Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thơ Phản Động

Collapse
X

Thơ Phản Động

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thơ Phản Động

    Thơ Phản Động với một vài nhận xét


    Người Đọc Thơ (Danlambao) - Tôi vô tình đọc được một đoạn của một bài viết trong một trang báo tại điểm rửa xe (mà không biết tên tờ báo) phân tách và chửi rủa “bọn làm thơ phản động”, nhưng lại không đưa ra một bài thơ, hay một câu thơ phản động tiêu biểu nào. Thành ra tôi không hiểu như thế nào là thơ phản động. Nhưng tôi có nghe, thậm chí nghe cả ngày trên tivi, radio, loa phường những từ “bọn phản động”, “tư tưởng phản động”, “quan điểm phản động”. Và tôi với tay lấy cuốn Tự điển Tiếng Việt của Nguyễn Kim Thản xuất bản năm 2005, từ phản động được giải nghĩa như sau: “chống lại sự tiến bộ, chống lại cách mạng: bọn phản động, tư tưởng phản động.” Như vậy thơ phản động là thơ chống lại cuộc “Cách mẹ cái mạng” (nói theo AQ của Lỗ Tấn)

    Thực tình đưa những khái niệm này khác vào thi ca quả là một điều gượng ép thậm chí vô bổ và vô lễ đối với thơ. Nhưng trong cuộc sống đầy rẫy những khái niệm này nọ thì thi ca bị tung lên vật xuống là một điều không tránh khỏi. Bản chất của thi ca thì nói một cách đơn giản như Lê văn Siêu thì có lẽ là đúng nhất: “Lời nói muốn lọt vào tai người nghe, trước hết phải là một lời thơ. Lời thơ muốn được truyền từ người này qua người nọ trước hết phải hợp với nhịp sống ở nội tâm cũng như ở ngoại cảnh.”

    Nhưng thơ thì xuất hiện từ lúc chưa có chữ viết và nó phải được xuất phát với một ngữ điệu êm đềm và không có bất cứ một khái niệm nào.

    Nhưng cuộc sống hiện đại thì quá om sòm, nào loa tăng âm, còi hụ báo động, bô xe rút ruột, máy bay siêu thanh, bom rơi, súng nổ... và đầy dẫy những dóc láo, nịnh bợ... nên cái ngữ điệu êm đềm của cái thuở ban đầu bị biến chất đến đau lòng. Rồi những khái niệm tùm lum tà la của cuộc sống mới gán ghép nào là thơ yêu nước, thơ châm biếm, thơ chua, thơ nâng bi, thơ hiện thực phê phán (?!)… và bây giờ là thơ phản động. Và thơ bỗng nhiên không còn thơ nữa khi mà cái thuộc tính êm đềm của nó nhạt phai dần, thậm chí còn bị lên án là lãng mạn, yếu đuối, đồi trụy (!). Nó không còn là ngôn ngữ của tấm lòng mà nó trở thành một phương tiện để cho người ta sử dụng rất ư là... tào lao. Nó sản sinh ra loại “thơ nâng bi”. Thứ này là quái thai, là điếm nhục cho thơ.

    Thôi thì, sống thời nào theo thời ấy. Bây giờ thì thử nhận xét xem cái gọi là “thơ phản động” nó ra làm sao?

    Thực ra thì không có cái gọi là thơ phản động, mà chỉ có những người phản động làm thơ. Không một người làm thơ nào phân loại thơ mình cả. Họ làm thơ theo cảm xúc của mình.

    Những người phản động làm thơ thì chưa bao giờ nghĩ là mình làm thơ phản động. Đây là một cái mũ mà cộng sản chụp lên đầu những người làm thơ chống lại họ. Thôi thì cứ đội cái mũ ấy chớ sao? Dù gì cũng có cái mà che nắng, che mưa.

    Đọc trên các trang mạng lề dân chúng ta gặp khá nhiều, thậm chí rất nhiều những bài thơ loại này. Nhưng có lẽ những bài thơ phản động như vậy xuất hiện từ thời Nhân Văn Giai Phẩm. Đầu tiên phải kể là Phan Khôi. Ông có bốn câu lục bát mà đọc xong là phải ù tai:

    Làm sao cũng chẳng làm sao,
    Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.
    Làm chi cũng chẳng làm chi,
    Dẫu có bề gì cũng chẳng làm sao.


    Bốn câu thơ mang đầy ngữ điệu của nghi vấn, nhưng cụ Chương Dân lại khẳng định một cách chắc chắn bằng cách quăng bỏ 4 cái dấu chấm hỏi vào sọt rác. Đúng là phản động

    Kế đến là Trần Dần. Ai cũng nghĩ là hai câu này là cực kỳ phản động “Ta bước đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ”. Theo tôi nghĩ hai câu mà ông trăn trối với người thân treo trong đám tang ông mới thực sự là phản động dữ dội:

    “Tôi khóc những
    chân trời
    không

    người bay
    Lại khóc những người bay
    không có
    chân trời”

    Và Lê Đạt trong “Nhân câu chuyện mấy người tự tử”:

    “... Anh công an nơi ngã tư đường phố
    Chỉ đường cho
    xe chạy
    xe dừng
    Rất cần cho luật giao thông
    Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người
    Bắt tình cảm ngược xuôi
    Theo luật lệ đi đường nhà nước
    Có thể gây nhiều đau xót
    ngoài đời”


    Đúng ra, bài thơ này của Lê Đạt nói theo kiểu Cộng Sản là “hiện thực phê phán”, nhưng chúng đâu có chịu vậy và nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, trong đó có Lê Đạt được phát cho cái mũ phản động để mà đội đầu cho đỡ nắng khi đi đập đá ở núi Cánh Diều

    Cũng không thể quên Phùng Quán với cái số phận nghiệt ngã của người làm thơ không có... bút:

    Lời Mẹ Dặn...

    Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
    Đứa bé mồ côi thành nhà văn
    Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
    Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
    Người làm xiếc đi dây rất khó
    Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
    Đi trọn đời trên con đường chân thật.
    Yêu ai cứ bảo là yêu
    Ghét ai cứ bảo là ghét
    Dù ai ngon ngọt nuông chiều
    Cũng không nói yêu thành ghét
    Dù ai cầm dao dọa giết
    Cũng không nói ghét thành yêụ
    Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời
    Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
    Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
    Bút giấy tôi ai cướp giật đi
    Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
    (1957)


    Và sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, thơ phản động sống ngoắc ngoải ở trong đầu của rất nhiều người mà chẳng hề có dịp nên thơ. Thỉnh thoảng ở Miền Nam trước 1975 chỉ xuất hiện lai rai nhưng không nhiều lắm. Ví đụ như Kim Nhật sửa hai câu thơ của Tố Hữu (thủ lĩnh trường phái “Thơ Nâng Bi”, cách gọi của các nhà thơ miền Nam)

    “Thương biết mấy khi nghe con tập nói
    Tiếng đầu lòng con gọi Stalin” (Tố Hữu)

    Rồi khi Staline bị hạ bệ, ở miền Nam lại xuất hiện câu thơ nhái rất ư phản động.

    “Run bỏ mẹ… khi nghe con tập nói
    Tiếng đầu lòng con gọi Stalin” (Kim Nhật)

    Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, tình hình có vẻ lắng xuống, nhưng từ năm 1986, nó bắt đầu xuất hiện một cách gần như công khai. Ta bắt đầu nghe những cơn gió phản động đang lất phất trong:

    Đoạn Cuối Thế Kỷ

    Tôi cùng thế kỷ này già nua như nhau. Tôi chết trước.
    Thế kỷ chết rồi, đẻ ra thế kỷ non hơn, 21.
    Tôi chết rồi, thơ sau đó sẽ xanh hơn
    Cố nhiên đó là thơ nhân loại khác.
    Nếu có luân hồi, tôi sẽ về, sẽ đọc,
    Sẽ nâng niu làn cỏ lạ lên môi hôn.
    Nếu không có, đã đi là đi mất
    Chỉ tôi mất thôi, nhân loại đang còn
    Và chắc chi thế kỷ sau còn yêu thơ nữa?
    Cầu cho đừng dại dột như thế kỷ này thơ ít mà nhiều bom
    Cầu cho đừng khôn vặt như thế kỷ này
    Để nuôi sống xác thân, đem làm thịt linh hồn (Chế Lan Viên 12/87)
    Hay như bài thơ:

    Thời Thượng

    Chẳng còn ai yêu vầng trăng và hương lúa ngoài đồng
    Yêu bà Tiên hay đám mây trên lầu Hoàng Hạc
    Giờ là thế giới của xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc
    Của quyền lực, tuổi tên, đốp chát
    Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng!
    Chả ai nhớ bà mẹ cắm chông bạc tóc
    Nhớ cô gái chèo đò vượt lửa qua sông. (Chế Lan Viên 1988)


    Hơi thơ như là một nỗi uất nghẹn trước cái thói “ăn cháo đái bát” bắt đầu lộ diện sau một thời gian dài được che chắn bằng những luận điệu dối trá.

    Nhưng vẫn là những ngọn heo may, nhanh chóng bị ngăn chận lại cho đến ngày internet bắt đầu phổ biến. Đại loại như một trong hàng trăm bài thơ của Thái Bá Tân:

    Châm ngôn tập 3, bài 573

    Ngẫm mà thấy nghèn nghẹn.
    Nhà nước thì hô hào
    Ngư dân ra bám biển.
    Rồi sau đó thế nào?

    Sau đó thì giặc bắn,
    Cướp cá, bắt cả người.
    Thế mà lạ, nhà nước
    Chỉ “phản đối” vài lời.

    Một nhà nước bất lực
    Không thể làm được gì
    Để bảo vệ dân chúng,
    Nghĩa là yếu cực kỳ.

    Thế thì thà nói thẳng
    Bà con cứ ở nhà.
    Biển thằng giặc đã chiếm.
    Nguy hiểm, đừng đi xa.

    Thế đấy, các bác ạ.
    Cứ nghĩ mà thấy buồn.
    Càng giận ông nhà nước,
    Càng thấy thương bà con (Thái Bá Tân 28.03.2013)


    Còn rất nhiều những nhà thơ tên tuổi làm “thơ phản động”. Nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nói đến những bài thơ của những người chưa hoặc không thành danh với thơ. Với những bài thơ “cực kỳ phản động” trên các trang mạng lề dân với trang chính hay các comment. Những câu thơ ấy được viết bởi những người làm thơ có nghề và cả những người có một chút năng khiếu. nhưng gì thì gì, đó lại là những câu thơ chân thật nhất, trần trụi hay bay bướm trong ngôn ngữ nhằm một mục đích duy nhất là lên án cái xấu xa, ti tiện và đớn hèn của chính quyền Cộng Sản. Kể cả những bài thơ, câu thơ đầy chia sẻ và đồng cảm với những con người trung thực.

    Ở đó ta gặp những bài thơ đầy ẩn ức như:



    Ôi đất nước!
    Chả có gì thích thú
    Lãnh đạo quốc gia, đần đú tham tàn
    Chín mươi triệu dân chán nản hoang mang
    Đầy dẫy khu đen lang thang khắp nước!

    Tôi đứng đây nhìn chị chạy xuôi, anh chạy ngược
    Chỉ mong kiếm miếng ăn thôi, mà bữa được bữa không!
    Còn những thằng, những con cán bộ vào cơ quan thì kẻ khoe đít, đứa chỏng mông...
    Bởi cơ chế “chuyên” không bằng “hồng” lãnh đạo!

    Những ngày lễ lộc, khắp làng khắp phố trưng đầy cờ máu
    Băng rôn vẽ vời... hình chồn cáo hôi tanh
    Lục lộ giao thông làm ngơ với xe bản đỏ bảng xanh
    Còn bảng trắng thì phải đành nộp phạt.

    Biểu hiệu rợn người... búa liềm giáo mác...
    Từ Bắc chí Nam, một bãi rác tởm người
    Tôi đứng đây nhìn những khỉ, những đười ươi
    Đang trí trá làm người phải đạo… - Nguyên Thạch (Chán mớ đời)


    Hoặc đầy cay độc như:

    Trả lại quần tôi Bác Yêu ơi
    Đêm qua Bác cắn rách tã tơi
    Già còn sung quá ai chịu nổi !
    Đêm 7 ngày 3 rụng rã rời... (Em Mười Sáu)


    Hay nhẹ nhàng một cách chua cay và rất có nghề như:

    Chóp bu sang Tàu cảm tác

    Tới cửa Thiên An bóng xế tà
    Công an bốn phía rợp cờ hoa
    Lom khom bước tới run đầu gối
    Gượng gạo ôm hôn xót nỗi nhà
    Cái ghế lung lay khi mãi quốc
    Chức quyền lỏng chỏng lại tan gia
    Dừng chân chẳng đặng, trời non nước
    Chủ tớ tình hờ khựa với ta - (Tú Địa)


    Hay là một lời kêu gọi khẩn thiết:

    Ô hô cuộc thế trái ngang,
    Văn minh gục ngã, rợ man cởi đầu!
    Xảo điên gian ác đỏ ngầu
    Ngọn cờ chết chóc nhuộm màu quê hương.
    Bao năm chồng chất máu xương,
    Giờ còn gây lắm nhiễu nhương lăng loàn!
    Mãi quốc đã quyết mưu toan
    Nhục mặt cộng sản An Nam lâu rồi!
    Mau vùng dậy đồng bào ơi,
    Nếu không sẽ hận muôn đời vong nô! (AR.15)


    Hoặc thủ thỉ như một lời tâm sự đầy chia sẻ:

    Lời Cám Ơn Gởi Uyên Kha và những người tuổi trẻ

    Xin cho chú, người già nua lẫm cẫm
    Được cúi đầu nói hai tiếng Cám ơn.
    Các cháu đã làm tỉnh giấc một giang sơn
    Chạy suốt từ miền Nam ra đất Bắc

    Lời hai cháu đã phá tung xiềng xích
    Đã còng trói tâm hồn, ràng buộc nghĩ suy
    Triệu triệu con người tỉnh dậy bước chân đi
    Tìm lẽ sống cho mình, cho dân tộc

    Các cháu đã thể hiện lòng yêu đất nước
    Ngẩng đầu cao thách thức bạo quyền
    Lời nói trong veo và rất nhẹ nhàng
    Nhưng quyết liệt như tiền nhân thuở trước

    Gần bốn mươi năm tang thương vận nước
    Gần bốn mươi năm sống nhục sống hèn
    Bao nhiêu con người đói khát đã dần quen
    Bao nhiêu con người oằn mình trong áp bức

    Các cháu không quen vì tâm hồn bất khuất
    Các cháu không quen nhìn tổ quốc lâm nguy
    Lời nói nhẹ nhưng rất đỗi quyền uy
    Lay động cả những tâm hồn chai cứng

    Có triệu triệu tấm lòng chung lời thề “Sát Thát”
    Nắm chặc tay gìn giữ một non sông
    Nắm chặc tay gìn giữ lấy biển Đông
    Đuổi cỗ xâm lăng, dập đầu quân bán nước
    Lần đầu tiên chú ngẫng lên nhìn tổ quốc
    Sau ba mươi tám năm gục mặt, cúi đầu
    Các cháu là niềm tin, cố kết lòng nhau
    Nhờ các cháu cả non sông đứng dậy (Vũ Bất Khuất)


    Nhưng vẫn còn đó một tinh thần lạc quan:

    Muôn tâu Ngọc Đế

    Ở dưới Trần gian
    Cộng sản dã man
    Giết hại Dân lành
    Một lũ côn đồ
    Lấy danh côn an
    Ngang tàn hết biết
    Từ Nam chí Bắc
    Tang tốc lầm than
    Kêu Trời không thấu
    Côn đồ thảo khấu
    Cộng sản lập ra
    Chúng hèn với giặc
    Mà ác với Dân
    Cướp nhà cướp đất
    Nợ máu chồng chất
    Cúi đầu với giặc
    Đạp mặt người Dân
    Bản chất cộng nô
    Ngu hết sức nói
    Dâng đất Tổ Tiên
    Rồi tới biển đảo
    Nguồn sống ngư Dân
    Không còn như trước
    Nay phải làm mướn
    Cho giặc ngoại xâm
    Đích Thị Tàu khựa
    Nay Thần tấu rõ
    Xin Ngài ban Chỉ
    Thiên binh Thiên tướng
    Theo Thần đi xuống
    Cứu thế độ Dân
    Tiêu diệt Cộng phỉ
    Cho Dân được nhờ
    Sống đời Tự Do
    Cơm no áo ấm
    Không còn giặc Cộng
    Tạo Phước cho đời
    Táo Thần thay mặt
    Tất cả người Dân
    Cảm ơn Ngọc Đế
    Bye bye see you later (Gà Tre)


    Tất nhiên không thiếu những lời tố cáo, vạch mặt chỉ tên bọn hèn mạt bán rẻ non sông:

    Vùng Lên

    Hồn sông núi đang ngày đêm réo gọi
    Bao anh hùng trên mọi lối non sông
    Hãy vùng lên! hỡi giống Việt tiên rồng
    Dẹp nội loạn - quét tan dòng xâm lược
    *
    Ngàn thế hệ đã âm thầm tiến bước
    Từ Nam quan đến mủi nước Cà mau
    Đã hy sinh bao xương trắng máu đào
    Hoàng kỳ lộng gió tung cao phất phới
    *
    Nay Cộng nô vì tham tâm gian dối
    Dâng đất liền biển nước của ông cha
    Hà khắc muôn dân- lừa đảo gian tà
    Khom lưng rước giặc vào nhà Đại Việt
    *
    Ôi! còn đâu ải Nam Quan oanh liệt
    Gươm anh hùng xung trận diệt xâm lăng
    Bản Giốc hờn - tuôn giòng thác gầm vang
    Như uất hận muốn ngập tràn ải Bắc
    *
    Giữa biển lớn nhấp nhô tàu lũ giặc
    Hoàng - Trường sa - chia cắt mẹ Việt Nam
    Khí hờn căm sôi sục biển ngút ngàn
    Nổi sóng lớn - muốn quét tan giặc cướp
    *
    Rừng núi Tây nguyên - hàng hàng lớp lớp
    Giặc Tàu ô qua - đội lốt công nhân
    Muôn dân đen bỏ xứ - chạy lấy thân
    Bán nước cầu vinh - bất cần nhân nghĩa
    *
    Khắp đất nước - tham quan như bầy đĩa
    Hút cạn cùng máu mủ của nhân dân
    Tiếng khóc than ai oán khắp xa gần
    Mất sản nghiệp - lê tấm thân khốn khổ
    *
    Hởi khí thiêng và muôn lòng yêu nước
    Hãy cùng nhau chung bước chống xâm lăng.
    Quét Cộng nô - đuổi giặc cướp hung hăng
    Trả về đất mẹ - ngàn năm vẹn toàn! (ThiBang-05-7-2013)

    Và đôi khi còn cả là một lời xin lỗi những tội lỗi không phải do mình gây ra:

    Xin Lỗi Miền Nam

    Xin lỗi Miền Nam thật dấu yêu
    Nói ra càng xấu hổ thêm nhiều
    Bởi ta mê muội nghe lừa phỉnh
    Xúc phạm cô em gái mỹ miều.

    Thuở ấy nào ta đã biết gì
    Đảng truyền lệnh xuống thế là đi
    Đảng dạy: "Là con người Cộng sản
    Tương tàn cốt nhục bận lòng chi."

    Vì thế mà ta đã quá hăng
    Bạo hành giết chóc ở Miền Nam
    Mãi khi ta tưởng mình chiến thắng
    Là lúc ta thấy mình ăn năn.

    Ấy là khi ta vào Sài Gòn
    Em đẹp như tiên hút cả hồn
    Ta nghe em khóc lời ai oán
    Vì phải mang tên của cáo chồn.

    Rồi ta lang thang qua từng phố
    Người dân hiền hậu sống văn minh
    Cửa nhà sung túc đời êm ấm
    Mà sao nét mặt họ buồn tênh.

    Trên suốt chặng đường ta đã qua
    Từ nam Bến Hải đến Biên Hòa
    Người dân bồng bế thi nhau chạy
    Tránh ta như là tránh quỷ ma.

    Bây giờ gặp em ta đã hiểu
    Thế nào là hai chữ tự do
    Ta mới là người cần giải phóng
    Ra khỏi xích xiềng của Cộng nô.

    Chua xót, hỡi Miền Nam dấu yêu!
    Dù ta hối hận biết bao nhiêu
    Cũng đều quá muộn vì em đã
    Tan nát, còn đâu nét diễm kiều. (Phan Huy)


    Có rất, rất nhiều những bài thơ, câu thơ như thế xuất hiện, có thể họ là những tên tuổi ảo, nhưng chắc chắn là những con người thật với những cảm xúc cũng rất chân thật. Thơ của họ có thể không đi vào văn học nhưng chắc chắn sẽ đi vào lịch sử. Một giai đoạn lịch sử mà chính họ không bao giờ muốn. Và họ đã nói lên tiếng nói của lòng mình. Nếu như đất nước yên bình, thơ của họ rất có thể sẽ chuyển đổi ngôn ngữ trở thành ca dao và không cần phải “phản động” làm gì?

    Mọi người dù nhớ hay quên những câu thơ ấy, nhưng cái đọng lại khi đọc là mát lòng, bức bối, ngậm ngùi và... Cáu tiết.

    Những bài thơ ấy, câu thơ ấy đã, đang và còn xuất hiện nhiều hơn, mạnh mẽ hơn và tất nhiên hiệu quả hơn.


    Người Đọc Thơ
    danlambaovn.blogspot.com
    Last edited by saomai; 01-08-2014, 08:39 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X