Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sư Đoàn 3 Bộ Binh

Collapse
X

Sư Đoàn 3 Bộ Binh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sư Đoàn 3 Bộ Binh

    Sư Đoàn 3 Bộ Binh
    Đặng Đình Liêu, K19


    Mỗi năm, Phòng 3 Bộ TTM phải thiết lập một Bản Kế Hoạch Quân Số (Force Structure List), trong đó có đầy đủ các đơn vị thuộc Hải, Lục, Không Quân, ND, TQLC, BĐQ, Bộ Binh, Pháo Binh, Thiết Giáp, CSQG, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, NDTV,… với đầy đủ Bảng Cấp Số. Tổng số là 1,1 triệu người...

    Bản dự thảo sẽ trình lên Đại Tướng BTTM/ QL/ VNCH và Bộ Quốc Phòng. Sau đó sẽ chuyển qua BTL/ MACV. Nếu được chuẩn thuận thì Bản Cấp Số này sẽ được chuyển về Ngũ Giác Đài, nơi đây sẽ ban hành ngân khoản viện trợ cho 1,1 triệu quân nêu trên.

    Trước năm 1971, BTTM/ QL/ VNCH có đề nghị Mỹ cung cấp máy bay F4 cho KQ/ QL/ VNCH, nhưng phía Mỹ chỉ cung cấp máy bay F5E, có tính nghênh cản Không Quân địch; mà không cho KQ/ VNCH có khả năng tác chiến xa. Hậu quả là trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, HQ của QL/ VNCH không được KQ yểm trợ hỏa lực, nên không thể kháng cự Hải Quân Trung Cộng.

    BTTM/ QL/ VNCH tiếp tục đề nghị thành lập một sư đoàn BĐQ, nhưng BTL/ MAVC từ chối. Tiếp theo đó, phía Mỹ đề nghị BTTM /QL/ VNCH “đình động” một số đơn vị thuộc KQ và HQ (đình động có nghĩa là máy bay hay tàu chiến sẽ đưa vào cất trong kho và bảo trì kỹ lưỡng).

    I- NGUYÊN NHÂN THÀNH LẬP SĐ3 BB:

    Tình hình Quân Đoàn I sôi động. Đầu tiên, địch quân điều động 2 SĐ 304, 308 với Pháo Binh và Thiết Giáp tràn qua vùng phi quân sự. Mặc dù đã có 2 SĐ 1 và 2 BB, cộng thêm 2 SĐ tổng trừ bị ND và TQLC, nhưng vẫn còn ít hơn nếu so với địch quân vì chúng đưa nhiều đơn vị cấp SĐ cộng thêm PB, TG, các trung đoàn biệt lập để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào năm 1972 mà chúng ta thường gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”.

    Trở lại Trận Mậu Thân năm 1968, sau đợt tổng công kích lần thứ 2 vào tháng 5 năm 1968, chỉ trừ Thành Phố Huế bị địch chiếm giữ gần một tháng; còn tại các thành phố hoặc vùng bị địch chiếm đóng các lực lượng chiến đấu của QLVNCH đã đánh đuổi địch hoặc xóa sổ chúng. Vì đa số du kích VC đã bị tiêu diệt nên một thời gian sau 1968, VC không còn có thể quấy rối mạnh mẽ như trước.

    Trên thực tế chúng ta đã chiến thắng, nhưng chiến thắng đó đã bị truyền thông phản chiến Mỹ phớt lờ và gây khó khăn thêm cho chính sách của Mỹ trong chiến tranh VN.

    Sau trận Mậu Thân địch quân lo rèn cán, chỉnh quân để chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới. Trong khi đó, các đảng phái ở miền Nam bận rộn trong các cuộc tranh cử...

    Giới quan sát ngạc nhiên là sau trận Mậu Thân số thanh niên tình nguyện nhập ngũ rất đông. Để có thể xử dụng khối nhân số này, BTTM/ QLVNCH đề nghị thành lập tiểu đoàn BB thứ tư cho mỗi trung đoàn thuộc 10 SĐ BB sẵn có. Phía Mỹ cũng đã chấp thuận yểm trợ quân trang, quân dụng cho các tiểu đoàn tân lập nêu trên.

    Vì nhu cầu khẩn thiết của Vùng 1 Chiến Thuật, BTTM/ QLVNCH đã quyết định, dùng quân số cũng như trang thiết bị của tiểu đoàn bộ binh thứ tư, thành lập thêm 1 SĐBB tăng cường vùng giới tuyến.

    II- CƠ CẤU TỔ CHỨC SĐ3BB:

    SĐ3BB được thành lập tại căn cứ Ái tử Quảng Trị do:

    - Nghị định số 2334-QP/TCTT/NĐ ngày 31/10/1971.

    - SVVT số 4511/TTM/P3/2/K.

    SĐ3BB gồm các trung đoàn:

    - Trung Đoàn 2BB chuyển từ SĐ1 BB qua.

    - Trung Đoàn 56 và 57 tân lập (chuyển một số tiểu đoàn từ SĐ2 BB qua, cộng thêm một số quân nhân thuộc Quân Đoàn I)

    . Số quân nhân này được trích ra từ các đơn vị ĐPQ, NQ, NDTV, có cả lao công đào binh (đã được tha bổng để đầu quân chuộc tội).

    Vì là đơn vị sinh sau đẻ muộn nên đã được các đơn vị đàn anh nhường lại cho 1 số vũ khí đạn dược. Thí dụ như SĐ1 BB đã cho Thiết Đoàn 11, một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong cuộc HQ Lam Sơn 719. Xét về cơ cấu tổ chức, SĐ3 BB là đơn vị tân lập chỉ có Trung Đoàn 2 BB đưa từ SĐ1 BB qua là có khả năng chiến đấu ngay. Hai trung đoàn còn lại hoàn toàn tân lập. Mặc dầu có 1 số tiểu đoàn BB thuộc SĐ1 BB đưa qua làm khung, nhưng khả năng tác chiến của 2 Trung Đoàn 56 và 57 rất giới hạn.

    Giới quan sát ngạc nhiên tại sao một sư đoàn tân lập như vậy lại đưa ra trấn giữ vùng giới tuyến. Phía Mỹ tỏ ra lạnh nhạt và đưa rất ít cố vấn tới SĐ3BB nếu so sánh với các SĐ khác.

    Vị Tư Lệnh đầu tiên là Chuẩn Tướng Vũ văn Giai, từ 01/11/71 đến 03/05/72. Đại Tá Phạm văn Chung TLP/SĐ được cử làm Xử Lý Thường Vụ Tư Lệnh kể, từ 03/05/72 đến 09/06/72. Vị thứ hai là Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh, từ 09/06/72 đến 04/75.

    III- RÈN LUYỆN TRONG CHIẾN ĐẤU:

    Trọng tâm bài viết này là sự thành lập SĐ3 BB, tác giả sẽ cố gắng tóm lược các trận đụng độ giữa SĐ3 BB và địch quân. Phối trí lực lượng của SĐ3 BB và các đơn vị bạn như sau:

    - Tr/Đ57 đóng tại các căn cứ A1, A2, A3, A4 nằm gần khu phi quân sự và phía Bắc sông Cam Lộ. BCH/TR/Đ57 đóng tại căn cứ C1 có thêm nhiệm vụ bảo vệ quận Gio Linh. Tr/Đ 57 rải quân giữ các căn cứ A4 và Fuller.

    - Tr/Đ 56 đóng tại căn cứ Carroll, nằm phía dưới sông Cam Lộ.

    - LĐ147 TQLC đóng tại căn cứ Sarge và Núi Bà Hổ.

    - LĐ258TQLC đóng phía Nam Quảng Trị tại căn cứ hỏa lực Nancy

    . 1- Thử lửa đầu tiên là sự hoán chuyển vị trí giữa Trung Đoàn 2 tại căn cứ hỏa lực Carroll về căn cứ hỏa lực Charlie 2 của Trung Đoàn 56 và ngược lại, nhưng vì thiếu phương tiện vận chuyển, liên lạc truyền tin yếu kém nên gây ra xáo trộn hàng ngũ. Sau cùng việc hoán chuyển cũng hoàn tất nhưng khuyết điểm này địch quân đã biết.

    Ngày 31/03/72, địch pháo kích vào BTL/SĐ3 BB đặt tại các cứ Ái Tử bằng đại bác 130 ly với tốc độ bắn nhanh và tầm xa gần 27 km. Song song với đợt pháo kích, các đơn vị của CSBV bao gồm: SĐ 304 và 308, 2 trung đoàn Thiết Giáp gồm T54 và PT76, 5 trung đoàn Pháo Binh, 3 trung Đoàn BB tràn qua khu phi quân sự uy hiếp quận Gio Linh.

    Các SĐ 325, 320B được chuyển xuống vùng phi quân sự, chưa kể SĐ 312 BV nằm sát ngay biên giới Lào. Như vậy địch đã huy động tới 7 SĐ vào vùng Quảng Trị.

    Quận Gio Linh bị thất thủ. Các căn cứ hỏa lực A1, A2, A3 lần lượt bị tràn ngập. Tr/Đ 57 và Tr/Đ 2 rút về Cam Lộ và Đông Hà.

    Trung tá Gerald Turley là cố vấn cao cấp nhất đặt cạnh SĐ3 BB đã liên lạc được với Không Quân cũng như Hải Quân của Mỹ để xin không hải yểm chặn bước tiến quân của địch.

    2- Địch quân pháo kích dồn dập vào căn cứ Carroll làm cho đại bác 175 ly ở đây không thể yểm trợ hữu hiệu cho Tr/Đ57 đóng tại Khe Gió và Lữ Đoàn 147 TQLC đóng tại núi Bà Hổ và Sarge. Hai đơn vị nêu trên cầm cự tới phút cuối cùng nhưng cũng đành phải rút.

    Lữ Đoàn 258/ TQLC tại căn cứ Nancy phía Nam Quảng Trị, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Ngô văn Định, đã kịp thời gửi một TĐ/ TQLC và Thiết Đoàn 20 Chiến Xa (chiến xa M48) thiết lập phòng tuyến Cam Lộ, Cửa Việt giúp SĐ3 BB tái tổ chức.

    3- Ngày 02/04/1972, địch quân đổi hướng tấn công về phía cầu Cam Lộ, tạo áp lực nặng nề lên Tr/Đ 56 đang trấn đóng tại căn cứ hỏa lực Carroll phía Nam cầu. Tr/Đ 56 bị thất thủ, chỉ có 33 binh sĩ chạy thoát về.

    4- Căn cứ Carroll thất thủ khiến địch quân tăng áp lực lên căn cứ hỏa lực Mai Lộc của Lữ Đoàn 147/ TQLC. Chuẩn tướng Giai đã chấp thuận cho Lữ đoàn 147/ TQLC rút về Quảng Trị. Sau đó Lữ Đoàn về Huế để bổ sung quân số, tái trang bị vũ khí. Lữ đoàn 369/ TQLC lập phòng tuyến mới từ căn cứ hỏa lực Nancy phía Đông Nam Quảng Trị.

    Trong thời gian này các LĐ1/ BĐQ của Quân khu I, LĐ3/ BĐQ của QK III, và LĐ4/ BĐQ của QK IV, cùng với Lữ Đoàn 1 KB phản công tái chiếm những vùng đất bị địch chiếm, nhưng kế hoạch này không thành công. Chuẩn Tướng Giai bây giờ chỉ còn hai Tr/Đ 2 và Tr/Đ 57.

    Cố vấn trưởng nhận thấy tình hình bất lợi cho Tr/Đ 57 tại chiến tuyến Đông Hà nên xin Đại Tá Ngô Văn Định gửi TĐ3/ TQLC lên tiếp viện cho Tr/Đ 57 tại Đông Hà. Việc này đã giúp SĐ 3 giữ vững chiến tuyến Đông Hà, suốt tháng 4/ 1972 để chờ quân tiếp viện.

    Ngày 23/04/72, LĐ 147/ TQLC được điều động từ Huế ra thay thế cho LĐ 258/TQLC rút về bổ xung quân số và vũ khí đạn dược.

    5- BTL/QĐI & QK1 ra lệnh cho Thiết Đoàn 20 KB mở hành quân xuôi về hướng Nam để khai thông tuyến tiếp tế cho các đơn vị. Tr/Đ 57 thấy vậy tưởng Thiết Đoàn 20 KB rút lui nên đã rút theo. Chuẩn Tướng Giai đã tập hợp những binh sĩ SĐ3 còn lại thiết lập tuyến phòng thủ phía Bắc sông Thạch Hãn, nhưng sau đó phải di chuyển qua phía Nam sông Thạch Hãn.

    Tại căn cứ Ái Tử chỉ còn một ít quân thuộc Tr/Đ 57 và LĐ 147/ TQLC.

    6- Ngày 30/04 /72, 15 ngàn dân bỏ chạy về hướng Nam, cùng với binh sĩ, quân xa rút chạy dọc theo Quốc Lộ 1 về hướng Nam khiến đường bị tắc nghẽn gần 10 km, gần cầu Đập Đá, mà sau này gọi là “Đại Lộ Kinh Hoàng“.

    LĐ 147/ TQLC rút trong vòng trật tự về khu Cổ thành chờ lệnh chiến đấu. Khu Cổ thành trước là BCH/ TK Quảng Trị. Sau đó, Tướng Giai, đặt BTL/ SĐ3 BB tại đây, phối hợp với các đơn vị bạn lập tuyến phòng thủ phía Nam sông Mỹ Chánh cách Cổ thành 13 km về hướng Nam. Tướng Giai sẽ cùng triệt thoái với LĐ 147/ TQLC.

    Địch pháo kích dữ dội lên khu vực Cổ thành làm gián đoạn liên lạc giữa SĐ3 với các đơn vị bạn.

    KQ Mỹ đã gửi một đoàn trực thăng CH53 di tản được BTM/ SĐ3 và 132 binh sĩ Việt-Mỹ còn kẹt lại trong Cổ Thành. Ngày đầu tháng 5 /1972, TQLC và Thiết Giáp tự tìm cách vượt 13km đường về tuyến Mỹ Chánh. Vì phía Tây bị hở nên họ rút về phía biển sau đó xuôi về Mỹ Chánh. Địch quân đã biết nên chúng pháo kích và tấn công dữ dội, trong khi các đơn vị bạn đã quá mệt mỏi. Thiếu tá Huff của TQLC đã gọi Không Quân và Hải Quân Mỹ yểm trợ. Trong cảnh hỗn lọan đó, một số người Mỹ đã bị kẹt lại trên một ngọn đồi thấp.

    Thiếu tướng Thomas Bowman, Cố vấn QK 1, nghe tiếng kêu cứu của Thiếu tá Huff, đã ra lệnh cho chiếc trực thăng UH1 mà ông đang xử dụng đi quan sát tình hình đổi hướng để cứu Thiếu tá Huff cùng 1 số quân nhân khác.

    Ngày 02/05/72, trong lúc các đơn vị tham chiến đang lo triệt thoái khắp vùng phía Bắc Mỹ Chánh, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu hồi Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh QĐI/ QK1, về Sài Gòn làm Tổng Thanh Tra Quân Lực. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đang là Tư Lệnh Vùng 4 được chỉ định thay thế Tướng Hoàng Xuân Lãm.

    BTTM/ QL/ VNCH quyết định duy trì SĐ3 và ra lệnh cho Tướng Trưởng lập lại SĐ, ngày 09/06/72. Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh đã được Tướng Trưởng bổ nhiệm làm Tư Lệnh SĐ3 BB. TR/Đ 2 và TR/Đ 56 đã hồi phục được khả năng tác chiến.

    Ngày 16/06/72, SĐ3 được di chuyển về Quảng Nam giữ an ninh vòng đai cho Đà Nẵng thay thế cho Lữ Đoàn 196 Hoa Kỳ rút về nước. Bản doanh của SĐ3 BB đặt tại căn cứ Freedom Hill trước là bản doanh của SĐ1 TQLC/ HK. Sau đó SĐ3 cũng tái lập được Tr/Đ 57 và trách nhiệm hành quân tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Đà Nẵng.

    Tác giả xin chấm dứt bài viết về SĐ3BB ở đây. Rất mong đón nhận ý kiến đóng góp của quý vị về bài viết này.


    Tài liệu tham khảo:

    - Lược sử QLVNCH của các tác giả Trần Ngọc Thống - Hồ Đắc Huân - Lê Đình Thụy

    - Chiến sử QLVNCH của Phạm Phong Dinh.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X