Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hai Ngôi Chùa Hương

Collapse
X

Hai Ngôi Chùa Hương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hai Ngôi Chùa Hương

    Hai Ngôi Chùa Hương

    Thầy Đào Đức Chương

    Việt Nam có hai quần thể mang tên chùa Hương Tích, một ở Miền Trung và một ở Miền Bắc. Đường lên chùa, cả hai nơi, đều phải dùng thuyền ngược dòng suối và leo dốc vượt ngàn, mới đến được.

    I - CHÙA HƯƠNG TÍCH Ở HÀ TĨNH

    Trên dãy Hồng Lĩnh có 99 ngọn núi cao vút, cảnh trí đẹp đẽ và hùng vĩ, xứng đáng là “Hoan Châu Đệ Nhất Danh Lam.” Chùa Hương Tích còn gọi là chùa Tiên, nằm trên đỉnh Sư Tử núi Hương Tích, trong dãy Hồng Lĩnh, và thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa cách Hà Nội chừng 300 km về hướng Nam.


    H 1: Đường lên chùa Hương Tích, Hà Tĩnh. (Ảnh của Dongson.vmvn, 2010, vi.wikipedia)

    Đường vào chùa thật khó khăn, phải dùng thuyền ngược dòng Hương Tuyền khoảng 2 km, rồi vượt tiếp 2 km đường rừng mới đến chùa. Du khách phải leo dốc, qua nhiều bậc đá gập gềnh, khe núi chênh vênh. Nơi đây sơn thủy hữu tình, con suối rì rào ẩn hiện, sóng tùng lớp lớp nhấp nhô, rừng trúc thơ mộng... Mỗi bước chân đi là một phong cảnh khác lạ, thơ của một nhà thơ đã viết:

    Theo Thầy lên đỉnh non xa,
    Sau lưng cát bụi nhạt nhòa khói mây.

    Gần đến chùa, cách chừng 1 km, có hai miếu, ở hai bên đường đi, bên phải là tượng Đức Quán Thế Âm, bên trái là Miếu Cô. Viếng chùa, du khách còn được ngoạn cảnh động Tiên Nữ có 36 cửa ra vào, ngắm am Phun Mây, nhìn tận mắt khe Tiên Tắm, Bàn Cờ Tiên... Trước chùa có sân lát gạch, nhìn xuống triền núi, xa xa thấy hai hồ nước, một lớn một nhỏ, thông nhau bởi lòng suối rộng, và người ta quen gọi hồ lớn là hồ Trái Tim:

    Chùa Hương Tích mà lại có hang,
    Sư Minh Không xin được túi đồng về xây.

    Quần thể chùa Hương Tích gồm có: Chùa ngoài là tòa Tiền Đường có bức đại tự “Cổ Nguyệt Linh Quang” và Chùa trong là Phật Điện, chung quanh vách là bệ thờ đặt 50 pho tượng Phật khoác áo lụa vàng.

    Chùa Hương Tích được dựng vào đời Trần, trải qua nhiều thế kỷ, chùa biết bao lần tàn phế, rồi lại trùng tu, cho đến ngày nay và mãi mai sau, vẫn tồn tại với thời gian. Hằng năm, ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày đản sanh của Đức Quan Âm Bồ Tát Diệu Thiện [1], chùa Hương Tích lấy ngày ấy làm ngày mở hội. Dân gian có câu: “Tháng giêng Đô Dài, Tháng hai Hương Tích,” nhưng cứ 3 năm một lần mới mở hội lớn, kéo dài cả tháng.

    Chùa ở trên cao độ 1000 mét so với mặt nước biển, thỉnh thoảng có mây núi từ đâu kéo tới, là là bao trùm khuôn viên chùa, len lỏi vào Điện Phật. Bên ngoài, khung cảnh vốn hoang dã tĩnh mịch; trong chùa, khói hương và lửa nến, không gian càng tăng thêm cái vẻ lung linh huyền ảo.

    Ai lên Hương Tích Chùa Tiên,
    Gặp cô sư bác anh khuyên đôi lời.
    Đem thân làm kiếp con người,
    Tu sao cho trọn nước đời mà tu.
    Chùa Tiên cao tít tịt mù,
    Bao la ngàn Hống mây mờ giăng giăng.


    H 2: Chùa Hương Tích Hà Tĩnh mờ mịt mây giăng. (Dongson.vmvn, 2010, vi.wikipedia)

    II - CHÙA HƯƠNG Ở HÀ NỘI

    Cách thành phố Hà Nội gần 70 km, về hướng Tây Nam, có chùa Hương nằm ven bờ sông Đáy, một quần thể gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật. Ngày trước, chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông; nay thuộc ngoại thành Hà Nội.

    Hội chùa Hương vào ngày 19 tháng 2 là ngày Đản sanh và ngày 19 tháng 6 âm lịch là ngày xuất gia của Đức Quan Âm chùa Hương, nhưng người đi trẩy hội thường chọn dịp tháng Hai [2].

    Du khách đến chùa Hương bằng nhiều ngả. Nếu đi đường bộ, có liên tỉnh lộ 22. Nếu chọn đường thủy, từ Phủ Lý (Hà Nam) đi ngược sông Đáy, hoặc từ bến Vân Đình (Hà Đông) xuôi dòng sông Đáy. Dù đường bộ hay thủy, cũng đổ bến tại Hà Đoan, quen gọi là bến Đục. Nơi đây, nhà trọ, quán ăn san sát. Những gian hàng bán sản phẩm địa phương nổi tiếng như rau sắng [3], quả mơ, hồng trà, củ mài... Các cô gái bán hàng xinh xắn, liến thoắng mời khách.

    Ai đi trẩy hội chùa Hương,
    Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm.
    Mớ rau sắng, quả mơ non,
    Mơ chua sắng ngọt, biết còn thương chăng?


    H 3: Bến Đục chùa Hương, Sỹ Tín chụp 1995. (Ảnh từ “Nổi Trôi Theo Mệnh Nước” trang 17)

    Từ bến Đục đến bến đò Suối Yến chừng nửa cây số. Đến nơi, du khách thuê đò đi chừng 2 cây số nữa, lần lượt qua cầu Hội, hang Sơn Thủy Hữu Tình, núi Đồi Chèo, núi Con Voi, núi Mâm Xôi, núi Con Gà... rồi đến bến Trò. Bước lên bờ, thấy ngay tam quan của chùa Thiên Trù (Bếp Trời), quen gọi là chùa Ngoài.

    Đi bộ thêm khoảng vài giờ nữa, đường núi gập ghềnh, chim kêu vượn hót, du khách tốp năm tốp ba ra vào tấp nập. Họ có thể không biết nhau, nhưng gặp nhau vẫn tươi cười với câu chào “A Di Đà Phật” (阿 彌 陀 佛), hay “Nam Mô Phật” (南 無 佛), hoặc “Quán Thế Âm Bồ Tát” (觀 世 音 菩 薩):

    Ngày xuân cái én xôn xao,
    Con công cái bán ra vào chùa Hương.
    Chim đón lối, vượn đưa đường,
    Nam Mô Đức Phật bốn phương chùa này.

    Trên đường, lần lượt gặp ba chùa nữa là chùa Tiên, chùa Suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, rồi leo lên gần đến đỉnh một trái núi, mới tới động Hương Tích, với nhiều tên gọi là chùa Trong, chùa Hang, hay chùa Chính. Đây không phải một công trình nhân tạo, mà là động đá thiên nhiên có thờ Phật. Cổng hang mở rộng, trên khắc 4 chữ Hương Tích Động Môn, trông giống như đầu con rồng khổng lồ đang há mồm.

    Vách trước cửa động, trên dải thạch nhũ, có 5 chữ đại tự 南 天 第 一 峝 (Nam thiên đệ nhất động) khắc năm 1770, nét chữ đẹp sắc sảo. Tương truyền, bút tích của chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767 - 1782), nhưng có sách lại cho là của vua Lê Thánh Tông (?).

    Chùa nào mà lại có hang?
    Ở đâu lắm của thời chàng biết không?
    Chùa Hương mà lại có hang,
    Trên rừng lắm của thời nàng biết không.

    Về cảnh sắc thiên nhiên, chùa Hương Tích ở Hà Nội là phiên bản của chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh, cả hai nơi đều có chùa Ngoài, chùa Trong và nhiều ngôi chùa phụ. Về thiết kế và kiến trúc, chùa Hương ở Hà Nội được sự chăm sóc của Chúa Trịnh nên không có chùa nào trong vùng sánh bằng:

    Bối Khê, Tiên Lữ, chùa Thầy,
    Đẹp thì tuyệt đẹp, chưa tầy chùa Hương.

    Và khi đã đến đây, du khách như mãi say sưa với “Bầu trời, Cảnh Bụt”:

    Không đi thì nhớ thì thương,
    Ra đi mến cảnh chùa Hương không về.


    H 4: Chánh điện chùa Thiên Trù trong quần thể chùa Hương. (Ảnh từ Google)

    III - CHÙA HƯƠNG ĐI VÀO VĂN HỌC

    Chùa Hương, nhất là Chùa Hương ở Hà Nội, là nguồn gợi hứng cho nhiều thi gia Việt Nam:

    - Chu Mạnh Trinh (朱 孟 楨; 1862 - 1905) tự là Cán Thần, hiệu là Trúc Vân, người làng Phú Thọ, huyện Đông Anh, tỉnh Hưng Yên, nay thuộc ngoại thành phố Hà Nội. Ông có bài hát nói bằng chữ Nôm “Hương Sơn Phong Cảnh,” sáng tác vào thế kỷ 19, rất nổi tiếng:
    Bầu trời cảnh bụt,

    Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
    Kìa non non, nước nước, mây mây,
    “Đệ Nhất Động” hỏi rằng đây có phải?
    Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
    Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.
    Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
    Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
    Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
    Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
    Nhác trông lên ai khéo vẽ hình:
    Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt,
    Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
    Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây,
    Chừng giang sơn còn đợi ai đây?
    Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt?
    Lần tràng hạt niệm: Nam Mô Phật,
    Cửa từ bi công đức biết là bao!
    Càng trông phong cảnh càng yêu.


    H 5: Động Hương Tích, tức Chùa Trong. (Ảnh từ vi.wikipedia)

    - Tản Đà, tên thật Nguyễn Khắc Hiếu (傘 沱 阮 克 孝; 1889 - 1939), người làng Khê Thượng, huyện Bất Bạc, tỉnh Sơn Tây; nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội.

    Về cảnh sắc chùa Hương, ông có bài thất ngôn bát cú Đường luật:

    Chùa Hương trời điểm lại trời tô,
    Một bức tranh tình trải mấy Thu.
    Xuân lại xuân đi không dấu vết,
    Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.
    Nước tuôn ngòi biếc trong trong vắt,
    Đá hỏm hang đen tối tối mò.
    Chốn ấy muốn chơi còn mỏi gối,
    Phàm trần chưa biết, nhắn nhe cho.

    Về đặc sản chùa Hương, ông có bài lục bát:

    Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
    Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa.
    Mình đi, ta ở lại nhà,
    Cái dưa thì khú cái cà thì thâm.

    - Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938) người làng Phượng Vũ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc ngoại thành phố Hà Nội. Ông có bài thơ “Chùa Hương,” làm vào thế kỷ 20, đã được Trần Văn Khê và Trưng Đức phổ nhạc:

    Hôm qua đi chùa Hương,
    Hoa cỏ mờ hơi sương.
    Cùng thày me em dậy,
    Em vấn đầu soi gương.

    Thuyền đi bến Đục qua,
    Mỗi lúc gặp người ra.
    Thẹn thùng em không nói:
    “Nam mô A Di Đà!”
    ***
    Réo rắc suối đưa quanh,
    Ven bờ ngọn núi xanh.
    Dịp cầu xa nho nhỏ,
    Cảnh đẹp gần như tranh.
    ***
    Sau núi Oản, Gà, Xôi,
    Bao nhiêu là khỉ ngồi.
    Tới núi con Voi Phục,
    Có đủ cả đầu đuôi.

    Thày me đến điện thờ,
    Trầm hương khói tỏa mờ.
    Hương như là sao lạc,
    Lớp sóng người lô nhô.

    Đường mây đá cheo veo,
    Hoa đỏ, tím, vàng leo.
    Vì thương me quá mệt,
    Săn sóc chàng đi theo.

    Ôi! Chùa trong đây rồi!
    Động thẳm bóng xanh ngời.
    Gấm thêu trần thạch nhũ,
    Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

    Ngun ngút khói hương vàng,
    Say trong giấc mộng vàng.
    Em cầu xin Giời Phật,
    Sao cho em lấy chồng.

    Tác giả viết thiên ký sự dài 34 đoạn, gồm 136 câu thơ 5 chữ. Trên đây, trích đoạn mở đầu và đoạn cuối, với một số đoạn giữa có đề cập đến cảnh chùa Hương.

    - Phạm Quỳnh (1892 - 1945), hiệu là Thượng Chi, Hồng Nhân, người làng Thượng Hồng, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông có bài bút ký bằng văn xuôi “Trảy Chùa Hương” viết năm 1919.

    Trích đoạn tả Chùa Ngoài: “…Gần trưa, tới ‘Chùa Ngoài’, tức chữ gọi là ‘Thiên Trù’, nghĩa là cái ‘Bếp Trời’, là chỗ sửa soạn đồ lễ vật để vào dâng trong động. Tuy tên nhỏ mọn như thế mà nghiễm nhiên là một tòa đình vũ nguy nga, ở giữa một cái cao nguyên bốn bề toàn núi, trông rất bề thế. Cách kiến trúc tuy không có gì là khéo là đẹp, mà có vẻ lớn lao đồ sộ, xứng với cái cảnh xung quanh…

    Trích đoạn tả Chùa Trong: “… Bây giờ đã trở về chiều, mặt trời đã xế, đứng tận trong cùng động nhìn ra ngoài cửa, thật là một bức tranh tuyệt bút. Khói hương đưa ra cửa động mờ ám như đám sương mù, mặt trời phản chiếu, nửa đỏ nửa vàng, bóng cây phất phới, như thấp như cao, đứng trong nhìn ra như trông qua một cái gương mờ. Bấy giờ tưởng bước chân ra cửa động là tiện thị để mình vào nơi mộng cảnh nào, theo sương mù mà bay bổng lên mấy tầng mây, có lẽ đây chính là cõi Tây thiên Tĩnh thổ vậy…
    (Thượng Chi Văn Tập, Quyển II, trang 157 - 179)


    H 4: Cổng Chùa Hương, tài liệu xưa, năm 1927.

    IV - THAY LỜI KẾT

    Vấn đề đặt ra, tại sao đã có chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh, lại có thêm một phiên bản ở Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội)?

    Thưa, quê quán của nhà Hậu Lê vốn ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hoa [4]. Sau năm 1945, cải tổ hành chánh, hương Lam Sơn thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 16 tháng 10 năm 2019, Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14, sáp nhập xã Xuân Lam vào thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

    Năm 1527, Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê, con cháu nhà Lê phần lớn đào thoát về vùng Thanh Nghệ lánh nạn. Rồi từ năm 1533 nhà Lê tái lập triều đình tại Thanh Hóa. Mãi cho tới năm 1592, vua Lê chúa Trịnh mới đánh đuổi được nhà Mạc, và dời cung về Thăng Long.

    Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái [5] các phi tần, cung nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu; thuộc hạ của vua Lê, chúa Trịnh, phần lớn cũng là người xứ Thanh Nghệ. Trong thời gian 59 năm lập hành tại ở Thanh Hóa, hằng năm cứ vào ngày 19 tháng 2 âm lịch, họ quen lệ trẩy hội chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh.

    Tháng 3 năm Quý Tỵ (1593), Trịnh Tùng (鄭 松) cho rước vua Lê Thế Tông (黎 世 宗) từ hành tại Vạn Lại [6] về hành tại ở phía Tây Nam thành Thăng Long. Ngày 16 tháng 4 năm Quý Tỵ (1593), vua lên chính điện, thiết đại triều lần đầu tiên tại Thăng Long sau 66 năm nhà Lê xa cách kinh đô.

    Cho nên việc lễ Phật hằng năm, vào ngày 19 tháng 2 âm lịch, các cung phi, mỹ nữ Thanh Nghệ, từ kinh đô Thăng Long, phải vượt đường xa chừng 300 km về hướng Nam, để trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Chúa Trịnh phải huy động cả dân, binh lo việc bảo vệ và phục dịch cho đoàn người “cung vua phủ chúa” hành hương, rất tốn kém về tiền bạc và nhân lực.

    Vì thế, theo quyển Hương Sơn Thiên Trù Thiền Phả, chúa Trịnh Căn (1682 - 1709) trong chuyến tuần du, đã có sáng kiến chọn một địa điểm trên dãy núi thuộc xã Hương Sơn, nằm ven bờ sông Đáy, thuộc huyện Mỹ Đức, có địa hình tương tự với Hương Tích ở Hà Tĩnh để hình thành phiên bản chùa Hương Tích mà chỉ cách thành Thăng Long 70 km về hướng Nam. Và một vị Hòa thượng được lệnh của Chúa, đứng ra thực hiện công trình xây dựng chùa Hương ở huyện Mỹ Đức vào những năm niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705), đời Lê Hy Tông. Và lễ hội chùa Hương ở Mỹ Đức cũng diễn ra cũng vào ngày 19 tháng 2 âm lịch.

    Trích Ca DaoVề Những Ngôi Chùa,
    trong tập Dung Nhan Ngày Cũ, 2020
    ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

    Cuongde.org



    GHI CHÚ

    [1] Đoàn Trung Còn; Phật Học Từ Điển, Tập nhất (Bagneux (France), Chùa Khánh Anh tái bản, không đề năm); trang 445: Diệu Thiện Công chúa (妙 善 公 主) là con gái thứ ba của vua Diệu Trang Vương, từ bỏ sự sang trọng nơi cung điện, xuất gia tu hành, nêu gương khổ hạnh cho chúng sanh. Hằng năm, có ba ngày vía của Đức Quan Âm Bồ Tát Diệu Thiện: Ngày Đản sanh 19 tháng 2, ngày xuất gia 19 tháng 6, ngày thành đạo 19 tháng 9, tính theo âm lịch.

    [2] Những năm gần đây, cả hai Chùa Hương đã chuyển sang ngày mồng 6 Tết Nguyên Đán là ngày mở hội, nhằm khởi đầu mùa du lịch cho một năm mới.

    [3] Rau sắng: Một loại rau ngọt, lá hình thuẫn hơi tròn, màu xanh đậm, cây cao chừng 70 cm, lá dùng nấu canh; gọi là rau bồng ngót, hay bồ ngót.

    [4] Quê quán của nhà Lê, ghi theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển X, tờ 1a, hàng thứ 3; theo bản in (Hà Nội, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993) Tập IV, trang 289. Và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bản dịch, Tập một (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 1998); trang 761.

    [5] Ngô Gia Văn Phái; Hoàng Lê Nhất Thống Chí (Hà Nội, nxb Văn Học, 2001); trang 243, đã chép: “…Nghệ An là đất nền móng trong cuộc Trung Hưng của bản triều, cùng với Thanh Hoa, đều là quận chân tay của nhà nước, quan văn tướng võ phần nhiều ở đó mà ra. Quân lính túc vệ cũng đều kén chọn ở xứ ấy mà sung vào…

    [6] Sách Vạn Lại (萬 賴), thuộc tổng An Trường, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, trấn Thanh Hoa. Vạn Lại, ở phía Tây An Trường, phía Đông Bắc Lam Sơn. Nay là xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, và cách tỉnh lỵ 30 km về phía Tây.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X