Thông báo

Collapse
No announcement yet.

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 22)

Collapse
X

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 22)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 22)



    CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 22)




    Hồi ký

    NGUYỄN HỮU THIỆN

    PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA


    (tiếp theo kỳ 21)

    CHƯƠNG 2 – “Hoa tiêu” bất đắc dĩ


    Vào thời gian này, ở đảo Kuku không có một cơ sở y tế nào của Cao ủy Tỵ nạn LHQ cũng như của phía Nam Dương. Về “Phòng Xã Hội Nam Dương” mà tôi đã nhắc tới thực ra chỉ là một cái kho chứa quần cũ nằm trong ngôi nhà sử dụng làm Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại, Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn..., nơi mỗi người tỵ nạn chỉ được ghé một lần khi mới tới đảo để lựa chọn một bộ quần áo cũ do các cơ quan từ thiện tây phương cung cấp.

    Không có cơ sở y tế, không có thuốc men, nên tỷ lệ thuyền nhân nằm lại “Kuku 2” (nghĩa trang Kuku) cao hơn ở “Galang 3” (nghĩa trang Galang) nhiều; gồm ba thành phần chính: bị kiệt sức sau chuyến vượt biển gian khổ, ghe bị chìm trước khi cập vào đảo, và bị sốt rét rừng.

    Trong ba thành phần này, chết vì bị sốt rét rừng đông nhất. Trước kia ở Việt Nam, nói tới muỗi người ta nghĩ ngay tới rừng U Minh ở Cà Mau. Tôi chưa từng đặt chân tới U Minh nhưng đoán có lẽ cũng chỉ bằng Kuku là cùng!

    Đêm ngủ, tứ phía quanh chỗ nằm đã đốt nhang muỗi (được cấp phát), người muốn ngộp thở mà muỗi vẫn hoành hành!

    Tôi không biết sốt rét của mình là bệnh cũ (trong tù cải tạo) tái phát hay do muỗi ở Kuku, chỉ biết triệu chứng, diễn biến giống hệt ở Phước Long trước kia.

    Tới ngày thứ sáu (kể từ khi tôi bị sốt rét), vợ tôi nghe nói trong số thuyền nhân đang ở trên đảo có một vị bác sĩ liền dò hỏi tìm tới cầu cứu. Vị bác sĩ trạc tuổi trung niên rất sốt sắng, tới thăm bệnh ngay. Nhưng giống như trong trại cải tạo Phước Long hơn ba năm trước, ở Kuku cũng không có một viên thuốc nào. Thành thử vị bác sĩ chỉ biết khám cho tôi rồi an ủi, khích lệ vợ tôi.


    * * *

    Cũng trong ngày hôm đó, Văn phòng Chỉ huy trưởng trại Kuku thông báo ngày mai sẽ có đợt đi Galang.

    Theo lời kể của những người đã ở Kuku trước chúng tôi, cứ hai ba tháng lại có một chuyến tàu tiếp tế cho Kuku và chở một số thuyền nhân về Galang. Vào buổi sáng, trong khi chờ đợi tàu tới, Văn phòng trại sẽ cho đọc danh sách những người được đi.

    Vì khi phỏng vấn tôi, ông George đã nói tạm thời gác hồ sơ của ghe chúng tôi để chờ ý kiến của văn phòng Cao ủy ở Galang, chúng tôi không một chút hy vọng sẽ có tên trong danh sách ngày mai.

    Dù vậy, đêm hôm đó, sau cơn sốt nóng lạnh, mặc dù đã kiệt lực, nằm bất động trên cái võng, đầu óc tôi cũng còn chút tỉnh táo để đặt trường hợp ngày mai gia đình mình sẽ có tên trong sách được đi. Và nếu việc đó xảy ra, liệu người ta có chấp thuận cho khiêng một người ốm nặng gần chết lên tàu không? Tới 99% là không!

    Như vậy vợ con tôi sẽ phải ở lại Kuku với tôi. Phải ở lại để rồi đi trễ vài chuyến cũng chẳng sao, chỉ sợ tôi không qua khỏi trận sốt rét tái phát, lúc đó liệu vợ con tôi có tiếp tục được nhìn nhận là tỵ nạn để được đi định cư hay sẽ bị trả về Việt Nam như tin đồn?!

    Chi bằng nếu ngày mai gia đình tôi có tên trong danh sách đi Galang mà họ từ chối khiêng tôi lên tàu, vợ con tôi sẽ chấp nhận đi trước và để tôi ở lại Kuku. Bằng mọi giá vợ con tôi phải đặt chân tới Galang để được Cao ủy Tỵ nạn làm hồ sơ cho đi định cư, không cần biết sau đó tôi sẽ bình phục và cũng tới Galang hay vĩnh viễn nằm lại “Kuku 2”!

    Dĩ nhiên vợ tôi phản đối, nhưng lúc ấy tôi đã quá yếu mệt, không còn sức để nghe nàng nói và thiếp đi. Đêm đó, tôi mơ mình chết và được chôn tại nghĩa trang Kuku...


    * * *

    Nhưng sáng hôm sau, phép lạ lại đến với tôi, một cách thật bất ngờ - còn bất ngờ hơn cả lần thoát chết ở Phước Long mấy năm về trước.

    Xin được kể sơ lại lần tôi thoát chết vì sốt rét rừng vào năm 1977 khi đang ở trại cải tạo L2T2.

    Vào lúc tôi đã hoàn toàn mê man sau gần hai tuần lên cơn sốt rét, khi tất cả mọi người, trong đó có tay Trung sĩ y tá bộ đội của T2, tin rằng giờ phút cuối của tôi đã gần kề thì một biến cố xảy ra: cái đập nước ở thượng nguồn sông Tà Niên – tức con suối lớn chảy xuống T2 – bị vỡ.

    Khu đất của T2 giống như một cái lòng chảo, nơi con suối chảy quanh gần giáp một vòng trước khi xuôi về Thác Mơ dưới chân núi Bà Rá.

    Với thế đất ấy, chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, toàn bộ T2 đã bị lụt. Cũng may lúc đó anh em tù cải tạo đang chuẩn bị đi lao động chứ chưa rời trại, nhờ vậy tôi – đang nằm mê man trên cái giường tre – mới được một người bạn nhớ tới, báo động với toán “anh nuôi” đưa tôi lên một cái chảo lớn bơi lên đồi.

    Sau khi được đưa vào nhà thăm nuôi và đặt nằm trên một cái giường, tôi tiếp tục mê man cho tới sáng hôm sau mới tỉnh dậy, để rồi tới buổi chiều, như một phép lạ, cơn sốt rét đã không quay trở lại. Qua ngày hôm sau, tôi bắt đầu bình phục trước sự ngạc nhiên của mọi người!


    * * *

    Bốn năm sau ở Kuku, không cần tới 24 tiếng mà chỉ qua một đêm tôi đã hồi tỉnh. Khi tôi thức giấc, mặc dù đầu nhức như búa bổ, toàn thân rã rời, tai tôi vẫn nhận ra tiếng loa phóng thanh đang hoạt động.

    Vì cái lều của chúng tôi ở ngoài cùng cho nên nằm trong lều vẫn nghe rõ tiếng đọc tên những người được đi Galang nhưng vợ tôi đã nôn nóng đi ra sân cát, nơi hàng trăm người đang tụ tập chung quanh cái cột gắn loa phóng thanh.

    Riêng tôi thì không hề nôn nóng bởi vì, như đã viết ở trên, sau khi phỏng vấn tôi, ông George đã nói tạm thời gác hồ sơ của ghe chúng tôi lại, thì không thể chỉ trong vòng một tuần lễ, văn phòng Cao ủy Tỵ nạn ở Galang đã có thì giờ giải quyết.

    Nhưng tới cuối danh sách - mà sau này tôi được biết khoảng 200 người - tôi nghe thấy loa đọc số nghe của chúng tôi và tên của 26 người trên ghe!

    Tôi lặng người, hay viết một cách chính xác là bị sốc mạnh tới mức không còn sức phản ứng, cũng giống như khi tôi bất ngờ có tên trong kết quả cuộc “xổ số” ở trại tù Tống Lê Chân hồi đầu năm 1981!

    Rồi vợ tôi từ ngoài chạy vào lều, vì không biết tôi đã tỉnh dậy và nghe qua loa phóng thanh, vội vã kể cho tôi nghe việc cả ghe TV-101926 có tên trong danh sách đi Galang với một giọng vô cùng phấn kích!

    Tới khi loa phóng thanh đọc lại danh sách để mọi người nghe thêm một lần nữa cho chắc chắn, không biết từ lúc nào, gần như tất cả mọi người trong ghe đã tụ tập trước cái lều của tôi, nói cười vui vẻ.

    Sau khi loa đọc xong tên 26 người trong ghe, ông anh cột chèo, ông anh họ vợ và một vài người nữa vào lều thăm tôi.

    Tuy không ai nói ra, nhìn ánh mắt và thái độ của mọi người tôi cũng hiểu được họ tin rằng nhờ tôi thuyết phục được ông George mà cả ghe được đi Galang trên chuyến tàu sớm nhất.

    Riêng tôi chỉ biết cảm tạ Ơn Trên và thầm cám ơn ông George. Thì ra ông không đáng ghét, không tìm mọi cách làm khó dễ người tỵ nạn như nhiều người đã nghĩ, mà ngược lại. (Trên thực tế, ông George có làm khó dễ một số đối tượng, tôi sẽ đề cập tới ở một phần sau)


    * * *

    Qua loa phóng thanh, chúng tôi được thông báo sau khi ăn cơm trưa phải chuẩn bị hành trang sẵn sàng, khi có lệnh tập họp, ra ngồi chờ trên bãi cát gần cầu tàu (cũng là bãi tắm biển).

    Lúc này mặc dù đầu óc đã tỉnh táo, tôi vẫn nằm bất động trên cái võng. Vợ tôi nấu cháo trắng nhưng cố gắng lắm tôi cũng chỉ nuốt được vài muỗng vừa vì miệng đắng ngắt vừa vì cuống họng bị sưng. Sau đó tôi thiếp đi cho tới khi bị vợ đánh thức: tàu tới!

    Đó là một chiếc tàu khá lớn, có lẽ dài gấp rưỡi chiếc Flora đã chở chúng tôi từ đảo Sedanau tới đảo Kuku. Chiếc tàu này được tổ chức từ thiện Tin Lành World Vision mướn và đặt tên là “Seasweep” để vận chuyển tiếp tế và đưa thuyền nhân từ các đảo nhỏ tới các trại tỵ nạn.

    (World Vision được thành lập năm 1950 tại Hoa Kỳ, là một tổ chức từ thiện chuyên về phát triển và cứu trợ, ưu tiên cho trẻ em, hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới.
    Tại Á Châu, World Vision phát triển mạnh ở Đại Hàn và Đài Loan. Trước năm 1975, World Vision hoạt động tại miền Nam VN với danh xưng tiếng Việt là “Hoàn Cầu Khải Tượng”, hiện nay được gọi là “Tầm nhìn Thế giới”.
    Năm 1977, World Vision trở thành World Vision International)


    Tàu Seasweep (hình Gaylord Barr)


    Vì kích thước và trọng tải lớn, chiếc Seasweep không thể cập vào bến tàu của đảo Kuku như tàu Flora trước đây mà thả neo cách bờ gần 1 km; sau khi xuống hết số hàng tiếp tế cho Kuku mới đón người tỵ nạn lên tàu.

    Công việc vận chuyển hàng tiếp tế vào đảo và đưa người tỵ nạn ra tàu được thực hiện bằng những chiếc ghe vượt biên lớn và còn tương đối tốt, nay thuộc quyền sở hữu của nhà chức trách Nam Dương.

    Trên chuyến ghe đầu tiên trở vào đảo, có các nhân viên Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn ở Galang tới Kuku để đưa thuyền nhân (có tên trong danh sách) về Galang.

    Đặc biệt lần này, như về sau tôi được biết, còn có cô Amelia Bonifacio, người Phi-luật-tân, nhân vật số 2 tại Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Galang và một số nhân viên của các tổ chức thiện nguyện, trong đó có Gaylord Barr, một giáo viên Anh ngữ tại Galang, tác giả của nhiều phóng sự kèm hình ảnh về Kuku và Galang, mà một số hình được tôi sử dụng trong thiên hồi ký này. (1)



    Nhân viên Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Galang và các tổ chức thiện nguyện đợi tàu đi Kuku.
    Cô Amelia Bonifacio ngồi phía trái (hình Gaylord Barr)

    Lúc tôi được vợ đánh thức dậy là khoảng 3 giờ chiều. Theo thông báo trên loa phóng thanh, tới 3 giờ 30, tất cả những người có tên trong danh sách phải có mặt ngoài bãi cát gần cầu tàu.

    Mặc dù đã bớt nhức đầu và có thể bước đi chậm chạp, tôi vẫn nằm trên cái võng trong lều, bởi chỉ cách bãi cát vài chục mét, khi nào gọi tới gia đình tôi, thằng con trai sẽ chạy vào gọi bố.

    Có điều đáng ngạc nhiên là không có một thông dịch viên người Việt nào từ Galang đi theo các nhân viên Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn tới Kuku. Sau này tôi mới biết nguyên nhân không phải vì ở Galang thiếu thông dịch viên mà chỉ vì nhà cầm quyền Nam Dương vì lý do an ninh, hạn chế tối đa việc cho phép người tỵ nạn rời đảo.

    Khi cô Amelia Bonifacio hỏi trong đám người được đi Galang có ai biết tiếng Anh và tình nguyện làm thông dịch không, một người đàn ông khoảng trên dưới 60 tên là Ngô Văn Giảng đã xung phong.

    Chỉ sau này khi đã tới Galang, tôi mới biết ông Ngô Văn Giảng chính là một nhạc sĩ tên tuổi trong nền tân nhạc Việt Nam, với các bút hiệu Văn Giảng (các bản hùng ca Lục Quân Việt Nam, Đêm Mê Linh, Nam Quan hận khúc, Thúc quân...), Thông Đạt (các ca khúc Ai về sông Tương, Đôi mắt huyền, Hoa cài mái tóc, Tình em biển rộng sông dài...) và Nguyên Thông (các ca khúc về Phật giáo).



    Nhạc sĩ Văn Giảng tại Kuku (hình Gaylord Barr)

    Ông vượt biên với một người con trai trước chúng tôi ít lâu, tới đảo Natuna, rồi được đưa tới Kuku.

    Ra chào đời và lớn lên ở cố đô Huế, ngày còn trẻ ông từng vào Sài Gòn theo học đại học và Anh văn tại Hội Việt Mỹ. Sau khi thi lấy bằng cử nhân và thi đậu trong một cuộc sát hạch Anh văn, ông được học bổng tu nghiệp âm nhạc tại Hoa Kỳ, và tốt nghiệp Cao học Âm nhạc; về nước ông giữ chức Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Huế.

    Với khả năng Anh ngữ của mình, ông Ngô Văn Giảng không chỉ thông dịch những hướng dẫn của nhân viên Cao ủy Tỵ nạn về cuộc hành trình, về cuộc sống sắp tới ở Galang mà đôi khi còn pha trò một cách duyên dáng khiến mọi người vui cười thoải mái.

    Cô con gái 8 tuổi của tôi vô tình lọt vào ống kính của Gaylord Barr trong lúc ngồi chờ đọc tên lên tàu Seasweep


    Bắt đầu khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi lần lượt được ghe chở ra tàu Seasweep. Theo danh sách, ghe chúng tôi là những người ra đi sau cùng.

    Bước lên cái cầu tàu bằng cây rừng một cách khó khăn, trong lòng tôi thầm cám ơn Thượng đế chẳng những đã cho mình thoát chết lần thứ hai vì sốt rét rừng để tiếp tục cuộc hành trình tìm tự do mà còn phù hộ cho chúng tôi được sớm rời Kuku.

    Sau khi lên tàu Seasweep, tôi cố tìm một vị trí không bị che khuất để nhìn lại Kuku lần cuối, cái hoang đảo âm u mà tuy chỉ sống ở đó hơn một tuần lễ đã để lại trong tôi những ấn tượng không bao giờ phai mờ, nhất là cái nghĩa trang bên bìa rừng - cái nghĩa trang hoang lạnh và buồn nhất tôi được biết trong đời mình.



    Vĩnh biệt Kuku (hình Gaylord Barr)


    Tàu Seasweep nguyên là một tàu buôn đã khá cũ, vì hầm tàu chỉ là nơi chứa hàng hóa cho nên người ta phải căng vải bạt trên boong tàu làm chỗ tạm trú cho thuyền nhân.

    Trước hết chúng tôi được các thanh niên nam nữ thiện nguyện của World Vision, phần lớn là người Á châu (Đại Hàn, Đài Loan) phát cho mỗi người một cuốn Kinh Thánh loại bỏ túi bằng tiếng Việt và một gói mì ăn liền cho bữa ăn tối cùng một ít bánh kẹo.

    Đây là một gói mì của Singapore mà cho tới hơn 40 năm sau tôi vẫn khẳng định là gói mì ăn liền ngon nhất mà mình từng được ăn!

    Rất có thể đây chỉ là nhận xét chủ quan của tôi vào lúc ấy sau một thời gian dài ăn uống thiếu thốn kham khổ từ ngày xuống ghe vượt biên, nhưng điều đáng nói là bên cạnh cảm giác “ngon”, gói mì ăn liền của Singapore ấy - nặng gấp rưỡi gói mì Nam Dương được cấp phát ở Kuku, có tới mấy gói nêm đi kèm, bao bì đẹp đẽ, những hàng chữ hướng dẫn bằng tiếng Anh chuẩn xác... – vô hình trung đã khiến tôi thích thú và cảm thấy lạc quan hơn khi nhìn về tương lai trước mặt.


    CHƯƠNG 3 – Cửa ngõ Tự Do và Tình Người

    Theo lời nhân viên Cao ủy Tỵ nạn cùng đi trên tàu Seasweep, sáng hôm sau tàu sẽ cập bến Galang.

    Galang - viết đầy đủ là Pulau Galang - là một trong khoảng 1.700 hòn đảo lớn nhỏ của vùng đảo Riau (Riau Islands).

    Gọi là “vùng đảo Riau” vì ngày ấy nó trực thuộc tỉnh Riau (Riau Province) trên đảo Sumatra (hiện nay, vùng đảo này đã trở thành một tỉnh riêng biệt với tên gọi Riau Islands Province).


    Vùng đảo Riau, ngày nay là Riau Islands Province, gồm những đảo có viền đỏ trên bản đồ

    Phía bắc của vùng đảo Riau là quần đảo Natuna, nơi ghe chúng tôi cập vào đảo Pulau Laut, sau đó được đưa tới đảo Sedanau. Hướng tây tây nam của Natuna là quần đảo Anambas, nơi có “hoang đảo” Kuku.

    Xuôi về phương nam, đối diện với đảo quốc Singapore là nhiều đảo lớn nhỏ, trong số đó gần Singapore nhất là đảo Batam (chưa tới 20 km), trên có Thành phố Batam, là thành phố lớn nhất trong vùng đảo Riau.

    Phía nam đông nam đảo Batam là đảo Rempang rồi tới đảo Galang. Về hành chính, cả ba đảo thuộc Thành phố Batam.

    Theo tỷ lệ trên bản đồ, tính đường chim bay từ Kuku tới Galang khoảng 450 km, và từ Galang sang Singapore khoảng 75 km.

    Nguyên vào năm 1978, khi thương lượng với chính phủ Nam Dương về việc thiết lập một trại tỵ nạn quy mô trên lãnh thổ Nam Dương, Cao ủy Tỵ nạn LHQ đã đưa ra yêu cầu: vị trí phải vừa gần quần đảo Anambas nơi có hàng ngàn thuyền nhân đang sống trên “hoang đảo” Kuku, vừa gần Singapore để tiện việc đưa người tỵ nạn đi định cư ở đệ tam quốc gia bằng đường hàng không.



    Vị trí đảo Galang (mũi tên đỏ)


    Kết quả, nhà cầm quyền Nam Dương đã chọn đảo Galang, vừa gần Singapore, vừa có bờ biển sâu tàu vận tải hạng trung có thể cập bến, vừa tương đối hoang vắng, chỉ có 200 người dân sống trên diện tích 8000 héc-ta!

    Trại tỵ nạn Galang nằm gần bờ biển phía tây của hòn đảo trên một diện tích 80 héc-ta, tức 1/100 diện tích của đảo, gồm hai trại: Galang site 1 và Galang site 2, thường được người Việt gọi ngắn gọn là Galang 1, Galang 2.

    Galang 1 dành cho người ty nạn mới tới đảo, họ sẽ được Văn phòng Cao ủy phỏng vấn rồi làm đơn xin đi định cư ở một đệ tam quốc gia, được nhận hay không họ cũng sẽ tiếp tục sống ở Galang 1.

    Chỉ trừ những người làm đơn xin đi Mỹ và đã được Mỹ nhận mới phải vào Galang 2 để chờ ngày đi Mỹ; trong thời gian chờ đợi họ được học Anh văn và một khóa về “đời sống và văn minh ở Mỹ quốc”. Bên cạnh đó còn có một số thuyền nhân ở Thái Lan đã được Mỹ nhận định cư cũng được đưa tới Galang 2 để học Anh văn. Vào thời gian tôi ở Galang, thuyền nhân gốc Căm-bốt cũng được đưa tới Galang 2.

    Theo con số của Cao ủy Tỵ nạn LHQ, vào thời gian cao điểm, tổng số thuyền nhân ở Galang 1 và Galang 2 lên tới 12.000 người (một tài liệu khác viết lên tới 14.000).


    * * *

    Tàu Seasweep chở chúng tôi cập bến Galang vào khoảng 8 giờ sáng. Bến tàu này có lẽ được xây dựng với mục đích chính là đưa đón tỵ nạn cho nên ngoài một ngôi nhà gỗ dùng làm văn phòng còn có hai mái tôn (không có vách) thật lớn làm nơi trú mưa nắng cho kẻ đến người đi.

    Một cái cầu tàu cao bằng bê-tông nhô ra biển dành cho tàu lớn và một cầu tàu sát mặt biển và phòng chờ dành cho tàu tốc hành chở khách (express).

    Gần đó là một bãi chứa cây rừng đã được dân Nam Dương khai thác chờ được chở đi.



    Bến tàu Galang (hình Gaylord Barr)



    Cảnh sát Nam Dương giữ trật tự tại bến tàu trong một chuyến đi Singapore (hình Gaylord Barr)


    Thủ tục “nhập cảnh” tại bến tàu Galang đơn giản hơn ở Kuku rất nhiều, chỉ có màn đếm đầu người chứ không có mục khám xét hành lý và thân thể người tỵ nạn!

    Các nhân viên cảnh sát Nam Dương ở Galang cũng tương đối nhã nhặn hơn, không quát tháo như ở Kuku.

    Ngoài nhân viên cảnh sát, nhân viên Cao ủy Tỵ nạn, còn có nhân viên Phòng Xã Hội Nam Dương đón tiếp, hỏi thăm những gia đình có con nhỏ, người già yếu...

    Từ bến tàu, đoàn người lần lượt được xe đưa vào trại, phân phối tới các “barrack”.

    Trại Galang 1 được chia ra năm Zone với trên 100 barrack mái tôn vách gỗ. Mỗi barrack, với hai hàng sạp gỗ dài, có thể dung nạp 100 người vào thời gian cao điểm.

    Khi chúng tôi tới Galang 1 thì người tỵ nạn gốc Việt chỉ ở bốn Zone I, II, III, IV, còn Zone V thì bỏ trống, khi cần thì sử dụng làm nơi tạm trú cho người tỵ nạn gốc Căm-bốt trước khi họ được đưa vào Galang 2.

    Tất cả 26 người trong ghe của tôi được đưa tới Barrack 73 thuộc Zone III. Điều thú vị là ghe của nhạc sĩ Văn Giảng khoảng 20 người cũng được đưa tới Barrack 73. Cộng với khoảng 15 “ma cũ”, barrack có nhân số khoảng 60 người.


    * * *

    Vào những năm đầu thập niên 1980, không kể Trại Hawkins Road ở Singapore thì Trại tỵ nạn Galang ở Nam Dương được xem là trại tỵ nạn “kiểu mẫu” trong số tất cả các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á. Đây là nhận xét của cả Cao ủy Tỵ nạn LHQ lẫn Linh mục Gildo Dominici (1935-2003), một nhân vật mà tên tuổi đã gắn liền với Trại tỵ nạn Galang.

    Sở dĩ không tính Trại tỵ nạn Hawkins Road là vì từ năm 1980, chính phủ Singapore đã dứt khoát không nhận thuyền nhân đi thẳng tới đảo quốc này (những ghe tới thẳng sẽ bị tàu của Hải quân Singapore kéo ra hải phận quốc tế), chỉ nhận những thuyền nhân được tàu buôn ngoại quốc vớt và đưa tới Singapore, với điều kiện quốc gia (của tàu buôn) đó phải cam kết bằng văn bản sẽ nhận những thuyền nhân này định cư và đưa họ ra khỏi Singapore trước thời hạn 90 ngày!

    Vì số thuyền nhân may mắn nói trên chẳng có là bao, Cao ủy Tỵ nạn LHQ đã điều đình với chính phủ Singapore cho sử dụng Trại Hawkins Road như một trại chuyển tiếp, nơi chờ chuyến bay cho những thuyền nhân đã được các đệ tam quốc gia nhận định cư, tới từ các trại tỵ nạn ở Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan.

    Gọi Galang là trại tỵ nạn kiểu mẫu vì việc điều hành mọi việc trong trại được phân chia một cách rõ rệt theo nguyên tắc Cao ủy Tỵ nạn LHQ đưa ra: nhà cầm quyền trại (Nam Dương) đảm trách an ninh trật tự, Cao ủy Tỵ nạn lo việc đi định cư, Ban đại diện trại (Việt Nam) điều hành mọi sinh hoạt thường nhật của đồng bào trong trại, đại diện đồng bào khiếu nại với Cao ủy Tỵ nạn, với nhà cầm quyền Nam Dương trong những trường hợp cần thiết.

    Nhà cầm quyền trại gồm Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại (Camp Commander Office) do một sĩ quan cấp tá trong Quân đội Nam Dương đảm trách, và một đồn cảnh sát Nam Dương do một sĩ quan cảnh sát cấp úy làm Trưởng đồn.

    Về Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn LHQ, đứng đầu là một vị Đại diện Cao ủy (UNHCR Representative), dưới quyền có các phòng ban mà quan trọng nhất là Phòng Định cư (Resettlement Processing Centre).

    Ngoài ra còn có một “Phòng” rất quan trọng mà tôi không nhớ danh xưng, đó là nơi sắp xếp các chuyến bay cho những người đã được nhận định cư. Đây cũng chính là nơi phát xuất những tin đồn sốt dẻo (thường là thất thiệt) về ngày rời Galang của những đồng bào đã được nhận định cư.

    Ban đại diện trại (Camp Committee) gồm một vị Trưởng ban đại diện Trại, một hoặc hai vị Phó, và các phòng ban chuyên môn, như Phòng Hành chánh, Phòng Thông tin, Phòng Trật tự, Phòng Xã hội, Phòng Công tác, Khối Giáo dục, Khối Huấn nghệ, Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên (Youth Center)...

    Hệ thống hàng dọc thì có các Zone trưởng, Barack trưởng.

    [Các danh xưng chức vụ “Trưởng ban đại diện Trại, Phó ban đại diện Trại” thường chỉ được sử dụng trên giấy tờ, trên loa phóng thanh, còn khi nói chuyện mọi người đều gọi ngắn gọn là “Trại trưởng”, “Trại phó”.
    Trong khi đó chức vụ Zone Leader trên giấy tờ, trên loa phóng thanh được gọi là “Khu trưởng Khu I, II, III...” nhưng khi nói chuyện mọi người thường gọi là “Zone trưởng Zone I, II, III...” để né chữ “khu”]

    Cùng với ba cơ quan “lãnh đạo” nói trên còn có những tổ chức độc lập hoạt động tại Galang như PMI (Palang Merah Indonesia: Hội Hồng Thập Tự Nam Dương) với một bệnh viện nho nhỏ, Phòng Xã hội Nam Dương, các cơ quan thiện nguyện World Relief, Save the Children, Écoles Sans Frontières...


    * * *

    Sau khi tới Galang 1 được vài ngày, từng ghe sẽ được gọi lên Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn để được phỏng vấn và làm hồ sơ.

    Trong cuộc phỏng vấn này, thông qua các thông dịch viên, thuyền nhân sẽ khai lý lịch và chứng minh mình là người tỵ nạn.



    Phòng Định cư của Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn tại Galang. Dãy mái tôn đỏ là nơi đồng bào ngồi chờ gọi tên
    (hình Gaylord Barr)


    Trước hết nói về lý lịch, trừ những người cần phải khai chính xác cho phù hợp với giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chức vụ của mình trước năm 1975, những người còn lại muốn khai ra sao thì khai, cũng giống như người miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954 đi làm giấy Thế Vì Khai Sanh vậy.

    Nghĩa là có thể thay đổi tên họ, năm sinh, quê quán, nghề nghiệp, gia cảnh... Nói cho ngay, đa số trường hợp thay đổi này cũng chẳng chết thằng tây nào, nghĩa là gian dối nhưng không làm hại tới những thuyền nhân khác. Chẳng hạn một ông khai thêm tuổi với hy vọng sang nước thứ ba sẽ được về hưu sớm, một bà đã có chồng còn ở VN khai độc thân để sẵn sàng làm lại cuộc đời khi có cơ hội, một công chức tép riu khai là phó quận, trưởng phòng, một hạ sĩ quan hay binh sĩ khai là sĩ quan, hoặc sĩ quan cấp úy khai là sĩ quan cấp tá, thậm chí có người trốn quân dịch cũng khai là cựu quân nhân với hy vọng sẽ được ưu tiên cứu xét cho đi định cư...

    Riêng về việc hạ sĩ quan hay binh sĩ tự nhận sĩ quan, sĩ quan khai cấp bậc cao hơn, dân sự khai là quân nhân, sau này một số người từng làm việc với phái đoàn Mỹ kể với tôi rằng người Mỹ có toàn bộ hồ sơ được lưu trữ trong dàn máy IBM của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH trước 1975, nay được mang sang Singapore để đối chiếu với lời khai của thuyền nhân, vì thế ai khai gian là bị lộ tẩy ngay.

    Thực hư ra sao tôi không có cơ hội tìm hiểu, chỉ biết ở Galang nghe người ta đồn có một số cựu quân nhân man khai lý lịch xin đi định cư ở Mỹ nhưng bị từ chối, bị “giam” ở Galang mấy năm trời mới được đi định cư ở một nước khác.

    Riêng các hạ sĩ quan, binh sĩ khai tăng tuổi nhưng không xin đi định cư ở Mỹ mà đi một nước khác thì không hề bị khám phá; ít nhất cũng là trong những trường hợp tôi được biết.

    Kế tới là việc chứng minh mình là người tỵ nạn cộng sản. Vào khoảng thời gian này - từ cuối thập niên 1970 tới cuối thập niên 1980 - khi mà chế độ CSVN còn duy trì chính sách bế quan tỏa cảng, bị cả thế giới lên án vì cuộc xâm lược Căm-bốt, thì hầu như thuyền nhân VN nào cũng được xem là “tỵ nạn cộng sản”; chỉ tới cuối thập niên 1980, khi diễn ra hòa đàm Paris về tái lập hòa bình ở xứ chùa tháp, CSVN đồng ý rút quân để đổi lấy việc thế giới hủy bỏ lệnh cấm vận, các quốc gia tây phương bắt đầu quay lưng lại với người tỵ nạn Đông Dương, thì mới đẻ ra mấy chữ “tỵ nạn kinh tế” để chỉ những thuyền nhân mà Cao ủy Tỵ nạn cho là không đủ điều kiện “tỵ nạn chính trị”!


    * * *

    Sau khi được Cao ủy Tỵ nạn phỏng vấn, cho một con số, chụp hình làm “căn cước” (ID), người tỵ nạn mới được nộp đơn xin đi định cư tại quốc gia mình muốn đi.

    Muốn đi định cư tại quốc gia nào thì phải nộp đơn cho phái đoàn của quốc gia đó. Vào thời điểm 1981-1982, chỉ có một phái đoàn duy nhất thường trực ở Galang để nhận đơn và phỏng vấn là phái đoàn Mỹ, bởi vì hầu hết người tỵ nạn đều muốn “ôm chân đế quốc”, kế tới là các phái đoàn Úc, Canada, Pháp, Đức mỗi năm đến Galang một, hai lần, các quốc gia còn lại – Nhật Bản và các quốc gia Âu châu khác – thì không gửi phái đoàn tới Galang mà nhờ Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn nhận đơn dùm rồi gửi về tòa đại sứ của quốc gia đó ở Jakarta (Nam Dương) hay Singapore cứu xét.

    Cũng vì hầu hết người tỵ nạn đều muốn đi Mỹ cho nên phái đoàn Mỹ phải tìm mọi cách để làm khó dễ, hoặc bác đơn - tiếng bình dân gọi là “đá”!

    Trước hết, những người có thân nhân trực hệ tại Mỹ - vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em ruột - thì thường được nhận cho định cư tại Mỹ. Tôi viết “thường” bởi vì cũng có những trường hợp bị từ chối. Đó là những người có “thành tích” bị ghi vào sổ bìa đen, như từng có lập trường chống Mỹ, từng hoạt động cho cộng sản trước năm 1975, thành phần “30 tháng Tư”, thành phần bất hảo tại Galang, hoặc lý lịch không rõ ràng, khai tới khai lui, v.v...

    Thứ đến là các cựu sĩ quan quân đội, cảnh sát, công chức trung cấp, cao cấp của VNCH, trên nguyên tắc là thành phần được ưu tiên đi Mỹ, thì sẽ bị xét hồ sơ cá nhân xem có thân nhân ruột thịt ở các quốc gia khác hay không, nếu có phái đoàn Mỹ sẽ viện lý do “một giọt máu đào hơn ao nước lã” để nói người đó phải làm đơn đi đoàn tụ với người thân, chỉ khi nào bị quốc gia đó từ chối (đóng dấu “đá”) thì phái đoàn Mỹ mới tái xét đơn. Vì thế những người muốn đi Mỹ mà phải làm đơn xin đoàn tụ với người thân ở một quốc gia khác chỉ cầu bị... đá!

    Còn với những người (thuộc thành phần ưu tiên nói trên) không có thân nhân ruột thịt ở các quốc gia khác thì trong lần phỏng vấn đầu tiên, phái đoàn Mỹ cũng chỉ phê “được quan tâm cứu xét” (under consideration), và không quên “khuyến khích” trong thời gian chờ đợi, có thể làm đơn xin đi định cư ở một quốc gia khác! Chỉ có một số rất nhỏ may mắn được nhận ngay trong lần phỏng vấn đầu tiên!

    Như đã viết ở một đoạn trước, những người được phái đoàn Mỹ nhận không được đưa thẳng sang Singapore để chờ chuyến bay đi Mỹ, cũng không tiếp tục ở Galang 1 mà được đưa vào Galang 2 để học Anh văn và một khóa về “đời sống và văn minh của Mỹ quốc”, rồi chờ ngày đi Mỹ. Thời gian chờ đợi có thể là vài tháng, một năm, cũng có khi kéo dài tới hai, ba năm!

    Vì thế, không ít người thuộc thành phần ưu tiên đi Mỹ đã không làm đơn xin đi Mỹ mà xin đi nước khác, thường là Úc hoặc Canada, để sớm được rời khỏi trại tỵ nạn. Bên cạnh đó cũng có không ít người vẫn còn hận Mỹ, ghét Mỹ về cái tội bỏ rơi miền Nam VN cho nên vừa được Cao ủy Tỵ nạn làm hồ sơ xong là nộp đơn xin đi Úc, đi Canada ngay!

    Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới những thành phần phản chiến, thân cộng “có tên tuổi” trước năm 1975, chẳng hạn những tay “trâu đánh” ngoài miền Trung, đám nằm vùng ở Đại học Vạn Hạnh..., sau này không được chế độ cộng sản sử dụng, hoặc chính bản thân họ đã nhận ra bản chất của cộng sản cho nên đã tìm đường vượt biên.

    Những người này tự biết họ sẽ không bao giờ được Mỹ nhận cho nên đã làm đơn xin đi Úc, Canada, Pháp...

    Về phần những người không thuộc thành phần ưu tiên đi Mỹ nếu có thân nhân ở một đệ tam quốc gia thì bắt buộc phải làm đơn xin định cư tại quốc gia đó. Tuy nhiên có không ít người không muốn định cư tại quốc gia mà thân nhân mình đang sống, khi làm hồ sơ đã không khai những thân nhân nói trên.

    Sau cùng là những người không thuộc thành phần ưu tiên đi Mỹ và cũng không có thân nhân ở một đệ tam quốc gia thì phải làm đơn xin định cư theo diện nhân đạo, gọi nôm na là “đi chùa”.

    “Đi chùa” dễ hay khó, chờ mau hay lâu tùy thuộc vào thời điểm, chính sách di dân, tiêu chuẩn nhận người của quốc gia mình muốn tới định cư, cũng như số lượng người nộp đơn.

    Lấy trường hợp Úc và Tân-tây-lan làm thí dụ điển hình. Cả hai quốc gia đều là của người da trắng ở cạnh nhau ở châu Đại dương (Oceania) nhưng trong khi xin đi Tân-tây-lan được nhận ngay thì xin đi Úc còn tùy tuổi tác, trình độ, gia cảnh (kỵ nhất là nam vị thành niên không có cha mẹ đi theo)...

    Nhưng nếu so với xin đi Mỹ thì xin đi Úc vẫn có nhiều hy vọng hơn, và nhanh hơn.

    * * *

    Tới đây tôi xin mô tả chi tiết khung cảnh Trại Galang và cuộc sống của người tỵ nạn ở nơi chốn được mệnh danh là “Cửa ngõ của Tự Do và Tình Người” (The Gate Of Freedom and Humanity).


    Cửa ngõ của Tự Do và Tình Người (hình Gaylord Barr)


    Từ bến tàu Galang đi vào trên con đường chính của đảo theo hướng bắc nam, sau khoảng 3 km thì tới Galang 1, đi thêm hơn 2 km nữa là Galang 2, còn “Galang 3” - tức Nghĩa Trang Galang - nằm trên đường Galang 1 đi Galang 2.

    Vì chỉ vào Galang 2 chơi một hai lần, tôi xin chỉ viết về Galang 1.

    Vào trại từ hướng bắc, trước hết là chùa Quan Âm của thuyền nhân Việt Nam nằm trên một ngọn đồi cao ở phía bên trái, kế tới là chợ Galang, cũng ở phía bên trái. Đi qua chợ là các barrack của Zone V ở phía bên trái, và các barrack của Zone IV phía bên mặt.

    Đi qua Zone IV là các cơ sở của Nam Dương như Hội Hồng thập tự (PMI), Phòng Xã hội Nam Dương, các cơ sở thiện nguyện quốc tế và chỗ ở của nhân viên Cao ủy Tỵ nạn và nhân viên các tổ chức thiện nguyện.


    Chùa Quan Âm (hình Gaylord Barr)

    Trở lại phía bên trái, sau Zone V tới một khu đất cao là trung tâm sinh hoạt của trại, nơi tập trung mọi cơ sở, phương tiện học hành, giải trí của người tỵ nạn, như hội trường, Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên (Youth Center), các phòng học, tòa soạn bán nguyệt san Tự Do, sân khấu lộ thiên, sân bóng chuyền, booth để TV màu, sân đá banh...


    Một phần của khu sinh hoạt, từ trái, Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên, phòng Lab (Anh ngữ), Hội trường (có huy hiệu Trại Galang), các phòng học... Ngoài sân, nơi có những băng ghế “dã chiến” là sân xem tivi màu (hình Gaylord Barr)



    Tòa soạn bán nguyệt san Tự Do (hình Gaylord Barr)

    Phía sau khu sinh hoạt của trại là một ngọn đồi thấp, có đường cho xe hơi chạy vào Đồn cảnh sát Nam Dương, vào sâu hơn là Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại (Camp Commander Office).

    Kế tiếp là Zone III với các barrack ở cả hai phía. Vì ở phía bên trái, các Barrack 65, 69 và Văn phòng Zone III nằm sát khu sinh hoạt của trại cho nên về mặt “trật tự trị an”, khu sinh hoạt thuộc lãnh thổ Zone III.

    Tiếp tục đi về hướng nam, qua Zone III tới Zone II ở phía bên trái. Giữa Zone III và Zone II là một khu đất trũng không có các barrack, được một số người tỵ nạn khai phá trồng rau để ăn và để bán; khi chủ nhân đi định cư hoặc vào Galang 2, thì giao lại cho người quen hoặc sang lại cho người khác.

    Khi bắt đầu lên dốc, phía trước các barrack của Zone II có một dãy sạp bán thuốc lá, bánh trái, các loại quà vặt, và nhiều mặt hàng linh tinh khác, giống như một cái chợ trời nho nhỏ.


    Tiếp theo là Zone I ở phía bên mặt với các barrack dưới chân đồi; trên đỉnh đồi là nhà thờ Công giáo và cơ sở từ thiện của cha Dominici.


    Nhà thờ Công giáo Galang từ Zone 1 nhìn lên (hình Gaylord Barr)
    Trại Galang từ sân nhờ Công Giáo nhìn về hướng bắc: mũi tên đỏ là Barrack 73 của tôi,
    giữa hình là hội trường và khu sinh hoạt của trại, phía bên phải (mũi tên xanh) là Đồn cảnh sát
    Nam Dương và Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại. Mũi tên vàng là các cơ sở và nơi ở của nhân viên
    thiện nguyện, xa xa là chùa Quan Âm (hình Gaylord Barr)


    Cũng ở dưới chân đồi nhưng nằm phía bên trái là trụ sở của Ban đại diện trại. Đi thêm một đoạn nữa, ở phía bên mặt là Phòng Định cư của Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn tại Galang, cũng là nơi phỏng vấn người tỵ nạn của các phái đoàn.

    Sau cùng là Nhà thờ Tin Lành trên một ngọn đồi nhỏ, cũng ở phía bên mặt.



    Trụ sở Ban đại diện trại (hình Gaylord Barr)
    Nhà thờ Tin Lành Galang (hình Gaylord Barr)

    Tới đây viết về nhà cầm quyền trại và cảnh sát Nam Dương.

    Vào thời gian tôi ở Galang, vị Chỉ huy trưởng Trại (Camp Commander) là Trung tá Hasbullah Siregar thuộc Quân đội Nam Dương, còn Trưởng đồn cảnh sát là Đại úy Marjuno.

    Theo nguyên tắc đã được thỏa thuận từ lúc ban đầu giữa ba phía (Cao ủy Tỵ nạn, chính quyền Nam Dương, Ban đại diện tỵ nạn), một khi đã được đưa tới trại tỵ nạn Galang, các thuyền nhân là “đối tượng của Cao ủy Tỵ nạn tạm trú trên lãnh thổ Nam Dương” chứ không phải đối tượng của chính quyền Nam Dương. Vì thế nhà cầm quyền trại và cảnh sát Nam Dương chỉ có hai nhiệm vụ: (1) giữ các thuyền nhân trong khu vực ấn định, (2) bảo vệ an ninh cho thuyền nhân.

    Chính vì hai nhiệm vụ này đã dẫn đưa tới những vụ rắc rối giữa cảnh sát Nam Dương và Cao ủy Tỵ nạn, cũng như với Ban đại diện Trại, mà nguyên nhân chính là sự lộng hành của cảnh sát Nam Dương (tôi sẽ đề cập tới một cách chi tiết trong một kỳ sau).

    (Còn tiếp)


    CHÚ THÍCH:


    (1) Gaylord Barr (1947-2015), thành viên của tổ chức thiện nguyện Peace Corps, là giáo viên Anh ngữ tại Galang có nhiệm vụ đào tạo những thầy cô người Việt để họ dạy Anh ngữ cho đồng hương của mình.

    Nhưng Gaylord Barr không chỉ dạy Anh ngữ mà còn tự nguyện tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống của người tỵ nạn, cách riêng trẻ em và những người kém may mắn, cô thế.

    Qua đó anh đã trở thành khuôn mặt được biết tới nhiều nhất, và được nhiều người tỵ nạn yêu mến nhất trong số những nhân viên thiện nguyện tại Galang.

    Với phía Nam Dương, Gaylord Barr trong khi có mối giao hảo tốt đẹp với Phòng Xã Hội Nam Dương thì lại không được cảnh sát Nam Dương dành nhiều cảm tình, vì chính anh vốn đã không có cảm tình với họ!


    * * *

    Gaylord Barr ra chào đời ngày 21/5/1947 tại tiểu bang Washington. Lớn lên tại thành phố Yakima thơ mộng, sau khi tốt nghiệp tại Yakima Valley Community College, năm 1967 anh gia nhập Peace Corps.

    Peace Corps là một tổ chức thiện nguyện độc lập do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, được thành lập năm 1961 dưới thời Tổng thống John F. Kennedy, mục đích chính là giúp đỡ những quốc gia kém phát triển qua việc đào tạo các chuyên viên giáo dục, y tế, nâng cao vị trí phụ nữ, phát triển cộng đồng, v.v... Vào thời gian cao điểm, năm 1966, Peace Corps có 15.556 nhân viên thiện nguyện phục vụ tại 52 quốc gia.

    Sau 4 năm dạy Anh ngữ tại Sefrou, Morocco, Gaylord trở về Hoa Kỳ để tiếp tục việc học. Sau khi lấy bằng Cử nhân Nhân văn (BA in Anthropology) và Cao học Giáo dục, năm 1980, Gaylord tình nguyện sang trại tỵ nạn Galang ở Nam Dương, và tiếp theo là trại Bataan ở Phi-luật-tân để dạy Anh ngữ cho các giáo viên người Việt.

    Trở về Hoa Kỳ, Gaylord Barr dạy Anh ngữ (ESL) tại Seattle Central University trong mấy năm trước khi trở lại với Peace Corps, lần này là dạy Anh ngữ tại Jeddah, Saudi Arabia, trong suốt 9 năm trời.

    Công việc sau cùng của Gaylord Barr là dạy Anh ngữ (ESL) tại Patrick Henry High School ở Roanoke, tiểu bang Virginia, từ năm 2004 cho tới ít lâu trước khi qua đời ngày 30 tháng 5 năm 2015, sau một thời gian ngắn bị phát hiện ung thư.

    Trong những ngày cuối đời, Gaylord Barr đã được nhiều bạn bè và học trò cũ từ khắp nơi trên thế giới thăm hỏi qua Facebook, hoặc tới thăm viếng, trong số đó có hai cựu giáo viên Anh ngữ gốc Việt do anh đào tạo.

    Theo ý nguyện của Gaylord - một người sống độc thân suốt đời - đã không có tang lễ hay bất cứ hình thức tưởng niệm nào; tro cốt của anh được chị và em gái đem về rải trên thung lũng Yakima, tiểu bang Washington, nơi anh đã sống tuổi thơ và thời niên thiếu trước khi bước chân vào đời.

    * * *

    Đôi dòng tưởng nhớ, dẫu chỉ quen biết, không dám tự nhân là bạn anh. R.I.P.


    Gaylord Barr và một nhân viên thiện nguyện Nam Dương (hình Gaylord Barr)

    Gaylord Barr trao chứng chỉ tốt nghiệp cho một học viên tại Galang (hình Gaylord Barr)

    Gaylord Barr tiễn một số học viên lên đường đi định cư (hình Gaylord Barr)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 01-17-2024, 08:10 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X