Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tôi nợ một lời hứa

Collapse
X

Tôi nợ một lời hứa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tôi nợ một lời hứa

    Tôi nợ một lời hứa


    Bảo Định


    Ngày QL19/6 năm 1974, cùng với một HSQ và một BS, chúng tôi vinh hạnh được đại diện SĐ18BB về Thủ đô SàiGòn tham dự ngày đại lễ. Hàng năm nhân ngày này, mỗi Sư đoàn, mỗi đại đơn vị và mỗi Quân Binh chủng, đề cử một sĩ quan, một HSQ và một BS, đại diện cho đơn vị mình, về

    Thủ Đô SàiGòn tham dự lễ Kỷ niệm ngày QL19/6, và du hành quan sát Đài Loan một tuần lễ. Đó là những chiến sĩ xuất sắc. Họ còn được chính Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu gắn Ưu Dũng Bội Tinh ngay trước tiền đình của Dinh Độc Lập.

    Riêng cá nhân tôi, đây là lần thứ hai tôi đưọc hưởng vinh dự này. Lần thứ nhất là ngày QL19/6 năm 1971. Lúc đó tôi là Đại úy ĐĐT/ĐĐ2/2. Nhưng thời gian Thủ đô Sài Gòn tổ chức lễ hội trọng đại này thì tôi đang cùng đơn vị bận hành quân ở Kampucia. Buổi chiều khi đơn vị vừa rút về bên này biên giới, qua cửa Xamát, đến Thiện Ngôn (Tây Ninh), tôi liền được lệnh bàn giao đại đội cho ĐĐP, lên Trung đoàn trình diện để nhận SVL về SàiGòn ngay. Thật là tin mừng sét đánh ! Khi về đến SàiGòn thì lễ hội đã xong. Ngày QL19/6 năm nay, Quân đội đã tổ chức một cuộc diễn binh rất long trọng. Các chiến sĩ xuất sắc được các cô thiếu nữ thủ đô choàng vòng hoa chiến thắng và Tổng thống VNCH gắn huy chương. Sau lễ hội, những chiến sĩ xuất sắc trên 4 Vùng Chiến thuật đã trở lại đơn vị, chỉ còn lối 30 chiến sĩ ở lại để làm thủ tục xuất cảnh đi Đài Loan. Tôi được Thiếu tá Đỗ Văn Tân, TĐT/TĐ2/43 cấp cho một chiếc xe Jeep để làm phương tiện đi lại. Dù được cấp phòng ngủ ở khách sạn, hàng ngày đến Tổng cục Chiến tranh Chính trị, cùng với 30 anh em CSXS khác làm thủ tục xuất cảnh, buổi chiều tôi lại về nhà ở Hốc Môn. Được xuất ngoại là điều thích thú, nhưng được sum họp với gia đình lại là điều hạnh phúc hơn. Vợ chồng chúng tôi mới có cháu gái đầu lòng, lên một tuổi.

    Vào một ngày đầu tháng 6 năm 1974, đơn vị đang mở cuộc hành quân qui mô cấp sư đoàn để giải tỏa An Điền - Rạch Bắp thuộc Quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Chiến đoàn 43 của Đại tá Lê Xuân Hiếu, đổ quân tại ngã ba Sở Sao, cặp theo bờ Tây ngạn con sông Thị Tính, đánh lên hướng Bắc; Chiến đoàn 52 của Đại tá Ngô Kỳ Dũng, từ Bến Cát đánh vào hướng Tây. Tôi dẫn TĐ2/43 vào vùng được vài ngày, trận chiến chỉ mới bắt đầu thì được lệnh bàn giao TĐ cho Đại úy TĐP Lê Văn Ven, để nhận SVL về SàiGòn tham dự ngày QL19/6.

    Tôi được xếp ở khách sạn Hưng Đạo, trên đường Trần Hưng Đạo. Sau khi các CSXS tham dự lễ hội trở về đơn vị, tôi được chuyển qua khách sạn Mondial, trên đường Phạm Ngũ Lão.

    Ngày QL19/6 năm1974, Quân đội không tổ chức cuộc diễn binh lớn như các năm 1971 và 1973. Tuy nhiên cũng có một cuộc diễn binh nhỏ bên trong sân cỏ của BTL/Biệt Khu Thủ Đô. Diễn hành chỉ có các đơn vị của Quân khu III và Biệt Khu Thủ đô. Chủ tọa buổi lễ là Chuẩn tướng Lam Sơn, TLP/BKTĐ. Tôi hân hạnh được xếp ngồi bên vị chủ tọa.

    Năm 1962, khi đang là SVSQ/TB/K13, ở giai đoạn 2, Đại tá Lam Sơn về thay thế Thiếu tướng Hồ Văn Tố, Chỉ huy trưởng, đột ngột qua đời. Tướng Lam Sơn gốc nhãy dù, nên luôn luôn ông đội nón bêrê đỏ. Ông rất nghiêm, lại nổi tiếng về tánh tình nóng nãy, nên ít ai dám đến gần ông. Nay ngồi cạnh bên ông, tôi cũng hơi e dè. Có một câu chuyện khá phổ biến nói về Tướng LamSơn. Hình như là khoảng thời gian 1954 hay 1955, lúc đó ông là Đại tá Tư lệnh một sư đoàn dã chiến ở vùng giới tuyến. Trong một lần khám súng, một Trung úy Cố vấn Mỹ, khi khám súng của một người lính, thấy buồn súng dơ, anh Trung úy này quẹt chất dơ đó lên gò má của người lính. Đại tá Lam Sơn thấy, cho đó là điều sỉ nhục, đã đánh anh Trung úy này. Sự việc về tới SàiGòn, ông bị cách chức tư lệnh và cho đi làm tùy viên quân sự một toà đại sứ. Được biết thời Đệ Nhị Thế chiến, lúc còn là Trung úy, ông đã phục vụ trong một đơn vị đồng minh trấn đóng ở Miến Điện, gần cầu sông Kwai. Khi về làm Chỉ huy trưởng Liên trường Võ Khoa Thủ Đức, ông thường cho lệnh Ban Quân nhạc trường Thủ Đức đánh bài “Cầu Sông Kwai” nổi tiếng, để nhớ lại một thời chinh chiến oai hùng của ông..

    Những ngày ở SàiGòn là thời gian vui thú nhất. Phái đoàn CSXS được hướng dẫn đi thăm viếng nhiều nơi. Vào Dinh Độc Lập để được Tổng thống gắn Ưu Dũng Bội Tinh, sau đó dự tiệc. Tại tiền đình Dinh Độc Lập, tôi là người đứng hàng đầu, và thứ tư, từ trái qua phải. Sau khi chào kính xong, Tổng thống sờ vào phù hiệu Sư đoàn 18BB của tôi bên cánh tay trái, nói: “Ngày hôm qua tôi lên thăm đơn vị anh ở Bến Cát…” Ông đã dừng lại khá lâu, trước khi gắn huy chương cho tôi. Lúc vào bên trong phòng tiệc, tôi hân hạnh được xếp ngồi cùng bàn với Phó Tổng thống Trần Văn Hương và Trung tướng Phụ tá An ninh Đặng Văn Quang. Một kỷ niệm, mỗi người vào phòng tiệc đều được BTC phát cho một vé số. Phần thưởng chỉ là chiếc radio hay TV,…Khi bắt đầu cuộc xổ số, tôi thấy PTT Hương cứ chăm chú dò số của mình. Dò mải vẫn không thấy trúng. Tướng Quang ngồi bên cạnh nói: “Thôi cụ ơi, số trúng chỉ để dành cho các CSXS, mình không có đâu”. Dự tiệc tại Bộ TTM/QLVNCH do Đại tướng Cao Văn Viên khoản đãi. Tai đây tôi đã chứng kiến TT Thiệu và PTT Kỳ không đi chung với nhau, cứ ông này vào phòng này, thì ông kia vào phòng khác, tránh gặp mặt nhau. Tại Dinh Độc Lập, Tổng thống Thiệu ở cánh phải, Phó Tổng thống Kỳ ở cánh trái, nhưng hai ngươi tránh gặp nhau. Tôi gặp ông Bộ trưởng Hồ Văn Châm, thấy tôi nói giọng Huế, ông rũ các anh em CSXS người Huế, các vị tướng người Huế, trong đó có Tướng Tôn Thất Đính, cùng chụp chung những tấm hình lưu niệm. Tình cờ tôi thấy Đại tướng Dương Văn Minh, ông mặc bộ vest đen, đứng sát tường, lẻ loi cô đơn một mình, không có ai đến bắt chuyện.

    Sư đoàn 18 BB có các cơ quan bảo trợ là Bộ Nội vụ, và Tổng Liên đoàn Lao công của ông Trần Quốc Bữu. Các cơ quan bảo trợ này đã đãi tiệc các CSXS/SĐ18. Tổng Liên đoàn Lao công thì tại văn phòng của ông Trần Quốc Bữu trong tòa nhà kiếng trên đường Lê Văn Duyệt. Bộ Nội vụ thì đãi tiệc tại nhà hàng Majestic.

    Phái đoàn CSXS năm 1974 do Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam làm trưởng đoàn. Ông là một sĩ quan gương mẫu, rất nghiêm nghị. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi lệnh đầu hàng của Tổng thống 48 giờ Dương Văn Minh ban ra, ông đã tự sát, thà chết không đầu hàng. Đúng là “Sinh vi Tướng, tử vi Thần”. Tro cốt của ông được đưa về chùa Già Lam ở Gò Vấp. Nhưng rồi bọn Cộng sản vô thần cũng không buông tha cho ông, và cấm nhà chùa chấp chứa. Bọn CS đã sợ cả tro cốt của một người nay không còn nữa.

    Trong buổi gặp đầu tiên trước khi phái đoàn lên đường, tại văn phòng của Trung tướng Tổng cục trưởng CTCT Trần Văn Trung, nằm trên Đại lộ Thống Nhất, do một cơ duyên nào đó, ông chỉ định tôi làm Phó Phái đoàn. Thật ra nhiệm vụ của tôi chỉ là người chuyển lệnh của vị Trưởng Phái đoàn mà thôi, coi như là Thường vụ của Phái đoàn.

    Đây là lần thứ hai tôi được diện kiến vị Tướng khả kính. Lần thứ nhất là sau Tết Mậu Thân, lúc đó tôi phục vụ tại Tiểu đoàn 31/BĐQ của Đại úy Đào Trọng Vượng đang hoạt động hành quân tại vùng Nhị Bình - Lái Thiêu. Một buổi sáng, chúng tôi được lệnh tất cả phải đội nón sắt (thường thì lính mũ nâu chỉ thích đội chiếc nón bêrê màu nâu của binh chủng), vì Đại tá Lữ đoàn trưởng LĐ3/ND Nguyễn Khoa Nam đến thăm. Cũng như Tướng Trưởng, Đại tá Nam luôn luôn vẫn đội nón sắt trên đầu. Thời gian này TĐ31/BĐQ đặt dưới quyền chỉ huy của Lữ đoàn trưởng LĐ3/ND để bảo vệ an ninh vành đai hướng Đông-Bắc của Thủ đô.

    Lần này tôi được du hành và làm việc chung với ông, một vị Tướng mà tôi hằng kính mến. Có hai kỷ niệm trong chuyến đi mà tôi nhớ mãi. Hôm đó Phái đoàn được đưa đi thăm trường Đại học Chiến tranh Chính trị, khi trở lại Taipei, ăn cơm trưa xong, trở về Teacher’s Hotel thì đã quá trưa. Vừa nằm chợp mắt một lúc thì tôi nghe tiếng gỏ cửa. Thiếu tướng Nam trong quân phục chỉnh tề đã đứng trước cửa, ông nói:

    “Anh cho anh em thức dậy chuẩn bị để đi dự tiệc”.

    “Thưa Thiếu tướng còn sớm quá, mới hơn 1 giờ!”

    “Anh cứ gọi anh em dậy, chuẩn bị là vừa.”

    Buổi chiều hôm đó, vào lúc 5 giờ, theo lịch trình, chúng tôi sẽ đi dự buổi tiệc do Tổng cục CTCT của Quân đội Trung Hoa Dân Quốc khoản đãi.
    Tại Đài Loan có thắng cảnh “Nhật Nguyệt Đàm” nổi tiếng. Lần đi trước tôi đã không có dịp, nay được đi thì thích quá. Phái đoàn đến Thạch Đầu Sơn lúc trời đã xế chiều. Chúng tôi được nghỉ ngơi và dạo phố. Đây là một thị trấn nhỏ, nhưng rất nổi tiếng về một loại trà. Trời sắp tối, chuẩn bị về khách sạn thì tôi được lệnh đi gắp Tướng Nam:

    “Tôi vừa nhận điện từ Đài Bắc là Bộ Tham mưu Tam Quân yêu cầu tôi và 4 Sĩ quan cấp Thiếu tá đến thuyết trình về kinh nghiệm chiến trường vào lúc 8 giờ ngày mai. Anh cho anh em chuẩn bị để chúng ta trở về Đài Bắc ngay trong đêm nay.”

    “Thưa Thiếu tướng, vậy là về hết sao ? Thiếu tướng và 4 anh em chúng tôi về là được rồi, cho các anh em khác ở lại để còn đi chơi Nhật Nguyệt Đàm.”

    “Không có tôi và anh, thì ai coi anh em ?

    Ngoài vị Trưởng Phái đoàn là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, có 4 sĩ quan cấp Thiếu tá, nhiều Đại, Trung, Thiếu, Chuẩn úy, HSQ và BS. Đầu năm 1974 có trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân VNCH và Hải quân Tàu cộng. Có 3 chiến sĩ xuất sắc thuộc quân chủng Hải quân: Một Trung úy, một HSQ và một thủy thủ. Vị Trung úy là người từng tham dự trận hải chiến Hoàng Sa. Khi danh sách 40 CSXS gửi qua tòa Đại sứ Đài Loan xin cấp visa. Họ đã từ chối cấp visa cho vị Trung úy với lý do: Tàu cộng là Trung Hoa, Đài Loan cũng là Trung Hoa. Đánh Tàu cộng là đánh Trung Hoa. Chúng tôi không thể cấp visa cho người đánh chúng tôi. Đó là lời giải thích của Tòa Đại sứ Đài Loan. Cho nên ta phải biết rằng: Tàu nào cũng là Tàu! Tinh thần đại Hán, tinh thần dân tộc của người Tàu khá cao, khác với bọn cộng sản ngu ngốc ở Hà Nội là đặt nặng chủ nghĩa cộng sản lên trên chủ nghĩa dân tộc. Bọn này thà mất nước chứ không thể để mất đảng! Đừng bao giờ có ảo tưởng Đài Loan sẽ luôn luôn đứng cùng chiến tuyến bên ta mãi mãi. Họ chỉ liên minh với ta tùy theo giai đoạn. Chính đường lưỡi bò 9 đoạn của họ Tập bây giờ là đường lưỡi bò 11 đoạn của họ Tưởng ngày trước.

    Trong thời gian làm thủ tục xuất cảnh và được hướng dẫn về văn hóa và phong tục của Đài Loan, các CSXS được đưa đi nhiều nơi. Những địa điểm thường đến là đài Phát thanh và Truyền hình Quân đội, và Tổng cục CTCT.

    Tại Tổng cục CTCT, tôi có dịp quen biết một HSQ, tôi không nhớ anh làm phòng nào. Nhưng được biết anh có sáng tác một bản nhạc hùng, ca ngợi SĐ18BB trong thời gian trấn thủ An Lộc. Đài phát thanh Quân đội đã phát đi bài này nhiều lần. Bây giờ được gặp tác giả, thật là điều lý thú. Vào Google, tôi gặp bản nhạc này, không biết có phải anh là tác giả ?

    “Hãy tràn lên trên tuyến xung phong. Thi đua giết thù u, u. u. ụ…Hiên ngang trên tuyến đầu u, u, ụ…Rừng Bình Long cao su. Chân trần gan thép…Đây máu quân Cộng đỏ tươi trên bờ vĩ tuyến. Đây chiến công sư đoàn…trên đường 13 thênh thang…Sư đoàn 18 thi gan can trường.”

    Trong lúc uống cà phê và trò chuyện, tôi nói với anh rằng xin đại diện Sư đoàn 18 BB, cám ơn anh đã nhắc đến những chiến công của sư đoàn trong thời gian ở An Lộc, và hứa sẽ về trình lại với Tướng Tư lệnh để có món quà cho anh.

    Sau bảy ngày du hành quan sát Đài Loan, máy bay của hãng hàng không Air Vietnam đưa chúng tôi từ phi trường Taipei, quá cảnh Hongkong, rồi về tới Phi trường Tân Sơn Nhất lúc trời đã xế chiều. Tất cả CSXS đều được Trung tướng Tổng cục trưởng Tổng cục CTCT cấp phép 10 hay 15 ngày về thăm gia đình, trước khi trở lại đơn vị. Trung tướng Trung hỏi tôi có muốn về Huế không ?

    Cầm tờ giấy phép 15 ngày đi Huế, lòng sung sướng khó tả. Đã lâu rồi, sau ngày biến động Miền Trung năm 1966, tôi đã không có dịp về Huế quê hương tôi. Nơi đã ghi dấu trong tôi biết bao là kỷ niệm. Nhưng khi tôi vừa về đến nhà ở Hốc Môn, vừa mới cởi xong một chiếc dày, thì thấy trước nhà một chiếc xe Jeep trờ tới. Trên xe bước xuống, và liền đi vào nhà tôi là vị Trung úy Tùy viên của Tướng Tư lệnh. Anh nói:

    “Thiếu tướng cho mời Thiếu tá ngày mai ra hành quân ngay”

    Thôi thế là xong một tờ giấy phép. Tôi nhớ một kỷ niệm cũ. Năm 1965, lúc đó tôi là Trung úy ĐĐT/ĐĐ3/3/Trung đoàn 46 BB trấn đóng vùng Cần Giuộc, Cần Đước, Long An. Đại đội có một sĩ quan cấp Chuẩn úy làm trung đội trưởng. Thời gian này, có lẽ do tình trạng vắng mặt bất hợp pháp hay đào ngũ khá nhiều, nên Bộ Tổng TM/QLVNCH đã ban hành sự vụ văn thư cho quan nhân nghỉ phép thường niên 15 ngày. nếu ở ngoài Trung thì thêm 5 ngày đi đường là 20 ngày. Quân nhân trong đơn vị được lập danh sách trước, cứ đến ngày là được cấp phép. Tôi nhớ thời gian này Trung tá Phạm Lê Thao làm Trung đoàn trưởng. Theo lịch trình, tôi được Ban 1 Trung đoàn đưa tờ giãy phép 20 ngày đi Huế. Nhưng tôi không nhớ do Trung đoàn trưởng hay Tiểu đoàn trưởng không cho tôi đi, với lý do chưa có sĩ quan hay thế. Ban 1 Trung đoàn đưa cho tôi tờ giấy phép 20 ngày đi Huế, tôi giữ trong túi đã gần sờn nát mà vẫn không được đi, mãi đến khi vị Chuẩn úy được thăng cấp Thiếu úy, được quyền Xử lý Thường vụ ĐĐT tôi mới được đi.

    Lần này thì vì lý do đơn vị đang tham dự một cuộc hành quân quan trọng là tái chiếm căn cứ Rạch Bắp, tôi đành tạm gác hạnh phúc riêng để lo việc chung. Mặc dầu tôi vẫn tiếc hùi hụi về kỳ nghỉ phép do Trung tướng Trần Văn Trung ký, với những dự định khi trở về thăm chốn cũ, nơi quê hương ngàn trùng xa cách.

    Từ sau ngày QL19/6 đó, tôi cứ mãi bận rộn quân vụ. Tôi không còn được nghỉ phép thường niên. Thỉnh thoảng tôi vẫn chuồn về Hốc Môn thăm gia đình trong vài tiếng đồng hồ, với tờ SVL do tôi ký cho tài xế, là đưa đơn vị trưởng đi công tác. Cuộc chiến ngày một khốc liệt, bận rộn việc lính, tôi không còn nhớ là tôi đã từng hứa một nhạc sĩ tài hoa là sẽ có món quà của Tư lệnh cho anh. Rồi vật đổi sao dời. Hôm nay nhớ lại, tôi thấy mình vẫn còn nợ một lời hứa./.


    Michigan, một ngày mùa đông năm 2017
    Bảo Định


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X