Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bước Ngoặt Quan Trọng Trong Nghiên Cứu Điều Trị Ung Thư Bằng Vắc Xin

Collapse
X

Bước Ngoặt Quan Trọng Trong Nghiên Cứu Điều Trị Ung Thư Bằng Vắc Xin

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bước Ngoặt Quan Trọng Trong Nghiên Cứu Điều Trị Ung Thư Bằng Vắc Xin


    14/07/2023







    Các khoa học gia cho biết nghiên cứu đã đạt đến một bước ngoặt quan trọng trong việc điều trị ung thư bằng vắc xin. Trong tương lai, có thể sẽ có các loại vắc xin giúp thu nhỏ khối u và ngăn chặn ung thư tái phát. (Nguồn: pixabay.com)




    SEATTLE – Bước tiến lớn tiếp theo trong điều trị ung thư có thể là vắc xin. Sau nhiều thập niên miệt mài làm việc, các khoa học gia cho biết nghiên cứu đã đạt đến một bước ngoặt quan trọng, dự đoán sẽ có thêm nhiều loại vắc xin trong 5 năm tới.

    Tuy nhiên, đây không phải là những loại vắc xin truyền thống giúp ngăn ngừa bệnh tật, mà là những mũi tiêm để giúp thu nhỏ khối u và ngăn chặn ung thư tái phát. Các phương pháp điều trị thử nghiệm này nhắm mục tiêu vào những loại ung thư như ung thư vú và ung thư phổi, nhưng cũng đã có một số thành tựu đối với ung thư tế bào hắc tố (melanoma) và ung thư tụy tạng được thử nghiệm trong năm nay.

    Bác sĩ James Gulley tại National Cancer Institute cho biết: “Chúng tôi đã đạt được một số bước tiến đáng kể. Bây giờ việc cần làm là nâng cao hiệu quả của nó.”

    Các khoa học gia hiểu rõ cách ung thư ‘ẩn mình’ trước hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vắc xin ung thư cũng sẽ giống như các liệu pháp miễn dịch khác, tăng cường cho hệ thống miễn dịch để tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. Và có một số loại vắc xin mới sử dụng kỹ thuật mRNA, vốn được phát triển để điều trị ung thư nhưng lần đầu tiên được sử dụng lại là cho vắc xin COVID-19.

    Bác sĩ Nora Disis thuộc Cancer Vaccine Institute của UW Medicine ở Seattle cho biết, vắc xin sẽ phát huy tác dụng bằng cách dạy cho các tế bào T của hệ thống miễn dịch nhận biết ung thư là nguy hiểm. Sau khi được huấn luyện, các tế bào T có thể chu du khắp nơi trong cơ thể để săn tìm và tiêu diệt những thứ nguy hiểm.

    Bà giải thích: “Nếu có thể nhìn thấy, thì một tế bào T được kích hoạt sẽ gần như là có chân. Nó sẽ bò qua mạch máu để chui ra ngoài các mô.”

    Những bệnh nhân tình nguyện tham gia thử nghiệm là chìa khóa quan trọng đối với nghiên cứu.

    Kathleen Jade, 50 tuổi, phát hiện bị ung thư vú vào cuối tháng 2, chỉ vài tuần trước khi bà cùng chồng định rời Seattle để thực hiện một chuyến phiêu lưu vòng quanh thế giới. Thay vì ở trên chiếc thuyền Shadowfax dài 46-foot vi vu qua vùng Đại Hồ (Great Lakes) rồi hướng về phía St. Lawrence Seaway, bà lại đang ngồi trên giường bệnh chờ liều vắc xin thử nghiệm thứ ba. Jade đang được cho thử các liều vắc xin để xem liệu nó có làm khối u thu nhỏ lại trước khi phẫu thuật hay không.

    Quá trình phát triển vắc xin cũng gặp khá nhiều thử thách. Loại đầu tiên là Provenge, đã được Hoa Kỳ chuẩn thuận vào năm 2010 để điều trị ung thư nhiếp hộ tuyến (prostate) đã di căn. Nó đòi hỏi phải tiến hành một số điều chỉnh các tế bào miễn dịch của bệnh nhân trong phòng thí nghiệm, rồi mới truyền lại vào cơ thể bệnh nhân qua đường tĩnh mạch. Ngoài ra còn có vắc xin điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu và chứng ung thư tế bào hắc tố ác tính.

    Olja Finn, nhà nghiên cứu vắc xin tại University of Pittsburgh School of Medicine, cho biết nghiên cứu vắc xin ung thư ban đầu đã bị đình trệ do ung thư có thể lấn lướt và trụ lâu hơn hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Cho nên, nhóm của bà đành phải chuyển sang tập trung vào những bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn đầu, vì vắc xin thử nghiệm không giúp được gì cho những bệnh nhân bị nặng hơn.







    Nhóm của bà đang lên kế hoạch nghiên cứu vắc xin ở những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú không xâm lấn (non-invasive breast cancer), có nguy cơ thấp.

    Nhiều loại vắc xin ngăn ngừa ung thư cũng đang được nghiên cứu. Vắc xin viêm gan B đã có từ nhiều thập niên để giúp ngăn ngừa ung thư gan, và vắc xin HPV, ra đời vào năm 2006, giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.

    Tại Philadelphia, Bác sĩ Susan Domchek, giám đốc Basser Center tại Penn Medicine, đang tuyển 28 người khỏe mạnh có các đột biến BRCA để thử nghiệm vắc xin. Những đột biến này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú và buồng trứng. Các nhà nghiên cứu muốn tiêu diệt các tế bào bất thường ngay từ ‘trong trứng nước’ trước khi chúng có thể gây ra vấn đề.

    Nhiều nghiên cứu khác đang phát triển vắc xin để ngăn ngừa ung thư ở những người có nốt mờ phổi tiền ung thư và các tình trạng di truyền khác làm tăng nguy cơ bị ung thư.

    Bác sĩ Steve Lipkin tại Weill Cornell Medicine, New York, cho biết: “Rất có khả năng vắc xin sẽ là bước đột phá quan trọng tiếp theo” trong nhiệm vụ giảm tử vong do ung thư.

    Những người mắc bệnh di truyền hội chứng Lynch (một rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng) có nguy cơ mắc ung thư từ 60% đến 80%. Bác sĩ Eduardo Vilar-Sanchez của MD Anderson Cancer Center ở Houston, người đang dẫn đầu hai nghiên cứu về vắc xin dành cho các bệnh ung thư liên quan đến Lynch, cho biết việc tuyển người tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc xin rất dễ dàng. Ông nói: “Các bệnh nhân rất tích cực tham gia thử nghiệm.”

    Các nhà sản xuất dược phẩm Moderna và Merck đang cùng nhau phát triển một loại vắc xin mRNA được cá nhân hóa cho những bệnh nhân bị melanoma. Vắc xin được tùy chỉnh cho từng bệnh nhân, dựa trên nhiều đột biến trong mô ung thư của họ. Vắc xin được cá nhân hóa như thế này có thể huấn luyện hệ thống miễn dịch tìm kiếm dấu vết đột biến của bệnh ung thư và tiêu diệt những tế bào đó.

    Nhưng những loại vắc xin như vậy sẽ rất đắt tiền.

    Các loại vắc xin đang được phát triển tại UW Medicine được thiết kế để có tác dụng với nhiều bệnh nhân khác nhau chứ không chỉ một người. Các thử nghiệm đang được tiến hành đối với bệnh ung thư vú, ung thư phổi và ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối. Sang năm có thể sẽ có một số kết quả.

    Todd Pieper, 56 tuổi, đến từ ngoại ô Seattle, đang tham gia thử nghiệm một loại vắc xin nhằm thu nhỏ khối u ung thư phổi. Căn bệnh ung thư của ông đã di căn lên não, nhưng ông vẫn hy vọng sẽ có thể chứng kiến con gái mình tốt nghiệp vào năm tới.

    Một trong những người đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa ung thư buồng trứng cách đây 11 năm là Jamie Crase ở Đảo Mercer. Được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn cuối khi mới 34 tuổi, Crase nghĩ rằng mình sẽ yểu mệnh và đã lập di chúc để lại chiếc vòng cổ yêu thích cho người bạn thân nhất của mình. Bây giờ thì bà đã 50 tuổi, không có dấu hiệu của ung thư và vẫn đeo chiếc vòng cổ đó.

    Việt Báo
    Nguồn: “Scientists Say They’ve Reached Turning Point in Cancer Research with Vaccines” của Carla K. Johnson, được đăng trên trang Time.com.




Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X