Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đêm vỡ tường Bá Linh

Collapse
X

Đêm vỡ tường Bá Linh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đêm vỡ tường Bá Linh




    Emmanuelle Lacheny ♦ Chuyển ngữ: Trần Vũ


    Lời người dịch: Trung đoàn 46 thành lập tháng 2-1644 trong thế kỷ 17 là một trong những đơn vị bộ binh lâu đời nhất của lục quân Pháp, từng theo Nã Phá Luân đánh chiếm Mạc Tư Khoa năm 1812. Một đơn vị danh giá. Có thể đây là lý do khiến tháng 10-1989 trung đoàn này được điều đến trấn đóng sát bức tường Bá Linh với doanh trại mang tên Quartier Napoléon gần sân bay Tegel. Đêm 9 tháng 11-1989, tiểu đội của hạ sĩ Raul Alegria tuần tiễu dọc theo bức tường. Đến gần điếm canh check-point Charlie và cổng Brandenburg, đột nhiên lính Pháp trông thấy dân chúng túa ra đường, chạy về phía tường. Con sông Bến Hải của nước Đức, biểu tượng ly cách dân tộc và phân chia Quốc-Cộng đột ngột biến mất.
    30 năm sau, nữ phóng viên Emmanuelle Lacheny của đài truyền thông Radio France International ghi lại những xúc động của người lính đã chứng kiến tận mắt biến cố lịch sử ngay dưới chân tường. 56 năm sau khi Kennedy tuyên bố: Tất cả những con người tự do, bất kỳ nơi nào họ sinh sống, đều là công dân Bá Linh và vì vậy, ở vị trí một người tự do, tôi kiêu hãnh trong từng chữ khi nói Tôi là người Bá Linh ‘Ich bin ein Berliner’, ký ức của hạ sĩ Raul Alegria mang chúng ta về lại quá khứ. [Trần Vũ]
    (*) All free men, wherever they may live, are citizens of Berlin and therefore, as a free man, I take pride in the words ‘Ich bin ein Berliner’. (JFK, 25 tháng 6-1963)






    Từ 1961 đến 1989, Bá Linh bị phân mảnh. Một bức tường đồ sộ mọc lên ở giữa. Phía Đông, Nga Sô chiếm đóng. Phía Tây phân chia giữa Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Khi ấy, là binh sĩ hiện dịch của quân đội Pháp, Raul Alegria thuật lại ngày bức tường vỡ nát.


    RFI: Vì đâu anh có mặt tại Bá Linh năm 1989?
    Raul Alegria: Lúc ấy, tôi là quân nhân của Trung đoàn 46 Bộ binh. Đơn vị tôi thuyên chuyển đến phía Tây Bá Linh, đóng quân từ tháng 10-1989 đến tháng 9-1990. Ngày 9 tháng 11-1989, khi bức tường đổ, là cả một bất ngờ đối với chúng tôi. Không có chữ nào có thể diễn tả hết xúc động và cả sự thảng thốt trong lòng mỗi chúng tôi. Không ai ngờ. Không ai trông đợi, không một tin đồn hay có gì báo trước cơn sốt. Tiểu đội tôi tuần tiễu tối đó. Trên đường phố, dân Tây Đức chạy vượt qua mặt chúng tôi. Tiếng Đức của tôi không giỏi nhưng tôi vẫn hiểu, qua tiếng la ó của họ, là họ sắp phá bức tường.
    RFI: Anh cảm nhận gì khi bức tường vỡ nát?

    Raul Alegria: Có hai thời khắc tách biệt đối với binh sĩ Pháp có mặt tại chỗ. Thoạt tiên chúng tôi vô cùng lo lắng và bức bách với ý nghĩ là dân chúng phá hủy biểu tượng của sư phân cách. Không ai có thể đoán trước phản ứng của lính Nga phía bên kia. Chúng tôi không cách chi dự báo, hiểm nguy thật sự đáng sợ. Hồng quân Nga có thể bắn vào đám đông hay đàn áp tàn bạo dân Đông Đức đang ùa đến bức tường. Đã hết sức căng thẳng. Lệnh lạc vô cùng chậm chạp, các cấp chỉ huy cứ nói đợi. Mỗi người lính đành tự ước lượng tình hình… Sau đó một tiếng đồng hồ, lệnh ban ra: không can thiệp. Rồi những mệnh lệnh khác dồn dập: cấp phát khẩu phần quân đội là những ration đồ hộp cho dân Đông Đức. Gần đó, các đơn vị Anh đã nhanh chóng thiết lập một trạm phân phối thực phẩm cạnh điếm canh check-point Charlie. Đến lúc đó, chúng tôi mới yên tâm. Đám đông đã không chú ý những lo lắng của chúng tôi mà vui mừng đập phá bức tường. Các thanh niên Đức chạy qua, họ gào thét, la toáng và cười nói. Tất cả đã bột phát một cách tự nhiên.
    RFI:Dân Đông-Tây phản ứng ra sao?

    Raul Alegria: Phía Tây, dân chúng ngây ngất gần như phát rồ vì sung sướng, mọi người cười đùa với chúng tôi. Còn dân đến từ phía Đông Bá Linh ngập hoang mang. Rất đông không biết là có lính Pháp với lính Anh đóng sau bức tường. Chúng tôi phải giải thích với họ về sự hiện diện của mình. Tiếng động ầm ào xung quanh, vì tất cả mọi người đều muốn đập tường, bằng bất kỳ cách nào. Búa với cuốc chuyền tay nhau. Dân chúng sử dụng mọi thứ họ tìm thấy. Một người đàn ông cầm một cái xà-beng trong tay… Sự hiện diện của một tiểu đội lính Pháp không gây ngạc nhiên cho dân Tây Đức vì họ đã quen thấy lính ngoại quốc trên đường phố của họ.

    RFI: Sau khi bức tường sụp, động thái của lính Sô-viết như thế nào?

    Raul Alegria: Lính Nga muốn giao dịch thương mãi. Đêm đó, đã có rất nhiều trao đổi. Lính Nga muốn đồ trang sức, quà tặng và thuốc lá, họ đi sang phía Tây vì tò mò… Lính Nga Sô hẳn cũng đã nhận lệnh không can thiệp giống chúng tôi.

    RFI: Ký ức của anh ghi nhận gì, sau những giờ đầu tiên thống nhất nước Đức?

    Raul Alegria: Dân phía Đông lộ vẻ lo âu trong những phút đầu tiên, rồi những trao đổi trong câu chuyện giãn ra, duỗi ra, theo cách một gia đình vừa đoàn tụ. Vì chung ngôn ngữ, cùng văn hóa, nên thật đơn giản để mọi người giao tiếp. Bức tường đã là một chu kỳ đau đớn cho tất cả mọi người. Việc sum họp là một an ủi. Đối với dân phía Đông, họ đã chịu đựng sự chiếm đóng của Cộng sản Sô-viết. Họ bần cùng không có gì hết. Hôm sau phá hủy bức tường, ngày 10 tháng 11-1989 chính phủ Tây Đức đã cho mỗi người dân Đông Bá Linh một trăm Đức kim tiền phía Tây. (Khi ấy 350 quan Pháp mới bằng 100 Đức kim). Ngay sau đó, tất cả những cửa hàng phía Tây đều trống rỗng, không còn hàng bán. Xảy ra sự điên cuồng mua sắm sau thời gian dài hạn chế bằng tem phiếu làm thiếu thốn. Rất dễ phân biệt người Đức nào sống phía Đông và ai sống phía Tây.
    RFI: Vào đêm bức tường sụp, anh có nhận ra tầm quan trọng của sự kiện vừa xảy ra?

    Raul Alegria:Phải vài ngày sau tôi mới nhận thức là mình vừa chứng kiến một thời khắc lịch sử. Một sự kiện sẽ lưu lại trong sách Sử. Siêu thực như trong phim. Chúng tôi ở lại đến 3 giờ sáng, rồi cùng trở về đồn mang tên Trại Nã Phá Luân. Trại nằm gần phi trường Tegel. Sáng hôm sau chúng tôi quay lại bức tường. Dân chúng đang nhặt những viên gạch, họ muốn cất giữ làm kỷ vật.
    RFI: Anh đã có cơ hội thăm viếng Đông Bá Linh?

    Raul Alegria:Với bốn đồng đội, chúng tôi sang Đông Bá Linh vài lần. Phải qua kiểm soát ở check-point. Khá ngộp thở, mỗi cử động đều bị Công an Đông Đức Stasi theo dõi và lính Nga canh chừng. Không thể đi lại tự do và phải xin giấy phép cho mọi thứ. Sự thiếu thốn lương thực đập vào mắt khi chúng tôi vào quán. Tôi gọi một ly coca, nhưng không có coca ở Đông Bá Linh, thay vào đó là một thức uống pha trộn cà phê đen với nước sô-đa. Ly coca dở nhất trong đời tôi! Sang phía Đông, dân Đông Bá Linh nhận biết chúng tôi tức khắc. Dù chúng tôi mặc quần áo dân sự với áo khoát hàng hiệu. Dân chúng ngó chúng tôi chằm chằm, loại áo ấy với thứ vải đó không bán bên phía họ.


    RFI: Các ngôi phố trong khu vực Sô-viết ra sao?
    Raul Alegria:Vệ sinh rất tệ, nhất là trong lĩnh vực thiết bị xây cất. Các tòa nhà cũ hư hỏng dột nát từ cuối thế chiến. Vì thiếu tiền để trùng tu. Vẫn còn trông thấy miểng súng cối, vết đạn lỗ chỗ, toàn khu vực như bị quá khứ xăm hình. Tựa một chuyến đi ngược thời gian, không thấy có nhiều thay đổi. Kiến trúc Sô-viết với những bin-đinh trông như bánh cưới vuông vức không giúp tăng thêm thẩm mỹ. Các cơ sở hành chánh trông giống nhà ở công cộng xám lạnh. Đường phố vắng tanh.

    Emmanuelle Lacheny ghi, 8 tháng 11-2019
    Trần Vũ chuyển ngữ từ nguyên tác Pháp văn La Chute du Mur de Berlin: un soldat français raconte trên trang Radio France International RFI. Bản Anh văn Fall of the Berlin Wall: a French soldier tells.
    Last edited by saomai; 07-18-2023, 08:40 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X