Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đường lên núi rừng

Collapse
X

Đường lên núi rừng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đường lên núi rừng

    Đường lên núi rừng

    Chu Kim Long


    Ngày nào cũng vậy. Sau tiếng kẻng báo giờ tập họp của các đội trước khuôn viên của hội trường trại tù Cây Cày B, thì tiếng những người tù, tiếng mấy anh công an canh gác tù la lối nạt nộ anh em tù mỗi buổi sáng làm cho khu vực trước mặt hội trường ồn ào như một cái chợ miền quê. Mặc dù, người tù nào cũng đã biết và tự đến tổ trực của đội mình để lấy dụng cụ đi lao động. Đội Cơ Động chúng tôi đang chờ anh đội (anh công an gác tù để lên đường. Bất ngờ có tiếng loa cầm tay của một viên cán bộ ra lệnh cho các đội tù cải tạo vào hội trường chờ lệnh, còn các đội khác tiếp tục ra nông trường.

    Viên cán bộ trực ra lệnh cho mọi người im lặng. Như một bản sao đã được học thuộc lòng nên cán bộ nào cũng nói giống nhau - viên cán bộ thuộc Ban Chỉ Huy trại tằng hắng mấy tiếng như bị ho khan, rồi nói về tính cách mạng và khoan hồng của đảng cũng như nhà nước. Sau đó, ông thông báo lệnh trả tự do cho các can phạm nhân ngày quốc khánh và đọc tên những người được thả, trong đó có tôi. Viên cán bộ cũng nói trại mời anh em bữa cơm trưa với cá kho và sẽ có xe chở về bến xe thị xã. Cầm tờ giấy ra trại từ tay viên cán bộ, tôi chỉ liếc qua, thấy đúng tên mình, gấp lại rồi bỏ vào túi và đi vội về lán ngủ lấy cây guitar – cây đàn mà tôi đã bắt chước anh em đóng từ ngày còn ở trại tù Cây Cày A, đem về làm kỷ niệm. Các vật dụng cá nhân tôi để lại cho các anh em chưa được thả kỳ này.

    Ngay khi nghe anh em nói nhỏ với nhau “đi lẹ lên, ăn với uống làm gì, lỡ nó đổi ý thì đời tàn không trăng sao”. Tôi theo anh em rảo bước thật nhanh đi ra khỏi cổng trại để đón xe Honda ôm về thị xã Tây Ninh. Rời trại tù miền biên giới lúc 7 giờ sáng, sau nhiều lần đổi từ xe ôm sang xe Lam ba bánh và xe đò mà đôi lần các bác tài không lấy tiền xe. Tôi về đến ngã tư Bảy Hiền, Phú Nhuận lúc 8 giờ tối.

    Những lời thăm hỏi chúc mừng của bà con lối xóm khi thấy tôi được thả về khiến bầu không khí gia đình thầy mẹ tôi như nồng ấm hơn những ngày tôi vắng nhà. Niềm vui không trọn vẹn khi hai ngày sau, anh công an khu vực đến yêu cầu tôi phải trở lại trại tù xin điều chỉnh lại địa chỉ cư trú mà trại viết không đúng với địa chỉ của nhà thầy mẹ tôi. Anh công an khu vực nói: “Gia đình không sinh sống ở khu Bàu Cá, và đang sinh sống ở đây. Nhưng giấy ra trại của anh lại ghi địa chỉ ở Bàu Cá. Nên anh phải lên trại Tây Ninh xin đổi lại... anh có một tuần để làm cho xong... còn không anh phải lên Bàu Cá trình diện”. Anh công an khu vực cũng biết rõ là vào cuối thập niên bảy mươi, chính quyền đã yêu cầu cũng như o ép các gia đình có người đang tù cải tạo tham gia chương trình đi kinh tế mới để giúp thân nhân sớm được tha về. Vì lo ngại cho con cái, nên thầy mẹ tôi đã để tên tôi vào hộ khẩu ở Bàu Cá, cách thành phố Sài Gòn khoảng bốn mươi cây số. Nhưng chương trình đầy dân đi lập khu kinh tế mới đã đổ vỡ sau đó. Nên xảy ra tình trạng tên tôi ở Bàu Cá mà gia đình thày mẹ tôi lại đang sinh sống ở ngoại ô Sài Gòn, cách quận ly quận Gò Vấp bốn năm cây số.

    Vừa ra khỏi trại tù được vài ngày, cuối tuần tôi lại phải lên đường đi Tây ninh. Với kinh nghiệm những lần mẹ và em tôi đi thăm nuôi, tôi lên đường từ tối hôm trước để có mặt ở bến xe Thị xã Tây Ninh vào lúc sáng sớm ngày hôm sau cho kịp những chuyến xe đi Bàu Cỏ và Cây Cày B. Vì vậy, một cách bất thường, tôi là người tù vừa được thả về mới có mấy ngày, rồi lại có mặt ở bến xe thị xã để đến các trại tù cùng với những hành khách là thân nhân người tù đi thăm tù vào ngày cuối tuần.

    Tiếng gà gáy cộng với những tiếng chó sủa vu vơ từ xa vọng lại, bầu trời tranh tối tranh sáng, cách xa nhau khoảng năm bước chân chưa thấy rõ mặt người đối diện. Nhưng, cảnh vật như báo hiệu buổi sớm mai đã vừa thức giấc, bình minh đang ló dạng. Sinh hoạt tại bến xe thị xã Tây Ninh mới tờ mờ sáng ngày cuối tuần đã rộn rã tiếng người gọi nhau, tiếng những bước chân đi tới đi lui một cách vội vã của những hành khách lạ, còn lại là những người buôn hàng chuyến chuyên nghiệp, mỗi cuối tháng về tỉnh lỵ lấy hàng đem về các huyện, các xã miền biên giới Việt Miên, họ mua đi bán lại. Những người bạn hàng đã quen nhau từ lâu, vừa nhai vội miếng bánh, miếng khoai mì hay mấy hạt xôi bắp, vừa nói chuyện về các mặt hàng, hoặc than thở về giá cả lên xuống đến chóng mặt. Đa số họ là những người buôn hàng chuyến lên miền biên giới đã lâu năm, nên họ dễ nhận ra ai là những người địa phương và ai là những hành khách lạ đến từ các nơi khác đang chờ mua vé xe. Những người hành khách lạ này như đã hẹn với nhau, dù họ chẳng quen biết nhau trước đây – tất cả đang đến bến xe để đi thăm nuôi thân nhân ở các trại tù miền biên giới. Phần lớn những người hành khách lạ đến từ Sài Gòn và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Phần, nhưng qua giọng nói thì cũng có những hành khách đến từ các tỉnh miền Trung. Những người hành khách này đã đến tỉnh lỵ Tây Ninh từ chiều hôm trước, họ ngủ nhờ qua đêm tại các chùa, thánh thất và các nhà thờ, rồi thuê xe Honda ôm chở đến bến xe từ lúc nghe tiếng gà gáy báo thức, hy vọng mua được vé xe cho chuyến đi sớm nhất. Tất cả những người hành khách lạ này đều có chung một hoàn cảnh, một nỗi buồn, đau khổ và xót sa của những người sa cơ thất thế, nên họ dễ làm quen và nhắc nhở nhau mọi việc, giống như những người bạn buôn hàng chuyến quanh năm tại thị xã Tây Ninh quen nhau vậy.

    Cứ như một thông lệ đều đặn cuối tuần, tháng này qua tháng khác. Những người buôn hàng chuyến và làm công tại khu vực bến xe thị xã Tây Ninh đều bắt gặp những người hành khách lạ khác nhau. Họ kể chuyện với nhau về những người hành khách lạ: “Tháng này thì có những cụ bà đã già yếu đi bên cạnh những thiếu phụ, những cuối tuần khác thì có cụ ông, cụ bà đi bên cạnh những người đàn bà ở tuổi trung niên hoặc cô cháu gái hay cháu trai ở tuổi trên dưới hai mươi, nhưng trên khuôn mặt mỗi người đều hiện rõ những nét ưu tư, lo lắng....”.

    Hành trang của những người đi thăm nuôi tù bao gồm những nhu yếu phẩm hoặc đồ dùng cá nhân giống như người buôn hàng chuyến: Có người dùng bao vải đựng bột mì cũ xưa kia chứa đồ thăm nuôi – tay xách giỏ vai vác bao, có người vai đeo cái ba lô bạc màu căng phồng đồ thăm nuôi, tay xách cái vỉ cói, có người thiếu phụ một tay xách giỏ với chùm bánh Tét và vài ổ bánh mì, vài gói bột Bích Chi, lọ mắm ruốc, một tay dắt tay cụ bà chống gậy. Những người khác cũng vậy – tay xách nách mang, tùy theo tình cảnh tài chánh của mỗi gia đình. Khi đến bến xe, họ ngồi cạnh nhau như một đại gia đình đang chờ xe để đi thăm các con các cháu.

    Bầu trời đã sáng hẳn với những cụm mây trong xanh của một bình minh, báo hiệu một ngày nóng bức, mặt trời đỏ ửng đang lấp ló sau những tàn cây xa xa, Tây Ninh – miền đất nắng cháy da người. Những bạn hàng buôn chuyến, những cư dân địa phương đang bới chải mưu sinh trong khu bến xe nhìn những người khách lạ đang chờ xe như muốn chia sẻ những nỗi ưu tư đang hiện rõ nét trên mỗi khuôn mặt, trên những khoé mắt quầng thâm của mỗi người vì thiếu ngủ, hay vì khổ đau chất chồng theo năm tháng. Rồi họ lắc đầu, chép miệng và nói một cách bâng quơ: tội nghiệp qúa! Họ nói nhỏ như nói cho chính họ đủ nghe, không một ai tỏ bày hay chia sẻ sự cảm thông hoặc giúp đỡ những người khách lạ một cách cụ thể được, vì chính những người bạn hàng cũng luôn luôn sống trong tình trạng đối phó với những tệ nạn, và đe dọa thường xuyên trong cuộc sống bằng nghề buôn đi bán lại. Cũng như mọi người, những người sinh sống trong hay ngoài bến xe đang sống dưới một chế độ mới, một thể chế mà những người Cộng Sản Việt Nam đang thiết lập với một bộ máy cai trị bằng bàn tay sắt, bóng dáng những người công an sắc phục và an ninh chìm nổi có mặt khắp nơi, cũng như tại bến xe thị xã trong mỗi buổi sớm mai.

    Ngày cuối tháng, từ bến xe Tây Ninh rẽ vào tỉnh lộ 785, những chuyến xe khách đi Bàu Cỏ và biên giới Việt Miên chật ních hành khách với hành lý. Những chiếc xe quẹo trái tỉnh lộ 795 rồi rẽ phải vào tỉnh lộ 793 - hai con đường miền biên giới khúc khuỷu này sẽ dẫn người đã đi nhiều lần hay lần đầu tiên đến trại tù Bàu Cỏ và Cây Cày. Trại tù Bàu Cỏ được đặt dưới hệ thống điều hành của trại tù Cây Cày, cả hai trại nằm trong địa hạt huyện Tân Biên, khu rừng già giáp ranh với biên giới nước Campuchia, trực thuộc công an tỉnh Tây Ninh. Trước thập niên tám mươi, tỉnh Tây Ninh có hai hệ thống trại tù: Trại Cây Cày A thuộc Tỉnh đội , còn trại Cây Cày B và Bàu Cỏ thuộc Công an. Cuối năm 1980 trại tù Cây Cày A và B sát nhập lại và được đặt tên là trại tù Cây Cày, trực thuộc Công An tỉnh Tây Ninh.

    Những tỉnh lộ chạy đến miền biên giới Việt Miên, nơi có những trại tù khổ sai là những con đường bụi đất bay lên cùng khói xe khi có những chuyến xe chở hàng hay hành khách chạy về mùa Hè, và lầy lội về những ngày mưa. Những người chạy xe máy như Honda, Suzuki hay xe đạp thường lấy khăn tay gấp chéo, buộc ngang mặt, che mũi và miệng để tránh ô nhiễm bụi và khí thải carbon hàng ngày. Dù hệ thống giao thông đầy hiểm nguy, nhưng vào những ngày thăm nuôi tù, những chiếc xe hơi cũ chạy ì ạch, máy nổ lớn và khói xe tỏa ra như khói xe lửa chạy bằng than dưới thời Pháp thuộc vẫn không đủ đễ chuyên chở kẻ đi người về. Những chiếc xe chở hàng cũ kỹ được tu sửa lại với hai hàng ghế gỗ dài dọc theo thân xe, già trẻ, nam nữ ngồi san sát bên nhau như nêm cối, ghế và xe đã được sơn lại nhiều lần với những lớp sơn cũ mới bong tróc loang lổ. Trong xe chật ních người, không còn chỗ, nên hai ba người phải đứng vịn tay vào cửa bên trái và bên phải tài xế - bên ngoài hai cánh cửa xe. Phía cuối xe, vài người đứng trên bậc cửa lên xuống, tay nắm chặt những thanh sắt đã được hàn làm thành hai cái thang ở hai bên, dùng để trèo lên xuống mui xe. Trên mui xe, hai ba người trung niên tay nắm chặt hàng khung sắt hàn bao quanh mui xe, ngồi cạnh các hành lý đã được phủ tấm lưới để giữ cho hành lý không bị rơi xuống dọc đường. Tất cả hành khách, dù ngồi trên mui xe, vịn tay đứng hai bên cửa xe hay đứng ở cuối xe đều phải trả tiền vé. Những chiếc xe đò qúa tải, chạy trên những con đường đá trải nhựa đã bị sói mòn, sụp lở theo thời gian và mưa nắng, không được sửa chữa. Có những đoạn đường sống trâu, có những khúc đường dài cả cây số với nhiều ổ gà, tưởng như xe có thể lật hoặc nổ bánh, hất tung người và hành lý xuống hai bên đường bất cứ lúc nào. Nhưng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, người dân sống trong chế độ Cộng Sản Việt Nam chịu mọi khổ cực oan trái đã nhiều, làm cho họ trở lên gan dạ hơn, liều lĩnh hơn để vượt lên những khó khăn trong đời sống, người dân như đi tìm sự sống trong những cái chết cận kề mỗi ngày, không một ai tỏ vẻ e ngại khi di chuyển qua những khúc đường đầy hiểm nguy cùng với những chiếc xe khách qúa tải như vậy.

    Những cái lắc mạnh khi xe chạy trên những đoạn đường sống trâu và tránh những ổ gà làm các cụ ông, cụ bà phải bám tay chặt vào người bên cạnh, làm xô lệch những người ngồi trên các hàng ghế. Nhưng không ai than khổ, than mệt, mà còn nói với nhau là đã may mắn đi kịp chuyến xe, kịp giờ cho thăm nuôi.

    - Tạ ơn Chúa, đi kịp chuyến này, gặp được mẹ và con, chắc nó mừng lắm. Đã sáu bảy tháng nay... hắt xì, hắt xì...

    Giọng nói nhỏ của cụ bà đang nói bị đứt quãng với những tiếng hắt xì và ho khan, mắt ngấn lệ muốn khóc. Sau những cái hắt xì và những tiếng ho khan, cụ ngưng không nói tiếp vì xúc động hay sợ lỡ lời làm liên lụy đến bản thân và các người khác. Cụ cúi đầu xuống, tay phải để lên ngực như để chặn lại những cơn ho.

    Cụ bà gầy yếu, đôi mắt quầng thâm, ngồi cuối ghế vừa nói với người thiếu nữ mặc cái áo len dầy và cũ, có gương mặt trái soan xanh xao, lộ vẻ lo âu, khắc khổ, chị đang đứng, vịn tay trên bậc thang bên cạnh cái thành cửa cuối xe, bên cạnh bà cụ.

    - Mẹ, mẹ có sao không? mẹ có mệt lắm không? Chị hơi cúi đầu xuống, ân cần hỏi cụ bà. - có lẽ chị là con gái hay con dâu cụ.

    - Không, mẹ không sao, con nắm tay cho chắc nhé kẻo té nghe con, mẹ không sao đâu con – cụ bà trả lời với giọng yếu mệt.

    - Cháu có dầu gió đây, cụ xức lên cho khoẻ lại – người thiếu nữ buôn hàng chuyến ngồi đối diện với tay đưa chai dầu gió cho cụ.
    Những người ngồi trên hai hàng ghế nhìn cụ với con mắt thương cảm.

    - Cám ơn cô nhiều, xin Chúa chúc lành cho cô.

    - Dạ không có chi, con thấy cụ mệt, cụ nhắm mắt nghỉ một chút đi cụ – người thiếu nữ nói.

    - Mẹ con em cám ơn chị nhiều – người con dâu hay con gái cụ đứng ở cuối xe nói vọng vào hướng người thiếu nữ vừa đưa cho mượn chai dầu gió.

    - Không có gì đâu em, mình chị em bạn gái mà – người thiếu nữ đáp lại.

    Chiếc xe khách vẫn chạy với vận tốc thật nhanh như để cho kịp giờ bỏ khách xuống, và lấy khách thăm nuôi chạy ngược lại về bến xe thị xã sau giờ thăm nuôi tại các trại tù. Bên cạnh những hành khách ngồi ngủ gà ngủ gật, những phụ nữ khác tay lần chuỗi tràng hạt và những câu kinh âm thầm trên môi, một hai người vân vê chuỗi bồ đề trên tay, kẻ nói cho nhau nghe về những lo âu và những hy vọng trong chuyến đi này sẽ gặp được chồng hay anh em, họ nói với nhau về những đối đãi tốt lành, nhân hậu của nhà thờ, thánh thất, nhà chùa đã dành cho họ những lần ngủ qua đêm, khiến cho họ thấy vững lòng tin trong cuộc sống.

    Như đã qúa quen thuộc với cảnh các hành khách đi thăm nuôi tù tại hai trại tù Bàu Cỏ và Cây Cày thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh hàng tháng – bác tài vừa lái xe vừa nói vọng xuống:

    - Gần tới Bàu Cỏ rồi, bà con cô bác nào xuống Bàu Cỏ thì chút nữa xe ngừng thì xuống nghen. Còn ai đi Cây Cày thì ngồi lại, xe sẽ chạy tiếp nghe bà con.

    Chiếc xe ngừng lại sau khi bác tài thông báo chừng mười phút. Người lơ xe lanh lẹ bốc dỡ hành lý từ trên mui xe xuống cho các hành khách đi thăm nuôi: những túi xách chứa các hủ mắm ruốc kho sả, những hộp đường cục, những túi bột gạo, thuốc men... và những bao bột mì 50 ký trước đây nay được dùng để chứa khoai lang khô, hoặc các đồ ăn thăm nuôi đã được sấy khô để dùng được lâu ngày. Đoàn người đi thăm nuôi tù kẻ đi trước, người đi sau, vai đeo ba lô, tay xách vỉ cói, người vác, người gánh trên vai như người gánh hàng ra chợ bán kiếm tiền về nuôi gia đình. Tất cả bước đi một cách vội vã như sợ hết giờ thăm nuôi.

    Những chuyến xe kế tiếp nhau đổ những thân nhân người tù đến trại tù Bàu Cỏ, và rồi tiếp tục chạy tới trại tù Cây Cày và biên giới. Bầu trời mùa Hè miền biên giới Tây Ninh - Campuchia nóng như lửa, những anh em tù có thân nhân đến thăm được gọi tên, lần lượt đi ra khu thăm nuôi nằm sát bên những căn nhà cán bộ và Ban Chỉ Huy trại tù. Người ra người vào khu thăm nuôi tấp nập, tiếng nói lao xao với những nét mặt lo âu của thân nhân người tù, giống như một một buổi tập họp học tập của khu phố trong những ngày mới đổi đời. Tôi thầm tạ ơn trên khi anh công an dẫn vào gặp viên thủ phó trại. Là thủ phó, nên nhiệm vụ của ông cũng là trách nhiệm của một viên giám thị trại giam. Nhưng ông không hách dịch và lớn lối đe nẹt anh em như viên thủ trưởng. Chúng tôi thường nói với nhau: ông ta gốc nông dân miền Nam tập kết ra Bắc, ít học, có bản tính xề xòa, đã lớn tuổi và có lẽ cũng đã thấm đòn trong tim gan khi được về lại miền Nam, nên biết người biết ta. Sau khi nghe tôi trình bày, giải thích, ông cười hề hề, rồi nói: “Giờ nầy mà còn kinh tế mới gì nữa, để gua làm tờ khác cho em”. Tôi cầm tờ giấy ra trại mới đổi và nói vài lời cám ơn ông, rồi ra đường đón xe Honda ôm về lại bến xe thị xã.

    Khi tôi ngồi chờ ở bến xe thị xã, sau một đêm ngủ nhờ dọc đường để lên được chiếc xe hàng cũ chạy cọc cạch trên những đoạn đường lồi lõm ổ gà, tôi cảm thấy xót xa cho thân phận sa cơ thất thế của những người sống và chết cho hai chữ Tự do, cũng như cảm nghiệm được hai chữ Tình yêu thật cao quý khi con người vượt lên mọi gian khổ và hiểm nguy để sống cho nhau! Ngồi trong xe trên đường trở về Sài Gòn, tôi nghĩ đến những sự việc tôi thấy ở bến xe thị xã cũng như tình người trên chuyến xe khách chạy đến các trại tù, làm tôi nhớ đến câu nói trong cuốn Tân Ước: “Yêu là hy sinh mạng sống cho người mình yêu”. Cũng qua chuyến đi trở lại trại tù để sửa đổi giấy ra trại, và trong đêm ngủ nhờ dọc đường cùng với gia đình những người tù đến từ các địa phương xa cách tỉnh Tây Ninh, tôi mới nghe và biết được đời sống của nhiều gia đình có người đi tù gặp qúa nhiều tai ương, nhất là những gia đình đang sinh sống ở những thành phố hay quận huyện xa xôi hẻo lánh. Đời sống của nhiều gia đình có chồng con bị đi tù sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 gặp nhiều chuân chuyên, đau khổ và tủi nhục. Nhiều địa phương đã đuổi việc những người vợ, con hay anh em của những người cựu sĩ quan đang bị tù đày, nếu họ đang làm cho các công sở của nhà nước. Còn chính quyền địa phương thì khuyến dụ, đe dọa, bắt ép đi vùng kinh tế mới để tạo cơ hội thu mua lại căn nhà. Nhiều gia đình phải tìm cách luồn lỏi, buôn bán lặt vặt nơi đầu đường cuối chợ, hoặc chạy đi chạy về quê ngoại quê nội tìm sinh kế sống qua ngày. Hầu hết những gia đình có người đi tù đã phải chi tiêu dè sẻn, chắt chiu từng đồng, hoặc bán dần những gì có giá trị trong nhà để có tiền mua vé xe, mua đồ ăn, thuốc men đem đi thăm nuôi người thân đang sống trong các trại tù nằm rải rác trong các khu rừng miền biên giới.

    Vì tình yêu, và tình thương dành cho người chồng, người con, người anh, người em là những cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang bị cầm tù sau ngày Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng và cưỡng chiếm miền Nam, những người đi thăm nuôi không đắn đo hay lo sợ trước những gian nguy sinh tử cho bản thân. Những người mẹ già, những người vợ hiền, những người anh, người em vượt hàng trăm cây số đường rừng núi chông chênh hiểm nghèo, chắt chiu từng đồng, cố quên những lời nói sỗ sàng và những con mắt soi mói của các cai tù để gặp được người con, người chồng, người anh, người em đang gánh chịu những ngày tháng khổ sai trong đời sống ngục tù. Gặp được người thân yêu, những người đi thăm nuôi như trút bỏ được những phiền muộn lo lắng về người thân trong tâm tư, những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi của mẹ già, của người vợ hiền, của anh, của em khiến những người tù cảm động, xót xa, cố dằn những hạt nước mắt đoanh tròng trong khoé mắt đang muốn rơi xuống trước mặt những người thân yêu.

    Dù bị phân biệt đối xử tại địa phương, dù gặp muôn vàn cay đắng trong cuộc sống, cô đơn khi phải đối diện với những nghịch cảnh bên những đứa con thơ đang cần sự hiện diện và dạy bảo của người cha. Dù trải qua những đêm dài thao thức, mất ngủ, nhìn con thơ, mắt đẫm lệ thương nhớ người chồng đang bị đày ải, lao khổ nơi núi rừng đầy sương lam chướng khí. Nhưng những người vợ hiền vẫn can đảm vượt qua những gian nan và cạm bẫy đang bủa vây của cuộc sống, người cha hiền ngồi trầm tư như pho tượng đá, người mẹ lưng còng tóc bạc, chiều chiều vẫn ngồi bên hàng hiên, u uẩn nhìn về phương trời xa xăm mong ngóng người con yêu trở về, rồi dặn dò con gái, con dâu mua bán những thứ cần thiết để dành cho thăm nuôi.

    Vượt qua cả trăm cây số, với đường rừng đầy hiểm nguy để thăm nuôi người tù, những người đi thăm nuôi cất giấu tất cả đắng cay tủi nhục vào tâm can, khi gặp người thân trong dãy nhà thăm nuôi vẫn thản nhiên nói “nhà mình vẫn bình thường”. Dù lâu nay vẫn chắt mót từng đồng để mua thực phẩm đi thăm con, thăm chồng, thăm anh, nhưng khi gặp mặt người chồng, gặp được người con, người anh, người em thân yêu, họ giấu đi những khó khăn chất chồng, những nghèo khổ chua cay trong cuộc sống kể từ ngày người thân đi tù. Những người đi thăm nuôi cố tạo cho người thân đang ở tù yên tâm về gia đình, họ mang đến cho người tù không những tình yêu thương mà còn tất cả những gì gia đình có được, gói ghém trong các đồ thăm nuôi, dù mai ngày - sau kỳ thăm nuôi, cả gia đình hay người vợ hiền lại bơi chải từng đồng để sống qua ngày. Cũng vậy, trong đời sống lao tù, dù vất vả đoạn trường, trong thâm tâm người tù lúc nào cũng thương cha nhớ mẹ, xót xa khi nghĩ đến vợ con, anh chị em, họ thầm trách thân phận hẩm hiu của đời mình nên đã làm khổ vợ con, cha mẹ, và gia đình. Khi ra khu thăm nuôi gặp vợ con, gặp cha mẹ, anh chị em, họ không nói đến những đói khổ của đời người tù, những ngày ăn măng lót lòng với chút cơm gạo mốc sạn, họ quên đi những ngày lao động khổ sai, những ngày đau yếu với mớ thuốc Nam, hay những viên thuốc cảm cúm xin được của người bạn tù nên đã khỏi bịnh. Năm tháng và ngày về không ai biết, nhưng những người tù vẫn cố làm cho gia đình an tâm khi gặp người nhà lên thăm, vẫn nở nụ cười với các tin tức thật mơ hồ để an ủi lẫn nhau trong những năm tháng tù đày: “Với áp lực về nhân quyền, chắc cũng sắp có đợt thả tù” và trấn an gia đình “Thày mẹ, em... đừng lo lắng qúa. Con, Anh... vẫn khoẻ... không sao đâu...”.

    Trái đất vẫn xoay vần. Trên giải đất hình chữ S, công lý vẫn còn là một ước mơ. Xa gần, con người vẫn phải đối diện với những gian lao và thống khổ trong vòng kim cô của giai cấp thống trị chủ trương “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Và những người đang âm thầm đi lên núi rừng vẫn lấy sự khốn khó làm vui mừng khi gặp được người thân, người yêu trong những lần thăm nuôi – để hy vọng vẫn còn có nhau, cho dù ngăn sông cách núi với nhiều đau thương và khốn cùng!


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X