Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đi giữa chiến tranh

Collapse
X

Đi giữa chiến tranh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đi giữa chiến tranh

    Đi giữa chiến tranh


    Hùng Bi



    Mùa hè năm 1972. Chiến sự đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất trong lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam. Những khí tài, những phương tiện chiến tranh tối tân có sức tàn phá và sát thương mạnh nhất được hai bên quan thầy đua nhau rót vào chiến trường sôi động nầy cho trận đánh cuối cùng để giành phần thắng. Ấy là họ ảo tưởng thế!

    Trong mấy tháng mùa khô của cái năm oan nghiệt ấy, vì những ý tưởng của những kẻ chóp bu đâu ở chốn xa xăm, biết bao nhiêu chàng trai tuổi ngoài đôi mươi, cùng một màu da, cùng một dòng máu, cùng một tiếng nói đã chực chờ, rình rập mà tiêu diệt lẫn nhau. Biết bao nhiêu người con đã phơi thây, banh xác hay tật nguyền để lại cho những người thân những đau đớn, xót xa cho cuộc đời con em mình phải trải qua lửa đạn, phải mất đi sinh mạng thanh xuân một cách oan uổng!

    Mùa hè ấy đơn vị tôi phải xé nhỏ ra trải dài từ Vùng I, vùng II, vùng III Chiến Thuật mà cao điểm nhất là mặt trận An Lộc.

    Những tin xấu cứ lần lượt gửi về từ những toán của đơn vị tôi phái đi. Tôi nhớ anh chàng Trung sĩ nhất Vũ người Bắc, người thanh mảnh trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ như con gái. 6:30 chiều Vũ cất cánh từ Tân Sơn Nhứt. 12:30 khuya tin gởi về. Máy bay có Vũ đi trên đó đã bị bắn tan xác trên vùng trời Vùng I. Thật bàng hoàng! Cả đơn vị ai cũng tiếc thương cho chàng trai trẻ vắn số.

    6:30 chiều. tất cả các phi vụ chúng tôi cất cánh khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt thường là vào thời điểm đó. Trong cái nhập nhoạng của bóng hoàng hôn, chúng tôi thảy sinh mạng mình vào cái cối xay chiến tranh. Trung sĩ nhứt Sáng, một con người rất chịu chơi và tài giỏi. Trên ngực mang bằng Nhảy Dù vàng với 3 vòng đỏ phía dưới của một Huấn luyện viên. Hầu như tất cả các Hạ sĩ Quan của đơn vị tôi mang cấp bậc từ Trung sĩ nhứt trở lên đều mang những cái bằng Nhảy Dù như thế. Đa phần họ là những người dân tộc vùng Cao Bắc Lạng và đều tham chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ vào năm 1954 trong quân đội Liên Hiệp Pháp. Đó là những con người kiệt xuất!

    Lẽ ra, đêm đó do một Thượng sĩ lên ca, nhưng 4 chiếc máy bay C-130 của Mỹ từ Utapao bên Thái Lan đã đáp xuống chờ sẵn ngoài phi đạo rồi. Không thể chậm trễ trong chiến tranh, chúng tôi đành chỉ định Trung sĩ nhứt Sáng dự trù cho pass sau phải đi ngay chuyến đó. 8:30 tối: Máy bay đã gãy cánh ở vùng trời An Lộc. Định mệnh cả! Đưa về nhà một chiếc quan tài không có xác người. Chúng tôi đưa tang trong tiếng khóc nức nở của một người vợ và 4 đứa con nheo nhóc. Ai cầm lòng đậu? Cái chết của anh ta có phải là do lỗi của chúng tôi không? Tại chiến tranh cả mà! 4 tháng sau, dọn dẹp mặt trận An Lộc, chúng tôi tìm được bộ xương khô còn mang tấm thẻ bài của anh ta. Lại phải làm một đám tang lần 2 cho hương hồn người chết được ngậm cười nơi chín suối.

    Nhưng chuyện ấy cứ ray rức mãi trong lòng tôi sau hơn 40 năm đã tàn cuộc chiến. Nó giống như tự tay mình đã xô anh ta vào cái chết không bằng.

    Héros sans retour! Sát nghĩa đến tận cùng! Chúng tôi ra đi nhưng thường ít khi trở lại, trừ những trường hợp may mắn.

    Bằng Nhảy Dù được biểu trưng là hình một cánh đại bàng, chính giữa có hình một chiếc dù nhảy đang bọc gió màu trắng nổi trên nền đen. Đó là những sắc màu của sự tang tóc ở cả hai nền văn hoá Đông Tây và phía dưới là một ngôi sao màu vàng.

    Với những sĩ quan, người nào đã nhảy được từ 60 sauts trở lên sẽ được đơn vị cho đi học một lớp bồi dưỡng tại Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù ở trại Hoàng Hoa Thám để lấy bằng Nhảy dù vàng. Bằng Nhảy dù vàng thì cánh đại bàng, chiếc dù nhảy cũng tương tự như trên nhưng được thêu chỉ vàng, thay vào ngôi sao treo lơ lững phía dưới bằng 3 cái vòng tròn đỏ giống như những vòng tròn Olympic. Tất cả nằm trên màu đen tang tóc. Trong sổ Không vụ cá nhân lưu lại tại đơn vị, tôi đã được ghi tới con số 56 sauts.

    Trước đây, đối với những saut đêm, hàng chữ ngày tháng thực hiện saut nhảy đó sẽ được ghi bằng mực đỏ nên được gọi là “saut đỏ”. Những chiến binh thuộc Nha Kỹ Thuật chuyên xâm nhập vùng trời Việt Bắc thời Ngô Đình Diệm thì hay có những hàng chữ đỏ xuất hiện. Sau nầy, do điều kiện chiến tranh có nhiều thay đổi, ít ai thực hiện những saut đỏ nữa bởi vì không cần thiết.

    Không ai tài giỏi trong chiến tranh cả. Một quả pháo 130 li, một phát hoả tiễn 122 li, một quả bom 500 lbs đánh đùng một cái. Tầm sát thương trong vòng bán kính 50 m thì một con sâu, cái kiến cũng không còn. Tiếng súng trận nổ ra, cả trăm cả ngàn viên đạn dội xối xả về phía đối phương.

    Chẳng ai có đủ tài giỏi và thông minh mà né những đầu đạn rực lửa ấy cả. Trong chiến tranh, những người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần đều do có một số phận may mắn cả thôi. Điều nầy đã được ghi trong sổ Nam Tào trên thiên đình. Bởi cho nên trong những đêm nằm dưới bầu trời đầy sao, tôi hay ngước mặt lên trời thầm van vái: Ông Nam Tào ơi! Làm ơn đừng gạch ngang tên con bằng một vết bút lông đen, đừng xoá tên con khỏi cuốn sổ sinh tử của Ngài nghen!

    Đang lúc cuộc chiến Mùa hè đỏ lửa năm 1972 lên đến đỉnh điểm nhất, một toán chuyên viên khảo sát hiệu quả chiến tranh của Mỹ từ chính quốc được cử sang đề điều nghiên chiến trường. Báo cáo của họ sẽ được gởi về Lầu Năm góc Penthagon ở Whashington DC, và những quân nhân Mỹ trên ve áo đầy sao ngồi trong phòng máy lạnh sẽ hoạch định sách lược mới cho cuộc chiến tranh Việt Nam.

    Tôi là sĩ quan Việt Nam được cử đi cùng một toán chuyên viên Mỹ điều nghiên mặt trận Kontum để báo cáo về Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam.

    Toán chúng tôi gồm một Đại Uý Mỹ da trắng, một Trung sĩ nhất Mỹ da màu và tôi, một Trung Uý Nhảy Dù da vàng. Chúng tôi lại rời phi trường Tân Sơn Nhứt vào đúng 6:30 chiều để bay lên Kontum. Lại phải đi ké một vận tải cơ C-130 Hercules chở theo một xe nâng hàng to đùng của Không Quân Mỹ để thay thế cho chiếc cũ ở Kontum đã bị pháo bắn trúng, vì chẳng có một phi vụ nào rỗi rảnh cả.

    Trải dài dưới cánh bay là một quê hương Việt Nam đen thẳm, u tối. Ở dưới đó có hằng trăm ngàn con người đang toan tính để tàn sát lẫn nhau. Thi thoảng, xuất hiện những đốm sáng của các signal lơ lửng dưới những chiếc dù trắng bé tẹo để soi sáng mảnh quê hương ghẻ lở, đau thương của tôi. Dựa vào những đốm sáng lập loè đó, lũ chúng tôi căng mắt ra để tiêu diệt những người cùng tiếng nói, màu da. Chỉ khác chăng là những cái dung chứa trong đầu, nhưng cả hai bên đều chung một niềm sợ hãi.

    Bay được khoảng 10:00 đêm bắt đầu vào không phận Kontum. Tín hiệu đèn màu xanh lá cây đã bật sáng nhấp nháy trong khoang máy bay, có nghĩa là chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp xuống. Lưng mang ba lô, đầu đội nón sắt, tay cầm khẩu súng trường M-16. Chiến trường lúc bấy giờ, sĩ quan chỉ huy ngoài khẩu Colt 45 thường phải mang theo một khẩu súng trường để tự mình có thể chiến đấu khi đụng trận vì chuyện thất lạc đơn vị vẫn thường xảy ra do mặt trận nào cũng rất ác liệt, bùng nổ một cái thì chuyện tan đàn xẻ nghé là chuyện thường ngày. Tôi đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng ở cửa đuôi máy bay, chờ cửa mở là lao xuống ngay. Cách phi trường dã chiến Kontum khoảng 15 phút bay, tất cả đèn đều vụt tắt để tránh phía bên kia phát hiện có máy bay tới mà pháo kích hoặc bắn cao xạ phòng không hoặc hoả tiễn tầm nhiệt SA-7. Dấu thì dấu ánh sáng thôi chớ làm sao mà dấu tiếng động cơ máy bay. Các tọa độ đường băng đã được chấm sẵn trên bản đồ và mọi nòng pháo đã chực chờ nhả đạn. Có thoát được hay không tất cả đều dựa vào chữ HÊN XUI!

    Cánh quạt động cơ của các loại máy bay quân sự được chế tạo rất đặc biệt và được làm bằng gỗ tếch (giá tỵ), loại được dùng làm báng súng bởi độ bền chắc và độ dẻo của nó và không dễ gì bị gãy khi chém gió với tần suất cao. Nó có thể điều khiển từ bộ ly hợp đặc biệt cho cánh quạt quay ngược từ phi công để thay đổi chiều quay mà không ảnh hưởng tới vận tốc của động cơ. Ta có thể quan sát từ cánh quạt máy vẫn thường dùng ở nhà thì hiểu liền việc thay đổi hướng gió. Thông thường, động cơ quạt máy sẽ được chế tạo quay theo chiều kim đồng hồ, và bố trí cánh quạt theo hướng bên trái cao hơn bên phải để khi động cơ quay sẽ đạp gió về phía trước tạo ra một luồng gió mát. Trên nguyên tắc, nếu động cơ tạo ra một sức quay đủ mạnh sẽ đẩy cái quạt ra sau.

    Động cơ máy bay là một động cơ đốt trong với 32 cái bu-gi có đến 3 chấu đánh lửa cho mỗi bu-gi nên khó có chuyện động cơ mất lửa khi đang bay. Những hỏng hóc nếu có là ở bộ phận khác hoặc bị đạn xuyên thủng thì đành chịu. Mỗi máy bay có tới 4 động cơ thì dễ gì có chuyện “chết máy” khi ở lưng chừng trời?

    Thông thường khi bay, cánh quạt sẽ được để ở trạng thái mặc định là bên phải sẽ nhô cao hơn bên trái, đẩy gió ra phía sau để đưa máy bay lướt về phía trước. Khi đáp xuống phi đạo, pilot sẽ điều khiển cho cánh quạt xoay theo hướng ngược lại để hãm đà máy bay, gọi là “thắng” bằng động cơ, chớ với vận tốc vài trăm cây số giờ thì chẳng có cái thắng thông thường nào mà xài được.

    Vừa đáp xuống phi trường quân sự dã chiến Kontum, pilot tăng tốc tối đa cho động cơ và xoay chiều cánh quạt. Chúng tôi đang đứng chờ ở cửa phía sau thì tất cả đã bị lộn tùng phèo đập mạnh vào lưng buồng lái bò lê bò càng. Tôi không bao giờ tưởng tượng nổi một chiếc vận tải cơ C.130 to lớn kềnh càng như thế lại có thể dừng lại ngay khi đáp xuống phi đạo với khoảng đường chưa đầy 100 mét. Cửa vừa mở là chúng tôi bung ra nhảy ngay xuống giao thông hào được đào sẵn dọc hai bên phi đạo và tiếng pháo đã bắt đầu dồn dập, đè rạp những cái đầu tí hon sát xuống mặt đất không thể ngửng lên. Phi cơ cất cánh rời khỏi tức khắc và thoát nạn sau khi đã đẩy được chiếc xe nâng hàng tuột xuống phi đạo.

    Chúng tôi đã chịu đựng trận pháo ấy kéo dài từ 10:30 tối đến 5:00 sáng. Sương đêm vẫn còn giăng kín núi rừng Kontum với cái lạnh đá núi se sắt. Pháo đã ngưng có lẽ vì hết đạn hoặc giả sợ những đốm lửa từ nòng pháo sáng lên bị phát hiện và bị phản pháo. Nằm đợi im tiếng pháo một lúc khá lâu để yên chí không còn thưởng thức bản hành khúc hùng tráng ấy nữa, chúng tôi mới dám rời khỏi giao thông hào. Quần áo ướt sũng sương đêm, nỗi sợ hãi tràn đầy, cộng với cái bùn lầy đỏ quạch cao nguyên nhem nhuốc dưới mương nước mới thấm thía cái sự thưởng thức những gian khổ đời lính.

    Bình minh đã bắt đầu ló dạng bên kia dãy núi kèm theo chút sương mai buổi sớm cộng thêm nỗi vui mừng mạng sống mình được cộng thêm một ngày, tôi thở phào nhẹ nhõm. Gió ban mai thổi nhẹ như làm trôi đi những nhọc nhằn của một đêm thức trắng trong nỗi sợ hãi cùng cực. Mà lúc đó tôi nào để ý đến cái chuyện sương mai, sương sớm gì đâu. Chỉ biết mình còn sống sót là đã đủ mừng vui. Thì giờ, tâm trí đâu mà thưởng thức nỗi êm mát dịu dàng của những giọt sương long lanh đầu cành?

    Lết bộ 3 cây số thì đến được Bộ Tư Lệnh tiền phương của Sư Đoàn 23 Bộ Binh để trình diện và xin một chiếc xe Jeep đi khảo sát chiến trường. Trước cửa hầm ngầm chống pháo của Bộ Tư Lệnh tiền phương, cũng có 2 anh chàng Quân Cảnh trong tư thế thao diễn nghỉ đứng gác cho ra vẻ, nhưng quần áo thì lem nhem, mặt mủi bơ phờ chớ đâu còn những bộ quần áo ủi hồ láng coóng theo đúng quân phong quân kỷ trời ơi gì nữa? Hầm được đào thật sâu dưới mặt đất, trên lót rất nhiều lớp cây rừng rồi đổ đất dầy lên chống đạn. Thì cũng làm cho có chừng vậy thôi chớ hoả tiễn nó mà rơi trúng thì cũng banh xác hết. Trên vách đất treo la liệt những súng ống, dao găm, dao quắm đi rừng. Bản đồ hành quân khổ lớn thì treo kín trên vách. Những nét vẻ xanh đỏ chằng chịt.

    Tiếp chúng tôi là một quân nhân mang cấp bậc Đại Tá. Tôi cũng chẳng biết ông ta giữ cái chức vụ gì trong Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Trình Sự vụ Lệnh và báo cáo xong, chúng tôi được cấp cho một chiếc xe Jeep quân sự không mui để đi khảo sát chiến trường. Chạy ra tới Thị xã Kontum thì chỉ còn một đống gạch vụn khổng lồ. Một chiếc xe tăng T.54 bị bắn cháy nằm trước rạp hát nhỏ chút của Thị xã. Cái rạp hát nầy trước kia chắc chỉ toàn chiếu phim Ấn độ với phim cao bồi Mỹ. Xuyên qua đám gạch đá đổ nát hoang tàn khổng lồ đó, chúng tôi đi vòng quanh rồi qua bên kia thị xã. Một Đại đội lính Sư Đoàn 23 Bô binh mà quân số chắc chỉ còn khoảng 45 người theo sự ước đoán của tôi, có nghĩa là đã mất gần nửa quân số hành quân đi ngang. Chỉ huy là một chàng Trung Uý chắc chỉ độ khoảng tuổi tôi, quần áo nhếch nhác, râu ria lởm chởm như năn mắc nước chả biết bao nhiêu ngày rồi chưa cạo. Bước thấp bước cao lẽo đẽo kế bên là anh chàng tài-lọt mang máy PRC-25. Lướt đôi mắt trũng sâu thất thần ơ hờ liếc ngang rồi cắm cúi bước đi theo đoàn quân. Chắc trong suy nghĩ của anh chàng Đại Đội Trưởng Bô Binh ấy thế nào cũng thoáng có chút ghen tị với mấy anh chàng đang ngự trên chiếc xe Jeep.

    Ai đã từng phải dùng cái đầu còn chút sáng suốt tinh khôn của mình, vận dụng chút nhạy bén để bảo toàn cho những sinh mạng dưới quyền mới hiểu thấu được những suy nghĩ của chúng tôi. Những sinh mạng ấy rất thân thiết, đùm bọc che chở cho nhau trong cái ác liệt của chiến tranh. Họ yêu thương nhau bằng tất cả tấm chân tình, cố gắng bảo vệ mạng sống con sâu cái kiến cho nhau. Nó còn gấp nhiều lần cái tình ruột thịt của anh em một nhà nữa. Chỉ những người lính đã trải qua cái “đận” ấy thì trong cuộc sống sau nầy mới cư xử tử tế hơn đối với mọi người chung quanh.

    Ở lại 2 ngày trong cái Thị Xã hoang tàn đó, Tay Đại Uý Mỹ trắng xin được 1 chiếc trực thăng UH-1B của Mỹ đưa chúng tôi trở lại Thủ phủ vùng cao nguyên bom đạn: Pleiku. Ngồi trên chiếc trực thăng do những Pilot người Mỹ lái, mắt lướt nhìn từng con ốc rung bần bật muốn rời ra của chiếc trực thăng tơi bời trong chiến tranh, nhìn những cặp mắt xanh lơ của những chàng Pilot Mỹ, bay trên trời với những phát đạn cầu âu từ dưới đất bắn lên thỉnh thoảng chạm soẹt vào càng đáp máy bay, tôi thấy cảm thương cho thân phận của họ biết chừng nào! Về phía tôi thì đã đành đi, chiến tranh đang xảy ra trên quê hương mình thì chuyện cầm súng là một bổn phận đương nhiên của những chàng trai trẻ. Còn với những người mũi lỏ mắt xanh nầy, đang sống một cuộc đời an vui, đầy đủ những tiện nghi vật chất trong một đất nước thanh bình, xinh đẹp. Một đất nước văn minh, hiện đại, đầy đủ tất cả những điều kiện cho một người muốn thăng tiến để tìm một cuộc sống tươi đẹp ở một nơi như chốn thiên đường hạ giới mà ai ai, ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều muốn đặt chân đến, mà giờ nầy phải có mặt nơi đây, một đất nước nhỏ bé, nghèo khó và đầy dẫy những tai ương, bất trắc, lúc nào cũng rình rập chực cướp đi mạng sống thanh xuân của họ? Tội nghiệp thay!

    Chiếc trực thăng UH-1B rệu rã vì đạn ấy cuối cùng cũng đưa chúng tôi vượt thoát khỏi chặng đường bay tử thần và hạ cánh xuống trước sân Bộ Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật. Bước xuống, chúng tôi ngoặc vào dãy barrack dành cho khách vãng lai của Mẽo để ghi tên lấy phòng nghỉ tạm chờ phi vụ về lại Sài Gòn. Tắm rửa nghỉ ngơi xong, chúng tôi xuống Mess Hall của Mỹ ăn trưa. Hạ sĩ quan và binh sĩ được phục vụ miễn phí. Riêng sĩ quan khi ăn thì phải mua ticket vì phần ăn hàng ngày của các sĩ quan đã được tính vào lương tháng rồi. Đến đây, hai cái bông mai đen thui ngự trên cổ áo, niềm tự hào và hãnh diện của một sĩ quan làm khổ tôi đây. Officer thì phải mua ticket, nhưng trong túi tôi làm gì có những đồng đô la đỏ MPC của quân đội Mỹ mà mua cơm? Đành phải “talk by hand” với chàng Đại Uý da trắng xin tiền anh ta thôi. Hơi bị nhục vì một bữa ăn đấy! Tự nhiên đang ở trên đất nước mình mà lại trở thành một kẻ ăn mày của một người ngoại bang. Lại còn cái chuyện thuốc lá nữa chứ. Thường mỗi tháng sau khi lãnh lương tôi đã mua sẵn cho mình 3 cây thuốc thơm Capstan và 1 cây thuốc Pall Mall đỏ để hút dần trong tháng. Lúc ra đi, tôi cũng đã bỏ sẵn 5 gói thuốc Capstan trong ba lô rồi, ai dè bị kẹt lại dài ngày thì hết thuốc. Trong Mess Hall của Mỹ thì chỉ trao đổi bằng MPC. Chẳng lẽ đã xin ăn giờ lại xin hút nữa sao? Đành chịu trận luôn.

    Lại phải kẹt lại Pleiku 4 ngày vì tất cả các phi vụ đều phải tận dụng hết cho một chiến trường đang ngùn ngụt lửa hoả ngục. Ai đang phải kẹt trong rừng sâu muỗi mòng, vắt, ve, ai đang phải kẹt trong những bãi sình dơ bẩn đĩa đeo thì mặc kệ. Những người lính Mỹ tại hậu cứ vẫn ăn uống theo cái menu đã được lập sẵn của quân đội. Week-end là phải có món thịt bò nướng ngoài trời trên lửa than và những lon bia rồi. Họ cứ bày một mâm thịt bò kế bên bếp lửa để tự chọn, ai muốn ăn miếng lớn miếng nhỏ, dầy hay mỏng thì tùy, ai muốn nướng chín hẳn hay muốn chín tái thì yêu cầu sẽ được thực hiện ngay. Xong buổi ăn hoành tráng ấy lại mò lên club coi mấy cô gái trong ban nhạc Phillippines ưởn ẹo trong những điệu nhạc dâm dật phục vụ cho bọn lính Mỹ xa nhà. Cũng là một cuộc rong chơi thú vị vì chẳng mấy khi mình được dịp xâm nhập vào thế giới của họ.

    Sau 4 ngày phải lò dò lên phi trường mỗi ngày, cuối cùng chúng tôi cũng được thông báo là có phi vụ về Sài Gòn của một máy bay quân sự Mỹ và chỉ dành riêng cho người Mỹ. Nút thắt trong chuyến “dạo chơi” của tôi xuất hiện. Khi ghi tên hành khách vào manifest, thấy tôi là một Vietnamese Officer, gã Hạ sỉ nhất không quân Mỹ lắc đầu. Hai cái bông mai nguỵ trang, cái bằng dù nằm trên ngực áo, bộ quần áo hoa bèo không giúp ích gì cho tôi trong chuyện nầy dù tôi đã phải thừa sống thiếu chết mấy ngày qua. Mặc cho chàng Đại Uý Mỹ cố thuyết phục nhưng gã vẫn lắc đầu nguầy nguậy, bĩu môi quay đi và phán:

    - No!

    Máu nóng đã bắt đầu dồn lên mặt. Lên đạn khẩu M.16 đánh rốp một cái, tôi chĩa ngay vào hắn và “sủa” một câu:

    - “God’am! What do you want now?”.

    Hắn tái mặt và gật đầu lia lịa:

    - OK ! OK !

    Thế là tôi thoát ra được mớ hỗn mang ấy và bay vù về Sài Gòn.




    Hùng Bi



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X