Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Độc Diễn Kiểu Mỹ

Collapse
X

Độc Diễn Kiểu Mỹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Độc Diễn Kiểu Mỹ

    Độc Diễn Kiểu Mỹ
    Vũ Linh

    ...tính cho đến nay, TT Clinton đã thu được hơn 100 triệu đô tiền đọc diễn văn....

    * Vợ chồng danh hài Bill và Hillary Clinton
    Hý họa và chơi chữ "bills" với "Bill" của Michael Ramirez trên tờ IBD ngày 150512 *


    Năm xưa ở xứ ta, có màn "độc diễn", ra tranh cử tổng thống mà không có ai chạy đua cùng với mình. Năm 1971, TT Thiệu ra tranh cử lại, nhưng trước đó đã tìm đủ cách loại các đối thủ, rồi sau đó lại tìm đủ cách để có đối thủ ra tranh cử cùng, cho đỡ... kỳ cục. Nhưng cuối cùng thì vẫn độc diễn và đắc cử với tỷ lệ 94% phiếu. Vẫn chưa bằng tỷ lệ của ông y tá thủ tướng ngày nay!

    Thời ấy truyền thông Mỹ xúm vào chỉ trích, cho là độc diễn không thể nào thể hiện được ý dân một cách trung thực, nếu không muốn nói là gian lận. Do đó, kết quả cuộc đầu phiếu không có giá trị, và tổng thống đắc cử không chính danh.

    Ấy vậy mà oái ăm thay, đó chính là cảnh ta đang thấy tại cái thành trì dân chủ này. Trong nội bộ một đảng có tên là... Dân Chủ.

    Như tất cả mọi người đều biết, bà cựu Đệ Nhất Phu Nhân, cũng là cựu thượng nghị sĩ, cựu ngoại trưởng, Hillary Clinton, đang biểu diễn màn tranh cử độc diễn, có một không hai tại xứ Mỹ này. Cho tới nay, mới chỉ có một cụ già ghi danh chạy đua tranh cử cùng bà, cho dù xác suất thắng cử của cụ là... 0%. Trong tương lai gần, may ra có một vài ứng viên sẽ ghi danh tranh cử. Nhưng cho dù có hay không có ai, cũng chẳng thay đổi được tình hình thực tế, tức là thực sự, bà Hillary đang... độc tấu dương cầm.

    Ngoại trừ trường hợp bà Hillary bất ngờ rút lui, hay bị ốm đau, tai nạn gì đó không tiếp tục tranh cử được, thì tất cả các chuẩn ứng viên đó đều có hy vọng đắc cử tương đương với hy vọng đắc cử của... kẻ viết này nếu kẻ viết này chán viết báo và muốn ra tranh cử tổng thống Mỹ cho vui!
    Xin lược sơ qua.

    - Thượng nghị sĩ Bernie Sanders: Ông này là ứng viên thứ nhì chính thức tuyên bố ra tranh cử sau bà Hillary, trên danh nghĩa thuộc thành phần độc lập, tự cho mình là theo xã hội chủ nghĩa cực tả, trên thực tế luôn luôn bỏ phiếu theo đảng DC và đã chính thức xác nhận sẽ ra tranh cử trong nội bộ DC. Cụ Sanders năm nay 73 tuổi, già hơn cả bà già Hillary đến bốn tuổi. Nếu đắc cử, sẽ nhậm chức vào năm 76 tuổi. Gần cuối đời, cụ ra tranh cử cho vui, chứ không ai nghĩ cụ có chút hy vọng nào. Có người sợ cụ sẽ kiệt sức ngay khi đi vận động tranh cử vì tranh cử kiểu Mỹ này đúng là còn tốn sức hơn chạy marathon thế vận hội. Dù vậy, tỷ lệ hậu thuẫn của cụ cũng đâu khoảng 5%.

    - PTT Joe Biden: Ông này đang ẫm ờ, nửa nạc nửa mỡ, đang bận thăm dò dư luận xem mình có bao nhiêu hy vọng. Vì thật ra hy vọng của ông rất ít. Những thăm dò mới nhất cho thấy sau 6 năm làm Đệ Nhị Chính Khách, tỷ lệ hậu thuẫn của ông vẫn đì đẹt trên dưới 10%.

    - Bà Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren: Đây là gà nòi của khối cực tả. Mới đắc cử TNS Massachusetts cuối năm 2012. Cấp tiến đến độ chê cả TT Obama là chưa đủ cấp tiến. Bà Warren đã nhiều lần khẳng định sẽ không ra tranh cử, nhưng bị áp lực nặng của khối cực tả trong đảng không thoả mãn với lập trường chưa đủ cấp tiến của bà Hillary. Nếu ra tranh cử, bà Warren không có cách nào hạ được bà Hillary, mà chỉ có thể giúp bà Hillary xây đắp hình ảnh một chính khách ôn hoà, giúp bà thu phiếu của cử tri độc lập trong cuộc tranh cử chống ứng viên Cộng Hoà thôi.

    Chính vì lý do này mà đảng Dân Chủ đang cố vận động bà Warren ra để làm một công hai chuyện: tránh được độc diễn kỳ cục, và giúp tăng hy vọng chiến thắng cuối cùng cho bà Hillary. Nhưng ý tưởng thúc bà ra tranh cử không làm bà Warren vui lắm vì hiển nhiên chỉ có tính lợi dụng bà làm con thiêu thân cho bà Hillary. Bà Warren được hậu thuẫn bởi khoảng 10% cử tri Dân Chủ.

    - Các chuẩn ứng viên khác là cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb của Virginia, trước đây là quân nhân chiến đấu tại VN, có vợ Việt, sau làm Thứ Trưởng Lục Quân cho TT Reagan, rồi bỏ đảng Cộng Hòa nhẩy qua Dân Chủ; cựu thống đốc Maryland Martin OMalley; và cựu thống đốc Rhode Island Lincoln Chafee. Tỷ lệ hậu thuẫn của cả ba ông này cộng lại chưa tới... 5%. Cả ba ông chưa ai chính thức ghi danh, nhưng đều hăng hái đả kích bà Hillary rồi.

    Tổng cộng cả 6 vị nêu trên, tỷ lệ hậu thuẫn xấp xỉ 30%, so với 70% của bà Hillary. Tóm lại, chẳng ai có tầm vóc gì hết.

    Dù rằng bà Hillary lại không phải là một ứng viên hoàn hảo, lý tưởng, đến độ… độc cô cầu bại. Trái lại, trong vài tháng qua, bà đã… đụng đâu đổ đấy. Vấp phải những khủng hoảng và xì-căng-đan rất nặng,đe dọa trực tiếp đến hy vọng thắng cử trong cuộc bầu tổng thống toàn quốc.

    Xì-căng-đan emails bị xóa đang bị Hạ Viện hỏi giấy, trong khi xì-căng-đan gây quỹ cũng đang bị báo chí khui tung tóe. Dĩ nhiên là nếu bị lôi ra điều trần trước quốc hội, có nhiều hy vọng bà sẽ được các đồng chí Dân Chủ nhắm mắt bênh vực triệt để, và cuối cùng có nhiều hy vọng thoát nạn, chẳng bị trừng phạt hay khiển trách gì. Nhưng trong bối cảnh bầu cử tổng thống hiện nay, quyết định cuối cùng của quốc hội không quan trọng bằng quyết định của cử tri đi bỏ phiếu. Nếu Cộng Hoà đưa ra được một nhân vật có khả năng và uy tín, không quá cực đoan cuồng tín, trong khi bà Hillary không gỡ rối được một cách rõ rệt thì bà có rất nhiều hy vọng… về ôm cháu ngoại chứ chẳng chơi.

    Cả hai xì-căng-đan càng ngày càng đưa ra hình ảnh một bà Hillary như là một Nixon tân thời. Mưu mô, xảo quyệt, mánh mung, gian trá. Không hơn, không kém, dù là chưa bị bắt quả tang về bất cứ chuyện gì, vì bà lươn lẹo quá giỏi.

    Trong cả hai xì-căng-đan, bất cứ một người nào không có thành kiến ủng hộ bà Hillary từ trước cũng đều ngửi thấy … khét lẹt.

    Trước hết, xì-căng-đan emails.

    Tại sao bà Hillary lại xài hệ thống emails riêng, bỏ tiền túi ra lập một hệ thống tại nhà riêng để chính phủ không có thể xoi mói, nhìn vào xem có gì? Đã vậy, khi bà rời chức vụ Ngoại Trưởng, bà tuyên bố đã ký giấy xác nhận khi rời nhiệm sở đã trao lại cho Bộ Ngoại Giao tất cả tài liệu, kể cả emails, liên quan đến công việc của bà cho Bộ. Nhưng Bộ này lại khẳng định bà chẳng ký gì hết mà cũng chẳng trao lại gì hết. Đến khi đó thì bà Hillary in ra giấy đâu 50.000 trang emails, đưa lại cho bộ. Nên lưu ý là bà in ra giấy rồi mới đưa. In ra giấy thì có cạo sửa thêm bớt gì trên computer cũng không ai biết được, trong khi nếu còn trong máy, thì các chuyên gia có thể tìm thấy những đoạn cạo sửa, thêm bớt. Sau đó bà còn tự ý xóa hết tất cả mọi emails trong máy, không còn dấu vết gì nữa. Bà khẳng định những emails xóa đi chỉ là emails cá nhân cho bạn bè, nói chuyện riêng tư với chồng con. Sự thật như thế nào không biết, chỉ biết ông chồng nói cả đời chỉ viết emails có hai ba lần, chưa khi nào email gì với bà vợ.

    Bất kể sự thật như thế nào, câu hỏi là tại sao lại vi phạm luật, sử dụng hệ thống emails riêng? Tại sao lại tự ý xóa hết emails trong hệ thống? Ai biết đâu mà kiểm chứng? Có việc gì gian dối cần giấu diếm mà phải làm vậy?

    Điều trần trước Thượng Viện, bà Joyce Barr, Thứ Trưởng Ngoại Giao, đã xác nhận việc bà Hillary sử dụng emails là “không chấp nhận” được (not acceptable). Ngày xưa, bà Hillary là một luật sư trong luật sư đoàn của đảng Dân Chủ điều tra về Watergate chống TT Nixon. Bà biết rất rõ chuyện TT Nixon xoá 18 phút thâu băng đã bị phe Dân Chủ khai thác tới mức TT Nixon phải từ chức. Bây giờ bà xoá toàn bộ cả trăm ngàn emails luôn. Khối Dân Chủ trong quốc hội nghĩ sao và có phản ứng như thế nào? Những người vẫn tôn bà làm thần tượng trả lời những câu hỏi trên như thế nào? Chính trị và truyền thông Mỹ một chiều hay hai chiều? Chúng ta chờ xem.

    Rồi đến xì-căng-đan của quỹ từ thiện của hai ông bà Clinton.

    Trên nguyên tắc, quỹ này phải công bố đầy đủ chi tiết về các luồng tiền ra vào, công khai tên mạnh thường quân, số tiền và ngày ủng hộ (ngày ủng hộ rất quan trọng để truy ra liên hệ giữa số tiền yểm trợ và những quyết định của Bộ Ngoại Giao), đồng thời cũng công khai hóa việc sử dụng số tiền đó, đi đâu, làm việc gì, bao nhiêu, ngày nào. Đó là cam kết của bà Hillary với TT Obama, ký trên giấy trắng mực đen. Nhưng bà Hillary đã không tôn trọng. Bị áp lực quá, bà chỉ công bố một cách đại cương, chẳng hạn như công ty XYZ yểm trợ trong “khoảng từ” xxx đô đến yyy đô, không có ghi ngày. Nhìn vào danh sách công bố (không đầy đủ, hơn một ngàn tên không được công bố), ta thấy tên của hầu hết các đại công ty nổi tiếng nhất của Mỹ, từ Microsoft cho tới AT&T.

    Bất thình lình, tất cả các đại gia nhao nhao ủng hộ việc ông bà Clinton làm từ thiện, hoàn toàn vì lòng nhân ái? Không nhất thiết. Công ty General Electric đấu thầu trong một dự án bạc tỷ tại Algeria. Ủng hộ quỹ 500.000 đô. Bà Hillary, với tư cách Ngoại Trưởng mau mắn đích thân viết thư vận động TT Algeria, quảng cáo GE với ông này.

    Việc chi tiêu cũng mập mờ tương tự. Theo các chuyên gia, trong số 2 tỷ thu được, chỉ có khoảng 10% được chi vào các công tác từ thiện, còn lại đều đi vào lương và tiền thưởng, chi phí vận động, du hành, văn phòng phẩm, và … bí mật không được công bố. Đã vậy, lại còn lập ra một quỹ con, chuyển tiền vào đó để rồi số tiền đó biến mất không dấu vết, không biết ai cho bao nhiêu, xài vào việc gì, khi nào.

    Quý độc giả có hứng thú, có thể mua cuốn sách “Clinton Cash” của Peter Schweizer vừa phát hành tháng Năm này. “Phe ta” đã mau mắn đả kích cuốn sách này “chẳng chứng minh được gì”. Họ quên mất chính tác giả cũng đã khẳng định ngay từ đầu là rất khó chứng minh được gì vì mọi việc được khỏa lấp rất chu đáo. Mục đích của tác giả là nêu lên những câu hỏi để bà Hillary giải thích. Ta chờ xem bà Hillary có giải thích được hay không.

    Truyền thông, ngay cả truyền thông phe ta là New York Times, đã khui ra hàng loạt “mạnh thường quân” ủng hộ bạc triệu cho quỹ. Chẳng hạn như một công ty Canada ký một hợp đồng giao dịch uranium với nước Kazakhstan qua sự tích cực vận động của TT Clinton (ông là thượng khách trong lễ ký hợp đồng). Công ty này sau đó yểm trợ 31 triệu đô cho quỹ từ thiện Clinton, hứa sẽ tặng thêm 100 triệu, và TT Clinton cũng lại được công ty đó mời đọc diễn văn trả 150.000 đô. Chưa hết, TT Clinton đã dùng máy bay riêng của công ty đi du ngoạn thế giới cả chục lần, hoàn toàn miễn phí. Một công ty thương mại giao dịch với chế độ độc tài Kazakhstan tặng 130 triệu để làm “từ thiện”? Không khét lẹt mùi hối lộ thì chừng nào mới là khét?

    Tin giờ chót, quỹ từ thiện cho biết đang xin khai lại thuế lợi tức của năm năm qua, vì đã có “vài sơ xuất”, đại khái “quên” khai vài chục triệu tiền ủng hộ của vài công ty ngoại quốc. Quên vài chục triệu trong năm năm liền???

    Ta cũng không nên quên, toàn bộ emails của bà đã bị xóa. Ai biết được trong đó có bao nhiêu bàn đến các giao dịch của quỹ từ thiện?

    Bất kể những giải thích, phân bua, đối với cả thế giới, câu chuyện này khét hơn câu chuyện emails gấp bội. Một ông cựu tổng thống với bà vợ là thượng nghị sĩ, rồi ngoại trưởng, lại có 90% triển vọng làm tổng thống trong tương lai gần, làm sao có chuyện những người ủng hộ tiền chỉ nghĩ đến những mục tiêu nhân đạo của quỹ Clinton, mà không nghĩ đến ảnh hưởng chính trị hay quyền lợi kinh tế cụ thể?

    Trong khoảng 15 năm từ ngày mãn nhiệm, bắt đầu đi đọc diễn văn, và quỹ được thành lập, tính cho đến nay, TT Clinton đã thu được hơn 100 triệu đô tiền đọc diễn văn khi bà vợ làm thượng nghị sĩ và ngoại trưởng, trong khi quỹ từ thiện Clinton cũng đã thu được hơn hai tỷ đô. Làm sao những số tiền khổng lồ này lại không có chút tác động nào trên bà thượng nghị sĩ, bà ngoại trưởng, và bà tổng thống Hillary Clinton sau này? Ai tin nổi chuyện này?

    Bà Hillary cũng có một vấn đề lớn hơn nữa. Kế hoạch tranh cử của bà dựa trên chiêu bài bênh vực những kẻ thấp cổ bé họng chống các đại gia. Vấn đề là đại gia chính là những người như hai ông bà Clinton, cả đời ăn trên ngồi trước, tiền hô hậu ủng. Bà vợ đọc một bài diễn văn một tiếng tại trường đại học lãnh 250.000 đô trong khi các sinh viên thấp cổ bé họng đi làm bồi bàn lãnh bạc cắc để có tiền đóng học phí. Ông chồng đi Nigeria, nơi mà hàng triệu người sống với một đô một ngày, hai lần ông đọc hai bài diễn văn một tiếng đồng hồ, được trả 1,4 triệu đô, 700.000 đô cho một bài. Chưa kể tiền máy bay và khách sạn, ăn uống thượng hạng hết. Một vé máy bay khứ hồi Mỹ-Nigeria hạng kinh doanh là 15.000 đô, hạng nhất là 25.000 đô. Đi máy bay riêng thì tốn trên dưới 100.000 đô.

    Đây là cách ông bà Clinton tranh đấu cho dân nghèo?

    Được hỏi về tương lai, TT Clinton cho biết ngay khi bà vợ tranh cử, ông cũng sẽ tiếp tục đi đọc diễn văn vì ông “cần trả tiền chi tiêu gia đình” (I've got to pay our bills. Danh từ “bills” tiếng Mỹ chỉ những chi tiêu bình thường trong gia đình như tiền chợ, tiền điện, nước, linh tinh,...). Đúng như bà Hillary đã từng nói, hai ông bà rất nghèo túng, thiếu chút nữa phải khai phá sản, bắt buộc ông cựu tổng thống phải đi kiếm hơn 100 triệu đô để trang trải tiền tiêu xài linh tinh trong nhà. Tiền hưu của ông cựu tổng thống, bà cựu thượng nghị sĩ và cựu ngọai trưởng đều quá ít. Thật là nghe muốn rớt nước mắt.

    Thăm dò mới nhất của hãng thông tấn Associated Press cho thấy 61% dân Mỹ nghĩ rằng bà Hillary thiếu lương thiện. Ngay từ năm 1996, nhà báo lão thành Williams Safire đã viết trên New York Times là bà Hillary là người “nói láo bẩm sinh” (congenital liar). Câu hỏi là dân Mỹ có sẵn sàng bầu một người thiếu lương thiện như vậy làm tổng thống không? Câu trả lời “rất có thể” chỉ vì trong chính trường Mỹ, thiên hạ tin rằng tất cả các chính khách đều nói láo, do đó, đối với giới này, Dân Chủ hay Cộng Hoà cũng vậy, nói láo là chuyện bình thường, không phải là tội. Trái lại, không chừng nói láo giỏi sẽ thành tổng thống giỏi.

    Bình thường mà nói, một người với nhiều hành trang như bà Hillary khó có hy vọng leo lên đến chức tổng thống. Truyền thông sẽ khui ra đủ chuyện và đánh tới chết. Nhất là nếu người đó là một ông bảo thủ Cộng Hoà. Nhưng lạ lùng thay, bà Hillary vẫn chễm trệ ngồi trên ngai, hầu như tuyệt đối bất khả xâm phạm, chỉ chờ ngày đăng quang, cho dù thỉnh thoảng có vài thăm dò cho thấy ghế bà Hillary ngồi bắt đầu rung rinh.

    Nhiều yếu tố quan trọng.

    Thứ nhất, phải nhìn nhận đảng Dân Chủ đang trở thành đảng của quần chúng nghèo và da màu vì chính sách trợ cấp thả dàn. Mà đây lại là khối cử tri rất chịu khó đi bầu, phần vì khá rảnh rang, phần để bảo vệ trợ cấp. Trong khi đại đa số khối cử tri trung lưu và nhất là da trắng lại lười đi bầu, bất cần chính trị vì mắc bận kiếm tiền, không rảnh bỏ một ngày làm đi xếp hàng bỏ phiếu.

    Thứ nhì là đảng Dân Chủ nhất quyết muốn làm lịch sử lần thứ hai, với một phụ nữ làm tổng thống sau khi một người da đen đã vào Tòa Bạch Ốc. Hiện nay, bà Hillary là người duy nhất có thể thực hiện được chuyện này. Tất cả khối cấp tiến và đảng Dân Chủ sẽ tập trung nỗ lực khỏa lấp các “tội” của bà Hillary để giúp bà vào Nhà Trắng. Phe CH đã đưa bà Carla Fiorina ra, để chứng minh mình cũng có phụ nữ ra tranh cử, nhưng ai cũng thấy bà cựu tổng giám đốc đại công ty Hewlett-Packard này so với bà Hillary thì chẳng có kí lô nào.

    Thứ ba là dù muốn hay không, bà Hillary cũng đã chứng tỏ là một người có rất nhiều kinh nghiệm, dù khả năng là chuyện khác. Hơn nhiều ông bà ứng viên Cộng Hoà. Hơn xa các ứng viên DC. Và hơn rất xa ông tổ chức cộng đồng năm xưa là Obama. Cho dù tư cách cá nhân có nhiều câu hỏi lớn.

    Có một câu chuyện diễu mang khá nhiều ý nghĩa. Hai ông bà Clinton lái xe đi chơi, ghé trạm xăng để đổ xăng. Anh bán xăng chạy ra ôm chầm lấy bà Hillary, vui vẻ nói chuyện. Hoá ra anh này là bạn học hồi xưa của bà. TT Clinton bực mình, sau khi xe chạy lên tiếng trách: “Sao bà thân thiện với thằng bán xăng như vậy được? Đi với tôi, phải giữ tư cách một chút chứ”. Bà Hillary nhìn ông chồng rồi nói: “May cho ông là hồi đó tôi lựa ông chứ tôi lựa thằng đó thì bây giờ nó đã là tổng thống và ông thì đi đổ xăng rồi!”. Kiểu như Việt Nam ta có câu “không vợ đố mày làm nên” vậy.

    Vũ Linh (10-05-15)
    dainamaxtribune.blog


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X