Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngày Ra Đi - Hồ D Thiện, DKSG74

Collapse
X

Ngày Ra Đi - Hồ D Thiện, DKSG74

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày Ra Đi - Hồ D Thiện, DKSG74

    Ngày Ra Đi
    (Quê Mình Quê Người, Hồi Ký #11)

    Tác giả Hồ D Thiện, DKSG74

    ---oo0oo---



    Hình minh hoạ

    Ngày này, 46 năm trước.....

    Khoảng 4 giờ chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, đằng sau kho 5 Bến Trịnh Minh Thế, Saigon…

    Tôi linh cảm dường như có một đôi Mắt Thần từ trời cao đang nhìn xuống, và ra lệnh đúng lúc… Chiếc xà lan từ từ tách bến sau khi đại gia đình bên Nga, Nga (người yêu của tôi), tôi và hai người em trai đã trèo lên được trên đó an toàn. Chỉ trừ một người, một thiếu nữ trẻ đẹp. Trong khi mọi người hăm hở chạy về hướng chiếc xà lan đang cặp bến, và cố gắng để trèo qua bức tường cát, cô ấy chậm chạp bước lui, không một lời từ giã, biến mất hút trong dòng người đang hỗn loạn trước bao cặp mắt ngẩn ngơ của gia đình. “Vĩnh biệt em, cầu xin Ơn Trên phù hộ và che chở em, để có ngày anh còn gặp lại”, tôi nhủ thầm một mình, rồi đưa tay quệt dòng nước mắt, chan hòa với mồ hôi và nước mưa đang bắt đầu rơi nặng hột. Từ đó, tôi có một cảm nhận, cô ấy là “Người” được sai đến để dẫn đường cho tôi thoát hiểm vào giờ thứ 25. Sau đó, cô ta nhứt quyết theo đuổi cái quyết định táo bạo: tìm gặp lại người yêu vẫn còn đang bị kẹt đâu đó trong quân trường Quang Trung.

    Khi có dịp, tôi sẽ viết rõ hơn về người thiếu nữ này, và những gì đã xảy ra cho tôi trong mấy ngày vừa qua. Hình như cũng cặp Mắt Thần đó đã theo tôi suốt một tuần qua, để giúp tôi vượt qua được bao lần trở ngại, và cuối cùng lên được chiếc xà lan này. Mặc dù, vẫn chưa biết nó sẽ trôi về đâu. Chỉ mới cách đây mấy ngày, trên đường từ Vũng Tàu trở lại Sài Gòn bằng xe Honda motorcycle với một người bà con bên Nga. Vừa qua khỏi Long Thành, nghe tiếng súng nổ vang trời ngay đằng sau lưng. Chúng vẫn cố chạy, chứ không có ý định tìm chổ ẩn núp. Tối hôm ấy về đến Sài Gòn, đài phát thanh loan báo đường Sài Gòn nối liền Vũng Tàu đã hoàn toàn bị cắt đứt ngang đoạn Long Thành. Đúng vào nơi chúng tôi vừa qua thì nghe nhiều tiếng súng nổ ở sau lưng. Và từ đó, đường Sài Gòn Vũng Tàu không còn giao thông được nữa cho đến sau ngày 30 tháng 4.

    Chiếc xà lan được kéo bởi một con tàu, tuy nhỏ, nhưng rất mạnh. Nó có thể kéo được chiếc xà lan to hơn nó gấp mấy lần, chở đầy người, và cả một bức tường cát bao gần hết xung quanh, chỉ chừa lại một khoảng trống nhỏ ở khúc cuối. Dĩ nhiên là không có mái. Khi mưa khi nắng, mọi người lãnh đủ những “ân huệ” của thiên nhiên… Cho đến khoảng 7 giờ thì trời bắt đầu tối. Những người ở trên xà lan, phần vừa mệt, phần vừa lo âu, không ai còn muốn nói chuyện với ai. Mặc dù vậy, vẫn nghe ồn ào vì tiếng người ở phía cuối của xà lan, đó là những người lái những ghe nhỏ đuổi theo để được leo lên xà lan, mặc dù xà lan vẫn đang di chuyển với tốc độ khá nhanh. Tiếng động cơ trục thăng vần vũ trên trời, mà sau này tôi mới biết đoàn trực thăng vẫn tiếp tục đưa người từ nhiều địa điểm khác nhau trong Saigon ra tàu chiến Mỹ thuộc Đệ Thất Hạm Đội. Cộng thêm đủ loại tiếng súng đạn từ hai bên bờ bắn ra, mà tôi không có đủ khả năng để biết được là loại súng và đạn gì. Nghe nói có cựu Tướng Tôn Thất Đính cũng đang có mặt trên chiếc xà lan này.

    Đến sáng sớm ngày 30 tháng 4, nhìn qua bức tường cát, thì thấy có vài đỉnh núi từ phía xa xa. Những người thành thạo thì bảo đó là núi Vũng Tàu. Tôi không biết đúng hay sai, chỉ thấy những ngọn núi xa dần, nhỏ dần, và mờ dần. Xà lan vẫn còn được kéo, cho đến khi những ngọn núi mất hẳn. Tôi, cũng như nhiều người, cứ yên chí là xà lan sẽ được kéo ra đến hải phận quốc tế; hoặc đến một vùng đất vẫn còn trong vòng kiểm soát của quân đội VNCH; hoặc nếu may mắn hơn, sẽ được kéo luôn qua một quốc gia lân cận nào đó để tránh một trận chiến tàn khốc vào giờ chót... Nhưng, vài giờ sau, lại thấy những đỉnh núi xuất hiện trở lại. Định thần nhìn kỹ hơn, thì biết là tàu kéo đang kéo chúng tôi trở về Vũng Tàu. Mọi người rất phân vân và lo lắng. Một lát sau, khi thấy đỉnh núi rõ ràng hơn, chiếc tàu kéo bỗng nhiên đứng hẳn lại, rút dây ra, và bỏ đi đâu mất dạng luôn. Chiếc xà lan bây giờ tự nó trôi bềnh bồng giữa biển. Xung quanh không thấy bóng dáng của một chiếc tàu hay ghe nào khác.

    Có một người nào đó, đem theo được một cái radio nhỏ. Bắt được làn sóng, cho biết tân TT Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và yêu cầu binh sĩ bỏ súng. Ông Dương Văn Minh và nội các đang ở Dinh Độc Lập, chờ để bàn giao cho phe bên kia. Thôi rồi. C’est fini! Không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho chiếc xà lan này, và cho mọi người trong những ngày sắp đến. Một đêm đầy ưu tư nữa nặng nề trôi qua. Cả hai ngày qua gần như chưa ăn được cái gì, mà cũng đâu có gì để ăn. Nhưng hầu như không ai cảm thấy đói. Có một điều là, tình hình an ninh trên chiếc xà lan rất tốt đẹp. Không hề thấy hay nghe những vụ cướp giựt hay hiếp dâm đàn bà như đã nghe trên những chiếc xà lan chở người từ Đã Nẵng về Vũng Tàu khoảng một tháng trước đây.

    Qua sáng ngày 1 tháng 5, cũng qua cái radio của ai đó, tôi nghe loáng thoáng ở Saigon người ta đang ăn mừng “chiến thắng” rất lớn. Vài giờ sau, có một chiếc tàu chiến của Mỹ khá lớn, sáp lại gần xà lan. Mọi người hết sức vui mừng và kêu cứu. Chúng tôi được yêu cầu phải ngồi xuống hết và giữ trật tự. Tất cả súng ống của binh sĩ đem theo phải liệng hết xuống biển. Sau đó, nhân viên và thuỷ thủ của chiếc tàu này đã giúp để đưa hết tất cả những người có mặt trên xà lan lên tàu Mỹ. Tôi ước lượng chắc cũng phải hơn 1000 người trên chiếc xà lan đó. Lúc vừa tách bến ở Saigon chỉ có khoảng vài trăm người. Tôi còn đọc được bảng tên của chiếc tàu chiến Mỹ là Miller. Sau khi tất cả mọi người trên chiếc xà lan này được đưa qua tàu Miller, tôi thấy họ còn vớt người từ vài chiếc xà lan khác. Trong khi đó hàng trăm hay cả ngàn ghe thuyền đánh cá của những làng chài lưới xung quang Vũng Tàu và Bà Rịa sắp thành hàng ngang ngay hàng thẳng lối như trong những bức tranh quân Ta sắp sửa giao chiến với quân Tầu để đánh đuổi bọn xâm lăng. Sau khi vớt hết người trên những xà lan, tàu chiến Mỹ cũng vớt hết những người trên những chiếc ghe thuyền đó. Và tiếp tục đi vớt người trong những chiếc ghe thuyền khác trong ngày hôm đó, và cả một phần của ngày hôm sau.

    Sau đó, tàu Miller trực chỉ hướng đông và di chuyển rất nhanh. Sau này, tôi nghe nói chiếc tàu này, trong thời chiến, có thể vận chuyển được khoảng 5000 binh sĩ, vậy mà lần đó họ đã vớt tổng cộng khoảng 30,000 người Việt chạy tỵ nạn. Với một số lượng người đông nghẹt như vậy, dĩ nhiên, chuyện kiếm được một chỗ để nằm nghĩ cái lưng cũng không phải dễ. Chuyện nước uống và thức ăn cũng phải giới hạn tối đa. 36 tiếng đồng hồ, mỗi người được một nắm cơm nguội, một ly nước để ăn uống cầm chừng. Dù vậy, tôi cũng không nghe ai than phiền. Chỉ mong sao sớm đến được một nơi nào đó, an toàn và thanh bình. Hơn 3 ngày sau, bắt đầu thấy bờ. Càng đến gần, càng thấy như không phải Việt Nam. Có vài người xung quanh tiên đoán, chắc là Phi Luật Tân. Khi tàu cặp bến, thì đúng là đất của Phi. Nhưng cũng chưa biết chính xác là ở đâu trên đất Phi. Sau này, thì tôi biết rõ đó là một trại lính của quân đội Mỹ, hình như có tên là Clark, nằm ở Subic Bay. Nơi đây được dùng để làm như một nơi tạm dừng chân cho những người di tản sau khi được tàu Mỹ vớt ngoài khơi Thái Bình Dương. Sau đó sẽ được đưa qua một trong hai nơi để làm thủ tục định cư: hoặc là đảo Guam, hoặc là đảo Wake rất nhỏ nằm giữa Phi Luật Tân với Hawaii.

    Khoảng 5 giờ chiều người ta bắt đầu cho người di tản xuống bến. Số lượng người dồn ở hai phần đầu và đuôi của chiếc tàu. Phần giữa hình như là nơi trú ngụ và làm việc của thủy thủ đoàn. Mỗi đầu và đuôi chỉ có một cái thang bằng sắt rất hẹp để di chuyển. Nhóm chúng tôi xuống bến khoảng 9 giờ đêm. Đã thấy có nhiều lều được căng lên cho đồng bào di tản vào ở tạm. Có bảng chỉ đường đi lên nhà ăn, đi phòng vệ sinh, phòng tắm rất chu đáo. Ba anh em tôi và Nga rủ nhau đi tắm rửa, rồi lên phòng ăn, ăn qua loa. Đã 5 ngày rồi, chưa có cơ hội để làm được những việc này. Phòng ăn đông như hội chợ, thức ăn nước uống ê hề. Có vài người đã bắt đầu phung phí thức ăn. Trên đường về lều, khoảng 11 giờ đêm, vẫn còn thấy người di tản đi bộ xuống ở hai cái cầu thang. Ngủ một giấc đến 5 giờ sáng, người vẫn còn xuống ở hai cái cầu thang. Không thể hình dung được. 12 giờ đồng hồ đã trôi qua, vẫn còn người đi xuống ở hai cái cầu thang sắt. Đến giờ này, những người chưa xuống được chắc là phải đói lắm rồi. Tôi chợt nghĩ đến xa hơn, giờ nầy bên quê nhà, mọi người đang ra sao …

    Sau này nghe nói chiếc xà lan đưa chúng tôi ra khơi là một trong 4 chiếc xà lan do Toà Đại Sứ Mỹ tổ chức, và cho đậu một cách bí mật ở Kho 5 Bến Trịnh Minh Thế. Phòng hờ vào giờ chót, nếu Phi Trường Tân Sơn Nhứt bị bắn phá hư hại, thì sẽ đưa những người đã được chọn lọc đến Bến Trịnh Minh Thể để ra đi bằng xà lan, thay vì ra đi bằng máy bay từ PT Tân Sơn Nhứt. Tuy nhiên, mọi chuyện diễn tiến quá nhanh. Cho nên vào giờ đó, ai biết và leo lên xà lan, đều được xà lan đưa ra khơi, và cuối cùng sẽ được vớt bởi tàu Mỹ đang rà sát bờ biển Vũng Tàu. Trong 4 chiếc xà lan, thì chiếc cuối cùng đã không thể tách bến được, vì tình trạng quá sức hỗn loạn. Súng nổ vang rền. Tàu kéo bỏ luôn, không dám đến để kéo xà lan ra khơi như đã dự định. Chiếc xà lan đưa chúng tôi ra khơi là chiếc thứ hai tách bến trong chương trình đã được sắp xếp.


    Hồ D Thiện, DKSG74


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X