Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người Lính Kèn Và Viên Đại Úy

Collapse
X

Người Lính Kèn Và Viên Đại Úy

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người Lính Kèn Và Viên Đại Úy

    Người Lính Kèn Và Viên Đại Úy

    Hà Thúc Sinh




    Người sống trong khu dưỡng lão đường 52 nhìn ông Hoà Thanh như một kẻ bệnh tật khó tính. Ông sống ở phòng 301, ít ai thăm hỏi, trừ người đàn bà Mễ trong chương trình workfare, được sở xã hột cắt cử tuần đôi ba lần đến dọn dẹp vệ sinh giúp ông, nhưng hai người không trò chuyện, vì ông không biết tiếng Tây Ban Nha còn bà ta thì không thạo tiếng Anh.

    Có ai tò mò nhìn qua cửa sổ chỉ thấy ông Hòa Thanh luôn ngồi lặng trên chiếc ghế bành cũ, trước mặt có chiếc TV đen trắng, gần cạnh có cái bàn sách báo xếp ngay ngắn, có chồng đĩa hát nhưng không thấy máy hát; ngoài ra trong một góc phòng còn có chiếc giá gỗ đặt hai cây kèn. Một cây clairon và cây kia clarinette. Cả hai đều mốc meo như không từng được chủ nhân rớ tới. Ông bị chứng Parkinson - chứng run tay, khá nặng.

    Khi trẻ ông Hòa Thanh không uống rượu. Hồn kèn kỵ chanh và kỵ cả rượu, ông thường bảo thế. Nhưng về già sống xứ người ông thay đổi. Dù thân ốm bệnh, chiều đến ông phải có tí gì cho ấm bụng. Bất cứ gì. Một lon bia, không nhiều hơn. Lối nghiện rượu ấy - nếu gọi được là nghiện - phản ảnh phần nào bản tính nguyên tắc của ông có từ thời trẻ.

    Nhưng cứ sau một cữ rượu là ông ngà ngà. Nếu có người chung quanh thế nào ông cũng khề khà bày tỏ sự hãnh diện về mấy cây kèn hay nghề nghiệp cũ:

    “Cây kèn đồng thì chịu, không rõ gốc tích. Tôi đoán là của một tên lính Tây già. Ngày về dạy trường quân nhạc Thủ Đức thấy nó móp méo, vất chỏng gọng bên cửa kho nhạc khí, tôi lấy sửa dùng. Còn cây clarinette, ồ, bằng gỗ trắc chính hiệu Phi Châu đấy. Chẳng có thứ gỗ nào rắn hơn thứ gỗ ma quỷ này được. Lim, gụ, cẩm lai, vàng tâm, táu gì gì của ta chăng nữa cũng vứt; tây họ chỉ dùng mỗi thứ gỗ đó làm kèn, trời khoan không nứt.”

    “Ông Thanh, thử một đoạn Marche Militaire của Schubert bằng hơi clairon được chứ?”

    Bà Rosemarry Young của nhà thờ Tin Lành ngay cạnh khu dưỡng lão, mập thù lù như có bốn cái mông hai sau hai trước, thường khi nhún nhảy đi qua hành lang, bà hay gõ gõ trên cửa kính, cười toe toét, đề nghị với ông Hoà Thanh một câu cho vui, nhưng như biết trước lời đề nghị sẽ không bao giờ được đáp ứng, bà vẫy tay chào và đi thẳng.

    Hoặc như ông cụ Stephen Lewy, ngồi xe lăn thường ra phơi nắng ngoài hành lang mỗi sáng; ông đã tám mươi ngoài, gầy như que tăm, nhăn như quả vả, nhưng nhất quyết thều thào:

    “Women in Love. Số một! Tuyệt! Tôi đã nghe nó tha thiết bằng dương cầm, quằn quại bằng saxophone, nhưng chưa từng được nghe ai thổi bằng clarinette. Thử đi ông Thanh. Cho tôi một dịp lên thiên đàng với Women in Love bằng hơi clarinette của ông được chứ?”

    Lối trả lời cố hữu của ông Hoà Thanh là giơ một bàn tay run rẩy ra ngoài cửa sổ. ông cụ lại lăn xe đi, lẩm bẩm: “Ông chỉ muốn tôi xuống hỏa ngục!”

    Vì vậy nói gì thì nói, tiểu sử hai cây kèn vẫn bí mật như chính tài nghệ của ông Hòa Thanh. Chẳng ai nghe ông thổi bao giờ. Nhưng ông luôn kiêu hãnh về thứ ngôn ngữ của người lính kèn. Ông bảo, giọng bí hiểm:

    “Khi chúng tôi nói thì loài người phải im lặng…”

    Và nếu kẻ đối diện ba hoa quá, không chịu ngồi yên nghe ông nói, ông cười khẩy:

    “Nhưng khổ, trời sinh con người lại chi cho cái mồm to hơn lỗ tai!”

    Cứ thế chẳng mấy ai đến với ông nữa, chắng mấy ai, kể cả các cụ đồng hương trong khu dưỡng lão ba tầng nhìn xuống một sân golf xanh ngắt quanh năm; và cũng vì thế không ai biết rõ ông Hoà Thanh sang Mỹ như thế nào, vợ con chi chăng?

    Nhưng trách chi được người đời lạnh nhạt với ông. Đời sống nơi đây như có những sợi dây vô hình, trói gô thân phận từng người cho chính nỗi buồn vui của họ chiêm ngắm. Thật mà nói ông Hòa Thanh có chết khô chưa chắc ai biết. Cũng may, ông còn có một người bạn trẻ năng lui tới, dù dị tính.




    Hoàng Thiệp tuổi quãng bốn mươi lăm. Anh thua ông Hóa Thanh chẳn hai mươi tuổi nhưng gọi ông ta bằng anh. Không tuần nào Thiệp không ghé ông với một tí quà. Khi thì ít rau rác, lúc một chai vanh, khi lạng trà, lúc một hộp bánh. Nhưng vài cụ đồng hương tò mò không được thuyết phục nhiều lắm về tình bạn tha thiết giữa hai người. Đôi ba dấu hiệu cho họ thấy hai người như hai kẻ đồng hành, bị hoàn cảnh bức bách chi đó, phải đi chung trên cây cầu dài, hẹp, chênh vênh và còn đi lộn giày nhau nữa chưa chừng. Nhưng họ không thể đẩy nhau ra khỏi đời nhau. Họ phải chịu đựng nhau để sống còn. Mãi rồi họ biến thành cái bóng của nhau. Ông già bà cả nhìn trời tháng mười đoán được giờ giấc cơn tê thấp trở lại, hay trời tháng sáu chứng nhảy mũi tái hồi, nhưng khó đoán cho chính xác mối liên hệ giữa ông Hòa Thanh và Hoàng Thiệp.

    Thiệp đến, lặng lẽ mở cửa như biết chắc cửa không bao giờ khóa. Anh ta bước vào. Anh bước vào với cái hỉnh mũi khinh thị kín đáo, hờ hững một câu hỏi “Anh khỏe?”, rồi đi thẳng vào bếp. Anh mở tủ lạnh. nếu có tí rau rác hoa quả thì nhét vào, bằng không sẽ kiếm một lon bia. Anh mở cái xì, cầm lon bia ra ngoài và nếu TV chưa mở anh ta sẽ mở. Anh ngồi xuống một góc phòng, duỗi hai chân nhâm nhi lon bia, chăm chú xem bất cứ thứ gì xuất hiện trên màn ảnh.

    Thiệp đến như để lặng lẽ xác nhận cơn váng vất của một giấc mơ: Ông ta chết hay ông ta vừa trúng số?

    Ông Hòa Thanh cũng lặng lẽ không kém, khác nhau là thỉnh thoảng ông tằng hắng như cố nhận sâu một chút đàm trong cổ.

    Thiệp lại hỏi:

    “Anh khỏe?”

    “Hỏi tôi khỏe thì có khác gì hỏi ông có yếu không! Nhưng yên tâm. Tôi chưa mất tinh thần.”

    Hai người lại yên lăng. Thiệp nhâm nhi hết lon bia, đứng lên ưỡn vai, dửng dưng:

    “Anh ăn gì chưa? Chưa thì ăn đi nhá, tôi về đây.”

    Ông Hòa Thanh ít khi đáp: Thiệp nhìn ông lần nữa như nhìn hai cây kèn câm quen thuộc, rồi anh ta lặp lại “Tôi về đây!”, và lặng lẽ mở cửa, lặng lẽ đi ra.




    Nhưng không phải không có hôm hai người không trò chuyện. Mà họ trò chuyện là họ cãi nhau. Họ không cãi nhau bằng những cơn nóng giận thông thường. Họ có ngôn ngữ riêng. Ông Hòa Thanh thì có ngôn ngữ như ông hằng tin ông đã sử dụng qua tiếng kèn. Tất cả phải răm rắp khi ông cất tiếng, dù vui dù buồn; bằng ai ngược lại ông sẽ yên lặng. Sự cất tiếng của ông chỉ có hai ý nghĩa: kẻ còn nghe sẽ là kẻ được truyền cho cái khí thế xung trận; ngược lại kẻ ấy cầm bằng đã nằm trong quan tài. Hoàng Thiệp cũng có ngôn ngữ của anh, ngôn ngữ của một người từng có quyền ra lệnh cho ông Hòa Thanh được hay không được cất lên thứ ngôn ngữ của ông ta.

    Xưa Hoàng Thiệp là đại úy đơn vị trưởng của thượng sĩ Hòa Thanh!

    Nhưng ông Hòa Thanh vẫn có lý do khác để nhìn Hoàng Thiệp bằng đôi mắt người trên. Nếu con gái ông không chết thảm trong cơn loạn lạc, Thiệp đã là con rể ông.




    Hoàng Thiệp có một cửa tiệm bán đồ điện tử đang đông khách nơi góc đường University và 47. Mới mở vài năm lộn lại đây thôi. Trước không ai biết Thiệp làm gì, nhưng giờ thì anh ta đang là một tay thương buôn xông xáo – xông xáo như kẻ vừa muộn màng khám phá ra ngay dưới nền nhà mình có một kho vàng. Người quen biết có cảm tưởng Hoàng Thiệp làm ăn như để bù lại những năm tháng đã qua - khoảng thời gian mà nếu có ai tò mò hỏi, anh ta hay chống chế vu vơ: “Mình lộn, chuyện lớn đâu tới hạng mình!”

    Hoàng Thiệp có nhiều em út đều loại làm ăn. Họ là những con thoi tận tụy, đang ngày đêm tới lui dệt tấm gấm phú quý, mơ rằng không lâu nữa nó sẽ thừa rộng phủ mát qua suốt đôi bờ Thái Bình Dương, Lấp sạch bên dưới những trùng trùng đường ranh phân tách giữa trá ngụy và lẽ phải…

    Hoàng Thiệp đang là một tay thợ dệt!

    Nhưng cách nào đó anh cô đơn. Anh không vợ con. Anh ta không muốn lấy vợ hay chưa lấy được vợ? Khó biết nguyên do. Có lần có đứa em út thân cận cật vấn, Thiệp hứ:

    “Thì cứ làm giàu đi đã. Có tiền tậu trái đất cũng được mà bây!”

    “Nhưng tậu trước một người đàn bà chết chóc chi, anh Ba?”

    Thiệp bối rối lặng thinh.

    Tuy nhiên có lần trong một bữa nhậu, say, Hoàng Thiệp đã hở ra tí chút căn bệnh khá kỳ dị của anh. Thiệp bảo anh bị chứng ám ảnh, không luôn luôn, chỉ thỉnh thoảng, là khi vừa khỏa thân một người đàn bà anh sợ hãi đậy ngay mọi thứ lại. Anh thấy người đối diện không ai khác hơn là người yêu cũ. Cô ta ướt sũng. Mặt nhợt nhạt. Một bên mắt mở thao láo. Một bên vú nát bấy. Máu nhuộn lên tới mặt và cổ. Hình như gẫy thêm mấy ngón tay. Đó là lúc anh đem đơn vị tháo chạy khỏi hậu cứ ở một tỉnh nào đó mãi miền trung. mặt đất nhầy nhụa tanh tưởi. Bầu trời đỏ ráng và khét. Tiếng thiết giáp hung hãn cày trên quốc lộ. Đạn pháo. Những tiếng hô xung phong. Những tràng súng liên thanh. Tiếng lựu đạn nổ. Tiếng kêu man rợ trộn với tiếng gào la đau đớn. Tất cả rối mù đến nỗi dầy kinh nghiệm chiến trường như anh cũng không phân biệt nổi đâu bạn đâu thù…

    Thế rồi Hoàng Thiệp hực lên với tiếng khóc trong cổ của người đàn ông. Anh bảo chính lúc ấy cô gái cứu mạng anh và nhiều đồng đội bắng một hành động liều lĩnh. Tới đó anh ngưng. Không nói nữa. Vì vậy không ai biết rõ đầu đuôi cô gái đã liều lĩnh như thế nào.

    Thế đó, chỉ thế đó mà Hoàng Thiệp dằn vật, lo lắng mãi về sau. Anh không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ, và gần như không còn ngủ với đàn bà.

    Có đứa khuyên Hoàng Thiệp đi bác sĩ tâm thần, anh đổ quạu:

    “Mẹ, giờ mày hết là lính của tao rồi, chớ không tao nhốt thấy bà mày. Bộ mày nói tao điên hả?”

    Riết rồi người ta cũng quên đi, để mặc sự thương tâm như chất keo, chỉ dùng để dính đét Hoàng Thiệp vào với ông Hòa Thanh!

    Nhưng những kẻ tò mò hơn vẫn tự hỏi: Bí mật gì trói được Hoàng Thiệp vào ông Hòa Thanh lâu dài như thế? Mối giao tình dị thường kia nào có phải một mớ chỉ rối bất khả tháo gỡ? Vì tình xưa nghĩa cũ? Vì đồng hội đồng thuyền? Vì hai người từng sát cánh trong những sinh hoạt đấu tranh tìm con đường về ngày ông Hòa Thanh chưa lâm trọng bệnh? Lấy những yếu tố ấy mong thuyết phục kẻ tò mò đều là gượng ép!




    Khác mọi năm, năm nay Hoàng Thiệp chiều ông Hòa Thanh đặc biệt. Anh làm giỗ cho con gái ông tại ngay phòng ông. Từ mấy hôm trước, lúc ngỏ ý anh đã bực bực. Ông Hòa Thanh không thuận cũng không chống. Ông nói với giọng khinh bạc cố hữu:

    “Mười mấy năm qua tôi chỉ giỗ nước, mọi giỗ khác nhận chìm trong lòng.”

    “Có năm nào tôi không làm giỗ cho Thỏa ở nhà tôi!”

    Ông Hòa Thanh nhìn Thiệp bằng ánh mắt khó đọc:

    “Bận như ông mà cũng vẽ thế cơ à?”

    “Anh như không còn tin ai!”

    “Vì tôi đã… tin hết ở ông.”

    Hoàng Thiệp nhăn mặt. Anh có cảm tưởng anh bị xúc phạm. Anh lạ gì cái thói sử dụng chữ nghĩa của ông ta. ngược cả.

    “Tôi làm gì mà anh… hết tin tôi?”

    “Ơ lạ nhỉ, thế ra ông nghĩ là ta đã hết tin nhau? Thế ra trước sau ta không còn là chiến hữu của nhau?”

    Biết ông gây, Hoàng Thiệp nín. Dù sao anh luôn luôn có hơn một lý do để nhịn ông Hòa Thanh. Cũng như hôm nay anh có hơn một lý do để làm giỗ cho con gái ông Hòa Thanh ở tại phòng ông.

    Từ sáng Hoàng Thiệp đã ghé đặt món ăn tàu nơi tửu lầu Chu’s Dynasty. Hai thắng em út của anh sẽ đem thức ăn về bây giờ. Anh đến sớm, tự động sắp lại gian phòng, kéo bàn ăn và mấy chiếc ghế trong bếp ra sắp giữa phòng khách. Anh cũng trịnh trọng sửa lại ngay ngắn bức ảnh một cô gái trên vách, đốt mấy cây nhang cắm vào bát gạo đặt trên trốc TV. Ông Hòa Thanh dửng dưng như bao giờ. Nét dửng dưng giống người có trong tay một báu vật mà sự quỵ lụy, chiều chuộng là nghĩa vụ của kẻ muốn đến chuộc. Ông chỉ dí mắt vào tờ báo.

    Hoàng Thiệp khuân cái giá kèn lên. Cây kèn đồng rơi xuống. Anh chụp vội lấy, rồi nhìn bàn tay, cằn nhằn:

    “Không còn chơi thì vứt quách. Ten xanh lè.”

    “Nó là sinh vật, là con tôi, sao lại vứt?”

    “Anh ngày càng lẩm cẩm.”

    “A! Sao lại lẩm cẩm? Thế ra ông vẫn chưa tin sự cao cả của lũ con tôi sao?”

    “…!”

    “Đừng tưởng nó là tí gỗ, tí đồng rỗng bụng. Trên đời chỉ nó mới có được tiếng hùng tráng trung thực nhất hay tiếng thảm sầu chân thành nhất…”

    “… dấy lên từ đáy tâm can. Và vì thế người lính kèn kẹp nó bên nách, chỗ gần trái tim? Tôi nghe anh đã ngàn lần.”

    “Phúc cho kẻ chỉ nghe một lần…!”

    Ông tính nói “mà tin”, nhưng ngưng kịp. Hoàng Thiệp lại nhịn. Anh ra đứng nhìn qua cửa sổ xuống sân golf. Nắng chiều vàng loang từng khoảnh như những chiếc lưỡi le liếm lấy cái hương ngai ngái bám trên màu cỏ xanh mướt ngút mắt. Những thân bạch đàn sừng sững, lấp lánh. Ở một sân quần vợt gần đó vài ngọn đèn neon đã sớm bật lên, giống những hạt kim cương khổng lồ ló khỏi rặng cây xanh sẫm.

    “Chạng vạng lúc nào cũng buồn.”

    “Phải nói chạng vạng của một niềm tin lúc nào cũng buồn.”

    Thế là chịu hết nổi. Hoàng Thiệp quay trở vào, kéo ghế ngồi đối diện với ông Hòa Thanh.




    Mãi đến khi bữa ăn đã tàn, hai thằng em út đã về, Hoàng Thiệp mới tin mối nghi ngờ của anh là đúng. Phía sau sự bệnh hoạn kia lão già còn nguyên một nội lực; mà có nhiều thứ nội lực anh hoàn toàn không ngờ, chẳng hạn như đã bao giờ anh thấy lão tu rượu như vây. Mình lão đã làm gọn gần nửa chai Cordon Bleu. Mà kìa, đã có dấu hiệu nào cho thấy lão say đâu!

    Sau cùng Hoàng Thiệp phải đi vào câu chuyện. Anh nhỏ nhẹ:

    “Chỉ anh thay được Thỏa gỡ hộ tôi lời thề.”

    Ông Hòa Thanh nhìn Hoàng Thiệp như chờ một điều gì nữa, nhưng thấy anh ta chưa sẵn sàng, ông dời ánh mắt sang tấm ảnh đứa con gái xinh đẹp, giọng xa vắng:

    “Chết cho tình yêu thì hồn nó thanh thản. Nhưng mới đó đã mười chín năm…”

    Chết cho tình yêu! Hoàng Thiệp nghi ngại nhìn ông Hòa Thanh muốn tìm một ẩn ý, nhưng anh không thấy gì ngoài khuôn mặt héo hắt mà sự ngang ngạnh còn nằm nguyên trên cặp lông mày rậm tủa xuống vài sợi bạc. Thiệp lấy giọng bồi hồi:

    “Mười chín năm nhưng Thỏa vẫn bên tôi. Rõ như thảm kịch và lời thề. Tôi như kẻ bị đeo đuổi. làm sao anh giúp tôi gỡ hộ lời thề.”

    “Ông thề với nó. Ông không thề với tôi.”

    “…!”

    “Có ai sống hộ được người khác đâu? Nhưng nó đã chết hộ cho nhiều người khác. Tôi đứng ngoài sự vĩ đại này. Liệu tôi có thẩm quyền cướp đi của nó lời thề hứa trịnh trọng của một sĩ quan? Mà ông thề gì trên xác nó? Phải như Trần Hưng Đạo đã chỉ xuống sông Hóa mà nói ‘trận này không phá được giặc thề không trở lại khúc sông này nữa’?”

    “Thời thế đã thay đổi anh ạ. Với lại mình cũng cần sống…”

    “Để có thêm người chết?”

    “Anh có quá đáng không?”

    “Con tôi chết thay cho những chiến sĩ, đau lắm, thế mà tôi nào có cho là quá đáng đâu. Nhưng thôi, hành trang đời tôi chỉ có hai báu vật, đứa con và tiếng kèn. Ông biết tôi mất gì và còn gì.”

    “Anh…”

    Hoàng Thiệp đành im. Anh ngồi nghe từng tiếng kim đồng hồ treo tường nhảy khá lâu giọng ông Hoà Thanh mới trở lại, y như mấy giọt nước đục:

    “Thôi được…”

    Ông ngập ngừng. Hoàng Thiệp nhìn ông chìm trong khoảng tối. Bất ngờ anh ta ngỡ ngàng. Ông Hòa thanh chầm chậm giơ cao một bàn tay run rẩy chào anh theo quân cách, rồi nửa lạnh lùng, nửa thổn thức, ông lặp lại:

    “Thôi được… từ hôm nay coi như sòng phẳng. Tôi liều gỡ lời thề cho đại úy vậy. Tôi hứa giùm con tôi coi như nó chưa từng thấy nơi bờ duyên hải ấy có một nấm mộ vùi nhanh; chưa từng nghe trên xà lan ấy có người sĩ quan nói rằng ‘Đi rồi về, về chiến đấu không về đầu hàng…’”

    Phải lúc lâu sau Hoàng Thiệp mới đứng lên. Anh ta không bật đèn vì có lẽ ngại nhìn rõ mắt người lính cũ trong lúc này. Rồi anh lặng lẽ mở cửa, lặng lẽ đi ra…




    Ít ngày sau các cụ già trong khu dưỡng lão đường 52 phám phá ra người đàn ông bị chứng Parkinson đã âm thầm dọn đi. Nhưng điều người ta bàn tán nhiều hơn cả, đặc biệt những cụ già bản xứ, là những bài kèn tuyệt vời lần đầu cũng là lần cuối họ được nghe vọng ra từ phòng 301 vào rất khuya đêm ấy.

    Ai thổi? Lão ấy thổi à? Hay con cháu lão ghé thăm, đã cao hứng giúp cho lão một giây phút hoài niệm huy hoàng’ Tiếng kèn mới đầu mở ra thế giới trầm thống của Schubert. Đó là tiếng linh hồn của những người lính già có lúc mờ đi nhưng không bao giờ chết. Tiếng kèn thoắt đổi sang một tình khúc. Ồ không, những cụ già Mỹ sành nhạc đều lấy làm kinh ngạc trước sự chuyển đổi tài tình linh hồn bài nhạc này. Ở đâu lại có thứ người nữ biết yêu như vậy? Rõ ràng đó là thứ Woman in Love quằn quại trong dòng sông nhục dục nơi đây. Đó là thứ người nữ thanh cao, cũng vì yêu nhưng họ vươn mình thành núi, nhoài mình thành sông, nổi trôi với sinh mệnh một dân tộc và về sau những cặp tình nhân sống sót, đi qua mộ bia đều dừng lại, đều nhỏ lệ tiếc thương cho một anh thư vì nước quên mình. Nhưng bài kèn thứ ba thì chịu, các cụ già mỹ chỉ cảm được nó là một thứ tiếng khóc đứt đoạn, tiếng khóc của kẻ chân tay chia lìa.

    Các cụ đã gặp gỡ dưới hội quán dưỡng lão, ngơ ngác hỏi nhau nhưng không ai rõ nguồn gốc bài kèn ấy thế nào.

    Một buổi sáng nắng ấm tháng tư, bà Rosemarry dừng cặp chân nặng nề mà nhún nhẩy bên cụ Stephen đang phơi nắng trước hành lang. Bà nhìn vào căn phòng 301 đã được dọn dẹp sạch sẽ, thở dài:

    “Mới đó mà tôi quên nét mặt ông ta rồi đấy, nhưng tiếng kèn thì cứ nhớ mãi thôi, cụ Stephen nhỉ?”

    “Tuyệt, tôi đã lên thiên đàng!”

    “Thế cụ đã biết tên bài kèn thứ ba chưa?”

    “Chưa.”

    “Tôi có tìm hỏi một cụ Việt Nam ở đây, cụ bảo đồng bào cụ đều buồn và sợ tiếng kèn ấy: đó là tiếng tiễn đưa một chiến hữu đã chết dù trong trường hợp nào. Người ta gọi nó là khúc Chiêu Hồn Tử Sĩ.”



    Alhambra, 20-1-1994
    Hà Thúc Sinh
    (Tuyển tập truyện ngắn Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995)

    Last edited by Hoanghac; 09-26-2013, 10:15 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X