Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đà Lạt & Hồ Tây

Collapse
X

Đà Lạt & Hồ Tây

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đà Lạt & Hồ Tây

    ĐÀ LẠT

    Được người Pháp phát hiện từ những năm cuối thế kỷ 19 và hình thành vào những năm đầu thế kỷ 20, Đà Lạt là một thành phố nghỉ dưỡng trẻ trung với nhiều ưu thế tự nhiên về khí hậu và cảnh quan. Nhờ vào độ cao 1475m so với mặt biển nên dù là một xứ nhiệt đới, Đà Lạt có được một khí hậu mát mẻ, dễ chịu của vùng ôn đới với nhiệt độ trung bình trong ngày thấp nhất là 15oC và cao nhất là 24oC. Mặc dù có hai mùa : Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 và mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau nhưng quanh năm Đà Lạt đều có nắng. Các nhà khí hậu học quả không quá lời khi gọi Đà Lạt là thành phố của mùa xuân.

    Đà Lạt diện tích khoảng 39.050 ha ở trong khoảng từ 11o52' -12o04' vĩ độ Bắc và 108o20' - 108o35' kinh độ Đông, được giới hạn bởi ngọn Langbian cao 2.167 m ở phía bắc, dãy núi Voi cao 1.756 m bao quanh phía tây và phía nam, còn phía đông bắc thì có ngọn Lap-Bé Nord cao 1.732 m, và phía đông ngọn Dan-se-na 1.600 m. Tiếp theo bên trong là những quả đồi đỉnh tròn thấp dần sườn thoai thoải. Xen giữa chúng là những thung lũng, phần lớn là khu dân cư và trồng trọt. Hồ Xuân Hương nằm giữa được coi là trung tâm của thành phố có độ cao 1.475 m. Do vậy Đà Lạt gần có dạng lòng chảo hình bầu dục. Nếu trước khi vào Đà Lạt dù từ hướng nào cũng phải qua đèo.

    Đất Đà Lạt chủ yếu là nâu đỏ và nâu vàng, phân hóa từ trên đá mẹ granit, daxit, riolít. Đất hơi chua, có độ pH từ 4,8 - 5,2. Tất cả đều có tầng đất dày, chất hữu cơ còn khá. Trên mặt đồi thành phần cacbon có 3 - 4%, ở thung lũng còn nhiều hơn, khoảng 15%.

    Do rừng, đồi hoang chiếm với diện tích lớn nên đất dành cho nông nghiệp không nhiều, chỉ khoảng 3.600 ha. Với điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp nên phần lớn diện tích trồng trọt ở đây là trồng rau.

    Mạng lưới rãnh, suối tương đối nhiều, nhưng Đà Lạt chỉ có một con sông nhỏ Cam Ly bắt nguồn từ những dãy núi đồi phía đông bắc chảy qua thành phố, hòa vào hồ Xuân Hương rồi đổ về thác Cam Ly, cuối cùng nhập vào sông Đa Dung ở huyện Đức Trọng. Do nằm giữa hai triền đồi nên về mùa mưa, đặc biệt ở những trận mưa có cường độ lớn vào tháng 9, nước sông dâng nhanh, uy hiếp những vùng rau màu nhà cửa ven sông.

    Đà Lạt có năm hồ, hồ ở đây hầu hết là hồ nhân tạo, đã bị bồi lấp khá nhiều qua mùa mưa, nên phần lớn các hồ cũng cạn dần. Gồm có hồ Xuân Hương, hồ Sương Mai, hồ Vạn Kiếp, hồ Đankia và hồ Chiến Thắng. Các hồ này là nguồn cung cấp nước đáng kể cho các vùng rau, nhất là về mùa khô.

    Đà Lạt là một sơn nguyên nên xét về mặt đệm của nó là xét đến tình hình rừng. Diện tích rừng Đà Lạt có chừng 16.400ha. Trong đó, rừng thông chiếm một diện tích đáng kể, hơn 10.300 ha. Đây là kho dự trữ quý giá về vật liệu cho công nghiệp, xây dựng...

    Ngoài ý nghĩa nói trên, rừng thông ở đây còn là vật "trang sức" của thành phố. Thật vậy, những giải rừng thông đã làm cho Đà Lạt thêm duyên dáng. Hơn nữa, nó cũng đóng một vai trò tích cực trong việc tạo nên những nét đặc sắc về tiểu khí hậu, môi sinh ở nơi này. Không khí trong rừng thông trong lành, dễ chịu là điều kiện tốt cho sự nghỉ dưỡng.

    Mặt khác, xét về ảnh hưởng đối với sản xuất nông nghiệp chúng ta cũng nên thấy rằng, về khả năng giữ ẩm, điều tiết nước, nhất là trong mùa khô, rừng thông kém hẳn so với rừng tạp giao hay rừng lá rộng. Vì rừng thông tán thưa, thoáng, bức xạ mặt trời có thể xuyên qua và đạt đến mặt đất, độ ẩm dưới tán cây bé, nên lượng bốc hơi mặt đất lớn, đất rừng thông khô. Cũng chính vì vậy, ta thấy nhịp điệu và mức độ giảm lưu lượng dòng chảy của các con sông, suối thuộc lưu vực rừng thông trong mùa khô nhanh và kiệt hơn so với các sông suối thuộc lưu vực của rừng lá rộng. Điều này cho ta lưu ý, có nên phát triển thông ở những dải rừng giữ nước đầu nguồn không.

    Đà Lạt ở vào triền tây nam của dãy Trường Sơn nên lượng mưa chủ yếu là do hoàn lưu Tây Nam mang lại.

    Với những ưu thế nội tại, Đà Lạt có thể cùng lúc tổ chức nhiều loại hình du lịch khác nhau như Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học...chắc hẳn Đà Lạt sẽ là một điểm hẹn lý thú.

    Hồ Xuân Hương

    Hồ Xuân Hương nằm ngay trung tâm thành phố Đà Lạt và bên cạnh Đồi Cù. Hồ thực chất là hồ nhân tạo được xây dựng vào năm 1919 do sáng kiến của Cunhac. Để tạo thành hồ, người ta đắp một cái đập chắn dòng suối chảy qua thung lũng, hồ có diện tích mặt nước rộng 25 ha, chu vi dài 5,1 km. Xung quanh hồ nhiều kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao được xây dựng như khách sạn Palace, thao trường Lâm Viên, nhà nghỉ Công Đoàn, Nhà hàng Thanh Thủy, Thủy Tạ... Trước kia hồ có tên gọi Grand Lac (hồ lớn). Vào buổi sáng sớm sương mù hiện lên rất đẹp và thơ mộng.



    Hồ Than Thở

    Hồ Than Thở là một hồ nước tự nhiên thuộc thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và cũng là một địa điểm du lịch của thành phố này.
    Tạp chí Indochine (Đông Dương) số 28 ra ngày 13 tháng 3 năm 1941 chọn ảnh hồ Than Thở làm ảnh bìa.

    Trước đây vùng hồ Than Thở có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.
    Người Pháp đặt tên hồ là Lac des Soupirs với nghĩa thứ hai (tiếng rì rào), nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại dịch theo nghĩa thứ nhất: hồ Than Thở.

    Vào lúc bình minh, sương mù bao phủ mặt hồ, tạo nên một bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp, nên sau năm 1975 hồ Than Thở còn mang tên hồ Sương Mai.





    Hồ Tây - lá phổi xanh của Hà Nội



    Hồ Tây nằm ở phía Tây Bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng 500 ha, đường vòng quanh hồ dài 17 km. Ngành địa dư lịch sử đã chứng minh rằng, hồ là một đoạn sông Hồng rớt lại, sau khi đổi dòng, có thể tới cả hàng nghìn năm. Hồ Tây hay còn gọi là hồ Mù Sương (Dâm Ðàm), hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ), đầm Xác Cáo. Mỗi tên lưu giữa một sự tích về nguồn cội của Hồ Tây huyền thoại.

    Hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu; là thế giới của những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ. Chẳng thế mà bấy lâu nó vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ... với nhiều bài hát, bài thơ viết về Hồ Tây, viết ở hồ Tây làm nao lòng người.

    Hồ Tây đẹp không chỉ bởi mặt nước xanh mênh mông, không chỉ có sắc tím bằng lăng, cánh hoa phượng hồng đỏ mỗi độ hè về, cái buồn man mác của không gian, của rặng liễu rủ những chiều đông, cái lung linh của ban mai tinh khiết... mà Hồ Tây còn đẹp bởi nó như một trái tim ôm trọn trong mình những trạng thái buồn vui của biết bao con người.

    Mỗi sáng tinh mơ, hàng trăm người, cả già lẫn trẻ tìm ra chốn này để hít hà không khí trong lành và tập thể dục. Ðầu dốc đường Thanh Niên là cửa ngõ của những chiếc xe đạp chở đầy hoa, những gánh hàng ăn dân dã "chảy" vào lòng Hà Nội.



    Hồ Tây trở thành điểm hẹn, để người ta tìm đến như một quán tính. Ðường Thanh Niên hay còn có cái tên đường Cổ Ngư rất đẹp trước đây là ranh giới giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, từ sau buổi vãn chiều rất đông người qua lại. Có người tìm cho mình một góc nào đó ở bên hồ để hóng gió, nhâm nhi ly cà phê trong một quán ven đường, thưởng thức món bánh tôm nổi tiếng, ăn một ly kem; vào những nhà hàng sang trọng nằm ở mép hồ hay giữa hồ, hoặc trên du thuyền... Cũng có người chỉ thích dạo quanh hồ để hít hà không khí trong trẻo rồi lại đi đâu đó hoặc trở về nhà. Ðông nhất là những ngày cuối tuần. Dòng người đổ về Hồ Tây nhiều khi ùn tắc cả một đoạn dài đường Thanh Niên. Trên boong tàu lớn nơi mặt hồ, có một đôi uyên ương đang tươi cười hạnh phúc trong ngày cưới giữa bao lời chúc phúc của người thân, bè bạn. Bên bờ, ở một ghế đá nào đó có cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm ba toong ngước về phía bờ Tây ngắm hoàng hôn xuống...

    Hồ Tây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc. Quanh hồ hiện có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng với nhiều văn vật giá trị: 102 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá... Nhiều ngôi chùa, đền là thế, nhưng có lẽ người Hà Nội, khách du lịch vẫn tìm đến đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. Người người đến đây chẳng những được thưởng thức nét đẹp kiến trúc của đền chùa cổ xưa mà còn cầu may, cầu phúc... đông nhất là vào những ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng và ngày lễ, Tết. Phía tây Hồ Tây vẫn còn rất nhiều làng. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một địa danh, một trầm tích lịch sử. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo. Làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh. Làng Thụy Khê có chùa Bà Ðanh. Làng Nhật Tân với sắc thắm của hoa đào nổi tiếng. Rồi làng giấy, phường đúc đồng v.v... Mặc dù, nét làng thuở nào đã khoác lên mình một diện mạo mới trong quá trình đô thị hóa với những khu nhà cao tầng, khách sạn, biệt thự mọc lên nhưng nhiều làng vẫn còn giữ được nét làng với những cổng làng, đình làng, những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi có lẻ... Hồ Tây là nơi đến thư giãn của người Hà Nội và cũng là nơi ở lý tưởng của những người nước ngoài đang sống và làm việc ở chốn Hà Thành, với hàng trăm ngôi biệt thự phía tây. Ðộ hơn mươi năm về trước, người ta chỉ lên phía tây Hồ Tây để vào các làng hoa, làng đào, để đi chùa, đi phủ Tây Hồ... thì những năm gần đây, nhà nhà đua nhau mở quán ăn, nhiều dần rồi thành từng khu ẩm thực với phong cảnh trữ tình cho những người muốn "đổi gió" sau những giờ làm việc mệt mỏi.



    Có người gọi Hồ Tây là mặt gương của Hà Nội. Tôi thích gọi Hồ Tây là lá phổi xanh của chốn Kinh Thành.


    Bài: Vương Mơ Ảnh: Trọng Chính
    (Báo ảnh Việt Nam)




Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X