Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phân biệt ngôn ngữ “Dân Chủ”

Collapse
X

Phân biệt ngôn ngữ “Dân Chủ”

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phân biệt ngôn ngữ “Dân Chủ”

    Phân biệt ngôn ngữ “Dân Chủ”


    Phạm Văn Bản

    Mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng và chưa có bảng thống kê về ngôn ngữ, kể từ khi có mặt loài người trên hành tinh địa cầu này. Có hàng trăm, hàng ngàn hay hàng vạn ngôn ngữ khác biệt, Chưa ai qủa quyết con số chính xác những ngôn ngữ đã từng được xử dụng trong lịch sử phát triển của xã hội loài người.


    Ngôn ngữ là phương tiện dùng để trao đổi, truyền đạt, diễn tả ý nghĩa suy tư của mỗi con người. Do đó, muốn thông cảm hiểu biết lẫn nhau, điều kiện tiên quyết là phải thông thạo ngôn ngữ của một trong hai phía đang dùng để đối thoại hay thảo luận với nhau.

    Ngôn ngữ của mỗi dân tộc đã khác biệt, nhưng cùng một ngôn ngữ mà khác ngành nghề, khác chuyên môn, khác trình độ và khả năng hiểu biết thì ngôn ngữ đối thoại của họ cũng biến thành trở ngại, khó đạt nhu cầu trao đổi, thảo luận vì ông nói gà bà nói vịt! Bởi thế cho nên chúng ta muốn thông cảm, muốn hiểu biết lẫn nhau trong đối thoại, tranh luận, thảo luận, ngoài thông thạo ngôn ngữ, cần phải cùng có chung ngành nghề, chung chuyên môn và có trình độ nhận thức để đi đến đồng thuận.

    Thí dụ, trong hội nghị thảo luận về đề tài “hoa” gồm nhiều thành phần tham dự, từ trưởng gỉa trí thức cho đến những phần tử lương dân chất phác. Trong hội thảo chắc chắn mỗi thành phần sẽ hiểu về hoa, theo ý tưởng chuyên môn hoặc theo kinh nghiệm bản thân riêng mình.

    - Giới triết gia, khoa học sẽ đặt ra câu hỏi hoa là gì? Họ nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu nguồn gốc và đúc kết, phân loại, rồi trình bày những lợi ích hay nguy hại của hoa, viết thành luận thuyết diễn giải hoa.

    - Đang khi giới văn nghệ sĩ lại hiểu về hoa theo cách khác biệt, họ nhìn hoa và dùng hoa làm nguồn cảm hứng cho khai thác sáng tạo nghệ thuật. Mặt khác họ nhận hoa để nghiên cứu, và dùng hoa mà bàn về vẻ đẹp con người.

    - Giới kinh doanh thương mại thì nhìn hoa với giá cả tài chánh, họ quan sát hoa, tiếp thị hoa bằng mãi lực cung cầu, lập bảng thống kê và tìm thị trường tiêu thụ.

    - Nhưng đối với thành phần lương dân chất phác, đa số họ không cần biết hoa, không cần tìm hiểu hoa là gì. Hoa đối với đời sống của họ thì hoa chỉ là hoa, và đơn giản vậy thôi! Hoa đẹp, hoa xấu, hoa thơm, hoa thối, hoa rực rỡ hay hoa không màu không sắc thì đối với họ cũng chẳng thành vấn đề. Họ nhìn hoa hoa thật, hoa giả cũng chẳng sao.

    Nhưng tóm lại, tất cả thành phần tham dự trong cuộc hội thảo về hoa, họ đều tìm thấy hạnh phúc thiên đường trong hoa. Hoa chỉ là vật thể, là hiện thực dùng để thưởng lãm, dùng để tô điểm cho đời sống con người thêm xinh đẹp, có ảnh hưởng nhưng không tác động nhiều đến sự phát triển và tồn tại của xã hội loài người (không kể đến hoa của nông phẩm).

    Dân chủ là cơ cấu tổ chức thể hiện tính chất dân làm chủ của thời đương đại, nó là một phi vật thể nhưng hiện thực do trí tuệ con người sáng tạo nhằm giải phóng loài người thoát ách đàn áp dưới những chính thể độc đoán độc tài độc tôn của quân chủ quân phiệt. Thế cho nên, để tránh mẫu hàng thiếu phẩm chất như hoa gỉa hoa thật, chúng ta cần phân biệt ngôn ngữ dân chủ của các nhà hoạt động chính trị lẫn các tập đoàn lãnh đạo cầm quyền đương nhiệm để xét xem họ có thật sự là dân chủ, hay phi dân chủ.

    Cũng giống như hoa, mỗi người nhìn dân chủ theo cái nhìn riêng, mỗi người quan sát một phương diện trên khối lập phương “dân chủ” xuyên suốt chiều dài lịch sử chính trị xã hội của loài người. Tất cả những phương diện riêng lẻ của khối lập phương đó gom lại thành ra “dân chủ.”

    Nói tóm lại, ngôn ngữ dân chủ được loài người xử dụng hiện nay tập trung vào những loại sau đây:

    - Ý niệm dân chủ
    - Tinh thần dân chủ trong thể chế quân chủ
    - Chính trị dân chủ trong thể chế quân chủ
    - Chính trị dân chủ trong thể chế dân chủ
    - Ý Niệm Tự Do


    1. Ý Niệm Dân Chủ

    Dưới thể chế quân chủ phong kiến và chuyên chế tại phương Ðông lẫn phương Tây, người dân tức là tầng lớp bị trị chưa thật sự sống trong hệ thống luật pháp đúng nghĩa, ho đã bị lớp vua chúa, quan lại tức tầng lớp thống trị tròng lên đầu một thứ pháp lệnh khắc nghiệt, đầy bất công, và đã có biết bao người là nạn nhân của pháp lệnh đó! Trước nỗi đau khổ của đồng loại, các nhà hiền triết đã đặt lại vấn đề chính trị với các tư tưởng đại khái như: Dân vi qúi, quân vi khinh, … chính quyền muốn được chính danh phải dựa trên giao ước đồng thuận của người dân.

    Từ đó những tư tưởng quan tâm, qúi trọng thân phận của người dân bị trị chính là ý niệm dân chủ của loài người đã thấm vào lịch sử chính trị qua nhiều ngàn năm. Ngày nay có nhiều người hoạt động chính trị, xử dụng ngôn ngữ dân chủ nằm trong ý niệm dân chủ cổ xưa, nó mới chỉ là ý niệm chớ chưa là dân chủ thực sự.

    2. Tinh Thần Dân Chủ Trong Thể Chế Quân Chủ

    Khi ý niệm dân chủ phổ biến, được nhiều người tán thành, ủng hộ và nhất là được tầng lớp cai trị nghiên cứu, thực hành trong cai trị, chính là lúc tinh thần dân chủ thể hiện trong thể chế quân chủ. Tinh thần dân chủ có nghĩa là người dân làm chủ quốc gia, cộng đồng xã hội trên hình thức có tính cách tượng trưng, bởi quyền lực chính trị vẫn còn tập trung trong tay quan lại, vua chúa tức giai cấp thống trị.

    Việc dân được hỏi ý kiến, đóng góp ý kiến vào những việc hệ trọng của quốc gia là tinh thần dân chủ, là tiến đến ích lợi chính trị của thời đại quân chủ chớ người dân chưa có quyền làm chủ thật sự. Mọi việc tiến cử, chọn lựa, bổ nhiệm vào guồng máy chính quyền không phải do dân mà do quan lại, vua chúa quyết định.

    Thế thì ngày nay, khi xử dụng ngôn ngữ dân chủ, đòi hỏi dân chủ, chúng ta chọn lựa tinh thần dân chủ hay đòi hỏi quyền làm chủ cộng đồng, làm chủ quốc gia, … Hãy xem tinh thần dân chủ như kỷ niệm đẹp, như một tiến trình tất yếu của lịch sử chính trị dưới thời đại quân chủ.

    3. Chính Trị Dân Chủ Trong Thể Chế Quân Chủ

    Xã hội loài người phát triển theo chiều hướng văn minh tiến bộ, chính trị cũng phải biến đổi cải tiến để hoàn thành chức năng điều hướng xã hội phát triển trong vòng ổn định, trật tự và điều hòa. Những mô thức tổ chức cai trị được áp dụng trong lịch sử chính trị, không do may mắn hay ngẫu nhiên mà nó được nung nấu, thai nghén, hình thành từ các bộ óc vĩ đại, với trái tim nhân ái bao la của con người trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.

    Như chúng ta thấy, lịch sử phát triển của nhân loại không đồng nhất, có những dân tộc đã luận bàn về ý niệm dân chủ từ bao ngàn năm trước, đã áp dụng tinh thần dân chủ cả ngàn năm nay, và thực hiện chính trị dân chủ được vài trăm năm. Thế nhưng còn nhiều dân tộc vẫn chưa hít thở được không khí dân chủ, họ bị bóp nghẹp dân chủ một cách tàn nhẫn qua lối chính trị mị dân, độc đảng của những nhà cầm quyền đương thời.

    Chính trị dân chủ là người dân làm chủ cộng đồng xã hội, làm chủ quốc gia. Làm chủ thì phải được quyền, được tự do tham gia trực tiếp hoặc gían tiếp vào guồng máy cai trị quốc gia. Làm chủ thì phải được đóng góp lẫn thi hành các chính sách dẫn đạo của quốc gia. Nếu người dân chưa được quyền, chưa được tự do trong những điểm nêu trên, thì nước đó là nước chưa có dân chủ, là phi dân chủ.

    Hiện nay có một số nước quân chủ đại nghị, trên danh nghĩa vua là người lãnh đạo tối cao, là người làm chủ quốc gia, nhưng thật ra dân mới là người làm chủ, dân nắm giữ quyền hành chính trị. Vua chỉ còn là tượng trưng, tức vua trao quyền cho dân tuyển lựa, bầu chọn người đại diện nắm giữ quyền hành chính trị, điều khiển quốc gia.

    Với mô thức đó, dân làm chủ việc thực hành cai trị quốc gia tức chính trị dân chủ, và vua trên danh nghĩa là người đứng đầu một nước tức còn thể chế quân chủ. Nên được gọi là quân chủ đại nghị hay nói cách khác là chính trị dân chủ trong thể chế quân chủ.

    4. Chính Trị Dân Chủ Trong Thể Chế Dân Chủ

    Khi mô thức cai trị gặp hạn chế, bế tắc, chính là lúc loài người thi nhau bàn luận, tranh cãi để mưu tìm mô thức cai trị phù hợp với tình thế chính trị đòi hỏi, và trong lúc dọ dẫm, kiếm tìm, thử nghiệm đó, không phải một, hai hay ba mô thức mà rất nhiều. Có thứ chết từ trong trứng nước, có thứ được đem ra thi hành rồi đi vào bóng tối của lịch sử chính trị, bởi dù đã được đắn đo, tính toán, nhưng không phải mô thức nào cũng hữu hiệu trong cai trị.

    Do đó, mỗi thời kỳ hỗn loạn chính trị là có nhiều mô thức ra đời, nhưng chỉ có mô thức tồn tại nhờ năng lực và hoàn thành chức năng điều hướng, giải tỏa bế tắc chính trị. Ở đây chúng ta không đề cập đến những mô thức cai trị đã hoàn thành chức năng qua mỗi giai đoạn hay thời kỳ khủng hoảng trong lịch sử.

    Nhưng chúng ta luận bàn về mô thức cai trị đã được nhân loại hướng đến trong suốt thời cận đại vừa qua. Mô thức mà chúng ta nêu ra ở đây là mô thức tổ chức cai trị có khả năng giải cứu, giải phóng con người ra khỏi sự áp bức, cưỡng chế của giai cấp thống trị quân chủ.

    Mô thức đó chính là mô thức tổ chức cai trị do dân tự điều hành và quyết định tương lai cho chính mình tức mô thức cai trị do dân làm chủ, nghĩa là chính trị dân chủ. Hiện nay nhiều nước thể hiện tính triệt để cách mạng đối với triều đại quân chủ để thực hiện dân chủ.

    Nên chúng ta có chính trị dân chủ trong thể chế dân chủ, nghĩa là chính trị dân chủ trong thể chế mà người lãnh đạo tối cao, dù có thực quyền hay tượng trưng, không phải là vua, mà do dân tuyển chọn trong cuộc bầu cử tự do. Chính thể này đã mang đến cho nhân loại đời sống tự do, hạnh phúc và thịnh vượng từ lúc khai sinh cho tới đương thời.

    Thế cho nên, khi đòi hỏi độc tài thực thi dân chủ, chúng ta không yêu cầu họ thực thi Ý Niệm Dân Chủ cổ xưa, Tinh Thần Dân Chủ trong thể chế quân chủ, mà bắt buộc thực hiện Chính Trị Dân Chủ trong thể chế dân chủ. Vì chính thể này là con đường đưa quốc gia đi đến hùng cường, thịnh vượng và toàn dân an hưởng tự do, hạnh phúc.

    5. Ý Niệm Tự Do

    Đa số dân Tây phương là nông nô của các lãnh chúa trong những lãnh địa vào thời thế kỷ 17. Người dân cho rằng họ không phải là cá nhân, mà là thành phần của cộng đồng lớn hoặc bé. Lãnh chúa và trưởng tộc là những người có quyền sai khiến, dạy sao làm vậy, toàn dân không có bất cứ quyền hạn nào.

    Họ bị bắt buộc sinh sống trong lãnh địa, không được phép di chuyển, không được phép làm việc ngoài chỉ đạo, không được phép giữ tài sản tiền bạc hay vật dụng trao đổi, không được phép giáo huấn hay tư tưởng ngoài những lời truyền dạy của lãnh chúa trưởng tộc. Nhưng khi kỹ nghệ phát triển có nhiều việc mới, ngành mới, nghề mới thì người dân không còn bị cột chặt vào ruộng đất để sinh sống như trước, không còn sự lãnh đạo của các chủ nhân ông, không còn cảnh tá điền bị đánh đập tra khảo vì thiếu nộp địa tô, và con người đã biết chọn lựa nghề nghiệp mưu kế sinh nhai.

    Đó là tự do cá nhân đầu tiên của người nông nô và dẫn đến những tự do khác. Kết quả việc hành nghề thì có tiền, và nhờ tiền mọi người hưởng quyền tự do. Tự do hành nghề dẫn đến tự do kinh doanh, tự do chính trị.

    Triết lý tự do chính trị và tự do kinh tế nhấn mạnh đến tự do cá nhân, bình đẳng, và cơ hội. Trái lại, triết lý bảo thủ thì nhấn mạnh đến giai cấp, truyền thống, quyền tư hữu đã dành cho những người có đặc quyền đặc lợi.

    Tự do chính trị của cấp tiến đã làm thay đổi xã hội nhanh hơn bảo thủ. Ý nghĩa và trọng tâm của danh từ, hay chủ nghĩa tự do được thay đổi nhiều lần qua thời gian, nên khó mà có định nghĩa rõ ràng.

    Tự do ở thuở ban đầu, được hiểu là quyền chống lại lãnh chúa, nhà cầm quyền, vì nhà cầm quyền hạn chế tự do cá nhân. Tự do cá nhân của chủ nghĩa tư bản là tự do lựa chọn tôn giáo, cách sống, người phối ngẫu, nghề nghiệp (ví dụ: đa thê, nhiều vợ con chỉ tồn tại trong Thời Đại Nông Nghiệp – Agriculter Age, cho nên nhiều vị chính trị gia đa thê đã trở thành “phi chính” trong công luận của Thời Đại Kỹ Nghệ - Industrial Age vừa qua.

    Người tự do thường chọn cách ít tốn kém về mọi vấn đề ảnh hưởng tới cuộc sống. Họ tiết kiệm tiền, sức lao động, trả giá dịch vụ, hàng hóa trên thị trường để được hưởng giá thị trường. Những việc trên tạo ra xã hội thị trường, kinh tế thị trường, chính trị thị trường, và trở thành nhóm người cấp tiến.

    Những người tư bản đầu tiên đề cao tự do cá nhân, đề cao tự do kinh doanh và xã hội kinh doanh làm thay đổi bộ mặt xã hội. Xã hội lại cần có cấu trúc tổ chức chính trị điều hành quản trị. Từ đó mà có những cuộc thay đổi long trời lở đất ở Anh Quốc vào năm 1688, ở Hoa Kỳ vào năm 1775, ở Pháp Quốc vào năm 1789 đã dẫn đến những thể chế tự do, quốc gia tự do, thế giới tự do và Tân Dân Chủ (New Democracy) sắp tới đây.

    Người tự do đầu tiên tin tưởng rằng cai trị ít là cai trị tốt nhất, cá nhân sẽ được thuận lợi hơn nếu được chính quyền cho phép theo đuổi quyền lợi riêng tư. Họ cũng tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ tự điều chỉnh, tự vận hành, tự kiểm soát nếu được tự do điều động theo quy tắc kinh tế tự nhiên.

    Bởi thế nền kinh tế tự do dẫn tới kết luận là chính quyền không cần thiết can thiệp hay chỉ đạo trong việc điều hành kinh tế quốc dân. Tư tưởng tự do được kinh tế gia Adam Smith (1723-1790), người Anh hệ thống hóa và trình bày trong tác phẩm The Wealth of Nations: Sự Thịnh Vượng của các Quốc Gia, xuất bản vào năm 1776.

    Hệ thống này được gọi là chủ nghĩa tư bản hay tư do kinh doanh. Quan niệm ban đầu của chủ nghĩa tư bản là sự phối hợp liên kết tự do kinh tế với tự do chính trị trong một quốc gia.

    Khoảng giữa thế kỷ 20, nhiều người tự do nghĩ đến việc phải bớt tự do và hạn chế tự do về kinh tế. Họ bị thuyết phục là hành động của chính quyền sẽ tạo điều kiện để cá nhân có thể phát triển tiềm năng và tôn trọng nhân quyền.

    Người dân bắt đầu ủng hộ những chương trình tạo an tòan kinh tế, an sinh xã hội, an dưỡng lao động, giảm bớt khổ đau cho mọi người như trợ cấp thất nghiệp, lương bổng tối thiểu, định tuổi hưu trí, bảo hiểm sức khỏe với nhiều biện pháp chống nghèo đói và bất công xã hội. Người tự do cấp tiến vẫn giữ mối quan hệ với sự tự do kinh tế chính trị ban đầu, và cho rằng sự tự do cá nhân là quan trọng nhất và chính quyền phải hành động để tháo gỡ những chướng ngại giúp cho người dân được vui hưởng tự do đích thực.

    Về phương diện kinh tế và xã hội họ cũng thừa nhận tự do kinh doanh, nhưng kinh tế tư bản cần được cải tiến để trở thành kinh tế xã hội, chủ nghĩa xã hội. Do đó chủ nghĩa xã hội của Âu Mỹ thì khác biệt với “xã hội chủ nghĩa” của khối quốc gia cộng sản mà chúng ta từng chứng kiến.

    Chính quyền “độc tài đảng trị” cộng sản là một thứ quyền lực chính trị tuyệt đối quản lý mọi thành quả của xã hội, và có thể vơ vét tài sản quốc gia làm của riêng cho giai cấp lãnh đạo. Bởi thế họ tạo ra bất công tham nhũng thối nát và bần cùng hóa nhân dân, vì họ đã lấy bất công đi chống bất công và tạo thêm bất công chồng chất.

    Đây là nguyên nhân và là điều kiện tiên quyết để “chống bất công xã hội” mà chúng ta cần tránh mắc phạm sai lầm này.


    6. KẾT LUẬN

    Chúng ta cần phân biệt ngôn ngữ tự do dân chủ để tránh những kẻ rao bán hàng gỉa và để biết được con đường ta phải qua cũng như điểm cuối cùng ta phải đến. Bởi ngôn ngữ dân chủ giống như hoa, hoa có hoa thật, hoa gỉa, hoa giấy, hoa nhựa hoặc người mang tên Hoa, nhưng tất cả đã không phải thực chất của hoa.

    Hoa là loại có hương có sắc được trồng tỉa vun bón, tạo sinh từ giống thực vật hữu tính hay vô tính, nhân tạo hay thiên tạo. Tự Do Dân Chủ cũng thế, có kẻ tự nhận là người tự do, người dân chủ, đảng dân chủ, dân chủ tập trung, dân chủ mở rộng, nhưng thực chất chẳng phải là tự do dân chủ mà là phi dân chủ, phi tự do.

    Thực chất dân chủ đơn giản, dễ hiểu là quyền làm chủ, khác với quân chủ là vua (quân) làm chủ. Chừng nào giai cấp cầm quyền thực hiện quyền dân chủ, chính là lúc dân chủ khởi động, còn không ngôn ngữ đó chỉ do giai cấp thống trị rao bán, mời mọc qua hình thức mị dân; nói khác đi là trò bịp bợm chính trị.

    Do đó, những người hoạt động chính trị, những người quan tâm đến vận mệnh tương lai dân nước, hơn bao giờ hết chúng ta cần phân biệt rõ ngôn ngữ dân chủ, tự do, nhận diện thực chất tự do dân chủ hầu mang lại ích nước lợi dân, mình trong tiến trình dân chủ hóa của nhân loại mà bổn phận và trách nhiệm của chúng ta là Giúp Dân Cứu Nước.


    Phạm Văn Bản
    Last edited by Phạm Văn Bản; 11-15-2021, 05:52 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X