Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hành Trình Về Miền Đất Hứa Của Dân Tộc Việt Nam

Collapse
X

Hành Trình Về Miền Đất Hứa Của Dân Tộc Việt Nam

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hành Trình Về Miền Đất Hứa Của Dân Tộc Việt Nam

    Hành Trình Về Miền Đất Hứa Của Dân Tộc Việt Nam
    Trần Nhật Kim





    Tôi quay nhìn thành phố Hà Nội lần chót, như ghi lại những hình ảnh đã đậm nét trong tâm tư của tôi của một thời tuổi trẻ. Tôi linh cảm khó có cơ hội trở lại vùng đất thân yêu này, khi đất nước bị chia cắt thành hai miền khác biệt bởi ý thức hệ: Quốc gia và Cộng sản.

    Hà Nội đang chuyển mình theo đường hướng xã hội mới, xóa dần nếp sống và hình ảnh của một vùng đất nổi danh văn học, là cái nôi của văn hóa dân tộc, một nơi còn lưu lại những trang sử kiêu hùng của tiền nhân từ nhiều thế kỷ.

    Hà Nội đã thay đổi, mất dần vẻ thanh lịch của một thành phố ngàn năm văn vật, vừa cổ kính vừa đượm vẻ thơ mộng hữu tình. Theo hiệu triệu “Đời sống mới” của ông Hồ ngày 20-3-1947, lấy cớ áo dài không phù hợp và bất tiện khi làm việc, nhất là “hai áo dài may được 3 áo ngắn” tiết kiệm được 200 triệu đồng/năm, một “mẫu” đồng phục mới vừa xuất hiện, lẫn lộn giữa quân phục bộ đội và quần đen áo trắng của nữ giới. Một sự thay đổi bất thường, mang hình ảnh của đoàn “Hồng vệ binh” Trung cộng dưới thời Mao Trạch Đông vào thập niên 1940 sau ngày “giải phóng”, đẩy người dân Trung Hoa vào gông cùm cộng sản. Tôi gặp lại hình ảnh “Nhẩy Sạp” điên dại theo nhạc điệu “Sol, Đố, Mì” du nhập từ Trung quốc, đã xuất hiện ở Hải Hậu quê tôi vào năm 1946. Tập đoàn CS Hà Nội chỉ là đám tay sai ngoại bang “theo voi hít bã mía”, bảo sao làm vậy, đã không học được điều hay để rạng danh đất nước.

    Mặc dù đang vào mùa Xuân, nhưng thiếu vắng những tà áo dài nhung gấm mầu sắc lộng lẫy, điểm tô cho Hà Nội nét vui tươi như trước đây. Người Hà Nội còn lưu lại tại thành phố này phải nhẫn nhịn chịu đựng, hòa đồng với nếp sống mới để sống còn.

    Tôi như sống trong cơn mê. Một sớm một chiều đảo lộn tất cả, vất bỏ hết, kể cả gia tài tinh thần của tổ tiên để lại, những thứ mà người Hà Nội trân quý gìn giữ, yêu thương nhất. Những thứ mà người Việt đã đánh đổi bằng nước mắt và máu xương, bằng kiếp sống con người.

    Tôi xa dần khung cảnh quen thuộc vốn gắn bó tình người, đang chìm đắm trong hận thù giai cấp, để tới miền Nam xa lạ. Chúng tôi bỏ lại miền Bắc cả mồ hôi và nước mắt, cả tình yêu thương quyến luyến gia đình, để đi tìm một đời sống mới tại vùng đất tự do miền Nam, như làm theo bước chân của tiền nhân vào nhiều thế kỷ trước, đến khám phá một vùng đất tràn đầy nắng ấm, chan hòa lòng yêu thương và đầy ắp tình người.

    Hàng triệu người miền Bắc xuôi về phía Nam, thoát chạy khỏi loài quỷ dữ. Một cuộc Nam tiến bất đắc dĩ của những người đã đổ máu và nước mắt hy sinh cho sự hưng vong của mảnh đất thân yêu này, vì lầm tưởng sẽ được hưởng một nền độc lập, một đời sống hạnh phúc vui tươi trong khung cảnh độc lập, hòa bình toàn vẹn. Nhưng trái lại, chỉ cay đắng nhận lãnh sự bạc đãi, lừa gạt. Thay vì đoàn kết lại khiến dân tộc chia rẽ, biến một vùng đất tràn đầy tình cảm yêu thương, gắn bó tình người, trở lên vô cảm.





    Với hành động gây nghi ngờ thù hận giữa người với người có cùng huyết thống, khiến một đất nước vốn mang nặng tình làng nghĩa xóm trở lên nghi kỵ. Điều tệ hại hơn nữa, với chính sách “Đấu tố” đã lừa gạt người dân cổ võ sự gian dối xuyên tạc, bới móc đời tư người khác ngay cả người thân trong gia đình. Con tố cha vợ tố chồng để được tiếng trung thành với đảng, khiến tổ chức gia đình bị tan vỡ.

    Tất cả những đổi thay này đã phơi bầy sự lừa gạt của một chính quyền nô lệ ngoại bang, với ý đồ “chia để trị”, một biểu hiện “Thời kỳ Cộng thuộc” đã bắt đầu tại miền Bắc.

    Sau hải trình 3 ngày đêm trên quân vận hạm Marine Addler, chúng tôi tới bến cảng Sài Gòn. Tôi chưa biết nhiều về thành phố này cũng như nguồn gốc và sự hình thành của miền Nam, ngoại trừ những bản tin đăng tải rầm rộ trên báo chí trong thời gian gần đây, về cuộc di cư “vô tiền khoáng hậu”, lớn nhất của lịch sử dân tộc sau ngày 20-7-1954.

    Nhưng chính cuộc di cư bất đắc dĩ của hơn 1 triệu người từ Bắc vào Nam lại là dịp thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, không phân biệt ba kỳ “Bắc-Trung-Nam” vốn có từ thời Pháp thuộc, để thành lập một quốc gia dân chủ non trẻ: nước “Việt Nam Cộng Hoà” với Thủ đô là Sài Gòn.

    Tôi đã tự hỏi nhiều lần. Tại sao phải xa lìa nơi “chôn nhau cắt rốn”, trốn chạy khỏi chế độ cộng sản, phải di cư ngay trên quê hương của mình. Cuộc chia cắt đất nước có phải là giải pháp toàn vẹn cho dân tộc, hay chỉ để lại nhiều hệ lụy đau thương cho kẻ ra đi và những người còn ở lại, khi một nửa quốc gia trở thành thù địch vì Ý thức hệ: Quốc – Cộng?

    Những cảnh chia ly cho người thân trong gia đình hay những cuộc tình vừa chớm nở đã vụt tắt vì vận nước đổi thay, đã để lại nhiều đau thương trên giòng sông Bến Hải (vĩ tuyến 17). Những điều trên đã gợi nhớ sự chia cắt giang sơn vào thời “Trịnh – Nguyễn phân tranh” thành hai nước thù nghịch, phía bắc sông Gianh thuộc chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và Chúa Nguyễn cai trị ở miền Nam (Đàng Trong) kéo dài trong thời gian 150 năm (1627-1672 & 1774-1775), cách đây đã 292 năm.

    Sự chia cắt giang sơn thời “Trịnh Nguyễn phân tranh”, đã trở thành một bài học thuộc lòng cho nhiều thế hệ trẻ miền Nam sau này, hầu tránh vết xe đổ năm xưa, được tác giả Đằng Phương – Nguyễn Ngọc Huy ghi lại trong “Hận Sông Gianh”:

    Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ
    Đây sa trường, đây nấm mộ trời Nam
    Đây dòng sông, dòng máu Việt còn loang
    Đây cổ độ xương tàn xưa chất đống.

    Sông còn đây, hận phân ly nòi giống
    Máu còn đây, cơn ác mộng tương tàn
    Và còn đây, hồn dân Việt thác oan
    Bao thế kỷ chưa tan niềm uất hận.

    Ôi! Việt Nam cùng Việt Nam gây hấn
    Muôn nghìn sau để hận cho dòng sông
    Mộng bá vương Trịnh – Nguyễn có còn không
    Nhục nội chiến non sông còn in vết.

    Đây sông Gianh nơi nồi da nấu thịt
    Nơi gươm hồng tàn giết giống Lạc Hồng
    Nơi máu hồng nhuộm đỏ sóng dòng sông
    Máu dơ bẩn muôn đời không rửa sạch.


    Cộng sản Hà Nội đã quên bài học đau thương cũ, vì quyền lợi của đảng và phe nhóm, cam tâm làm tay sai cho Cộng sản Quốc tế, nhúng tay vào máu của chính đồng bào mình.

    o O o

    Sài Gòn đang ở trước mắt tôi…

    Về lịch sử dân tộc Việt, theo sử ký “Đại Việt toàn thư” và truyền thuyết, Đế Minh là cháu 3 đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương nam, khi tới núi Ngũ Linh (tỉnh Hồ Nam-Trung Hoa), lấy một nàng tiên đẻ ra Lộc Tục. Khi Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phương Bắc), còn Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Năm Nhâm Tuất, 2879 TCN (BC), Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Hồ Quân (Thần Long) là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con vua Đế Nghi) là Âu Cơ sinh 100 con trai. Vì tương khắc không thể sống chung, nên Âu Cơ (giống tiên) đem 50 con về miền núi, còn Lạc Long Quân (giống rồng) đem 50 con về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm vua là Hùng Vương.





    Vào thời gian này, lãnh thổ rất rộng lớn, từ phía Nam sông Dương Tử đến vùng Thanh Hóa. Theo truyền thuyết, nước Xích Quỷ chia làm nhiều nước nhỏ, gọi chung là Bách Việt. Vào đầu thời kỳ Đồ Đồng, người Việt gồm 15 nhóm Lạc Việt, sống trên vùng núi miền Bắc và vùng Châu Thổ sông Hồng, và 12 nhóm Âu Việt sống ở vùng Đông bắc. Ngoài ra còn một số nhóm sinh sống trên các lưu vực thuộc Thanh, Nghệ Tĩnh ngày nay.

    Các bộ tộc Lạc Việt gom lại lập thành nước Văn Lang và người đứng đầu xưng là Hùng Vương. Trong thời đại Hồng Bàng, các vua Hùng Vương truyền ngôi được 18 đời cho đến năm 258 Trước Công Nguyên (BC). Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam, có kinh đô đặt tại Phong Châu (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay). Lãnh thổ gồm Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Nước Văn Lang Đông giáp biển Đông, Tây giáp Ba Thục, Bắc giáp hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn Tinh (sau trở thành nước Chiêm Thành).

    Sau khi chiếm được nước Văn Lang của vua Hùng, Thục Phán đã sáp nhập với xứ Nam Cương lập ra nước Âu Lạc vào thế kỷ 3 Trước Công Nguyên (BC)

    Lãnh thổ Âu Lạc trải dài từ phía Nam sông Tả Giang (Quảng Tây-Trung Hoa) đến tận dẫy Hoành Sơn (tỉnh Hà Tĩnh).

    Vào thời kỳ Bắc thuộc, nước Nam Việt phía Tây giáp Dạ Lang và Câu Đinh, phía Đông giáp Mân Việt, phía Nam giáp dẫy Hoành Sơn, phía Bắc giáp phong quốc Trường Sa nhà Hán. Vào thời kỳ này, lãnh thổ của dân tộc Việt bị các Vương triều Trung Hoa đô hộ không liên tục trong 1000 năm.

    Thời kỳ Bắc thuộc
    – Khởi đầu từ năm 207 Trước Công Nguyên (BC), khi Triệu Đà tiêu diệt An Dương Vương và nước Âu Lạc, chia Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Năm 39 Sau Công Nguyên (AD), hai bà Trưng dấy binh giành được 65 thành trì ở Lĩnh Nam. Hai bà lên ngôi, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất.

    – Đến Năm 43 Sau Công Nguyên, nhà Hán sai Mã Việt mang quân sang đánh. Hai bà bị thua nên trầm mình ở sông Hát giang. Thời kỳ này chấm dứt vào năm 541 khi Lý Bí nổi dậy chống nhà Lương và thành lập nhà Tiến Lý nước Vạn Xuân, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai.

    – Năm 602, khi nhà Tùy mang quân đánh chiếm nước Vạn Xuân, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba. Thời kỳ này chấm dứt vào năm 938, khi Ngô Quyền mang quân đánh tan quân Nam Hán và lập ra nhà Ngô, khởi đầu nền tự chủ kéo dài gần 400 năm.

    Việt Nam được độc lập kể từ khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán vào năm 938. Việt Nam vào thời gian này chỉ còn 8 châu: Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn, vì các châu Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An bị Nhà Hán chiếm đoạt. Lãnh thổ của Việt Nam vào thời kỳ này gồm khu vực Bắc Bộ và địa phận các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

    Năm 968, Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Đời Vua Lê Thánh Tông đổi là Đại Việt vào năm 1054.

    – Năm 1406, nhà Minh đem quân sang đánh chiếm, sáp nhật Việt Nam thành quận huyện của Trung Hoa. Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa tại Lam Sơn-Thanh Hóa, mở đầu triều đại mới nhà Hậu Lê và chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư vào năm 1427.

    Sau Bắc thuộc lần thứ tư, Việt Nam có gần 500 năm (1427-1883) tự chủ. Sau đó, Việt Nam rơi vào thời kỳ Pháp thuộc kể từ năm 1883 theo Hòa Ước Giáp Thân (1884) ký kết giữa Pháp và nhà Nguyễn. Việt Nam bị chia làm 3 kỳ trong Liên bang Đông Dương thuộc Pháp: Bắc kỳ và Trung kỳ là xứ bảo hộ, Nam kỳ là đất thuộc địa.

    o O o

    Thời kỳ tự chủ
    Các triều đại quân chủ Việt Nam tiếp tục mở rộng đất nước về phía Nam qua nhiều thời kỳ, khởi đầu là nhà Lý:





    – Nhà Lý: Năm 1069, Lý Thánh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ (Jaya Rudravarman). Để được tha, vua Chiêm đã cắt phần đất phía Bắc Chiêm Thành là 3 châu: Bố Chính, Ma Linh và Địa lý cho Đại Việt. Những châu ấy nay ở địa phận các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình và huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị.

    – Nhà Trần: Năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Simhavarman), cắt 2 châu: châu Ô và châu Rí cho vua Trần Anh Tông để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của Đại Việt. Vùng đất này hiện nay là nam Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

    – Nhà Hậu Lê: Năm 1471, vua Lê Thánh Tông mang quân tiến vào kinh đô Vijava của Chiêm Thành, kinh thành bị thất thủ. Vua Lê Thánh Tông đã sáp nhập vùng đất bắc Chiêm Thành vào Đại Việt, là 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay. Đến năm 1471 lãnh thổ của Đại Việt tiến đến đèo Cù Mông (Ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên).

    – Chúa Nguyễn (Đàng Trong): Do áp lực của chúa Trịnh (Đàng Ngoài), các chúa Nguyễn đã mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phía Nam.

    – Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng chiếm vùng đất của Chiêm Thành ngày nay là Phú yên.

    – Năm 1623, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên được vua Chân Lạp là Chey Chettha II nhượng vùng đất Mô Xoài (vùng đất thuộc Bà Rịa-Vũng Tầu) để lập 2 đồn thu thuế tại Kas Krobei và Prei Nokor.

    – Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần tiến chiếm vùng đất Khánh Hòa, lấy sông Phan Rang làm ranh giới. Vùng đất phía Đông của sông Phan Rang đến Phú Yên đặt dinh Thái Khang. Phần phía Tây thuộc Chăm Pa.

    – Năm 1693, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, tướng Nguyễn Hữu Cảnh đã sáp nhập phần còn lại của Chiêm Thành để lập trấn Thuận Thành (Bình Thuận và Ninh Thuận ngày nay).

    – Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai thành huyện Phước Long dựng lên dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình.

    – Năm 1708, Mạc Cửu (thương nhân người Hoa) khai phá đất Hà Tiên, Kiên Giang của Chân Lạp (đất Hà Tiên và Kiên Giang) đã xin nội thuộc chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn phong chức Tổng binh cai quản.

    – Năm 1736-1739, Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu) khai phá thêm vùng đất Cà Mâu, Bạc Liêu và Cần Thơ đưa vào lãnh thổ Đàng Trong.

    – Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Ang Snguon) đã dâng đất Tân An và Gò Công cho chúa Nguyễn để cầu hòa.

    – Năm 1757, Nặc Nguyên chết, chú là Nạc Nhuận (Neac Ang Nhuan) dâng 2 xứ Treah Trapeang và Basac (Trà Vinh và Sóc Trăng) để chúa Nguyễn Phúc Khoát cho làm vua Chân Lạp. Sau khi Nạc Nhuận chết, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã hỗ trợ Nặc Tôn lên ngôi. Nạc Tôn đã xin dâng vùng đất nay là Châu Đốc và Sa Đéc.





    Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, các chúa Nguyễn đã đưa người ra khai thác và kiểm soát các đảo lớn và quần đảo trên biển Đông và vịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được kiểm soát và khai thác từ đầu thế kỷ 17, Côn Đảo năm 1704, Phú Quốc năm 1708 và quần đảo Trường Sa năm 1711. Năm 1816, vua Gia Long giao cho hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, vào năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Định. Năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định, đến năm Mậu Thìn (1808) đổi tên Trấn Gia Định thành Gia Định Thành gồm 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên.

    Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn-1832), vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành, đổi các trấn thành tỉnh, chia 5 trấn của Gia Định Thành trước đây thành 6 tỉnh: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, Anh Giang và Hà Tiên. Năm Giáp Ngọ (1834), vùng Lục tỉnh thuộc Gia Định Thành trước đây được gọi chung là Nam Kỳ. Từ đó có tên gọi “Nam Kỳ Lục Tỉnh”.

    Năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông và năm 1864, Đô Đốc De la Grandière chia miền Đông là 7 khu vực gồm: Bà Rịa, Biên Hòa, Cần Giờ, Mỹ Tho, Sài Gòn – Chợ Lớn, Tân An – Gò Công và Tây Ninh.

    Năm 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, chia toàn cõi Nam Kỳ thành 27 hạt thanh tra hay tiểu khu và chính thức hóa tên gọi các địa danh này bằng tiếng Nôm trong văn bản hành chính.

    Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn gọi là các phân khu hành chính, mỗi khu vực lại được chia thành các “hạt” hay “tiểu khu”:

    – Khu vực Sài Gòn có 5 tiểu khu: Tây Ninh, Thủ Đầu một, Biên Hòa, Bà Rịa và Sài Gòn.
    – Tỉnh Biên Hòa cũ chia thành 3 tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An và Chợ Lớn.
    – Khu vực Vĩnh Long có 4 tiểu khu: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc.
    – Khu vực Bát Xắc có 6 tiểu khu: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ và Sóc trăng.

    Theo nghị định ngày 16-1-1899, đổi tên hạt thành tỉnh. Từ ngày 1-1-1900, Nam Kỳ chia thành 20 tỉnh. Ngoài ra còn 3 thành phố độc lập là: Sài Gòn, Chợ Lớn và Vũng Tầu (Cap Saint Jacques) không thuộc hạt nào.

    o O o

    Bên cạnh công trình khai phá những vùng đất để mở mang bờ cõi của các đời vua đều hướng về phương Nam qua nhiều thế kỷ. Việt Nam trở thành một nơi đã hấp dẫn các nhà thám hiểm ngoại quốc ghé thăm, trong đó phải kể tới Trung úy John White (1782-1840) thuộc Hải Quân Hoa Kỳ, theo hành trình từ cảng Salem thuộc quận Essex của tiểu bang Massachusetts, đến khám phá Sài Gòn và một số tỉnh miền Nam Việt Nam vào ngày 7-10-1819.

    Ông đã ghi lại nhận định về những gì mắt thấy tai nghe tại “Sài Gòn” trong tác phẩm “A voyage to cochinchina”. Một điều khiến ông có cảm tưởng tốt đẹp về phong tục tập quán và nếp sống hài hòa, thân thiện của người dân bản địa, một đặc điểm khác hẳn với những nơi ông đã đi qua. Hình ảnh buôn bán tấp nập tại các khu chợ dọc theo bờ sông và các kinh rạch, hàng hóa bầy bán khắp nơi với giá rẻ, người bán hàng vui vẻ hòa nhã, khiến Sài Gòn sẽ phát triển mạnh trong tương lai và trở thành điểm hẹn, một nơi hấp dẫn nhiều quốc gia tới giao thương.

    Là một sĩ quan thuộc Hải Quân, ông nhận ra ưu điểm của Sài Gòn trên đường phát triển là do kinh rạch chằng chịt khiến giao thông được thuận lợi, nhờ vậy mà việc giao thương với các quốc gia trong vùng ngày một phát triển. Khi rời Sài Gòn ông đã mang theo một số sản phẩm mua tại địa phương như đường thô, lúa cao và một số trang phục địa phương, kỷ niệm cho lần thám hiểm này.

    Sau Trung úy John White (Mỹ), bác sĩ George Finlayson là (1790-1823), là thành viên trong phái bộ thương mại Anh do John Crawfurd dẫn đầu, cũng tới Sài Gòn vào năm 1822. Ông chú trọng tới sinh hoạt thương mại của nơi này và nhận định: “Các sản phẩm của người dân bản xứ như lúa gạo, ngũ cốc và gia súc… bầy bán khắp nơi với giá rẻ. Hành trình của ông bị dang dở vì sức khỏe và qua đời trên đường từ Bengal về Anh quốc vào tháng 8-1823. Những ghi nhận của ông George Finlayson về hành trình tới Sài Gòn và địa phương khác, được Sir Stamford Raffes, F.R.S., ghi lại trong tác phẩm xuất bản năm 1826 dưới nhan đề: (The Mission to Siam and Hue, the Capital of Cochin China, in the years 1821-2, from the journal of the late George Finlayson, ESQ.).

    Theo ông Léopold Augustin Charles de la Barrière (1828-1891, một sĩ quan hàng hải người Pháp và là một văn sĩ đến thăm Sài Gòn, đã nhận định về cảnh thuyền bè ra vào tấp nập tạo thành một thành phố nổi tại các bến cảng. Phố phường nhộn nhịp với sự hiện diện của người như Ấn Độ, Pháp, Phi Luật Tân và người Tầu, đã mang đến cho Sài Gòn bộ mặt của một thương cảng quốc tế.

    Sau khi chiếm Nam Kỳ, Pháp giành toàn quyền bảo hộ từ năm 1858. Vào năm 1859, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên bộ đều phụ thuộc vào hai giao lộ chạy dọc theo kinh rạch, còn đa số hàng hóa đều vận chuyển bằng đường thủy nối liền với sông Sài Gòn. Theo nhu cầu phát triển, người Pháp đã xây dựng Sài Gòn thành một đô thị với phong cách Âu châu hầu cạnh tranh với Singapore và HongKong của Anh quốc.

    Trở lại với thành phố Sài Gòn (Khi viết không có dấu: Saigon) do Trung tá công binh Paul Florent Lucien Coffyn (1810-1871) thực hiện theo mô hình Âu châu, với dinh thụ và văn phòng của các cơ quan. Vào năm 1861, địa phận thành phố Sài Gòn được giới hạn một bên là rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé và một bên là sông Sài Gòn. Đến năm 1867, Sài Gòn được giao cho Ủy ban thành phố gồm 1 ủy viên và 12 hội viên, đứng đầu là Thị trưởng Charles Marie Louis Turc.

    Năm 1870, người Pháp đã sáng tác một biểu tượng (Logo) của Sài Gòn, mang ý nghĩa:

    Hai con cọp tượng trưng Sài Gòn là vùng đất hoang sơ.
    Hình con tầu ở giữa chứng tỏ nơi đây có nhiều kinh rạch.
    Phía trên có vương miện 5 cánh tượng trưng cho Sài Gòn sẽ giao thương với 5 châu 4 biển.
    Những dòng chữ: “Paulatim Crescam” mang ý nghĩa: “Cứ từ từ, tôi sẽ phát triển”.






    Ngày 15-3-1874, Tổng Thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn.

    Sài Gòn đã trở thành Trung tâm Hành chánh, Kinh tế, Văn hóa và Giáo dục của Liên bang Đông Dương, được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông (La perle de l’Extrême Orient), là nơi trao đổi hàng hóa giữa người bản xứ và thương nhân các quốc gia ghé qua.

    o O o

    Trên bước đường thâu phục các vùng đất phương Nam từ Thanh Hóa đến Cà Mâu của các đời Vua nhà Nguyễn, khiến Nam kỳ trở thành nơi quy tụ sắc dân của nhều cộng đồng như: Chân Lạp, Chiêm Thành, Cao Miên , người Minh Hương… Người Minh Hương phải lưu vong sang Việt Nam sau khi Nhà Thanh thay thế Nhà Minh ở Trung Hoa, làm đời sống xã hội và chính trị của nước này bị xáo trộn. Những cộng đồng này có phong tục tập quán riêng biệt, nhưng vẫn tuân thủ luật lệ cũng như hòa nhập với tập tục của người bản địa.

    Theo “Phủ biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn (1726-1784), Sài Gòn là nơi quy tụ sắc dân của nhiều nước và người dân đến từ các tỉnh khác từ miền Bắc và miền Trung với những hoàn cảnh khác biệt. Người có tài lực đến Sài Gòn khẩn hoang lập ấp hay tìm đời sống an lành tại địa phương cư ngụ.

    Theo nhận định của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) Sài Gòn là “tứ phương tạp xứ”, là nơi quy tụ người dân đến từ nhiều vùng, nhiều nước đến Sài Gòn kiếm sống. Vì vậy, người dân Sài Gòn được mệnh danh là nơi quy tụ dân “Tứ chiếng” như Hà Nội. Nhưng “tứ chiếng” của Hà Nội (*) khác với “tứ chiếng” của Sài Gòn. Dân “Tứ chiếng” của Hà Nội chỉ bao gồm cư dân thuộc bốn vùng quanh Hà Nội: “Chiếng Sơn Nam, Chiếng Kinh Bắc, Chiếng Sơn Tây và Chiếng Hải Dương”, còn dân “Tứ chiếng” của Sài Gòn gồm sắc dân của nhiều quốc gia đến cư trú với phong tục tập quán khác biệt, đã hòa nhập với người bản xứ. Do đó, lối sống của người miền Nam phóng khoáng, rộng rãi hơn, nhất là cùng hoàn cảnh đi tìm đời sống an lành tại vùng đất mới, nên yêu thương đùm bọc những người kém may mắn hơn. Hành động giúp đỡ những người đồng cảnh đã trở thành bản chất của “Người Sài Gòn”.

    Vì được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu hai mùa mưa nắng, nhất là sống trên vựa thóc nên người miền Nam không lo tới cái ăn cái mặc, không cần chắt bóp dành dụm cho ngày mai. Lối sống cởi mở của người Sài Gòn, như nhiều người nhận định, dễ thích hợp với mọi tầng lớp dân chúng và Sài Gòn cũng là nơi có nhiều cơ hội phát triển hơn.

    o O o

    Sài Gòn quy tụ sắc dân của nhiều quốc gia, từ Âu sang Á, từ Tây sang Đông, là một ngã tư quốc tế, là trục nối các vùng thịnh vượng tại Đông Nam Á châu, Hong Kong – Sài Gòn – Singapore. Vì liên hệ thương mại với nhiều quốc gia, nên người Sài Gòn thông thạo các ngoại ngữ, cũng như lối sống cởi mở phóng khoáng. Hơn nữa, miền Nam là đất thuộc địa của Pháp từ sau Hòa Ước Giáp Thân 1884, nên dù bị ảnh hưởng bởi nếp sống Tây phương nhưng luôn trân quý, gìn giữ văn hóa và phong tục tập quán nước nhà.

    Điểm nổi bật nhất của người Sài Gòn là nếp sống tự do dân chủ, không chịu sự gò bó khất phục dưới bất cứ hình thức nào. Vì sống chung với nhiều cộng đồng các quốc gia, nên tinh thần công bằng và tự do đã trở thành nếp sống quen thuộc của người dân Sài Gòn.

    Sài Gòn là quê hương của những người tới đây lập nghiệp, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi ghé thăm, luôn cảm thấy yêu thương gắn bó và mong muốn trở lại nơi này. Sài Gòn là vùng đất dễ hội nhập và có nhiều cơ hội phát triển, mà chỉ một sớm một chiều những người tới đây đã nhận ra mình là “Người Sài Gòn”.

    Trần Nhật Kim

    Chú Thích
    Hình ảnh và tài liệu tham khảo trên mạng Bách khoa mở (Wikipedia).

    – Châu Phước Huy: Tính cách người Sài Gòn.

    – (*) Trong sách “Lịch triều hiến chương loai chí” ông Phan Huy Chú đã có những nhận xét về “tứ chiếng”. Tứ chiếng đọc chệch từ “Tứ chính”, bao gồm những địa danh:

    – Chính Sơn Nam
    – Chính Kinh Bắc
    – Chính Sơn Tây
    – Chính Hải Dương

    Người dân Tứ Chính có trình độ phát triển cao hơn những dân của các vùng khác. Khẩu ngữ “Trai tứ chiếng” có nghĩa những người trai tài giỏi đến từ 4 kinh trấn xung quanh kinh đô Thăng Long, mà sau này được hiểu rộng hơn là những chàng trai từng trải từ bốn phương đến tụ hội. Cụm từ “trai tứ chiếng, gái giang hồ” bị người thời nay khinh miệt, hiểu lầm là phường bất lương đĩ điếm, đâm thuê chém mướn. Thực ra, theo học giả Đào Duy Anh phân tích trong Hán-Việt từ điển giản yếu, cụm từ về “Gái giang hồ” như sau:

    Chữ “Giang Hồ” có gốc Hán-Việt ( 江湖 ) được hiểu là Tam giang và Ngũ hồ là nơi ẩn dật, không định trú. Giang hồ dùng để chỉ cuộc sống phóng túng, nay đây mai đó. Tuy nhiên, dưới thời Phong kiến, từ giang hồ chỉ được xử dụng cho nam giới chứ không chấp nhận cho bậc nữ lưu. Cụm từ “Trai tứ chiếng, Gái giang hồ” được biện minh qua ca dao:

    “Trai tứ chiếng, Gái giang hồ
    Gặp nhau làm nổi cơ đồ cũng nên”.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X