Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đảng Phái Chính Trị

Collapse
X

Đảng Phái Chính Trị

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đảng Phái Chính Trị

    Đảng Phái Chính Trị

    Phạm Văn Bản



    1. Quan Niệm Đông Phương

    Xét theo quan niệm tổ chức chính trị của người Ðông Phương, chúng ta thấy rằng triều đình hay đảng phái đã thường dựa trên nền tảng vì nghĩa, trọng nghĩa, tụ nghĩa và kết nghĩa. Những thành viên của tổ chức đã tìm đến với nhau, ngồi lại với nhau, cùng nhau bàn bạc soạn thảo và cùng nhau làm việc dân việc nước; tức là việc nghĩa, việc công, việc chung, việc làm phúc đức.


    Và những con người vì nghĩa vì dân vì nước ấy đã dấn thân hy sinh họat động lãnh đạo cũng được gọi là những nghĩa sĩ, nghĩa công, nghĩa quân hay nghĩa binh. Do đó tổ chức chính trị đặt căn cứ trên động lực tinh thần, một lòng làm việc chung việc nước để phục vụ cho quê hương dân tộc, xây dựng và kiến thiết đất nước, sống theo văn hóa của Đạo Sống Việt mà “bước đi vào lòng muôn dân!”

    Từ đó mục đích của việc kết tụ tổ chức và lãnh đạo là để đền ơn đáp nghĩa, để làm ơn sinh nghĩa cho nhau… và hình thức tổ chức lãnh đạo của người Ðông Phương rất gần gũi và thích hợp với thế thái nhân tình, nhân bản, nhân quyền hay nhân đạo. Nhưng họat động tổ chức lại thường nặng phần chủ quan lỏng lẻo, nhẹ phần công tác, buông xuôi kỹ thuật và sản sinh tệ nạn xã hội.

    Mặt khác tổ chức như trên rất khó khai thác hay khó ứng dụng triệt để với những điều kiện thành công khách quan! Đó là điểm yếu trong công việc tổ chức lãnh đạo của người Đông Phương, và thường dẫn đến thất bại của các đảng phái chính trị như đã từng hoạt động ở Việt Nam trong thời đại công nghiệp (Industrial Age) vừa qua.

    2. Quan Niệm Tây Phương

    Ngược lại theo quan niệm Tây phương, nền tảng tổ chức là “hợp tác” để cùng nhau làm việc. Nhưng mục tiêu của tổ chức là “hữu hiệu,” làm sao cho hoàn thành công tác, và mục đích của tổ chức là “hưởng lợi.”

    Mọi người có lợi, và càng hưởng lợi nhiều thì tổ chức chính trị lại càng mạnh và càng tốt. Cái lợi đó đã thành động lực để khiến con người tham gia tích cực, hoạt động và trau dồi khả năng mà làm việc phục vụ trong tổ chức.

    Do chủ trương “hợp tác sao cho hữu hiệu để hưởng lợi” đã phát sinh ra hình thức tổ chức chính trị mà ngày nay chúng ta gọi là “dân chủ” trong thời đại công nghiệp. Hình thức tổ chức này dựa theo nguyên tắc “đa số thắng thiểu số” và phương thức “bầu cử có nhiệm kỳ.”

    Kết quả tổ chức Tây Phương đã mang lại thành công trong việc xử dụng nhân tài, nhân lực, vật lực, trí lực vào đại cuộc xây dựng kiến thiết đất nước. Tuy nhiên, vì hạn hẹp vào “cái lợi” cho nên tổ chức chỉ hoạt động thích ứng trên phương diện “có lợi” mà thôi.

    Vì chủ đích hưởng lợi, nên đảng phái cầm quyền thường rơi vào tệ trạng với nguy cơ man trá, xử dụng thủ đoạn để chiếm đoạt ngôi vị mà thành công. Chủ trương “đa số thắng thiểu số” của Tây Phương thì “mạnh được yếu thua,” “ai thắng thì có công lý,” và trở thành “hình thức hợp pháp” đã giúp cho nhóm người mạnh đàn áp kẻ yếu, người có quyền lực thì bóc lột kẻ thế cô, và pháp lý trở thành dụng cụ của bất công.

    Dấu chỉ rõ ràng nhất của bất công xã hội là sự hiện diện của “nhóm đặc quyền” trong các đảng phái chính trị cầm quyền, tức những người được hưởng quyền lợi vượt quá nhiệm vụ của họ. Bất cứ ở đâu, bất cứ chế độ nào, bất cứ lúc nào dầu với nhiệm vụ gì, dầu dưới danh xưng gì, hễ có nhóm người đặc quyền là có bất công.

    Đặc quyền càng nhiều, càng lâu, càng dài thì nhóm người hưởng đặc quyền, càng đông thì xã hội lại bất công và càng khủng khiếp hơn.

    Thử nhìn vào lịch sử cận đại Việt Nam, chúng ta có thể nói nước mình đã chưa có đảng phái chính trị với lớp người cán bộ họat động toàn thời và đúng nghĩa như Tây Phương, để tạo ra truyền thống lãnh đạo tổ chức – tức phần tinh anh của lớp người thừa kế được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển qua các thời đại từ tiền sử, nông nghiệp, công nghiệp hay tín nghiệp. Theo lịch sử nhân lọai sống chung, bao triệu năm từ khi chưa có ngôn ngữ hay chữ viết, thì đã có tổ chức và lãnh đạo.

    Đối với các ngành nghề, thì văn chương chữ nghĩa hay khoa học kỹ thuật... con người có thể truyền thụ cho nhau và hấp thụ nhanh chóng. Nhưng tổ chức và lãnh đạo lại là phần tinh anh của con người, là di truyền, là linh huấn… và chỉ được giáo dục qua huyết thống, qua kinh nghiệm của thế hệ cha anh truyền lại cho con cháu tiếp nối mà thôi, và đó là ý thức chính trị.

    Dân các nước chậm tiến, chẳng những chúng ta chậm tiến về khoa học kỹ thuật, mà lại còn chậm tiến nguy hại hơn, là thiếu truyền thống lãnh đạo tổ chức để xây dựng và phát triển đất nước. Đang khi nhiều quốc gia nhược tiểu, lạc hậu chậm tiến, lại ít quan tâm tới truyền thống lãnh đạo tổ chức, mà có chăng chỉ thành lập ra tổ chức theo phương pháp “đảng đại chúng” với “nhóm đặc quyền” là một thí dụ điển hình, chớ thật sự nó không phải là đảng phái chính trị với lớp người làm việc dân nước mà chúng ta thường thấy ở các nước văn minh Âu Mỹ.

    3. Đảng Phái Chính Trị

    Đọc trong sách “Đảng Phái và Chính Trị Hoa Kỳ – Parties and Politics in America” (1960), Clinton Rossister nhận định rằng: Chính trị đã cứu vãn nền kinh tế Hoa Kỳ trong cuộc đại khủng hỏang vào năm 1930: “Tổ chức cuối cùng đã bẻ gãy được chính sách nô lệ và chủ nghĩa địa phương ở Hoa Kỳ là chính đảng.

    Người Hoa Kỳ đã nhận của đảng phái chính trị những giúp đỡ đầu tiên về tự do, công bằng và tình huynh đệ, cũng như với phương thức thích hợp nhất, các đảng chính trị đã và đang biến cải những hy vọng và thất vọng vô hình, thành những đề nghị có thể hiểu được, có thể bàn cãi được được, để được dân chúng chấp nhận và trở thành hiện thực,” (tr. 100) (1*).

    Những điều này chứng tỏ tầm mức quan trọng của đảng chính trị trong Thời Đại Công Nghiệp (Industrial Age) của nhân loại, cũng như đối với hiện tình của dân tộc Việt Nam ngày nay.

    Trong nội bộ đảng phái chính trị cũng có hai cánh tả hữu, đối lập và xây dựng để thành viên nếu có bất đồng ý kiến, thì có thể nhập sang cánh khác mà sinh hoạt, chớ không có chuyện bỏ đảng vì thiếu lối thoát. Đảng đối lập luôn đóng góp một vai trò trong việc ngăn cản sự qúa đà, hoặc chuyên chế của đảng cầm quyền, là đại biểu cho những ý kiến khác biệt, và là động cơ thúc đẩy đảng cầm quyền cố gắng sửa sai.

    Tuy nhiên trong thực tế, đối lập cũng luôn tìm cách soi mói và chỉ trích đảng cầm quyền để mong kiếm phiếu, nhưng chính vì thế mà họat động xã hội được thăng tiến. Hơn nữa, đảng đối lập mà không có thực lực chính trị tương xứng với đảng cầm quyền thì giấc mộng tham chính chẳng bao giờ thành công.

    4. Đảng Phái Thế Giới

    Đọc tiếp cuốn sách có tựa đề “Dân chủ và Giáo dục: Giới thiệu các Triết học Giáo dục – Democracy and Education: An Introduction to the Philosophy of Education” triết gia Hoa Kỳ John Dewey (1859-1952) đã nhận xét về đảng chính trị là: “Mỗi cá nhân chỉ tìm thấy được sự an toàn và được bảo vệ, mà đây là tiền đề cho sự tự do, khi họ tập họp lại với nhau.

    Và rồi những tập hợp này, để bảo toàn sự hữu hiệu của chúng, giới hạn trở lại tự do của các cá nhân trong đó… Bây giờ, chúng ta có một hình thức tổ chức giáp xác với những cá thể yếu đuối bên trong và chiếc vỏ cứng bên ngoài.” Và ông định nghĩa, “Một đảng chính trị tân thời là tập hợp của những người có triết lý, lý tưởng, mục tiêu, hay ý nguyện tương đồng.” (2*)

    Người ta cho rằng, đảng phái chính trị cũng giống như một ban âm nhạc hay hội túc cầu… Tuy nhiên đảng có tham vọng lớn hơn, đó là thành lập chính quyền, và giành giữ chính quyền.

    Chỉ khi nào đảng có được chính quyền trong tay, thì lúc đó đảng mới thực hiện được mục tiêu, lý tưởng của mình… hoặc tối thiểu đảng cũng phải giành được số ghế trong Quốc Hội thì mới phát huy được khả năng hiện thực của đảng. Căn cứ theo kết qủa họat động, và tùy thuộc tham vọng của đảng, mà người ta có định nghĩa đảng phái đó theo như cơ cấu, danh xưng, lý thuyết hay chủ trương họat động.

    5. Khuynh Hướng Chính Trị

    Trong chính đảng, cho dù có cùng mục tiêu, lý tưởng, quyền lợi… nhưng khuynh hướng đảng viên cũng có nhiều khác biệt. Từ dị biệt đảng phân ra nhiều cánh, từ cực tả đến cực hữu, như cánh cực tả (radical), cánh trung tả (liberal), cánh trung hữu (conservative), cánh cực hữu (reactionary).
    Và giữa các cánh tả hữu, lại còn nhiều khuynh hướng cực đoan hơn, như trung lập, trung tả…

    a. Cánh Cực Tả

    - Muốn có những thay đổi cực đoan.
    - Có khuynh hướng xử dụng bạo lực và phương thức bất hợp pháp để đạt được mục đích.
    - Luôn chống đối và theo cách phê bình khắc nghiệt đối với trật tự xã hội đương thời.
    - Không bị ràng buộc bởi truyền thống nào.

    b. Cánh Trung Tả

    - Ủng hộ những thay đổi lớn nếu thay đổi này được thực hiện bằng phương thức hợp pháp.
    - Muốn có đổi mới hơn là cứ giữ nguyên sự việc đang diễn biến.
    - Có khuynh hướng đi tìm sự tự do một cách tối đa.
    - Chấp nhận có mức độ xáo trộn trật tự xã hội để đổi lấy sự tự do cá nhân.
    - Nhấn mạnh đến sự xứng đáng làm người.
    - Thành viên trong cánh trung tả thường lạc quan và tin tưởng vào bản chất tự nhiên của con người.


    c. Cánh Trung Hữu

    - Ủng hộ những thay đổi vừa phải, chậm từ từ.
    - Quan tâm đến sự bảo toàn trật tự căn bản trong xã hội.
    - Cho tới những thay đổi chỉ nên có tính cách hoán đổi, chớ không hủy bỏ hoàn toàn cái cũ.
    - Rất yêu nước, tuân hành mệnh lệnh của thượng cấp, chấp hành trật tự và luật pháp.
    - Nhìn nhận con người là chưa hoàn hảo và cần sự giám thị.

    d. Cánh Cực Hữu

    - Những thành viên thuộc cánh cực hữu thường chống đối những thay đổi chính sách xã hội một cách cực đoan mù quáng.
    - Bảo vệ những địa vị xã hội.
    - Sẵn sàng dùng phương thức bất hợp pháp để đạt mục tiêu.

    6. Sinh Hoạt Ðảng Phái

    Các đảng phái chính trị luôn phải đấu tranh trong những cuộc tranh cử, bầu cử để có thể nắm được chính quyền và giữ chính quyền. Những quốc gia như Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Úc Ðại Lợi – các đảng chính trị tổ chức và sinh hoạt theo ba cấp, từ cấp quốc gia, cấp tiểu bang hay tỉnh, và cấp địa phương (quận).

    Song hành với tổ chức hành chính quốc gia, đảng chính trị cũng tổ chức và sinh hoạt ở khu vực bầu cử.

    Ðảng chính trị là nhu cầu quan trọng và cần thiết cho chính thể dân chủ. Trong thể chế chính trị dân chủ đảng chính trị là Ðại Biểu Dân Chủ, công dân chọn người đại diện cho mình từ đảng chính trị vào chính quyền để làm luật và thực thi luật.

    Và công dân chọn người đại diện cho mình từ đảng chính trị vào các ghế trong chính quyền để tranh luận, mổ xẻ các vấn đề quốc gia một cách công khai, ích quốc lợi dân. Bởi thế đảng chính trị hoạt động với những công tác định sẵn:

    - Chọn ứng cử viên vào điều hành văn phòng công quyền.
    - Phụ giúp tổ chức guồng máy chính quyền.
    - Làm đối lập với đảng cầm quyền.
    - Gây qũy để vận động tranh cử cho những cuộc bầu cử sắp tới.
    - Đảng luôn thông báo đến cử tri của mình về những chương trình hoạt động, những khó khăn mà chính phủ đang gặp phải, cũng như đưa ra tranh luận để tìm ra phương thức giải quyết.

    7. Hệ Thống Ðảng Phái

    Đảng chính trị thường xử dụng cơ quan ngôn luận báo chí, truyền thanh truyền hình làm phương tiện thông tin phổ biến chương trình hoạt động của đảng. Sở dĩ phải rộng đường dư luận vì đảng cầm quyền còn hy vọng tái đắc cử, hoặc đảng đối lập khai thác và phê bình yếu điểm của chính quyền, tạo ra điểm thắng cho đảng mình trong kỳ tranh cử sắp tới.

    Thông thường chính đảng đơn giản hóa các vấn đề phức tạp của quốc gia, nhằm làm sao cho cử tri dễ dàng chọn lựa. Muốn đắc cử, ứng viên đưa ra điểm nóng mà đa số cử tri chú ý, đồng thời cũng là yếu điểm mà đảng cầm quyền lơ đãng và ít giải quyết.

    a. Ðộc Ðảng

    Các lãnh tụ độc tài rất hoan hỉ và ưa thích phương thức cai trị độc đảng, họ chấp nhận ma giáo “muôn năm trường thọ, nhất thống giang hồ.” (Tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung). Ðảng độc quyền về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục, xã hội…

    Tuy cũng tổ chức bầu cử rầm rộ, nhưng mục đích gây phấn chấn nội bộ và đề cao đảng viên với đại chúng… đã bao lãnh tụ giải thích chương trình họat động của đảng tràng giang đại hải và hứa hẹn đủ thứ, nhưng tòan dân đã mỏi mòn chờ trông.

    Như tại Việt Nam hiện nay, xin hỏi phổ thông đầu phiếu là gì, khi sinh hoạt chính trị bị cướp khỏi tầm tay người dân, chỉ còn hoạt động một chiều: đảng cử dân bầu?

    Dân tộc ta được hưởng gì, khi phổ thông đầu phiếu biến thành phương tiện tranh đoạt dành đặc quyền cho cán bộ có chủ trương thủ đoạn, mạnh được yếu thua?

    Dân tộc ta chọn lựa được gì, khi mà khu vực bầu phiếu phân chia theo tiêu chuẩn lợi ích cho đảng cầm quyền?

    Dân tộc ta bầu người đại diện cho mình. Nhưng xin hỏi, đại đa số cử tri đã không biết mục tiêu thực sự của các ứng cử viên; lại nữa, dân biểu tranh đấu cho nguyện vọng người dân địa phương nhưng lại không được quyền phát biểu trái với đường lối chủ trương của đảng cầm quyền.

    Và rồi dân biểu thay mặt dân, nhưng sau ngày đắc cử họ không còn thuộc thành phần đại chúng hay dân tộc, mà lại gia nhập vào nhóm đặc quyền hưởng nhiều đặc lợi suốt đời.

    Ðang khi còn tranh đấu, còn vận động thì họ quảng cáo rầm rộ với nhiều chương trình tân tiến, vì dân vì nước… nhưng lấy gì bảo đảm cho rằng họ thực thi? Nhìn lại những ngày bầu cử trong lịch sử, lá phiếu cũng được vận động qua đặc ân tạm bợ và lời hứa hẹn mị dân, mị cán bộ…. Dân tộc ta sẽ thực sự được gì?

    Ngoài ra chế độ dân chủ như ở Mễ Tây Cơ cũng là hình thức độc đảng, đảng Cách Mạng (Partido Revolucionario) chẳng thua kém gì đảng độc tài Cộng Sản. Ðảng này kiểm soát chính quyền từ năm 1920 và thắng tất cả các ghế ở cấp tiểu bang hay thành phố lớn; đang khi các đảng phái nhỏ không thể cạnh tranh nổi với đảng cầm quyền.

    Hậu qủa của nạn độc tài chính trị đã dẫn tới cảnh dân đói nước nghèo! Ðộc đảng dẫn đến quyền lực tuyệt đối, là nguyên nhân tạo ra tai họa cho dân tộc. Ðó cũng là điều chúng ta cần tránh, đừng để vướng mắc sai lầm tái diễn.


    Ở nước độc đảng như Cộng Sản hay Hồi Giáo… đảng viên ứng cử được chọn vào ghế trong chính quyền để giữ các chức vị quan trọng hầu nhằm bảo vệ quyền lợi của chế độ độc tài đảng trị. Ðương nhiên bầu cử của họ là phải thắng với tỷ lệ 100%, hoặc 90%... vì đảng cử dân bầu và không có đối thủ cạnh tranh.

    Nhưng ở nước có lưỡng đảng hay đa đảng, mỗi đảng tranh cử tại nhiều địa phương với nhiều chức vụ khác nhau. Cử tri sẽ chọn ứng cử viên tranh cử, và người có nhiều phiếu thì đắc cử.

    b. Ða Ðảng

    Các quốc gia như Pháp, Ý, Nhật Bản, Tích Lan… đa đảng. Những nước này thường có bốn năm đảng chính trị mạnh, và nhiều đảng nhỏ.

    Mỗi đảng lại có một chính sách riêng về kinh tế xã hội. Một hai đảng “tả khuynh” thì chủ trương Tự Do, Cấp Tiến. Một hai đảng “trung dung” có chủ trương Dung Hòa, Trung Lập. Một hai đảng “hữu khuynh” lại chủ trương Bảo Thủ.

    Quốc gia đa đảng thì khó có một đảng nào thắng bầu cử để giữ chính quyền, cho nên phải có hai đảng liên minh thành lập nội các. Khi hai đảng không đồng ý với chính sách hay chương trình hoạt động chung, thì liên minh tan rã và thường kéo theo sự xụp đổ chính quyền.

    Nhìn chung, hệ thống đa đảng thường làm cho chính quyền yếu hơn hệ thống lưỡng đảng.

    c. Lưỡng Ðảng

    Hệ thống lưỡng đảng đã thành hình ở những quốc gia dùng Anh ngữ, dù rằng có nhiều đảng nhỏ nhưng chỉ quy tụ nơi hai đảng chính. Anh Quốc có đảng Bảo Thủ (Conservative) và Lao Ðộng (Labor).

    Hoa Kỳ có đảng Cộng Hòa (Republican) và Dân Chủ (Democratic). Gia Nã Ðại có đảng Bảo Thủ Tiến Bộ (Progressive Conservative) và Tự Do (Liberal) (3*).

    Hay Úc Ðại Lợi có những đảng chính trị nhỏ nhưng một trong hai đảng lớn giữ chính quyền. Thông thường, dân chúng vùng kỹ nghệ bỏ phiếu cho đảng Tự Do, vùng nông nghiệp thì bỏ phiếu cho đảng Bảo Thủ. (Phần đảng phái chính trị Úc Đại Lợi sẽ ghi chú riêng).

    Mặc dù trong nước có hai đảng nhưng mỗi đảng lại kiểm soát một vùng, và cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mình.

    8. Kết Luận

    Nhìn lại đảng phái chính trị của người Việt Nam trong thế kỷ vừa qua thì chúng ta phải thừa nhận rằng, dân tộc ta chưa có đảng phái chính trị đúng nghĩa, để giúp cho toàn dân “sinh hoạt tự do dân chủ,” mà chỉ có lớp người thời đại cổ vũ cho “lòng yêu nước thương dân” mà thôi. Trước hết, vì chúng ta thiếu triết lý dân tộc, thiếu nguyên lý tổng hợp, thiếu tôn chỉ tổ chức và lãnh đạo, thiếu hệ thống tư tưởng chỉ đạo theo phương pháp tổ chức “sống động và hiện thực.”

    Hơn nữa, mặc dù có tôn chỉ tổ chức thì chủ thuyết lại cần phải được giải thích rộng rãi cho nên tổ chức lại tự gò bó, mâu thuẫn quyền lợi, và kình chống lẫn nhau trong nội bộ của đảng phái chính trị. Bởi thế các chính đảng đã không theo kịp trào lưu tiến hóa chung của thời đại nhân loại.

    Tóm lại, đảng phái chính trị mà chúng ta mong muốn sớm có hôm nay, thì đảng phái đó không nên đóng khung trong một tôn chỉ hay một chủ thuyết, mà cần ứng dụng bằng những chính sách văn hóa chính trị dân tộc thực tế thực tiễn, và tránh nạn giáo điều. Muốn được như thế, chúng ta kết hợp sao cho hài hòa giữa hai hệ thống tư tưởng của dân tộc và nhân loại, rút tỉa tinh hoa văn hóa Tiên Rồng mang vào quốc sách chính trị Việt Nam trong thời đại mới, thời đại tín nghiệp với nhu cầu kiến thức và thông toàn, thì đảng phái chính trị của Việt Nam mới có cơ may thành công.


    Phạm Văn Bản
    WWU Political Science

    Ghi chú:

    (1*) Rossiter, Clinton, Parties and politics in America, Ithaca, N.Y., Cornell University Press, 1960.

    (2*) John Dewey, Democracy and Education: An Introduction to the Philosophy of Education, New York, Macmillan, 1916, 1944.

    (3*) Chính đảng Gia Nã Đại:


    • Canada's New Democratic Party/Nouveau Parti démocratique du Canada, NDP/NPD
    • Liberal Party of Canada/Parti Libéral du Canada, LPC/PLC
    • Conservative Party of Canada/Parti conservateur du Canada
    • Bloc Québécois, BQ
    • Animal Alliance Environment Voters Party of Canada, AAEV
    • Canadian Action Party/Parti Action Canadienne, CAP/PAC
    • Christian Heritage Party of Canada/Parti de l'Héritage Chrétien du Canada, CHP/PHC
    • Communist Party of Canada/Parti communiste du Canada, CPP/PCC
    • Communist Party of Canada (Marxist-Leninist)/ Parti commu-niste du Canada (marxiste-léniniste), CPP(M-L)/PCC(M-L)
    • First Peoples National Party of Canada, FPNP
    • Freedom Party of Canada/Parti de la Liberté du Canada, FP/PL
    • Green Party of Canada/Parti vert du Canada, GPC/PVC
    • Grey Party of Canada
    • Libertarian Party/Parti Libertarien
    • Marijuana Party/Parti Marijuana, MJP/PMJ
    • Parti Populaire des Putes, PPP
    • Progressive Canadian Party/Parti Progressiste-Canadien, PC Party/Parti PC
    • Rhinoceros Party of Canada
    • Western Block Party, WBP
    • Western Canada Concept, WCC


    Tuy nhiên, hai trong 4 đảng lớn là đảng Tự do (Liberal Party of Canada) và đảng Bảo thủ (Conservative Party of Canada) thường nắm chính quyền liên bang. Tại quốc hội Canada hiện nay có dân biểu của hai đảng vừa kể và của các đảng Tân Dân chủ (Canada's New Democratic Party), Khối Québecois (Bloc Québécois, BQ) và 1 dân biểu độc lập. Tại mười tỉnh bang (province) và ba lãnh địa (territory), chính phủ cũng thường do đảng lớn nắm quyền British Columbia, Ontario, Quebec: đảng Tự do; Alberta, New Brunswick, Nova Scotia, New Foundland, Prince Edward Island: đảng Bảo thủ; Manitoba, Saskatchewan: đảng Tân Dân chủ.
    Last edited by Phạm Văn Bản; 12-24-2023, 02:18 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X