Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Xuân Biên Cương

Collapse
X

Xuân Biên Cương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Xuân Biên Cương

    Xuân Biên Cương

    Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân (trích trong Ốc Đảo Bị Bỏ Quên)



    .. Trở lại khung cảnh của Tiền Đồn Dakpek, Kontum, với cái khí hậu của sơn lam chướng khí, với cái u buồn hiu quạnh của vùng rừng núi biên cương, và với cái căng thẳng thần kinh của cuộc chiến như thế, ngày TẾT ở đây thật là buồn tẻ vô cùng… !

    Hơn 40 người Kinh trong Tiểu Đoàn, ngoài trừ Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng với số tuổi vừa quá 30 có gia đình ra, số còn lại ở khoảng trên dưới 25 tuổi đều độc thân. Nhất là vài ba sĩ quan vừa mới ra trường được bổ nhậm về đây, gặp ngay cái Tết đầu tiên, khi ra đơn vị tác chiến một cách ảm đạm như vầy… thì hỏi sao mà vui sướng được bao giờ ?!

    Cũng có một số ít sĩ quan, và hạ sĩ quan vốn là người Kinh, thuộc Dân Sự Chiến Đấu của trại được cải tuyển sang BĐQ. Những người này luôn có gia đình chung sống với họ ở trong trại, từ nhiều năm trước đến giờ… thì có được cái không khí vợ chồng, con cái ấm cúng phần nào trong căn hầm riêng của họ. Nhưng bánh chưng, bánh tét, thịt mở, dưa hành, cây nêu, tràng pháo… tượng trưng cho ngày Tết thiêng liêng của dân tộc, thì không có ở đây… Bởi lẽ trước đó hơn hai tháng, “trần mây” luôn luôn rất thấp, ngày nào cũng có sương mù che khuất ánh sáng mặt trời… Trực thăng tiếp tế lương tươi từ Kontum không cất cánh được, cho nên cả Căn Cứ đều “xực” lương khô, thì lấy đâu mà có thịt mở dưa hành, mặc dù Ban Tiếp Liệu của Tiểu Đoàn đã mua sẵn ở Pleiku, chờ gởi lên. Rốt lại, cả Tiểu Đoàn ăn Tết với câu khẩu hiệu trơ trẽn, mà Sĩ Quan Ban 5 đã phải hì hục khòm lưng, cắt giấy dán lên tấm vải “Băng-đờ-rôn” duy nhất của đơn vị, và được căng treo trước cột cờ từ mấy ngày qua : Vui Xuân Không Quên Nhiệm Vụ.

    Thật là mai mỉa! nào có Xuân có Tết đâu mà vui! mà quên nhiệm vụ? Còn người Thượng ở vùng này, họ không biết ăn Tết theo kiểu người Kinh. Phần lớn họ theo Đạo Tin Lành, nhưng vẫn giữ phong tục (hoặc thói quen?) mỗi năm “Cúng Giàng” một lần vào ngày Lễ Giáng Sinh. Cúng Giàng có nghĩa là cúng Ông Trời cho mưa thuận gió hòa, “để cái rẫy cái nương có khoai có lúa mà ăn”. Đó là lời giải thích của Thượng Sĩ Thường Vụ Krong Sem.

    Nhân dịp này, họ mổ trâu ăn mừng, nhảy múa theo tiếng “Khèng”, tiếng “Coòng” – những nhạc cụ của riêng họ – rồi uống “rượu Cần”, già trẻ gái trai vui chơi quây quần chung quanh “Nhà Làng”… Nhà Làng tức là ngôi “nhà sàn” có phần to lớn hơn các nhà sàn thường của dân làng. Đó là nơi dùng để hội họp, lễ lạc, cúng bái, xử kiện do Trưởng Làng quản lý. Còn tại sao gọi là Rượu Cần? Có lẽ khi uống người ta dùng một đoạn cây trúc già, nhỏ cở ngón tay, dài cả thước tây được uốn cong cong, và các “mắt trúc” được làm cho thông suốt với nhau. Cắm một đầu ống trúc này vào sâu trong “Ché rượu”, rồi đưa vào miệng hút đầu còn lại, uống ừng ực chất rượu chảy ra. Vì dùng một đoạn cây trúc… như cái “cần câu” ngăn ngắn này để uống rượu, nên gọi đó là Rượu Cần, tức rượu uống bằng cái “Cần” chăng? Nếu đút đầu của cái Cần rượu này xuống gần sát đáy của “ché” rượu, thì khi uống rượu mới đậm đà và mau say. Còn đút cái Cần không sát gần đáy “ché” thì chỉ uống rượu lạt, hoặc có khi là nước lã mà thôi. Người này uống xong, thì đưa cái Cần cho người khác uống. Cứ thay phiên hết người này đến người khác. Nếu ta là khách quý thì cái Cần đó dành riêng cho ta, hoặc ta cùng người chủ làng hay chủ gia đình đó uống chung mà thôi.Còn các cái Cần khác, cũng cắm chung vào “ché rượu” thì dành cho các người khác. Nhìn cái Cần uống rượu bóng lưỡng, thì biết là đã có trăm ngàn lượt người ngậm qua nó để uống rượu. Mới đầu ngậm vào Cần rượu, ai mà không thấy lờm lợm nơi miệng lưỡi của mình, nhất là uống chung với “Già Làng” móm mém hom hem… cùng hàm răng cái lồi cái lõm đóng bợn đen xì…Nhưng phải tỉnh bơ mà uống… mới đúng cách xã giao… mới được lòng người thiểu số. Thế nhưng, khi đã uống rượu vô miệng rồi thì thấy ngòn ngọt, chua chua khá hấp dẫn. Mềm môi uống mãi không thấy say, nhưng gục té hồi nào thì cũng chẳng hay.

    Còn “Ché” là một cái hủ bằng sành, lớn nhỏ đủ cở, giống như những bình hoa kiểng của ta thường dùng. Có cái cao hằng năm bảy tấc, hoặc lớn hơn, với hai đầu túm lại, ở giữa phìn ra, bên trong đựng rượu, bên ngoài bóng láng có những nét hoa văn nhiều màu sắc. Một phần ba dưới đáy “Ché”, là gạo, nếp, hoặc bắp, vv… được ủ với men làm thành rượu. Khi uống, người ta chặt một số lá cây mọc chung quanh nhà bất kể là loại lá cây nào, nhét đầy vào trong “Ché rượu”. Sau đó đổ hàng thùng nước suối vào cho đầy tới miệng “Ché”.

    Gặp buổi lễ quan trọng uống bằng “Ché” lớn, phải do hai người lực lưỡng gánh ra, và phải đổ vài ba thùng nước suối mới đầy. Thế là cắm Cần vào uống rượu. Nếu Cần cắm vào lưng chừng “ché”, thì chỉ uống nước suối mà thôi.


    Câu Chuyện “Có Vô Có Ra”

    Những quân nhân người Kinh ở trại uống rượu Cần riết rồi cũng ghiền, lúc mới uống thì len lén kéo cái Cần lên cao, để khi uống rượu lạt đỡ say, nhưng bị chủ nhân lấy tay ấn xuống phải đành “bể mánh”. Về sau này, khi uống rượu Cần, lại uống chung với vài sơn nữ kiểu “Sơn Nữ Phà Ca”, thì nó cũng gợi cảm và khoái khẩu làm sao?

    Các sơn nữ Phà Ca này là con cháu của quân nhân Thượng trong Căn Cứ, hoặc trong làng, tuổi vừa 15, 17 tròn trăng xinh đẹp. Cô nào cũng có những đường cong tuyệt mỹ, với bắp thịt nơi hai tay trông khỏe mạnh rắn chắc. Có lẽ hàng ngày họ phải lên non, xuống núi, làm rẫy, giã gạo, và đến chiều, lại gùi hàng chục ống tre đầy nước mang về làng, hoặc về trại để dùng, mà thân hình nẩy nở tự nhiên, cộng với gương mặt khá thanh tú, nhưng có đôi phần man dại… đáng yêu. Lại cũng có một hai cô mang nét lai Tây phương, với nước da trắng hồng trông càng hấp dẫn… ưa nhìn.

    Khi có lễ lộc gì đặc biệt, thì các phụ nữ Thượng mới mặc áo kiểu sắc tộc của họ, tức là những chiếc áo có tua, có viền những chỉ màu xanh, trắng, đỏ, vàng trông cũng đẹp mắt. Còn bình thường thì các cô mặc các loại áo thun có tay dài, ngắn, hoặc không có tay, loại bó sát người thường bán ngoài chợ bình dân. Đặc biệt hơn hết là họ luôn luôn mặc váy, giống như kiểu “sà- rông” của người Cao Miên, mà bên trong các quần áo đó, theo như các cậu lính Thượng cho biết, là ít khi thấy có những cái mà người ta gọi là “đồ lót”… bao giờ.

    Mặc váy là một phong tục bắt buộc, nghe nói là “lệ làng” sẽ đuổi cổ cô nào ở trong làng mà mặc quần hai ống. Cho nên cũng theo lời kể, trong thời Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ còn ngự trị tại đây, thì ngày nào cũng có trực thăng đến trại. Vì vậy mà thỉnh thoảng cũng có vợ lính, hoặc dân làng xin đi Kontum mua sắm. Khi ra tới Kontum, thì các cô thay quần Jean đi dung dăng dung dẻ dạo phố. Nhưng khi trở về, thì các cô vội vàng thay lại “sà-rông” mới dám về làng.

    Tóm lại, thì các cô “Sơn Nữ Phà Ca” nói trên, cũng khoái uống rượu Cần với các quân nhân người Kinh lắm… chớ chẳng phải là không. Vì uống với mấy anh chàng này, thì vừa có rượu uống, rồi được cho “gạo sấy” khá nhiều nữa… đó là điều mà mấy cô rất thích. Gạo sấy là tiêu chuẩn của họ, khi đi hành quân mới được cấp phát. Thường thì 15 ngày cho mỗi lần đi hành quân như vậy. Họ chỉ cần mang theo nửa tiêu chuẩn, là đủ dùng cho 15 ngày đó rồi. Số còn lại, họ đưa cho mấy người vợ của lính Thượng làm rượu, để khi hành quân về… có rượu mà uống, mà đỡ nhớ thành đô…Hoặc có anh dành một ít gạo sấy lại, để tặng cho các cô gái Thượng… khi uống rượu nhảy múa vui vẻ cùng nhau.

    Với cây đàn ghi ta, lính Kinh vừa đàn vừa hát những bản nhạc lính, theo các điệu Boléro hay Slow… là các cô gái Thượng đã múa những điệu vũ của họ được rồi. Hoặc giả… mở máy thâu băng các bản nhạc kiểu “Em Pleiku má đỏ môi hồng”… để nhảy thì cũng hết sẩy.


    Đến Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật đôi khi có lính Thượng tham dự, họ thổi “khèng”, đánh “coòng”. Các Cô gái Thượng lại cất giọng líu lo vừa hát vừa nhảy múa…Các chú lính ta cũng uốn éo nhảy múa theo, thì coi như là một bữa nhảy đầm… có “nhạc sống”, và có rượu ngon vậy. Nhưng có điều là… ta không biết mấy cô hát gì, lắng nghe thì cũng êm tai. Và… mặc dù nhìn thấy các cô vừa uống rượu, vừa ca hát nhảy múa như vậy, cũng chỉ là mua vui mà thôi…Chứ chung đụng xác thịt, hay sờ mó bậy bạ, thì không anh nào dám đụng đến. Vì các cô này sẽ đi khoe rùm lên, và bắt anh chàng “thích bẻ hoa sơn cước đó” phải làm chồng. Nếu quất ngựa truy phong… thì nghe đồn là sẽ bị “thư ếm” bụng to như “cổ trướng”, hoặc trong bụng đầy “sắt vụn” hay đầy “cát” mà đau đớn cho đến chết.

    Thật ra thì chưa có ai trong số những SQ, HSQ, và binh sĩ người Kinh trong trại, thấy một người bị thư bụng to bằng cái trống bao giờ. Cho nên cũng không thấy mấy ông “Thầy ngải”, lấy “ngải thư” từ trong bụng của các người bị thư, nghe nói có khi là miếng da trâu, có khi là mấy miếng sắt vụn, hoặc hàng chục cây đinh rỉ sét… Toàn là lời đồn có tính cách dị đoan mà thôi. Sự thật thì SQ người Kinh trong trại, không ai muốn dính líu về xác thịt với các thiếu nữ người Thượng cả, vì sẽ có hại cho tương lai là điều khó tránh được. Còn nói về tình cảm thì lại rất khó xảy ra, vì các cô gái Thượng không biết nói tiếng Việt. Riêng HSQ và binh sĩ người Kinh, thì trong suốt ba năm sống ở Dakpek; người viết có hai lần phải xử phạt một HSQ, và một binh sĩ người Kinh ăn nằm với gái Thượng,

    xin kể ra một cách đại lược, vì ký ức không còn ghi nhớ được cặn kẻ như sau : “Vào cuối năm 1971, Trung Sĩ Nguyễn-VănN. không biết làm cách nào, mà ăn nằm được với vợ của Trung Sĩ Y-Prong, trong lúc Y-Prong phải đi hành quân bên ngoài trại 15 ngày. “Trung Sĩ N. không ngờ được rằng, người phụ nữ Thượng vợ của Y-Prong, sáng hôm sau đã đi khoe với vài người vợ của HSQ và binh sĩ Thượng khác. “Cô ta khoe một cách tự nhiên và hãnh diện với đại khái là : Người Thượng ‘bắt cái nước’ thì không ‘có vô có ra’, còn người Kinh thì ‘có vô có ra’, thích lắm. “Trung Sĩ Y-Prong sau khi hành quân về nghe được, thưa Trung Sĩ N. đòi bồi thường thiệt hại, là một con heo sống trên 10 ký, và hai ché rượu Cần loại lớn. “Lúc đó thì heo, gà, vịt sống, và nhiều nhu yếu phẩm khác, tại Câu Lạc Bộ của đơn vị đều có bán, cho nên BCH Tiểu Đoàn đã y theo đơn thưa, bắt Trung Sĩ N. phải bồi thường như vậy. “Điều đặc biệt là khi heo được làm ra, có đánh tiết canh khá ngon miệng do chính Y-Prong đầu bếp. “Tiểu Đoàn Trưởng và một vài SQ người Kinh cùng Thượng, được mời tới ăn tiết canh, uống rượu Cần để chứng kiến. “Có cả Trung Sĩ N., vợ chồng Trung Sĩ YProng, cùng một vài HSQ và binh sĩ Thượng tham dự.

    “Thượng Sĩ Krong-Sem Thường Vụ Tiểu Đoàn cho biết theo phong tục của họ, là sau khi bồi thường như vầy, thì không có chuyện thù hằn gì về sau nữa. “Thượng Sĩ Sem cũng cho biết là còn hai lần xử phạt nữa, đó là Trung Sĩ Y-Prong sẽ phạt vợ y nào là… gà, hoặc vịt, và rượu Cần tùy theo sự thỏa thuận giữa hai người. Họ cũng sẽ mời Thượng Sĩ Sem đến dự để chứng kiến, cùng với một vài người bạn thân. “Sau đó thì vợ chồng của Trung Sĩ Y-Prong, vẫn ăn ở với nhau như lúc bình thường, và không có điều gì ghen tương xảy ra. “Lần phạt thứ ba, là do “Già Làng” của họ quyết định phạt vợ của Y-Prong, với lý do là gái trong làng đã có chồng, còn tư thông với người khác, là phạm luật của làng. “Rồi thì cũng phạt rượu Cần, gà, vịt, hoặc heo sống… lần này cũng có mời Tiểu Đoàn Trưởng, hay người đại diện đến làng của họ uống rượu chứng kiến, và lần đó Thượng Sĩ Sem được cử làm đại diện.

    “Được hỏi, nếu một anh Thượng này thông dâm với một chị Thượng khác, mà cả hai đều cũng có gia đình, thì việc xử phạt ra sao ? “Thượng Sĩ Sem giải thích là chồng ngoại tình thì vợ phạt chồng. Vợ ngoại tình thì chồng phạt vợ, và “Già Làng” thì phạt cả hai đứa ngoại tình. Sau khi chịu phạt rồi thì không có thù hằn gì nữa. “Đây là phong tục tập quán của họ, Thượng Sĩ Krong-Sem giải thích như thế. "Nếu không chịu phạt thì có tội lớn, tức anh em trong làng khinh rẽ. Làng sẽ không thừa nhận họ và không được trở về làng, mà người Thượng thì rất tôn trọng “Già Làng”, và cũng rất sợ bị đuổi ra khỏi làng”.

    Câu Chuyện “Con Trâu Trắng”.

    “Đến đầu năm 1973, lại xảy ra một chuyện ăn nằm giữa một anh lính trẻ đẹp trai người Kinh, và một cô gái Thượng 16 tuổi khá trắng trẻo xinh đẹp, sự việc đại khái như sau : “Binh Nhì Lê-Văn-Q. và một cô gái Thượng mới 16 tuổi (không còn nhớ rõ tên) cùng ăn nằm với nhau, bị “Chú ruột” mà cũng là “Cha nuôi”, và lại là người “Chồng tương lai” của cô bắt gặp. Anh này là Binh Nhất Y-Xiêng. Sự việc được đưa lên Tiểu Đoàn xét xử, với đơn thưa đòi bồi thường một con trâu trắng.

    “Đây là một câu chuyện khá rắc rối, nếu không được Thượng Sĩ Sem giải thích cặn kẽ, về một vài phong tục tập quán có liên quan đến vụ việc, thì thật là khó lòng phân xử. “Số là trong các làng Thượng ở đây có một phong tục khá kỳ lạ, đó là khi người anh chết, thì người em vừa đến tuổi trưởng thành còn độc thân, làng xử là phải lấy chị dâu, để nuôi dưỡng đàn con của người anh để lại. “Rồi thì đứa con gái lớn nhất trong đàn con đó, khi được 18 tuổi sẽ phải lấy chú ruột của mình, tức là người em đã phải hy sinh lấy chị dâu đó, coi đây là phần thưởng cho anh ta vậy.

    “Phong tục này đã khiến vấn đề tính sổ lương, cho người lính Thượng khi cải tuyển qua BĐQ, phải điên đầu. Bởi khi anh lính này còn là Dân Sự Chiến Đấu do Mỹ trả lương, thì rất đơn giản. “Nhưng khi cải tuyển sang BĐQ thì đã trở thanh lính chính quy, có quân bạ và hưởng quân lương với đầy đủ qui chế hiện hành. Bấy giờ có nhiều anh lính Thượng mới có 19, 20 tuổi, mà lại nạp hồ sơ xin ăn lương một vợ 6 con thì không thể nào tin nổi. “Đơn vị phải làm văn bản giải thích rành mạch, và chứng nhận những người lính Thượng đó có vợ con thật sự như vậy, mới được xét cho hưởng lư- ơng, và phụ cấp gia đình đầy đủ theo hồ sơ khai báo. “Binh Nhất Y-Xiêng rơi vào trường hợp nêu trên, và đứa cháu gái lớn cũng là người vợ tương lai của anh ta, phải chờ đến năm 18 tuổi mới động phòng hoa chúc. “Nay mới 16 tuổi hơ hớ đào tơ, mà bị anh lính Kinh đớp mất, thì thử hỏi anh Binh Nhì Lê-Văn-Q. này làm sao tránh được một tràng đạn vào người ? “Thế mà không có chuyện đó xảy ra, chỉ cần anh “đền” một con trâu trắng theo phong tục (?) của họ là xong, không thù oán gì về sau nữa. “Một con trâu nghé lúc đó giá cũng năm bảy chục ngàn đồng, còn trâu trắng ước lượng chắc phải mắc hơn.

    “Nhưng làm sao tìm ra con trâu trắng để mua mà “đền” đây? Chưa chắc lùng sục khắp cả Kontum mà tìm cho có được, may ra là ở Pleiku hoặc Qui Nhơn mới có loại trâu trắng này. “Giả vụ mua được thì làm sao đưa lên Dakpek đây? Nếu không có trâu trắng để “đền”, thì tính mạng anh lính này có thể bị lâm nguy, tức là có thể bị giết, hoặc bị “thư” cho một bụng toàn da trâu thì tiêu đời. “Tiểu đoàn có đề nghị là bắt tên Q. thay vì đền trâu trắng, thì đền tiền hoặc đền năm ba bao gạo chỉ xanh cho Y-Xiêng. Nhưng anh ta không chịu, nói đây là tục lệ bắt buộc, nếu không bắt đền như vậy thì con “Quỷ” sẽ vật chết nó, tức Y-Xiêng (?) “Cũng may là khi đơn thưa được đưa lên Tiểu Đoàn, thì cũng vừa lúc có tin : trực thăng tiếp tế lương tươi đến trại trong ngày hôm sau. “BCH Tiểu Đoàn liền cho phân xử ngay nội vụ trong ngày hôm nay, với sự chứng kiến của Thượng Sĩ Sem và Trung Úy Wan, để thông dịch lại cho Binh Nhất Y-Xiêng rõ. “Đó là Tiểu Đoàn Trưởng sẽ ký giấy phạt 10 ngày tù cho Binh Nhì Lê-Văn-Q., đồng thời cho y mượn một trăm ngàn đồng, và ký phép cho về Pleiku tìm mua trâu trắng. “Binh Nhất Y-Xiêng nếu đồng ý, cũng sẽ được phép đi theo Binh Nhì Q. để cùng mua trâu. Nếu mua được, Tiểu Đoàn sẽ xin Chinook chở trâu theo lưới hàng tiếp tế lương tươi kỳ sau. “Số 10 ngày tù sẽ được thi hành giam giữ, sau khi mua trâu trắng trở về, và cũng sẽ trừ một năm lương của Binh Nhì Q. cho đủ số tiền một trăm ngàn đồng, hoàn lại cho Tiểu Đoàn Trưởng.

    “Đây là lối giải quyết có tính cách “ma giáo” của BCH Tiểu Đoàn, vì các lẽ sau : “- Làm sao tìm mua trâu trắng cho được, nhất là ở vùng cao nguyên trong thời buổi chiến tranh này? “- Giả sử có mua được trâu trắng, thì làm sao chuyển về Dakpek cho được? Phương tiện Chinook thời bấy giờ rất hiếm hoi, và cũng không thể nào xử dụng như vậy được. “- Binh Nhì Q. khi về Pleiku với giấy phép cầm tay, hắn sẽ đào ngũ luôn thì không còn gì để nói. “- Binh Nhất Y-Xiêng sẽ không đi theo với Binh Nhì Q. về Pleiku và Qui Nhơn tìm mua trâu trắng, vì tâm lý chung của lính Thượng ở đây, không ai muốn rời xa vợ con của mình cả. “Nếu Xiêng có đi theo Q. ra Pleiku chăng nữa, thì với cái ngơ ngác của anh lính Thượng về thành phố, sẽ bị tên lính Kinh ma mảnh như Q. tìm cách đánh lừa bỏ rơi, là chuyện rất dễ dàng. “- Số 100 ngàn đồng đó, đưa cho Q. trước mặt Y-Xiêng để anh ta tin tưởng, rồi sau đó lấy lại chứ làm sao “trao trứng cho ác” được? “Quả thật đây là kế lợi dụng tấm lòng ngây ngô, chân thật, của người lính Thượng mà giải quyết vụ việc cho êm đẹp.

    “Binh Nhất Y-Xiêng đồng ý theo lối xử phạt này, nhưng không chịu đi Pleiku. “Còn Binh Nhì Lê-Văn-Q. được cấp giấy phép về Qui Nhơn là quê quán của anh ta, với lời rỉ tai là đừng bao giờ trở lên trại nữa. Tức là đào ngũ đi đăng lính khác. Y-Xiêng chờ mãi không thấy Q. mang trâu trắng lên, thì cũng phải bỏ qua mà thôi”.

    Nhân chuyện bắt đền con trâu trắng, cũng xin nói ra đây một vài tập tục hay là quan niệm sai lầm, mà người viết được nghe hai ông Trung Úy Y-Wan, và Thượng Sĩ Krong-Sem kể lại trong nhiều năm về trước : - Khi một người lính Thượng có vợ sinh con, thì vợ phải ra ngoài hè nhà, dùng cây lá che lại mà sinh, không được sinh trong nhà sàn. Còn nếu ở trong trại, thì dùng poncho quây kín một đoạn giao thông hào cho vợ sinh, chứ không được sinh trong hầm trú ẩn của hai vợ chồng. - Họ luôn từ chối để Sĩ Quan Trợ-Y hoặc Y-Tá của đơn vị hộ sinh cho sản phụ, mà do bà mụ người sắc tộc của họ đỡ đẽ. Sinh con xong là người vợ mang con thơ, cùng xuống suối tắm rửa. - Trong khi sinh, chẳng may người mẹ bị băng huyết chết, thì người cha cũng đập đầu cho đứa con chết theo, vì họ cho đó là “con Ma” hiện ra giết chết vợ họ, chứ không phải là con của họ. Phải giết “con Ma” để trả thù cho vợ.

    Mãi về sau này, lính trong trại được học tập nhiều, cũng lần lần để y tá hộ sinh cho vợ họ. Nhờ thế mà những “ca khó sinh” cũng được giải quyết kịp thời, không còn có cảnh “con Ma” nghiệt ngã đó xảy ra nữa. - Có những dị đoan rất khó lòng thuyết phục họ bỏ được, như câu chuyện có hai căn hầm trú ẩn, của hai gia đình lính Thượng ở kề nhau trong Tiểu Đội. Con của gia đình bên này bị bịnh, thay vì đem lên bệnh xá Tiểu Đoàn chữa trị, thì họ chữa trị bằng thuốc ngải rừng. Bịnh càng ngày càng nặng, họ đổ thừa cái hầm nhà kế bên có nuôi con gà, nay con gà đó hiện thành “con Ma” làm con nó bị bịnh, bắt buộc nhà đó phải giết chết con gà đó mới được, nếu không thì lại thưa lên cấp trên giải quyết. Có khi đó là… con vịt, con chó, con heo… nếu hầm nhà bên cạnh nuôi con vật nào, thì đổ thừa con vật đó là “Ma”.

    Cũng may là những thưa kiện lặt vặt này, đều do cấp Trung Đội Trưởng, hoặc Trung Đội Phó người Thượng xử kiện với nhau. - Cũng có trường hợp con hay vợ bị bịnh, họ cũng cho uống thuốc ngải rừng, rồi van vái nếu hết bịnh sẽ “cúng Giàng” một con heo, hoặc gà, hoặc vịt… bằng cách bẻ một đoạn nhánh cây vài tấc làm “ni”… Sau khi hết bịnh, họ đến câu lạc bộ Tiểu Đoàn dùng “ni” đó, đo từ đầu cho tới đuôi con vật đó, thí dụ là heo chẳng hạn, nếu đúng như cái “ni” hoặc lớn hơn, là họ mua con heo đó về để cúng, giá mắc bao nhiêu cũng mua. Nếu lúc đó trong Câu Lạc Bộ không còn súc vật nào để bán, thì họ chờ chuyến tiếp tế sau mà mua cúng, chứ không dám bỏ luôn.

    Càng về sau này, các y tá người Thượng ở từng Đại Đội, được lệnh theo sát gia đình từng binh sĩ để cho thuốc cảm, cúm, nhức đầu, sổ mủi… lần lần cũng thuyết phục được họ khi bị bệnh, thì đến y tá mà xin thuốc của Mỹ chữa trị sẽ lành bệnh, thay vì uống ngải rừng. - Con nít Thượng lại khoái ăn sống bột ngọt. Chúng thường đến Câu Lạc Bộ Tiểu Đoàn, mua từng gói bột ngọt cở bằng bàn tay, mở ra bốc từng nhúm bỏ vô miệng nuốt ngon lành. Hết bao này đến bao khác. Giải thích thế mấy, cha mẹ của chúng cũng làm ngơ. Có lẽ vì kẹo bánh cho trẻ nít thiếu thốn, nên con cái của họ khóc đòi ăn bột ngọt như thế, họ cũng phải đành chịu mà thôi…”

    Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
    (trích trong Ốc Đảo Bị Bỏ Quên)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X