Thông báo

Collapse
No announcement yet.

ngọctự: những đốm lửa giữa đêm dài (3)

Collapse
X

ngọctự: những đốm lửa giữa đêm dài (3)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • ngọctự: những đốm lửa giữa đêm dài (3)

    (thoáng nhớ những năm tháng lưu đầy nhân ngày hội ngộ kỳ 5 bạn tù cải tạo các trại Long
    Giao, Yên Bái, Phong Quang_Lào Cai, Vĩnh Quang_Vĩnh Phú. California tháng 10/2016)


    (Tiếp theo kỳ 2)

    Ngày Tết Dương lịch năm 1981 được nghỉ ở nhà, không phải đi lao động, tôi quanh quẩn trò chuyện với người này người kia qua hết buổi sáng. Khi về chỗ của mình, tôi nằm thừ người và nhẩm tính rồi chợt nhớ ra đã là cái Tết thứ sáu xa nhà, thời gian cũng gần sáu năm. Cũng chỉ còn gần tháng nữa lại đến Tết ta. Đội văn nghệ bên cạnh đã bắt đầu tập dượt các tiết mục của chương trình mừng Xuân cùng với những chuẩn bị cho hoạt động tranh tài thể thao. Tôi nghĩ đến việc sẽ ra khu hội chợ mấy ngày Tết như năm ngoái để thong thả ngồi hút thuốc và ung dung uống chai bia Trúc Bạch, một chuyện thoải mái chỉ có mỗi năm một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Và giây phút đó mới cảm nhận đến tận cùng nỗi cô đơn khi nhớ về không khí gia đình, rồi miên man hồi tưởng những hình ảnh từng mùa Xuân cũ.

    Thế nhưng khoảng mười ngày sau Tết Dương lịch, một biến cố bất ngờ đã đảo lộn tất cả mọi thứ. Tôi thật bàng hoàng xúc động nơi buổi sáng hôm ấy, khi rất đông người trong toàn trại được gọi tên ra tập trung ngoài sân để được thả về, riêng đội chúng tôi có hơn mười người. Mấy năm ở đây, chỉ thấy duy nhất một hai người lẻ tẻ được về và đến khi đó là lần đầu tiên có số lượng nhiều đến thế. Mừng cho người về mà người ở lại cũng vô cùng ngẩn ngơ xao xuyến, dù biết rằng đã đến lúc chính quyền cộng sản giải quyết tình trạng giam giữ chúng tôi. Bịn rịn chia tay nhau và những lời chào chúc giã từ nghẹn ngào vì cảm động. Hẹn gặp nhau ở Sàigòn và ai cũng hứa sẽ đến thăm gia đình tôi thật sớm để báo tin.

    Không khí trầm lặng bao trùm mọi sinh hoạt thường nhật suốt những ngày sau đó. Tôi như vừa bị mất đi một cái gì rất thân tình quen thuộc gần gũi. Vào buổi tối, khi ánh điện yếu ớt được mở lên, nhìn từng chỗ sàn xi măng bỏ trống đây đó không còn người nằm, tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Buồn tênh và trống vắng quá.

    Vẫn chưa hết phân tâm và hoang mang xao xuyến thì ngay tuần lễ kế tiếp, lại có thêm một đợt về nữa và tôi ở trong số này cùng với cũng hơn mười người khác của đội. Lặng người trong nỗi òa vỡ rưng rưng, nơi giây phút ấy tôi run rẩy nắm chặt tay từ biệt từng người bạn vẫn còn phải ở lại, nước mắt ứa ra khi nhìn nhau mà không nói được lời nào.

    Khi ngồi ngoài khu văn phòng trại làm thủ tục, tôi biết vì không có đủ vé xe lửa cùng một lúc cho tất cả mọi người, nên trại đã phải chia thành từng đợt, cũng thật nhẹ nhõm thở phào. Rồi sau này đoán biết thêm, có lẽ chính quyền cộng sản đã ấn định mức án tù cho những người tù cải tạo chúng tôi bằng những mốc thời gian từ ba đến sáu, chín năm hay nhiều hơn là tùy theo cấp bậc, chức vụ và đơn vị, ngành chuyên môn phục vụ trước đây. Cũng vì sự giảm bớt một vài tháng khi tính toán sắp xếp cho từng đợt thả về, nên nhiều người rơi vào tình trạng không đủ thời gian tối thiểu ba năm, để hội đủ điều kiện đi định cư tại Hoa Kỳ, theo như chương trình H. O. đòi hỏi.

    Chúng tôi được trả lại các vật dụng cá nhân, đồng hồ đeo tay, nhẫn, dây chuyền, tiền bạc… và nhận thêm mỗi người một ít tiền trợ cấp đi đường cùng nắm cơm vắt.

    Khi đoàn xe Molotova chở chúng tôi bắt đầu chuyển bánh, tôi bùi ngùi ngoảnh nhìn lại lần cuối nơi chỗ dẫu sao cũng đã ghi dấu biết bao vui buồn quên nhớ đầy cảm xúc trong hơn hai năm trời.

    Trời nắng nhẹ và nhiều gió, mui xe mở toang hoàn toàn để trống, không phủ bạt kín mít như những lần chuyển trại. Tôi hân hoan hít thở căng lồng ngực đang phơi phới niềm vui giữa khung trời tự do lồng lộng. Khuôn mặt anh em chung quanh ai nấy đều rạng rỡ tươi cười sung sướng trong nỗi hân hoan mừng vui.

    Khi đoàn xe dừng để nghỉ tại quán nước nhỏ ven đường một khu dân cư, tôi vô cùng ngạc nhiên đến ngỡ ngàng vì vừa bước vào đã nghe thấy bài Diễm xưa qua tiếng hát Khánh Ly đang phát ra từ cái máy cassette cũ nơi góc nhà, chắc hẳn trong Sàigòn đem ra. Ông bạn Nguyễn Bá Thuận ở chung đội, vốn gốc Biệt Động Quân và xuất thân khóa 2 trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, như thể một trượng phu vừa được đánh thức khỏi cơn ngủ mê, đã cùng tôi hào hứng chia nhau uống hết cút rượu trắng địa phương, không biết chưng cất bằng thứ gì mà chua ngoét. Chút lát sau, chẳng hiểu do thấm men hay như để giải tỏa ẩn ức bị dồn nén từ bấy lâu, ông bạn tôi lên tiếng nói năng huyên thuyên đủ thứ chuyện, giọng điệu rất mạnh bạo, chẳng cần kiêng dè gì cả, tôi phải nhắc chừng kìm bớt lại.

    (Khi sang Hoa Kỳ, Nguyễn Bá Thuận viết văn với bút hiệu Thảo Nguyên, là tác giả quyển truyện Qua đồi trinh nữ nói về đời lính Biệt Động Quân một thời chiến trận, rất được người đọc đón nhận).

    Lúc qua bên kia bờ sông Hồng chỗ Chèm thì trời cũng về chiều, nắng nhạt dần và đoàn xe đi thêm một đoạn đường nữa rồi ngừng lại ở một bãi cỏ vùng ven đê Yên Phụ gần Nghi Tàm, ngoại thành Hànội. Viên cán bộ phụ trách hướng dẫn thành thật nói rằng cũng muốn đưa chúng tôi đi quanh một vòng thăm thành phố, nhưng ngồi trên xe Molotova trông không được đàng hoàng. Vả lại chúng tôi cũng nhếch nhác quá, cho nên đợi tối trời một chút mới vào nội ô rồi sẽ ra ga Hàng Cỏ.

    Chúng tôi ngồi nghỉ ở đó khoảng gần một giờ đồng hồ và tôi cố ăn nốt miếng cơm vắt, phần cơm tù cuối cùng còn lại trên đường về với gia đình.

    Nắng tắt hẳn, trời bắt đầu tối dần, đoàn xe ba chiếc nối đuôi nhau chầm chậm đi vào Hànội vừa lên đèn. Bầy ra trước mắt tôi dưới ánh điện vàng vọt là một khung cảnh cũ kỹ nghèo nàn và xô bồ. Chẳng thấy không khí rộn rã đón Tết dù đã qua rằm tháng Chạp, tuy đường phố cũng khá đông người qua lại. Xe chạy lướt qua những khu phố xa lạ, từng ngã tư đường, chợ Đồng Xuân, một công viên ven hồ nào đó. Thành phố đầy những bộ áo quần bộ đội và công nhân, lác đác một vài tà áo cánh vải hoa lẻ loi giữa thật nhiều mầu kaki Nam Định nâu xanh trên những chiếc xe đạp phóng nhanh vội vàng. Những căn nhà mặt phố với bờ tường gạch loang lổ, hàng hóa bầy biện lộn xộn trước cửa.Tôi như bị lẫn lộn trong ký ức, giữa hình ảnh một Hànội thanh lịch ngày tháng nào, còn chập chờn thoáng qua nơi những trang tiểu thuyết và từng đoạn phim tài liệu về một Hànội ngơ ngác tiêu điều sau 1954, khi người cộng sản đã tiếp thu thành phố. Trong trực cảm thoáng qua, tôi cũng không nhận ra một Hànội gần gũi nơi trí nhớ của cậu bé con lên bẩy là tôi, được người chị lớn dẫn đi chơi khắp đây đó, ở thời đoạn sau Hiệp định Geneve tháng 7/1954, khi cả nhà tôi từ Phát Diệm lên đây chầu chực chờ đợi hàng tháng trời để tới lượt lên máy bay di cư vào Nam.

    Tại ga Hàng Cỏ, chúng tôi được phát vé lên tầu và những lờì dặn dò về chuyến đi. Gửi bạn trông chừng dùm đồ đạc, tôi cùng một hai người nữa thả bộ loanh quanh gần đó. Bụng thấy đói, rủ nhau vào một tiệm phở có lèo tèo dăm ba người khách, nhưng rồi phải nhai trệu trạo nuốt cho hết tô phở nhạt nhẽo không mấy ngon miệng.

    Quay trở lại khu vực chờ đợi tại nhà ga, chúng tôi có cuộc gặp gỡ chẳng thể nào ngờ. Không biết từ đâu, sáu bẩy người xa lạ xúm lại vây quanh bọn tôi và ân cần hỏi han tíu tít đủ thứ chuyện như đã thân quen. Nghe giọng nói miền Bắc của tôi khi trả lời, họ rất sửng sốt vì dường như không biết gì về cuộc di cư năm 1954. Một người vồn vã nắm lấy cánh tay tôi mà lắc mạnh mừng rỡ. Tuy cũng cảnh giác nhưng tôi nhìn thấy cử chỉ, ánh mắt chân thành và cả sự tò mò nơi họ. Có lẽ thành phố đã rất xôn xao bàn tán ở từng đợt ra trại đông đảo và liên tiếp của anh em tù cải tạo chúng tôi trong những ngày này. Nhớ lại trước đây, lúc gặp mặt gia đình khi thăm nuôi, đã nghe kể về dư luận bên ngoài, cũng như một lần đi đắp đường ngoài xã Đạo Trù gần trại, được tiếp xúc ít nhiều với dân chúng địa phương, tôi tin chắc rằng theo thời gian, thái độ của người dân miền Bắc nhìn anh em chúng tôi thay đổi nhiều rồi, hiểu biết hơn và không còn thành kiến kiểu cực đoan quá khích vì bị tuyên truyền căm thù như hồi đầu chúng tôi mới ra đất Bắc.

    Mấy tay con buôn tiến đến gạ chuyện hỏi mua các thứ món đồ dùng như chăn màn quần áo, ga men, bi đông… quân đội mà có người còn mang về theo, bất kể cũ mới. Tôi đâu biết họ sẽ tiêu thụ những thứ này như thế nào, nhưng riêng tôi, thanh toán được cái mùng cá nhân và tấm chăn dù mấy năm không giặt giũ, đã định vứt đi mà chưa biết phải làm sao, bỗng dưng có cách giải quyết lại thêm được tí tiền tiêu pha dọc đường thì quá tốt rồi. Hơi áy náy, tôi đưa cả bộ quần áo tương đối còn khá mới, nhưng nặng mùi ẩm mốc vì để trong túi đựng đồ đạc không mặc đến từ lâu. Cũng nhẹ hẳn cái túi đeo vai, chỉ còn lại vài thứ vặt vãnh đem về làm kỷ niệm.

    Chuyến tầu kéo còi khởi hành lúc gần nửa đêm, qua khung cửa toa tầu, nhìn những khuôn mặt không quen biết còn đứng dưới sân ga đang tươi cười đang giơ tay vẫy chào, bất giác tôi mỉm cười vu vơ và thấy thật nhẹ nhõm như vừa trút bỏ được một điều nặng nề vô hình nào đó từng dai dẳng đeo bám.

    Thôi chào nhé và chẳng hò hẹn gì ngày quay trở lại nơi này và những năm tháng đã qua. Tôi chập chờn trong giấc ngủ giữa âm thanh đều đặn của nhịp bánh xe nghiến xuống đường ray. Thoảng chốc có tiếng ai đó nhắc đến từng cái tên ga xép… Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình… mơ hồ quen thuộc lắm nhưng rồi cũng vụt qua rất nhanh theo tốc độ đoàn tầu.

    Đến khoảng nửa đêm của ngày tiếp theo trên hành trình, còn đang mơ màng vật vờ, tôi đã tỉnh hẳn người khi nghe anh bạn ngồi bên cạnh nói rằng đang qua sông Bến Hải. Không ai bảo ai, tự nhiên chúng tôi cùng đứng lên nhìn ra ngoài, nghẹn ngào và xúc động quá. Sắp tới phần đất quê nhà thân yêu rồi đây và chúng tôi đang trên đường trở về thực sự. Từ bên trong ánh điện mờ nhạt của khoang tầu, nhìn qua ô cửa kính, dòng sông ngăn cách đôi bờ đất nước ngày nào lặng lẽ và im lìm ẩn hiện trong màn đêm rồi cũng khuất dần.

    Lúc vào ga Huế, có lẽ cũng còn khuya lắm, được thông báo là tầu sẽ dừng chừng một tiếng đồng hồ, tôi khoan khoái xuống xe và tìm đến dẫy hàng cơm gánh phía trong ăn một đĩa cơm vô cùng ngon miệng. Ơi Huế thơ mộng bên ngoài kia của một thời tuổi trẻ giang hồ vặt, vẫn đang chìm trong giấc ngủ, sao thật gần mà cũng như trở thành xa cách lắm rồi. Bỗng dưng tôi thấy bùi ngùi xốn xang quá.

    May nhờ có được ít tiền mà việc tiêu pha ăn uống dọc đường về của tôi khá thoải mái, không đến nỗi phải bận tâm. Và cũng là dịp để biết thêm nhiều món ăn địa phương, từ cháo cá Lăng Cô khi tầu dừng để chuẩn bị lên đèo Hải Vân, kẹo mè xửng Đà nẵng…cho đến gà luộc nguyên con ở ga Quảng Ngãi.

    Đến ga Diêu Trì, biết được tầu cũng còn ở lại cả tiếng đồng hồ nữa, tôi vào khu vực nhà vệ sinh, cởi nhanh quần áo ngoài rồi xối lên người những ca nước mát lạnh để cho trôi đi mọi nhọc mệt và nặng nề của thân xác cũng như tinh thần. Thật khỏe khoắn đầy sảng khoái, tôi quay về toa và khi tầu tiếp tục chạy được một lúc là tôi ngủ thiếp đi ngon lành.

    Và rồi, khoảng cách lùi dần về phía sau để thật gần thêm nữa khi nhìn thấy những tên ga Long Khánh, Dầu Giây, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Dĩ An, Thủ Đức và… Bình Triệu.

    Tôi bắt đầu nôn nao bồn chồn và như đang nghẹn đi trong nỗi vui lâng lâng khó tả. Hồi hộp làm sao khi tưởng tượng đến nét mặt của từng người thân yêu ở giây phút trùng phùng sắp đến. Vợ con đang tá túc bên nhà ngoại ở cư xá kiến thiết gần ngã ba Hàng Sanh ngay bên kia cầu, chỉ còn một đoạn đường ngắn ngủi nữa thôi.

    Tôi xuống tại ga Bình Triệu và nhẩy lên ngồi sau lưng một ông xe ôm. Tai ù đi, tôi không còn nghe rõ được những lời thăm hỏi gì đó khi người lái xe bắt đầu rồ máy và sang số chạy đi. Xuống khỏi dốc cầu, con đường dài hút vắng lặng trong đêm thật tĩnh mịch và chừng như tôi cảm nhận được nhịp tim mình bắt đầu đập rộn ràng hơn lên.

    Xe dừng ngoài mặt đường của con hẻm. Từng bước chân tôi run run sải vội dưới ánh điện vàng vọt giữa ngõ khuya không một bóng người. Căn nhà ngay đầu dẫy có cánh cổng tôn mầu xám và vuông sân nhỏ cùng giàn hoa giấy quen thuộc đây rồi. Tôi lặng người cố ngăn giọt nước mắt đang ứa ra làm nhòe đi mọi thứ chung quanh. Chốn cũ bình yên ngay trước mặt mà sao vẫn ngỡ như đang trong cơn mơ. Nơi góc sân sát bờ tường nhà phía trong, bố vợ tôi đang đứng tập Dịch cân kinh. Hai cánh tay ông khoan thai chậm rãi đưa lên đưa xuống đều đặn. Tôi cố trấn tĩnh lên tiếng khẽ gọi, ông dừng tay và nhìn ra rồi bỗng dưng quay người bước lên bậc thềm lẳng lặng mở cửa đi vào nhà. Chẳng lẽ ông không trông thấy tôi trong khoảng tối bên ngoài. Chừng như cả nhà đã đi ngủ. Tôi nhớ ra hôm nay là hai mươi ba tháng chạp, ngày ông Táo về Trời. Có một cơn gió nhẹ phảng phất thoảng qua đâu đó mùi nhang trầm ấm áp dễ chịu.

    Tôi đi men theo bờ tường gạch vòng ra phía căn phòng nhỏ đằng sau, chỗ ở của vợ con và cất tiếng gọi nhỏ. Cũng vẫn im ắng. Tôi trở lại đằng trước gõ nhẹ vào cánh cổng và lên tiếng gọi tên một cậu em. Trong nhà nghe có tiếng người lao xao rồi cánh cửa sổ được mở hé ra và đèn sân bật sáng. Thế rồi tất cả òa vỡ trong nỗi vui mừng khôn xiết vì mấy đứa em đã nhận ra ông anh đang đứng bên ngoài cánh cổng.

    Cả nhà thức dậy vây quanh lấy người về còn đang bàng hoàng ngơ ngác vẫn cứ đứng chết lặng giữa phòng khách. Mãi rồi mới lấy lại được tự nhiên để trò chuyện với mọi người.Tôi vòng tay ôm thật chặt bờ vai yêu dấu rồi quàng lấy cậu con trai và cô con gái, đang rụt rè khép nép đứng ngay bên cạnh mẹ. Ngày tôi đi đứa đầu còn thơ dại, đứa sau vẫn phải bế ngửa. Bố vợ tôi nói có nghe tiếng tôi gọi, nhưng trong một khoảnh khắc nhìn ra bóng đêm, tự dưng ông cảm thấy tiếng gọi sao thật mơ hồ như từ đâu vọng về chứ không phải ngay trước cổng nhà nên thất thần bỏ vội vào trong là vì thế.

    Liên tiếp nhiều ngày liền ở tuần lễ trước đó, các bạn tôi về đợt trước đã tìm đến thăm hỏi và báo tin tôi bình an khỏe mạnh ngoài trại. Cả nhà bỗng đâm ra hoang mang lo lắng khi không thấy tôi được về như họ và bị ám ảnh ngay một điều thật xấu gì đó có thể đã xẩy ra cho tôi mà mọi người muốn dấu không nói. Sự trở về của tôi khi năm cùng tháng tận cận kề là cả một bất ngờ và chẳng một ai trong gia đình dám nghĩ tới.

    Lại có một trắng đêm của thổn thức và hạnh phúc ngập tràn với gia đình nhỏ thương yêu của tôi ở buổi tương phùng.

    Sáng hôm sau tôi đạp xe đưa vợ con đến sở làm, đến trường mẫu giáo rồi về bên nhà bố mẹ. Bố tôi đang ngồi uống trà và đọc báo ở nhà ngoài. Tôi bước vào và cất tiếng chào, ông sững sờ nhìn lên và buông rơi tờ báo. Xúc động mất một lúc, ông mới nở nụ cười tươi vui rồi hỏi han tôi về sức khỏe và những tháng năm lao tù khổ nhọc. Ông bảo lúc tôi bị đưa ra Bắc, lên tận Yên Bái rồi Lào Cai thì từ trong thâm tâm, ông đã thoáng nghĩ rằng tôi sẽ không có ngày về, hoặc nếu về, chắc cũng thân tàn ma dại mà thôi.

    Mẹ tôi còn ở ngoài chợ, tôi nôn nóng vội đi tìm bà ngay sau đó. Một người hàng xóm tốt bụng đã mau mắn cất công ra tìm mẹ tôi ngoài chợ để báo tin tôi về. Chưa qua hết khúc quanh gần nhà, đã thấy mẹ tôi đang tất tả bước chân như chạy từ đằng xa. Bà buông giỏ xách đựng mấy bó rau, gói thịt cá rơi xuống đất, nắm chặt lấy hai tay tôi mà òa lên khóc trong mừng vui nghẹn ngào. Rồi thật tự nhiên bà hỏi tôi sao mà đi biền biệt mãi bây giờ mới về.Tôi đứng lặng người, nước mắt ứa ra làm nhòe cả hai bên kính.

    Đấy là lần đầu tiên tôi xa gia đình, xa những người thân yêu trong một thời gian dài lâu đến vậy, và để lại cho mọi người bao nhiêu thương nhớ lo âu. Tôi bỗng thấy mình như đã lỗi lầm tệ bạc quá, nhưng đâu biết làm thế nào giữa hoàn cảnh đau thương chung của đất nước, nào của riêng tôi và gia đình.

    Bên cạnh nỗi nhọc nhằn, tháng ngày đằng đẵng ấy trôi qua với thật nhiều những yêu thương, buồn vui, những khuôn mặt thân quen_ từng kỷ niệm ghi nhớ ở mỗi một khung cảnh nơi chỗ, _ trải dài suốt những chặng đường lưu đầy thương khó. Tất cả như những đốm lửa nhỏ nhoi, đã gần gũi vỗ về và lặng thầm đồng hành, soi rọi dẫn đưa tôi đi qua hết đêm dài mỏi mệt tưởng chừng vô vọng, để trở về vây quanh chiếu ngồi thương yêu.

    Và chân dung thời đoạn này cũng đã được cất giữ trong ký ức, bên cạnh bao điều nhớ quên khác, để sẽ còn mãi đi cùng năm tháng cho đến cuối đời tôi.

    Houston tháng 12/2016.
    ngọctự.


    Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-18-2021, 02:19 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X