Thông báo

Collapse
No announcement yet.

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 11)

Collapse
X

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 11)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 11)



    CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 11)


    Hồi ký
    NGUYỄN HỮU THIỆN


    (tiếp theo kỳ 10)

    CHƯƠNG 6 – Suối Máu & Tống Lê Chân (tt)

    Sau đợt thăm nuôi tháng 10/1978, có tin đồn lan truyền giữa các K nói rằng tù cải tạo ở Suối Máu sắp được “bò xanh” (quân đội nhân dân) bàn giao cho “bò vàng” (công an nhân dân), vì CSVN đang gom quân để chuẩn bị xâm lược Căm-bốt. Mấy ngày sau, tin đồn này đã được “thầy Trọn” xác nhận.

    Thầy Trọn là một nhân vật đặc biệt ở cùng đội nhưng khác nhà với tôi.

    Anh là một cựu đại úy tuyên úy Phật giáo trong QLVNCH đã hoàn tục sau khi cộng sản chiếm miền Nam, tuy nhiên đa số anh em vẫn gọi anh là “thầy Trọn” - thân mật pha chút đùa vui, tuyệt nhiên không có ý châm chọc.

    Theo lời anh em ở cùng nhà với thầy Trọn kể lại với tôi, anh nguyên là một trong những vị đại đức thuộc giáo hội Phật Giáo Ấn Quang phục vụ tại Nha Tuyên Úy Phật Giáo. (1)

    Sau ngày 30/4/1975 anh trở về ngôi chùa ở quê cũ nơi anh xuất gia trước kia thì thấy có tới một phần ba chúng tăng là cán bộ cộng sản nằm vùng đội lốt thầy tu, chán nản anh quay về Sài Gòn, hoàn tục và... chuẩn bị lấy vợ!

    Nhưng do “tai mắt của nhân dân” (đám “30 tháng Tư”), anh bị bại lộ tông tích và bị bắt đi học tập cải tạo. Từ khi tới Suối Máu, anh được sung vào tổ chăn nuôi.

    Ở trại tù cải tạo nào cũng vậy, tổ chăn nuôi là “nhàn” nhất cho nên tổ trưởng thường là một ông sĩ quan già chăm chỉ, được “cách mạng” tin tưởng, và đa số tổ viên là những người được ông ta chọn.

    Tôi không biết thầy Trọn được ông tổ trưởng chấm vì những điểm gì, chỉ biết về diện mạo anh trắng trẻo như một công tử miệt vườn, tính tình vui vẻ, thật thà, dễ mến. Đặc biệt, tuy đã hoàn tục nhưng thầy Trọn vẫn tiếp tục ăn chay.

    Ăn chay nhưng lại làm... đổ tể!

    Xin được kể đầu đuôi như sau: trong tổ chăn nuôi, thầy Trọn đặc trách toán nuôi heo, và tỏ ra mát tay nên rất có điểm với tay cán bộ hậu cần. Mỗi khi ban chỉ huy trại cho mổ lợn để “bồi dưỡng”, thầy Trọn lại tình nguyện đảm trách công việc hóa kiếp con vật vắn số - từ thọc huyết, cho tới làm lông, mổ bụng... - để lấy công làm lời, vài miếng thịt mỡ, ít lòng đem về cho anh em trong tổ, còn “thầy” không hề đụng đũa.

    Khi bị anh em đùa vui, châm chọc “thầy chùa biến thành đồ tể”, thầy Trọn giải thích: con heo đó tới số, mình không giết cũng có kẻ khác giết, hơn nữa, điều quan trọng là phải biết cách thọc huyết sao cho nó chết thật nhanh, không kéo dài sự đau đớn.

    Với tôi, câu chuyện mà mọi người cho là khôi hài ấy lại ấm lòng, và dưới mắt tôi, ông thầy chùa “phá giới” này quả thật đã đắc ngộ, hơn hẳn nhiều vị mang danh cao tăng mà vẫn còn mang nặng sân si...


    * * *

    Theo lời thầy Trọn thuật lại, từ mấy ngày trước, có một toán sĩ quan cấp tá và cấp úy trong ngành công an tới Suối Máu gặp gỡ đám bò xanh trong ban chỉ huy trại, sau đó đám tài vụ, hậu cần tới nhận hồ sơ, sổ sách, kiểm kê tài sản, lương thực thực phẩm tồn kho để chuẩn bị nhận bàn giao. Mọi việc diễn ra một cách hết sức bất ngờ và gấp rút, đám bò xanh chỉ kịp cho làm thịt một con heo trước khi đám bò vàng tới kiểm kê!...

    Từ khi có tin bò xanh sẽ bàn giao tù cải tạo cho bò vàng, chúng tôi thấp thỏm chờ đợi, trong lòng không khỏi lo âu vì ai cũng biết công an là công cụ đàn áp trong các chế độ cộng sản, cho nên người ta mới gọi cộng sản là “chế độ công an trị”!

    Trước mắt, chúng tôi chờ được xem mặt mũi và nghe các tay cai tù mới nói năng những gì trong buổi bàn giao; nhưng đợi mãi cũng chẳng thấy gì diễn ra, cho tới một buổi sáng nọ, khi một bầy bò vàng mở khóa cổng tiến vào K2 chúng tôi mới biết mình đã nằm dưới quyền sinh sát của công an!

    Có ba bốn tay đeo súng K54 bên hông mà chúng tôi đoán là “cán bộ” được hộ tống bởi một tiểu đội công an trang bị súng trường CKC báng đỏ có gắn lưỡi lê sáng loáng. Nhận xét đầu tiên của tôi là đám bò vàng đa số trắng trẻo sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, và có quy củ hơn đám bò xanh.

    Rồi tất các đội trưởng, nhà trưởng được lệnh lên hội trường “làm việc”, còn tù cải tạo trừ các tổ tăng gia, chăn nuôi, anh nuôi (nhà bếp), tất cả được miễn mọi công tác thường lệ. Có nghĩa là đám tù cải tạo “phó thường dân” chúng tôi không bị nhốt trong nhà để nghe cán bộ lên lớp và nghe đọc sách báo cách mạng!

    Khoảng một tiếng đồng hồ sau, các nhà trưởng về tập họp anh em trong nhà lại để truyền đạt những gì vừa được cán bộ nói chuyện trên hội trường, gồm những điểm chính sau đây:

    - Từ nay, tù cải tạo ở Suối Máu được đặt dưới sự cai quản của Cục Trại Giam, trực thuộc Bộ Nội Vụ (ngày đó ngành công an còn thuộc Bộ Nội Vụ chứ chưa trở thành một bộ riêng biệt).

    - Đại diện của Cục Trại Giam tại Suối Máu là Ban giám thị gồm các “cán bộ” chứ không phải “quản giáo”.

    - Tù cải tạo phải chấp hành chính sách, tuân thủ kỷ luật của Cục Trại Giam. Cụ thể, khi thấy một cán bộ hoặc chiến sĩ công an cách 6 mét thì phải nói “Chào anh”. Khi có việc phải quan hệ với cán bộ hoặc chiến sĩ công an, phải đứng cách xa 3 mét, v.v...

    - Mọi sinh hoạt trong trại tạm thời vẫn tiếp tục như cũ, riêng việc nghe đọc sách báo cách mạng hàng ngày được bãi bỏ; Ban giám thị trại sẽ cử người phục vụ nhu cầu thông tin của cả trại qua hệ thống loa phóng thanh toàn trại...

    Mấy ngày sau tù cải tạo K2 chúng tôi mới được biết mặt viên “thủ trưởng” - Trung tá công an Đào Lưỡng - và nghe ông ta nói chuyện tại hội trường.

    (Trong các bài viết về Suối Máu, có tác giả ghi cấp bậc của Đào Lưỡng là thiếu tá, có người lại ghi là thượng tá, riêng tôi nhớ là trung tá)

    Một cách chính xác, chức vụ của Đào Lưỡng là Giám thị trưởng nhà giam Chí Hòa kiêm Giám thị trưởng trại giam Suối Máu.

    Đào Lưỡng là người gốc miền Trung nhưng giọng nói giống dân Nam kỳ nhiều hơn; ông ta khá cao ráo, mặt mũi cũng không đến nỗi “ruộng” như những tay thủ trưởng bò xanh, và sau khi nghe ông ta nói chuyện, chúng tôi biết ông ta là một người tương đối có học chứ không phải dân i tờ.

    Trong phần tự giới thiệu bản thân, Đào Lưỡng cho biết ông ta là dân tập kết, phục vụ lâu năm trong ngành quản lý trại giam thuộc Bộ Nội Vụ; trong một lúc cao hứng, ông ta đã hãnh diện tự khoe “Tui là goang dăng (quan văn) à”.

    Cuộc nói chuyện của Đào Lưỡng vừa thu hút vừa... gây chấn động. Thu hút vì ông ta ăn nói khá lưu loát và có vẻ cởi mở, gây chấn động vì ông ta nói ra những gì chúng tôi chưa từng được nghe thốt ra từ miệng một tay cán bộ của chế độ mới.

    Đại khái Đào Lưỡng nói mặc dù chúng tôi được gọi là các “trại viên cải tạo”, trên thực tế một khi đã thuộc quyền quản lý của Cục trại giam, chúng tôi là những “tù nhân” không hơn không kém.

    Theo Đào Lưỡng, “cải tạo” thực ra chỉ là một mỹ từ chứ không bao giờ họ (người cộng sản) tin rằng có thể cải tạo được tư tưởng của chúng tôi. Không thể cải tạo nhưng cũng không thể giết thì phải nhốt lại, khi nào tình hình ổn định sẽ thả.

    Tôi còn nhớ ông ta nói nguyên văn:

    “Hiện nay, tình hình biên giới Tây Nam và phía Bắc đều có vấn đề, thả các anh ra, chúng tôi không thể yên tâm. Vậy các anh cứ ở lại trong trại, khi nào tình hình ổn định thì chúng tôi sẽ thả các anh về. Chúng tôi biết hiện nay trong đầu các anh vẫn chống đối chế độ mới chứ...”

    Nói tới đây, ông ta hướng về phía tù cải tạo cấp tá (ở K2, mỗi khi tập họp trên hội trường, các đội cấp tá ngồi một bên, cấp đại úy trở xuống ngồi một bên):

    “Chúng tôi biết các anh đại tá trung tá thiếu tá đa số cũng có tuổi rồi, ai cũng chỉ mong được về xum họp đoàn tụ với gia đình, an phận sống nốt tuổi già, nhưng còn các anh (ông ta chỉ tay về phía chúng tôi): nào là đại úy, trung úy, nào là nhảy dù, biệt kích, đại đội trưởng... toàn thứ dữ không à, các anh còn hăng lắm, thả ra thế nào cũng có anh vào rừng tụ tập chống phá cách mạng, nhưng trước mắt tôi khuyên các anh đừng dại dột tìm cách trốn trại, cứ ở lại trong trại, làm gì cũng được miễn đừng trốn trại, bởi nếu các anh ra khỏi hàng rào là sẽ bị bắn ngay...”

    Qua buổi nói chuyện của Đào Lưỡng, nghiệm lại những gì đã xảy ra trong hơn 3 năm “học tập cải tạo”, tôi thấy ít nhất ông ta đã thẳng thắn nhìn nhận hai thực tế:

    (1) Cộng sản không thể cải tạo tư tưởng các sĩ quan QLVNCH bị bắt đi “học tập cải tạo”. Tuy cũng có những người tỏ ra “tiến bộ” hết mình, thậm chí làm ăng-ten, nhưng thực ra chỉ là nín thở qua sông, hoặc “gặp thời thế thế thời phải thế” mà thôi.

    Thí dụ điển hình là trường hợp Tư răng vàng, tay thiếu úy già tổ trưởng tăng gia dễ ghét của T2 từ Đồng Ban lên tới Phước Long mà tôi đã tới nhắc trong một chương trước: gần 20 năm sau người ta thấy ông ta xuất hiện trong một cuộc biểu tình chống cộng tại Hoa Kỳ với lá cờ vàng ba sọc đỏ trên tay, miệng hô “Đả đảo cộng sản” lớn tiếng hơn ai hết. Cũng cần viết thêm, Tư răng vàng ở tù cải tạo chưa đủ 3 năm thì dứt khoát ông ta là dân vượt biên chứ không phải đi Mỹ theo diện HO.

    (2) Mục đích chính của CSVN khi đưa hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH vào các trại tập trung là để cô lập họ chứ không hề có một chính sách rõ rệt. Vì thế, ngoài một số nhân vật tên tuổi, các vị tướng lãnh nổi tiếng hay các cấp chỉ huy “có nhiều nợ máu với cách mạng” bị chế độ mới đưa vào sổ bìa đen, tất cả mọi thành phần cải tạo còn lại đều do... hên xui may rủi mà được ở những trại dễ thở hay hắc ám, được về sớm hay bóc lịch mệt nghỉ!

    Bằng chứng là vào đầu năm 1978 tại Phước Long, trong đợt thả tù đầu tiên, cùng với khoảng 1/3 trung úy, thiếu úy ở L2 (Bù Gia Phúc) đã có hàng trăm thiếu tá ở Bù Gia Mập đã được thả sau hơn 2 năm “học tập cải tạo”!


    * * *

    Những gì xảy sau đó cho thấy Đào Lưỡng đã giữ lời.

    * Ra khỏi hàng rào sẽ bị bắn ngay:

    Khoảng mấy tuần sau khi bò xanh bàn giao tù cải tạo cho bò vàng, vào một đêm nọ, mọi người đang ngủ say thì nghe tiếng súng nổ. Lúc đầu là mấy tràng đại liên từ vọng gác và sau đó là tiếng súng nhỏ.

    Qua ngày hôm sau, loa phóng thanh trong trại thông báo trung úy Nguyễn Khoa Bông, K1 (có người viết là K5), vượt rào trốn trại bị phát giác và bị bắn chết. (Theo một tác giả viết về trại tù Suối Máu thì “theo một vài anh em nhận xét vết đạn và tư thế khi bị bắn chết, thì Nguyễn Khoa Bông bị bắn chết sau khi bị bắt lại chứ không phải khi đang chạy trốn").

    * Cứ ở lại trong trại, làm gì cũng được:

    Ngay sau khi được bàn giao cho công an, tù cải tạo ở Suối Máu không còn phải ngày ngày nghe đọc sách báo cách mạng nữa, chỉ thỉnh thoảng mới bị tập họp trong nhà để nghe tay cán bộ nói chuyện vớ vẩn khoảng 15, 30 phút. Thời giờ còn lại muốn làm gì thì làm!

    Lúc đầu, anh em tù cải tạo còn e dè, rồi dần dần yên tâm hơn, và cuối cùng xả láng, đội này đi qua đội khác một cách thoải mái, tụ tập đàn hát nhạc vàng, nhạc ngoại quốc công khai, kể chuyện “đánh giặc” trước 1975, phát ngôn linh tinh... như chỗ không người.

    Đồng thời, tù cải tạo ở các K sát cạnh nhau, người bên này kẻ bên kia hàng rào nói chuyện với nhau thoải mái. Về sau, còn có người gỡ chân hàng rào kẽm gai chui qua K kế cận gặp gỡ bạn bè, thu thập, trao đổi tin tức...

    Nhờ đó, tôi được anh em cho biết trong nhóm bị đưa từ Thành Ông Năm (Hốc Môn) về K1 trước đó mấy tháng có cả Phan Lạc Giang Đông. Rất tiếc chưa kịp liên lạc với nhau thì đã xảy ra vụ nổi loạn đêm Giáng Sinh (tôi sẽ thuật lại ở một phần sau).

    * * *

    Ngay từ những ngày đầu ở Suối Máu, khi ra ngồi chơi trước thềm hội trường, tôi đã chú ý tới tiếng máy bay phản lực ở hướng bắc và thỉnh thoảng thấy mấy chiếc F-5, MiG-21 thấp thoáng sau dãy nhà của Ban chỉ huy.

    Sau khi bộ đội bàn giao cho công an, được tự do, thoái mái, tôi thường trèo lên cây trứng cá bên cạnh hội trường quan sát. Cây trứng cá khá lớn, cao hơn 3 mét, nhờ đó tôi có thể thấy nhà thờ giáo xứ Phúc Hải ở hướng bắc và phi trường Biên Hòa ở hướng tây bắc.

    Nói là “thấy” phi trường Biên Hòa nhưng thực ra chỉ thấy cái bồn nước (château d’eau) đối diện cổng chính của phi trường. Người dân xứ bưởi có lẽ không ai là không biết cái bồn nước này; có người còn ra vẻ hiểu biết, giải thích rằng người Mỹ cho xây bồn nước vĩ đại này với mục đích chính là đặt đài quan sát ở trên nóc để khám phá ra vị trí đặt súng của Việt Cộng mỗi khi chúng pháo kích phi trường và Bộ tư lệnh Quân Đoàn III.

    (Theo các con số của phía Hoa Kỳ, Biên Hòa không chỉ là căn cứ không quân lớn nhất Đông Dương trong cuộc chiến Việt Nam mà còn là phi trường bị lãnh pháo kích nhiều nhất)


    Bồn nước trước cổng phi trường Biên Hòa


    Lấy bồn nước làm chuẩn, tôi có thể mường tượng ra vị trí các cơ sở chính yếu trong căn cứ và phi đạo Biên Hòa. Trục đáp và cất cánh của phi đạo gần như song song với Quốc lộ 1 cho nên thỉnh thoảng tôi lại được nhìn những chiếc phản lực F-5, MiG-21 bay phía trên giáo xứ Phúc Hải sau khi cất cánh.

    Mỗi lần thấy F-5 lòng tôi lại chùng xuống. Cũng căn cứ không quân Biên Hòa, cũng những “Chiến sĩ Tự do” (Freedom Fighter, tên gọi của F-5) nhưng ngồi trên buồng lái giờ đây lại là phi công cộng sản Bắc Việt!



    Phản lực cơ siêu thanh F-5A “Freedom Fighter” của KQVNCH trước 1975


    Ngoài tiếng F-5 và MiG-21 cất cánh, thỉnh thoảng tôi còn nghe được tiếng động cơ phản lực gầm rú từ phía phi trường, và nhận ra đó chính là tiếng thử động cơ từ giàn thử (Test Cell). Như vậy, ngày ấy khi đốt căn cứ không quân Biên Hòa trước khi di tản về Tân Sơn Nhất, đơn vị tôi đã không phá hủy Test Cell!

    Tôi còn nhớ hôm đó là ngày Thứ Hai, 28/4/1975. Sau khi tất cả các loại phi cơ ở CCKQ Biên Hòa lần lượt di tản về Tân Sơn Nhất và Cần Thơ trong những ngày trước đó, tới trưa 28, Bộ tư lệnh KQ đã ra lệnh di tản hàng ngàn quân nhân còn ở Biên Hòa về Tân Sơn Nhất, và trước khi rời căn cứ, phải đốt sạch, không để một thứ gì địch có thể sử dụng...

    Nhưng sau ngày 30/4/1975, một số anh em KQ bị cộng sản bắt vào dọn dẹp phi trường Biên Hòa cho tôi biết khá nhiều cơ sở ở khu Đông (East Ramp) do người Mỹ bàn giao vẫn còn nguyên, trong đó có Test Cell.

    Lúc đó tôi bán tín bán nghi, bởi Test Cell là bộ phận quan trọng hàng đầu của Đoàn Động Cơ Phản Lực, nếu bị phá hủy địch sẽ không còn phương tiện để test các động cơ được tổng kiểm (overhaul), vì thế khi nhận được lệnh phá hủy các cơ sở trước khi di tản, ông Thiếu tá Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Động Lực - gồm hai Đoàn Động Cơ Phản Lực và Động Cơ Nổ - phải nghĩ tới việc phá hủy Test Cell chứ!

    Nhưng nay nghe tiếng thử động cơ từ phi trường, tôi biết chắc chắn Test Cell vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ có thể giải thích vì giàn thử động cơ phản lực nằm tận cuối phi đạo hướng Đông (để tránh gây tiếng ồn cho các cơ sở khác), trước khi chạy sang khu Tây (West Ramp) để di tản bằng trực thăng, vị thiếu tá liên đoàn trưởng đã không có đủ thời gian, hoặc không có nhân viên để phá hủy Test Cell.

    Việc tôi leo lên cây trứng cá cạnh hội trường dần dần đã trở thành hình ảnh quen thuộc với anh em K2, nhưng ai cũng nghĩ rằng tôi leo lên để mong kiếm thêm chút “đường” (trái trứng cá) chứ không phải để gửi hồn về chốn xưa.


    * Cuộc nổi dậy đêm Giáng Sinh 1978

    (Trong phần này, tôi chỉ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe ở K2, và qua lời kể của một số anh em bên K1, muốn biết thêm chi tiết về biến cố này ở các K khác, độc giả có thể tìm đọc hai bài viết hiện vẫn được phổ biến trên Internet:
    - Đêm Giáng Sinh 1978 và Lễ chào Quốc Kỳ VNCH đầu năm 1979 ở K4, Trại tù Suối Máu - Nguyễn Văn Hóa
    - Đêm Noel Vùng Dậy Tại Suối Máu Năm 1978 – V Sáu)


    Theo lời kể lại của những anh em tù cải tạo Suối Máu thâm niên, vào thời gian có những đợt chuyển trại từ Trảng Lớn (Tây Ninh), Thành Ông Năm (Hốc Môn), Phước Long về, tệ nạn ăng-ten ở trại tù Suối Máu đã lên tới đỉnh cao, nhiều anh em bị biệt giam (nhốt conex), trong đó có một người bị xử bắn, vì bị đám này báo cáo.

    Nhưng tới khi tù cải tạo được bộ đội bàn giao cho công an thì có một màn xóa bàn làm lại: tất cả những người bị biệt giam được thả về đội cũ, còn những tay ăng-ten thì trở nên... thất nghiệp.

    Vì thế trong thời gian công an chưa thiết lập được một hệ thống ăng-ten mới, cuộc sống trong cảnh cá chậu chim lồng của tù cải tạo ở Suối Máu trở nên thoải mái hơn bao giờ hết.

    Như đã viết ở một phần trên, cùng với việc tự do đi lại, tụ tập đàn hát nhạc vàng, kể chuyện “phản động” trong K của mình, một số anh em còn chui hàng rào kẽm gai sang các K khác để liên lạc, móc nối với nhau.

    Nguyên hàng rào kẽm gai ngăn cách giữa các K trước đấy rất kiên cố, nhưng trong thời gian mấy năm do bộ đội quản lý, đám cán bộ đã cho nhổ bớt cọc sắt và tháo lấy kẽm gai để bán chác hoặc sử dụng vào việc riêng tư, nên nay hàng rào khá thưa trống, có những chỗ có thể chui qua lại khá dễ dàng.

    Sau khi liên lạc, móc nối với nhau, anh em đã thành lập các “Ban đại diện quân binh chủng” mà theo tôi được biết mạnh nhất là Nhảy Dù. Cùng với việc thành lập các Ban đại diện quân binh chủng, ở mỗi K còn thành lập một “Ban hành động” để “giữ gìn trật tự trị an và đối phó với tình hình”. Nhiều thành viên trong các Ban đại diện quân binh chủng cũng là thành viên Ban hành động ở các K.

    [“Ban hành động” có danh xưng chính thức là “Ban Bảo Vệ Danh Dự Sĩ Quan QL/VNCH”]

    Có hai nguyên nhân đưa tới việc tù cải tạo ở Suối Máu thành lập các Ban đại diện quân binh chủng và Ban hành động ở các K.

    Thứ nhất, từ khi còn nằm dưới quyền sinh sát của bò xanh, anh em em đã vô cùng tức giận và xấu hổ lây trước việc một số cựu sĩ quan QLVNCH cúi đầu thần phục, cam tâm làm ăng-ten cho kẻ thù. Nay trước việc đám cai tù công an xóa bàn làm lại, anh em muốn gián tiếp cảnh cáo những người có ý định làm ăng-ten cho bò vàng.

    Thứ hai, trong những tháng cuối năm 1978, qua các kỳ thăm nuôi, tù cải tạo ở Suối Máu được thân nhân cho biết những tin tức đáng phấn khởi, có thật hoặc chỉ là tin đồn, chẳng hạn nhiều tổ chức quốc tế trong đó có cả Liên Hiệp Quốc đã lên án CSVN vi phạm nhân quyền và đòi hỏi Hà Nội phóng thích tất cả tù cải tạo, trong khi Hoa Kỳ và các nước Tây phương tuyên bố sẵn sàng đón nhận những người tù này và gia đình tới định cư; hoặc đàn anh Trung Cộng cùng với việc di tản Hoa kiều ở Việt Nam mà Bắc Kinh gọi là “Nạn kiều”, đã áp lực đòi Hà Nội phải thả những tù cải tạo người Việt gốc Hoa; hoặc tin Bắc Kinh đang chuẩn bị hai mặt giáp công – Khmer đỏ từ biên giới tây nam, Trung cộng từ hướng bắc – tiến đánh Việt Nam...


    * * *

    Anh em trong các Ban đại diện, Ban hành động của các K thường xuyên chui rào sang các K khác để thu thập, trao đổi tin tức. Nghe nói anh em còn tổ chức các toán "du thuyết", hàng đêm tới các K để thuyết trình về thời sự qua những tin tức mới nhất, và thực hiện những bản tin (viết tay) để phổ biến tới các K.

    Ở một số K, các buổi thuyết trình còn có phần “văn nghệ phụ diễn”: hợp ca những ca khúc chính huấn như Cờ Bay, Trên Đầu Súng Quê Hương..., và không bao giờ thiếu bản Việt Nam, Việt Nam của Phạm Duy.

    Riêng tại K2 của tôi, bầu không khí có phần yên tĩnh hơn. Ngoài việc Thiếu tá Không Quân Lê Thanh Hồng Vân được bầu làm Trưởng ban Hành động, tôi không thấy, hoặc không được biết tới những sinh hoạt kể trên.

    Sự yên tĩnh này có nguyên nhân của nó.

    Thứ nhất, trước khi đám “em mới” chúng tôi được đưa từ Trảng Lớn, Thành Ông Năm, hay Phước Long về Suối Máu, đám tù cải tạo trẻ (đa số từ cấp đại úy trở xuống) ở K2 đã bị phân tán đưa sang các K khác nhau để lấy chỗ cho chúng tôi. Vì thế ở K2 không còn những thành phần chống đối trẻ trong đám ma cũ.

    Thứ hai, những tù cải tạo còn ở lại K2 - cấp trung tá, thiếu tá - thì đúng như viên trại trưởng Đào Lưỡng đã nhận xét trong buổi nói chuyện đầu tiên, đa số là những người đã có tuổi, chấp nhận an phận, nhẫn nhục chịu đựng, nín thở qua sông, để chờ ngày được thả về xum họp với gia đình, cho nên dù bầu không khí trong trại sau khi bộ đội bàn giao cho công an đã trở nên thoải mái hơn, sinh hoạt tại các đội cấp tá ở T2 vẫn âm thầm, lặng lẽ như những ngày còn nằm trong tay bò xanh.

    Tôi còn nhớ ở K2 trước sau chỉ có vài người ở các đội cấp tá công khai quan hệ với đám cấp úy chúng tôi, hình thức thường thấy nhất là tới sân bóng chuyền nằm trong khu cấp úy tham gia các trận đấu, hoặc vừa dự khán các cuộc so tài vừa trò truyện với nhau.

    Về nội bộ cấp úy K2 chúng tôi, tuy anh em có xôn xao, và lên tinh thần trước việc các K thành lập Ban đại Diện và Ban hành động, hầu hết cũng chỉ đứng bên lề, bởi khác với những anh em cũng mới từ Trảng Lớn, Thành Ông Năm, Phước Long về nhưng được đưa tới các K 1, 3, 4, 5, nơi có sẵn những thành phần chống đối, đám cấp úy K2 chúng tôi người nào cũng là “em mới” đúng nghĩa!...

    Có thể nói sau khi Ban hành động được thành lập tại K2, thay đổi rõ rệt nhất chỉ là việc mấy ông quan tá già thường khúm núm, xun xoe với đám công an nay đã bớt xun xoe, khúm núm, trong số đó có ông “trung tá quét sân” tự xưng là một cựu sĩ quan tùy viên mà lúc nào cũng ở trần mặc quần xà-lỏn quét tới quét lui cái thềm hội trường, chỉ đợi có tay công an nào đi vào, cách 6 mét là vội vàng khom lưng “Chào anh”!


    * * *

    Khoảng giữa tháng 12/1978, tình hình Suối Máu trở nên căng thẳng (hoặc... hào hứng, tùy theo suy nghĩ của mỗi người) với các vụ đánh ăng-ten do Ban hành động của mỗi K thực hiện.

    Sau này, tùy theo người kể lại, hoặc tùy theo mức độ ra tay ở mỗi K, các vụ đánh ăng-ten này được gọi là “chấn chỉnh”, “dằn mặt”, “thanh toán”, “trừng trị”, hay “diệt ăng-ten”...

    Cũng sau này, trong các hồi ký được phổ biến, đa số viết việc đánh ăng-ten phát xuất từ K1 sau đó lan sang các K khác, nhưng cũng có một người viết phát xuất từ K5, sau đó lan sang K1 rồi từ đó mới lan sang các K khác (K5 nằm sát K1 và cách biệt những K khác). Về phần tôi ngày ấy, vì K2 nằm giữa K1 và K3, tôi chỉ biết việc đánh ăng-ten qua tin tức từ K1.

    Theo lời anh em kể cho nhau nghe qua hàng rào, tại K1 ngay trong đêm đầu, đã có 3 tay ăng-ten bị đánh sưng mặt, bầm người. Sau này, bị chuyển trại sang K1, tôi được anh em thuật lại diễn tiến các vụ đánh ăng-ten như sau:

    Cứ sau giờ ngủ mỗi đêm (10 giờ đêm), một toán 4, 5 anh em trong Ban hành động vào nhà, cho tắt bóng đèn điện duy nhất (theo nội quy, đèn bắt buộc phải mở suốt đêm), rồi tới trước chỗ nằm của tay ăng-ten đọc bản buộc tội. Sau đó đánh cho một trận, nặng hay nhẹ tùy theo mức độ tội lỗi (tố cáo anh em bạn tù).

    Sau khi tin tức về việc anh em bên K1 đánh ăng-ten lan truyền sang các K lân cận, ở K2, theo tôi được biết, chỉ có những vụ cảnh cáo một số người chứ không có trường hợp thượng cẳng tay hạ cẳng chân nào.

    Về phía bên K3, tôi được biết cũng chỉ có những vụ đánh dằn mặt một số ăng-ten chứ không đến nỗi đổ máu, nhờ có sự can thiệp của các vị linh mục tuyên úy Công giáo.

    Cũng xin viết thêm, trong khi hàng rào kẽm giai giữa K2 và K1 dầy cả chục 10 mét thì giữa K2 và K3 chỉ chừng ba mét, các dãy nhà lại tương đối gần hàng rào cho nên rất tiện cho việc chuyện trò lén lút, kể cả chui rào. Vì thế tôi mới biết rõ tù cải tạo bên K3 đa số là cấp đại úy, trung úy, trong đó có các linh mục tuyên úy Công giáo.

    Sau khi Ban hành động ở K3 được thành lập, anh em theo Công giáo đã thảo luận với một số anh em bạn tù khác, dự định sẽ tổ chức một Thánh lễ vào đêm Giáng Sinh, và được hai vị tuyên úy - cha X, cha Y - nhận lời đứng ra cử hành thánh lễ.

    Tới khi được biết ở các K khác bắt đầu diễn ra những vụ đánh ăng-ten với kết quả người bị đánh gục, kẻ bị phù mặt gẫy răng, cha X đã nói chuyện với anh em trong Ban hành động K3.

    Theo cha, đám bò xanh đã rời Suối Máu thì mình cũng không cần phải trừng trị những anh em đã trót dại làm ăng-ten cho chúng, còn nếu muốn đánh để làm gương cho những người đang có ý định “đầu quân” cho bò vàng, thì cũng chỉ nên nhẹ tay. Và để tạo áp lực với Ban hành động, cha X hăm dọa... đình công. Cha nói:

    - Ban hành động được thành lập để bảo vệ nhau, giúp đỡ lẫn nhau, nay các anh lại quay ra thanh toán nhau thì tôi xin rút lui. Tôi và cha Y sẽ không cử hành thánh lễ Giáng Sinh nữa!

    Dĩ nhiên, trước sự can thiệp của vị linh mục tuyên úy, Ban hành động bắt buộc phải nhẹ tay. Nhưng cho dù “nhẹ tay”, những phẫn uất dồn nén bấy lâu nay cũng đã được một vài anh em trong Ban hành động thể hiện một cách khá “tích cực”, đưa tới kết quả có mấy tay cựu ăng-ten ở K3 bị liệt giường; sau đó được cha X và một số anh em động lòng thương hại đích thân chăm sóc thuốc men, lo cơm nước.


    * * *

    Việc thành lập Ban hành động ở các K chắc chắn đã được đám “tân” ăng-ten báo cáo cho bò vàng, bởi sau đó mỗi lần đi tuần hoặc có việc phải vào trại, chúng đi cả bầy, súng ống tua tủa chứ không chỉ có hai ba tay như trước kia.

    Ngoài việc nói trên, từ ban giám thị trại xuống tới những tay cán bộ phụ trách các đội đã không hề tỏ thái độ hay có một lời nói nào, trực tiếp hay gián tiếp, đả động tới việc đánh ăng-ten. Vì thế, các Ban hành động vẫn tiến hành việc tổ chức mừng lễ Giáng Sinh như đã dự định.

    Chiều 24/12/1978, vào lúc 6 giờ, cha X và cha Y bắt đầu cử hành Thánh lễ ngoài trời ở K3, anh em ở các K khác ra sát hàng rào hướng về K3 tham dự thánh lễ. Cha cử hành lễ tới đâu, có anh em đứng bên hàng rào K3 thông báo để mọi người cùng hiệp thông. Có nhiều anh em không Công giáo cũng ra hàng rào đứng chung, để cổ võ tinh thần và cùng nhau hồi tưởng những mùa Giáng Sinh xưa.

    Lúc đó trời chưa kịp tối, đám công an trên các vọng gác nhìn xuống nhận ra sinh hoạt bất thường này và báo cáo với Ban giám thị trại, sau đó các toán tuần tiễu được tăng cường tối đa nhưng cũng chỉ đi vòng vòng bên ngoài hàng rào các trại để quan sát mà thôi.

    Khi thánh lễ kết thúc thì màn đêm cũng đã buông xuống, anh em từng nhóm thân nhau bắt đầu “tiệc Giáng Sinh”: nồi chè do mỗi người đóng góp một thứ, bình trà, bình cà-phê, ít bánh kẹo để dành từ hôm thăm nuôi... Ngoài những ngọn nến lung linh, nhà của tôi còn có một lồng đèn hình ngôi sao giáng sinh do anh em khéo tay nào đó thực hiện, treo phía trên cửa ra vào...

    Hơn ba năm trong tù cải tạo, chưa bao giờ tôi cảm thấy tâm hồn mình an nhiên, thanh thản đến thế. Tôi ngước mắt lên bầu trời xanh thẳm lấp lánh muôn ánh sao rồi chợt nhớ tới vợ con, và hồi tưởng một mùa Giáng Sinh năm xưa hai đứa lần đầu tiên nắm tay nhau trong sân nhà thờ Tân Định...


    * * *

    Sau tiệc Giáng Sinh tới chương trình văn nghệ. Thường ngày, khu cấp úy ở K2 có hai “tụ điểm” đàn hát: một ở đội của tôi dành cho nhạc tình cảm, nhạc nhẹ, một ở đội gần hội trường chuyên chơi nhạc trẻ, nhạc Pháp... Đêm Giáng Sinh cũng chia ra hai phe như thế, nhưng với một chương trình đặc sắc, phong phú hơn nhiều...

    Tới giờ đi ngủ (10 giờ), chương trình văn nghệ chấm dứt để khỏi làm phiền những anh em có thói quen đi ngủ sớm. Nhưng tới khoảng 10 giờ rưỡi, khi phần lớn anh em chưa kịp ngủ thì có tiếng hát từ K1 vọng sang “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...”

    Tiếng hát càng lúc càng lớn, hình như của rất nhiều người, hát đi hát lại... Trong lòng thắc mắc, tôi và một số anh em ra bên ngoài nghe ngóng.

    Khoảng 10 phút sau, có tiếng xôn xao và tiếng chân của nhiều người đi tới; rồi có mấy anh đi từng nhà kêu gọi mọi người ra sân bóng chuyền nghe Ban hành động loan báo tin tức khẩn cấp.

    Khi đã có khoảng hơn 100 người tụ tập ngoài sân bóng chuyền cạnh nhà 19 của tôi, và một số khác đứng ở lối đi giữa các nhà, một anh thiếu tá trong Ban hành động K2 (tôi không nhớ tên) bắt đầu nói với một giọng đanh thép nhưng chỉ vừa đủ nghe bởi sân bóng chuyền nằm gần hàng rào có vọng gác phía bên ngoài.

    Anh nói ngắn gọn cho biết trong lúc bên K1 đang diễn ra buổi lễ mừng Giáng Sinh thì công an ập vào bắt đi ba người trong ban tổ chức.

    Sau đó, Ban hành động K1 đã kêu gọi toàn thể tù nhân K1 tập trung ở sân bóng chuyền trước cửa ra vào đối diện với khu nhà của Ban giám thị trại để phản đối, yêu cầu thả ba người bị bắt trở vào trại.

    Đồng thời Ban hành động K1 cũng kêu gọi tất cả các K khác ủng hộ bằng cách cùng ra sân ngồi hát các ca khúc Giáng Sinh...

    Sau này chuyển sang K1, tôi được anh em kể lại chi tiết sự việc như sau:

    K1 là nơi giam tù cấp trung úy, thiếu úy, đa số còn rất trẻ và hăng. K1 cũng là nơi đầu tiên tổ chức đánh ăng-ten, và ra tay “nặng” nhất!

    Để mừng đón lễ Giáng Sinh, anh em Công giáo ở K1 quyết định tổ chức một buổi lễ mừng ngày Chúa ra đời, với bàn thờ, hang đá dã chiến, tượng Giáng Sinh nặn bằng đất...

    Địa điểm tổ chức là khoảng trống giữa hai nhà 15 và nhà 16 ở sát sân sau, gần K5, tức là ở vị trí cách xa cổng trại nhất.

    Buổi lễ bắt đầu khoảng 10 giờ đêm, trên bàn thờ đốt mấy ngọn nến, trên cao là bóng đèn điện được anh em gỡ dây chuyền từ trong nhà 15 ra; có khoảng trên 50 anh em tham dự, do một anh là dân “tu xuất” phụ trách chương trình đọc kinh và hát thánh ca.

    Bất ngờ từ hướng sau nhà 13 (cùng dãy trong cùng nhưng nằm phía bên trái) toán bò vàng đi tuần tới nơi.

    Như thường lệ, toán đi tuần của K1 luôn luôn do Trung úy Quỳnh, Giám thị K1, đích thân dẫn đầu, theo sau là một tiểu đội bò vàng, súng CKC có gắn lưỡi lê lăm lăm trên tay.

    Thấy anh em đang làm lễ, Trung úy Quỳnh quát tháo:

    - Ai cho các anh tụ tập làm lễ. Giải tán ngay! Giải tán ngay!

    Mọi người giải tán, nhưng sau khi biết chắc chắn Trung úy Quỳnh đã dắt toán tuần tiễu đi ra khỏi cổng trại, hầu hết anh em đã quay trở lại để tiếp tục buổi lễ.

    Không ngờ, sau khoảng 15, 20 phút, Trung úy Quỳnh bất thần dẫn toán bò vàng trở vào trại. Có lẽ hắn cũng đoán anh em tù cải tạo sẽ tụ họp trở lại để tiếp tục buổi lễ, cho nên ngay từ cổng đã ra lệnh cho toán tuần tiễu chạy thẳng nơi.

    Viên trung úy công an thét lớn:

    - Đã có lệnh tại sao không chịu giải tán? Bắt chúng nó!

    Toán công an xông lại bàn thờ, đập phá tượng ảnh, hang đá, máng cỏ, đồng thời bắt ba anh đứng gần bàn thờ phụ trách buổi lễ là Nguyễn Văn Bé (tu xuất), Nguyễn Văn Hoàng và Trần Xuân Rĩnh.

    Khi bọn công an dẫn ba người bị bắt rút lui ra phía cổng trại, một số anh em cũng đi theo, rồi càng lúc càng có nhiều người từ các nhà túa ra, xen lẫn tiếng chân chạy rầm rập, tiếng người xôn xao, bỗng có ai đó hét lớn:

    - Giết tụi nó! Giết tụi nó!...

    Trung úy Quỳnh hoảng sợ, miệng la hét, tay rút súng K54 bắn liên tục lên trời, chân bước giật lùi cho đến khi lọt ra ngoài cổng trại và cho khóa chặt lại.

    Ngay sau đó, Ban hành động K1 đã đi từng nhà kêu gọi toàn thể anh em cải tạo tập trung ở sân bóng chuyền trước cửa ra vào, đối diện với khu nhà của Ban giám thị trại để phản đối. Anh em dùng loa giấy yêu cầu Giám thị trại thả ba người bị bắt.

    Lúc đó, anh (Thiếu tá KQ) Lê Thanh Hồng Vân của Ban hành động K2 và một số đại diện Ban hành động các K khác đã đi sang K1 để tìm hiểu tình hình; sau khi thảo luận, tất cả đi tới quyết định cả năm K sẽ ra ngoài sân ngồi biểu tình bất bạo động bằng cách hát các ca khúc Giáng Sinh cho tới khi Ban giám thị thả ba người của K1 bị bắt.


    * * *

    Trở lại với diễn tiến ở K2.

    Sau khi anh thiếu tá Phó trưởng ban hành động tường thuật các diễn tiến bên K1 và yêu cầu toàn thể anh em tù cải tạo K2 tụ tập ngoài sân bóng chuyền ngồi biểu tình bất bạo động, đông đảo anh em đã hưởng ứng.

    Rồi anh Huyến, nhà trưởng của tôi bắt nhịp bản thánh ca “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...”, thế là mọi người cùng hát theo; lúc đầu không được mạnh mẽ cho lắm vì chưa có khí thế và cũng vì nhiều anh em không phải Công giáo nên không thuộc bài hát này, nhưng dần dần cùng với khí thế dâng cao, anh em cũng thuộc được mấy câu đầu và hát hết mình.

    Tiếng đồng ca của mấy trăm người đã có sức lôi cuốn hầu hết anh em còn ở trong nhà, họ kéo nhau ra bên ngoài, ngồi chen chúc trên sân bóng chuyền và đứng, ngồi ở lối đi giữa các dãy nhà.

    Điều đáng nói là cả năm K đều hát bản “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...”, có lẽ vì đây là bản thánh ca Giáng Sinh quen thuộc và dễ hát nhất.

    Tiếng hát của gần 5.000 con người từ trại tù Suối Máu vang ra tận các xứ đạo của vùng Hố Nai gần đó, vọng lên không trung như thể hòa cùng tiếng các thiên thần hát mừng ngày Chúa giáng trần, nhưng với rất nhiều anh em tù cải tạo, trong đó có tôi, khi ấy lời hát “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...” lại là những gì thay cho lời phản kháng!

    Sau khi cả năm K đồng loạt ra ngoài sân ngồi hát thánh ca, đám cai tù báo động. Từ doanh trại phía bên kia đường đối diện các K, đám bò vàng la hét, kéo nhau ra nhảy xuống giao thông hào dọc theo bên đường, tất cả mọi họng súng chĩa vào trong trại.

    Riêng anh em tù K2 chúng tôi tập họp ở sân bóng chuyền phía sau trại, chỉ cách vọng gác phía ngoài hàng khoảng 50 mét, có thể nghe thấy tiếng lên đạn đại liên và tiếng mấy tay công an nói chuyện với nhau.

    Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, có tiếng cọc cạch từ hệ thống loa phóng thanh trong trại.

    Ngày ấy khi mới về Suối Máu, tôi không để ý tới hệ thống loa phóng thanh này, và cũng không nhớ đám bò xanh đã sử dụng lần nào chưa, chỉ biết sau khi bộ đội bàn giao cho công an, đã được ban giám thị trại sử dụng để thông báo các chỉ thị, mở đài phát thanh Hà Nội, Sài Gòn Giải Phóng bắt tù cải tạo nghe tin tức và các bài bình luận, truyên truyền ngày hai buổi sáng chiều.

    Sau mấy tiếng cọc cạch là tiếng viên Giám thị trại tên Bằng, người thay mặt Đào Lưỡng mỗi khi ông ta về Sài Gòn:

    - Ban giám thị trại yêu cầu tất cả trại viên cải tạo trong các K giải tán trở vào nhà ngủ, sáng mai Ban giám thị sẽ cho ba trại viên bị bắt trở vào trại.

    Toàn thể tù cải tạo nhao nhao đáp lại:

    - Phải thả người vào trước!... Thả người vào trước... Thả người vào trước!

    Giám thị Bằng lập lại vài lần rồi im bặt. Chỉ còn tiếng hát “Đêm đông...” tiếp tục vang dội một góc trời!

    Bỗng vào khoảng nửa đêm, chúng tôi nghe tiếng động cơ ầm ì, càng lúc càng rõ, cuối cùng là tiếng xích sắt của xe tăng nghiến trên mặt đường. Chúng tôi hiểu đám công an đã cầu cứu bộ đội, xin đưa xe tăng tới Suối Máu để tăng cường. Về sau chúng tôi được biết có tất cả ba chiếc nằm đối diện với các cổng ra vào trại.

    Ít phút sau, bỗng có mấy tràng đại liên nổ dòn dã xé tan màn đêm, tiếng đạn rít nghe rợn người phía trên các nóc nhà tôn!

    Ngay lúc đó, anh em cải tạo người thì nói súng đại liên trên xe tăng, người thì bảo súng trên vọng gác, bởi cùng lúc đó, có ánh đèn pha từ vọng gác gần K2 quét xuống sân bóng chuyền nơi chúng tôi đang ngồi hát.

    Nghe tiếng súng, anh em xôn xao, một vài người bỏ vào nhà nhưng đa số vẫn tiếp tục ngồi lại.

    Riêng tôi, tôi bắt khối óc của mình làm việc thật nhanh. Tôi không biết sắp tới đám công an có dám bắn thẳng vào hàng ngàn tù cải tạo đang ngồi ngoài sân hay không, bởi nếu việc đó xảy ra, chắc chắn sẽ thất lợi cho chế độ về mặt tuyên truyền, nhưng tôi vẫn phải giả sử việc đó xảy ra để tìm giải pháp tốt nhất cho bản thân mình!

    Tôi cũng không thể đoán nếu việc đó xảy ra, Ban hành động sẽ phản ứng, điều động ra sao, nhưng nếu phải phá rào để vượt thoát chúng tôi chỉ có một hướng duy nhất là hướng bắc: băng qua quốc lộ 1 chạy vào giáo xứ Phúc Hải hoặc các giáo xứ gần đó của người Công giáo di cư. Bởi ba hướng còn lại đều trống trải, rất dễ bị truy lùng, chưa kể có thể bị bắn gục ngay trong lúc đang vượt rào.


    * * *

    Sau mấy tràng đại liên đe dọa, không khí trở nên ngột ngạt, căng thẳng, nhưng chỉ vài chục giây đồng hồ sau, tiếng hát “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...” lại tiếp tục vang lên.

    Vừa hát, mọi người vừa hồi hộp chờ đợi phản ứng quyết liệt của công an và bộ đội trên xe tăng. Một cuộc tắm máu không chừng!... Nhưng một hồi lâu vẫn không thấy động tịnh gì.

    Sau này chúng tôi được biết đêm hôm đó hầu như toàn bộ lực lượng công an tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa cũ) đã được trải rộng trên huyện Thống Nhất (trước là quận Đức Tu) đề phòng đồng bào Công giáo ở vùng Hố Nai nổi dậy. Rất có thể vì vậy mà công an tỉnh không còn nhân sự để tăng cường cho Suối Máu.

    Bên cạnh đó, như sau này tôi có dịp tìm hiểu, tinh thần cục bộ là một trong những nét đặc thù của chế độ CSVN: trại tù Suối Máu thuộc trung ương thì trung ương lo, công an tỉnh không dính dáng gì tới; cũng thế, trại tù nằm dưới quyền công an thì quân đội không có trách nhiệm gì cả, gửi ba xe tăng tới để diệu võ dương oai là quá tốt rồi!

    Hơn nữa, Giám thị Bằng (tôi không biết cấp bậc) chỉ là người thay mặt Đào Lưỡng mỗi khi viên trung tá này đi về nhà ở Sài Gòn, cho nên rất có thể ông ta (Giám thị Bằng) lo ngại nếu đàn áp mạnh bằng súng đạn, lỡ mấy ngàn tù cải tạo đồng loạt phá rào chạy ra ngoài, trà trộn vào giáo dân Hố Nai đang dự lễ ở các nhà thờ thì vô phương giải quyết, và ông ta sẽ phải lãnh toàn bộ trách nhiệm!


    * * *

    Khoảng 1, 2 giờ đêm (tôi không nhớ đích xác), khi mọi người vừa tiếp tục hát “Đêm đông...” vừa chờ đợi phản ứng quyết liệt của Ban giám thị trại thì một người trong Ban hành động của K2 từ K1 chạy về báo tin phe ta... đại thắng: ba anh em K1 bị bắt đã được thả vô điều kiện!

    Tôi như không tin vào đôi tai của mình. Các anh em khác cũng thế, phải mất mấy giây đồng hồ, mọi người mới hết ngạc nhiên sững sờ, rồi đồng loạt vỗ tay reo hò trước chiến thắng bất ngờ của tập thể tù cải tạo Suối Máu.

    Sau này tôi được biết diễn tiến chi tiết như sau:

    Sau khi công an bắn mấy tràng đại liên hăm dọa mà tù cải tạo vẫn không nao núng, đích thân Giám thị Bằng đã xuống văn phòng giám thị K1 để tìm phương cách giải quyết. Trước hết viên giám thị lập lại những gì đã nói trên loa phóng thanh, nhưng một anh trong Ban hành động K1 trả lời vọng ra:

    - Chúng tôi chỉ giải tán sau khi ba anh em bị bắt được thả vào trại!

    Sau hai ba lần đôi co, Giám thị Bằng nhường một bước, nói:

    - Nếu tất cả trại viên K1 giải tán trở vào nhà ngủ, Ban giám thị sẽ cho ba trại viên trở vào trại ngay.

    Tức là không cần đợi tới sáng mai!

    Trước đề nghị của Giám thị Bằng, các anh em đại diện Ban hành động liên K đã thảo luận tại chỗ: Trung úy Quỳnh là kẻ bắt người chứ không phải Giám thị Bằng, nay đích thân viên Giám thị này đã đứng ra giải quyết và tỏ “thiện chí”, mình cũng không nên dồn ông ta vào chân tường. Vì thế anh em quyết định tỏ thiện chí để đáp lại: tù cải tạo K1 sẽ giải tán, nhưng 15 phút sau, nếu ba người bị bắt không được thả vào trại, anh em sẽ tập họp biểu tình trở lại, và qua ngày hôm sau, toàn thể năm K bắt đầu tuyệt thực vô thời hạn, không cho các anh nuôi ra khỏi trại đi lãnh thực phẩm.

    Giám thị Bằng cam kết sẽ thả người, và để anh em tù cải tạo thêm tin tưởng, ông ta nói một khi bên trong các trại viên bắt đầu giải tán thì ngoài này các xe tăng cũng quay đầu rời trại.

    Ban hành động K1 liền yêu cầu tất cả anh em tù cải tạo trở về nhà mình. Khoảng 10 phút sau, cùng với tiếng xe tăng xa dần, có tiếng mở khóa cổng K1: cả ba anh em bị bắt được thả về!


    * * *

    Ngày hôm sau, mọi sinh hoạt ở trại tù Suối Máu vẫn diễn tiến bình thường, như thể đêm qua đã không xảy ra biến cố lớn nhất trong một trại tù cải tạo sau năm 1975.

    Sau này khi đã được thả, trong những dịp gặp gỡ anh em bạn bè cựu tù cải tạo ở những nơi khác, khi tôi kể lại vụ nổi loạn đêm Giáng Sinh 1978 ở Suối Máu, mọi người có vẻ không tin mức độ quy mô cũng như tinh thần chống đối quyết liệt, xem thường sinh mạng của chính mình của anh em tù cải tạo Suối Máu.

    Tôi biết thế nào cũng có người nghĩ thầm trong bụng: Mẹ, chúng nó có súng trong tay mà chịu thua cải tạo à?, hoặc: Tù cải tạo mà đòi tuyệt thực, xem thằng nào chết trước!...

    Chỉ tới sau này ra hải ngoại, khi có hàng chục, hàng trăm nhân chứng sống kể lại (chi tiết có thể khác nhau tùy theo người đó ở K nào) mới có nhiều người tin.

    Riêng tôi, sau này chuyển sang K1, được anh em kể lại đầu đuôi đã có hai suy nghĩ, một về nguyên nhân đưa tới biến cố này, một về đoạn kết tốt đẹp, tốt đẹp tới mức khó tin ấy!


    * * *
    Trước hết, nói về nguyên nhân của “cuộc nổi loạn” đêm Giáng Sinh 1978.

    Nguyên nhân xa, như tôi đã trình bày ở một phần trên, là việc sau khi bò xanh bàn giao tù cải tạo cho bò vàng, trong lúc đám cai tù mới chưa kịp thiết lập hệ thống ăng-ten của họ, một số anh em đã chui hàng rào sang các K khác để liên lạc, móc nối với nhau, đưa tới việc thành lập các “Ban đại diện quân binh chủng”, các “Ban hành động” ở các K để “bảo vệ danh dự sĩ quan QL/VNCH”.

    Tuy nhiên, dù tinh thần của anh em tù cải tạo ở Suối Máu lúc ấy có lên cao tới đâu, cũng chỉ đưa tới việc đánh ăng-ten ở các K và việc tổ chức Thánh lễ đêm Giáng Sinh, chứ không một ai có thể nghĩ tới việc gần 5000 tù cải tạo ở năm K đồng loạt biểu tình bất bạo động để phản đối Ban giám thị trại, nếu như không có việc bắt giữ ba anh em ở K1.

    Nói cách khác, việc Trung úy Quỳnh vào K1 bắt người không chỉ là nguyên nhân gần mà còn là nguyên nhân chính!

    Theo đa số tù cải tạo ở K1, chính họ cũng không ngờ tay trung úy công an này lại hành động “sảng” đến như thế!

    Theo sự mô tả của anh em, Trung úy Quỳnh khoảng trên dưới 40, nghĩa là đã khôn lớn trước khi cộng sản từ chiến khu về tiếp thu Hà Nội năm 1954. Về diện mạo, ngoại hình, ngoài hàm răng hơi hô có thể nói đương sự tương đối “dễ nhìn” nhất trong đám sĩ quan công an răng đen mã tấu .

    Tay Quỳnh không bao giờ mặc nguyên bộ đồ của “bò vàng” mà lúc nào cũng diện cái áo sơ-mi trắng ngắn tay, không đi dép râu mà mang một đôi xăng-đan da giả màu vàng. Cung cách ăn nói cũng cho thấy anh ta có vẻ văn minh, hiểu biết hơn những tay i tờ mà thích “nên nớp” (lên lớp)!

    Chỉ có điều anh ta hơi nặng phần trình diễn, thích diệu võ dương oai!

    Mỗi ngày đích thân anh ta vào trại (K1) kiểm soát ít nhất một lần, hông đeo K54, theo sau là một tiểu đội bò vàng trang bị súng trường CKC có gắn lưỡi lê sáng loáng.

    Thông thường, các toán tuần tiễu chỉ vào trại lúc ban ngày, nhưng trong đêm Giáng Sinh, có lẽ được đám công an trên các chư vọng gác báo cáo về sinh hoạt bất thường của tù cải tạo - chui rào, tụ tập dự thánh lễ, đàn hát... - thay vì chỉ cần tăng cường toán tuần tiễu bên ngoài hàng rào và trước cổng trại, Trung úy Quỳnh lại dắt một toán đi vào bên trong K1.

    Sau khi bất ngờ bắt được quả tang tù cải tạo lén lút tổ chức mừng lễ Giáng Sinh, quát tháo ra lệnh giải tán rồi dắt toán tuần tiễu ra về, nếu tay trung úy công an đánh một giấc tới sáng thì đã không có chuyện.

    Nhưng chưa đầy nửa tiếng đồng hồ sau, không hiểu nghĩ sao anh ta lại dẫn toán bò vàng trở vào trại, chạy thẳng tới nơi anh em đang làm lễ đập phá bàn thờ, máng cỏ Giáng Sinh, tượng Chúa Hài Đồng, và bắt ba anh đứng gần bàn thờ đem đi...

    Khi viên trung úy công an thấy anh em tù cải tại ùa ra, lo sợ rút K54 bắn chỉ thiên, có thể nói cuộc nổi loạn đêm Giáng sinh 1978 mới thực sự bắt đầu.

    Có lẽ chính đám giám thị trại giam Suối Máu cũng nhận ra hành động “sảng” của Trung úy Quỳnh đã tạo cơ hội cho tù cải tạo nổi loạn, cho nên chỉ vài ngày sau, anh ta đã bị thuyên chuyển đi nơi khác, và một tay sĩ quan công an già dặn, bản lĩnh hơn được đưa tới K1.


    * * *

    Tiếp theo, xin viết về đoạn kết tốt đẹp, tốt đẹp tới mức khó tin của cuộc nổi loạn đêm Giáng Sinh 1978 ở Suối Máu.

    Như đã viết ở một đoạn trên, sau này khi đã được thả, anh em cựu tù Suối Máu chúng tôi kể lại vụ nổi loạn nói trên thì không mấy người tin mức độ quy mô cũng như tinh thần chống đối quyết liệt của anh em tù cải tạo.

    Suy luận một cách khách quan, mọi người không tin cũng phải thôi: chưa nói tới việc tổ chức lễ Giáng Sinh trong tù, chỉ nội việc 10 giờ đêm không chịu đi ngủ là đã là vi phạm nội quy, lại còn hô hào đòi giết công an!

    Sau này khi đã ổn định tình hình (thực chất là dẹp tan các “Ban đại diện”, “Ban hành động”, tôi sẽ viết ở một phần sau), chính Đào Lưỡng, viên Giám thị trưởng Chí Hòa – Suối Máu, đã nói trong một buổi lên lớp ở hội trường K2, được hệ thống loa phóng thanh truyền đi các K khác, nơi anh em tù bị bắt ngồi trong hội trường để nghe:

    - Nếu đêm hôm đó, mấy thằng nhỏ không tự chế, thay vì bắn qua mái nhà tụi nó bắn xuống sân thì đã có nhiều người chết. Chết mà không thể oán cách mạng vì các anh làm loạn mà!

    Theo những gì Đào Lưỡng nói, chúng tôi hiểu đêm hôm đó ông ta không được Giám thị Bằng báo cáo sự việc xảy ra ở Suối Máu, và tay giám thị này cũng không ra lệnh cho đám công an bắn đại liên để thị uy mà do những tên này tự ý bắn vì hoảng hốt (?).

    Nhưng dù Đào Lưỡng được hay không được thông báo, Giám thị Bằng ra lệnh hay không ra lệnh cho công an bắn đại liên sát trên mái nhà, việc cuộc nổi loạn kết thúc một cách tốt đẹp - không ai chết hoặc bị thương, công an thả người bị bắt, tù cải tạo trở vào nhà ngủ - là ngoài dự đoán của nhiều người, nhất là anh em ở K1 và K5, vốn có tinh thần chống đối quyết liệt nhất.

    Từ lâu, trong tập thể trung úy, thiếu úy trẻ ở K1, K5 có nhiều người nuôi sẵn ý định trốn trại; qua những lần được ra ngoài trại lao động gần quốc lộ 1, họ có dịp quan sát, nghiên cứu địa hình địa vật, khi thấy những tháp chuông nhà thờ liên tiếp của vùng Hố Nai, họ biết một khi thoát ra khỏi trại, họ sẽ có những nơi ẩn náu an toàn.

    Vì thế trong đêm 24/12/1978, khi toàn thể tù cải tạo ở Suối Máu ra sân ngồi để phản đối Ban giám thị trại và hát “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...”, một số anh em ở K1, K5 đã tính phá rào trốn trại, nhưng (như tôi được nghe kể lại) việc này đã bị các anh trong Ban hành động ngăn cản, với lập luận: việc phá rào trốn tại vào lúc này sẽ làm mất “chính nghĩa” của cuộc biểu tình bất bạo động của toàn trại, và tạo cho cớ cho công an sử dụng vũ lực, tức là sẽ có đổ máu!

    Trước thái độ cương quyết của các Ban hành động, những anh em có ý định trốn trại đã phải bỏ dở việc phá hàng rào.

    (Còn tiếp)


    CHÚ THÍCH:

    (1) Nha Tuyên Úy Phật Giáo, cùng với Nha Tuyên Úy Công Giáo và Nha Tuyên Úy Tin Lành được chính thức thành lập vào năm 1964, gọi chung là Tổng Nha Tuyên Úy Quân Đội, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.

    Thượng Tọa Thích Tâm Giác, Chánh đại diện miền Vĩnh Nghiêm, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đề cử giữ chức Giám đốc đầu tiên của Nha Tuyên Úy Phật Giáo.


    Di ảnh Hòa Thượng Thích Tâm Giác


    Chuẩn tướng Nguyễn Khoa Nam và Hòa Thượng Thích Tâm Giác trong buổi lễ
    cầu siêu cho vong linh chiến sĩ trận vong tại Vùng 4 Chiến Thuật, năm 1972


    Thượng Tọa Thích Tâm Giác (sau trở thành Hòa thượng) sinh năm 1917 tại Nam Định, xuất gia năm 7 tuổi. Năm 1954, ông được trường Tăng Học Quán Sứ (Hà Nội) lựa chọn gửi đi du học Nhật Bản. Tám năm, ông trở về (miền Nam, dĩ nhiên) với hai bằng Tiến sĩ Xã hội học, Triết học Đông phương và đệ Tam đẳng huyền đai Nhu đạo (KODOKAN).

    Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập năm 1964, không hiểu vì sớm nhận ra mầm mống chia rẽ qua các cuộc tranh giành ảnh hưởng, quyền lực trong tăng giới, hay chỉ đơn thuần vì muốn duy trì, bảo tồn truyền thống Phật giáo miền Bắc, Thượng Tọa Thích Tâm Giác đã thành lập một “miền” riêng cho Phật tử Bắc Việt di cư, được Hiến chương của Giáo hội nhìn nhận, đó là miền Vĩnh Nghiêm, và Thượng tọa được bầu làm Chánh đại diện.

    Năm 1966, Thượng Tọa Thích Trí Quang tuyên bố ly khai để thành lập “Giáo hội Phật giáo Ấn Quang”, lãnh đạo tăng ni và tín đồ chống lại chính phủ VNCH, dẫn đưa tới xung đột trầm trọng giữa hai phe Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang.

    Mặc dù về mặt pháp lý, Giáo Hội Ấn Quang là một tổ chức bất hợp lệ, không được chính phủ VNCH công nhận, nhưng Thượng Tọa Thích Tâm Giác vẫn cố gắng duy trì tinh thần hòa hợp, không chỉ với tư cách Chánh đại diện miền Vĩnh Nghiêm và còn trong chức vụ Giám đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo.

    Trong chức vụ này, Thượng Tọa đã có “nhã ý” mời Giáo Hội Ấn Quang đề cử một số vị đại đức (thuộc phe Ấn Quang) gia nhập hàng ngũ tuyên úy Phật giáo để thể hiện tinh thần đoàn kết trong tăng chúng, ít nhất cũng là dưới mắt người ngoài.

    Hòa Thượng Thích Tâm Giác viên tịch ngày 15 tháng 11 năm 1973.

    Bản thân tác giả thiên hồi ký này cũng là một môn sinh của Thượng Tọa Thích Tâm Giác tại Võ đường Nhu đạo Quang Trung ở đường Phạm Đăng Hưng, Dakao, trong thập niên 1960 nhưng không học tới nơi tới chốn. Trong khi một môn sinh khác, Hạ sĩ I Trần Văn Căn, cũng thuộc quân chủng Không Quân VNCH, đệ Nhị đẳng huyền đai, đã đoạt chức vô địch hạng nhẹ toàn quốc năm 1974.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 09-13-2021, 12:52 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X