Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tôi Làm Tôi Mất Nước (Chương 1 - Chương 5)

Collapse
X

Tôi Làm Tôi Mất Nước (Chương 1 - Chương 5)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tôi Làm Tôi Mất Nước (Chương 1 - Chương 5)

    Chuyện đọc với lời viết ví von, hóm hỉnh nhưng phản ảnh đúng
    "những chuyện vui buồn" của VNCH chúng ta trước '75
    Tôi Làm Tôi Mất Nước (Chương 1- Chương 5)
    Hồi Ký Lê Văn Phúc



    Lời Mở Đầu
    Từ khi bỏ căn nhà mái tôn trong hẻm Trương Minh Giảng quận 3 Saigon, đem vợ con chạy tọt vào phi trường Tân Sơn Nhất phút chót, nhẩy ù lên trực thăng chạy bay ra biển, leo lên tầu, tá túc Tent City đảo Guam rồi định cư ở Mỹ quốc, cho đến bây giờ tôi vẫn cứ mù tịt về tình hình chính trị, quân sự của chính nước mình.

    Càng đọc báo bổ, tài liệu, càng nghe bàn luận về Việt-Nam, tôi càng hoang mang lạc lõng, khó hiểu. Một trong những điều khó hiểu ấy là nguyên do đâu mất nước? Trách nhiệm ấy của ai? Của tổng thống hay của tư lệnh vùng? Của đại tướng hay đại úy? Của tỉnh trưởng hay quận trưởng? Hoặc cao xa hơn nữa, trách nhiệm ấy của Nga, của Mỹ hay Tầu?

    Ngay cả đến những cuốn sách mang đầy sử liệu cũng lại có các dữ kiên, phân tích khác nhau khiến kẻ đọc cỡ bình dân học vụ như tôi đâm ra ù ù cạc cạc, nhìn thế sự như nhìn vào bức vách.

    Qua 10 năm lưu lạc giang hồ, làm dăm bẩy thứ nghề lao động chẳng giống ai, tôi càng cám cảnh trớ trêu thiên địa phong trần, không hồng nhan cũng đa truân như kiểu người yêu của chàng Kim Trọng.

    Trong cảnh buồn não nuột như thế, tôi đâm ra trầm tư mặc tưởng, suy niệm, ôn cố tri tân, tìm hiểu về số phận đất nước.

    Cổ nhân nói: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, làm tôi áy náy nghi ngờ. Quốc gia thịnh hay suy mà lại là trách nhiệm của người dân bình thường hay sao?

    Tôi cứ tưởng rằng cơ đồ bền vững hưng thịnh là do nhà vua anh minh đức độ biết kén chọn hiền tài điều khiển muôn dân. Cơ đồ sụp đổ là do tổng thống tài hèn sức mọn, dùng bè đảng vây cánh tác hại dân lành. Có đâu trách nhiệm đến kẻ thứ dân.

    Lại như câu “Thượng bất chánh, hạ tắc loạn”, trên phải ra trên, dưới phải ra dưới mới có trật tự an ninh ngăn nắp. Ép anh dân thường phải lãnh trách nhiệm, e không ổn tí nào.

    Bây giờ, sau khi để dăm ba phút suy nghĩ, tôi bỗng tìm ra chân lý của câu nói “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.

    Tôi hiểu rằng đất nước là trách nhiệm chung, chả cứ riêng ai cả. Thất phu, sĩ phu, trượng phu, đại phu hay kung-fu cũng phải ghé vai gánh vác sơn hà thì xã tắc mới mong bền vững. Chẳng ai cáng đáng gánh vác, nước đổ ụp xuống là cả đám ướt như chuột lột.

    Vậy chính tôi có trách nhiệm mà không thi hành hoặc thi hành chểnh mảng. Cả hai đều có lỗi. Chả cứ tôi mà còn nhiều người khác cũng vậy. Thế nhưng các vị nắm vận mệnh quốc gia, trách nhiệm chỉ huy đơn vị lớn đều cứ chối bai bải về trách nhiệm làm tan tành đất nước.

    Theo bản sơ kết tình hình chiến sự, cho đến nay chưa có ai viết sách, viết bài tự nhận mình có lỗi lầm, tự nhận mình có trách nhiệm làm mất nước cả. Chỉ thấy họ trình bầy cái lỗi của người khác, xong nêu cái thông minh tài trí của mình rằng đã nói mà chả ai nghe, có bảo nhưng chẳng ai làm, hoặc bị ngoại bang chơi ép, hoặc bị phe này cánh nọ phá hoại, hóa nên hư bột hư đường.

    Thành ra, chính họ lại là những người am hiểu tình hình, tinh thần trách nhiệm cao, tư cách đạo đức sáng ngời, như một người hùng có công với dân tộc, với tổ quốc.

    Nhờ dành thời giờ suy tưởng đến dăm ba phút, tôi vỡ lẽ ra rằng chẳng phải nói ai, chính tôi làm tôi mất nước.

    Nhòm vào quá khứ, tôi thấy tôi như hình với bóng đồng lõa, làm đủ mọi thứ chuyện tồi bại có hại cho bổn thân, cho gia đình, cho họ hàng anh em hàng xóm, cho đồng bào khiến nên bao nhiêu thứ suy đồi xấu xa tích lũy lại, dần dần đưa tới hậu quả ngày nay.

    Hậu quả ấy đến coi như chậm bởi còn rất nhiều người có trách nhiệm, nhận trách nhiệm và gánh vác nó. Họ là các chiến sĩ anh hùng sả thân ngoài chiến tuyến, là những thương phế binh, cô nhi quả phụ can trường nhẫn nhục hy sinh, là những công bộc chuyên cần và thanh liêm, là những cán bộ nông thôn sống với dân và sát với địch, là những người dân lành chăm chỉ thực thà một nắng hai sương… Không có họ, đất nước mất tự khuya rồi!

    Tôi đâm ra ăn năn hối hận, dẫu chả ai dí súng bắt viết, không có CIA dúi tiền bảo làm, không ai dụ khị vạch áo cho người xem lưng, tôi cũng xin làm bản kiểm kê tự thú về những cái tồi tệ hư đốn bại hoại của mình.

    Để tâm hồn may ra được đôi chút bình an, để tạ lỗi với gia đình, với bạn bè đã nằm yên trong Nghĩa Trang Quân Đội hoặc vất vưởng chốn lao tù cải tạo, với những người sắp ra đi, với những người còn ở lại đọa đày.

    ___________________________


    Chương 1

    Hồi còn bé, tôi có bộ mặt của một tên học trò hiền lành ngây ngô rất mực, ai cũng tưởng là đứa trẻ có giáo dục đàng hoàng. Câu nói “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon” nhiều khi trậc lấc. Tôi là con lợn nom khá béo nhưng lòng dạ thì thật khó thương. Bề ngoài, tôi lù khù mà đầu óc lại quỷ quái ranh ma.

    Ở nhà, tôi chuyên môn ăn cắp tiền để đem đi nướng cho mấy tên đánh đáo đánh bi, đi nói dối cha về nhà nói dối bố. Đến trường học thì tôi học dốt như bò, trốn học, phá phách, chọc ghẹo bạn bè. Thời giờ học bài, tôi lêu lổng ra bờ sông leo cây bàng hái quả, bắt chim non làm tội, bơi qua sông đi đánh nhau.

    Khi lên Trung học, tôi ở Hà Nội học 4 năm. Bố mẹ làm ăn vất vả lo cho con thì con học tà tà, dành tiền đi ăn thịt bò khô Bờ Hồ, đi bơi thuyền pê-rít-soa, đi xi-nê Phi-la-mô-ních, lượn Hàng Ngang, Hàng Đào, nhẩy xe điện không bao giờ mua vé.

    Các thầy học của tôi đều là những bậc thầy dạy giỏi như các thầy Nguyễn Đức Hiếu, Nguyễn Tá, Nguyễn Đức Kim, Hà Như Vinh, Trần Ngọc Huyến, thầy Sửu, thầy Loan, thầy Thịnh Del, thầy Bốn…

    Tôi chả thọ giáo được bao nhiêu vì trong lớp tôi hay nói chuyện. Bù lại, mỗi khi có bài thi là tôi cóp như điên. Mấy tên học giỏi đều ngồi trước ngồi sau ngồi cạnh cho nên tôi thi cử không mấy khó khăn, luôn luôn vào hạng khá. Đôi khi có đứa nào ngồi cạnh mà nghỉ vì bận chuyện nhà, đau ốm thì bữa đó tôi tụt xuống hạng chót lớp. Thầy giáo rất ư là khó hiểu rằng làm sao sự học của tôi nó trồi sụt một cách bất thường. Chỉ có tôi hiểu mà thôi.

    Năm 1953, tình hình chiến sự sôi động, chính phủ gọi lính. Bố mẹ tôi gửi gấm tôi vào Ngự Lâm Quân cho quốc trưởng Bảo Đại. Các bạn tôi, đứa đăng lính tại Hà Nội, đứa xin vào trường Võ Bị Dalat.

    Dalat là đất của nhà vua, kêu bằng Hoàng triều cương thổ, vào đó phải có phép tắc phân minh. Tôi lọt được vào đất nhà vua, coi như số hên ngàn năm một thuở. Bố mẹ tôi chắc phải chạy chọt tay trong tay ngoài lắm tôi mới khỏi đi Điện Biên Phủ.

    Vào lính, tôi được đeo ngay cấp bậc Hạ Sĩ, tức Cai Phúc Cánh Gà, át-si-mi-lê chứ khỏi cần tốt nghiệp quân trường gì sốt cả (nhưng tôi phải nộp 3 chứng chỉ về kế toán, đánh máy và tốc ký mới được cấp bậc này!).

    Hơn 1 năm đi lính Ngự Lâm Quân, nói là đi lính chứ thực ra là đi du lịch, đi du hí vì công việc tôi thu gọn trong chương trình phát thanh gồm các mục thi ca vũ nhạc kịch, mỗi tuần một lần trên đài Dalat.

    Thời kỳ này đúng vào thời kỳ tôi trổ mã, cho nên gặp đúng môi trường hoạt động, tôi tung hoành như chốn không người. Khi thì mời các nữ sinh tập ca, tập kịch, khi thì đón các ca sĩ tài tử lên đài hát hỏng ngâm nga. Lại có bận kéo cả bầy đi Trạm Hành, Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang trình diễn văn nghệ văn gừng.

    Các em tài tử giai nhân, em nào cũng thơm như múi sầu riêng, đẹp ngồn ngộn, nom cô nào cũng thiệt dễ thương. Tôi bỏ không đành, ngó ai là muốn tán người đó để làm riêng kỷ vật.

    Tôi thường lợi dụng công xa, lái xe Jeep của xếp, xe Dodge-4 của ban quân xa chạy đi chơi la cà quán ăn, đi đàn đúm nhẩy nhót, đi chơi cuối tuần Đèo Ngoạn Mục, Suối Vàng, thác Prenn, Cam Ly, Liên Khương, Aáp Hà Đông, Cây Số 4…

    Mỗi khi đi công tác, dẫu được đơn vị sở quan đài thọ ăn ở suốt thời gian, tôi cũng xin cái dấu đỏ đóng sau sự vụ lệnh chứng nhận đương sự ăn ở tự túc để đem về ban kế toán làm lương kiếm tí tiền còm.

    Ít nhất một năm tôi tìm cách đi phép hai phùa. Lý do nào cũng khẩn cấp dễ sợ như điện tín đánh từ Saigon lên rằng mẹ đau nặng, bà ngoại sắp mất, bà nội lâm trọng bệnh, ông nội đã từ trần…toàn là những tin tức đứng tim, cần được phép đặc biệt về thăm nhà thiệt lẹ.

    Mẹ tôi đâu có ở Saigon, còn các cụ nội ngoại đã qui tiên chầu tổ từ lâu rồi, nhiều cụ tôi đâu có biết mặt.

    Nhờ đòn tâm lý ấy, tôi về phép đều đều. Cụ nào cũng được chết ít ra 2 lần do tôi đạo diễn.

    Mỗi lần phép dăm ngày, tôi lại ở lì thêm một tuần cho đã. Khi lên đơn vị trình diện, tôi gãi đầu gãi tai kể khổ, nào là cụ ngoại ngoài 80 tuổi gần đất xa trời, tay chân rũ liệt nằm thở hắt ra, nào là cụ cấm khẩu, lạnh tứ chi, các con cháu tề tựu đông đủ đợi chờ.

    Cũng may là cụ tuy bệnh tình trầm trọng nhưng e… khó chết, cho nên các con cháu lại tan hàng để ai về nhà đó. Các xếp tôi nghe kể lể đều mủi lòng thương cảm vỗ về.

    Nam 1955, Ngự Lâm Quân tan rã, các đơn vị phân tán mỏng, gia nhập Quân Đội Quốc Gia nên tôi đổi lên xứ Ban Mê Thuột. Miền cao nguyên này đất đai phì nhiêu, tài nguyên phong phú như cao su, cà phê, gỗ, măng, cam, rau trái, thú rừng, hoa lan…đều là những sản phẩm miền xuôi ao ước.

    Vậy mà ai lên đó cũng than đất đỏ mưa lầy, buồn hơn chấu cắn. Tên tỉnh được đọc chẹo là Buồn Muôn Thuở. Ôi cái tên như một tiền định an bài, bởi cái tên cà li đó mà làm cho cả miền Nam tiêu tùng cơ nghiệp sau này.

    Nói vậy cũng tội nghiệp cho tên tỉnh, bởi tự nó đâu có tội tình chi. Tội chăng là kẻ đặt điều thêm bớt, vả chính tôi cũng a dua phổ biến cái tên Buồn Muôn Thuở, hóa nên nó đâm buồn, nó vận vào chính mình và vận mệnh quốc gia.

    Lỗi đó, tự ngay tôi đồng hóa.

    Đời sống ở Cao Nguyên cũng có nhiều cái thú như đi săn, thú chơi hoa lan, thú đi rừng lội suối, chụp hình. Được ông xếp chịu chơi, tôi tháp tùng ổng lái xe Jeep, ôm các-bin có thêm dăm lính tráng hộ tống đi bắn nai, bắn thỏ, bắn gà rừng. Thầy trò lại lặn lội đi kiếm lan rừng, đem lên xe GMC có sẵn vài giường vải bố để đặt lan vào cho nhẹ nhàng khỏi phạm đến cánh hoa. Mỗi giò lan lại được buộc hờ bằng những cuộn băng trắng tinh của bên Quân Y Viện.

    Thế là chúng tôi đã xử dụng công xa, xử dụng vũ khí đạn dược, xăng nhớt, nhân sự của quân đội một cách phí phạm và trái quân luật.

    Nhưng chả ai nói gì, không ai đem ra tòa án nhà binh thì đâu gọi là tội. Vả chăng, nhiều cấp lớn cũng dùng lính cả trung đội, đại đội để làm việc riêng ấy chứ, thì cỡ tép riu đâu có đáng gì.

    Chính mấy cái lặt vặt lem nhem ấy, tôi làm tôi mất nước…


    ******

    Chương 2

    Trên Cao Nguyên đất đỏ mưa lầy heo hút buồn thiu, ngoài mấy cái thú đi săn, đi rừng, hái hoa lan, tôi còn tìm được nguồn cảm hứng mới lạ. Aáy là ngày cuối tuần mò mẫm đi coi coi gái Thượng tắm suối.

    Người miền núi khác người miền xuôi ở mấy điểm này: Miền xuôi, con gái đeo sú chiêng thì miền núi để hở ngực thỗn thện, đôi gò bồng đảo rung rinh gánh lúa rung rinh rất là tự nhiên khỏe mạnh, không bị bó giò ép chặt. Miền xuôi, con gái mặc quần thì miền núi quấn sà-rông không sì-líp. Thành ra, so sánh thấy người miền núi sống thoải mái, gần gũi thiên nhiên hơn người ở miền xuôi.

    Nhờ sống gần thiên nhiên nên họ thực thà chất phác tự nhiên. Những ngày nắng ấm, con gái miền núi hay rủ nhau ra suối giặt rũ, tắm táp vui vẻ.

    Tôi vốn nhát nhưng lại hay tò mò, chơi ngầm nên lẳng lặng đi rình các em sát nút. Họ tắm với y phục của bà E-Và, chẳng mảnh vải che thân, ngâm mình dưới suối, để lộ bộ ngực no tròn nắng rám mùi dâu. Họ đùa nghịch tát nước vào nhau, nước tung trắng xóa; họ cười nói líu lo như chim hót trên cành. Đâu biết rằng sau lùm cây lại có một tên lính nhà binh ma mãnh nhòm như cú nhòm nhà bệnh.

    Những mục đi coi con gái miền núi tắm suối như thế tuy đã con mắt nhưng chưa thật đã đời. Xét rằng chả nên khư khư một mình thụ hưởng, tôi mới phổ biến hạn chế ABC cho mấy thằng bạn. Thế là ngày cuối tuần chúng tôi có bán tiểu đội đi tuần tiễu quan sát tại chỗ.

    Cũng vì đi tụm năm túm ba như thế, chỉ một vài phùa là bọn tôi bị lộ tẩy. Con gái miền núi thấy động, bèn nhẩy ào ào lên bờ quấn vội sà-rông, ù té chạy về bản Thượng.

    Từ khi họ khám phá có kẻ rình mò nhìn trộm bất hợp pháp như thế, con suối tình tứ bỗng vắng bóng con trai miền xuôi, con gái miền núi, để trở thành con suối mơ lạnh lẽo ơ hờ…

    Nghĩ lại hành động có ý thức của mình, tôi ăn năn coi đó là vô ý thức, khiến con gái cao nguyên mất đi cái vẻ hồn hậu tự nhiên mà lại hóa ra bắt chước con gái thị thành đâm ra rụt rè, e thẹn ngượng ngùng.

    Tôi đã làm mất đi một phần nào thuần phong mỹ tục địa phương mà cứ tưởng chuyện vui chơi nào có hại gì.

    Tình đoàn kết Kinh Thượng một nhà biết đâu chả vì thế mà ngại ngùng xa cách? Tôi là kẻ có tội!

    Người cao nguyên Ban Mê Thuột đa số thuộc sắc dân Rhadé. Lên tới em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây phần lớn là dân Jarai. Đến Kontum, Dakto là dân Sédang làm chuẩn.

    Người miền núi có hàng trăm tiếng nói khác nhau. Nói chung thì tính tình họ hiền lành, hiếu khách, chuyên nghề làm rẫy, bắt thú rừng. Nhiều bộ lạc còn sống đời nay đây mai đó, không định cư chỗ nào lâu dài cả.

    Càng xa phố thị, đời sống của họ càng xa cách văn minh. Dân miền Daksut, Dakpek, nhiều người chỉ biết đếm từ một đến năm. Mua chục quả trứng gà, mỗi cái một tì, mà đưa mười tiền lấy chục trứng là họ không chịu, coi như không đúng. Lấy năm cái, trả năm tiền, đếm một hai ba bốn năm là chịu. Rồi lại trả tiếp năm cái sau như thế.

    Tôi đã lợi dụng lòng tốt, nhẹ dạ, thuần hậu của họ mà buôn bán kiếm chác khá bộn. Như mua măng khô,mua mật ong, mua sừng hươu nai, mua quế. Khi thuận tiện, tôi còn hái trộm trái cây hoặc lấy quế vô tội vạ…

    Tôi la cà các bản Thượng, lân la thân cận với các chủ làng – ví như xếp sòng đơn vị – để mưu lợi. Lúc thì tôi bán xăng chạy bật lửa kèm theo đá lửa. Lúc bán muối hột, khi bán át-pia-rin, bán bánh kẹo Chợ Lớn. Một vốn bốn lời cắt cổ anh em, lại còn cai thầu lâm sản bán cho mối chợ.

    Ông chủ làng thấy tôi có cái máy gì mà cứ ghé mắt nhòm ngang bấm kêu lách cách, hỏi ra là máy chụp hình, có hình người như hệt thì lấy làm khoái lắm. Tôi bảo chụp một tấm có hình ông chỉ tốn 25 tiền ta. Ông chủ làng ngần ngừ, bảo muốn có cả bà vợ và hai đứa con nữa tính bao nhiêu. Tôi tính 35 tiền rẻ chán. Ông ta lại suy nghĩ vẩn vơ rồi cười xin tôi chụp cho cả con chó, cạnh cái nhà làng và làm sao có tí trời mây nữa được không? Tôi bèn làm bộ khó khăn cân nhắc, rồi đồng ý chụp hầm bà làng đủ thứ, chỉ lấy có 40 tì. Vợ chồng con cái, con chó đứng chung, tôi bấm máy đánh tách một cái là xong xuôi, hứa hẹn có hình đen trắng đẹp.

    Lần sau về làng, tôi bán tấm hình, xong mua đồ, ăn nhậu với chủ làng, đôi bên vui vẻ. Tôi đã lợi dụng tâm hồn chất phác mà mần xìn ông chủ làng. Bây giờ tôi đâm ra hối hận. Ông chủ làng nếu biết, chắc ông ấy sẽ chê luôn tất cả người miền xuôi đều cá mè một lứa. Tôi làm xấu lây tập thể và gây chia rẽ đồng bào mà đâu có ngờ.

    Ngày nay ngẫm lại mới vỡ lẽ mình mất nước nào phải đổ vạ đổ thừa cho ai. Chính tôi làm tôi mất nước ở những cái nho nhỏ con con ấy.

    Cổ nhân bảo “Lỗ nhỏ đắm thuyền” hẳn chẳng sai.

    Ở Cao Nguyên được hơn một năm, tôi giải ngũ về Saigon kiếm việc. Nhờ người lớn giới thiệu, tôi làm công cho một hãng xuất nhập cảng ở đường Tự Do, tên là hãng Việt-Hà. Ông chủ thấy tôi nai vàng ngơ ngác như ở rừng mới về, rất lấy làm ưng ý. Bởi huấn luyện một thằng nhỏ hiền lành có bề dễ hơn là mướn mấy tên tinh ma quỷ quái.

    Ông chủ khuyên tôi cố gắng học nghề, ông sẽ truyền nghề cho sau này chả mấy chốc thành triệu phú như ổng.

    Tôi cũng tin tưởng như thế, nên từ đó không mua xổ số quốc gia lô độc đắc nữa mà chuyên chú học việc hành nghề.

    Tôi cố gắng dành dụm tiền để sắm chiếc xe đạp cũ nên không dám ăn trưa. Buổi trưa, tôi moi trên kệ, trong hộc tủ xem có món gì sực được thì ăn đỡ. Tôi đớp bánh trứng nhện, kẹo vừng, bánh mì khô. Thậm chí đến cả quế chi tôi cũng nhai tuốt luốt. Chỉ sau có một ngày, vì đớp quế quá kỹ, tôi chẩy máu cam ồng ộc, không dám mó đến món này nữa.

    Qua vài tháng, nhận rõ ra rằng cái chân của tôi là đánh máy, tùy phái, lau nhà, tôi bèn xin rút lui có trật tự, bỏ mộng làm triệu phú.

    Một bữa, la cà đến nhà người quen, ông này rủ tôi đi Cao Miên làm Tòa Đại Diện Việt Nam Cộng Hòa. Tôi coi như cơ hội ngàn năm một thuở, cơ hội bằng vàng, xin gật đầu đi ngay tút suỵt.

    Chỉ vài ngày sau, tôi đã trực chỉ hướng Gò Dầu Hạ, đi qua biên giới Việt Miên đến Phnom Penh như đi du lịch.

    Hồi ấy, vị đại diện Việt-Nam – chưa có đại sứ vì liên lạc ngoại giao chưa thuận lợi – là ông Ngô Trọng Hiếu, cựu Tổng Giám Đốc Ngân Khố, từng dịch sách với nhà văn Nguyễn Hiến Lê, văn nghệ ngoại giao số dzách.

    Vị đại diện tướng mạo bệ vệ, nom rất dễ nể. Bộ tham mưu có bác sĩ Trần Văn Thọ, bác sĩ Thái Doãn Thạc, luật sư Đinh Trịnh Chính, ông tham vụ Trần Đồng Tử. Phía báo chí chửi cộng sản có Dương Vy Long, Song Hồ, Văn Thế Bảo. Nhân viên tòa đại diện vài chục người, làm việc rất vui vẻ.

    Tôi đặc trách mục làm sổ thông hành cho người Việt, người Miên. Công việc không có chi khó khăn mà lại có tiền, có tình, có kẻ chầu người trực.

    Lợi dụng chức vụ phát thông hành, tôi bắt thân chủ lì xì dăm ba bò, một xín để lấy giấy tờ mau lẹ. Người ta cần đi gấp, đâu có sá chi mấy trăm bạc nhẹ tênh.

    Nhờ thế, tôi rủng rỉnh tiền bạc, cứ tháng tháng hai lần về chơi Saigon, lúc buôn lạp xường, lúc buôn vải vóc, lúc buôn vàng đem bán cho mối chợ.

    Tại Phnom Penh thuở ấy có dăm ba cái tiệm nhẩy đầm. Cái bình dân như Bar Cầu Saigon – vì nằm trên con đường đi Saigon, cạnh cây cầu lớn – tha hồ nhẩy múa Lâm Thôn, tậïp sì-lô, pa-sô-đốp. Mấy cái khác như Tricotin, Cambodge phần nhiều khách sộp lại chơi.

    Còn một tiệm nhẩy đầm Olympia có rất đông vũ nữ Việt Nam hành nghề, tôi thường tới lui nhẩy nhót cho oai, chứ tôi chỉ biết có mỗi một điệu sì-lô tắt đèn mà thôi. Các điệu khác tôi đều chê là tốn sức lao động.

    Nhờ làm cái chân pát-po, các em có vẻ chiều chuộng đến điều, để lỡ khi ở lại quá hạn còn có người che chở.

    Từ vũ trường, tôi la cà đến nơi các em tá túc, bắt bồ nay em nọ mai em kia như một kẻ đa tình thương người đồng điệu. Các em có làm tôi hư hay không tôi không biết, chứ chính tôi vẽ đường cho hươu nai chạy, tạo cho các nàng cái cách chạy thầy chạy thuốc lem nhem, như một lối mòn độc đạo để sau này các em ngựa quen đường cũ, hễ ai thay tôi cũng thế thi hành.

    Tôi cứ tưởng ba cái lặt vặt cỏn con ấy nào có hại chi đến việc lớn. Ai ngờ té ra chính nó tích lũy lại, nhiều kẻ lem nhem đốn mạt như tôi đã đưa đẩy nước non đến hồi mạt rệp.

    Làm việc ở tòa đai diện, ngoài lương tháng, phụ cấp, nhà ở, tôi lại còn được xử dụng quỹ đặc biệt nữa. Nếu dùng tiền này để làm đúng việc thì đâu có nói làm chi. Đàng này, tôi dùng tiền công để chi cho việc riêng, coi như tiền chùa, tiền mã. Sự phí phạm ấy, nếu ai cũng tự cho phép và được phép xử dụng thì công quỹ chả mấy nỗi mà lép kẹp, nhẹ tênh.

    Giờ đây, ngồi ngẫm lại chuyện cũ tích xưa, tôi mới thấy chả phải đổ vạ đổ thừa cho ai làm chi tội nghiệp.

    Chính tôi làm tôi mất nước!


    *****

    Chương 3

    Làm Tòa Đại Diện Việt Nam tại Cao Miên đâu chừng một năm, tôi đã muốn rút dù. Vốn tính hay đổi thay, chóng chán, nên dẫu gần gũi với biển hồ Tonlésap, tôi vẫn nhớ bến Thủ Thiêm, dẫu sát cạnh Chùa Vàng Chùa Bạc tôi vẫn nhớ Lăng Ông, Thiên Mụ, dẫu thân mật với các em ca-ve thơm ngon như xoài cát tôi vẫn nhớ các nàng đồn trú tại quán bia ôm, quán cóc Saigon.

    Lai nữa, xuân qua hạ tới thu tận đông tàn, nay lại một mùa xuân tiếp nối khiến lòng tôi nhớ về chón cũ.

    Chốn ấy như quê hương thứ hai của tôi, sau tỉnh Hải Dương bé nhỏ hiền hòa nằm trên quốc lộ số 5 nối Hà Nội – Hải-Phòng: Ấy là Dalat.

    Nhân cái cớ anh tùy phái hục hặc tranh mối pát-po tính ăn hớt tay trên tiền nhậm xà của tôi, hắn thậm thọt với cấp trên vu cho tôi bê bối, tôi liền xin nghỉ việc.

    Mần tòa Đại sứ, Đại diện, Lãnh sự dẫu ở nước nào cũng là điều mơ ước của nhiều người muốn xuất ngoại phục vụ, mà lại có tiền, sống đời dư dả, cho nên tôi thôi việc lắm đứa mừng thầm, vì có chỗ cho anh em bà con điền thế, cùng vây cánh làm ăn.

    Thế là chỉ nội 24 giờ tôi đã rút khỏi xứ Chùa Tháp, qua biên giới Miên–Việt trở lại Saigon.

    Ở thủ đô vài bữa, tôi khăn gói quả mướp lên chuyến xe Minh Trung tại Ngã Bẩy để lên Dalat, tá túc nhà ông anh họ.

    Qua mấy năm trở lại chốn xưa, tôi thấy người cũ vẫn cứ đâu ở đó, chưa mấy đổi dời. Con gái Dalat má đỏ như mận Trại Hầm, mắt trong như mắt nai tơ, môi hồng như trái dâu ấp Hà Đông, Cây số 4. Anh con trai nào nhòm thấy cũng mê như điếu đổ.

    Người đẹp đài các như ái nữ của bác sĩ Dương ở biệt thự, có vườn hoa, đêm đêm qua khung cửa mờ ảo ánh đèn, ngân nga tiếng dương cầm thánh thót. Khu chợ Hòa Bình, các cô Ninh, cô Kính chủ tiệm bách hóa Phúc Thái Lai, cổ đeo kiềng vàng, ăn nói dịu dàng, mắt liếc đong đưa.

    Đường Phan Đình Phùng, quá rạp hát ngọc Hiệp dăm trăm thước có tiệm chè của hai chị em cô Tâm cô Hiền. Hai đóa hoa được rất nhiều vương tôn công tử giả bộ đến ăn che mà lòng dạ thật là hảo ngọt.

    Nói chi đến các sĩ quan, sinh viên Võ Bị ngày nghỉ cuối tuần chạm trán nhau đôm đốp ở đây.

    Phía nữ sinh Yersin, Couvent, phía nữ công chức hoa hậu hoa khôi mơn mởn đào tơ phơi phới. Với các nàng tiên yêu kiều diễm lệ ấy, tôi chỉ là một anh Trương Chi chèo thuyền mà không biết thổi sáo để làm cảm động Mỵ-Nương.

    Vả lại, Cai Phúc hồi ấy chưa thoát khỏi cái vỏ cai sữa, buồn thân tủi phận hẩm hiu, chả ai cảm thương cảnh cùng một lứa bên trời lận đận cho nên chỉ nuốt nước bọt, ngậm bồ hòn ngắm trộm các nàng cho đỡ ghiền cơn nhớ khó nguôi.

    Tôi cũng đoán già đoán non rằng các nàng nhìn tôi không khác chi nhìn một cậu bé con ngu ngơ bé bỏng. Đâu biết rằng trong tim tôi nó thổn thức bồi hồi.

    Cái mộng yêu hoa biết nói không thể tỏ cùng ai, tôi lang thang như một nghệ sĩ giang hồ, như một nhà thơ khốn khổ ư ử ngâm bài Lỡ Bước Sang Ngang cho ra vẻ Tài Tử Đa Cùng Phú.

    Nhớ đến em xưa dưới dốc Nhà Bò, tôi bò xuống lân la hỏi dò tin tức. Ngờ đâu nàng đã tay bế tay bồng đìu íu sau lưng, nom chả còn chi là sắc nước hương người.

    Các cụ bảo “gái một con trông mòn con mắt, gái hai con vú quặt sau lưng” thật chả sai một ly ông cụ nào. Được cái con chị nó đi, con dì nó lớn nên tôi đành tự hạ một cấp, ra chiều o bế cô em. Cô em là kẻ yêu hoa nên tôi có nhiệm vụ cung cấp hoa để làm duyên văn tự.

    Đêm đêm, tôi vác dao đi chặt trộm những cành hoa anh đào ở bờ hồ, lối lên dốc chợ. Anh đào là loài hoa quý của Nhật. Nhật Bản có tặng cho thành phố Dalat vài trăm cây làm cảnh, chở máy bay qua, quý như vàng nén.

    Khi hoa anh đào nở, cả tỉnh đẹp mà khách phương xa đến du ngoạn cũng đẹp lây. Tôi lựa cành nào đẹp, phạng ngay một phát và chạy ù té về dốc Nhà Bò.

    Chưa hết, công viên nơi nào có hoa là có tôi lởn vởn đến hái. Cả đến tư gia tôi cũng không từ. Dọc đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, khu nhà đèn, khu nhà thương, nhiều nhà trồng mẫu đơn, hoa cúc, hoa hồng, hoa thược dược đẹp tươi mơn mởn, cứ tối đến là tôi đi ngắt trộm.

    Có lần chủ nhà rình sẵn, tôi mới chợt tới hàng rào là họ đã hô hoán lên vác đòn gậy đuổi đánh. Tôi hoảng hồn vắt giò lên cẳng chạy thừa sống thiếu chết mới thoát thân.

    Ái tình nó làm tôi mụ mẫm một phần, nhưng chính như tôi bản tính đã hay táy máy ăn cắp vặt từ nhỏ cho nên lúc nhớn lên các hành động xấu xa chỉ là tập quán. Ngày bé tôi ăn cắp ở nhà, bây giờ phá hoại ăn trộm của người, của công cộng, vi phạm an ninh trật tự, tài sản quốc gia và đồng bào, nào tôi có biết nó tệ hại sao đâu. Chỉ coi như vui chơi cuối trời quên lãng, văn nghệ thôi chứ nhằm nhò, tác hại nỗi gì.

    Ấy đó, mấy cái đó tích tiểu thành đại, tôi hư lúc nào không biết. Mà vẫn tưởng mình công dân gương mẫu đàng hoàng.

    Nhìn quanh, tôi thấy tôi còn lương thiện hơn chán vạn kẻ khác. Những đứa họp bè kéo đảng chặt cây cưa gỗ đem từ Định Quán về Biên Hòa phát mại chia nhau bỏ túi. Những tên bắt lính đem GMC chở thông từ Dalat mang về Saigon bán dịp Giáng Sinh. Những kẻ thông đồng với nhân viên lâm sản, với trại kiểm soát để chở gỗ lậu hàng lậu mới là bê bối. Nhờ bê bối đó, cộng sản mới lợi dụng chở súng đạn, thuốc nổ vào thị thành để đặt mìn giết dân lành, đàn bà con nít, nên chiến tranh mới đằng đẵng bao năm.

    So sánh với những hạng đó, tôi không là… Phật thì cũng là… á thánh.

    Cũng bởi tự so sánh với những quân khốn lịn như thế, tôi cá mè một lứa như chúng nó chứ có hơn gì. Chỉ khác nhau mức độ mà thôi.

    Mức độ nào cũng là hành động đưa đến mất nước.

    Mùa xuân trên cao nguyên xứ anh đào, ai may mắn có đào cặp kè thủ thỉ thì thật ô-mê-ly tuyệt cú mèo số dzách. Nhìn những cặp nam thanh nữ tú áo quần đẹp tươi nắm tay nhau ngả nghiêng trên đồi thông, ngồi bên ven hồ, ghềnh đá hoặc sát vai trong rạp xi-la-ma, nơi tiệm cà-phê, tiệm mì, tiệm phở, lòng tôi lại thêm nỗi cô đơn chan chứa can tràng.

    Tôi bơ vơ như tiếng hát Chế Linh tang thương rách nát, lủi thủi lang thang lạc lõng giữa đường… Trời xuân đẹp, nắng xuân trong, tình xuân nồng, gái xuân rực rỡ. Những tà áo mầu áo thêu áo len e ấp vườn Bích Câu, hồ Xuân Hương, suối Cam Ly, đường Minh Mạng, dốc Duy Tân, chợ Hòa Bình… Những sinh viên sĩ quan Võ Bị quân phục thẳng nếp, huy hiệu phù hiệu cấp hiệu sáng ngời, giầy đen bóng loáng đi đứng hiên ngang.

    Xe hơi, xe Vespa, Lambretta, Honda, xe ngựa lên dốc xuống đèo vui như ngày hội.

    Đầy trời xuân cỏ hoa rộn nở tưng bừng. Hoa hồng, hoa cúc, thược dược, mẫu đơn, cẩm chướng, bất tử, hoa lan hoa dại lưng đồi. Dalat giống như một cảnh thần tiên của thiên đường hạ giới.

    Dẫu cảnh đẹp mê ly là thế mà lòng tôi lạnh ngắt vắng tanh. Cho nên người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, qua mấy ngày xuân con én đưa thoi, tôi lại đáp chuyến xe đò qua Liên Khương, Bảo Lộc, Định Quán, Long Khánh, Biên Hòa để về Saigon tìm kế sinh nhai.

    Việc đầu tiên là xin tá túc chỗ quen khu Tân Định, xong trích ngân khoản dự trữ sắm chiếc xe đạp thay cho chiếc xe lô-ca-chân, rồi nạp đơn dăm bẩy nơi xin mần việc chính phủ.

    Nhờ có tí cựu quân nhân, tôi được tuyển dụng làm thư ký công nhật tại Tổng Nha Kiến Thiết. Tổng Nha này là hậu thân của Bộ Kiến Thiết thời kiến trúc sư Hoàng Hùng làm bộ trưởng, ở đường Phan Đình Phùng gần đài phát thanh Saigon.

    Tôi chăm chỉ làm việc như một công chức gương mẫu, được vài ba tháng thì bắt đầu dở chứng. Tôi bắt chước những dân bê bối chuyên môn đi trễ về sớm, lấy giấy pơ-luya, dụng cụ văn phòng đem về nhà. Lắm lúc lại lợi dụng giờ chánh phủ chuồn đi phố lo chuyện riêng, ăn nhậu, làm áp-phe với thân chủ. Ai muốn nhờ vẽ họa đồ nhà cửa, muốn có giấy phép sớm, mua vật liệu rẻ, xây cất lố với họa đồ, tôi đều trung gian điều chỉnh.

    Nhờ vậy, lương tháng ba cọc ba đồng mà tôi vẫn rủng rỉnh tiền bạc.

    Lâu lâu tôi lại o bế cấp trên, biếu xén quà cáp chút chút để xếp che chở, phe lờ cho mấy vụ lem nhem.

    Hồi ấy có phong trào học đêm, anh em công chức quân nhân tối tối mò đi học tại Hội Khuyến Học Bổ Túc đóng đô ở trường tiểu học xế cửa Tổng Nha Kiến Thiết. Đủ mọi thành phần quân cán chính, đủ lứa tuổi tác già trẻ. Lại có cả các tên tuổi quen thuộc hiện diện dưới đèn. Như nhạc sĩ Hùng Lân “Khỏe Vì Nước” đêm đêm ôm sách, kèm theo cái đèn điện, dòng giây thòng lòng dưới bàn, cắm điện sáng choang – bởi ông mắt cận thị hơi nặng nên cần nhiều ánh nến. Có ông vợ con cả bầy lớn bé cũng cắp cặp, đạp xe đạp đi học như Cao Bá Vũ sau này là một giáo sư triết khá nổi tiếng.

    Anh nào đi học cũng mong kiếm cái mảnh bằng Tú Tài I, Tú Tài II để làm bước tiến thân. Tôi cũng lóp ngóp giữa số đó. Được cái là tôi nhã nhặn, hay nhường nhịn cho nên anh em đậu xong Tú Tài, lên Văn Khoa, Luật Khoa, tôi vẫn lẹt đẹt tú đơn chờ tú đụp.

    Học hành chưa nên cơm cháo gì, đánh đoàng một cái, Bộ Quốc Phòng ra lệnh rằng hễ ai có Tú Tài I trở lên phải mau mau ca bài Ta Đi Tòng Quân Cứu Nước.

    Tôi từng một thuở yêu đàn, đàn đúm trong ban văn nghệ Ngự Lâm Quân rổi Đệ Tứ Quân Khu Ban Mê Thuột nên coi như cựu quân nhân không hề théc méc.

    Thế mà một bữa đang mần việc nhà nước, nhận tờ giấy gọi nhập ngũ, lòng tôi ngẩn ngơ tái tê, hãi ơi là hãi.

    Lệnh trên hành quân không cần xét cựu quân nhân hay tân quân nhân, cứ tú đơn là a-lê hấp đi lính, khiếu nại gì hạ hồi phân giải.

    Cầm lệnh nhập ngũ, tôi lo lắng, sợ hãi, cứ y như hễ đi lính là mình cầm chắc cái chết trong tay. Chả bù với những tối ngồi trên gác trọ cùng nhạc sĩ Tuấn Khanh, người viết nhạc kẻ đặt lời các bài hát ca tụng chiến công hiển hách của Chiến Sĩ Cộng Hòa, tôi đã như một người lính can trường cùng đồng ngũ vào sinh ra tử, hiên ngang tay súng bảo vệ sơn hà.

    Bây giờ vào việc mới rõ cái bộ mặt chuột hèn nhát, khiếp nhược của mình. Thì ra, nói một chuyện còn làm lại là một chuyện khác.

    Tôi linh cảm cả hiện tại lẫn tương lai xụp đổ cái rầm. Mà con đường phải tiến tới lại là độc đạo. Ấy là đường vào quân trường là đường về quê hương.

    Chẳng đặng đừng, tôi thu xếp hành trang một gói, theo chuyến xe buýt ghé Quân Vụ Thị Trấn Saigon trình diện. Chờ đến chiều tà có đông đảo, anh em cùng nhau leo lên chiếc xe GMC qua ngả Lê Văn Duyệt, Ngã Tư Bẩy Hiền trực chỉ hướng Quang Trung đến Trại Nhập Ngũ Số 3 làm thủ tục vào trường.

    Cuộc đời tôi tưởng chuyến này là đi đoong mút mùa lệ thủy, ai có ngờ đâu chính lại là đường mây rong ruổi thênh thang nhẹ gánh tang bồng!!!

    Âu cũng là định mệnh đã an bài, đục nhờ trong chịu…


    ******

    Chương 4

    Trại Nhập Ngũ số 3, như phần đông các thanh niên ở tuổi quân dịch đều có nghe loáng thoáng, nằm trong khu vực quân sự mạn Quang Trung, Hóc Môn.

    Khi tôi nhẩy từ GMC xuống đất đã thấy doanh trại đầy người, nhưng toàn là xi-vin, chưa ai mặc quân phục, ngoại trừ một số quân nhân chính cống lo canh gác, làm văn phòng.

    Chỉ sau một hai bữa nằm chờ khám sức khỏe, tôi đã biết cách tháo bù-loong của giưởng gỗ ra làm búa để đập bẹp đồng tiền nhôm tạo thành cái nhẫn chơi. Chiều chiều, tôi rủ bạn chui rào ra ngoài ăn nhậu xong tối lại mò vào.

    Khi đi khám tại Tổng Y Viện Cộng Hòa về tai mũi họng, chụp phổi đo tim, thế nào tôi cũng leo tường thành, nhẩy ra đường cái đáp xe lam chuồn về Saigon du hí. Hôm sau, chuyến xe GMC chở thanh niên đến cửa Tổng y Viện Cộng Hòa, tôi lại chờ sẵn nhẩy lên xe, coi như không có chuyện gì xảy ra cả.

    Như mọi lần, thanh niên làm thủ tục nhập ngũ chỉ nằm ở trại dăm bẩy ngày là xong. Đủ sức khỏe thì đi mà thiếu sức khỏe là về. Đến phiên tôi đi lính – năm đó là năm 1963 – tình hình lộn xộn, có ông đại sứ Hoa Kỳ Ca-bốt Lốt qua Việt-Nam. Chính phủ hình như không muốn thêm nhiều rắc rối, cho nên dù quân trường Thủ Đức đã khai giảng một tháng, đám thanh niên già thanh niên trẻ vẫn phải nấn ná chờ ở trại nhập ngũ và phút chót được lệnh leo lên xe trực chỉ Thủ Đức.

    Quân trường đành phải lập thêm một đại đội nữa tức Đại Đội 5 và chúng tôi phải tập ngày đêm, không đi phép cuối tuần để theo kịp các đại đội khác.

    Đối với người thanh niên bình thường, khi Bộ Quốc Phòng gọi đi lính thì anh ta coi đó là chuyện chấp nhận dĩ nhiên. Trai thời loạn mà! Đằng này, tôi tưởng như trời xập, cực chẳng đã đành chịu nhưng nhưng tìm cách chui rúc an thân.

    Sau thời gian 1 tháng học quân sự, đeo súng ôm ba-lô đi bãi, tôi o bế ông trung đội trưởng, nại cớ chân yếu tay mềm xin được ở lại trại lo công tác báo chí, thu dọn văn phòng, vệ sinh hoặc làm bất cứ chuyện gì riêng tư của ông trung đội trưởng. Như lau xe Vespa, đánh giầy, đóng đồ gỗ… thay vì cùng anh em leo lên đồi 29 đồi 30 học chiến thuật, bắn súng lớn, ném lựu đạn, đốt giây mìn.

    Lâu lâu tôi lại kiếm được cái phép đặc biệt về Saigon một hai ngày công tác đặc biệt.

    Những ngày không đi bãi, sinh viên sĩ quan học ở lớp hoặc tập thể dục quân sự, hoặc bò chiến thuật, leo giây trong sân trường, thì tôi tham gia rất xuất sắc.

    Qua ba tháng quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu – tôi nào đã đổ tí mồ hôi nào đâu – sinh viên được chọn ngành để đi binh chủng, binh sở. Binh chủng lớn như Không Quân, Hải Quân. Anh nào ở lại học đến cuối đoạn đường chiến binh là đi Bộ Binh nữ hoàng của chiến trường. Ngoài binh chủng là binh sở, các sinh viên có thể được đưa về các ngành chuyên môn tùy thuộc khả năng trắc nghiệm.

    Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, chả hiểu thi trắc nghiệm làm sao mà tôi đi lính thợ may, trong khi bạn tôi Lê Bảo Hùng cũng ABC khoanh y chang như tôi thì hắn lại về lính tài xế.

    (Trong nhà binh có nhiều cái vui nhộn con con làm cho đời lính cũng có chút đậm đà. Anh cu nào về ngành tiếp vận Quân Nhu thì gọi là lính thợ may vì ngành này nổi tiếng có cái xưởng cắt may – Trung Tâm Sản Xuất Quân Trang – sát nách Hải Quân gần nhà thương Đồn Đất. Cậu nào về ngành Quân Vận gọi là lính tài xế. Cậu nào đi Quân Cụ thì gọi là lính già, mặc dù ai cũng hiểu ngầm Cụ là dụng cụ máy móc cơ khí súng ống đạn mìn).

    Thế là thoắt cái, tôi về trường Quân Nhu nằm trong khuôn trại Lê Văn Duyệt tức Biệt Khu Thủ Đô, học chuyên môn mấy tháng.

    Cả khóa 9 Quân Nhu thuộc khóa 16 Thủ Đức có lối ba chục tên, cộng với sinh viên Địa Phương Quân hai chục mạng, học trối chết các môn từ gạo đường trà mắm muối, quân trang quân dụng đến sửa chữa dù, tiếp tế thả dù, mai táng, quân khuyển, xăng nhớt tồn trữ tiếp liệu…

    Khóa 9 nút Quân Nhu, hầu hết sinh viên sĩ quan là sinh viên đại học hoặc tốt nghiệp đại học. Chỉ có mình tôi lẹt đẹt tú đơn chả giống ai. Cả cuộc đời đi học tôi đều lêu lổng, chỉ nhờ cóp bài mà lẽo đẽo với bạn bè lên lớp.

    Nay biết không thể nhờ cậy vào ai, lại biết thân phận mình yếu thế nên tôi dốc hết tim gan tì phế học hành. Vừa học tôi vừa van vái Phật Trời, A-La cho tôi đậu cao để được lựa chỗ tốt gần Saigon. Hồi đi lính Thủ Đức tôi đã có vợ con rồi, nếu phải đi xa ắt gia đình đìu íu nhiêu khê lắm.

    Nhờ dốc lòng cầu nguyện, lại học hành gạo cụ, khi ra trường tôi lãnh cái thủ khoa làm ngơ ngẩn từ thầy đến bạn, xuống cả đến quán cà-phê của cô Hồng cô Thúy.

    Thế là ô-tô-ma-tích tôi lựa Saigon, mần việc ngay tại Nha Quân Nhu (sau này đổi thành Cục Quân Nhu trong trại Lê Văn Duyệt).

    Với cái lon nửa hạ sĩ quan nửa sĩ quan là lon Chuẩn Úy, tôi làm ở Sở Tiếp Vận, đặc trách nhượng vải, và làm việc trong văn phòng Chánh Sở.

    Chỉ một thời gian ngắn, tôi lại biết những cú làm tiền ngon lành dễ ợt. Món thứ nhất là nhượng vải cho sĩ quan, loại kaki vàng 15 đồng một thước, mỗi sĩ quan có thể xin nhượng 8 thước để tự thực hiện quân phục.

    Tôi ngồi chỗ đó lâu lâu lại lục hồ sơ cũ lấy ra một đơn xin nhượng vải tập thể của đơn vị X, Y, Z nào đó mà tôi đã đề nghị từ chối, tẩy xóa dấu vết cũ, làm phiếu trình xin chấp thuận, trình ký rồi đem xuống xưởng may mua vải.

    Với số vải của vài chục sĩ quan đem bán ra ngoài thị trường Phú Nhuận, rẻ ra là 80 đồng một thước, vị chi mỗi thước tôi lời 65 đồng. Đem nhân với vài trăm thước kaki, tôi có trên chục ngàn bạc ngon lành, coi như tiền thưởng về sáng kiến độc đáo của mình!

    Tôi cứ tưởng như thế là vô tội vạ, vì nhiều ông lớn thông đồng một cách rất khoa học với nhà thầu vải, cơm xáy khô, trà, quân dụng… tới cỡ cả vài trăm vài chục triệu đồng thì cái thứ gà quà ăn quẩn cói xay như tôi có bõ bèn gì.

    Sau này tôi mới biết, nói riêng về quân nhu thôi, nhiều khi người lính bỏ đơn vị không phải vì sợ địch quân – trái lại tinh thần chiến đấu của họ rất vững rất cao – nhưng phải trốn về nhà vì đơn vị đóng ở miền Cà Mâu ruộng đồng bao la, Năm Căn heo hút muỗi sa từng bầy, không có cái mùng để ngủ. Thiếu cái mùng cá nhân chùm đầu, muỗi đốt đau quá chịu không thấu. Hoặc người lính miền cao nguyên, vào những ngày tháng lạnh lẽo thấu xương mà thiếu cái mền thì làm sao chịu nổi?

    Những nguyên do thực dản dị nhỏ bé ấy, nếu cấp chỉ huy ý thức được thì cấp nhỏ không bán vải kaki kiếm lời, cấp lớn không làm hao hụt công quỹ, người lính được tiếp tế tạm đầy đủ, thì sự chiến đấu còn hăng say tích cực hơn nữa.

    Trong hoàn cảnh dù thiếu thốn như thế, lạ thay chỉ có một số rất nhỏ chiến sĩ xuống tinh thần, còn hầu hết đều quyết tâm chế ngự, hy sinh chống kẻ thù cộng sản. Đất nước nhờ vậy mới có những chiến sĩ can trường dũng cảm anh hùng bảo vệ miền Nam qua những cơn bão tố cuồng phong, khiến cho chính kẻ thù phải khiếp phục và thế giới còn chút lương tâm phải xúc động bàng hoàng.

    Ngoài chuyện bán vải, tôi còn đi xin xăng để phát mại nữa. Kho tồn trữ xăng nào cũng dư xăng vì được phép hao hụt bốc hơi của bồn xăng theo một tỉ lệ quy định. Thực tế, xăng không bốc hơi nhiều như thế nên đơn vị tồn trữ xăng có thể ngoại giao qua lại với anh em, với các đơn vị bạn, để đổi chác loanh quanh.

    Tôi thì khác, có xăng là đem đi bán liền tù tì, để lâu nó… bốc hơi cũng phí đi! Mà đơn vị cho chỗ khác, đằng nào rồi xăng cũng đổ vào bình xe hơi, Honda, Vespa xe đò, tầu thủy.

    Tôi tự cho thế là tôi vô tội, bởi vì còn bao nhiêu kẻ khác làm chuyện tầy trời như bán thuốc men, bán gạo, bán vũ khí, bán tài liệu cho cộng sản thì chúng mới đắc tội chứ! Nói khơi khơi chẳng ai tin đâu, chỉ khi nào cháy nhà mới ra mặt chuột, lúc ấy mới rõ mặt nào là mặt mo, mặt nào mặt thớt hoặc mặt sứa gan lim đã góp sức xô đẩy cả mộït giang sơn gấm vóc vào tay quỷ đỏ.

    Nhờ mần việc ngay tại Saigon lại cấm trại liên miên một trăm phần trăm, tôi tiếp tục sách đèn đi thi tú đụp. Số tôi có duyên nợ với trường thi, năm nào cũng ghi tên những mong bảng hổ đề danh mà lận đận mấy keo mới dính. Tôi dính bởi được cóp bài của thí sinh ngồi chung quanh và nhờ tài quay phim số dzách. Có lần giám thị bắt quả tang tôi đang lục tài liệu gầm bàn nhưng ông lắc đầu tảng lờ bỏ qua. Tôi đoán là ông thấy tôi mặc quân phục cũng ngán, e tôi thù hận cho nhát dao cái búa thì khốn. Cũng có thể ông ấy thấy tôi già đầu còn mài đũng quần chốn trường thi thì cũng thương hại. Hoặc ông thấy cái bộ mặt hiền lành chất phác thật thà nên cũng tha cho làm phúc.

    Ấy chính mấy cái đứa thật thà lại là cha quỷ quái. Như tôi đây chẳng hạn.

    Qua dăm phùa vác bút đi thi, tôi như cá vượt vũ môn, lò dò vào ngưỡng cửa đại học luật khoa, học đại cho có cái tít sinh viên lả lướt với đời.

    oOo

    Mặc dù lên quan, tôi vẫn ở căn nhà ngoại ô khu vực Đồng Ông Cộ bên Gia Định. Khu này nửa tỉnh nửa quê, vừa có điện có ti-vi vừa có vườn rau xanh ngắt một mầu, có tre xanh ao cá. Với số lương nhà binh ít ỏi mà giá sinh hoạt gia tăng, tôi tiết kiệm ngân quỹ gia đình bằng cách xử dụng điện bất hợp pháp. Dùng cái sào dài, tôi gắn một đầu vào điện còn một đầu giây xuống ao khiến cá bị điện giật nằm phơi bụng tênh hênh, vớt đem về nấu canh chua cá kho tộ.

    Đứa trẻ hàng xóm thấy tôi làm ngon lành cũng bắt chước, chẳng may mó vào điện cao thế bị giật chết tươi. Chưa bắt được cá nó đã nằm ngay đơ tại chỗ. Tôi cảm thấy áy náy lương tâm mất mấy tiếng đồng hồ, cho rằng vì mình đầu têu mà thằng bé bắt chước nên thiệt mạng.Sau tôi tự an ủi rằng nó làm nó chịu, mình đâu có súi dục nó đâu nào. Lương tâm tôi lại êm ru bà rù như không có gì phiền muộn.

    Trong nhà, tôi mua được cái máy lạnh cũ nửa ngựa còn tốt nguyên. Tiền điện cho cái máy này sơ sơ cũng phải hơn chục ngàn mỗi tháng, sức voi mới chịu nổi. Thế là tôi biến chế, lấy điện đường câu thẳng vào máy, không qua đồng hồ điện. Chạy điện chùa thả dàn, chả mất xu nào xất cả.

    Tối nằm máy lạnh, coi ti-vi đài tàng hình số 9, ngó cậu Hùng Cường mí lị mợ Mai Lệ Huyền lắc lư con tầu đi, song ca kích động, ngắm mợ Thanh Lan nũng nịu dễ thương giọng hát ngọt ngào, rồi theo dõi Tùng Lâm – Xuân Phát chọc cười bể bụng, nhìn cậu Nhật Trường áo tây vắt vai lừng khừng trong tiéng ca bay bướm, thích thú coi ban AVT khăn đóng áo dài trình diễn độc đáo tài tình, ru hồn vào cõi mộng theo tiếng hát Thái Thanh mê ly tuyệt vời bay bổng…

    Tôi đã chẳng thấy chút nào lầm lỗi băn khoăn mà còn tự coi như cuộc đời vừa qua mấy nỗi gian truân, nay là lúc được quyền hưởng thụ đôi chút thanh bình hạnh phúc.

    Cho dù đêm đêm bừng giấc, vẫn nghe vọng về tiếng súng xa xa…


    *****

    Chương 5

    Đôi lúc, từ căn nhà ngoại ô Đồng Ông Cộ nhìn về phía Thủ Đức Biên Hòa có những đóm mắt hỏa châu chập
    chờn soi sáng, tôi lại bâng khuâng nhớ đến số phận hẩm hiu của đất nước mình.

    Đất nước nằm bên bờ đại dương hình cong chữ S mà sao nom trên bản đồ tôi cứ thấy hiện lên chữ SOS. Chữ S đầu tiên là ranh giới giữa ta với Lào và Cao Miên. Chữ O là hình thể đảo Hải Nam nằm ngang với Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh. Chữ S sau cùng nằm ven Nam Hải sóng nước bao la.

    Đất nước tôi vì thế nên lúc nào cũng ở trong tình trạng báo động giới nghiêm, thiết quân luật, lúc nào cũng khẩn trương nguy cấp.

    Mà nhìn kỹ có thấy gì là gây hấn, chiến chinh?

    Cảnh là cảnh đẹp như vịnh Hạ Long, hồ Hoàn Kiếm, Hương Giang, Ngự Bình, Ngũ Hành Sơn, Cam Ranh, Nha Trang, Dalat, Vũng Tầu, Cửu Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Hà Tiên, Phú Quốc.

    Địa danh nào cũng mang những tên hiền hòa phúc hậu nhu mì như :Hòa Bình, Hưng Yên, Kiến An, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, , Phước Long, An Lộc, Phú Cường, Biên Hòa, Vĩnh Long, Bình Long, Bình Tuy, Bình Giả.

    Còn nói về con người thì người nào cũng có cái tên nhẹ nhàng ý nghĩa từ Hán tự, kinh điển, danh nhân như: Xuân, Hạ, Thu, Đông, Mai, Lan, Cúc, Trúc, Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, Giáng hương, Hằng Nga, Bích ngọc, Vân Kiều, Nguyệt Nga, Thủy Tiên, Mai Hoa, Quý Phi, Hồ điệp v.v...

    Cảnh là cảnh đẹp, tên là tên xinh, đất là đất lành chim đậu. Ấy thế mà mấy ngàn năm dựng nước, lịch sử đã ghi biết bao nhiêu tang thương ngẫu lục rối bời.

    Theo cái đà ấy, đến lượt tôi cũng tiếp tục trôi theo vận nước điêu linh thống khổ, gần hết cuộc đời lớn lên và sống trong chiến tranh.

    Xưa kia thì ngoại bang cai trị đàn áp, ngày nay thì chủ nghĩa vô thần ác quỷ hiện hình người, reo rắc đau thương làm cả nước bị đọa đầy.

    Nên giữa những cánh đồng bao la thơm mùi lúa chín lại có thêm những vòng giây kẽm gai quanh đồn phòng ngự. Nên bên cạnh những bà mẹ già tóc bạc phơ lại có những người vợ trẻ đầu quấn khăn tang bồng con thơ dại. Nên những nấm mồ phủ cờ vàng ba sọc đỏ lại nối tiếp nhau trong nghĩa trang bốn vùng chiến thuật.

    Ngành Quân Nhu của chúng tôi chẳng những lo nhu cầu ăn mặc, xăng nhớt cho quân nhân mà lại còn phụ trách cả vấn đề chung sự.
    Khi người lính giã từ vũ khí mà không về nhà thì rủ nhau vào nằm nghĩa trang yên tĩnh nghỉ ngơi. Ở đó có đủ cấp bậc từ tướng đến tá, đến úy, đến hạ sĩ quan, đến lính. Ở đó có đủ tôn giáo họp mặt như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo. Ở đó có đủ huy chương, từ Bảo quốc Huân Chương, Anh Dũng Bội Tinh đến Quân Phong, Quân Vụ. Ở đó, tôi có nhiều bạn bè nằm xuống hồn nhiên, lặng lẽ, thanh thản.

    Khi những ngọn nến hắt hiu rồi tàn lụi, những nén nhang nghi ngút xong tắt ngúm, những tiếng khóc nức nở thê thảm gào thét chìm dần trôi theo đất cát xuống nắp quan tài... thì còn lại chỉ người nằm xuống bạn bè cùng mưa gió, với trăng sao, với tiếng nỉ non côn trùng rên rỉ...

    Tôi thường có công tác ở những chốn vui buồn. Vui nhiều như đám hỏi đám cưới, vui vừa như đám tiệc đám ăn, vui ít như đám giỗ đám chạp. Còn chỗ buồn ít như nhà thương, buồn nhiều như ...nhà xác.

    Trong các chốn buồn vui như thế, tôi thỉnh thoảng được đến thăm chỗ buồn nhiều. Nơi nghĩa trang có đủ những nét đậm đen đau xót đó.

    Chỉ ở nơi ấy tôi mới được dịp gần gũi với chính tôi, kiểm điểm xem mình đã làm được gì để đỡ mang tội với chiến hữu.

    Những lúc nghe tiếng khóc ngất của gia đình tử sĩ, tiếng trẻ thơ khóc vòi ngủ vòi ăn, tiếng kèn vĩnh biệt ngân xa thăm thẳm, tôi cũng thấy ngậm ngùi không ngăn nổi dòng nước mắt. Nước mắt tôi xót thương kẻ ở người đi một mạch đã đành mà cũng là nước mắt một kẻ ăn năn hối hận về những tội của mình.

    Khi nghĩa trang Gò Vấp đã đầy đủ quân số, chúng tôi có thêm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa nằm bên xa lộ, trên ngọn đồi cao thênh thang mây trời bát ngát. Nơi đây dẫu là nơi nghỉ bình yên của những chiến sĩ quả cảm can trường vẫn có những cặp tình nhân sinh viên, những đôi lứa trẻ măng dìu nhau thủ thỉ qua lối mòn uốn quanh vòng ốc trên đồi.

    Có những ngôi mộ cỏ mọc xanh rì, mộ bia cũ kỹ. Có những nấm mồ trồng hoa trải đá bao quanh, với mộ bia khắc ghi họ tên, ngày tháng năm sinh, năm tử trận.

    Dân tộc tôi là một dân tộc thi sĩ, mỗi người là một thi sĩ thật không ngoa. Ngay cả đến lúc đau khổ tột cùng, ta vẫn có thơ văn để bầy tỏ khúc đoạn trường.

    Trên một bia mộ đá, tôi đọc thấy hai câu thơ này:

    Chàng vui tiên cảnh đà an phận
    Thiếp với năm con luống ngậm ngùi...
    Qua một bia mộ khác, tôi thấy:

    Sống làm chiến sĩ anh hùng
    Chết coi nhẹ tựa lông hồng phù du...


    Ôi cha! Một dân tộc thi sĩ, hồn thơ bay bướm lả lướt như thế mà chịu cảnh địa ngục trần gian, phải làm thơ phúng điếu thay lời!

    Tôi có mấy người bạn học cũ từ thời tiểu học, khi nhớn lên chúng nó ca bài Ta đi tòng quân: Nguyễn-trọng-Quyền tức Quyền thịt quay vì nhà nó có tiệm thịt quay, đi lính đóng tới quan ba, quanh năm lùng giặc mạn Kiến Hòa, mặt mày đen như củ súng. Hơn chục năm không gặp nhau, đùng một cái lúc gặp thì nó chả thèm nói câu nào.Tôi đứng canh xác nó tại Nghĩa Trang Quân đội, phủ lá cờ tổ quốc ghi ơn và đưa nó vào lòng đất mẹ.

    Thằng cháu tôi đi lính tầu bay đeo lon trung úy, trong một chuyến bay bão bùng, thân tầu va vào núi tan tành. Xác nó tả tơi đâu đó, quân đội chỉ còn dăm ba kỷ vật gói ghém bỏ vào quan tài để thân nhân chôn cất. Tôi biết linh hồn nó quanh quất với gia đình. Nấm mộ trên nghĩa trang đã được ba nó, thầy học cũ và tôi chở gạch cát xi măng xây cho đẹp đẽ, trồng hoa giấy, dọn dẹp tinh tươm.

    Nó mới ngoài hai mươi, chỉ một lần yêu thì người con gái lại đa tình bay sang cành khác. Nên ba năm tình lận đận, lúc chết vẫn cứ yên chí rằng người yêu vẫn đợi vẫn chờ: Nguyễn-Ngọc-Sơn! Thế cũng là định mệnh.

    Lại có thằng bạn chọc trời khuấy nước đi võ bị Dalat năm 1953 mà cấp bậc khi thăng lúc giáng lúc huề, chỉ vì ba gai lả lướt với đào. Nhưng mà đánh trận thì nó chì lắm. Nhưnõg ngày cuối cùng của tháng Tư đen, nghe nói nó tử thủ Long Khánh, đánh cộng sản rất tới , giữ chiến tuyến vững như bàn thạch. Chả hiểu mô tê làm sao, bom đạn bị hạn chế, máy bay bị hạn chế để cho quân cộng sản tràn vào phòng tuyến. Trung Tá Lê-Quang-Đình tiểu khu phó Long Khánh ở lại với anh em chiến đáu tới cùng. Và nó đã đền xong nợ nước tại chiến trường Xuân Lộc. Tôi không tin rằng xác nó được đưa về nghĩa trang vào giây phút dầu sôi lửa bỏng đó nhưng chắc chắn linh hồn nó đã cùng đồng ngũ rủ nhau về tề tựu nghĩa trang như một điểm hẹn hò.

    Chú em tôi Trần Kính Trực, sĩ quan pháo binh Long An đi trận đạp phải mìn, đưa về Tổng Y Viện Cộng Hòa thì tắt thở. Nó từng rót vào đầu cộng sản những cú trọng pháo nẩy tung người. Ngày nó từ bỏ anh em đơn vị một mình thơ thẩn nghĩa trang, đôi dịp đi công tác tôi cũng ghé thăm chốc lát, thắp cho nó một nén nhang, thì thầm với nó dăm câu tâm sự. Rồi lại âm dương cách biệt, hai ngả phong trần.

    Nhiếp ảnh gia Nguyễn -văn-Bình đi lính với tôi từ hồi ở Banmethuot Đệ Tứ Quân Khu, làm Phòng 5 văn nghệ báo chí điện ảnh. Sau Nguyễn-Văn-Bình về Saigon làm chuyên viên quay phim, cấp bậc Chuẩn Úy già. Ngày chiến cuộc Bình Long tử thủ, cả thế giới theo dõi chiến công của Quân Lực Việt nam Cộng Hòa anh hùng quả cảm, ít ai dám mò vào vùng đạn bay mìn nổ thì Nguyễn-văn-Bình leo lên trực thăng xông pha nơi trận địa mịt mù thuốc súng với hy vọng quay được những hình ảnh sống động lẫy lừng.

    Hắn từng bay đến nhiều chiến trường để làm nhiệm vụ nhưng lần này là lần chót. Nó gẫy cánh trên đường vào An Lộc, chết trong sự tình cờ tuy chẳng dám chờ mong mà như vẫn theo vẫn đợi.

    Nơi nghĩa trang nó được phủ quốc kỳ, được truy tặng huân chương, được anh em thương xót tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Từ đó nó miễn phải đeo máy quay hình, ôm ba lô phim ảnh, miễn công tác tạp dịch. Miền thảnh thơi thoát tục ấy, nó gặp lại bằng hữu cũ đã một thời xả thân gìn giữ từng tấc đất quê hương, từng cây cầu, từng con sông, từng mái nhà, từng thửa ruộng...

    Nó sẽ có dịp cùng bạn bè ôn lại biết bao nhiêu chiến tích hào hùng của cổ thành Quảng Trị, Khe Sanh, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, Kontum, An Lộc, Hạ Lào...

    Trong mấy mươi năm chiến đấu, những ai còn ai khuất, ai được đặc cách thăng thưởng tại mặt trận, ai được huy chương truy thăng trước linh vị u hoài! Lúc sống nó không cô đơn, đến khi giã biệt nó vẫn có nơi bù khú.

    Chỗ họp mặt ấy là Nghĩa Trang Quân Đội.

    Ngày tôi ở lính, nhiều ông lớn có tài sản riêng nghe mà phát hãi. Trên Dalat, vùng Chi Lăng mọc lên những ngôi biệt thự xây cất kiên cố, đắt tiền. Nhưng nhờ thợ nhà binh, dụng cụ nhà binh nên cũng đỡ tốn kém.

    Nhìn các biệt thự ấy, phần lớn tôi thấy ánh sao lấp lánh rạng ngời, mai bạc lung linh.

    Khu vực bao quanh hồ Xuân Hương chỉnh trang theo họa đồ thiết kế, không ai được xây cất làm nhà làm cửa gì cả, chỉ sau thời tổng thống Ngô-Đình-Diệm đã mọc lên lác đác dinh cơ mái đỏ ven đồi, cũng lập lòe sao sáng.

    Từ đó suy ra thì các nơi như Huế, Nha Trang, Cam Ranh, Đà Nẵng, Vũng Tầu, Saigon , Cần Thơ...đều phác họa phương thức như nhau hết cả.

    Trong đám bạn, có đứa rủ mua đất mạn Lái Thiêu để làm nhà, đào ao thả cá, trồng cây cảnh, ngâm thơ đọc sách. Tôi không nghĩ xa xôi, một mực lắc đầu để có thời giờ ăn chơi cho đã.

    Trên Dalat, ông anh làm tòa thị chính lâu năm, xin được đất trung tâm thị xã, rủ chú em làm dăm căn cho thuê, một căn dành nghỉ mát, tôi vái dài vì muốn dành chút tiền kiếm chác áp phe buôn bán mau ăn hơn.

    Mà thật tình tôi chẳng ham gì nhà cửa dinh thự tít mãi cao nguyên, cũng chẳng ưa cảnh nhàn du trầm tư mặc tưởng. Tôi cũng không phải lo gì về đất cát mai sau.

    Vì tôi biết một ngày nào đó hai tay buông xuôi, chuyện đất đai của tôi sẽ có nơi lo liệu, là nằm trong Nghĩa Trang Quân Đội được gần gũi với anh em bạn bè, với những chiến sĩ vô danh, với cây cỏ trời mây, với gió mát trăng thanh hiền hòa êm ả!

    Đó là mảnh đất tôi yêu nhất, như một vinh dự cuối cùng của người lính tiếp vận có gần mười năm quân vụ, tuy rời tập thể mà hình ảnh quân kỳ, tình chiến hữu mãi còn đậm đà, tha thiết, yêu thương. Mảnh đất nhỏ bé ấy, tôi vẫn xót xa một đời hoài vọng...


    (còn tiếp)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 09-19-2021, 10:58 PM.

  • #2
    Xin cảm ơn tác giả, bác Lê Văn Phúc và người đăng bài, chú Kiwi Te Tua !

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X