Thông báo

Collapse
No announcement yet.

GIAO SẮC (Nguyễn Văn Giáo, K20)

Collapse
X

GIAO SẮC (Nguyễn Văn Giáo, K20)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • GIAO SẮC (Nguyễn Văn Giáo, K20)

    GIAO SẮC (Nguyễn Văn Giáo, K20)

    GIAO SẮC
    (Nguồn: Tập san ĐA HIỆU số 101- 39 Năm Quốc Hận page 200-218 -https://khoa28tvbqgvn.files.wordpres.../dahieu101.pdf )


    (Viết theo lời kể của một Thương Phế Binh loại 3 (Tàn Tật Vĩnh Viễn 80%),
    cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 20 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.)


    Thân tặng các bạn bè đã quen, chưa quen, ở:

    – Trường Tiểu Học Di Chuyển Thạnh Mỹ Tây II, Thị Nghè,
    – Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn,
    – Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Sư Đoàn 9 Bộ Binh,
    – Và các bạn bè còn lành lặn, các Thương Phế Binh trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật, khắp Bốn Phương Trời.


    Tôi tên là Giáo, sinh quán Bắc Việt, di cư vào Nam ngày 20 Tháng Bẩy năm 1954. Mặc dù trên giấy khai sinh của tôi ghi rõ ràng là Giáo, nhưng bạn bè lại gọi tôi là . . . GIÁO SẮC.

    Số là, sau khi vào Nam, bố mẹ tôi chọn định cư tại vùng Thị Nghè, thuộc Quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

    Hơn một trăm gia đình mà người dân Nam Kỳ gọi chúng tôi là “Bắc Kỳ Di Cư” được tạm trú tại Trường Tiểu Học Thạnh Mỹ Tây. Sau hai tháng tạm cư, trung tâm được giải tán để cho học sinh kịp nhập học vào đầu niên khoá mới.

    Đám học sinh cũ của trường nhập học đúng vào đầu niên khoá, nhưng đám học sinh Bắc Kỳ chúng tôi thì không, vì trường Thạnh Mỹ Tây chỉ nhận học sinh vào lớp Năm (lớp 1) mà thôi, còn học sinh cũ thì đã đủ chỗ rồi. Một số Cô và Thầy giáo “Di Cư” cũng đã xin với Bộ Giáo Dục để mở thêm lớp cho chúng tôi, nhưng trường ở đâu ra bây giờ? Không có trường thì lấy đâu ra lớp cho chúng tôi học? Các Thầy Cô đã nghĩ nát óc để rồi tìm ra một giải pháp tuyệt hảo:

    Học sinh cũ của trường Thạnh Mỹ Tây học hai buổi sáng (từ 8 giờ sáng tới 11 giờ sáng) và buổi chiều (từ 2 giờ chiều tới 6 giờ chiều). Như vậy, thì đám học trò di chuyển có thể xen kẽ vào học từ 11 giờ sáng tới 2 giờ chiều. Bộ Giáo Dục và các giáo viên họp lại với nhau để cùng . . . nghiên cứu cách thức nào tốt nhất cho các học sinh. Cuối cùng, một trường tiểu học di chuyển được thành lập tại Thị Nghè, gọi là Trường Tiểu Học Di Chuyển Thạnh Mỹ Tây II (cho khắp vùng Thị Nghè, Cầu Sơn). Trong khi chờ đợi được cấp trường mới, các học sinh di chuyển tạm thời học tại trường Tiểu Học Thạnh Mỹ Tây, từ 11giờ 30 sáng cho tới 1 giờ 30 chiều.

    Thế là chúng tôi đã có trường, có lớp để đi học.

    Trong thời gian chờ đợi để di cư vào Nam, nhiều đứa trong chúng tôi không được đến trường cả mấy năm trời, nên khi được đến trường trở lại, chúng tôi phải ngồi học ở lớp tiếp theo, do đó mà tôi và một số học sinh khác, dù tuổi đời đã mười hai, mười ba . . . mười sáu . . . vẫn ngồi lại lớp Nhì, vì trước đây, chúng tôi chỉ mới tốt nghiệp . . . lớp ba trường làng mà thôi.

    Nhớ lại những ngày đầu tiên tôi đi học, thật là vui: Trường học thì thật là gần nhà và đã quá quen thuộc rồi, nên chúng tôi chẳng cần ai đưa đón gì cả. 11 giờ 30 mới vào lớp, vậy mà chúng tôi đã rời nhà từ 10 giờ sáng. Học trò như chúng tôi, học là chuyện phụ, gặp nhau bầy trò vui chơi mới là chuyện chính. Một tay tôi cầm cuốn vở viết kẹp cái bút mực ở trong, tay kia cầm bình mực xanh, đầu đội trời chân đạp đất, cứ thế mà chạy tưng tưng đến trường.

    Vì lạ nước lạ cái, hơn nữa đây là ngày đầu tiên đi học, nên chúng tôi không dám ham chơi, gần tới giờ vào lớp là chúng tôi đã ngừng chơi, cả thầy cả trò đứng lóng ngóng ngoài cổng trường chờ tới giờ học.

    Trống tan học vang lên đúng 11 giờ, đám học trò Nam Kỳ tan học, túa ra sân, tò mò nhìn đám Bắc Kỳ đang đứng xớ rớ bên ngoài.

    Chúng tôi được xếp vào Lớp Nhì, học với Cô Giáo Đoan. Buổi học đầu tiên chỉ là xếp lớp, xếp chỗ ngồi và ghi tên điểm danh mà thôi.

    Đám con trai được xếp ngồi bên ngoài gần cửa ra vào, đứa nào nhỏ con thì ngồi trên, đứa nào lớn con thì ngồi cuối lớp, còn con gái ngồi bên trong. Khi ghi tên điểm danh, cô giáo nhờ một đứa con trai trong đám lên phụ đọc tên. Khi đến lượt tôi, tôi đứng lên khai:

    -Thưa cô, tên con là Giáo.

    Thằng phụ tá nghe không rõ, hỏi lại tôi: “Giáo là Giê Đ hay là Giê I?”

    Tôi đánh vần trả lời: “Giê i ao Giao sắc Giáo”

    Thằng phụ tá nhìn tôi, nhắc lại cho chắc ăn: “Giao sắc Giáo? Phải không?”

    Mấy thằng trời đánh ở dưới nghe thấy tôi đánh vần thì cũng bắt chước nhái theo: “Giao sắc Giáo”

    Giờ học trôi qua thật nhanh, mới đó mà trống trường đã vang lên báo hiệu giờ về. Đám chúng tôi mau mau dọn dẹp sách vở để trả lớp lại cho học sinh người Nam học buổi chiều.

    Phải mất cả tuần lễ, chúng tôi mới quen nhau, mới dám cùng nhau chơi đùa thỏa thích. Đám con trai tụi tôi họp lại chơi trốn bắt, chơi chạy đuổi, chơi đá bóng, còn đám con gái thì chơi nhẩy dây, đánh đũa, nhẩy lò cò . . .

    Giờ náo nhiệt nhất là giờ tan học của đám học trò người Nam và giờ vào học của đám học trò người Bắc. Đám tan học thì chưa muốn về, nán ở lại để xem đám Bắc kỳ chúng nó chơi đùa ra sao? Khi thấy chúng tôi chơi bi, đám Nam kỳ dòm đã rồi chê tụi tôi: “Chơi bắng đạng gì mà . . . kỳ cục dzậy.”

    Còn đám Bắc Kỳ thì cũng chưa muốn vào lớp ngay, cũng lớ xớ đứng đó, chờ xem đám Nam kỳ chơi những trò chơi nào? Khi thấy bọn Nam kỳ mỗi khi bắn bi, chúng dang hai tay ra đằng trước, để hòn bi vào ngón giữa mà bắn đi, chúng tôi cười ồ lên, chê bọn này: “Chơi bi gì mà . . . lạ thế”

    Mấy ngày hôm sau, vào giờ ra chơi, tôi và mấy thằng bạn mới quen tụ lại chơi với nhau, khi hỏi tên, tôi xưng là Giáo, một thằng trong đám nhắc lại cái điệp khúc: “Giao sắc Giáo . . . Giao sắc Giáo . . .”

    Cứ thế, thằng này truyền miệng thằng kia. Tôi học chưa được chữ nào mà đã được mang cái tên là . . . GIAO SẮC (đọc thì nghe như là DAO SẮC, nói theo tiếng Nam, tức là con dao . . . béng.)

    Thằng đứng đằng sau tôi, cũng xưng tên là . . . GIAO.

    Nhưng mà tôi đã là Giao rồi (dù là Giáo sắc Giáo), thì nó đâu có thể có tên là Giao nữa. Hơn nữa, nhìn mặt nó . . . hiền khô hà, đâu có thể là là dao . . . béng như tôi được, nên khi Giao nhà ta xưng tên Giao, mấy thằng bạn trời đánh đã nhìn nó mà phê bình:

    – Nhìn mặt mày hiền quá đi, lại cao nhòng nhõng hà, làm sao gọi mày là . . . Giao Sắc (dao) được, thôi, cho mày là GIAO . . .CÙN đi. (dao cùn, phiên âm qua tiếng Nam, kêu là . . . dao lụt)

    Thế là từ đó, trong lớp tôi có hai thằng Giao: Một thằng là Giao Sắc (Giáo), thằng kia là Giao Cùn. Thời gian đầu tiên, đám Bắc Kỳ và Nam Kỳ chơi riêng rẽ. Nhưng khoảng một hai tháng sau thì đã quen nhau rồi, nên cả hai đám ráp lại chơi chung với nhau. Nhưng cũng vì giọng nói khác nhau, và cũng có khi vì cùng một môn chơi nhưng luật chơi lại khác nhau, cho nên đã có một vài đụng chạm nhỏ xẩy ra.

    Hẳn là các bạn còn nhớ, chơi bi (người Nam gọi là chơi bắn đạn), tuy cùng là một môn chơi, nhưng khi dân Bắc chơi thì hòn bi ở đâu, người chơi phải để tay ở ngay đó mà bắn đi. Nhưng dân Nam thì lại khác: Cục đạn ở đâu thì ngồi ở đó, vươn hai tay dài ra mà bắn vào đạn của phe bên kia. Vì thế, khi chơi chung, đám Bắc Kỳ thua là cái chắc, vì đâu có biết dang tay dài ra mà bắn? Khi chơi thua hết cả túi bi ve (đạn mướt) đám Bắc Kỳ mới khôn ra, thay vì ngồi tại chỗ cục bi mà bắn, thằng Hà bắt chước đám Nam Kỳ duỗi hai tay ra tới đâu thì gạch đánh dấu ở đó rồi bước tới để tay ngay lằn gạch mà bắn đi, giống y hệt đám người Nam chơi, nhưng thằng Hai “Bớ Tí” (Petit, tiếng Pháp) trong đám Nam Kỳ không chịu, cho là thằng Hà ăn gian, nó nhất định đòi lại số đạn mà thằng Hà đã thắng. Thằng Hà không chịu trả lại, thế là đánh nhau. Đám Nam Kỳ chơi chung hè nhau đè thằng Hà xuống mà khện, đám Bắc Kỳ gần đó thấy thằng Hà bị đánh thì nhào vào bênh bạn, thế là đánh lộn tùm lum hết. May quá, trống đã đánh lên, đám Bắc Kỳ gom bi chạy hết cả vào lớp học, đám Nam Kỷ cung tay thủ võ la lối um xùm ở bên ngoài. Tan học về, thằng Hà không dám về một mình, kêu đám bạn đi về chung để bảo vệ mình. Tôi, thằng Giao cùn, thằng Nam lùn, thằng Tự dẹo cổ, thằng An . . . cùng đi với thằng Hà, chúng tôi chọn con đường lớn đi ngang qua rạp hát “Văn Cầm” để về nhà, vì nghĩ rằng ở đường lớn, bọn Nam Kỳ sẽ không dám gây chuyện đánh lộn. Nhưng chúng tôi đã lầm, vừa mới qua rạp hát, tới ngã ba là bọn Nam Kỳ đã đứng một đám ở đó. Thằng Hai Bơ Tí chỉ mặt thằng Hà mà la: “Nó đó . . . uýnh chết cha mấy thằng Bắc Kỳ đi tụi bay”

    Thằng Tự thấy tụi Nam Kỳ đông quá, liền ra dấu cho cả bọn rồi dắt thằng Hà chạy ngược về phía trường học:

    – Tụi mình chạy về đường Sở Bông, tuốt lên Hồ Nước, qua bót cảnh sát mà về nhà.

    Thế là cả bọn chạy theo thằng Tự mà tìm đường về. Chạy hùng hục một đoạn, thằng Tự quay lại nhìn, thấy bọn Nam Kỳ chỉ còn có vài thằng, nó vừa chạy vừa hỏi cả đám:

    – Tụi nó chạy đi đâu hết rồi?

    Thằng An chỉ tay vào cái ngõ hẻm sau, lanh miệng trả lời:

    – Tao thấy tụi nó chạy vào ngõ hẻm kia kìa. Ngõ này ăn thông qua đường Sở Bông. Tao nghi tụi nó sẽ . . . phục kích mình ở đầu ngõ đó.

    Tôi nghĩ ra một kế:

    – Tụi nó phục kích mình thì mình chơi trò “Phản phục kích”. Thằng nào dám chạy theo tao vào ngõ theo sau tụi nó, lúc tụi nó ào ra đánh mình thì trong lúc bất ngờ mình nhào ra đánh tụi nó, hai đầu ráp lại đánh, tụi nó thua là cái chắc.

    Thế là đám chúng tôi chia làm hai, một đám theo thằng Tự và thằng Hà, đám tụi tôi có thằng An, thằng Giao cùng đi . . . Quả như lời thằng An tiên đoán, bọn chúng tôi vừa tới đầu ngõ thì đã thấy đám thằng Hai đang chặn tụi thằng Tự mà đánh.

    Chúng nó vừa đánh vừa la:

    “Bắc Kỳ Cong, bỏ dô loong kiu chít chít . . .
    Bắc Kỳ ăng cá rô cây . . .”

    Cả đám tụi tôi cùng nhau la lên thật lớn:

    “Đừng sợ . . . Có Giao Sắc tới cứu viện đây . . . Chặt què chân mấy thằng Nam Kỳ đi . . .”

    Đám tụi Nam Kỳ đang thắng thế, bị tụi tôi ào ra đánh, lại nghe trong đám tụi tôi có . . . Dao Sắc . . . và đòi . . . chặt chân tụi nó nữa, nên tụi Nam kỳ có mòi . . . ớn xương sống, lại thêm đám thằng Tự vùng lên đánh trả, nên tụi Nam kỳ túng thế, tính đường . . . rút lui.

    Những người hàng xóm bên đường thấy tụi con nít đánh lộn, có người nhìn mặt được một đứa:

    – Con nít uýnh lộn . . . Có thằng Tòng con thầy giáo Cảnh đánh lộn nữa đó.”

    Cũng có một vài bà Bắc Kỳ Di Cư đang quét sân, la lên tiếp theo:

    – Trẻ con đánh nhau . . . Có cả cậu An, con ông Giáo Trọng nữa kìa . . .”

    Tin học trò hai trường Thạnh Mỹ Tây đánh nhau đã đủ làm cho hai ông Hiệu trưởng nhức đầu rồi, lại thêm có hai đứa con ông Giáo cũng đi đánh lộn nữa, làm cho cả hai hội Giáo Chức mất mặt với phụ huynh học sinh trong vùng. Đương nhiên là thằng An và thằng Tòng bị gọi lên phòng Hiệu Trưởng rồi.

    Đánh nhau thì không sợ, chứ bị gọi lên phòng Hiệu Trưởng thì hai thằng sợ ra mặt, nhất là lại có hai ông bố thầy giáo ngồi đó nữa.

    Khi được nghe rõ là hai ông “quý tử” không phải là hai đứa gây ra chuyện đánh nhau, hai ông bố thầy giáo vui vẻ ra mặt, bắt tay nhau lia lịa.

    Khi nghe hai cậu học trò kể lại nguyên nhân đánh lộn chỉ là vì bên này tố bên kia là . . . ăn gian, không biết chơi đánh bi, bắn đạn, hai thầy Hịệu Trưởng như trút đươc hai gánh nặng ngàn cân, cho gọi hai thằng gây ra chuyện lên trình diện. Thằng Hà và thằng Hai Bơ Tí đứa nào đứa nấy mặt mày xanh lét, thằng này vừa khóc vừa đổ lỗi cho thằng kia chơi ăn gian. Hai thầy Hiệu Trưởng cũng là dân đánh bi bắng đạng hồi xưa nên nhìn thấy ngay cách khác biệt của trò chơi. Cuối cùng, để . . . huề cả làng, các thầy đồng ý cho đám người Nam chơi bắn đạn đưa hai tay vươn dài ra đằng trước, và đám Bắc kỳ cũng bắt chước như thế mà làm theo cho nó đúng luật chơi người Nam. Còn nếu đứa Bắc Kỳ nào không quen đưa tay ra đằng trước thì có thể đưa tay ra tới đâu thì gạch mức mà ngồi tại chỗ đó nhưng với điều kiện là phải nói ra như vậy trước khi chơi. Cuối cùng, các thầy giáo khuyên đám học trò không được đánh nhau nữa, phải bắt tay làm huề với nhau.

    Lên trung học, vì phải thi vào lớp Đệ Thất trường công, nên anh em chúng tôi phân tán khắp nơi để thi vào các trường như Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục, Nguyễn Trãi, Chu Văn An . . .

    May mắn thay, tôi, thằng Giao Cùn, Tự . . thi đậu vào Hồ Ngọc Cẩn (Nam Lùn thi vào Lê Văn Duyệt, năm sau mới được đổi về Hồ Ngọc Cẩn với tụi tôi). Lên trung học rồi, lớn rồi, chúng tôi phải mặc đồng phục quần xanh biển áo sơ mi trắng có gắn bảng tên trên túi áo, mỗi sáng Thứ Hai phải mặc đồ trắng để làm lễ chào cờ. Hồ Ngọc Cẩn là trường dành riêng cho nam sinh, nên không có bóng hồng nào xung quanh chúng tôi cả (trừ trường Lê Văn Duyệt trong năm đầu tiên có cả trai lẫn gái học chung. Nhưng qua năm sau, trường cho dời đám nam sinh qua trường Nam Tỉnh Lỵ để trở thành trường dành riêng cho Nữ sinh). Tôi và thằng Tự lớn tuổi hơn các bạn đồng lớp, nên tới năm Đệ Tam, hai thằng rủ nhau đi . . . học nhẩy Đệ Nhị. Thằng Nam lùn cũng muốn theo tụi tôi, nhưng thầy giáo nói “Em nó còn . . . bé lắm” nên nó không được học. Buồn tình, nó nhẩy qua học . . . Judo với thầy Hồ Cẩm Ngạc. Cuối năm Đệ Tam, hai thằng tôi cũng làm gan nộp đơn đi thi Tú Tài I. May mắn làm sao, cả hai thằng đều thi đậu hết. Mừng hết lớn, chúng tôi tổ chức một buổi ăn mừng ở tiệm hủ tíu trước cửa rạp hát Cao Đồng Hưng, gần chợ Bà Chiểu. Sẵn trớn, tôi quyết định học tiếp để năm sau thi Tú Tài II, còn thằng Trần Đình Tự thì ngồi trầm ngâm hút thuốc hoài. Cuối cùng, nó tuyên bố vói anh em:

    – Tao . . . tình nguyện đi . . . Thủ Đức. Trường đang nhận đơn cho khoá 14, ngày mai tao sẽ đi nộp đơn.

    Qua năm, tôi điềm nhiên nộp đơn đi thi Tú Tài II. Có thể là vì . . . Thánh Nhân đãi kẻ hiền lương (?) và cũng có thể vì Ông Trời hôm đó đi vắng, để cho phụ tá thay mình viết tên thí sinh được chấm đậu, tên này chẳng biết tôi tên Giáo hay tên Giao Sắc, nên cứ viết bừa tên tôi vào đám học sinh được chấm đậu. Tôi vinh quang lên đài là đứa đầu tiên trong nhóm học sinh trường Tiểu Học Thạnh Mỹ Tây II đậu bằng Tú Tài II niên khoá 1962-1963.

    Vào thời điểm tôi đậu Tú Tài II, nước nhà vẫn còn đang ở trong thời thịnh trị, Tổng Thống Ngô Đình Diệm vẫn còn đang cầm quyền (đảo chánh vào tháng 11/1963), đám Cộng Sản vẫn còn ở trong tình trạng sơ khai, nên trong đám con trai chúng tôi, việc đi lính chưa là một đề tài nóng hổi. Hơn nữa, tôi lại là con trai độc nhất trong gia đình, nên dù là có lệnh tổng động viên ban ra ngay lúc này, tôi cũng nghĩ rằng mình sẽ được hoãn dịch vì lý do gia cảnh.

    Bố mẹ tôi khuyên nên chọn ngành y khoa hay dược khoa để cứu giúp những người bệnh hoạn. Người yêu bé nhỏ học sinh của tôi cũng nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một sinh viên đại học. Riêng tôi, tôi lại có một ý nghĩ khác.

    Gia đình tôi là dân di cư, tức là đã phải bỏ cửa bỏ nhà bỏ mọi của cải để từ Miền Bắc di cư vào Nam tìm Tự Do. Còn rất nhiều người ở miền Bắc muốn di cư vào miền Nam như chúng tôi, nhưng không may bị kẹt lại để phải sống dưới chế độ Cộng sản không tự do không dân chủ mà chỉ cai trị người dân bằng bạo lực, bằng bắt bớ tù đầy. Cũng như những người trai thế hệ khác, chúng tôi mơ một ngày đoàn quân Miền Nam Bắc Tiến trở vể giải thoát cho tất cả những người dân khỏi ách nô lệ Cộng sản.

    Tôi đã đọc nhiều tài liệu về Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Trường này vừa luyện VĂN vừa luyện VÕ cho những ai muốn theo nghiệp kiếm cung, ngang hàng với các trường Quân Sự nổi tiếng như:

    “École Spéciale Militaire De Saint – Cyr” của Pháp,
    “States Military Academy At West Point” của Hoa Kỳ,
    “The Royal Military College in Duntroon” của Úc Đại Lợi.


    Giống như tất cả các quân trường nói trên, những sinh viên sĩ quan sau khi tốt nghiệp Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, sẽ được cấp bằng “Cử Nhân Khoa Học” có giá trị tương đương với văn bằng đại học do Viện Đại Học Sàigòn cấp, và được mang cấp bậc Thiếu Úy Hiện Dịch của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

    Đứa con trai Việt nào cũng mang trong người dòng máu hào hùng của người Dân Việt, mong ước một ngày mai tươi đẹp với ánh nắng Vàng trải khắp quê hương.

    Tôi quyết định gia nhập Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, khoá 20.

    Đầu năm 1966, tôi nhận sự vụ lệnh về Trà Vinh trình diện Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 14 của Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Tư lệnh Sư Đoàn lúc đó là Thiếu Tướng Trần Bá Di. Sư đoàn 9 được thành lập vào ngày 9 tháng 1 năm 1962 tại Qui Nhơn. Vị Tư lệnh đầu tiên của Sư Đoàn là Trung Tá Bùi Dzinh (cấp bậc sau cùng là Đai Tá). Các vị Tư lệnh tiền nhiệm khác là Đại Tá Đoàn Văn Quảng (cấp bậc sau cùng là Thiếu Tướng), Thiếu Tướng Vĩnh Lộc (cấp bậc sau cùng là Trung Tướng), Chuẩn Tướng Lâm Quang Thi (cấp bậc sau cùng là Trung Tướng). Thiếu Tướng Trần Bá Di, và vị Tư lệnh cuối cùng là Chuẩn Tướng Huỳnh văn Lạc. Không lâu sau đó, do tình hình chiến trường đòi hỏi, Sư đoàn 9 BB được di chuyển về vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Tư Lệnh đồn trú tại Sa Đéc, chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh cho các tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình, An Giang và Sa Đéc.

    Trung đoàn lúc đó đang hành quân trong vùng trách nhiệm. Tôi được đưa ra tới vùng hành quân để nhận lãnh trách nhiệm làm Đại Đội Phó Đại đội 2 của Tiểu Đoàn 2. Tôi cứ thế mà theo Đại đội tiếp tục hành quân tới hai ngày sau mới trở vè hậu cứ trình diện Tiểu Đoàn Trưởng. Thời gian 1966, chiến trường Vùng IV chưa sôi động, nhiệm vụ chính của chúng tôi chỉ là đi lùng địch và diệt địch mà thôi. Cũng vì thế mà đơn vị của tôi cứ hành quân liên miên, hết Vĩnh Long lại tới Vĩnh Bình, qua An Giang . . . Giữa năm 1966, tôi đã được chỉ định làm Đại Đội Trưởng, thay thế cho người chỉ huy cũ là Thiếu uý Lê Ngọc Huấn đi nhận nhiệm vụ mới.

    Với trách nhiệm của một đơn vị trưởng, ngoài nhiệm vụ hành quân, tôi còn phải lo cho đời sống của binh sĩ dưới quyền, nên dù là không đi hành quân, tôi cũng bận rộn liên miên, do đó, nếu được nghỉ phép, tôi cũng chỉ nhiều lắm là tới nhà mấy người bạn lính độc thân ở trong vùng mà thôi, trong đó có anh Thanh, ở cùng tỉểu đoàn với tôi.

    Thông thường, mỗi lần tôi đến nhà anh, chỉ thấy có ba má anh nấu cơm cho chúng tôi và hai đứa em nhỏ của anh cùng ăn mà thôi, nhưng lần này, tôi thấy nhà anh hình như là có đông người hơn: Cả một đám các cô đang nấu ăn rần rần trong bếp. Tôi ngạc nhiên hỏi Thanh xem những cô này là ai? Ở đâu tới mà đông quá vậy? Thanh nhìn tôi, ngạc nhiên không kém: “Tao cũng về nhà một lượt với mày, tao đâu có biết gì đâu! Trong đám, tao chỉ biết có một đứa, đó là con em gái của tao, nó tên Tâm, đang đứng đàng kia cà.”

    Tôi nhìn theo tay của Thanh, ngạc nhiên nói nhỏ với hắn:

    -“Mày mà cũng có . . . em gái nữa hả? Mà sao em gái của mày, nó . . . đẹp gái và trắngbóc. . . đâu có đen thuivà xấu ỉn như mày đâu. Có chắc nó là . . . em gái của mày hông?”

    Thanh quay lại nhìn tôi cự nự liền:

    -“Tại vì tao đi lính, cho nên tao mới bị . . . tàn phai nhan sắc như vầy. Chớ thử để tao ở nhà lo đi học không như nó coi, tao dám còn . . . trắng hơn nó nữa đó nghen.”

    Thì ra Tâm là em gái của Thanh, cô được ba má cho lên Sàigòn học, nên cả năm rồi mà tôi chưa hề thấy mặt cô. Bữa nay nhân dịp nghỉ hè, Tâm kéo đám bạn học về quê chơi, nhân tiện thăm ba má.

    Bữa ăn trưa hôm đó, tôi ăn thật là ngon. Một phần là vì các cô làm món cá nướng trui cuốn lá me đất chấm mắm nêm, một món ăn mà Bắc kỳ như tôi chưa bao giờ được thưởng thức. Một phần nữa là có những cô gái thành thị thật dễ thương ngồi ăn chung. Cuối cùng, cũng là nhờ mấy xị nếp than của ba Thanh cất lấy, uống ly nào vô đã ly nấy.

    Ăn một lần nhớ đời, uống một lần nhớ hết kiếp, tôi cứ mong có ngày phép để chạy về nhà Thanh, mong gặp lại bóng hồng hôm trước.

    Buồn thay cho thằng tôi, Thanh đâu phải lúc nào cũng được về phép cùng lượt với tôi, mà dù Thanh có về nhà cùng lượt với tôi đi nữa, cô Tâm cũng còn ở Sàigòn lo học hành chứ có rảnh đâu mà về Trà Vinh nướng cá lóc cho tôi chấm mắm nêm uống nếp than!

    Cuối cùng, tôi phải dụ nó ra chợ lồng ăn canh chua cá lóc.

    Uống vô vài xị đế, tôi mới có gan nói với Thanh:

    -“Mày coi tao cỡ này . . . làm em mày được không?”

    Thanh trả lời môt câu làm cho tôi cụt hứng:

    -“Ăn thua nó, làm sao tao biết được?”

    Nhưng mà nó cũng là bạn tốt, nó về nhà nói với ba má nó sao đó, mà kỳ phép sau, nó đích thân rủ tôi về nhà nó . . . ăn cá lóc nướng trui nữa, và dĩ nhiên, hôm đó, Tâm cũng tình cờ từ Sàigòn về thăm nhà.

    ***

    Đời lính mà! Đám cưới, xong, hưởng tuần trăng mật xong, là tôi lại ba-lô lên vai tiếp tục hành quân.

    Rủi cho tôi, trong khi điều quân tấn công bọn Việt Cộng, tôi đạp phải mìn bẫy tung cả người lên. May cho tôi, bác sĩ của trung đoàn mổ cho tôi xong, tuyên bố là bàn chân của tôi vẫn còn giữ lại được. Tôi nằm bệnh viện suốt 10 ngày được vợ lo lắng cho đủ thứ, cứ tưởng như mình đang còn trong thời kỳ trăng mật, lại còn được gắn Chiến Thương Bội Tinh nữa. Hết hai lần 29 ngày tái khám, tôi hầu như được bình phục 80%.

    Nhân có khoá học “Tác Chiến Trong Rừng” ở Mã Lai, tôi được trung đoàn cử đi học cho dãn gân dãn cốt. Hết ba tháng huấn luyện, trở về trình diện, chân tôi vẫn chưa bình phục hẳn, tôi được điều trở lại Quân Trường Dục Mỹ, làm Phụ Tá Huấn Luyện Viên Chiến Thuật. Qua một khoá thử tài huấn luyện tân binh, tôi được mời ở lại trường để chính thức trở thành Huấn Luyện Viên Thực Thụ (Đại Tá Trần Công Liễu đang làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Dục Mỹ)

    Làm Huấn Luyện Viên là một công việc tuy vất vả nhưng an toàn, nhưng mà tôi vào lính để thoả chí tang bồng hồ thỉ, nên chỉ mới có hai tháng ở quân trường đã làm cho tôi buồn chán rồi, tôi xin với Đại Tá Liễu cho tôi trở lại Sư Đoàn 9.

    Lần trở về này, tôi được chỉ định làm đại đội trưởng của Đại Đội Trinh Sát của Trung Đoàn. Tôi đụng trận liên miên, được gắn thêm ba cái Chiến Thương Bội Tinh nữa.

    Sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, tàn quân của Việt Cộng kéo về dưỡng quân và dưỡng thương di chuyển ngang qua vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 9 rất nhiều. Vì thế mà Sư Đoàn của tôi đã mở rất nhiều những cuộc hành quân để săn đuổi tiêu diệt bọn chúng.

    Ngày 15- 09- 1969, đại đội trinh sát đang tham dự một cuộc hành quân cùng với trung đoàn thì chúng tôi được lệnh trở về hậu cứ, để ngày mai sẽ được trực thăng vận tham gia một cuộc hành quân lớn hơn, quan trọng hơn.

    12 giờ đêm, tôi đang ở trong hầm chỉ huy thì Việt Cộng pháo kích vào ngay doanh trại của trung đoàn, trúng ngay vào hầm của tôi. Tiếng nổ lớn quá, làm tai tôi bị ù đi, miểng đạn văng trúng khắp người và những người lính đang ở bên cạnh tôi, không chừa một chỗ nào trên thân thể, không chừa một người lính nào. Tôi chỉ kịp nhìn thấy những thân người ngã xuống, và cả tôi nữa, máu từ trên đầu tôi tuôn ra xối xả xuống mặt, tôi chỉ kịp hét lớn lên một tiếng rồi ngã nhào xuống đất.

    Tôi tỉnh dậy để nhìn thấy toàn thân băng quấn trắng xoá từ đầu đến chân. Đầu óc tôi trống rỗng, không nhớ gì được cả. Tôi không biết đây là đâu? Và tại sao tôi lại nằm đây? Tôi không nhận ra những ai đang đứng bên cạnh tôi nữa, tôi có thấy họ mấp máy môi của họ, nhưng tôi không nghe được bất cứ lời nói nào của những người đang đứng bên cạnh tôi . . .

    Rồi lại thiếp đi vào giấc ngủ triền miên . . .

    Gần một năm trời sau, mặc dù tôi đã có thể ngồi đậy cử động chân tay được chút ít, nhưng vẫn chưa có thể đứng dậy được. Điều đáng mừng là tôi đã nhớ lại được chút ít, đã nhận ra vợ con bạn bè cha mẹ và cũng đã nói được một vài tiếng. Điều đáng buồn là tôi chỉ có thể ngồi đó như một cái bắp cải, không cảm thấy đói, không biết khát nước.Tôi đi tiểu, đi tiêu lúc nào, hoàn toàn tôi không biết và không thể nào kiểm soát được.

    Người vợ yêu quý kiên nhẫn nuôi bệnh cho tôi, tập cho tôi ăn, cho tôi uống và . . . thay tã cho tôi. Thanh được về phép lúc nào thì tập cho tôi đứng, cho tôi đi, cho tôi cử động chân tay.

    Để khôi phục trí nhớ cho tôi, vợ tôi kể lại cho tôi nghe giờ phút cuối cùng của cuộc đời lính của tôi. Lúc đầu thì tôi nghe như là tiếng gió thoảng, tiếng mây bay, tiếng mưa rơi, nhưng sau đó, tôi đã nghe được và hiểu được, và cho đến nay, thì tôi nhớ như in vào trong óc:

    Khi tiếng đạn pháo kích đã bớt, tất cả anh em binh sĩ đã nhào ra lo dọn dẹp và đưa những người bị thương tới bệnh viện, tôi bị thương ngay vào đầu, mảnh trái phá lột một phần da dầu của tôi ra trắng xoá, máu me chẩy tùm lum, được trực thăng cấp cứu chở ngay về Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ. Những người lính tưởng rằng tôi đã bị pháo kích trúng đầu, lòi óc ra ngoài, nên họ đã tức tốc cho người về nhà báo ngay cho vợ tôi biết để kịp xuống lãnh xác đem về lo chôn cất. Vợ tôi được tin dữ, từ Saigòn vội vàng mua vé xe đò xuống Cần Thơ. Khi vợ tôi tới quân y viện thì nghe được tin mừng là, nhờ được tải thương kịp thời, nên bác sĩ đã có thể làm giải phẫu ngay trong đêm để vá mảnh da đầu của tôi liền vào với đầu và lấy những mảnh đạn lớn ra (những mảnh nhỏ thì nhiều quá, cứ để nguyên đó, tính sau). Ca mổ của tôi kéo dài từ nửa đêm tới 8 giờ sáng hôm sau mới xong, tôi có cơ hội để sống còn. Lúc đó, tôi chỉ là cái thân thể cuốn đầy băng mà thôi, chứ không cục cựa nhúc nhích gì hết. Mặc dù bác sĩ nói là tôi có cơ hội hồi sinh, nhưng mãi ba ngày sau tôi mới tỉnh lại.

    Tôi nằm bệnh viện khoảng nửa tháng, tháo băng xong, bác sĩ cho phép về nhà ba tháng tái khám. Khi được ra Hội Đồng Y Khoa, tôi vẫn chỉ là cái thân xác mà thôi, chứ chưa phục hồi được trí nhớ, nên không thể nào biết rằng tôi được phân loại 3, tàn tật vĩnh viễn, cấp độ tàn phế là 80%.

    Nhờ sự chăm sóc của người vợ hiền, của gia đình nội ngoại, ba năm sau tôi mới có thể cử động, đi đứng và nói năng trở lại.

    Nói là đi đứng nói năng trở lại được, nhưng thật ra tôi . . . nói ngọng, đi một chân . . . rưỡi mà thôi.

    Bộ Cựu Chiến Binh và Thương Phế Binh giúp đỡ tôi đủ mọi thứ để tôi có thể hoặc là đi học trở lại, hoặc là đi làm. Sẵn có khoá học Kế Toán, tôi thử lại đầu óc của mình bằng cách ghi danh học khoá này.

    Nhớ lại mình là ai? Nhớ lại công việc làm hàng ngày đã là chuyện khó đối với tôi rồi, nói chi đến việc ngồi cầm lại cây viết, nhất là lại phải làm tính cộng trừ nhân chia.

    Nhưng mà, đây khộng phải là đơn thuần một việc học, mà là TỰ THẮNG . Mà là . . . MƯU SINH THOÁT HIỂM.

    Tôi phải trước hết tự thắng cái đầu óc, cái thân xác của mình, phải chỉ huy cái khối óc cho nó hoạt động trở lại, cho chân tay tôi hoạt động theo nhịp tim đập, theo sự phán đoán của hệ thần kinh. Tôi phải học để từ đó tìm ra công việc làm mà nuôi sống gia đình, giúp đỡ vợ con. Trong suốt thời gian bệnh hoạn, vợ con tôi, gia đình tôi đã quá cực khổ vì tôi rồi.

    Mặc dù tôi bị tàn phế 80% nhưng 20% của phần thân thể còn lại, chăc chắn phải dùng được và chắc chắn phải có chỗ để tôi dùng nó chứ!

    Không uổng công lao học hành và vận động thân thể của tôi

    Tôi đã thi đậu cái bằng Chuyên Viên Kế Toán.

    Nhờ sự giới thiệu của Bộ Cựu Chiến Binh và Thương Phế Binh, tôi xin được việc làm tại Thủy Cục Sàigòn. May mắn hơn nữa, tôi đã được cấp đất để xây nhà trong làng Thương Phế Binh. Anh em chúng tôi, từ quan tới lính, lại được cùng chung sống với nhau như thủa nào trong các Trại Gia Binh. Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, chúng tôi đều tổ chức “Cây Mùa Xuân” để mọi gia đình đều có dịp vui chơi với nhau, đùm bọc lẫn nhau trong tinh thần Tương Thân Tương Trợ, trong tình Huynh Đệ Chi Binh. Cuộc đời tôi tưởng chừng cứ thế mà trôi đi . . .

    ***

    Nhưng biến cố 30 tháng Tư 1975 đã làm thay đổi vận mạng của cả Miền Nam Việt Nam, không riêng gì những người lính tại ngũ và anh em Thương Phế Binh chúng tôi.

    Bọn Việt Cộng ùa vào thành phố, việc đầu tiên là chúng đuổi anh em chúng tôi đi vùng kinh tế mới, với lý do là chúng tôi phải lao động, phải tham gia sản xuất.

    Lao động cái gì với tấm thân tàn phế? Sản xuất cái gì với một bàn tay, một bàn chân? Nhưng, dưới họng súng đe doạ của bọn Việt Cộng, một số anh em của chúng tôi đã phải bỏ nhà mà đi về những vùng đất xa lạ mà làm ruộng làm vườn.

    Bọn Việt Cộng mừng rỡ, vội vàng cho đám thương phế binh nón cối của chúng vào chiếm những căn nhà mà anh em chúng tôi dọn đi.

    Anh em chúng tôi phải bảo vệ lẫn nhau chứ!

    Chắc chắn là như vậy!

    Có tên nón cối nào dám dọn vào vùng cấm địa của chúng tôi mà ở hay không?

    Ngày mà bọn chúng được phân phối nhà cũng là ngày anh em chúng tôi kẻ chống nạng người mang bàn tay gỗ . . . đứng . . . nói chuyện vui với nhau ở bên ngoài.

    Bọn chúng đã chiếm cả Miền Nam của chúng tôi rồi, anh em chúng tôi không có phương tiện để chống lại chúng. Được đằng chân lên đằng đầu, chúng lại mon men chiếm cả nhà cửa, đuổi chung tôi đi nữa sao? Mặc dù không còn đủ chân đủ tay nhưng chúng tôi phải bằng mọi cách mà giữ lại phần đât cuối cùng của mình, cho gia đình mình.

    Thật là may mắn. Kể từ ngày hôm đó, không có tên nào dám lai vãng lại những làng Thương Phế Binh của chúng tôi cả, nói chi đến chuyện dọn vào đó mà ở.

    Mặc dù tôi còn đang làm việc ở Thủy Cục Sàigòn, và bọn cán ngố vẫn còn phải cần chúng tôi, nên tôi không bị sức ép phải dọn nhà đi, nhưng tôi biết chắc rằng, chúng chỉ giữ tôi ở lại một thời gian ngắn thôi. Sau khi rành rẽ công việc rồi, chắc chắn bọn chúng sẽ thải tôi ra ngay lập tức. Mặc kệ, tới đâu hay tới đó, còn làm được ngày nào hay ngày nấy. Tôi mua lại từng ký gạo, từng chai nước mắm ở chỗ làm để cho những anh em không còn chân, không còn tay, không thể nào làm việc nuôi thân được. Đôi khi tôi đưa cho họ đem bán đi, lấy tiền lời mua thêm được ít đồ ăn, phân phối cho cả bọn.

    Một bữa đang đạp xe về nhà, tôi thấy có một đám đông đang bu quanh hai người tàn tật đang cãi vã với nhau ở trên đường. Thấy hai người này có vóc dáng thương phế binh “Nón Sắt” nên tôi ngừng xe dắt bộ lại chen vào đám đông mà nghe xem họ cãi nhau vì chuyện gì? Mình có thể can được không? Tôi thấy một người còn một chân, đang lê lết dưới đất, người kia, tuy còn đủ hai chân, nhưng có . . . một tay thôi, đang dùng cánh tay còn lại của mình mà nắm kéo người kia đi:

    – Dzề nhà, tao nói chuyện cho mày nghe. Mày không được làm . . . “Mất Mặt Binh Chủng” như vậy được.

    Người đang bò dưới đất vừa khóc vừa trả lời:

    – Tao đã làm đủ mọi cách rồi, nhưng không kiếm được việc gì làm hết á. Con tao đói nguyên tuần nay rồi, vợ tao bịnh nằm chèo queo một đống, tao mới phải làm như vậy mà thôi, mày . . . thông cảm dùm tao.

    Tôi nghe được câu nói “Mất Mặt Binh Chủng” thì biết ngay họ là lính nón sắt rồi, nhìn vào cái nón và thế ngồi bò của người lính ở dưới đất, tôi đã hiểu ra phần nào câu chuyện, tôi cần phải làm một cái gì đó giúp họ. Trước hết, phải giải tán cái đám đông này đi trước khi bọn công an tới. Tôi quay đầu nhìn chung quanh, nói đủ nghe:

    – Hai người này có quen với tôi, họ chỉ nói chuyện với nhau thôi, chứ không có đánh lộn đâu, bà con giải tán đi, tôi sẽ đưa họ về nhà.

    Khi đám đông đã bỏ đi, tôi hỏi ngay:

    – Hai anh có phải là . . . Thương Phế Binh Cộng Hoà hay không? Tôi cũng là thương phế binh nón sắt đó.

    Đúng như tôi đoán chừng, cả hai đều là lính nón sắt. Khi nghe tôi tự giới thiệu, cũng là lính nón sắt, anh cụt tay đã kể vắn tắt cho tôi nghe:

    – Tụi em là lính Biệt Động, em tên Hổ, bị thương trước, nó tên Côi, bị thương trong trận An Lộc, cưa mất cái chân phải. Thời Cộng Hoà, tụi em còn được lãnh trợ cấp, tụi em cũng còn đi làm thêm kiếm đủ sống. Tới khi đám nón cối này vô, tụi em chẳng còn gì cả, ráng kiếm sống. Em bán vé số, ngày nào dư chút đỉnh là phụ nó mua gạo, mấy bữa nay ế qúa, lại thêm con vợ thằng Côi này bị bịnh, nên nó không có tiền mua gạo, nó mới nói với em, muốn lết ra ngoài đường xin tiền. Em không chịu, nói với nó: “Mày phải giữ mặt cho Ông Cọp chớ. Bề gì cũng là Biệt Động oai hùng, đói thì nhịn, làm cái gì mà phải đi xin ăn”. Sẵn mấy bữa nay em không ghé, nó lén em lết ra ngoài đường làm ăn mày. Ông Cọp không có thương nó, nên nó mới ra ngồi đây đã bị em đi ngang bắt gặp, em đang nắm cổ lôi nó về nhà chửi nó thì gặp anh đó.

    Nói tới đây, anh cụt tay oà khóc:

    – Em nắm nó về nhà nhưng mà cũng đâu có cách nào giúp nó đâu. Em cũng đói nè, mấy bữa rày trời mưa, bán vé số không có ai mua . . . Bíết làm sao bây giờ đây Ông Cọp ơi.

    Người lính ngồi dưới đất cũng ứa nước mắt khóc:

    – Cho tao xin lỗi mày, tao chịu dzề nhà. Tao hứa với mày không bao giờ đi xin ăn nữa. Tao ráng kiếm bất cứ việc gì làm để không làm mất mặt binh chủng nữa.

    Tôi nghe hai người thương phế binh đối đáp với nhau mà cũng ứa nước mắt thương cho tình đồng đội của hai anh lính Biệt Động.

    Sẵn còn ba ký gạo vừa mua được ở trong sở, tôi đưa ra tặng hai anh lính làm quà làm quen. Côi và Hổ cùng cầm bịch gạo, cám ơn tôi. Côi lấy cái nón đội lên đầu, nói với tôi:

    – Anh cho em gạo thì em cám ơn anh, nhưng vấn đề là làm sao để kiếm tiền kìa. Em gắn chân gỗ vô, có thể đi được. Em có tới hãng làm cà rem, xin bán, nhưng người chủ nói phải có tiền thế chân hoặc có người bảo đảm. Em không có tiền thế chân, cũng không có ai làm cơ quan nhà nước bảo đảm, nên họ không cho.

    Tôi suy nghĩ một hồi, rồi hỏi Côi:

    – Cái hãng làm cà rem đó, ở đâu? Mai em dẫn anh tới anh nói chuyện với họ, may ra có thể giúp được cho em’.

    Côi mừng rỡ, hẹn tôi ngày mai. Nói là hãng làm cà rem cho nó oai, chứ thật ra chỉ là căn nhà nhỏ, chủ nhà là vợ lính, chồng đã trình diện để đi . . . “Học Tập Cải Tạo”. Chị bán đồ đạc trong nhà mua cái máy làm kem cũ, đem về làm ịch đụi vừa cho có việc làm, vừa nuôi thân. Khi nghe tôi nói đang làm cho “Nhà Nước” có thể giúp chị mua sữa bột, mua đường, chị mừng rỡ đồng ý cho Côi nhận bình bán kem mà không cần tiền thế chân. Hổ thấy vậy vẫn chưa yên tâm, anh xin cũng được mướn bình đi bán chung với Côi, vì . . .

    – Thằng này có một cẳng hà, em phải phụ nó.

    Thế là hai anh lính “Ông Cọp” có việc làm. Mỗi ngày gặp nhau, hai anh đều khoe:

    – Em bán . . . được lắm, Trung uý.

    Một hôm, cả một đám kéo đến nhà tôi, tôi tưởng cả đám bị cho nghỉ việc, lo quá. Nhưng cả đám đều cười đùa vui vẻ, Hổ nói với tôi:

    – Bà chủ tin tưởng và thương tụi em lắm. Bữa qua có thằng Thế cũng muốn đi bán, nhờ em xin dùm. Bà chủ đồng ý, làm nó mừng hết lớn, cám ơn em quá chừng. Em nói nó: “Mày đi cám ơn ông thầy, chứ cám ơn gì tao”. Bởi vậy hôm nay cả đám kéo đến nhà ông thầy đây.

    – Thầy bà gì. Anh em thương lẫn nhau, đùm bọc lẫn nhau, người này giúp người kia, người kia giúp người nọ. Huynh Đệ Chi Binh mà.

    NGUYỄN VĂN GIÁO, K20

    Source:https://baovecovang2012.wordpress.co...-van-giao-k20/
    Last edited by dnchau; 05-12-2021, 06:09 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X