Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sài Gòn mất tên - Niềm thương đau vô tận

Collapse
X

Sài Gòn mất tên - Niềm thương đau vô tận

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sài Gòn mất tên - Niềm thương đau vô tận

    Sài Gòn mất tên - Niềm thương đau vô tận



    Tưởng Niệm 30 Tháng 4 năm 1975
    Sài Gòn mất tên - Niềm thương đau vô tận

    "Sàigòn Ơi, Sao Em Còn Mãi Trong Tim Tôi" (NTM)

    Buổi tối ngày 29 tháng 4 năm 1975, tôi đang nghe tin tức của đài phát thanh Sài Gòn từ một chiếc radio đặt trong phòng khách ngôi nhà hai tầng của Anh Chị tôi ở gần ngã tư Đại Lộ Trần Hưng Đạo và đường Phát Diệm, chợt nghe tiếng máy bay trực thăng phành phạch ầm ĩ liên tục trên không trung; tôi liền lên sân thượng quan sát.

    Rất nhiều máy bay trực thăng mang huy hiệu Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, từ hướng Nhà Bè nối đuôi bay về hướng trung tâm Sài Gòn, và trở ra cùng một đường bay. Tôi nhủ thầm! Giờ di tản của người Mỹ đã đến! Đây là những trực thăng mang sứ mệnh lịch sử trong một giao đoạn lịch sử: chở người Mỹ, Quân Đội Mỹ ra khỏi mảnh đất miền Nam sau gần một chục năm can dự cuộc chiến tranh Việt Nam. Lúc Quân Đội Mỹ hăm hở đổ quân vào miền Nam Việt Nam, người ta nói là để bảo vệ tiền đồn của Thế Giới Tự Do; lúc Quân Đội Mỹ lạnh lùng rút đi, người ta nói là rút lui trong danh dự. Bỏ mặc miền Nam trong một tình cảnh khó khăn, ngặt nghèo!

    Trước đó, báo chí Sài Gòn đã loan tải, phỏng đoán khi người Mỹ rút về nước, một chiến dịch di tản dân chúng bằng đường bộ sẽ diễn ra với kế hoạch sẽ xử dụng 2 Sư Đoàn TQLC Mỹ cảnh giới, giữ an ninh hai bên đường từ Sài Gòn đi Vũng Tàu. Ước tính hàng triệu dân sẽ bỏ nước ra đi trên các chiến hạm của HQ Mỹ. Bây giờ, diễn ra cuộc di tản bằng không vận để ra hạm đội Mỹ ngoài khơi vũng Tàu. Dường như việc di tản rời khỏi Việt Nam là thể theo lời yêu cầu của thủ tướng vừa nhậm chức Vũ Văn Mẫu. Buổi sáng hôm nay, ông Mẫu xuất hiện trên TV quốc gia, lớn tiếng kêu gọi người Mỹ ra khỏi Việt Nam.



    Ông Mẫu nhận chức Thủ Tướng trong chính quyền Dương Văn Minh vào chiều ngày 28 tháng 4 và di sản của ông chỉ là việc yêu cầu người Mỹ ra khỏi Việt Nam, và chấm hết. Ông Mẫu là một gương mặt khoa bảng, trí thức, dấn thân làm chính trị từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, năm 1963, đang là ngoại trưởng, ông cạo đầu từ chức để phản đối việc đàn áp Phật Giáo của chính quyền đương thời. Bây giờ, ông tái xuất hiện trên chính trường Việt Nam vào những giờ khắc đen tối nhất, và mỉa mai thay! ông lạc đường vào lịch sử như một thủ tướng đảm nhận chức vụ vỏn vẹn hai ngày chỉ để quy hàng!

    Tôi nghĩ nếu ông Mẫu không kêu gọi người Mỹ ra đi thì người Mỹ vẫn ra đi vì từ đầu năm 1973, hầu như tất cả doanh trại của Quân Đội Mỹ đều đã chuyển giao cho QL/VNCH; quân Đội Mỹ rút về nước, chỉ còn một bộ phận gọi là Phái Đoàn DAO ở lại Nam Việt Nam.

    Trở về thực tại, tôi nhìn ngắm Sài gòn về đêm rực rỡ ánh đèn giăng mắc khắp nơi; người ta nói SaiGon By Night tuyệt đẹp hơn bất cứ nơi đâu. Nhưng đêm nay, ánh hỏa châu tỏa sáng trên bầu trời miền Đông, về hướng Bảy Hiền, Tân Sơn Nhứt; về hướng Bình Chánh, Phú Lâm, Miền Tây. Những làn đạn lửa phòng không như đan lưới trên không trung, những tiếng nổ lụp bụp, những ánh chớp lập lòe. Đại bác 130 ly, hỏa tiễn của CSBV từ 3, 4 ngày nay rót vào Phi Trường Tân Sơn Nhứt, nơi đồn trú của BTL/ Không Quân VNCH và Sư Đoàn 5 Không Quân.

    Tối hôm qua, đài phát thanh Sài Gòn loan tin các chiến sĩ VNCH giao tranh và đẩy lui một cuộc tấn công của VC ở công viên Phú Lâm. Chiến tranh đã diễn ra tại cửa ngõ thành phố.

    Nhìn ánh hỏa châu lơ lửng trên bầu trời ngoại ô Sài Gòn, tôi hồi tưởng lại những ngày làm việc tại Quận An Phước, Ninh Thuận; từ sân quận về đêm, tôi đã từng quan sát ánh hỏa châu soi sáng phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm; soi sáng trên khu vực các tiền đồn Nghĩa Quân ở ấp Hậu Sanh, ấp Vụ Bổn, soi sáng trên vùng trời các thôn ấp La Chữ, Mông Đức, Nhuận Đức, Hoài Nhơn, Như Ngọc, Hữu Đức, Hoài Trung trong Quận mỗi khi bị du kích VC tấn công. Vào thời gian đó, Ông Đại Úy Quận Trưởng dẫn nghĩa quân giữ quận đi tiếp cứu. Tôi cũng nai nịt vũ khí đi theo. Ông Quận Trưởng không yêu cầu, cũng không phải là nhiệm vụ bắt buộc của một đội trưởng ANTB Dân Vệ Quận, nhưng tôi muốn tham gia công việc tiếp cứu các nghĩa quân và các công chức xã ấp, muốn biết kết quả trận tấn công của du kích cộng sản gây thiệt hại cho ta hoặc chúng tổn thất ra sao.

    Đêm hôm nay, hoàn cảnh đã đổi thay. Tôi thấy những sự kiện xảy ra rất nhanh trong vòng ba tuần qua. Từ Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận, Cam Ranh về Sài Gòn đầu tháng 4/1975, tôi là một người lính mất đơn vị, bất khiển dụng, theo dõi chiến cuộc với những cay đắng ray rứt trong lòng. Trời về khuya, trên không trung chỉ còn những chiếc trực thăng của Quân Đội Mỹ bay qua lại. Tôi suy nghĩ mông lung. Từ sự kiện mất Ban Mê Thuột, bỏ Quân Đoàn II và QĐ I vào cuối Tháng Ba, mặt trận Khánh Dương vỡ; Quân và Dân VNCH di tản trong máu, nước mắt và sự thất vọng. Quân CSBV với quân số bổ sung đầy đủ do vơ vét tận lực thanh thiếu niên miền Bắc, với vũ khí, đạn dược, tiếp liệu của toàn Khối CS Quốc Tế, đã thừa cơ đánh chiếm các vùng lãnh thổ của VNCH từ Quảng Trị đến Phan Rang, Phan Thiết, lợi dụng thời cơ tiến về Sài Gòn.

    Trên đường tiến quân đánh chiếm miền Nam Việt Nam, mục tiêu là Sài Gòn, không ngờ, cả một quân đoàn CSBV đã bị chiến sĩ Sư Đoàn 18 Bộ Binh/VNCH chặn lại, đánh tan tành tại tuyến thép Xuân Lộc. Sau chiến thắng vang dội này, truyền thông, báo chí quốc tế đã ồ ạt đổ vô Sài Gòn tường thuật và bình luận ca ngợi tinh thần và sức chiến đấu mãnh liệt của các chiến sĩ Sư Đoàn 18/VNCH.

    Bị thiệt hại rất nặng, bị chặn đánh dữ dội không thể tiến quân về Sài Gòn được, quân Cộng Sản Bắc Việt buông bỏ mặt trận Xuân Lộc, kéo quân về hướng khác. Sư Đoàn 18BB vì thế cũng được lệnh rút ra khỏi Xuân Lộc, rút về bảo vệ Biên Hòa, cửa ngõ của Sài Gòn. Ngày 20/4/1975, Anh rể tôi, Thiếu Tá Trần Văn Thu, Công Binh Quân Đoàn III, cho biết BTL/QĐ III đã rời Biên Hòa về Thành Ông Năm, Hóc Môn.

    Cũng trong ngày 20/4/1975, sau khi từ Phú Quốc về Sài Gòn trong đêm 8/4/1975, tôi đã đi Long Bình, đến BCH3TV để gặp gỡ các bạn cùng đơn vị BCH5TV di tản về Sài Gòn. Tại điểm liên lạc của BCH5TV, tôi không được gặp một ai của đơn vị, ngoại trừ một sĩ quan phát hướng viên của Đại Đội Tổng Hành Dinh BCH5TV. Ông trao cho tôi lương Tháng 4. Có lẽ đây là tháng lương cuối cùng của tôi.

    Không có một chiếc xe quân đội nào từ Long Bình về Sài Gòn, tôi đi bộ rời khỏi BCH3TV, đón xe Lam (Lambretta). Trên chiếc xe Lam cũ kỹ đã có năm người khách. Tôi lên xe, ngồi gần một nữ hành khách khá lớn tuổi. Bà ăn mặc xuề xòa, quần áo bà ba, cầm một chiếc nón lá trong tay, tay kia cầm một túi vải xẹp lép (tay nải). Bà có tâm trạng lo âu, sợ hãi, bần thần, mệt mỏi. Xe chuyển bánh, trên đường về, tôi làm quen, hỏi bà từ đâu đi Sài Gòn. Bà hành khách cho biết, bà là người Việt gốc Hoa, sống ở Nam Vang. Ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ (Miên cộng) chiếm Nam Vang. Chúng ra lệnh tất cả dân Nam Vang tức khắc phải ra khỏi nhà, rời thành phố; không một thứ đồ vật nào được mang theo ngoài bộ quần áo mặc trên người . Nhà cửa, của cải, tài sản mất hết, thân nhân thất lạc. Bây giờ bà tìm về Chợ Lớn, nương náu nhà bà con. Tôi an ủi bà, mong bà sớm có nơi nương tựa để tìm kiếm thân nhân.

    Nam Vang đã thế, Sài Gòn thì sao?

    Ngày 21/4/1975, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên thay. Tổng Thống Trần Văn Hương cầm quyền một thời gian ngắn vỏn vẹn một tuần, trong một tình thế ngặt nghèo, khó khăn.

    Tối ngày 25/4/1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rời khỏi miền Nam Việt Nam, qua Đài Loan.

    Chiều ngày 28/4/1975, lâm vào một tình thế chẳng đặng đừng, Tổng Thống Trần Văn Hương lại phải trao quyền Tổng Thống cho cựu Đại Tướng Dương Văn Minh. Đại Tướng Dương Văn Minh tái xuất chính trường. Trời đã quá đã nửa đêm về sáng, ánh sáng hỏa châu vẫn tỏa sáng treo lơ lửng trên không trung và tiếng súng phòng không vẫn nổ lụp bụp liên hồi, đạn lửa bay chằng chịt như đan lưới, tôi chán nản rời sân thượng xuống nhà.

    Buổi sáng ngày 30 tháng 4, ngồi bên cạnh chiếc Radio nghe tin tức chiến sự, tôi bồn chồn nghe ngóng, không thấy có tin tức gì, cũng không có xướng ngôn viên trong một chương trình gì ngoài phần nhạc dạo đài. Khoảng 10 giờ sáng, xướng ngôn viên lên tiếng theo lệnh Tổng Thống Dương Văn Minh, các đơn vị quân đội VNCH, ngưng bắn, ở đâu, ở đó, chờ quân đội cách mạng tới bàn giao.

    Tôi tắt máy! Bàng hoàng! Kinh ngạc! Thất vọng! Thế là hết. Tắt niềm hy vọng. Sài Gòn đã sụp đổ. Một kết thúc bi đát mà tôi không bao giờ nghĩ là có thể. Tôi nghĩ biết bao xương máu của quân dân miền Nam đã đổ ra gần 2 chục năm; cả triệu người chết và bị thương; để lại hàng triệu cô nhi, quả phụ tử sĩ; thật uổng công, vô ích. Tôi lại nghĩ, không, không uổng phí xương máu chút nào khi mà người dân miền Nam đã được sống tương đối trong ấm no, hạnh phúc trong khoảng thời gian 20 năm; miền Nam đã và đang khởi đầu xây dựng nền móng tự do dân chủ, hội nhập kinh tế với các nước trong Thế Giới Tự Do.

    Đại Tướng Dương Văn Minh, vẫn là ông, chẳng làm được một tích sự gì hữu ích cho dân, cho nước. Tôi và các bạn thân thiết chưa một lần kỳ vọng vào ông. Trước đây, ngày 1/11/1963, ông cầm đầu nhóm đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đệ Nhất Cộng Hòa. Cuộc đảo chánh thành công với máu đổ, người bị chết, người vô tù, người bị hạ tầng công tác, người mất việc. Chẳng bao lâu sau, Đại Tướng Minh lại bị chỉnh lý, mất quyền. Lần này, thời thế tạo thời cơ cho ông trở thành tổng thống; nhưng ông sẽ làm được những gì cho miền Nam khi mà quân cộng sản Bắc Việt đang bao vây, đe dọa tắm máu Sài Gòn. Bây giờ chưa đánh, ông đã đầu hàng. Lịch sử sang trang! Tổng Thống Dương Văn Minh chỉ cầm quyền vỏn vẹn hai ngày và ông trở thành tổng thống đầu hàng trong lịch sử.

    Từ cuộc đảo chánh 1-11-1963 đến cuộc đầu hàng 30-4-1975, Đại Tướng Dương Văn Minh đã có hai lần cầm cờ trên tay, nhưng tiếc thay, ông đều để vuột mất; lần sau tồi tệ hơn, ông phất cờ trắng đưa miền Nam vào chế độ toàn trị.

    Không chỉ riêng tôi thất vọng, khu xóm tôi xôn xao. Chiến tranh kết thúc đột ngột và kỳ cục quá. Tôi nhớ tới bà xẩm đi cùng chuyến xe lam. Bây giờ bà ở đâu, trong vòng chưa đầy hai tuần, hai quốc gia sụp đổ. Bây giờ Sài Gòn có giống như Nam Vang?

    Khoảng 12 giờ trưa, Anh rể tôi từ BTL/QĐ/ III (mới từ Biên Hòa về đóng tạm trong thành Ông Năm, Hóc Môn) về nhà. Anh tôi vẫn mặc bộ quân phục, đeo cấp bậc, đội nón sắt, giây ba chạc và ceinturon, không vũ khí.

    Vào nhà, Anh tôi kể xe tăng quân CSBV bị lính Dù bắn cháy nằm ngổn ngang khu Bảy Hiền, Bộ TTM, Lăng Cha Cả, và Trương Ming Giảng; quân Dù rút đi đâu không rõ. Chạy một vòng về Bến Bạch Đằng, Anh tôi gặp Trung Tướng Phạm Quốc Thuần. Nhắc đến Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, tôi còn nợ Ông một lời cám ơn. Một sự biết ơn chân thành. Chỉ mới bốn tháng trước, từ BCH5TV, đồn trú tại Cam Ranh Bay, tôi ra Nha Trang cưới vợ, Ông Tướng đã ưu ái cho tôi rước dâu về tư dinh của Ông tọa lạc tại góc đường Lê Văn Duyệt và Lê Thánh Tôn. Nguyên do, Anh rể tôi là thuộc cấp của Tướng Quân khi Ông là Tư Lệnh Quân Đoàn III. Nhân dịp ra Nha Trang dự lễ thành hôn của tôi, Anh rể tôi đã đến Trường HSQ thăm vị tư lệnh cũ. Khi biết chú rể ở BCH5TV Cam Ranh ra Nha Trang cưới vợ, một đám cưới nhà binh. Ông Tướng nói Ông cho chú rể rước dâu về Dinh của Ông ở Nha Trang, khỏi phải ở khách sạn cho đỡ tốn tiền. Tấm lòng nhân ái của Ông Tướng đối với thuộc cấp là Anh rể tôi và tôi, một người lính như thế, khiến tôi vô cùng cảm kích! Tôi mang ơn Ông Tướng từ đó!

    Dòng suy tư của tôi bị cắt đứt khi Anh rể tôi nói dân chúng lên tàu ra đi rất đông. Ngay lúc ấy, Em tôi, Y Sĩ Trung Úy TQLC Bùi Ngọc Bảng, vừa từ Bệnh Viện Lê Hữu Sanh, Thủ Đức, về. Như vậy, gia đình tôi đã tề tựu ở Sài Gòn gần như đầy đủ, duy chỉ còn thiếu người con rể lớn là Đại Úy Trần Văn Bồng, mất tích tại Chi Khu B’sar, Lâm Đồng. Bây giờ, tôi thấy là lúc khó khăn nhất của gia đình. Trong tình cảnh xấu nhất, chúng tôi vẫn ở quây quần bên nhau. Thà như vậy!

    Buổi chiều đổ ập xuống, bóng dáng cán binh cộng sản chưa xuất hiện khu phố tôi ở. Phố xá dường như êm lặng hơn nhưng đầy bất an.

    Sáng sớm hôm sau, báo chí Sài Gòn tường thuật cuộc tiến công của quân miền Bắc vô Sài Gòn. Không thấy nói về các xe tăng bị bắn cháy ở mạn Bảy Hiền, Lăng Cha Cả. Các Lữ Đoàn xe tăng khác, trên đường tiến về Dinh Độc Lập bị lạc, phải hỏi những người đang đi trên đường, dù họ chỉ cách Dinh Độc Lập vài trăm mét. Một trong những xe tăng chạy thẳng vô bên trong. Thượng Úy Bùi Thận, lái xe tăng, ra khỏi xe, cầm một cây cờ của MTGPMN chạy vô Dinh, lên thang lầu, cắm cờ trên nóc Dinh. Người sĩ quan mang quân hàm cao nhất của quân cộng sản miền Bắc có mặt sau khi cán binh cộng sản chiếm đóng Dinh Độc Lập là Thượng Tá Bùi Tín, nhà báo, kế đến là Trung Tá Bùi Tùng, Chính ủy Lữ Đoàn 203 xe tăng.


    Sau đó, tôi ra khỏi nhà sau một đêm thao thức, suy tư. Bây giờ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), đã không tồn tại; Quân Lực VNCH không hiện hữu, chấm dứt trách nhiệm đầy khó khăn, gian khổ "Bảo Quốc An Dân); và Sài Gòn, Thủ Đô của Việt Nam Cộng Hòa đã mất tên. Một sự kiện không hề được tiên đoán, không một ai có thể ngờ được trong cuộc chiến đấu của Quân Dân miền Nam trong suốt 20 năm chống Cộng Sản Bắc Việt Xâm Lược và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

    Cho đến đến giờ phút này, tôi hài lòng, yên tâm khi thấy khu phố tôi ở vẫn bình yên; từ ngã ba chợ Cầu Kho, trên đường Phát Diệm, chạy ra ngã tư Đại Lộ Trần Hưng Đạo - Phát Diệm người dân khu phố nhốn nháo, lo lắng, buồn rầu, giao động nhưng không ai tố cáo ai; không một ai bị bắt bớ do tố cáo, trả thù; không có thanh niên 30/4 đeo băng đỏ kiêu căng hoạnh họe, lên mặt với người dân.

    Gia đình tôi, có ba anh, em là quân nhân Quân Lực VNCH, cùng cư trú trong một ngôi nhà tọa lạc trên đường Phát Diệm, cùng xum họp với gia đình trong những giờ phút cuối của Sài Gòn, nhưng may mắn được chòm xóm có cảm tình, thương mến nên được bình yên. Phần khác, người Sài Gòn yêu chuộng tư do, không bao giờ bị tuyên truyền, lung lạc tin, theo Việt Cộng (VC). Cuộc Tổng Công Kích, mùa xuân năm Mậu thân 1968 là một chứng minh tính cách, lập trường quốc gia của người dân Sài Gòn khi VC mong đợi người dân nổi dậy đã không xảy ra, họ đã mang ảo tưởng và thảm bại ê chề.

    Tôi chậm rãi bước đi, lòng bồi hồi xao xuyến, mất nước là mất tất cả. Tôi đi qua nhà Đại Úy Dư, bên kia đường, ông là một sĩ quan của Đoàn Bảo Toàn 352 tại Cam Ranh, thuộc BCH5TV; thêm vài bước nữa, tôi đi qua nhà in Cliché DAU, ra ngã tư Trần Hưng Đạo, Phát Diệm. Bên kia đường ngay góc ngã tư là Honda Minh Đạo, kế bên là nhà của người bạn đồng môn, anh Nguyễn Hoàng Nhi, đại diện Trung đội 3, Đại Đội 11, Tiểu Đoàn 1 SVSQ Trừ Bị, Khóa 4/69 Thủ Đức.

    Quẹo tay phải, tôi thong thả đi trên vỉa hè rợp bóng những cây dầu về hướng trung tâm Sài Gòn; qua rạp hát Hưng Đạo, phía bên kia đại lộ, đây là một trong những rạp trình diễn cải lương của miền Nam. Ít phút sau, tôi đã đến ngã tư Trần Hưng Đạo-Nguyễn Thái Học. Chợ đầu mối Cầu Ông Lãnh dường như bất động, vài chiếc xe hàng nằm im lìm. Bình thường chợ hoạt động suốt ngày đêm, tiếng xe va lua chở hàng cập bến, bốc dỡ hàng hóa, rau quả, cá mắm từ khắp các vùng đất nước đổ vế. Tiếng cười nói, la hét, gọi nhau ơi ới, nhộn nhịp, ồn ào, náo nhiệt và sầm uất không sao kể xiết. Hôm nay lặng tăm, thưa vắng.

    Tại hai góc ngã tư đường, bên kia là Trường Tiểu Học Phan Văn Trị, đối diện bên này là Trường Tiểu Học Tôn Thọ Tường; tôi dừng chân ngẫm nghĩ, thật là trớ trêu ngoạn mục khi Bộ Quốc Gia Giáo Dục hay Nha Học Chánh Sài Gòn sắp xếp, xây dựng hai ngôi trường tiểu học mang tên hai danh nhân miền Nam thời Pháp thuộc, khi người pháp xâm chiếm miền Nam: một ông cộng tác với người Pháp , Tôn Thọ Tường; một ông cổ súy tinh thần yêu nước, phê phán gay gắt những người cộng tác với ngoại xâm, Phan Văn Trị. Cả hai ông đã bút chiến nảy lửa với nhau trong nhiều năm, để lại những áng văn thơ bất hủ về quan niệm sống và cách xử thế cho người đương thời và hậu thế soi chung. Trong tinh thần khai phóng, không bảo thủ gò bó, cuộc đời và sự nghiệp văn chương của cả hai ông được Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH đưa vô chương trình Việt Văn của bậc trung học theo ba nguyên tắc giáo dục Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng. Học sinh được mở mang kiến thức, được biết quan điểm và lập trường của người xưa trong thời Pháp thuộc.

    Qua ngôi trường tiểu học, tôi nhìn ngắm rạp Ciné Đại Nam đồ sộ thân quen, hôm nay không mở cửa. Rạp Ciné này mỗi khi có film hay tôi vẫn đến thưởng ngoạn. Đặc biệt, trước khi chiếu film, một hàng chữ trang trọng hiển lộ trên màn bạc; chẳng hạn, "Hân hạnh trình chiếu một sản phẩm của 20th Century Fox, Cleopartra, màn ảnh đại vĩ tuyến, màu Technicolor". Kể từ giây phút này, cũng như Sài Gòn, Ciné Đại Nam đã đổi chủ, những lịch sự, hòa nhã kia mãi mãi không còn nữa; số phận Ciné Đại Nam cũng như các rạp Ciné Olympia, Philharmonique, Lửa Hồng, Kinh Đô ở Hà Nội năm 1954.

    Mải mê suy nghĩ, tôi đã đứng trước hãng máy may Singer, ngay ngã tư Trần Hưng Đạo-Calmette. Dọc theo đường Calmette, về hướng Bến Vân Đồn, vắng hoe không bóng người. Nếu đi thẳng là Đại Lộ Hàm Nghi, xa ngút tầm mắt là bến Bạch Đằng.

    Thong thả, tôi bước xéo qua đường, hướng bến xe ô tô buýt. Đi đến một dải phân cách đường đôi, tôi giật mình đứng lại quan sát, thi thể một người đàn ông trung niên, áo chemise trắng ngắn tay, quần tây sậm, nằm sấp mặt kề bên các cây hoa kiểng. Không thấy vết thương tàn phá trên thân thể. Không thấy máu đổ trên mặt đất, vậy, vì sao ông chết! Đây là thi thể vô thừa nhận đầu tiên tôi trông thấy trong đời. Một người mất mạng trong những giờ phút giờ cuối cùng của Sài Gòn. Một gia đình mất con, em; một gia đình mất chồng, cha. Tôi ngậm ngùi! Thất tung, mất tích, mãi mãi gia đình, người thân yêu khắc khoải nhớ mong, thương tiếc!

    Đến bến xe buýt trung tâm SàiGòn một thời nhộn nhịp, náo nhiệt; những chuyến xe buýt quen mắt, máy mổ rì rầm, phun khói đen lên cao, chờ khách, bây giờ trống vắng. Tôi lại băng qua đường đến góc Hàm Nghi-Lê Lợi, nơi có bảng thông tin điện tử trên tường của Hỏa Xa Việt Nam. Qua Bệnh Viện Sài Gòn (tòa nhà của hào phú Hui Bon Hoa hiến tặng) qua rạp Ciné Vĩnh Lợi, tôi đang đi trên Đại Lộ Lê Lợi , bên phải hướng về phía Quốc Hội (một thời nổi danh với nhóm chữ ‘Bát Phố Bonard’ hồi chưa đổi tên thời Đệ Nhất Cộng Hòa). Môt con đường của kỷ niệm với hầu hết trai thanh, gái lịch của Sài Gòn Hoa Lệ dập dìu dạo phố cuối tuần. Bên kia san sát các cửa hàng, cửa tiệm, nhà hàng: Kem Mai Hương góc Lê Lợi-Pasteur, Nhà sách Khai Trí, một cửa hàng sách lớn bậc nhất Sài Gòn, nơi có hầu như đầy đủ các loại sách giáo khoa, tiểu thuyết, thơ-văn.

    Chẳng bao lâu, tôi đã đứng ngay trước tiệm kem Pold North (trong Thương Xá TAX) góc Đại lộ Nguyễn Huệ-Lê Lợi. Trông dọc theo Đại lộ Nguyễn Huệ ra tới bến Bạch Đằng, hai dãy kios buồn hiu, cặp bên lề, hai hàng xe plymouth, màu đỏ trắng cho thuê làm xe đám cưới vẫn đậu hàng ngày, hôm nay vắng bóng.

    Bên kia đường là Mini Rex A-B, Ciné Rex, kế đến là hãng xe Citroen và Tòa Đô Chánh nằm trên Đường Lê Thánh Tôn, trông thẳng ra đại lộ Nguyễn Huệ. Giữa Đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi, có một bùng binh tròn, các cây dương liễu rủ bao quánh hồ nước, vòi phun nước chính giữa không hoạt động. Đối diện với Ciné Rex là Passage Eden, bên trong có rạp Ciné Eden, ghế ngồi bằng da, lịch sự và ấm cúng, có từng khu riêng biệt, đôi khi có film hay, tôi cũng ghé xem.

    Băng ngang Đại lộ Nguyễn Huệ, tôi đứng lại tại góc đường, tê tái tâm can khi trông thấy bức tượng người chiến binh TQLC bị lật đổ. Tôi biết rồi đây tất cả các tượng đài của QL/VNCH dựng lên tại khắp phố phường Sài Gòn-Chợ Lớn đều sẽ bị lật đổ. Không chỉ là tượng đài mà là tất cả những gì tốt đẹp, là biểu tượng của miền Nam đều sẽ bị quân xâm lược hủy diệt. Chỉ là vấn đề thời gian!

    Qua vài phút, tôi đứng tại góc đường Tự Do-Lê Lợi. Bình thường, đây là những con đường đông đúc du khách, nhộn nhịp, sầm uất bậc nhất Sài Gòn. Hôm nay, các cửa tiệm đóng cửa, trên vỉa hè và sát vách tường các cửa tiệm, vắng bóng những người buôn bán tranh lụa, tranh sơn dầu của các họa sĩ Việt Nam; tranh sơn mài, hàng hóa kỷ niệm thủ công, mỹ thuật Việt Nam.

    Trải dài hút tầm mắt tôi dẫn đến bến Bạch Đằng, nơi có Hotel Majestic tọa lạc một góc và ngay trước mặt, trụ sở của Air France, Hotel Caravelle; thụt vô hơi sâu một chút, tòa nhà Quốc Hội một thời là biểu tượng của ngành lập pháp nền Cộng Hòa.

    Phía sau trụ sở Quốc Hội là đường Hai Bà Trưng, gần đó có một bãi đậu xe rộng rãi, về cuối tuần, hàng chục xe GMC ngừng bánh, đổ xuống nơi đây hàng hàng lớp lớp SVSQ Trường Bộ Binh Thủ Đức. Từ đây, tỏa ra khắp phố phường Sài gòn các chàng trai trẻ, khôi ngô, tuấn tú; tuổi thanh xuân tràn đầy nhựa sống, mạnh mẽ, dắn dỏi trong bộ quân phục kaki vàng, đầu đội mũ képi, chính giữa là phù hiệu với hai bông lúa ôm ngọn lửa đỏ, thanh kiếm bạc và bốn chữ kim tuyến Danh Dự-Tổ Quốc; trên cánh tay áo vai trái, huy hiệu của quân trường với nền xanh, ngọn lửa đỏ, thanh kiếm bạc, bốn chữ phương châm Cư An-Tư Nguy; Caravat đen, thắt lưng đen, bút nịt vàng, giày Map đen bóng lộng.

    Tôi cũng đã có thời là một SVSQ như thế. Kể từ hôm nay và mãi mãi, Sài Gòn sẽ vắng bóng các chàng trai trẻ trang nghiêm, chững chạc trong quân phục SVSQ của một thời chinh chiến, lịch sử sang trang và tất cả sẽ mờ dần, mờ dần theo thời gian.

    Đường Tự Do còn có Hotel Continental Palace, thương xá Eden, các nơi giải trí nổi tiếng Phòng trà Ca nhạc Đêm Màu Hồng, đất nhà của Ban Hợp ca Thăng Long với Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh; Phòng Trà Ca nhạc Tự Do, các tiệm Café danh tiếng Givral, Brodar, La Pagode, tiệm sách Xuân Thu, chuyên bán sách, báo ngoại quốc như Paris Match, Ciné Monde, Ciné Revue, Time, Newsweek được máy bay chở đến sau khi vừa phát hành ở Paris, New York. Bây giờ thì hết rồi! Bây giờ thì cấm kỵ!

    Ngày hôm nay, tôi đã đến đây, đường Tự Do một lần cuối để nhìn ngắm, hoài niệm, ghi vào ký ức những gì tốt đẹp, thân thiết nhất trong đời, bởi vì Sài Gòn đã mất tên và Sài Gòn sẽ biến dạng như Hà Nội khi Cộng Sản toàn trị. Tôi định đi về hướng Bạch Đằng, nhưng lại thôi, băng ngang đường đi về phía trung tâm thành phố. Qua Givral, đường Lê Thánh Tôn, Gia Long, qua Nha Nhân Dân Tự Vệ, chạnh lòng nhớ tới Trung Tá Nguyễn Văn Thường, Giám Đốc Nha. Tôi biết Ông khi còn làm việc tại Phan Rang; Ông là Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Ninh Thuận. Giờ này Ông ở đâu? Chẳng bao lâu tôi đã trông thấy Nhà Thờ Đức Bà, tường gạch đỏ, hai tháp nhọn, uy nghiêm cao vút lên không trung. Tượng Đức Mẹ trắng muốt đứng giữa công viên trước cửa thánh đường. Bên phải, Bưu Điện Sài Gòn nguy nga, đồ sộ. Bên trái, công viên cỏ xanh, cây cao bóng cả trước Dinh Độc Lập, các binh đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) đóng quân sau một cuộc trường chinh xâm lược cuối cùng. Các xe tăng T54, PT 76; các giàn súng cao xạ phòng không có bánh xe, mang cờ MTGPMN ..... đậu ngổn ngang trên các thảm cỏ xanh, trên lề đường và rất đông bộ binh với súng AK gắn lưỡi lê, B40 đi lại tất bật. Quân phục họ mặc, một màu cỏ úa, đầu đội nón cối, chân mang dép lốp. Nét mặt họ đầy căng thẳng nhưng vẫn mang dáng vẻ ngơ ngác, xa lạ với một Sài Gòn đồ sộ, hào nhoáng và trù phú.

    Khi CS tiếp thu Hà Nội cuối năm 1954, thi sĩ Trần Dần đã viết "Ta đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sao trên màu cờ đỏ". Sài Gòn rất khác biệt, Sài gòn là thành phố bị cưỡng chiếm, không thấy cờ đỏ, thay vào đó là cờ của MTGPMN, một lá cờ lạc lõng xa lạ. Thành phần con buôn, đón gió, trở cờ đã không kiếm ăn được như chúng tưởng. Dân Sài Gòn xa cách với quân CS Bắc Việt, thờ ơ với cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng.

    Những binh đoàn CSBV, trong suốt cuộc chiến xâm lược miền Nam, họ đã bao lần thất bại, đã thay quân bao lần. Nhìn lại Trận công kích Mậu Thân 1968, mặc dù họ ngang nhiên phá vỡ lệnh hưu chiến, bất ngờ đánh lén trên toàn lãnh thổ VNCH, nhưng rút cục họ thất bại, nhiều đơn vị bị tiêu diệt . Vào đầu mùa hè 3 năm trước, CSBV đã tung gần 20 chục sư đoàn chủ lực với các binh đoàn chiến xa, đại pháo, hỏa tiễn tấn công cùng lúc vào vùng giới tuyến Quảng Trị, Quân Khu I; Kontum, Quân Khu II và An Lộc, Quân Khu III. Cả ba cuộc tấn công tổng lực, CSBV và VC đều thất bại. Bây giờ, họ có mặt ở Sài Gòn, Thủ Đô của VNCH chỉ vì lệnh buông súng của Tổng Thống Dương Văn Minh, nhiệm chức mới hai ngày.

    Không quan sát khu vực trung tâm Sài Gòn thêm nữa, tôi thong thả đi trên khắp nẻo phố phường vắng vẻ, ảm đạm, thê lương.

    Trời xế chiều, tôi thả bước về nhà. Đi bên phải, qua khỏi bến xe miền Trung, dọc theo bức tường nhà máy Thuốc Lá Sài Gòn, tôi thấy một người đàn ông trạc tuổi tôi đang đi đến gần một bót cảnh sát, phía trước có cây bã đậu khá lớn, cành lá xòe ra ngoài đường. Chợt nhận ra chưa trình diện theo thông báo của Ủy Ban Quân Quản thành phố, tôi băng ngang đường, gặp một người đàn ông, dáng dấp ủ dột, buồn bã, hỏi ông đi trình diện phải không. Sau đó, hai chúng tôi bước vô bót cảnh sát. Ngay cửa ra vô, một cán binh CS mặc quân phục, đầu đội nón cối, dáng vẻ mệt mỏi ngồi ghế sau một chiếc bàn gỗ nhỏ, cây súng AK dựa cạnh bàn. Nhìn viên cán binh, chúng tôi nói đến trình diện. Không hỏi một lời, y lấy một tờ giấy in Ronéo, chia làm tám, in sẵn họ và tên, cấp, ngày trình diện. Y hỏi và điền tên từng người, ghi ngày trình diện rồi ký tên, nghuệch ngoạc, không cấp, chức, xé tấm giấy nhỏ trao cho chúng tôi. Chúng tôi đâu cần gì hơn, bước ra khỏi bót cảnh sát.

    Chào người bạn cùng cảnh ngộ, tôi về nhà. Chợt nhớ, chắc nhà hết thức ăn, tôi ra chợ Cầu Kho, hầu hết các sạp hàng vắng chủ, duy nhất, một người bán thịt heo đông lạnh; thì ra đây là thịt beacon, loại 2 pound, để trong các vỉ mốp, bọc nylon, có vẻ từ các kho hàng của Mỹ đem ra. Tôi mua hai vỉ beacon, về nhà. Ngày 1 tháng 5 qua đi trong nỗi lo lắng, buồn phiền.

    Sáng hôm sau, tôi lại ra khỏi nhà với tấm giấy trình diện ngày hôm qua. Băng ngang đường Trần Hưng Đạo, tôi di về hướng trung tâm Sài Gòn. Qua một bãi rác ở khu phố Nguyễn Cư Trinh, rác rến ngổn ngang tung tóe, hai, ba đôi giày bốt đờ sô vất bỏ bên đường. Những vật dụng rất thiết thân của người lính nay đã trở nên vô dụng, cách khác, chúng đã thành kỷ vật. Là một thành phần rất nhỏ trong cuộc chiến tranh tự vệ, cũng là một chứng nhân của một thời thế đổi thay, tôi đi giữa Sài Gòn trong tâm trạng rối bời, vô định.

    Không định trước, tôi đi trên đường Công Lý, về hướng phi trường Tân Sơn Nhứt. Từ xa, tôi đã thấy Chùa Vĩnh Nghiêm bên trái, đối diện bên mặt là một cư xá có tường lửng cao khoảng 1 mét, ngăn cách giữa cư xá và vỉa hè rộng rãi. Một người đàn ông đứng đó, dáng dấp quen thuộc, thân thiết. Đến gần hơn, chúng tôi nhận ra nhau trong nỗi buồn tận cùng. Đó là Trung Úy Phạm Ngọc Khanh, Phòng Hành Chánh Mãi Ước cùng đơn vị BCH5TV *. Chúng tôi hỏi thăm lẫn nhau về tình trạnh gia đình, bạn bè cùng đơn vị, ai ra đi, ai kẹt lại. Khanh cho biết Anh đang thu xếp để về Nha Trang với gia đình ở khu vực cầu Xóm Bóng. Nhạc phụ và hiền nội của Anh bị trọng thương trong một cuộc oanh khích của KQVN, nay không biết ra sao.

    Trông sang phía bên kia đường đối diện, tôi nhận ra, có một số người mặc đồ tang chế ra vô ngôi nhà rộng lớn bên trái (từ ngoài trông vào) cửa Chùa Vĩnh Nghiêm. Khanh rất buồn, chậm rãi nói: "Đám tang Tướng Phú."

    Tôi thảng thốt, sững người, không biết Ông Tướng vì sao tạ thế! Tôi hình dung một cánh hoa dù Việt Nam bay trên khung trời lòng chảo Điện Biên Phủ đầu năm 1954, rồi Ông trở thành Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam, một con Cọp với cánh dù bay trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật. Như mới đây, trong suốt Tháng 3, là Tư Lệnh Quân Đoàn II, Quân Khu II, Ông Tướng đã hầu như suốt ngày trên máy bay chỉ huy đề điều quân, chống trả những cuộc tấn công biển người của CSBV trên khắp lãnh thổ Quân Khu gồm 12 Tỉnh/Tiểu Khu và một Thị Xã/Đặc Khu (Cam Ranh). Thế cùng, tận lực, trong giờ phút cuối cùng đau thương của VNCH, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh QĐ II đã ra đi. Một cánh hoa dù đã bay xa, mãi mãi. Một ngôi sao băng trên vòm trời miền Nam. "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi." Ngậm ngùi, thương tiếc, tôi kính cẩn chào Ông Tướng một lần cuối.

    Chuyện trò với Khanh khá lâu, tôi tạm biệt Khanh, không hẹn! Tôi nói Khanh bảo trọng, thượng lộ bình an và cho tôi gởi lời thăm hỏi đến tất cả bạn bè quen biết với lời chúc lành trong những ngày sắp tới!

    Số phận như "cá chậu chim lồng" chưa biết ra sao; tuy nhiên, tôi vẫn luôn muốn biết, ai còn ai mất, ai đã thoát đi trong biến cố đau thương này, vì vậy, tôi tìm đường về khu Trần Quốc Toản, nơi có cư xá quân đội tọa lạc. Đi qua một ngôi nhà dạng biệt thự trệt của gia đình Đại Tá Tô Đăng Mai, Cục Trưởng Cục Quân Tiếp Vu (cựu CHT/BCH5TV), tôi thấy thấp thoáng có người mặc quân phục, đeo băng đỏ nơi tay áo, tôi biết Ông đã ra đi, nhà bị chiếm.

    Quanh quẩn thế nào, tôi lại đi trên đường Phan Đình Phùng, qua Trường Anh Văn Nguyễn Ngọc Linh, về hướng Lý Thái Tổ. Vẫn ngôi trường cũ, con đường xưa nhưng hôm nay trống vắng, cửa đóng then cài. Mới đó mà đã 15 năm. Tôi nhớ lại thời học trò, nhớ đến các giáo sư Anh Văn, Thầy Nguyễn Ngọc Hồ, em trai Hiệu Trưởng Nguyễn Ngọc Linh; Bà Nguyễn Ngọc Linh cũng là Giáo Sư, Thầy Giai, khá lớn tuổi; một GS người Đức mà Thầy Hồ giới thiệu là để luyện giọng; nữ GS Ngọc; trẻ, đẹp, dáng dấp sang trọng, quý phái, thường mặc một jupe màu café sữa, áo pull màu hoàng yến, cổ đeo chuỗi hạt trai sáng lấp lánh, lái xe Ford Taunus 17- M đến trường. GS Ngọc chỉ hơn cánh học trò chúng tôi vài tuổi hoặc bằng tuổi nên cô Ngọc là đích ngắm của nhóm chúng tôi, vừa chăm học vừa nhìn ngắm không thôi cho đến hết giờ. Cô Ngọc biết, đôi khi má ửng hồng, lúng túng! Vào lúc này, tôi không gặp lại các bạn đã từng học Anh Văn thời đó, bạn Giao, Thiếu Tá KQ; bạn Nhân Thủ Đức , Nguyễn Văn Túy, thi sĩ, làm báo. Cắt đứt dòng suy nghĩ, tôi đã qua tiệm cơm Tây có món gà Siu Siu, qua ngã tư Lê Văn Duyệt- Phan Đình Phùng, nơi có Tòa Đại Sứ Campuchia cũng là nơi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu.

    Đến ngã tư Cao Thắng-Phan Đình Phùng, tôi dừng chân ngắm nhìn dọc đường Cao Thắng, khoảng 200 mét là ngã ba Cao Thắng-Trần Quý Cáp; hút tầm mắt là Đại Lộ Hồng Thập Tự, nơi ngã tư có Bệnh Viện Từ Dũ. Gần hơn, bên kia đường Cao Thắng có rạp Ciné Việt Long, chiếu đủ thứ phim Tây, Tàu, Ấn Độ. Từ nơi tôi đứng, đến Tam Tông Miếu khoảng hơn một trăm mét, đi thêm nữa là ngôi nhà số 94 B của Ca sĩ Thanh Thúy, rồi rạp Ciné Kỳ Đồng gần cuối đường, đụng Đại Lộ Phan Thanh Giản.

    Qua đường, ngay góc ngã tư là tiệm bánh mì danh tiếng Sài Gòn, một tiệm chụp hình, cách vài ngôi nhà là một biệt thự lầu; dưới sân có cây cao, bóng cả. Đây là Trường Trung Học Tư Thục Hàn Thuyên, có GS Diễn, dậy Việt Văn nổi tiếng. Tôi là học trò của Ông một niên khóa. Qua những ngôi nhà tôi rất thân quen: nhà in Mạnh Chất, số 600, ngôi nhà cũ của Anh Chị tôi, số 602, Nhà May Thanh Trúc, số 604, Kỳ Viên Tự, qua đường, qua tư gia của cựu quốc trưởng Phan Khắc Sửu, tôi nhớ đến anh Phan Khắc Trực người bạn cùng Khóa 1/64 ANTB/DV Cây Mai, cháu của Cụ Sửu, không biết bây giờ anh ra sao!

    Đến đường Lý Thái Tổ tôi phân vân suy nghĩ. Số phận như "cá chậu chim lồng" chưa biết ra sao; tuy nhiên, tôi vẫn luôn muốn biết, ai còn ai mất, ai đã thoát đi trong biến cố đau thương này, vì vậy, tôi tìm đường về khu Trần Quốc Toản, nơi có cư xá quân đội tọa lạc. Đi qua một ngôi nhà dạng biệt thự trệt của gia đình Đại Tá Tô Đăng Mai, Cục Trưởng Cục Quân Tiếp VỤ (cựu CHT/BCH5TV), tôi thấy thấp thoáng có người mặc quân phục, đeo Không còn muốn tìm kiếm thêm điều gì, tôi đi trở lại Đại Lộ Lý Thái Tổ, đến gần bến xe miền Trung, trống vắng, không một chiếc xe. Duy nhứt, một người đàn ông trung niên đứng ở đó với một túi xách tay xẹp lép. Chúng tôi nhận ra nhau. Thiếu Tá Quít, Cựu Tiểu Đoàn Trưởng CB Kiến Tạo, đương kim CHT một đơn vị Bảo Toàn thuộc BCH5TV. Tôi vấn an Ông và được biết Ông không di tản vì gia đình kẹt lại tại Nha Trang. Cũng như Trung Úy Phạm Ngọc Khanh, Thiếu Tá Quýt nói Ông phải trở ra Nha Trang với gia đình, có ra sao cũng đành chịu. Chuyện trò với Ông một lát, tôi mong Ông sớm đón được xe đò về với gia đình. Tôi nói: "Thiếu Tá cẩn thận, giữ gìn sức khỏe. Những ngày sắp tới rất khó khăn, không biết ra sao."

    Ông cười, thật buồn, nói: "Trung Úy Hùng ở lại bình an. Tạm biệt!"

    Rời bến xe đò, thong thả chậm bước, tôi chú ý một phụ nữ đi ngược chiều. Một nữ du kích của MTGPMN thứ thiệt trước mặt, đi như chạy, tất bật, thở hổn hển. Tôi quan sát, người phụ nữ này cao lớn quá khổ, ước chừng dưới 30 tuổi. Đầu đội mũ tai bèo, cổ quấn khăn rằn đen trắng, mặc đồ bà ba đen chật ních, bó chặt tấm thân phì nộn làm nổi bật những khối u lồi lõm; bên hông trái mang một chiếc sắc cốt da, hông mặt đeo khẩu K54, tay mặt cầm một khẩu tiểu liên Tiệp Khắc báng xếp, gắn băng đạn, chân mang dép lốp. Nét mặt người nữ du kích mang vẻ nhiêm trọng, khó khăn, mệt mỏi; bộ quần áo bà ba đen bê bết, loang lổ mồ hôi muối tạo thành những mảng vải ướt màu đen, mốc trắng. Tôi đoán chừng người phụ nữ này là một cấp chỉ huy du kích, lẻ loi, xa cách với quân CSBV, lạc lõng trên đường phố Sài Gòn xa lạ. Tôi đã thấy cán binh CSBV di chuyển bằng các phương tiện xe cộ quân sự như loại xe U-Watt, xe Jeep chiến lợi phẩm, còn người nữ du kích miền Nam này, hối hả lội bộ, vậy chỗ đứng nào dành cho chị ta trong tương lai!

    Rời đường Lý Thái Tổ, tôi rẽ phải đi trên đường Hùng Vương về hướng Hậu Giang, Chợ Lớn. Đến vỉa hè trước cửa một ngôi nhà hai tầng đối diện với cổng chánh nhà máy Thuốc Lá Sài Gòn, đôi chân như rã rời, tôi đứng lại, ngước mắt lên cao: tôi thảng thốt, kinh ngạc thấy một chiếc Cessna của KQVN nằm gác bụng trên mấy sợi dây điện và cành cây của một cây dầu to lớn, tán lá tỏa rộng, phủ bóng xuống đường. Quan sát kỹ, chiếc Cessna dường như còn nguyên vẹn, cánh quạt, cánh và đuôi không gãy; giống như một món đồ chơi được sắp xếp trên cành cây.

    Bồi hồi, xúc động, tôi lo lắng cho số phận người phi công, Anh có hề hấn gì không? Anh có bị điện giật? Ngay tức thì, tôi lại bắt gặp một trường hợp khác hy hữu: một chiếc trực thăng UH-1 đậu ngay ngắn trên sân thượng ngôi nhà hai tầng, sát bên ngôi nhà phía trước có cây dầu và chiếc Cessna nằm gác trên đó. Nhìn kỹ hơn, tôi thấy 1 cánh quạt nhỏ phía đuôi bị gãy vì chạm một trong bốn bức tường thấp, nhỏ có mái che mưa thang gác lên xuống. Sân thượng ngôi nhà rất hẹp, ước chừng, bề ngang chừng 4,0 mét, bề dài 10-12 mét có tường cao khoảng hơn 1 mét bao bọc bốn bề theo đa số nhà cửa có sân thượng ở thành phố. Đó không phải là một bãi đáp trực thăng có dấu hiệu chữ H, nhưng người pilot đã liều lĩnh đáp tàu xuống, có lẽ để bốc người nhà đi, và tàu gặp nạn.

    Hai chiếc máy bay lâm nạn là những dấu tích chiến tranh trong ngày cuối cùng của cuộc chiến ở Sài Gòn và tôi là một nhân chứng bất đắc dĩ, ngậm ngùi cho số phận miền Nam cùng số phận của gia đình tôi và chính tôi. Đây là lần cuối cùng tôi có thể thấy hai máy bay lâm nạn mang phù hiệu KQVN, những quân dụng thượng đẳng hữu ích rất quen thuộc trong cuộc chiến. Khi còn là Đội Trưởng ANTB Dân Vệ một quận ở Ninh Thuân, hàng tháng tôi thường theo đoàn phát lương của Quận sử dụng trực thăng UH-I của Phi Đoàn Thần Tượng tới các tiền đồn xa sôi cận sơn, quan sát công tác phát lương và thăm hỏi anh em Dân Vệ tại đồn. Khi phụng sự BCH5TV tại Nha Trang rồi Cam Ranh, mỗi tháng tôi tổ chức các xa đoàn Tiếp Vận chạy trên các quốc lộ đến bảy tiểu khu và một đặc khu để tiếp tế quân nhu và quân trang dụng, luôn có một chiếc Cessna đã bay trên đoàn xe, bao vùng bảo vệ an ninh. Khi đi công tác cùng Trưởng Phòng Kế Hoạch Huấn Luyện và Chỉ Huy Trưởng BCH5TV tại các tiểu khu, chúng tôi thường xử dụng máy bay trực thăng của Phi Đoàn Thần Tượng.

    Tiếp tục đi không chủ đích, đến gần BV Hùng Vương, quẹo trái, tôi đi trên Đại lộ Đồng Khánh, Chợ Lớn, quay lại Đại Lộ Trần Hưng Đạo về nhà.

    Khoảng 4 giờ chiều, Cha-Mẹ tôi quần áo chỉnh tề như sắp đi đâu đó. Mẹ tôi nói chị Bạch Tuyết (Chị lớn của tôi) từ Rạp REX về cho biết hai Cụ tuần Đức, còn kẹt lại. Mẹ tôi nói: "Con cùng Bố-Mẹ đi thăm hai Cụ."

    Tôi ra đường đón xe, đường sá vắng vẻ, xe cộ, người đi lại thưa thớt. Phải chừng mấy chục phút sau, tôi mới đón được hai xe cyclo. Chúng tôi lên xe, bảo chạy đến cư xá nằm trên đường Yên Đỗ. Đến nơi, xe cặp vỉa hè bên phải, hướng về Đại lộ Hai Bà Trưng, chúng tôi xuống xe di chuyển đến một ngôi biệt thự lầu bên cạnh cư xá. Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt, thi hài một người đàn ông trung niên, quần áo tề chỉnh nằm ngửa, sát tường rào ngôi biệt thự. Chăm chú quan sát, tôi không thấy dấu vết thương tích, và không biết vì sao người đàn ông này qua đời, chừng bao lâu. Tôi thấy không phải là tuyên truyền, ở đâu có CS, ở đó có chết chóc đau khổ. Ít nhất, tôi đã thấy có hai người mất mạng, vô thừa nhận trên phố phường Sài Gòn khi CSBV tràn vào.

    Tôi bấm chuông, mấy phút sau, người nhà ra mở cổng, mời chúng tôi lên lầu. Hai Cụ tuần Đức, Cha-Mẹ đỡ đầu của tôi đón chúng tôi vô phòng khách. Trông qua balcon, chúng tôi thấy giữa vườn hoa ngôi biệt thự láng giềng có người đang dựng một mái che rộng lớn. Không để chúng tôi hỏi han, Cha đỡ đầu tôi nói.

    "Ông cụ chủ nhà bên cạnh nghe CS vào thành phố, Cụ quyên sinh. Gia đình đang lo tang lễ."

    Cha tôi tiếp chuyện với Cụ Ông. Mẹ tôi trò chuyện với Cụ Bà. Như thông lệ khi còn bé ở Hà Nội, rồi Sài Gòn, tôi đứng đằng sau ghế ngồi của Mẹ đẻ và Mẹ đỡ đầu trò chuyện. Tôi quan sát chung quanh. Cụ Ông mặc âu phục, áo chemise trắng, quần tây. Cụ Bà, mặc áo dài màu cánh gián, quần lụa trắng, đi hài thêu, búi tóc, mái tóc hoa râm, dáng dấp sang trọng, quý phái; cử chỉ đoan trang, hiền hậu. Tôi biết nếp sống của các Cụ vẫn như xưa, không hề đổi thay trong bất cứ nghịch cảnh nào. Hai bà Mẹ tôi chuyện trò thân thiết, những chuyện nước non, dâu bể trong đời, từ khi ở Phúc Yên, Hà Nội cho đến bây giờ Sài Gòn. Tay trắng! Và sẽ mất tất cả!
    Bỗng Mẹ đỡ đầu tôi quay ra đằng sau, nhìn tôi bằng ánh mắt thương yêu, đầy u buồn. Chậm rãi, nhỏ nhẹ, Mẹ đỡ đầu tôi nói: "Đặt tên Con là Hưởng mà Con không được hưởng gì hết."

    Tôi im lặng không thốt lên lời. Cho đến lúc này, tôi mới hiểu ý nghĩa của một tên khác của tôi: Bùi Huy Hưởng, con đỡ đầu của Quan Tuần Phủ Tỉnh Phúc Yên, Bùi Huy Đức.

    Quả thực, tôi không được hưởng của cải vật chất, của chìm của nổi của Cha Mẹ đỡ đầu trong cuộc đời này nhưng theo lời Cha Mẹ tôi, tôi đã sống sót trên đời là nhờ ơn Cha Mẹ đỡ đầu đã cho tài xế lái xe riêng từ Dinh Tuần Phủ Phúc Yên về Hà Nội đón một ông Đốc Tờ Tây đen gốc Ấn lên Phúc Yên chữa bệnh cho tôi, lúc vừa một tuổi, đang trong lúc thập tử nhất sinh vì sưng phổi. Tôi đã khỏi bệnh, theo Cha-Mẹ trốn CS về Hà Nội, học hành, trưởng thành, có cơ may được phụng sự chính nghĩa quốc gia trong hai nền Cộng Hòa.

    Tôi thực sự cảm động, biết ơn Mẹ đỡ đầu tôi, đã dành tình thương yêu cho tôi từ khi nhận đỡ đầu cho tôi khi mới được sinh ra cho tới khi khôn lớn, nên người.

    Thực vậy, từ khi làm giấy khai sinh cho tôi, cho đến nay, đã hơn 30 năm trôi qua, bao biến đổi, thăng trầm (từ Tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền; Tháng 7 năm 1954, Hiệp Định Geneve chia đôi Việt Nam, Miền Bắc Cộng Sản, Miền Nam Quốc Gia) Cha Mẹ đỡ đầu tôi đi Pháp, tất cả tài sản bỏ lại đất Bắc. Sau đó, từ Paris, Trở lại Sài Gòn, bây giờ Cha mẹ đỡ đầu tôi đã là hai cụ già tóc bạc da mồi, không biết ngày mai đời sống ra sao, nhưng vẫn bận tâm vì chưa cho đứa con đỡ đầu một chút gì tài sản thì tai ương lại đổ tới miền Nam!

    Trờ sẩm tối, chúng tôi kiếu từ Cha Mẹ đỡ đầu tôi, ra về. Đứng đón xe cyclo ngoài cổng, tôi đưa mắt nhìn, thi hài người đàn ông xấu số vẫn còn nằm cạnh bức tường. Gia đình kế bên vẫn đang âm thầm đau thương lo tang lễ cho ông cụ chủ nhà đã quyên sinh vì cộng sản vô Sài Gòn.

    Đèn đường đã tỏa sáng! Đường phố thưa vắng, ảm đạm!

    Bây giờ, trong buổi giao thời, tình hình như lắng đọng! Thời gian sẽ trả lời, những đổi thay, tai họa sẽ ập đến! Những kinh nghiệm chính tôi đã trải qua, từ sự kiện tiêu thổ kháng chiến ở Thị Xã Phúc Yên trong năm 1947: chỉ một sớm, một chiều, cả một thị xã đã trở thành bình địa, người dân trở thành dân vô gia cư, như những người du mục. Hai mươi năm xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Bắc, người dân được và mất những gì ngoài nghèo nàn, lạc hậu, đau thương và bao nhiêu thế hệ thanh niên Sinh Bắc Tử Nam! Với miền Nam, bao nhiêu thế hệ thanh niên tinh anh miền Nam hy sinh vì lý tưởng tự do, vì bảo vệ miền Nam.

    Lịch sử sang trang!

    Sài Gòn thân yêu đã mất tên! Miền Nam đã bị CSBV cưỡng chiếm. Niềm thương nhớ không nguôi!

    Bùi Quốc Hùng - từ bàn viết Tacoma trong ký ức 46 năm nhìn lại (30/4/2021)

    * Trung Úy Phạm Ngọc Khanh, San Jose, California


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X