermeture đóng lại, rồi thu xếp đồ dùng trên bàn; trong khi đó, bà mẹ bế đứa bé. Họ lục đục xách túi đồ bước ra khỏi quán…

    Chương nhìn vào chỗ họ mới ngồi, nhớ ra hai năm trước Khôi và chàng cũng ngồi ở cái bàn đó…Cảm thấy không nên nói nhiều về Khôi nữa, Chương hỏi thăm sức khỏe bạn mình:
    – Bệnh tim của toa đã ổn định rồi chứ ? Toa cố giữ sức, kỳ tới moa qua còn chở đi chơi chứ?
    Nói xong, cười mỉm chi…và nhìn thấy hai ly cà-phê đã cạn, Chương hỏi bạn:
    – Toa ăn uống gì nữa không. Còn khoảng 10 phút nữa chuyến của moa mới départ?
    Lắc đầu, Nguyên trả lời:
    -Thôi, cám ơn toa. Hôm nay uống hơi nhiều cà-phê rồi, tim đập nhanh, tối sẽ mất ngủ.
    Cái chết của Khôi lại quay về trong tâm tư, vì nó vừa mơ hồ vừa bí ẩn, Chương nghĩ đến những cái chết khác…Như trong sử sách, có nhiều nhân vật nổi tiếng và đáng nhớ là chỉ do cái chết của họ, khi còn tại thế thì cuộc sống họ bình thường đến độ vô danh…Ai cũng biết Lê Lai liều mình cứu Lê Lợi chứ đâu có ai còn nhớ được là lúc sống ông làm gì và là ai. Nhiều người trong chúng ta còn cứ tưởng hai ông chỉ có là họ hàng nữa? Dù cho cái chết là một phần của cuộc sống, nhưng đôi khi chết quan trọng hơn cả sống, vì trong một hoàn cảnh nào đó, chỉ cái chết mới xác định được tư cách, nhân phẩm con người. Phải chăng : to be or not to be, that is the question! Vấn đề là sống hay tự sát? Nhưng trường hợp của Khôi khác hẳn, anh sống bình thường như vô hình vô danh trong đám đông, và rồi cũng chết trong cô đơn và quên lãng của một người parisien!
    Biết sắp phải chia tay nhau, Nguyên hỏi:
    -Plan của toa còn ở đây bao lâu nữa ? Ngày mai moa có hẹn đi tái khám tim. Bên này, phải chờ cả tháng mới gặp được bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa…Có gì bọn mình gặp nhau lại nữa, nhưng phải tuần lễ tới moa mới rảnh được.
    Chợt nhớ đến chương trình đi Bordeaux , Chương trả lời :
    – Moa còn ở Pháp một tuần nữa, nhưng ngày thứ Bẩy này sẽ đi Bordeaux thăm bà chị họ vài ngày… Thôi, có gì mình liên lạc với nhau nhe…Sắp đến giờ rồi, moa tà tà đi ra quai nhe, hình như ở voie số 5 thì phải…
    Mặc dầu còn dư chút giờ, nhưng vốn yếu đuối, sợ cảnh chia ly,dù chỉ với một người bạn trai, nên muốn đi ngay để khỏi phải đương đầu với cảm giác buồn lòng kéo dài, Chương đứng dậy đưa tay ra chào … Nguyên cũng đứng dậy. Hai người bắt tay nhau, họ làm một cách uể oải như bất đắc dĩ. Như để chối bỏ tình cảm, Chương nghĩ có lẽ đã bị mệt mỏi sau một ngày dài lang thang với mình, Nguyên cũng muốn đi về cho sớm…
    Hai người cùng bước ra khỏi quán: Chương hướng đi thẳng ra bến xe lửa đậu, và cho chắc ăn, sợ có thay đổi vào phút chót, dừng lại trước tấm bảng khổng lồ để xem giờ khởi hành của chuyến đi Compiègne và ở bến số mấy; Nguyên rẽ bên trái để xuống cầu thang nơi có các chuyến métro…
    Xem bảng xong, Chương nhìn theo Nguyên lắc lư bước đi dần dần khuất sau một đám đông đang từ đâu ùa ra như đàn kiến …
    Không biết bao giờ mới có thể gặp lại Nguyên, ý nghĩ đó liên tưởng Chương đến hôm giã từ Khôi, rồi một cảm giác man mác buồn ập tới khiến chàng khó thở…Chàng chợt nhận ra: hai cuộc chia tay với hai thằng bạn Chu Văn An đều xẩy ra ở đây, nhà gare du Nord; lần trước với Khôi, nay đã thành người thiên cổ; còn kỳ này với Chương, mới bị bệnh tim.

    Đột nhiên, một cảm giác lo âu nhẹ nhàng kéo đến, tràn ngập như xâm chiếm tâm hồn, khiến Chương mơ hồ lo sợ buổi chia tay hôm nay sẽ là một điềm gở giống như lần trước. Dù biết là vô lý, như tin vào một chuyện bịa đặt, dị đoan… rồi, không biết từ đâu đưa đến, câu của Shakespeare :“to be or not to be that is the question ” văng vẳng bên tai Chương, nhưng hôm nay, trong trường hợp của người bạn vừa qua đời, nó có nghĩa “Tiếp tục sống trong dằn vặt , vô vị, hay tự thoát ra bằng cái chết?”, phải chăng là lời trăn trối của chính Khôi và anh đã tự tìm đến cái chết !




Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X