Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sau lằn vạch trắng

Collapse
X

Sau lằn vạch trắng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sau lằn vạch trắng

    Sau lằn vạch trắng
    Vĩnh Chánh






    Hồi ức Tháng Tư Đen
    Qua 47 năm kể từ khi CS cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, biết bao nhiêu người đã lần lượt vào tù, đôi khi không chỉ một lần, mà nhiều lần vì mang tội phản động, bị nghi ngờ làm gián điệp, vì tôn giáo chống cộng, vì văn hóa đồi trụy, hay đôi khi chỉ vì ca hát nhạc vàng, có tiền có của, hay vượt biên vượt biển…

    Mục đích bài viết này không phải để nhắc đến những hình ảnh đau xót, những đọa đày trong tù tội, hay những câu chuyện bi thảm, những chà đạp nhân phẩm mà những tù cải tạo phải gánh chịu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, người tù cần nương dựa vào tình yêu, vào tình đồng đội, tình người… để sống sót. Phải trông cậy vào niềm tin, trong cầu nguyện, và đừng bao giờ đánh mất niềm tin trong cuộc sống. Chỉ niềm tin mới giúp nuôi được hy vọng nhìn thấy ánh sáng cuối ở đường.


    PHẦN I. TÙ CẢI TẠO
    Ngay từ những ngày đầu tiên trong trại tù cải tạo L19T9 tại Xuân Lộc, tôi được sự may mắn nằm giữa 2 bạn tù. Một người từng quen thân vì anh là đàn anh của tôi tại trường Y Khoa Huế, chẳng may anh bị động viên sau 1968. Anh Hồ Xuân Tịnh từng sống sót, không một vết thương, khi anh là một Trung Úy Trợ Y trong chiến tích lẫy lừng và tan hàng anh dũng của Tiểu Đoàn 95 Biệt Động Quân tại trại biên phòng Ben Hét vào mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Người bạn tù nằm bên trái của tôi là Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân. Là người Bắc di cư, công giáo, có đi học ở Mỹ về tiếp liệu, anh rất mộ đạo. Anh là một con người hiền lành, chất phát, gia đình anh có tiệm bán thuốc Lào 3 số 8 tại chợ Ông Tạ. Ba chúng tôi trở thành thân thích, che chở cho nhau, tâm sự với nhau, chia sẻ với nhau những nỗi buồn xa vợ con – đặc biệt các bạn ấy rất thông cảm nghe tôi thường xuyên thảm thiết kêu tên vợ mình trước khi đi ngủ - và rủ đọc kinh với nhau. Nhất là Tân, gọi tôi là huynh và xưng mình là đệ, nhắc nhở nhau đọc kinh cầu nguyện mà tôi hằng ghi nhớ câu Tân nói khẽ “Huynh, đọc kinh với đệ” mỗi sáng và tối. Sự gắn bó đùm bọc nhau đã giúp tôi giữ vững lòng tin trong cuộc sống tù đày hỗn tạp, nhất là mang cho tôi sự lạc quan khiến tôi không còn cảm sợ sự lạc lõng trong cảnh chim lồng cá chậu. Đọc kinh mỗi ngày trở thành thói quen cho tôi trong suốt thời gian tù tội và về sau, khi chuyển trại hay khi về lại nhà, khi sống trong nước hay hải ngoại.

    Đây cũng là thời gian có nhiều thử thách cho tất cả khi cả trăm người không từng quen biết từ trước phải chung sống với nhau trong một không gian xa lạ, vừa nhỏ hẹp vừa bị kềm kẹp, vừa đói khát, vừa phải nghe các chính trị viên CS lên lớp. Để thoát khỏi những áp lực trên, những bạn tù thi nhau phát huy tài nghệ riêng, đua nhau làm những món đồ thủ công nghệ mang tính cách thực tế. Bạn Tân giúp tôi làm nhiều thứ, trong đó có ống hút thuốc lào, cái ba-lô bằng vải dày che trần của các xe quân đội hư hỏng, túi xách tay lớn cùng cái mũ rộng vành che nắng khi lao động, một cây đờn Tây Ban Cầm với đầy đủ các sợi dây quấn từ dây điện điện thoại quân đội, vài chiếc vòng đeo cổ tay, trâm cài tóc và một chiếc lược khắc tên vợ, làm bằng nhôm từ các xe M113 phế bỏ mà tôi tặng cho cho nàng trong lần thăm nuôi đầu tiên. Biết bao bạn tù còn làm nhiều món đồ chơi như các bộ cờ tướng, bộ Domino, bộ mạt chược… và các vật dụng trong nhà rất tinh xảo như bộ tách trà, khay thức ăn, muỗng nĩa mà các quản giáo phải năn nỉ nhờ làm mang về cho thân nhân ngoài Bắc. Thật là quý hóa khi chiếc lược tôi tặng cho vợ mình được ông bà nhạc của tôi chính tay mang qua làm quà cho vợ chồng chúng tôi khi gia đình ông bà và 3 em vợ còn lại được đoàn tụ năm 1990 với chúng tôi. Để bây giờ, chiếc lược ấy được nằm trang trọng trong một chiếc hộp để ngay trên đầu giường của vợ chồng. Thỉnh thoảng tôi mở hộp, lấy chiếc lược ra chải tóc cho vợ, vừa kể lại vài câu chuyện bỗng nhớ về cảnh tù đày, những ngày xa nhau vừa nhớ em, vì tù tội.




    Nhờ sống trong trại tù, tôi học hỏi nhiều cái mới lạ. Ngoài lao động chung, mỗi người tù có hai hai luống rau lang trồng cho mình. Trong khi những bạn khác bứt lá, luộc ăn thêm cho đỡ đói, tôi cứ miệt mài tưới nước 2 luống của mình, không dám hái lá ăn, thích thú nhìn lá xanh tươi mơn mởn. Khi thâu hoạch, những luống của người khác cho những củ khoai lang to lớn, trông rất ngon lành. Hai luống của tôi hầu như không có củ nào. Bài học “tốt lá xấu củ” là đây! Anh em bạn tù rủ nhau trồng cây đu đủ, dạy khôn cho nhau cách phân loại hột cái hay đực trong trái đu đủ chín để gieo. Người khác chỉ cách dùng dao xén một miếng nhỏ ngay trên thân cây mẹ ở chỗ có mắt, rồi trồng xuống. Đến ngày chúng tôi rời trại, cây trồng với hột chỉ cao vài gang tay, nhưng bên trồng với mẫu cắt từ thân mẹ cao hơn nhiều. Thêm một cái hay để học hỏi.

    Đói là một trong những ám ảnh người tù cải tạo chịu đựng. Đói cùng với nhồi sọ chính trị và lao động là cách thức CS sử dụng triệt để trong các trại tù tập trung. Một anh bạn nằm đối diện với tôi, ngay cửa ra vào của phòng, có biệt tài bắt chuột. Bằng một sợi dây nhỏ gắn từ cái lồng bẫy tự làm nối với ngón chân cái của anh, khi chuột vào cắn mồi trong lồng, anh giựt sập lồng với ngón chân của mình. Cứ thế mà anh có thịt ăn liên miên. Có lần tôi nhìn anh thán phục, anh lại nghĩ tôi muốn xin ăn, anh ngần ngừ rồi đưa tôi nguyên một con chuột nhỏ bằng hai ngón tay cái, đã lột da, móc ruột và luộc chín. Tôi từ từ bỏ nó vào miệng, nhưng nhổ phẹt ra lại ngay. Ối trời! Cái mùi vô cùng kinh hoàng không thể nào chịu nổi! May mà chưa mửa.

    Những toán 5 anh nuôi thay phiên nhau mỗi tuần nấu cơm, nấu cháo sáng, nấu canh… cho đội. Vì cho đây là chuyện khó làm, nên các tổ trưởng đồng ý cho toán anh nuôi được giữ ăn phần cơm cháy. Nhóm nhà bếp có kinh nghiệm dần và nấu cơm cháy càng lúc càng dày, gây nên chuyện “trao đổi” cơm cháy với thuốc lào hay với các sản phẩm thủ công nghệ của các bạn tù khác. Thế là các tổ trưởng họp, đảo ngược quyết định trước: cơm cháy nay cũng phải chia đồng đều cho các tổ. Thế là xẩy ra chuyện nhiều lần chúng tôi phải bị ăn cơm khê – cho bỏ ghét - Ngoài ra, chuyện chia phần ăn lắm khi cũng gây ra cãi vã gay cấn. Đúng với câu “miếng ăn là miếng tồi tàn – Mất đi một miếng lộn gan lên đầu.” Với tôi, trong một lần phụ nấu cháo buổi sáng, sau khi hít một bi thuốc lào lúc bụng còn đói, tôi xây xẩm, xém chúi đầu vào chảo đang sôi, may có bạn bên cạnh chụp lại kịp. Hú hồn!

    Cũng tại trại tù Long Khánh này, sau lần gặt hái thành quả lao động đầu tiên do tù cải tạo làm ra, phần lớn các sản phẩm như bắp, khoai lang, khoai mì bị giao nộp cho bên trên. Để sau đó, trước thời gian Miền Nam bị đổi tiền, có hiện tượng một bà ốm nhom, dáng người khổ cực, mời chào đoàn tù trên đường lao động mua khoai lang, khoai mì, bắp luộc. Nhờ có một lần bắt gặp ông thượng tá của trung đoàn lính đang cai quản trại tù đến to nhỏ với bà, tỏ ý ngăn cản việc buôn bán, bà ta đứng dậy, ngang nhiên lớn tiếng chửi vào mặt ông với một giọng Bắc the thé, rất nhà quê, khiến ông ta bẽ mặt bỏ đi, bấy giờ chúng tôi mới biết bà ấy là vợ ông.

    Sau lần chuyển trại ban đêm, từ Xuân Lộc đến Trảng Táo, tôi lại may mắn sống chung trong tổ gồm 5 bạn tù mới, là dược sĩ Lâm Văn Trác, hai nha sĩ cùng một lớp là Hà Tô và Lộc, một nhà giáo là anh Ba Trí, và tôi. Bốn người kia thuộc Bộ Binh, tôi lại của Nhảy Dù. Nhìn quanh cả đội tôi là đứa “ác ôn” nhất. Nhưng không vì thế mà các bạn ấy “né” hay lạnh nhạt với tôi. Ngược lại, theo thời gian, chúng tôi có với nhau một liên hệ rất mật thiết, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, người này sẵn sàng choàng qua làm giùm công việc cho người khác, nấu nướng cho nhau, chia nhau chút thực phẩm hiếm quý do gia đình mang đến. Tình đồng đội, nghĩa bạn hữu trong cảnh tù đày cho chúng tôi thêm sức sống và nghị lực nín thở qua sông chờ ngày đoàn tụ gia đình.

    Một nhóm tiên phong 50 người tù chuyển từ Xuân Lộc đến Trảng Táo đầu tiên, để chuẩn bị cho đại quân tù đến sau từ những trại tù khác. Nhóm được giao phó nhiệm vụ chặt cây, cắt tranh dựng nhiều nhà ngủ lớn, nhà họp với sức chứa trên cả trăm người, cùng lúc phải đào giếng tìm nguồn nước uống và tắm cho toàn trại. Có lẽ do thân hình thấp nhỏ và có “ngón”, tôi được anh em chỉ định vào toán 4 bạn chuyên đào giếng. Cái khó làm sao tìm đúng chỗ có nước để đào giếng?? Tôi quyết định đào những nơi có nhiều cây cỏ xanh tốt, nghĩ bên dưới có mạch nước ngầm. Thông thường ít nhất phải đào sâu trên 5 thước mới bắt đầu có nước. Nhưng đất ở đây là đất núi. Ui chao ơi là khó!! Phải đẽo, phải đục, phải đập. Phải xắn, phải nạo, phải bươi, phải cuốc, phải xúc, đồng thời phải giữ miệng giếng phải tròn, thành giếng phải thẳng và có chỗ cho chân bám vào khi đào sâu dần. Đất đá đào chừng nào phải cho vào thùng có người ở trên kéo lên. Có khi đào được ¾ đường bỗng gặp phải 1 tảng đá to tổ bố nằm ngang chặng đường. Thế đành phải bỏ dở công trình và phải vùi lấp miệng giếng cho an toàn, tránh chuyện bạn tù rớt vào giếng trong đêm tối. Càng đào xuống sâu càng nguy hiểm vì đất đá có thể rớt trên đầu mình hay bị trụt đất, nên tôi thường phải chụp lên đầu một cái nồi do bạn tù làm. Có lần sợ đến đứng tim khi đang còn nạo, vét đáy giếng cho bằng phẳng với mức nước ngang cổ chân, thình lình một con rắn từ trên bỗng rớt xuống, khiến tôi hoảng hồn vừa la vừa leo nhanh lên miệng giếng. Số giếng do nhóm chúng tôi ra công đào có lẽ lên đến cả 10 cái. Cái thích của đào giếng là làm việc một mình khi đào xuống sâu, cảm nhận không khí ẩm và mát lạnh, và tiếng nói của mình hay tiếng hát nghêu ngao của mình vang dội nghe có vẻ huyền bí.

    Sau những tháng lao động dồn dập, vào một ngày cuối tuần của hè năm 1976, tôi được gọi lên gặp thân nhân. Ngạc nhiên hết sức vì đó là anh thứ ba của tôi. Anh Vĩnh Anh du học Canada năm 1962 qua chương trình Plan Colombo, về sau hoạt động và hăng say sinh hoạt trong tổ chức Trí Thức Việt Kiều Yêu Nước tại Montreal, ra mặt chống đối chính phủ VNCH, đất nước đã giúp anh đi du học và thành đạt. Đây là chuyến đầu tiên từ ngày du học, anh trở về thăm gia đình, và được cấp giấy phép đến thăm tôi ở trại tù.

    Cùng đi với anh có Măng tôi và vợ tôi. Câu chuyện không có gì mặn nồng cho lắm, có thể vì tôi chỉ muốn chú trọng đến vợ tôi nhiều hơn; tôi hỏi anh có giữ ý định về phục vụ đất nước như anh từng mong muốn. Anh thẳng thắn trả lời “đang còn trong nước, anh rất khó có quyết định khách quan để trả lời. Anh sẽ cho biết sau khi về lại Canada, nếu anh không xin vào quốc tịch Canada, tức phải hiểu rõ anh sẽ về nước phục vụ”. Thế nhưng, chưa đến nửa năm sau, trong một thư gởi cho tôi, Măng tôi cho biết anh ấy đã quyết định ở lại Canada sau khi nhập tịch Canada. Phải chăng cảnh tù đày của thằng em, phải chăng sư so sánh hình ảnh của một Miền Nam VN trù phú sung túc và hạnh phúc trước khi anh du học với sự thật phũ phàng hiện tại không thể che dấu cái nghèo đói, cái trắng tay, nỗi ám ảnh sợ hãi mà anh nay chứng kiến trong một đất nước được thống trị bằng bạo lực, khi anh ở Sài Gòn, ra Đà Nẵng thăm anh mình, về Huế thăm bà con bên nội và mộ phần Ba tôi và của đại gia đình, đã ảnh hưởng lên quyết định của anh tôi chăng?

    Khách thăm của tôi được các bạn tù cùng đội 5 người chào đón bằng một bữa cơm trưa sang trọng và ngon nhất từ trước đến nay của lũ tù chúng tôi: cơm độn với bắp, rau lang luộc chấm nước muối, thịt kho mặn có lẽ từ gia đình một bạn nào đó, canh bí đỏ và tráng miệng với chuối. Thật quý hóa! Thật tình cảm! Giờ nhớ lại mà lòng tôi vẫn chứa chan cảm xúc. Thế mới biết tình bạn trong cảnh khổ cực với nhau đôi khi đáng trân quý hơn tình anh em trong gia đình.

    Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng cùng một nỗi đau chung, không chỉ sống với nhau trong cảnh tù đày chúng tôi mới biết thân thiết, đùm bọc nhau mà chúng tôi còn nhận bao tình thương của tha nhân những khi lao động bên ngoài. Những ánh mắt xót xa đầy thiện cảm và chia sẻ của người dân, những gói bánh cốm, bánh mì, bánh bông lan, bao mì gói, kẹo đậu phụng, kẹo chuối… của bá tánh trên xe lửa quăng xuống cho tù cải tạo. Có một lần, tổ chúng tôi nhận được cả chục cây cà rem khi đang còn ì ạch gánh tranh cạnh con đường sắt. Phải nói là thần tiên khi mút được cây cà rem mát lạnh giữa nắng trưa trong lúc người ướt thấm mồ hôi. Tình thương ấy giúp chúng tôi cảm thấy không bị bỏ rơi, không bị mặc cảm trong sự chà đạp cùng cực của kẻ đóng vai chiến thắng. Tình thương ấy đã vực chúng tôi dậy, giúp chúng tôi có niềm tin, trở thành mạnh mẽ đủ để vượt qua những khổ đau thể xác, những kiệt quệ tinh thần. Chúng tôi có thể trầm cảm, trở nên khùng điên…, nhưng không bao giờ chấp nhận sự khuất phục.

    Đi tập trung với hành trang đủ cho 7 ngày, để rồi không biết đi về đâu và không biết ngày về, ngoài chuyện thương nhớ gia đình, lo âu cho vợ con không biết xoay sở trong cuộc sống mới, nỗi sợ hãi tận cùng của mọi người cùng hoàn cảnh là bị lãng quên, bỏ rơi, phụ bạc theo thời gian. Khi niềm hy vọng đoàn tụ quá mơ hồ, những bạn tù được thân nhân lén tìm thăm, tiếp tế, là những kẻ hạnh phúc nhất đời, vì biết mình còn được yêu thương. Trở thành vợ chồng chỉ 3 ngày sau khi mất nước, em đã nhiều lần tìm cách đến thăm tôi khi tôi đi tù. Lần đầu tiên sau Tết 1976 khi tôi còn trong trại L19T9, em đã nhiều lần theo chân vợ của Hoàng Văn Tân đến Xuân Lộc, đứng cầu may chờ tìm chồng, thay vì trong đám ba quân, thì nay trong đám tù trên đường đến lao động tại khu rừng cao su. Và thật diệu kỳ trong một buổi sáng có mưa nhẹ, tôi nhìn thấy em co ro đứng bên kia đường. Thế là em cùng với chị Tân bám theo sau đoàn tù một khoảng khá xa. Khi anh em tù được phân phối vào rừng đốn cây làm củi, hai người vợ tù cũng nhanh nhẹn và kín đáo tìm đến nơi hai người chồng đang lao động. Mỗi cặp trải poncho giữa đám cỏ cao khuất lấp tầm nhìn, chỗ này cách chỗ kia chừng hai, ba chục thước. Thật là tuyệt diệu khi em và tôi có nhau trong khung cảnh lãng mạn tình tứ này, dưới tàng cây cao su với những giọt mưa rơi nhẹ xuống trên thân thể chúng mình, như một hòa hợp tình tự cùng với nước mắt của hạnh phúc lẫn chua xót. Trong niềm hoan lạc, tôi nhìn ngắm em cài áo làm duyên. Những giây phút thần tiên không một ngỡ ngàng này cho tôi ý chí và sức sống, tiếp tục nở hoa trong suốt tháng năm mòn mỏi đợi chờ nhau. Em đã cho tôi tình yêu và hy vọng.

    Tại Trảng Táo, có lần nàng tìm cách nhắn lén để hẹn tôi, nhưng liên lạc không đến đúng người, đúng lúc. Như chuyện thiên định, tôi tình cờ đứng chơi trên sân ga Trảng Táo, dù chỉ trong một khoảnh khắc khi chuyến xe lửa chạy ngang, dưới ánh sáng vàng rực của cuối ngày, chúng tôi nhìn thấy nhau trong tích tắc, kẻ ở trên tàu, người dưới đất, khoảng cách không xa nhưng tưởng như vạn dặm. Tôi la lớn, gọi tên em, và xoay người vội vã chạy theo con tàu. Em chồm hẳn thân hình ra phía bên ngoài, tay nắm chặt song sắt, đôi mắt mở lớn mừng rỡ như muốn thu nhận tất cả hình ảnh của chồng. Tôi đau đớn nhìn thấy em gầy gò. Đôi mắt của em, ôi con mắt đã từng nhốt hồn tôi vào trong đó, vẫn còn nét tinh anh trong sáng và đoan trang của ngày nào. Tôi bỗng cảm thấy thân hình mình nhẹ hẫng như được đôi tay thiên thần nâng đẩy, tim tôi như ngừng đập trong đê mê, bước chân tôi như đang chạy trên mây, tay tôi rộng với về nàng như thể muốn níu ôm lấy em vào lòng. Tất cả xung quanh tôi như chậm lại, mơ hồ. Cả hai chúng tôi tròn mắt nhìn nhau trong vô tận. Chỉ có em và tôi hiện hữu trong khoảnh khắc thần tiên này. Qua ánh nhìn, em gởi đến tôi thông điệp, “Anh an tâm. Mọi việc ở nhà bình yên. Em yêu anh. Anh phải sống. Em sẽ chờ đợi với tất cả lòng thủy chung.”

    Có lẽ tôi đã chạy theo con tàu chừng mấy mươi bước, tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, rồi tôi thấy mình dừng lại. Đứng yên tại chỗ để nhìn nàng được rõ hơn khi con tàu từ từ đưa nàng xa dần tôi. Dù con mắt có đuôi, dù cái nhìn kéo dài đầy nuối tiếc, rồi cũng đến lúc mờ khuất bóng nhau. Tôi muốn em biết tôi yêu em đến chừng nào, tôi ước mong có cánh để bay đến bên em, ôm chặt vào lòng, truyền cho nhau sức sống. Như hiểu tôi sắp oà khóc vì quá xúc động, nàng thoáng nhẹ lắc đầu, ánh nhìn thầm nhắc nhở dặn dò đừng bao giờ bày tỏ sự yếu đuối trước kẻ hành hạ mình. Em đã cho tôi nguồn hy vọng. Sự tình cờ may mắn thấy mặt nhau hôm nay nói lên được định mệnh ràng buộc giữa chúng tôi, làm chúng tôi càng thêm gắn bó. Chỉ một lần nhìn thấy nhau trong đớn đau là cả một ghi nhận nghìn năm không phai.

    Sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, tôi tìm đến làm quen với ông Ba, người có cảm tình với tù cải tạo và chủ một căn nhà tranh cách trại tù tôi khoảng 5 cây số băng rừng. Một dịp thuận tiện, tôi nhờ ông mang lá thư viết tay của tôi đến giao cho vợ tôi tại Sài Gòn, và cố gắng sắp xếp mang vợ tôi về nhà ông cho chúng tôi gặp nhau. Trong thư tôi có ghi rõ vợ tôi sẽ bồi đáp 50 đồng cho bác Ba. Đúng một tuần sau, ông Ba kín đáo nhắn cho tôi rằng vợ tôi hiện có mặt tại nhà ông. Nhận tin, tôi nói nhỏ cho các bạn trong tổ biết để bao che cho tôi trong phần lao động và tôi phóng mình chạy nhanh đến gặp vợ mình. Quả nhiên nàng đang chờ tôi trong túp lều tranh. Chúng tôi sung sướng gặp mặt nhau, ôm nhau trong vòng tay. Bên nhau nàng và tôi xây mộng bình thường, chỉ mong sẽ có ngày chúng tôi được sống bên nhau trong căn nhà tranh đơn sơ như thế!! Tôi chạnh lòng nhìn thấy em thật gầy ốm, nên bỗng quyết định chạy ào về lại trại mình, lấy các thực phẩm dành dụm đem đến cho vợ mà quên là không gì quý giá bằng yếu tố thời gian được ở cạnh nhau! Tôi may mắn chạy nhanh về lại trại vừa đúng lúc điểm danh, lẻn kịp đứng vào hàng, áo quần ướt nhẹp vì mồ hôi và hồi hộp. Thằng đội trưởng, có tên cúng cơm là Phước “rắn” vì tài bắt rắn của y và công làm antenne, chưng hửng vì nó phong phanh nghe có người lén rời trại nên quyết chí bắt cho được, ra lệnh điểm danh sớm hơn mọi ngày. Hú vía!

    Khoảng mấy tháng cuối ở Trảng Táo, không hiểu vì sao tôi được anh quản giáo cao lớn, người Nùng tên Thân, giao làm một công việc lạ: chăm sóc vườn hoa màu của nhóm quản giáo ở với nhau trong một khu cách xa lán của trại tù, có rào xung quanh. Thế là ngày nào cũng như ngày đó, tôi vào vườn khoảng 8 giờ sáng làm việc cho đến 12 giờ trưa, về ăn trưa rồi trở lại làm việc cho đến 3 giờ chiều. Sau đó trở về lo bữa ăn tối cho tổ 5 đứa. Công việc vườn bao gồm tưới nước (từ giếng mình đào gần cạnh nhà quản giáo), bắt sâu, tỉa cây lá, nhổ cỏ dại, thu hoạch lần lượt những trái mướp ngọt (người Bắc không ăn mướp đắng), bầu, bí đỏ, những trái đậu, đậu bắp, rau muống, rau đay, cà chua, cà pháo, cà tím, su le, rau xanh, ớt… bỏ vào từng giỏ để trước nhà cho họ. Với những trái già tôi xắt nhỏ làm phân bón, chứ không thèm đem về cho tổ mình. Tuy nhiên họ cho phép tôi hái những đọt bí, hoa bí hoa bầu về tổ để cải thiện bữa ăn. Rõ ràng đây là một công việc quá nhẹ so với lao động bên ngoài, vì các bạn tù của tôi vẫn tiếp tục đi xa bên ngoài cắt tranh, chặt tre, chặt cây lớn cây nhỏ, rồi đốt hết để biến rừng thành những vùng trồng bắp – thật là một phí phạm tài nguyên, tôi thầm nghĩ - Tôi mường tượng như mình có được chiếu cố, đơn thuần một đặc ân hay dấu hiệu tôi sẽ sớm được thả về nhà. Nhất là khi anh quản giáo ấy nói với tôi: “Tôi về thăm nhà chừng một tháng. Rất hy vọng khi tôi về lại sẽ không còn gặp anh ở đây nữa!?” Cái lạ là không một bạn tù nào to nhỏ cho tôi là antenne. Ngược lại, các bạn xáp gần tôi, hỏi han, nghĩ rằng tôi lên trên ấy giúp các quản giáo sắp xếp hồ sơ, làm bản danh sách người về, người ở lại hay lại bị đưa đi trại khác. Tôi thường chỉ biết cười trừ. Đôi khi có vài bạn tù lớn tuổi rất nghiêm trang hỏi một cách căng thẳng về tình trạng của mình có sớm được cho về hay không. Tôi phải đành trả lời chung chung, “tôi đi đâu có anh theo đó”. Vậy là ai cũng vui hẳn và lên tinh thần.

    Cùng thời gian đó, trại ra lệnh tất cả chúng tôi làm nhà nghỉ lớn, chia thành mười ngăn, mỗi ngăn có giường ngủ đủ cho 2 người và một cái bàn, hầu hết các vật dụng đều làm từ tre, để đón tiếp thân nhân đến ở lại đêm. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ một cách mau chóng. BS. Tôn Thất Sơn, một đàn anh của tôi và là người đầu tiên của Y Khoa Huế trở thành một Y sĩ Đại úy Nhảy Dù sau trận Hạ Lào 1971, một người rất được anh em trong trại tù nể nang, và tôi, cùng có tên trong danh sách đầu tiên được người nhà lên thăm. Hai ngăn lại sát cạnh nhau, có chung một vách tường mỏng bằng tre đan. Có lẽ cả đêm chúng tôi đều rất khó ngủ vì nghe tiếng rên rỉ tội nghiệp của những chiếc giường tre, tiếng to nhỏ thủ thỉ giữa vợ chồng… Các bạn trong tổ của tôi thay phiên nhau đem đồ bồi dưỡng lên tận phòng, nào chè, nào cháo ăn khuya, cơm chiên buổi sáng với cà phê bít tất. Khi vợ ra về sáng ngày hôm sau, tôi tự cho phép mình ngủ bù nguyên ngày. Ái da! Và sau này nghe vợ tôi thì ngủ gục trên chuyến xe lam về lại thành phố, dưới nhiều ánh nhìn ái ngại, tội nghiệp của các chị lớn tuổi hơn ngồi cùng xe.

    Gần 2 tháng sau vụ thăm chồng, chừng 40 người có tên trong danh sách được thả về - trong đó có anh Tôn Thất Sơn và tôi - Trong đêm, nhiều bạn tù đến chung vui với tôi. Bốn bạn của tổ tôi vừa mừng cho bạn mình vừa tủi thân, tâm sự với nhau cả đêm không hết chuyện. Anh Ba Trí kín đáo nhờ tôi đem về cho gia đình anh một lá thư trong một phong bì dán kín. Tôi nhận lời không một do dự. Sau đó một anh tù lớn tuổi hơn tôi khá nhiều, đến năn nỉ rất tội nghiệp nên tôi cũng nhận thư của anh luôn. Trong đêm, tôi đọc kinh cám ơn Chúa và Đức Mẹ, xin cho tôi được bình an về đến nhà, và không quên cầu nguyện cho tôi không bị trắc trở nguy hiểm vì 2 lá thư này. Hành trang ra về của tôi rất đơn sơ, gồm cái ba lô nhẹ hều, cái mũ rộng vành, cây đờn guitar tự làm, và một đôi giày bata rách nát, bẩn thỉu. Mọi thứ còn lại tôi chia cho các bạn, kể luôn cả đôi giày quân đội của Mỹ, poncho, võng nylon, bidon nước và mấy lon guigoz với đồ ăn khô trong đó.

    Năm giờ chiều, ngày 24 tháng 8, 1976, những người có tên trong danh sách ra về được tập họp trước sân nghe quản giáo lên lớp, căn dặn làm tốt bổn phận khi về đến nhà, khai báo với công an phường khóm, ghi danh lao động và tự động xin đi kinh tế mới. Mỗi chúng tôi được phát cho tờ giấy Quyết Định Thả. Cuối cùng, anh quản giáo lên tiếng “chúng tôi biết một số các anh có nhận những lá thư của bạn nhờ mang về nhà cho họ. Nếu các anh tự giác bỏ các lá thư đó trước mặt mình, chúng tôi vẫn để cho các anh về và hứa sẽ không bắt phạt các người gởi thư lén. Đừng để chúng tôi lục soát và tìm thấy. Lúc đó chúng tôi sẽ giữ các anh lại trong trại và hủy lệnh cho các anh về.” Sau một im lặng tuyệt đối, có 4-5 người từ từ móc các lá thư trong áo quần để xuống đất. Tôi vẫn bình tĩnh đứng yên trong không khí ngột ngạt dưới cơn nắng cháy da. Vẫn với 2 lá thư nằm ép dưới chiếc tất mang trong giày. Mấy phút sau, anh quản giáo đi một vòng lượm các lá thư, rồi ra lệnh cho các bạn tù vừa thành thật bỏ các lá thư đứng ra một bên, phần còn lại sánh vai bước đi ra khỏi trại, hướng về phía nhà ga Trảng Táo. Đi một khoảng khá xa, tôi mới nhẹ nhõm thở thoải mái, với bước chân như đi trên nhung lụa. Cổng trại tù đóng lại sau lưng.

    Đến nhà ga, mới biết không còn chuyến xe lửa nào về Sài Gòn, phải chờ đến sáng mai. Vậy là mọi người đi tìm chỗ ngủ qua đêm. Trải tạm mấy cái áo quần cũ xuống một khoảng đất còn nóng hổi, tôi nằm đó, ngắm nhìn trời đang dần tàn. Đang mơ màng, tôi bỗng nhìn thấy thằng Phước “rắn”. Tôi đứng dậy, chạy đến gần nó, vừa la hét văng tục kể tội nó vừa vung tay định quyết chiến với nó. Nhiều bạn tù chạy lại, kẻ đổ thêm dầu, người can gián, trong đó có anh Tôn Thất Sơn. Vì anh Sơn vốn là đàn anh trong Quân Y Nhảy Dù nên tôi nguội lại, nhưng vẫn nhất quyết đuổi hắn ta đi ngủ xa ra khỏi nhóm chúng tôi. Biết thân phận, nó bỏ đi nằm khuất đâu đó.

    Trên chuyến xe lửa về Sài Gòn ngày hôm sau, một lần nữa chúng tôi cảm động đón nhận những thức ăn đưa đến tận tay từ những người xa lạ nhưng có cử chỉ thân thiện và ánh mắt bao dung. Ngay cả anh xe ôm chở tôi về nhà cũng chỉ lấy chút tiền tượng trưng. Đứng ở balcon nhìn xuống, em là người đầu tiên thấy tôi về. Vợ tôi từ trên lầu ba chạy bay xuống đón. Xúc động trong niềm hạnh phúc gặp lại, tôi lúng túng chạm vào ống bô xe nóng hổi lúc cúi người xuống xách đồ nên bị phỏng nặng một bên cánh tay.

    Một giai đoạn mới đang mở ra, với những thử thách khó khăn mới, những thích nghi trong một xã hội xô bồ, nghèo đói và ngược ngạo.



    PHẦN II. TÙ CHÍ HÒA



    Về nhà, tôi mới biết trong thời gian tôi đi tù, có người quen xưa là “dì” Bích Hà, con gái đầu của “bác” Đặng Thái Mai, đồng thời là người vợ sau của ông Võ Nguyên Giáp, đến tận nhà thăm Măng tôi hai lần, do hỏi thăm địa chỉ từ ngoài trường Đồng Khánh. Ba tôi và ông Đặng Thái Mai từng là bạn học với nhau ở Hà Nội trong thập niên 20. Có thể nhờ hai cuộc viếng thăm đặc biệt này, cộng thêm với người chồng mới cưới của một trong hai chị sinh đôi của tôi còn lại tại Việt Nam – anh ta là một cán bộ giảng dạy tại trường Mỹ Thuật Gia Định – các anh công an khu vực có phần nương tay với ngôi nhà của Măng tôi trong cư xá Bắc Hải; đến khi đi tù về, tôi cũng không bị làm khó dễ, nhất là Măng tôi rất biết điều, thường xuyên biếu 5, 10 đồng khi các anh ghé thăm.

    Tôi muốn tạo cơ hội đến gần để tìm hiểu người anh rể mới nên tôi đề nghị anh dạy tiếng Nga cho tôi, vì (theo lời kể) anh từng được gởi qua Liên Xô học mỹ thuật trong 3 năm. Sau nhiều lần từ chối không được, cuối cùng anh thành thật cho biết tất cả sinh viên Miền Bắc du học Nga bắt buộc phải học qua người thông dịch – có nghĩa là chính các sinh viên không có đủ trình độ ngoại ngữ tiếng Nga để nghe, hiểu và học trực tiếp từ thầy dạy người Nga. Cái may mắn của sinh viên là có người thông dịch giỏi, có lương tâm, hiện diện thường trực tại các giảng đường, nhưng chuyện này rất ít xẩy ra. Tôi quá ngạc nhiên, cho anh biết tất cả các du học sinh của Miền Nam, tự túc hay được học bổng, hay từ gốc quân đội, đều phải hiểu và nói trôi chảy lưu loát sinh ngữ của nước mình sẽ du học. Anh ta còn cho tôi biết thêm một ví dụ chính xác về du học. Như sau: nước Tiệp Khắc muốn tặng cho Miền Bắc một nhà máy có 200 người làm việc, từ kỹ sư đến chuyên viên, nhân công. Miền Bắc tuyển chọn đúng 200 người theo đúng vị trí phân phối như vậy và ráp vào làm việc bên cạnh các đồng nghiệp người Tiệp, không cần phải biết nói, tiếng Tiệp Khắc. Sau khi nhà máy được xây dựng xong tại Miền Bắc, 200 người trở về nước và cứ thế “copycat” làm việc theo đúng cách thức từng nhìn thấy trước đây tại Tiệp Khắc. Nghe xong, tôi xin chào thua!!!

    Vụ hỏi thăm sức khỏe thằng Phước “rắn” tưởng xong rồi, không ngờ trại cải tạo gởi hai anh quản giáo xuống tận nhà tìm tôi, muốn biết câu chuyện thực hư ra sao. May nhờ hôm ấy tôi không có nhà, lại có anh công an khu vực thêm lời che chở này nọ, nên họ đi về, không làm khó dễ. Về nhà nghe Măng tôi kể lại, tôi cũng hết hồn. May mà chưa thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nó!! Vào lại tù như chơi!!

    Trong những ngày đầu tiên, tuần đầu tiên về lại nhà, ngoài hâm nóng tình yêu vợ chồng, chúng tôi đèo nhau trên xe đạp rong chơi khắp Sài Gòn, nhìn thế thái dân tình, những nhóm người rách rưới lang thang vô định hay túm chùm tại các góc đường, cảnh xuống cấp của các khu phố, khu thương mãi, đâu đâu cũng tràn ngập những biểu ngữ sắt máu… Sài Gòn nay mất hẳn sự sầm uất, thịnh vượng và hoa lệ. Chúng tôi không quên rủ nhau lai rai đi ăn vặt, ngồi xe đò lên Thủ Đức thăm đại gia đình bên ngoại của vợ, hay đến tìm gặp các bạn tôi của một thời từng vừa học vừa chơi vừa phá khi còn sinh viên hay khi tại ngũ, là Hoàng Ngọc Vinh (Thiết Giáp), Bùi Cao Đẳng (Nhảy Dù), Lê Quang Tiến (Nhảy Dù), cùng nhau nối lại tình thân. Mới biết trong các bạn, tôi là người được thả về sau cùng. Tôi cũng không quên nhờ em vợ giao 2 lá thư mang về từ trại tù cho gia đình anh Ba Trí và anh kia.

    Các bạn cùng tổ với tôi trong trại tù cũng lần lượt được thả ra. Tôi gặp lại anh chị Trác, và Lộc. Qua chuyện trò, tôi được cho biết khi nhóm tù đầu tiên được cho về, bị “dụ” phải bỏ thư ra, anh Ba Trí điếng cả người vì trong thư nhờ tôi đưa tay, anh bàn chuyện với vợ về chuyến vượt biên đang chờ anh về ráp vào là đi ngay. Anh đã không hết lời cảm phục tính khí khái của tôi giữ lời giúp anh đến cùng. Trong khi đó, sau khi nghe qua câu chuyện, dù tán đồng với quyết định của tôi, nàng vẫn phán một câu xanh dờn “Anh coi bạn trọng hơn gia đình. Nếu chúng bắt được cái thư thì anh còn ngồi tù mục xương.” Xin bạn đọc cho lời bàn nhé.

    Sau đó, Lộc cho biết gia đình anh Ba Trí đã ra đi. Từ đó tôi chưa bao giờ nhận được tin tức của anh và cả của Hà Tô. Cầu mong cho gia đình hai anh Ba Trí và Hà Tô đến nơi bình an. Năm 1978, người nhà của Lộc, là bạn tù thân nhất của tôi trong tổ 5 người, báo tin Lộc bị chết đuối khi công tác với Đoàn Thanh Niên Xung Phong tại Miền Tây. Thật đau đớn và xót xa! Chúng tôi có ghé thăm gia đình cha mẹ Lộc nhiều lần. Về sau khi ở Mỹ, thỉnh thoảng chúng tôi có gởi chút quà đến cha mẹ Lộc, cho đến khi ông bà qua đời trong gần cuối thập niên 80.

    Một ngày đang chở vợ bằng xe đạp về thăm nhà ở đường Cao Thắng, tôi gặp người bạn đồng khóa tại Y khoa Huế. Dương Đình Công và tôi khá là thân; chúng tôi từng học chung với nhau, phụ nhau chụp slices trong bộ Atlas of Anatomy mượn từ thư viện Y khoa Sài Gòn trong thời gian chúng tôi dời vào học tại đây sau Mậu Thân, để làm tài liệu giảng dạy sau này cho trường Y khoa Huế. Ngoài ra, chúng tôi cùng sinh hoạt chung trong nhóm Thanh Niên Thiện Chí tại Huế. Chẳng bao giờ thắc mắc anh không vào trưng tập dù anh là con đầu của một gia đình nhiều em trai. Tôi không ngờ sau 1975, anh làm việc trong Sở Y Tế Sài Gòn. Sau khi hai đứa vui vẻ mi tau chào hỏi nhau, và khi biết tôi chưa có việc làm, anh dặn tôi ngày mai ghé đến tìm anh ở Sở Y Tế. Ngày hôm sau tại phòng làm việc, anh thân ái đưa tôi giấy giới thiệu đến làm việc tại Bệnh viện Trưng Vương. Sự giúp đỡ vô vụ lợi và đúng lúc của anh khiến tôi cảm thấy cái gì cũng có nguyên nhân, cái gì cũng có bàn tay của Chúa an bài.

    Sáu tháng làm việc ở bệnh viện Trưng Vương, tôi được chỉ định làm việc trong một phòng Nội Thương có khoảng 30 giường bệnh, người trưởng khoa là một bác sĩ tốt nghiệp Hà Nội, lùn tủn mà lại răng hô, nói lí nhí trong miệng có lẽ do thiếu tự tin. Phòng Nội Thương thứ hai có trưởng phòng là một nữ bác sĩ, nghe đâu tu nghiệp từ Tiệp Khắc, và bác sĩ Lê Vân Cương, tốt nghiệp trước tôi vài năm từ Y khoa Sài Gòn. Anh Cương là một con người rất dễ mến, lưu loát và rất giỏi về chuyên môn, chiếm lấy sự kính phục của đồng nghiệp và bệnh nhân. Bấy giờ tôi mới biết thế nào là giao ban, thế nào là hội chẩn – mà đa số được xem như một hình thức bán cái, phủi trách nhiệm cá nhân dựa trên ý kiến của tập thể. Theo lệnh, tôi chuyển hộ khẩu của mình từ nhà vào bệnh viện, nên mới hiểu thêm chế độ tiêu chuẩn, như 12 kí gạo và thỉnh thoảng được chia thêm các thứ lặt vặt khác như đường, thịt, cá, đồ tươi, bột ngọt, rau xanh… do các cô y tá lấy giùm, tôi khỏi sắp hàng chầu chực. Trong cùng thời gian, vợ tôi đang mang thai, và chúng tôi đang bàn tính vượt biên, nên tôi rất tránh né va chạm, ngay cả khi nhìn cách ông bác sĩ trưởng phòng loay hoay chữa bệnh và lúng túng trong sử dụng thuốc mới vì các dữ liệu kèm theo toàn viết bằng tiếng ngoại quốc, do cơ quan y tế quốc tế viện trợ; tôi chỉ chú trọng làm tốt, làm đúng khả năng chuyên môn của mình đối với bệnh nhân.

    Khi nhạc gia của tôi được thả về từ trại tù ngoài Bắc vì sức khỏe quá yếu với nhiều chứng bệnh, tôi đưa ông cụ vào nằm trong bệnh viện Trưng Vương gần hai tuần, vừa khám tổng quát để chữa trị, vừa bồi dưỡng sức khỏe vừa tìm cho ông cụ một chứng bệnh kinh niên khả dĩ giúp ông cụ tránh bị bắt đi kinh tế mới. Thấy các cô y tá ào ào “tấn công”, nói chuyện vui vẻ với tôi, ông cụ ái ngại cho con gái. Vui thật! Khi xuất viện tôi ký cho ông cụ một giấy chứng nhận bị bệnh lao phổi với những căn dặn: tiếp tục uống thuốc, tái khám hàng tháng, cấm lao động nặng, bồi dưỡng…

    Trong một lần từ Đà Nẵng vào Sài Gòn thăm, anh đầu Vĩnh Toàn gặp tôi, rủ và chở tôi đến nhà người bạn của anh. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, kể từ tháng 10 năm 1974. Trong suốt thời gian thằng tôi đi tù, anh không hề liên lạc. Có lẽ sự khác biệt chính kiến kèm theo án tù cải tạo đã tách rời con đường chúng tôi đi và làm tẻ lạnh tình máu mủ. Tôi không ngờ người anh đến thăm là linh mục Phan Khắc Từ. Tại đó tôi cũng gặp luôn cả linh mục Nguyễn Ngọc Lan và một người đàn bà được giới thiệu là vợ của cha Từ, vốn là một bà sơ trước đây. Họ ăn nói cười giỡn lung tung, tôi ngồi im lặng, trong lòng chán chường. Tôi vẫn tự hỏi: anh tôi muốn gì khi đem tôi đến gặp các ông cha đó, vì với tôi, không những họ có tội với Miền Nam khi họ núp bóng dưới áo dòng tu để xách động quần chúng chống chính quyền và làm lợi cho CS, mà họ còn làm cho giáo hội Công Giáo Việt Nam bị tai tiếng. Câu trả lời duy nhất có thể thỏa mãn tôi là anh tránh né hay nghĩ không cần phải có một lời giải thích riêng cho tôi về những việc anh từng làm trong bóng tối để giúp MTGPMN, dù sau 1975 cái MTGPMN đã bị xóa sổ!?? Anh em chúng tôi không hề đề cập về chính trị vì biết nói ra chỉ làm thương tổn nhau thêm.

    Măng tôi có một người chị kế đi tập kết 1954, nay từ Hà Nội quay về sinh sống tại Sài Gòn với người con trai, vốn từng được nuôi dưỡng chung với anh em chúng tôi dưới một mái nhà. Sau khi học hết lớp Đệ Tứ, với tính tình ngang bướng, anh bỏ học, tự động tình nguyện gia nhập Không Quân VNCH, phiêu bạt giang hồ với cuộc sống biệt lập từ đó. Hai mẹ con đến nhà Măng tôi mấy lần, không phải để nối lại tình chị em mấy chục năm xa cách, mà để bắt lỗi Măng tôi, vì sao sáu đứa con Măng tôi được nuôi ăn học đàng hoàng trong khi đó con trai bà ở trong cùng nhà lại không được học đến nơi đến chốn mà phải đi lính. Có lẽ họ nghĩ Măng tôi có tiền của, như bao nhiêu gia đình Miền Nam khác, nên muốn kiếm chuyện gây khó dễ, mà chẳng hề biết Măng tôi từng mắc nợ cả mấy trăm ngàn đồng mới nuôi nổi các anh chị lớn trong nhà đi học xa. Nếu người anh họ tôi chăm chỉ đeo đuổi việc học, Măng tôi cũng lo cho anh đến nơi đến chốn như lo cho các con mình. Thôi thì cũng đến lúc tình chị em đành phải chấm dứt!

    Mấy ngày trước khi vượt biên trong tháng 7, 1978, tôi bị sốt cao, có triệu chứng của sốt xuất huyết với những chấm đỏ xuất huyết dưới da và ói mửa. Đang nằm chữa trị tại bệnh viện Trưng Vương, tôi xin xuất viện sớm, tiếp tục tỉnh dưỡng tại nhà. Chẳng qua là ngày vượt biên đang kề cận. Cùng ra đi với tôi, có vợ tôi đang mang thai hơn tám tháng và cô em gái. Nhạc gia tôi muốn khuyên can vì không những lo ngại con gái bào thai quá lớn có thể nguy hiểm trên biển, mà cũng vì thấy tôi đang còn đau ốm mặt mày xám xịt, là điềm không tốt. Nhưng tôi cứng đầu vẫn quyết chí ra đi.

    Khi nhìn chiếc thuyền, nhỏ như loại thuyền tôi từng thấy trên sông Hương của Huế dạo nào, nằm chờ gần cầu Chữ Y với cả 20 người, tôi thật sự bối rối và hoảng sợ. Nhưng anh tổ chức, là bà con của một bạn quen thân của tôi, vẫn thuyết phục được tôi bằng cách cho tôi thấy nhiều thân nhân của anh đang ở trên thuyền, kể cả ngay cả sau khi chú tài công không nổ máy tàu được. Thế lại phải kêu thợ đến sửa bloc máy. Theo lời kêu gọi, tôi còn cởi cái nhẫn cưới (điều làm Nàng cảm thấy phi lý và bất bình) trả cho thợ vì không ai trên chuyến đi chịu đóng góp, ngay cả anh tổ chức và chú tài công. Khi thuyền ra đến gần Cần Giờ, bỗng có 3, 4 chiếc thuyền nhỏ cặp sát thuyền chúng tôi, đổ thêm cả mấy chục người nữa. Anh tổ chức cũng chưng hửng, chỉ biết người tài công muốn kiếm thêm tiền. Mạn thuyền lặc lè sát mặt nước, thuyền chạy chậm thấy rõ. Ra đến biển khoảng chừng hai ba cây số, hai chiếc thuyền công an rượt theo, bắn chỉ thiên, rồi bắn mấy quả M79, nổ cách thuyền khoảng 30 thước. Thấy quá nguy hiểm và khó chạy thoát, thuyền đành ngừng và bị kéo vào bờ. Mọi người đều bị lục soát, rồi đưa về trại giam Cần Giờ.

    Hai ngày sau, vợ tôi được thả cho về cùng với cô em gái, sau khi nàng giả lên cơn đau chuyển dạ. Một tuần sau đến phiên tôi cùng nhóm vượt biên bị giải lên nhốt vào khám Chí Hòa. Trước đây, tôi từng leo lên nóc nhà mình ở EE 10 trong cư xá Bắc Hải vài lần, nhìn thấy khám Chí Hòa đồ sộ màu vàng, có tám góc với tám khu nhà. Tôi thầm tự hỏi có khi nào mình vào trong đó!? Vậy mà nay tôi ở đây, trong một phòng giam vuông vức, khoảng 10 mét ngang x 10 mét dọc, với chừng trên 40 tù nhân, hình sự lẫn chính trị. Mấy ngày đầu tiên, toán tù mới chúng tôi được anh tù trưởng phòng chỉ định chia nhau nằm ở cuối góc phòng, gần hố xí, dần dần được nhích xa hố xí khi có tù mới nhập vào phòng. Có những ngày số tù trong phòng lên đến bảy tám chục người, không khí nóng và ngột ngạt, hầu như không có đủ chỗ để đứng, ngồi, nằm và thở. Ban đêm, chúng tôi không những phải xen kẽ nằm ngược chiều nhau, mà còn phải cùng xoay người nằm ép nghiêng qua một phía khi anh tù trưởng phòng vỗ tay hai cái, rồi hai giờ sau lại cùng xoay nghiêng qua ngã bên kia. Y như hình ảnh những con cá mòi trong hộp Sumaco!

    Mỗi sáng và mỗi chiều, anh công an trưởng phòng mở cửa, bước vào điểm danh, đứng trước lằn vạch sơn màu trắng ở nền xi măng, rộng chừng bàn tay, dọc theo chiều ngang của phòng. Lũ tù được lệnh sắp hàng đứng sau lằn ranh đó, rồi đếm số. Mỗi lần như thế, tôi cúi nhìn màu trắng, nao nao nghiệm màu trắng như dấu hiệu của yếu đuối và đầu hàng, đồng thời tôi cũng cảm nhận màu trắng ấy cũng là màu tinh khiết của tình yêu vợ chồng chúng tôi hiện đang bị cách ngăn bởi nghịch cảnh.

    Được vài ngày, anh tù trưởng phòng và nhóm anh chị thân cận của anh biết tôi vốn là một bác sĩ Nhảy Dù nên họ đặc biệt đối xử tử tế, cách riêng với tôi. Chỗ ngủ của tôi được dời ngay dưới cửa sổ, thoáng mát hơn nhiều. Họ còn “biệt phái” một bạn tù trẻ lo tẩm quất cho tôi. Tôi giữ ý tránh tẩm quất nhiều, một phần vì không muốn mình bị xem cùng phe với nhóm anh chị trong phòng, mặt khác vì anh bạn trẻ đấm bóp có nhiều ghẻ lở trên thân thể, tay chân và cả mặt. Tôi may mắn không bị lây bệnh truyền nhiễm ngoài da này, dù chỉ được cho tắm và giặt áo quần một lần một tuần.

    Nằm, ngồi suốt ngày trong một phòng đóng kín, đầy chật người, không được cho ra ngoài lao động hóng ánh sáng mặt trời, chỉ nhìn được một khoảng trời qua cái cửa sổ nhỏ chút có lưới chắn, đau đớn, dằn vặt, không biết chuyện thai nghén vợ ra sao? Nàng sinh chưa? Tốt đẹp? Trai hay gái? Khi nào mình được trả tự do lần này? Trong phòng lại không có người gốc quân đội hay có trình độ cho tôi tìm đến nói chuyện, ngược lại đa số là dân anh chị giang hồ với đủ thứ tội hình sự, nên tôi co lại, trở nên chán nản, trầm cảm. Trong một thoáng nhớ tôi từng đọc kinh khi tù cải tạo, nên tôi lại cầu nguyện. Tôi thầm cảm tạ Chúa cho gia đình tôi tránh được nguy hiểm vì bị bắt giữ trước khi con thuyền mong manh vượt xa ra ngoài khơi, cho dù, để bù lại, tôi phải trả giá bằng ở tù. Ngoài ra, tôi chịu khó đi lui đi tới cả trăm lần mỗi ngày, vừa đi vừa thầm đọc kinh trong miệng. Nhờ vậy mà tôi lấy lại phần nào bình an cho mình và tinh thần dần dần trở nên vững mạnh lại.

    Để tránh khỏi suy nghĩ vẩn vơ, để giết thì giờ và đồng thời giải khuây cho mình và cho các bạn tù, tôi kể các chuyện Tàu, những đoạn hay trong bộ Nhạc Phi, Thủy Hử, Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí… chuyện đường rừng, chuyện ma, truyện kiếm hiệp Kim Dung, chuyện trong Tự Lực Văn Đoàn, những chuyện nhẹ nhàng của các tác giả ngoại quốc… Nhờ đó, tôi gây được một bầu không khí lành mạnh, sống động và thiện cảm cho cả phòng. Thường vào khoảng 9 giờ sáng, và 3 giờ chiều, các bạn tù bắt đầu ngồi tụ tập gần tôi, yêu cầu tôi kể chuyện. Vui với nhau, cười nhỏ với nhau nhưng ai cũng biết không dám vỗ tay vì sợ công an phòng vào truy hỏi.

    Chế độ ăn uống trong nhà tù Chí Hòa nói chung thua kém một vài phần so với trại tù cải tạo. Ít rau trái tươi, ít chất xanh hơn vì không có chuyện lao động bên ngoài trồng trọt để cải thiện thêm. Đến giờ ăn trưa hay chiều, có mấy tội phạm gánh thùng cơm, thùng canh và thau cá để ngay trước của phòng, anh công an mở khóa để tù trong phòng ra lấy đem vào chia nhau ăn. Cá nhỏ cá lớn kho chung, rất tanh hôi vì đa số cá bị ươn; canh rau xanh rửa không sạch nên thường có cát sạn, sâu bọ, ốc sên, gián, trùn… nằm trong nước. Thôi thì cứ nhắm mắt ăn đại cho xong bữa vì nghĩ cái gì có protein cũng tốt thôi! Vậy mà tôi chưa bao giờ bị tiêu chảy.

    Chừng ba bốn tháng trong tù, tôi quá nhớ vợ, thương cảnh vợ sinh con đầu lòng mà không có chồng bên cạnh. Qua vài ngày đắn đo suy nghĩ, tôi đánh liều xin gặp mặt làm việc với thiếu úy Thuận, công an trưởng phòng tù. Anh ta chấp nhận, có thể nghĩ là tôi muốn gặp riêng để bí mật báo cáo chuyện gì trong phòng?! Ngồi ở bàn nhỏ ngay gần trước phòng tù, tôi mở lời, nói một mách: “Vợ tôi có bầu gần sinh lúc tôi vượt biên. Hơn cả bốn tháng qua, tôi không nhận tin tức nào về chuyện sinh đẻ của vợ, tốt xấu như thế nào?? Con tôi là trai hay gái?! Nay tôi xin thiếu úy thông cảm, giúp đem cái thư tôi sẽ viết tay về nhà mẹ tôi ở gần đây, ngay trong cư xá Bắc Hải, rồi thiếu úy mang lại cho tôi thư trả lời của gia đình tôi, cùng với giỏ đồ ăn. Trong thư, tôi viết gia đình tôi sẽ bồi đáp 100 đồng để cám ơn thiếu úy. Nếu thiếu úy cho việc tôi nhờ thiếu úy giúp đỡ là sai, xin thiếu úy cứ phạt kỷ luật tôi, tôi chẳng dám than phiền. Còn không thì tôi cám ơn thiếu úy vô cùng…”. Tôi nhớ lương tháng của mình thời làm việc ở bệnh viện Trưng Vương là 55 đồng. Sau một vài phút im lặng, anh công an đứng dậy, và không một lời đưa tôi trở lại phòng. Một vài bạn tù có ánh mắt thắc mắc nhưng tôi tỉnh bơ, làm như không biết.

    Tôi có nhiều hy vọng thiếu úy Thuận sẽ giúp tôi. Nghiệm lại, nếu anh ta không bằng lòng thì anh ta đã tỏ thái độ giận dữ, la hét, còng tay tôi tại chỗ, nhốt tôi vào phòng tối. Nhưng không, anh ta giữ im lặng. Hai ngày sau, thiếu úy Thuận mở cửa phòng, kêu tôi ra làm việc. Lần này, chúng tôi bước đến cuối hành lang của dãy lầu, nơi có kê một cái bàn lớn với 4 cái ghế. Anh ra dấu cho tôi ngồi xuống ghế, đưa tôi xấp giấy và cây bút, bảo tôi viết thư, trong khi anh ta đứng xa ra, nhìn trời đất, châm điếu thuốc. Sau khi tôi viết xong, anh ta đọc lá thư trước khi đưa tôi về lại phòng. Qua ngày hôm sau, trong lúc các tù nhân sắp hàng xuống lầu đi tắm, anh thiếu úy Thuận đến gần tôi, kín đáo cho biết anh đã đem thư tôi đến nhà rồi và 2 ngày nữa anh sẽ đến lấy thư và giỏ đồ ăn đem vào cho tôi.

    Lại đúng hai ngày sau, anh công an Thuận kêu tôi ra và trao cho tôi giỏ đồ ăn khá lớn. Tôi xách giỏ vào phòng dưới ánh mắt vô cùng ngạc nhiên của mọi người. Lẳng lặng về chỗ của mình, tôi run run mở thư vợ ra đọc, ứa nước mắt nhìn tấm hình mẹ bồng khoe con gái trên tay, với hàng chữ phía sau “Gởi anh yêu tấm hình mẹ con em chụp ngày con gái chúng mình rửa tội”. Tôi xúc động nhìn khuôn mặt đoan trang với ánh mắt buồn sâu của em và con gái mình xinh đẹp, bụ bẫm, bình yên với nụ cười cho cha. Thư vợ không dài nhưng đủ cho tôi biết chút tin tức của hai gia đình bên tôi và bên nàng, ngày và tháng sinh cùng tên của con gái. Tôi úp lá thư lên mặt, như thể muốn hít hương thơm của vợ mình vào tận sâu trong lòng. Sau đó, tôi đem chia những món ăn liền cho các bạn tù, đủ mỗi người một miếng nhỏ, để chung vui với tôi nhận tin vợ con, và dành cho mình các đồ ăn khô cất lâu được. Những bạn tù ở lâu cho tôi biết chưa bao giờ họ thấy công an phòng đem thức ăn gia đình đưa tận tay cho tội phạm. Tuy nhiên họ cho biết tù được thăm nuôi mỗi sáu tháng một lần.







    Mấy ngày sau, vài bạn tù tìm đến nhờ tôi chỉ dẫn cách thức. Tôi thành thật nói sự thật. Vậy là sau tôi, có thêm 2 bạn tù khác cũng được ra làm việc riêng với thiếu úy Thuận, rồi cũng được nhận thức ăn của nhà gởi vào. Tôi không biết có nên “hãnh diện” nghĩ mình có thể là người đầu tiên sử dụng đồng tiền, đúng lúc đúng thời, để làm lung lạc người cai tù.

    Từng là tù cải tạo, tôi không mấy ngạc nhiên khi thấy cứ khoảng 2 tháng, có chuyện chuyển tù từ phòng này qua phòng nọ, với đa số là tù chính trị. Cái lạ là tôi vẫn “giậm chân tại chỗ” không dời đâu cả. Trong một lần chuyển vào phòng của tôi, có một người tù rất cao nhưng rất ốm, đeo kính trắng, dáng người thanh nhã. Hỏi ra mới biết đó là linh mục Nguyễn Văn Vàng thuộc dòng Chúa Cứu Thế. Thế là tình cảm giữa cha và con chiên từ từ gắn bó. Nhờ cha mà tôi nhận bánh thánh, dưới hình thức hột cơm, từ tay cha kín đáo trao cho tôi hầu như mỗi ngày. Trong một lần tâm sự, cha cho tôi biết cha nhìn thấy rất nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam bị giam cầm tại Chí Hòa, và cha từng bị công an cùm vào xà lim mấy lần. Cha cho biết cha cũng từng bị một tù phạm giữ chức trưởng phòng theo dõi cha sát nút, báo cáo từng hành động nhỏ của cha. Và người antenne đó không mấy xa lạ. Ngược lại, anh ta rất nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ và dân làm báo, từng viết nhiều truyện về cao bồi du đãng của Sài Gòn và bốc thơm những nhân vật giang hồ, nhất là đề cao sự trung tín trong giới anh chị này. Nhưng vào tù, hành động hèn hạ của anh ta hoàn toàn đi ngược với hình ảnh anh hùng của các nhân vật trong truyện. Lâu về sau, tôi nghe tin linh mục Vàng đã chết trong một trại tù tại vùng rừng núi hiểm trở ngoài Miền Trung.

    Sau lần đầu tiên nhận quà của gia đình, tôi lại nhờ anh công an Thuận làm thêm một lần nữa. Tuy nhiên lần thứ hai này, tôi mặc cả được số tiền bồi đáp xuống còn 50 đồng thôi!? Có thể anh có những mối khác từ những phòng kề cận hay quá cần tiền bao gái?! Sau lần thăm nuôi đầu tiên cũng là duy nhất vào khoảng tháng 2, năm 1979, là dịp vợ tôi đem theo con gái, đưa con gái lên thẳng quá đầu mình cho tôi được nhìn thấy con. Vào một ngày tháng 3, 1979, tôi được thả ra khỏi Chí Hòa. Cầm trong tay giấy “Lệnh Thả” tôi tự hỏi “Rồi sao nữa”. Con xin tạ ơn Chúa tiếp tục cứu vớt và dìu dắt đời con.



    Không có bút mực nào diễn tả cho hết sự vui mừng khi vào nhà bất thình lình, tôi ôm con gái vào trong lòng trong lúc mẹ đi làm chưa về. Hình như con biết đó là cha nên không khóc, chỉ ư e thật dễ thương. Rồi em về nhà, tôi nhảy ra ôm chặt em cùng với con gái trong tay, nước mắt sum họp chan hòa hạnh phúc. Con gái được bà Nội đặt tên trong nhà là Bồ Câu, mang ý nghĩa hòa bình trên đất nước. Tên trong giấy khai sinh là Hoài Anh. Vợ nhớ chồng không nguôi.

    Trong thời gian ở nhà, tôi hạnh phúc tập làm cha, dành phần cho con bú bình khi mẹ đi làm, pha sữa, rửa sạch bình sữa, thay tả, thay áo quần, ẳm con, ru con ngủ, chơi với con…Vui quá đi chứ! Đi đâu bây giờ luôn có cả ba, vợ và con gái ngồi sau lưng chồng trên chiếc xe đạp. Từ nhà bà Nội ra đến nhà ông bà Ngoại, Bồ Câu được thương yêu đầy đủ, nhất là được các dì cậu dành nhau bồng bế. Tôi cũng được biết khi tôi nằm tù, bạn Hoàng Ngọc Vinh của tôi bị cướp mất chiếc xe đạp khi đến thăm vợ tôi sau khi sinh. Nhóm bạn thân của tôi đang rục rịch kiếm đường đi.

    Như lần trước, bạn Dương Đình Công và tôi lại gặp nhau bất ngờ ngoài đường phố. Bạn hỏi tôi được thả về lâu mau, lời khai của tôi lúc bị bắt như thế nào. Tôi trả lời tôi khai vượt biên vì kinh tế, lương 55 đồng mỗi tháng không đủ nuôi vợ con. Bạn Công nói, “Mi chờ ở nhà, tau sẽ cho người đem tới cho mi giấy đi làm”. Hai ngày sau, có người thừa phái đạp xe đến nhà tôi đưa cho tôi giấy của Sở Y Tế thành phố giới thiệu tôi đến nhận việc tại bệnh viện Sùng Chính. Tôi chỉ biết cám ơn tình bạn giúp tôi một lần nữa vượt qua một giai đoạn khó khăn. Và tôi không quên cám ơn Chúa tiếp tục nâng đỡ tôi trong cơn bão dữ.

    Ngày 5 tháng 4, tôi đến bệnh viện Sùng Chính trình giấy giới thiệu. Ban giám đốc đưa tôi làm việc trong Khu Nội Thương # 2, phụ tá cho bác sĩ Bùi Xuân Nhiếp, trưởng phòng. Bác sĩ Nhiếp thuộc loại đàn anh, cùng lứa với anh đầu của tôi tại Y khoa Sài Gòn, tính tình rất hiền hòa. Hai anh em chúng tôi chia nhau việc làm thật hòa hợp và chu đáo. Khu Nội Thương
    Forum có 2 bác sĩ đàn anh của tôi tại Y khoa Huế, là bác sĩ Đặng Ngọc Hồ và bác sĩ Phạm Kỳ Nam. Hai bác sĩ này có vẻ rất ăn “jơ” với ban giám đốc, vì tôi thường thấy họ hay đi ăn trưa bên ngoài với anh Ba giám đốc, anh Tư trưởng ban tổ chức, anh Năm phó giám đốc… Hầu như đa số bệnh nhân khu Nội Thương Forum là người Việt gốc Hoa, có vẻ vẫn giàu có hơn bệnh nhân người Việt rất nhiều. Có lần tôi cũng nhìn thấy ca sĩ Phương Hồng Quế đến tìm thăm bác sĩ Phạm Kỳ Nam. Ông cụ của bác sĩ Nam là Cụ Chánh Nhất tại tòa án thượng thẩm Huế, bị tù cải tạo và chết ngoài Bắc, trong một trại tù với nhạc gia của tôi.

    Ngoài ra, tôi còn thấy khá nhiều bác sĩ trong bệnh viện Sùng Chính là những người tôi từng biết, quen ngoài đời hay trong tù cải tạo. Như bác sĩ Đinh Xuân Dũng, Y khoa Sài Gòn, trưởng khu giải phẫu; bác sĩ Liên, Y khoa Sài Gòn, khu bệnh nhiễm, cùng lứa trưng tập với tôi; bác sĩ Võ Văn Cầu, đàn anh của tôi từ Y khoa Huế, trưởng khu Sản Phụ Khoa, v.v...



    Tình trạng kinh tế xã hội tại Sài Gòn có vẻ thảm thương hơn nhiều so với năm trước khi tôi vào tù Chí Hòa. Ở đâu cũng thấy người bán đủ thứ nhiều hơn người mua. Chế độ thuốc men tại bệnh viện khan hiếm, buộc lòng bác sĩ chữa trị phải ký toa thuốc cho thân nhân mua thuốc ngoài chợ trời đem vào bệnh viện chữa trị cho người nhà của mình. Chụp hình quang tuyến phải xin phép ban lãnh đạo. Tại Sùng Chính, tôi được trả lương 65 đồng, tăng 10 đồng so với năm trước tại bệnh viện Trưng Vương. Không hiểu sự tăng lương cho bác sĩ có phải là một trong những cố gắng chính quyền thành phố thực hiện nhằm giữ chân các thành phần khoa học kỹ thuật vẫn đang lũ lượt liều mạng trốn bỏ khỏi nước?! Chuyện giao ban, hội chẩn, hộ khẩu, trực gác… không khác, “vũ như cẩn”. Trong một buổi trưa đạp xe về nhà ăn cơm trưa, một chiếc xe Honda chạy xẹt gần tôi, có bàn tay đập vào vai tôi, rồi xe chạy vút vượt qua mặt tôi, thằng nhỏ ngồi sau ngoái lui nhìn tôi, cười. Tôi chẳng biết chuyện gì xẩy ra. Chỉ một hai phút sau đó, tôi mới chưng hửng nhận biết chiếc đồng hồ Omega nhạc gia tôi mới tặng cho tôi sau khi tôi nhận việc làm tại Sùng Chính, đã bay mất khỏi cổ tay bên trái mình hồi nào tôi chẳng biết?! Thật là quái đản. Về nhà, vợ tôi chỉ an ủi với câu “của đi thay người đó”.

    Đúng vậy, vài tháng trước thời hạn thẻ công nhân viên bệnh viện Sùng Chính đáo hạn vào ngày 31/12/79, vợ chồng chúng tôi làm chuyến vượt biên lần thứ hai, qua ngả Rạch Giá vào tháng 9, 1979. Lần này ngoài vợ chồng chúng tôi và con gái Bồ Câu trên một năm tuổi, còn có một em gái và một em trai của vợ. Cùng trên chuyến tàu vượt biên, tôi nhìn ra nhiều người quen biết, như vợ chồng bác sĩ Võ Văn Cầu, vợ chồng gia đình bác sĩ Trần Tiễn Ngạc, bạn thân cùng khóa với tôi tại Y khoa Huế, chị vợ bác sĩ Tạ Quang Hát và các con… Tàu chúng tôi đến được Thái Lan an toàn, dù mất một người bị chết đuối và bị tàu hải tặc đuổi theo nhưng mất dấu trong đêm. Chuyện may mắn không dừng ngang đó. Sau một tháng ở trại tỵ nạn Lêm Ngọp, bỗng nhiên một tàu vượt biên chui thẳng vào ngay đúng bờ biển của trại. Trong những người bước xuống tàu có hai em trai của vợ tôi, và bác sĩ Tạ Quang Hát cũng đoàn tụ với vợ và con. Gia đình chúng tôi, gồm có vợ chồng chúng tôi và con gái, một em gái vợ và 3 em trai vợ, ghép cả 7 người vào chung một hồ sơ, lần lượt được chuyển qua trại tỵ nạn Bataan, Phi Luật Tân, rồi từ đó định cư tại Mỹ. Chúng tôi đáp xuống phi trường San Francisco vào ngày 24 tháng 7, 1980. Một ngày huy hoàng khó quên, linh thiêng như có một sự sắp xếp của định mệnh. Đó đúng là ngày kỵ giỗ của ba tôi.

    Một tương lai tươi sáng đang chào đón. Một chân trời mở rộng ra trước mắt. Cảm tạ Chúa về những ân sủng Ngài đã ban cho chúng con.

    Vĩnh Chánh
    Tháng Tư, 2022


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X