Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tình nghĩa Không Quân – nỗi buồn Quân Sử

Collapse
This topic is closed.
X
X

Tình nghĩa Không Quân – nỗi buồn Quân Sử

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tình nghĩa Không Quân – nỗi buồn Quân Sử

    Tình nghĩa Không Quân – nỗi buồn Quân Sử



    KQ Nguyễn Hữu Thiện


    Kính thưa quý Niên trưởng và chiến hữu Không Quân,

    Chắc hẳn trong mấy ngày vừa qua, không ít Niên trưởng và chiến hữu đã phải buồn lòng trước những gì tôi bắt buộc phải viết ra trên Diễn Đàn khi bị một người cầm bút khác trong quân chủng vô cớ sinh sự, hàm hồ đả kích. Sau khi post những lời phân trần cuối cùng (Nói có sách mách có chứng!) vào ngày hôm qua, tôi cho là đã “đủ”, và tự nhủ sẽ không bao giờ đề cập tới nữa.

    Đủ, bởi vì tôi đã có cơ hội nhìn lại một lần nữa những khiếm khuyết của Ban thực hiện quyển Quân Sử Không Quân VNCH do Liên Hội Không Quân Úc Châu thực hiện, phát hành năm 2005, mà tôi là một thành viên.

    Đủ, bởi vì tôi đã có cơ hội trình bày và chứng minh những diễn tiến trong bài viết “Nghe tiếng hát Phùng Văn Chiêu nhớ những ngày cuối cùng của Biên Hòa” là có thật 99%.

    (Một phần trăm không có thật là do trí nhớ kém cỏi của tác giả khi viết rằng những chiếc khu trục A-1 đánh địch ở phía bắc phi trường vào chiều Thứ Bảy 26/4/1975 là “cất cánh từ Biên Hòa”, trong khi trên thực tế cất cánh từ Tân Sơn Nhất hoặc Bình Thủy, bởi vì trước đó tất cả các loại phi cơ fixed-wing đã được di tản khỏi Biên Hòa để tránh pháo kích).

    Vì đã “đủ”, khi trao đổi với anh em trong Ban Quản Trị HQPD (Administrators), tôi đã quyết định sẽ không bao giờ đề cập tới người cầm bút ấy nữa trên diễn đàn Không Quân này. Bởi tuy chỉ là một con chim cánh cụt, tôi đã yêu quân chủng Không Quân của mình từ ngày chưa được mang số quân 600 đầu (tôi xuất thân Thủ Đức tình nguyện về ngành Chiến Tranh Chính Trị KQ), và sẽ yêu cho tới hơi thở cuối cùng!

    Sau đây, xin quý Niên trưởng và chiến hữu KQ cho phép tôi bày tỏ chút tâm tình của con chim cánh cụt ấy!

    Gà nhà không bôi mặt đá nhau!

    Vào thời gian cựu Thiếu tướng KQ Nguyễn Cao Kỳ (NCK) về Việt Nam và có những lời nói, việc làm có lợi cho chế độ cộng sản, không ít anh em trong các diễn đàn của Không Quân VNCH ở hải ngoại đã yêu cầu tôi viết bài phê phán lập trường và hành động của ông NCK nhưng tôi dứt khoát từ chối, viện dẫn lý do rất đơn giản: là một quân nhân Không Quân VNCH tôi không bao giờ đả kích bất cứ một KQ nào khác trên một diễn đàn của Không Quân.

    Riêng tại Úc châu, tôi và anh em trong Ban chấp hành Liên Hội Không Quân Úc Châu còn thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của các thành phần thích chống cộng bằng khẩu hiệu trong tập thể cựu quân nhân và cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc, đòi chúng tôi ra “Tuyên Cáo” lên án ông NCK.

    Nguyên vào thời gian này, tiểu bang Victoria đang nắm Ban chấp hành Liên Hội Không Quân Úc Châu, trong đó cựu Đại úy Phạm Công Khanh (PĐ-219) là Liên hội trưởng, tôi là Tổng thư ký. Sau khi xảy ra việc ông NCK về VN cũng như tham gia đón tiếp Chủ tịch nhà nước CSVN Nguyễn Minh Triết tại Hoa Kỳ, nhiều nhân vật quan trọng trong cộng đồng, trong tập thể CQN và đa số anh em KQ trong các Ban chấp hành Hội KQ cấp tiểu bang, đã trực tiếp hoặc gián tiếp yêu cầu (bằng miệng), hoặc gây áp lực để Ban chấp hành Liên Hội Không Quân Úc Châu phải ra tuyên cáo lên án ông NCK.

    Lý do những chức sắc, những anh em KQ nói trên đưa ra là: vì ông NCK xuất thân từ Không Quân, từng làm Tư lệnh Không Quân!

    Nhận được yêu cầu và đứng trước những áp lực này, Ban chấp hành Liên Hội đã cùng nhau thảo luận và quyết định bác bỏ (cũng bằng miệng), với lập luận như sau:

    Trước năm 1975, ngoài chức vụ Tư lệnh Không Quân, ông NCK còn giữ chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ tướng), và sau đó là Phó Tổng thống VNCH, thì nay nếu cho rằng ông NCK đã phản bội chính nghĩa quốc gia, Ban chấp hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do liên bang Úc Châu phải ra tuyên cáo, trường hợp Ban chấp hành Cộng Đồng viện lý do ông NCK là một cựu tướng lãnh để “bán cái” cho Tổng Hội CQN Liên Bang Úc Châu ra tuyên cáo, Liên Hội Không Quân Úc Châu sẵn sàng ký tên vào tuyên cáo chung ấy. Ngoài ra, Liên Hội Không Quân Úc Châu không có ý định ra một tuyên cáo riêng của KQ. Chấm hết!

    Khỏi nói, sau đó Ban chấp hành Liên Hội Không Quân Úc Châu đã bị các vị chức sắc trong cộng đồng, các CQN, các chiến hữu KQ nói trên “dũa” thê thảm, thậm chí còn bị các Ban chấp hành Hội KQ cấp tiểu bang “hài tội” trong kỳ Đại Hội Không Quân liên bang Úc Châu tổ chức sau đó ít lâu! Riêng bản thân tôi đã mất không ít “bạn bè” vì vụ này.

    Nhưng có một điều lạ - phải nói là mâu thuẫn tới mức khôi hài - là sau khi Liên Hội Không Quân Úc Châu từ chối ra tuyên cáo lên án ông NCK, cả Ban chấp hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do liên bang Úc Châu lẫn Ban chấp hành Tổng Hội CQN Liên Bang Úc Châu cũng... im re, không nơi nào ra tuyên cáo! Thật khó hiểu!

    Riêng cá nhân tôi, mặc dù dứt khoát chống đối lập trường và lên án hành động của ông NCK, cho tới nay vẫn hãnh diện vì trong thời gian mấy năm giữ chức vụ Tổng Thư ký Liên Hội Không Quân Úc Châu, ít ra cũng làm được một điều đúng đắn: Gà nhà không bôi mặt đá nhau!

    Tệ hại như “KQ Nguyễn Cao Kỳ” mà tôi không
    “đá”, làm sao tôi có thể “đá” những anh em KQ khác?!

    “Nỗi buồn Quân Sử”!

    Quý niên trưởng, chiến hữu KQ nào có cơ hội đọc đặc san Lý Tưởng của Tổng Hội Không Lực và đặc san Lý Tưởng – Úc Châu của Liên Hội Không Quân Úc Châu trong những năm từ 1998 tới năm 2005 có lẽ đều biết việc thực hiện quyển “Quân Sử Không Quân VNCH” lúc đầu thực ra chỉ là một đề nghị của Liên Hội Không Quân Úc Châu, đưa ra để các hội đoàn Không Quân VNCH ở Hoa Kỳ, vốn “giàu mạnh” gấp chục lần Không Quân ở Úc, đứng ra thực hiện.

    Riêng tôi, thoạt đầu tôi không muốn, và cũng không cần làm “sử gia” để được nổi tiếng. Bạn bè, anh em KQ ở Úc và một số niên trưởng ở Pháp, Mỹ đều biết tôi kiếm sống (và tạo được chút danh) bằng nghề viết “báo đời” chứ không phải “báo lính”.

    Nguyên vào năm 1998, cựu Trung tá Phạm Văn Cần, nguyên Phi đoàn trưởng Phi Đoàn 417 Thần Long (C-7A Caribou), định cư tại Sydney, trong chức vụ Hội trưởng Hội Không Quân tiểu bang New South Wales kiêm Liên hội trưởng Liên Hội Không Quân Úc Châu, đã viết một Thư Ngỏ gửi các hội đoàn cựu quân nhân Không Quân VNCH tại hải ngoại, đưa đề nghị thực hiện một cuốn quân sử cho quân chủng, để ghi lại nếp sống hào hùng, sự chiến đấu dũng cảm và hy sinh cao quý của những thế hệ đi trước.

    Thư Ngỏ được phổ biến rộng rãi, nhận được nhiều hồi đáp đồng tình, sự khích lệ của nhiều cá nhân trong quân chủng, tuy nhiên đã không có hội đoàn KQ nào ở hải ngoại (Hoa Kỳ, Âu Châu...) tình nguyện nhận lãnh công việc, hoặc đứng ra làm “đầu tàu”. Vì thế, năm 2000, trong Đại Hội Không Quân Liên Bang Úc Châu tổ chức tại thành phố Adelaide, tiểu bang Nam Úc, anh em tòa soạn đặc san Lý Tưởng – Úc Châu đã tình nguyện nhận lãnh công việc thực hiện một cuốn “Sơ Yếu Lịch Sử Không Quân VNCH”, hứa sẽ cố gắng hoàn tất để kịp phát hành vào dịp kỷ niệm 50 ngày thành lập Quân Chủng (1/7/1955 – 1/7/2005).

    Tuy nhiên hai NT Nguyễn Quang Tri và Võ Ý - vốn là hai cá nhân hết lòng ủng hộ việc thực hiện quân sử - nói rằng biết bao giờ mới có một hội đoàn KQ khác đứng ra thực hiện một cuốn quân sử “to đẹp, đầy đủ” hơn, vì thế cứ lấy tên là “Quân Sử Không Quân VNCH”, làm được tới đâu hay tới đó!

    Sau khi Ban Thực Hiện Quân Sử Không Quân VNCH - phần lớn là anh em tòa soạn đặc san Lý tưởng Úc Châu - được thành lập, chúng tôi đã gửi Thông Báo đi khắp nơi, kêu gọi sự hợp tác của các niên trưởng và chiến hữu thuộc đủ mọi ngành nghề, chỉ số, cách riêng những vị từng nắm giữ các chức vụ chỉ huy, tham mưu.

    Tiếp theo, trong thời hai năm 2002, 2003, chúng tôi đã lần lượt phổ biến ba Thư Tham Khảo, trong đó nêu ra những câu hỏi, thắc mắc về từng sự việc trong quá trình hình thành, phát triển và cơ cấu tổ chức của Không Quân VNCH (chúng tôi không ưu tiên chú trọng tới thành tích chiến đấu bởi quan niệm đây là một cuốn “Quân Sử” chứ không phải “Chiến Sử”).

    Các lá Thư Tham Khảo của chúng tôi đã được khoảng 60 vị niên trưởng và chiến hữu KQ ở khắp nơi quan tâm, sốt sắng cung cấp tư liệu, kiến thức, ký ức, hình ảnh... Trong số này, đáng nói nhất phải là các niên trưởng Võ Dinh, Trần Phước, Nguyễn Quang Tri, Vũ Thượng Văn, Phùng Văn Chiêu, Nguyễn Phúc Tửng, Phan Thanh Vân, Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Trần Bá Hợi, Trần Mạnh Khôi, Võ Ý, Đỗ Văn Hiếu, Nguyễn Uông, Trần Phước Hội... Đặc biệt, qua sự “móc nối” của niên trưởng Nguyễn Uông, một vị niên trưởng còn sống ở VN đã cung cấp (qua email) nhiều tư liệu và ký ức liên quan tới họat động của các oanh tạc cơ B-57 thuộc Biệt Đội 615.

    Bên cạnh đó, chúng tôi còn được một hậu duệ KQ là nhà sưu tầm Đinh Trọng Vũ (con trai Trung tá KQ Đinh Trọng Mùi) ở Hoa Kỳ cung cấp nhiều tài liệu, hình ảnh hiếm quý, và các tài liệu liên quan tới Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực VNCH vừa được Quốc Hội Mỹ cho giải mật (sau thời hạn 30 năm).

    Tuy nhiên, cho tới khi cuốn Quân Sử chuẩn bị lên khuôn (cuối năm 2004) chúng tôi vẫn không tìm kiếm được, và cũng không được ai cung cấp tài liệu, kiến thức, hồi ức về một số ngành nghề chuyên môn, đơn vị biệt lập trong quân chủng, như Kiểm Báo, Quân Y Hàng Không, An Ninh Không Quân, Tổng Hành dinh Không Quân, Khu Tạo Tác Tân Sơn Nhất, v.v...

    Cũng xin được viết thêm, cách đây 20 năm, tài liệu cũng như bài viết về Không Quân VNCH trên Internet chưa có là bao, phần lớn tài liệu chúng tôi có được là do các vị niên trưởng gửi qua email, hoặc qua đường bưu điện (như NT Võ Dinh, NT Trần Phước Hội).

    Vì thế, sau khi cuốn Quân Sử được phát hành, có ít nhất một vị niên trưởng tên tuổi (không tham gia công việc) đã thẳng thừng phê bình nội dung, đại khái như sau: ngành Quân Y Hàng Không quan trọng như thế mà không được nhắc tới, trong khi Phân Đoàn Nữ Quân Nhân KQ có mấy ngoe thì lại được đề cập!

    Trước sự phê bình của vị niên trưởng, chúng tôi chỉ biết giữ im lặng, bởi chẳng lẽ lại đổ lỗi cho những vị niên trưởng không thèm cộng tác với cái nhóm thực hiện quân sử ở tận “miệt dưới” (downunder), hoặc chỉ phổ biến tài liệu, bài viết SAU KHI sau khi cuốn Quân Sử đã được phát hành!

    * * *

    Bên cạnh những thiếu sót, quyển Quân Sử Không Quân VNCH còn có những cái sai do nguồn tài liệu tham khảo viết sai, hoặc do các niên trưởng nhớ sai.

    Nguồn tài liệu tham khảo trong đó có nhiều cái sai nhất lại chính là cuốn sách viết về Không Quân VNCH được ca tụng là đầy đủ nhất: Flying Dragons – The South Vietnamese Air Force của tác giả Robert C Mikesh, có sự đóng góp tài liệu, ký ức của ông Nguyễn Cao Kỳ, các niên trưởng Trần Văn Minh, Nguyễn Ngọc Oánh, Vũ Văn Ước, Nguyễn Hữu Tần, các KQ Vĩnh Anh, Phạm Quang Khiêm...

    Về những trường hợp sai do các niên trưởng nhớ sai, điển hình nhất, và cũng là nghiêm trọng nhất, phải là phi vụ Bắc phạt do cố Đại tá Phạm Phú Quốc hướng dẫn và hy sinh.

    Số là vào thời gian chúng tôi biên soạn quyển Quân Sử, bên cạnh một số bài viết, lời kể của những người từng tham gia Bắc phạt, có một bài viết khá đầy đủ về tất cả mọi chuyến Bắc phạt từ đầu tới cuối, tác giả là niên trưởng TĐG trong ngành Kiểm Báo.

    Dĩ nhiên, giữa những bài viết, hoặc trích từ hồi ký về một vài phi vụ Bắc phạt và bài viết về tất cả mọi chuyến Bắc phạt của niên trưởng TĐG, chúng tôi đã chọn bài viết của vị niên trưởng này làm tài liệu tham khảo. Chỉ sau khi quyển Quân Sử được phát hành, chúng tôi mới được “Ó Đen” Trần Mạnh Khôi cho biết phi vụ Bắc phạt của cố Đại tá Phạm Phú Quốc trong bài viết của niên trưởng TĐG đã sai cả về địa điểm, mục tiêu lẫn diễn tiến.

    Chúng tôi bắt buộc phải tin lời vị cựu Trung tá Phi đoàn trưởng PĐ-548 “Ó Đen” bởi ngày đó ông bay phi tuần hộ tống trong phi vụ mà cố Đại tá Phạm Phú Quốc hy sinh!

    Khi chúng tôi thắc mắc tại sao khi thấy niên trưởng TĐG kể sai mà ông không lên tiếng đính chính, niên trưởng Trần Mạnh Khôi cho biết ông chỉ thông báo riêng cho niên trưởng TĐG để ông ấy biết là mình đã nhớ sai, còn những gì đã viết sai (trong bài viết) không sửa lại cũng chẳng sao, điều quan trọng là hậu thế được biết cố Đại tá Phạm Phú Quốc đã chỉ huy chuyến Bắc phạt ngày hôm đó và đã hy sinh!

    Viết tới đây, chúng tôi bỗng liên tưởng tới những gì niên trưởng NGHỊCH NHĨ mới viết trên Diễn Đàn này và nhận ra rằng “những tâm hồn lớn thường gặp nhau”:

    Khi mình đọc sử với đầu óc rộng mở thì đôi lúc những cái tiểu tiết mình có thể nhẹ nhàng cho qua!
    Nói thì nghịch lý một chút! Chứ xưa nay có quyển sử nào mà chính xác 100% đâu! Cái gì cũng tương đối thôi, đúng trên sự kiện, không thêu dệt nói đại là ổn rồi.

    Khi thuật lại lời kể của niên trưởng Trần Mạnh Khôi và đăng lại câu viết của niên trưởng NGHỊCH NHĨ không phải chúng tôi muốn bào chữa cho những khiếm khuyết trong việc biên soạn cuốn Quân Sử Không Quân VNCH mà chỉ để cầu mong một sự thông cảm.

    Thú thật, trong khi các anh em khác trong Ban Thực Hiện Quân Sử (nay đã giải tán nhà ai nấy về) rất vui và hãnh diện sau khi công việc hoàn tất thì riêng tôi buồn nhiều hơn vui.

    Cho dù mỗi khi tưởng nhớ tới các vị Niên trưởng đã tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ, khích lệ tôi trong việc biên soạn quyển Quân Sử mà nay đã khuất xa – Vũ Văn Ước, Nguyễn Quang Tri, Võ Dinh, Trần Phước Hội, Nguyễn Phúc Tửng... – tôi không phải hổ thẹn, nhưng vẫn buồn.

    Buồn vì những khuyết điểm trong quyển Quân Sử Không Quân VNCH đều là những khuyết điểm có thể tránh được, nếu như tôi có thêm phương tiện, cơ hội, và sự giúp đỡ của những vị Niên trưởng khác, hay những người có khả năng, trình độ chuyên môn.

    Nhưng dẫu buồn, nếu được quay trở lại thời điểm 22 năm về trước, tôi cũng sẽ nhận lãnh công việc đầy vinh dự này, để ghi lại hơn 20 năm hiện hữu của Không Lực VNCH, và xác định vị trí xứng đáng của không lực ấy trong dòng lịch sử.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-06-2022, 10:26 AM.

  • #2
    Thưa quý NT, quý CHKQ cùng độc giả HQPD,

    Một chút chạnh lòng khi đọc "Tình Nghĩa Không Quân, nôi buồn Quân Sử" của KQ NHT.
    Không một tác phẩm hoặc tài liệu về Lịch Sử nào đạt tiêu chuẩn hoàn hảo 100%, do nhiều góc cạnh của sự kiện, giới hạn về tài liệu tham khảo, nhân chứng sống cũng như khả năng và tâm tình của người ghi chép sự kiện đó.

    Dù vậy, Cuốn "Quân Sử KQVNCH" do KQ Úc Châu biên soạn và phát hành năm 2005 là một kỳ công cần được trân trọng.

    Đề nghị BBS ghi nhận những góp ý xây dựng cũng như những phê phán không mấy hào sãng, để có dịp thì tái bản với những bổ sung chỉnh sửa sao cho cuốn Sử tương đối hoàn chỉnh. Có thể bắt đầu hôm nay, đừng đợi ngày mai chăng?

    Hoan hô nhiệt tình của KQ Nguyễn Hữu Thiện đối với Quân chủng: "...dẫu buồn, nếu được quay trở lại thời điểm 22 năm về trước, tôi cũng sẽ nhận lãnh công việc đầy vinh dự này, để ghi lại hơn 20 năm hiện hữu của KLực VNCH, và vị trí xứng đáng của không lực ấy trong dòng lịch sử".

    Mong người bạn Pleiku năm xưa của của tôi, KQ NHT sẽ mãi hăng say với chữ nghĩa như 20 năm trước đây!
    Tình thân,
    Bắc Đẩu Võ Ý
    Last edited by voy118; 05-05-2022, 01:48 AM.

    Comment


    • #3
      Kính anh Võ Ý,
      Xin phép được gọi bằng “anh” như anh em mình vẫn thân mật xưng hô ở Pleiku năm nào.

      Trước hết, T xin bày tỏ sự cảm kích trước nhận định khách quan (và độ lượng) của anh trước những khuyết điểm của cuốn Quân Sử Không Quân VNCH do anh em KQ Úc Châu thực hiện cách đây 20 năm.




      Thưa anh,
      Ngày ấy, ngay sau khi được “Ó Đen” TMK nêu ra những sai sót trầm trọng trong phần tường thuật phi vụ Bắc phạt do cố Đại tá Phạm Phú Quốc chỉ huy (và hy sinh), T đã bắt đầu ghi nhận và thu thập mọi ý kiến phê bình, bổ sung, sửa sai để một ngày không xa - có lẽ vào dịp đánh dấu 25 năm ngày phát hành (2005-2030) nếu như T chưa bị lơ-tơ-mơ hoặc ăn-dây-mơ - sẽ gom lại thành một tập “Đính Chính” để mọi người tham khảo, chứ không dám mơ ước tái bản, bởi việc đó ngoài khả năng của anh em KQ bên Úc.

      Không phải T tả oán mà sự thật là ngày ấy nếu không được các Hội Không Quân Bắc Cali, Trung Cali, Pháp Quốc tin tưởng ứng trước hiện kim, không có việc “bao chót” của các mạnh thường quân trong Hội nhà (Victoria, Úc Châu), Ban thực hiện đã phải chấp nhận lựa chọn một hình thức khiêm nhượng hơn (nói trắng ra là “rẻ tiền” hơn) cho cuốn Quân Sử.

      Nhân đây, T cũng xin trân trọng bổ túc một tên tuổi lớn đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp tài liệu cho việc biên soạn cuốn Quân Sử, đó là cố Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang (1931-2002), nguyên Tư lệnh SĐ6KQ, ít lâu trước khi qua đời đã cố gắng viết bài “CÁC CẤP CHỈ HUY ĐƠN VỊ ĐẦU TIÊN CỦA KQVNCH”.

      Có thể nói nếu không có bài viết nói trên của cố Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và ba lá thư trả lời của của cố Chuẩn tướng Võ Dinh, phần ghi lại “thuở ban đầu” của KQVN trong cuốn Quân Sử chắc chắn sẽ rất ngắn gọn, và có nhiều thiếu sót.

      Cho tới nay, T vẫn lưu giữ những lá thư trả lời thật cặn kẽ, đầy đủ kèm theo những lời khích lệ của cố NT Võ Dinh - được đánh máy trên giấy pelure, bỏ dấu tiếng Việt và ký tên bằng bút nguyên tử màu xanh, gửi qua đường bưu điện - như những kỷ vật của "một ngày Không Quân một đời Không Quân".

      Một lần nữa, chân thành cám ơn anh Võ Ý – người anh KQ từng có hàm râu con kiến và nụ cười “chết người” ở đất Tây Nguyên thuở ấy, mà nghe đồn nay đã... quy y.
      Thiện tai!

      NHT
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-05-2022, 09:47 PM.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X