Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bà Nguyễn thị Mai Anh; Bà Phan thị Minh Yến

Collapse
X

Bà Nguyễn thị Mai Anh; Bà Phan thị Minh Yến

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bà Nguyễn thị Mai Anh; Bà Phan thị Minh Yến

    Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phu Nhân của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

    Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh năm 1931, là con gái thứ bảy (nên còn có biệt danh Cô Bảy Mỹ Tho) trong một gia đình Công giáo ở Mỹ Tho có mười anh chị em.

    Lúc còn niên thiếu, Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng người em gái Tám Hảo thường xuyên lên Sài Gòn để đi học và thăm thân nhân. Do gia đình quen biết với dược sĩ Huỳnh Văn Xuân, làm việc ở viện bào chế Trang Hai, hai chị em Bà được giới thiệu làm trình dược viên tại Viện bào chế Roussell. Chính ông Huỳnh Văn Xuân làm mai mối cho Nguyễn Văn Thiệu (lúc đó đang đeo lon Trung úy) quen Mai Anh. Mặt khác, cậu Mai Anh là Đặng Văn Quang cũng là bạn đồng khóa Trường Võ bị Đà Lạt với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nên cả hai người được se duyên thành vợ chồng, dù có đôi chút trở ngại vì Mai Anh theo đạo Công giáo. Ông Bà chính thức làm lễ cưới vào năm 1951. Sau này, vào năm 1958, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mới rửa tội theo Công giáo.

    Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn không can dự vào chính trường, mà chỉ chú tâm vào các hoạt động xã hội.
    Ở cương vị là Phu Nhân của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Bà rất thông cảm với sự thiếu thốn những trung tâm y tế phục vụ người dân. Vì thế, sau nhiều năm hoạt động xã hội, Bà Nguyễn Thị Mai Anh là người đã gợi ý và khởi xướng thành lập một bệnh viện phục vụ người dân ngay tại thủ đô Saigon.

    Bệnh viện Vì Dân tọa lạc tại ngã tư Bảy Hiền, thường được giới bình dân Sài Gòn hay kêu đó là bệnh viện Bà Thiệu. Bệnh viện được xây dựng do Bà vận động quyên tiền từ thiện của nhiều người bao gồm: Thân hào Nhân sĩ, Thương gia, Kỹ nghệ gia…
    Bệnh viện Vì Dân là bệnh viện tư nhân, nhưng được điều hành như bệnh viện công. Người dân vào khám và chữa bệnh được miễn phí hoàn toàn. Sau khi Bác Sỹ khám bệnh xong thì bệnh nhân được phát thuốc theo toa. Nếu ai bị bệnh nặng thì được nằm lại bệnh viện để chữa bệnh.

    Lễ đặt viên đá đầu tiên đã cử hành ngày 17 tháng 8 năm 1971. Nhờ sự tín nhiệm và giúp đỡ của các nhà Hảo tâm, các Cơ quan Từ thiện trong nước và ngoại quốc, các Cơ quan quốc tế, và các quốc gia bạn, nên việc xây cất và trang bị các phương tiện y khoa được tiến hành một cách nhanh chóng và đầy đủ.

    Bệnh Viện Vì Dân được khánh thành ngày 20 tháng 3 năm 1973 với 400 giường bệnh và nhiều phân khoa khác nhau: khoa Ngoại và Nội trú, khoa giải phẫu, khoa xét nghiệm, khoa tai mũi họng, khoa quang tuyến, nhãn khoa, khoa nhi đồng, nhà thuốc tây…Bệnh Viện Vì Dân là bệnh viện lớn và tân tiến nhất ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Bệnh viên có nhiều vị Bác Sỹ và Y Tá chuyên môn, cũng như xử dụng những dụng cụ y khoa tân tiến nhất. Sau khi Bà Nguyễn Thị Mai Anh phát biểu trong buổi lễ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng với Phu nhân cắt băng khánh thành.

    Ngày 21 tháng 4 năm 1975, do những áp lực từ cнιếɴ trường, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức trên đài truyền hình. Sau đó Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng gia đình rời khỏi Việt Nam vào đêm 25 tháng 4 và bay tới Đài Bắc để phúng điếu Tưởng Giới Thạch với tư cách là Đặc sứ của Việt Nam Cộng hòa. Lúc đầu cả gia đình sang sống tại Đài Loan, nơi trước đó ông Nguyễn Văn Kiểu, anh ông Thiệu làm Đại sứ.

    Sau khi con trai thứ hai, Nguyễn Quang Lộc sang Anh Quốc học, thì cả nhà lại sang London định cư, và sống ở đó trong suốt 15 năm. Khi mấy người con sang Mỹ để tiếp tục con đường học vấn năm 1985, thì cả nhà cũng đến định cư tại thành phố Boston vì Bà Mai Anh muốn ở gần những người con của mình.

    Ông bà có 3 người con là:
    • Nguyễn Thị Tuấn Anh (Trưởng nữ)
    • Nguyễn Quang Lộc (Trưởng nam)
    • Nguyễn Thiệu Long (Thứ nam)
    Ngày 29 tháng 9 năm 2001, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ trần tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess Medical Center thuộc thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ sau khi bị đột quỵ ở nhà. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được an táng tại Boston. Lúc mất ông hưởng thọ 78 tuổi.

    Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói: “Tôi mong có dịp về lại Việt Nam thăm mồ mả Ông Bà, và mang tro cốt của ổng (chồng, Nguyễn Văn Thiệu) về khi đất nước bình yên; Ông Già có trối rằng: “Nếu được thì đem chôn tại quê ông ở Phan Rang, nếu không thì rải một nửa xuống biển và một nửa trên núi”, Bà nói như vậy về ước vọng của Bà như một phụ nữ Việt Nam bình thường không quên ơn Tổ tiên dòng họ.

    Một người từng làm việc trong Dinh Độc Lập dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói về Bà như sau: “Tôi luôn luôn giữ lòng quý mến đối với Tổng thống Phu nhân. Bà lúc nào cũng giữ nếp sống bình dị của người đàn bà phúc hậu, bao dung của sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với tôi, Bà Thiệu là hình ảnh một người mẹ, một người vợ hiền đảm đang hơn là một vị Đệ Nhất Phu nhân sống trong tột đỉnh của quyền thế và nhung lụa giàu sang. Bà Thiệu là người đáng kính, không có cái kênh kiệu của một người có quyền thế vì Bà là một người đứng cạnh chồng, chỉ biết lo cho gia đình mà thôi.

    Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc nào cũng vui vẻ và thân thiện với tất cả mọi người chung quanh. Khuôn mặt phúc hậu và nhân cách của Bà làm người đối diện cảm thấy gần gũi và kính trọng. Bà không bao giờ câu nệ về cách cư xử của nhân viên thuộc cấp. Mỗi lần gặp mặt, Bà luôn luôn lên tiếng hỏi thăm sức khỏe chúng tôi trước, không kịp để chúng tôi chào Bà. Điều đặc biệt là Bà không bao giờ đề cập đến bất cứ chuyện gì có liên quan đến việc làm của Tổng Thống Thiệu với chúng tôi. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, chỉ có một lần duy nhứt tôi nghe Bà than phiền với ông Thiệu bằng lời lẽ rất ôn tồn về một nhân vật có đầy quyền thế tại Phủ Tổng thống trong lúc tôi đang đứng bên cạnh.

    Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thường đi ủy lạo Thương binh ở khắp bốn vùng chiến thuật cũng như tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Đồng thời bà còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và từ thiện nữa. Nhận thấy xã hội còn nhiều nhiễu nhương nên Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã thành lập “Hội Phụ Nữ Phụng Sự Xã Hội” vào ngày 1 tháng 6 năm 1968 để an ủi và giúp đỡ người dân. Bà nói: “Xã hội bây giờ đang nhiễu nhương. Phụ nữ phải tham gia làm công tác xã hội với sự yêu thương và đồng cảm để có thể xoa dịu phần nào sự đau khổ của họ“.

    Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dành hầu hết thì giờ của mình để cứu trợ những người тỵ ɴạɴ cнιếɴ tranh, quả phụ mất chồng trong cuộc cнιếɴ và đặc biệt là những cô nhi bị bỏ rơi. Trong một lần đi thăm trẻ em mồ côi ở cô nhi viện Don Bosco tại Saigon thì Bà bồng một em bé lên, với khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười rất tươi Bà nói với mọi người hiện diện rằng: “Một trong những đặc ân mà tôi thích nhất là cái ngày mà tôi được quyền gọi các em cô nhi là các con của tôi.“

    Nhân lúc bế giảng khóa học dành cho những bà vợ của thành viên nội các tại Dinh Độc Lập vào ngày 30 tháng 4 năm 1968, Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói: “Phụ nữ, ngoài nhiệm vụ ở hậu phương là yểm trợ tiền tuyến bằng cách giúp băng bó những vết thương mà còn có thể xông pha ngoài cнιếɴ trận để đánh giặc như Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị nữa. Tôi nghĩ rằng phụ nữ nên tự nguyện học một khóa căn bản về quân sự để có chút hiểu biết hầu có thể giúp đỡ tiền tuyến lúc cần thiết“.
    Không những thường xuyên đi hiến máu, Bà còn khuyến khích mọi người đi hiến máu như Bà. Năm nào Bà cũng tham dự ngày lễ diễn hành nhân ngày giỗ Hai Bà Trưng. Ngay cả hiện tại ở Mỹ Bà vẫn tham dự ngày lễ giỗ Hai Bà hằng năm.

    Mặc dầu là vợ của một Tổng Thống, nhưng vì sinh trưởng ở Mỹ Tho, nên giọng nói và tánh tình của Bà hiền hậu và dễ thương như những người sinh trưởng ở miền Nam.

    Vào năm 1972, một người Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam đã xin phép lấy tên Bà Nguyễn Thị Mai Anh đặt cho một giống Lan: Brassolaeliocattleya Mai Anh. Nhân dịp này tên của Bà Đinh Thúy Yến (Phu nhân Thủ tướng Trần Thiện Khiêm) cũng được đặt tên cho một giống Lan: Brassolaeliocattleya Dinh Thuy Yen.
    Năm 2009 Bà dọn qua sống với gia đình con trai là anh Nguyễn Quang Lộc tại Orange County thuộc tiểu bang California.



    Bà Phan Thị Minh Yến, Phu nhân Tướng Lê Nguyên Vỹ

    Từ một nữ sinh trường đầm kiêu sa, thành bà Tướng đầy uy quyền, rồi thế thời đổi thay thành thợ hớt tóc 30 năm dài để nuôi 4 người con nên người mang tên QUANG, MINH, CHÍNH, ĐẠI, đặt tên theo tâm niệm của người chồng chiến binh một đời anh dũng.
    Đó là Bà Phan Thị Minh Yến, phu nhân Tướng Lê Nguyên Vỹ, vị tướng tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực VNCH, một trong 5 vị tướng Miền Nam đã tuẫn tiết để nêu cao khí phách anh dũng và để gìn giữ danh dự của một quân đội vừa mới thua trận trong biến cố 30. O4. 1975.


    …Vào năm 1954, cô Phan Thị Minh Yến còn rất nhỏ, nhà ở Cầu Đất, Hải Phòng bắt đầu theo cha mẹ di cư vào Nam. Cô gái Bắc Kỳ nho nhỏ được gia đình cho học chương trình Pháp tại Sài Gòn và đã có câu chuyện tình từ năm 17 tuổi. Khi được 19 xuân xanh thì chính thức lập gia đình với một anh Đại Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    Lúc đó là mùa Xuân năm 1964. Chàng hơn nàng 10 tuổi. Nhưng trước sau cô Yến chỉ có một mối tình từ khi biết yêu cho đến lúc thành hôn. Tiếp theo là 10 năm làm vợ lính thời chinh chiến. Rồi bắt đầu làm mẹ. Những đứa con lần lượt ra đời. Các cháu Quang, Minh, Chính, Đại. Ba đứa con trai đầu lòng đặt tên với niềm tự hào của người cha cương trực sống trong một hoàn cảnh đất nước nghiêng ngả. Nhưng cô Út bé bỏng, xinh đẹp chỉ được gọi là em Đại ở trong gia đình. Khi ở ngoài lớp học thì đây là cô nhỏ Tường Vi của bà mẹ Hải Phòng.

    Suốt thời gian thơ ấu, người cha đi chinh chiến đêm ngày. Các con phần lớn sống gần gũi và trông cậy vào mẹ. Tuy nhiên, hình ảnh người cha quân đội vẫn là chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ cho cả mẹ con.

    Tháng 4 năm 1975, bà mẹ 29 tuổi dẫn 4 con từ 6 tuổi đến 10 tuổi di tản qua Hoa Kỳ. Người chồng chỉ huy đơn vị nên không có cơ hội tiễn chưn vợ con. Lần chia tay sau cùng mà vợ chồng không biết là lần vĩnh biệt. Anh đã ra đi vào miền vĩnh cửu khi quân đội tan hàng. Không một mảnh khăn tang. Không một giọt nước mắt. Vợ con cũng không hề biết tin về cái chết của người thân yêu. Năm đó chưa 30 tuổi, cô Phan Thị Minh Yến trở thành góa phụ ở vậy nuôi con cho đến năm nay 2008 vừa đúng 33 năm.

    Qua Hoa Kỳ, một mẹ và 4 con nhỏ, Minh Yến bắt đầu bằng nghề cắt tóc. Cố gắng tự lập nuôi con. Vừa làm mẹ, vừa làm cha. Từ nữ sinh trường đầm ở Sài Gòn, trở thành vợ lính sống cảnh gia binh, rồi trở thành góa phụ.
    Sau bằng ấy năm trời, các con đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, có cháu nội cháu ngoại. “Hỏi rằng bây giờ chị làm gì” Còn làm gì nữa. Trước sau cũng chỉ làm một việc cắt tóc chải đầu.
    Nhưng nghề chính là vừa làm cha vừa làm mẹ.

    Làm mẹ thì cũng dễ vì đã làm mẹ từ Việt Nam. Nhưng làm cha cho những đứa con trai ở Hoa Kỳ mới thiệt khó. Tất cả đều phải quyết định một mình. Không bàn với ai được. Ba đứa con trai ở tuổi niên thiếu tại miền đất lạ. Biết bao nhiêu là khó khăn. Chuyện học hành, chuyện sinh sống, chuyện yêu đương của các cháu rồi đến chuyện hôn nhân. Cái gì cũng là chuyện của các con.
    Khi được hỏi rằng “thế chị làm ở tiệm tóc thì làm chủ hay làm thợ”. Được trả lời rằng “trước sau chỉ làm công mà thôi. Đã bảo rằng nghề chính là làm mẹ, nếu bôn ba mở tiệm, e rằng không có đủ thì giờ trông nom lũ nhỏ.”

    Hỏi rằng “đi làm như vậy có gặp những điều gì khó chịu không.” Trả lời rằng “lúc đầu cũng thấy tủi thân lắm. Nhưng rồi thì cũng phải nhịn nhục cho quen đi. Vả lại, ở đây cũng không ai biết hoàn cảnh mình ra sao nên cứ việc mình, mình làm. Cũng thi lái xe, cũng lấy bằng, cũng tìm đường đi học nghề, đi làm và nuôi con. Vâng, việc chính là nuôi con”.

    “Chị có buồn giận về chuyện anh nhà đã không đi được vào năm 1975 hay không” Trả lời rằng “thì anh nghĩ coi, ai mà chả muốn có vợ có chồng. Các con muốn có đủ cha mẹ. Nhưng phần số đã như vậy thì mẹ con phải sống sao cho phải đạo với sự hy sinh của ông nhà tôi. Ông ấy mà còn thì cũng chỉ muốn cho các con của chúng tôi được học hành tốt nghiệp đại học, rồi dựng vợ gả chồng cho các cháu như bây giờ gia đình tôi đã được như vậy.”
    Ngoài việc hãnh diện về chuyện con cái, bà mẹ gốc Hải Phòng còn kể thêm với niềm hào hứng đặc biệt. Đó là mối thuận thảo với mẹ chồng.

    Số là ngay sau khi di tản qua Hoa Kỳ, gia đình được tin chồng chết nên đã tìm cách báo về Bắc cho bà mẹ già biết tin. Tội nghiệp chưa. “Ông nhà tôi, lời chị Yến, cũng di cư vào Nam từ 54, mẹ con xa nhau 21 năm không liên lạc. Bây giờ bà cụ mới biết tin con dâu và các cháu ở Mỹ thì đồng thời cũng biết tin con trai đã qua đời”.

    Những năm đầu ở Hoa Kỳ cũng rất chật vật nên không tiếp tế được nhiều. Những năm sau này bắt đầu gửi tiền về miền Bắc cho bà cụ. Chính tôi là con dâu mà chưa hề biết mặt mẹ chồng. Đến khi liên lạc được thì chồng đã chết. Gia đình tôi và các cháu tiếp tục liên lạc về Bắc. Mấy năm gần đây cụ vào Nam gặp các bà chị tôi rồi thu xếp cải táng đưa di hài nhà tôi về Bắc. Xong công việc quan trọng, cụ mới qua đời mấy năm gần đây.

    Vâng, thưa quý vị, tôi vừa kể hầu quý vị một câu chuyện của bà mẹ Việt Nam trong nghĩa vụ thay chồng làm cha thời hậu chiến kéo dài hơn 30 năm tại Hoa Kỳ. Một người thiếu nữ 10 năm làm vợ nhưng đã có đến 30 năm vừa làm cha, làm mẹ, và làm dâu hàm thụ qua thư tín.

    Cũng suốt 33 năm tại Hoa Kỳ, với vốn liếng Pháp văn và Anh ngữ của trường Đầm Sài Gòn, trước sau bà cũng vẫn chỉ là cô Yến làm tóc tại Hoa Kỳ. Bởi vì, người phụ nữ Việt Nam đơn giản này đã có một nghề cao quý vô cùng mà bà phải hết lòng theo đuổi. Đó là nghề làm mẹ. Do đó Ngày Của Mẹ hàng năm sẽ là ngày đặc biệt đối với những đứa con của bà.

    Và mỗi năm, ngày tang 30 tháng 4 cũng là ngày giỗ bố của đám nhỏ. Bà mẹ Việt Nam tổ chức giỗ chồng bằng âm lịch những vẫn dặn con vào ngày cuối tháng 4, dù ở đâu cũng phải dành cho bố những giây phút tưởng niệm.
    Bởi vì thân phụ của các cháu đã chết đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tên ông là Lê Nguyên Vỹ, người Sơn Tây, Bắc Việt, chết tại Lai Khê miền Đông Nam Phần.

    Ngày nay, tại ngôi đình làng cũ tỉnh Sơn Tây có thờ bài vị của tướng công Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Binh Đoàn Số 5 của quân đội Sài Gòn. Ông đã tự sát vào ngày đất nước đã rơi vào tay giặc.
    Đó là cách ghi nhận của người đồng hương Sơn Tây với một chút tự hào. Và hình ảnh của ông vẫn trong lòng các con Lê Nguyên Quang, Lê Nguyên Minh, Lê Nguyên Chính và con gái út Lê Nguyên Đại Tường Vi tại miền Virginia Hoa Kỳ.
    Đối với lũ trẻ Quang Minh Chính Đại, ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào cũng là Ngày Của Mẹ./-


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X