BUỒN VUI ĐỜI LÍNH... VĂN PHÒNG (phần 2)

Collapse
X

BUỒN VUI ĐỜI LÍNH... VĂN PHÒNG (phần 2)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts
  • Nguyen Huu Thien
    Moderator

    • Jul 2014
    • 1125

    BUỒN VUI ĐỜI LÍNH... VĂN PHÒNG (phần 2)

    BUỒN VUI ĐỜI LÍNH... VĂN PHÒNG (phần 2)
    Hồi ký



    Nguyễn Hữu Thiện

    Phần 2 - “Kỹ Thuật Tiếp Vận là ta”

    Giữa tháng 6/1972, chỉ hơn một tuần lễ sau khi làm đơn, tôi nhận được quyết định thuyên chuyển về Khối CTCT Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận Không Quân (BCH/KTTV/KQ) ở Biên Hòa, nơi mà ông chỉ huy trưởng, Đại tá Từ Văn Bê, có tiếng là người réc-lô nhất trong số chín ông đại đơn vị trưởng của Không Quân (6 Sư Đoàn + TTHLKQ + BCH/HQKQ + BCH/KTTV/KQ).

    Tại sao tôi không xin về Khối CTCT của SĐ3KQ cũng ở Biên Hòa?

    Xin được giải thích như sau:

    Trong các ngành không phi hành của Không Quân, không kể những trường hợp hoán chuyển đơn vị giữa hai cá nhân, trong đơn xin thuyên chuyển của các quân nhân mãn hạn phục vụ chỉ ghi tên địa phương mình muốn về chứ không ghi tên đơn vị, bởi vì có khi ở một địa phương có nhiều đơn vị khác nhau, tùy theo nhu cầu mà quân nhân xin thuyên chuyển về sẽ bị chỉ định một trong những đơn vị đó chứ không được quyền lựa chọn.

    Thí dụ một người có chỉ số 72 (Chiến Tranh Chính Trị) nếu làm đơn xin thuyên chuyển về Tân Sơn Nhứt thì có thể sẽ được về Văn phòng Tham mưu phó CTCT tại BTL/KQ, hay Khối CTCT của SĐ5KQ, hoặc Phòng CTCT của Liên Đoàn Kiểm Báo.

    Ở đây tôi làm đơn xin về Biên Hòa, nơi có hai Khối CTCT, một của SĐ3KQ, một của BCH/KTTV/KQ. Dĩ nhiên tôi mong muốn được về Khối CTCT của SĐ3KQ nhưng có lẽ lúc đó bên SĐ3KQ đã đủ người còn BCH/KTTV/KQ thiếu người cho nên tôi mới bị đưa về phục vụ dưới trướng ông Từ Văn Bê.

    * * *

    Lần đầu tiên tôi được nghe tên và thấy mặt ông Từ Văn Bê là vào khoảng đầu năm 1971 ở Pleiku, nhân dịp Thiếu tá Lê Bá Định, Phi đoàn trưởng Phi Đoàn 530, đứng ra tổ chức Đêm Khu Trục (2) tại phi trường Cù Hanh.

    Sanh sau đẻ muộn, tôi không được biết Đêm Khu Trục (1) tổ chức trước đó 10 năm linh đình cỡ nào, chỉ biết Đêm Khu Trục (2) là party lớn nhất trong Không Quân mà tôi từng được tham dự.

    Địa điểm là CLB Sĩ Quan Không Quân Pleiku, nguyên là NCO Club của Không Đoàn 633 (Hoa Kỳ) mới bàn giao, sang trọng, đẹp đẽ, tân kỳ gấp chục lần Hội quán Mây Bốn Phương của SĐ5KQ ở Tân Sơn Nhứt.

    Về văn nghệ thì ông bầu Jo Marcel, ban nhạc (cùng dàn âm thanh) và các ca sĩ tên tuổi ở Sài Gòn được Đại tá Phan Phụng Tiên cho nguyên một chiếc C-47 chở lên Pleiku; anh chàng còn chơi đẹp dắt theo cô học trò trẻ đẹp nhất, láng mướt nhất của Xuân Trang – Thu Thủy lên vũ sexy 100%, gọi là để sưởi ấm lòng những “kẻ ở miền xa, thiếu bóng đàn bà”!

    Trong phần giới thiệu quan khách tham dự, sau Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ (mà ông Lê Bá Định được chỉ thị thưa gửi một cách ngắn gọn là “Thiếu tướng phi công”), cựu Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, ông Minh “đù” và các ông sư đoàn trưởng, chỉ huy trưởng hiện diện, ông Định đã trân trọng giới thiệu “Đại tá Từ Văn Bê cũng phải tạm rời cái chùa Kỹ Thuật Tiếp Vận ở Biên Hòa để lên Pleiku chung vui”!

    Đêm hôm đó, ba ông tướng (Kỳ, Loan, Minh) đều mặc đồ xi-vin, còn các ông Đại tá tôi chỉ nhớ mỗi ông Phan Phụng Tiên mặc đồ bay thắt khăn phu-la tím trông rất ư là... playboy!

    Sau Đêm Khu Trục (2), tôi cũng quên luôn tên tuổi, mặt mũi ông Từ Văn Bê cũng như cái danh xưng đơn vị dài thoòng “Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận Không Quân”!

    Hơn một năm sau, khi nhận được lệnh thuyên chuyển về “cái chùa Kỹ Thuật Tiếp Vận” ấy, tôi mới có cơ hội tìm hiểu về ông “Từ”.

    * * *

    Ông Từ Văn Bê sinh năm 1931, gốc Long Xuyên, ăn học ở Sài Gòn. Theo lời cố Đại tá Nguyễn Quang Tri, một vị đại niên trưởng trong ngành khu trục và cũng là bạn học năm cuối trung học của ông Từ Văn Bê thì trước kia chàng thanh niên họ Từ không hề có ý định gia nhập quân đội mà muốn trở thành kỹ sư; chỉ sau khi đậu Tú Tài Pháp, bị anh bạn học Nguyễn Quang Tri (vốn ôm mộng trở thành phi công) rủ rê mới thi vào Không Quân để theo học Khóa 1953 tại Trường Võ Bị Không Quân Salon-de-Provence bên Pháp.

    Có tổng cộng 20 khóa sinh trên toàn quốc VN trúng tuyển khóa này, sang Salon-de-Provence học chung với người Pháp. Theo lời kể lại của Đại tá Tri (bài “Chuẩn tướng Từ Văn Bê”, Hội Quán Phi Dũng), ông Từ Văn Bê là dân nhà lành thứ thiệt, ngôn ngữ bình dân gọi là “cù lần”:

    “Ở Pháp, cụ không biết đi chơi bời. Ngày nọ, cụ đi bệnh xá, gặp Y Sĩ Trưởng là một Đại Tá già, coi chúng tôi như con cháu trong nhà, nên ông nói với cụ nhà ta rằng: Tu connais pas qu’il y a des bordels à...” (Anh không biết ở... có các động chị em ta à) làm mấy thằng Tây con tủm tỉm cười, vì biết bao nhiêu thằng còn trinh. Không biết cụ nhà tôi mất trinh từ bao giờ???” (ngưng trích)



    Trường Võ bị Không quân Pháp Salon-de-Provence

    Sau một năm tại Salon-de-Provence, ông Nguyễn Quang Tri sang Meknes, Morocco, học bay khu trục, còn ông Từ Văn Bê tới Rochefort theo học ngành kỹ thuật hàng không.

    Về nước với bằng Kỹ sư Cơ khí Hàng Không (Ingénieur aéronautique, tiếng Anh: Aviation Engineer), Trung úy Từ Văn Bê giữ chức vụ Sĩ Quan Kỹ Thuật của Đệ Nhất Phi Đoàn Tác Chiến Liên Lạc (1er GC&L). Sau khi phi đoàn này bị giải thể vào năm 1956 (vì các phi cơ MD-315 Flamant của phi đoàn phải trả lại cho người Pháp theo các điều khoản của Hiệp Định Geneva 1954), ông về Biên Hòa làm phụ tá cho Đại úy Lê Văn Khương, Giám đốc Công Xưởng Không Quân.

    Năm 1958, Đại úy Từ Văn Bê lên thay Đại úy Lê Văn Khương.

    Năm 1964, cùng với việc thành lập các Không Đoàn 23, 33, 41, 62, 74 Chiến Thuật, Công Xưởng Không Quân trở thành Không Đoàn Kỹ Thuật Tiếp Vận, chức vụ Giám đốc Công Xưởng của Thiếu tá Từ Văn Bê trở thành Tư lệnh Không Đoàn KTTV.



    Lễ chuyển giao phản lực cơ F-5 cho KQVN, Biên Hòa 1/6/1967. Đi hàng đầu, từ trái: Trung tá Dương Thiệu Hùng, Tư lệnh KĐ23,
    Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư lệnh KQVN, Trung tá Từ Văn Bê, Tư lệnh KĐKTTV. Đi phía sau là Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker


    Năm 1970, trong đà bành trướng của quân chủng, khi các Sư Đoàn Không Quân được thành lập, Không Đoàn Kỹ Thuật Tiếp Vận trở thành Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận Không Quân, chức vụ của ông Từ Văn Bê trở thành Chỉ huy trưởng.

    Như vậy, tính tới năm 1975, ông Từ Văn Bê đã nắm quyền chỉ huy một đơn vị trong suốt 17 năm liên tục, một kỷ lục không chỉ trong Không Quân mà còn của cả QLVNCH.

    Nguyên nhân: theo nhận xét của đa số niên trưởng trong Không Quân, ông Từ Văn Bê vừa có khả năng chuyên môn vừa yêu nghề vừa có tinh thần trách nhiệm, để ông liên tục nắm giữ một đơn vị kỹ thuật sẽ có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó còn thêm một nguyên nhân tế nhị mà mọi người thường hiểu ngầm chứ không bao giờ nói ra công khai: ông Từ Văn Bê có tiếng là thanh liêm, để ông nắm ngành tiếp vận sẽ không sợ bị... thất thoát, vì thế ông thường được gọi nửa đùa nửa thật là “ông thần giữ của của Không Quân”!

    Nhưng ông Từ Văn Bê không chỉ thanh liêm mà còn... réc-lô; bởi ông quan niệm Công Xưởng Không Quân cũng giống như một hãng xưởng ngoài dân sự, các nhân viên sáng đi chiều về, nếu không đôn đốc, kiểm soát thì công việc sẽ không chạy. Vì thế trong giờ làm việc mới có xe díp của Phân Đoàn Cảnh Vệ chạy vòng vòng trong căn cứ để “hốt” mấy chú lính mang phù hiệu “kỹ thuật tiếp vận” đi lang thang không có lý do chính đáng.


    [BCH/KTTV/KQ không có “quân cảnh” riêng, chỉ có “cảnh vệ” để canh gác các cơ sở kỹ thuật, các kho vật liệu và tuần tiễu trong phạm vi trách nhiệm]

    Nghe kể lại, cơ xưởng nào có nhiều lính vi phạm sẽ bị ông Từ Văn Bê... ghi lòng tạc dạ (ông có một trí nhớ dễ nể). Sĩ quan (và hạ sĩ quan có chức vụ) cũng thế, người nào lè phè, vô trách nhiệm hoặc có nhiều “phốt” thì không thể sống yên với ông, trái lại người nào đàng hoàng chăm chỉ thì không bao giờ bị thuyên chuyển đi nơi khác, vì ông Từ Văn Bê và BTL/KQ đã có một thỏa thuận ngầm: BTL/KQ không bao giờ được “bắt” người của ông!

    Vì thế, trước khi rời Pleiku tôi tới chào từ biệt sếp cũ là Trung tá Lê Bá Định, lúc này đang làm Không đoàn trưởng KĐ72CT, biết tôi có tật ngựa non háu đá, điếc không sợ súng, ông ân cần căn dặn:

    “Bạn có vợ con rồi, về với ông Từ Văn Bê ráng giữ mình, ổng mà thấy bạn OK rồi thì không bao giờ phải lo bị đổi đi nơi khác.”

    Tôi rất cảm động trước lời khuyên của vị chỉ huy cũ nhưng lúc ấy trong lòng tôi tự biết mình sẽ khó mà “OK”!

    * * *

    Về tới Biên Hòa, việc đầu tiên của tôi là tới Phòng Nhân Viên (sau này gọi là Phòng Tổng Quản Trị) làm thủ tục đáo nhậm đơn vị (ký “circuit d’arrivée”), một ông Thiếu úy già mặt mũi rất khó chịu nhìn tôi từ đầu tới chân rồi nói:

    -Thiếu úy có biết sĩ quan mới về Bộ chỉ huy ký “circuit d’arrivée” xong phải vào trình diện Đại tá Chỉ huy trưởng không? Lo hớt tóc cạo râu đi nghen!

    Tới Khối CTCT, tôi vào trình diện Đại úy Nhữ Văn Phúc, một sĩ quan kỹ thuật đang giữ chức “quyền Trưởng Khối CTCT” thay Thiếu tá Nguyễn Bá Thảo đi làm Sĩ quan Liên lạc KQ bên Mỹ.

    Đại úy Nhữ Văn Phúc (sau lên Thiếu tá) là một sĩ quan khá trẻ, chắc chỉ hơn tôi bốn, năm tuổi, xuất thân thiếu sinh quân, hoạt bát vui vẻ, rất được cảm tình trong đơn vị.

    Thế nhưng mới nói chuyện được hai ba câu, ông đã hỏi tôi – hỏi thật chứ không hỏi đùa:

    -Nghe nói ngoài Pleiku anh chuyên môn dọt phải không?


    Nghe ông Phúc hỏi tôi giật mình, và thất vọng. Giật mình vì không ngờ Thiếu tá X lại nhỏ mọn và thù dai tới mức thông báo “thành tích” của tôi về đơn vị mới. Thất vọng vì không ngờ ông Phúc lại hỏi tôi về cái tội “chuyên môn dọt” ngay trong lần đầu tôi “ra mắt” ông.

    Thành thử như một phản ứng tự nhiên, tôi lui ngay về thế thủ; thủ nhưng vẫn trả lời một cách hơi găng, tuy cố thòng một câu cho ra vẻ khôi hài:

    -Thưa đại úy, tôi chỉ trễ phép một lần duy nhất, còn những lần khác tôi xin mà không cho đi thì tôi đành phải dọt thôi!... Nhưng bây giờ về Biên Hòa rồi tôi đâu cần dọt nữa!

    Sau này, khi tôi đã trở thành “ma cũ”, quan hệ giữa tôi và ông Phúc khá tốt đẹp, chỉ sau Đại úy Vũ Duy Ty (Khóa 65B), Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến kiêm phụ trách hướng đạo sinh quân đội, là người tôi thân thiết nhất.

    Bởi vì chỉ sau khi đã trở thành “ma cũ”, tôi mới nhận ra ngày ấy ông Phúc cũng chẳng có ác cảm hay thành kiến với tôi mà chỉ muốn “phủ đầu” để đưa tôi vào khuôn khổ, cũng giống không ít cấp chỉ huy trung gian khác - Trưởng Khối, Trưởng Phòng, Liên Đoàn Trưởng... - ở BCH/KTTV/KQ.

    Có thể viết, khi “tiếng dữ đồn xa” thì một phần không nhỏ tiếng dữ của ông Từ Văn Bê là do các cấp chỉ huy trung gian này vô tình tạo ra!


    * * *

    Trở lại với buổi trình diện Đại úy Phúc, sau đó ông cũng lập lại những gì ông Thiếu úy già ở Phòng Nhân Viên đã cảnh cáo tôi: hớt tóc cạo râu trước khi trình diện Đại tá Chỉ huy trưởng; ông cũng nói tôi phải may phù hiệu đơn vị lên vai áo và bỏ áo trong quần!

    Lúc đó tôi đang mặc một bộ nomex (áo quần rời của dân trực thăng), rất muốn giải thích cho ông Phúc biết mặc đồ nomex mà bỏ áo trong quần thì trông không giống con giáp nào cả, nhưng tôi đã kịp nhớ tới lời căn dặn của ông Lê Bá Định để im miệng.


    Tới khi ký xong một vòng “circuit d’arrivée” thì tôi đã trở thành một quân nhân “kỹ thuật tiếp vận” gương mẫu: tóc ngắn 3 phân, mày râu nhẵn nhụi, mặc một bộ treillis áo bỏ trong quần, không quên may phù hiệu đơn vị trên vai, lên Bộ chỉ huy trình diện Đại tá Chỉ huy trưởng!

    Nhưng hôm đó ông Từ Văn Bê quá bận rộn, khi được ông Trung úy Trưởng Ban Văn Thư vào báo có một tay Thiếu úy mới thuyên chuyển về đang chờ trình diện, đã nói ông Trung úy cứ ký “circuit d’arrivée” cho tôi, khi nào ông rảnh sẽ kêu lên trình diện sau.


    Văn phòng Chỉ huy trưởng và Ban Văn Thư của BCH/KTTV/KQ. Hình chụp vào năm 1967
    khi đơn vị còn là Không Đoàn KTTV, phía trước có chữ “Bộ Tư Lệnh”


    Vậy là tôi đã hy sinh mái tóc, bộ râu một cách vô ích!... Khoảng một tháng sau vẫn không thấy Ban Văn Thư kêu lên trình diện ông chỉ huy trưởng, tôi bắt đầu để râu tóc trở lại.

    Về phần Đại tá Từ Văn Bê có lẽ do công việc bề bộn liên tục (tiếp nhận vật liệu, phụ tùng phi cơ trước khi ký Hiệp Định Paris, nhận bàn giao cơ sở từ phía Hoa Kỳ...) cũng quên luôn anh chàng thiếu úy trẻ mới thuyên chuyển về mà ông chưa được thấy mặt mũi, dòm giò cẳng.

    Cho tới một ngày đẹp trời nọ, tôi dại dột (vô tình thì đúng hơn) lạy ông tôi ở bụi này.

    Đó là việc tôi nổi hứng làm một bài thơ vui để đăng trên Bản Tin đơn vị, kể về việc tôi từ Pleiku thuyên chuyển về BCH/KTTV/KQ trong đó có nhắc tới ba sĩ quan khác cũng mới từ phố núi cao đổi về đây là Thiếu tá (ít lâu sau lên Trung tá) Quách Thu Vinh, Đại úy Hàn Phú, và Đại úy Thái Văn Bé (cả hai sau lên Thiếu tá).

    Nhờ bài thơ này mà tôi lọt vào mắt xanh của ông Từ Văn Bê cho nên hơn 50 năm sau tôi vẫn còn nhớ gần như thuộc lòng.

    NHẬT KÝ ĐỜI TUI

    Kể từ ngày lên đường nhập ngũ
    Bốn quân trường đủ thứ ăn chơi
    Vai mang quai chảo sáng ngời

    Tưởng rằng từ đó cuộc đời lên hương.
    Ngày bốc thăm bốn phương tám hướng
    Tay run run cứ tưởng xổ đề
    Cần Thơ đã có người về
    Nha Trang, Đà Nẵng, Biên Huề cũng tan
    Bớ Pleiku sao mà hắc ám (1)
    Ta với mi ân oán gì đâu...
    Ra đi lòng dạ thấy rầu
    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (2)
    Ra tới xứ mưa mùa nắng gió
    Suốt đêm dài chẳng có gì chơi
    Ngày ngày hai buổi leo đồi
    Ăn cơm gạo sấy vui đời ấm no
    Núi Hàm Rồng (3) chiều chiều đứng ngó
    Khát khao lòng biết mó nơi mô
    Lâu lâu đi tắm Biển Hồ
    Giai nhân miền Thượng tha hồ bướm ong

    (Nhưng đừng quất ngựa truy phong
    Đinh thư đầy bụng đi đong cuộc đời).

    * * *
    Tháng năm rồi ngày về cũng tới
    Vợ với con ơi ới chán ghê
    Pleiku đi dễ khó về
    Trai đi có vợ gái về có con
    Nhưng thôi phước đức hãy còn
    Kỹ Thuật Tiếp Vận sướng hơn núi đồi...
    Vừa đặt chân về nơi xứ bưởi
    Đã thấy lòng phấn khởi hân hoan
    Bà con cô bác xa gần
    Tới lui thăm hỏi trăm phần mến thương
    Có những người cùng nơi xứ Thượng
    Quách Thu Vinh lão trượng ngày nào
    Thêm Đại úy Bé to cao
    Quan ba Hàn Phú cũng nhào về đây
    Thế là một ách ba tây
    Cùng nhau góp sức đắp xây chung nhà
    Kỹ Thuật & Tiếp Vận là ta...


    (1) Đúng ra là tôi bốc phải thăm Sóc Trăng rồi đổi lấy thăm Pleiku
    (2) Mượn thơ Nguyễn Du
    (3) Núi Hàm Rồng KQ Mít gọi là “núi Lìn”, Không Quân Mỹ bắt chước gọi là “Pussy Mountain”


    Pussy Mountain, Pleiku

    Bài thơ con cóc ấy chưa được đăng trên Bản Tin đơn vị thì đã lọt vào mắt xanh ông Đại tá Chỉ huy trưởng!

    Nguyên ông Từ Văn Bê là một người rất kỹ, việc gì trong đơn vị cũng muốn đích thân kiểm soát (người ta nói ông “độc tài” chẳng oan chút nào), cho nên bài vở trong Bản Tin đơn vị do Ban Thông Tin Báo Chí, Khối CTCT thực hiện mỗi tam cá nguyệt phải trình duyệt bản thảo trước khi cho đánh máy.

    Đọc xong bài thơ của tôi, ông Từ Văn Bê điện thoại cho Đại úy Phúc hỏi tác giả là ai (tôi không ghi tên thật). Khi ông Phúc nói tôi là một sĩ quan mới từ Pleiku thuyên chuyển về mà chưa có dịp trình diện Đại tá Chỉ huy trưởng, ông Bê mới chợt nhớ ra liền kêu tôi lên trình diện. Với râu tóc và quân phục lúc ấy không lấy gì làm gương mẫu cho lắm, tôi cũng hơi rét.

    Nhưng mọi việc đã diễn ra tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng. Ông Từ Văn Bê không hề đả động tới râu tóc và quân phục của tôi, ông chỉ hỏi về chuyện Pleiku, từ công việc của tôi ở đó (Trưởng Đoàn Công Tác CTCT, Sĩ Quan Báo Chí) cho tới các cấp chỉ huy ở phi trường Cù Hanh, cách riêng hai ông Đỗ Trang Phúc và Lê Bá Định. Ông nói ông đã biết ông Định từ ngày ổng còn giữ chức Chỉ huy phó kiêm Sĩ quan CTCT của Phi Đoàn 1 Khu Trục ở Biên Hòa.

    Cuối cùng, ông Từ Văn Bê mở cái sơ-mi (chemise) trong đó có bản thảo bài thơ của tôi, viết mấy chữ lên một miếng giấy kẹp vào đó rồi đưa cho tôi, miệng mỉm cười.

    Ra khỏi phòng, tôi mở cái sơ-mi ra thì đọc được mấy chữ ông Bê viết trên miếng giấy:

    CTCT, có nên có một phần thưởng?

    Bên dưới ký tên “Từ Văn Bê” thật lớn! (ông luôn luôn ký đầy đủ tên họ)

    Sau đó, tôi được Đại úy Phúc xuất quỹ Xã Hội thưởng cho 500 đồng.

    * * *

    Số tiền trên chỉ đủ để bao các sĩ quan trong Khối CTCT một chầu cà phê sáng, nhưng dòng chữ của ông Từ Văn Bê thì còn mãi trong tôi!

    Tôi không quá lời mà thực sự dòng chữ ấy đã có tác dụng lớn trong việc từng bước thay đổi con người thích chống đối, giảm bớt cái tật ngựa non háu đá nơi tôi. Tôi vừa cảm kích trước sự quan tâm của ông Bê vừa cảm thấy vui vui khi nhận ra rằng cái tài vặt của mình coi vậy mà cũng có người... ái mộ!

    Gọi là tài vặt vì làm thơ đúng nghĩa thơ như đàn anh Võ Ý, hoặc hai ông bạn thi sĩ Phan Lạc Giang Đông, Trần Ngọc Tự của tôi ở BTL/KQ mới khó, chứ thơ vui thì một ngày làm mấy bài mà chẳng được!

    Từ đó, tôi trở thành cây bút thường xuyên trên Bản Tin đơn vị, lúc làm thơ vui, lúc viết phóng sự tiếu lâm, lúc kể chuyện người tốt việc tốt, khá ăn khách!

    Về quân phong quân kỷ, như thể chịu ảnh hưởng mọi người chung quanh, tôi tự động nhập gia tùy tục lúc nào không hay, ăn mặc chỉnh tề, tóc tai gọn ghẽ, chỉ giữ lại bộ râu mép.

    * * *

    Khoảng hai tháng sau khi về BCH/KTTV/KQ, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Xã Hội, một chức vụ tôi không thích một chút nào cả.

    Thứ nhất, xưa nay chức vụ này thường do một nữ sĩ quan gốc trợ tá xã hội đảm trách, chẳng hạn bà Đại úy Tâm ở BTL/KQ, bà Trung úy Nhàn bên SĐ3KQ.

    Thứ hai, công việc của Phòng Xã Hội tại BCH/KTTV/KQ rất nặng nề so với các phòng ban khác thuộc Khối CTCT như Phòng Chính Huấn, Phòng Tâm Lý Chiến, Ban Thông Tin & Báo Chí..., bởi vì ngoài những công tác xã hội đúng nghĩa, còn phải chịu trách nhiệm Phòng May, Phòng Hớt Tóc, Thư Viện, kiểm soát Binh Thực...

    Trước khi tôi về BCH/KTTV/KQ thì tại Khối CTCT, ngoài Đại úy Vũ Duy Ty Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến đã nhắc tới ở trên, có Trung úy Tôn Thất Tịnh (Khóa 27 Thủ Đức), Trưởng Ban Thông Tin Báo Chí, Thiếu úy Ngô Hưng Tâm (Khóa 3/69 Thủ Đức), Trưởng Phòng Chính Huấn, Thiếu úy Phạm Xuân Cung (cũng Khóa 3/69 Thủ Đức), Trưởng Phòng Xã Hội kiêm quản lý Câu lạc bộ Bửu Long.

    [Hai khóa không phi hành đông nhất của Không Quân là 7/68 và 3/69, riêng tại CCKQ Biên Hòa, Khóa 3/69 đông hơn Khóa 7/68]

    Tuy giữ chức vụ Trưởng Phòng Xã Hội, nhưng hầu như mọi việc anh Cung phải giao hết cho nhân viên dưới quyền để rảnh tay trông coi Câu lạc bộ Bửu Long, vốn là niềm hãnh diện của ông Từ Văn Bê.

    Vì thế, sau khi tôi về đơn vị ông Từ Văn Bê đã quyết định bổ nhiệm vào chức vụ Trưởng Phòng Xã Hội thay Thiếu úy Cung. Khỏi nói, tôi chán vô cùng, nội cái danh xưng chức vụ nghe đã “yếu” rồi, mai đây còn phải về BTL/KQ họp hành với bà Đại úy Tâm và một đám Trưởng Phòng Xã Hội hồng quần đã quá nửa chừng xuân thì thật là... móp mặt bầu cua.

    Nhưng khác với việc được Trung tá Đỗ Trang Phúc đề cử đi học khóa Trưởng quầy hàng Quân tiếp vụ ở Pleiku trước kia, việc Đại tá Từ Văn Bê bổ nhiệm tôi làm Trưởng Phòng Xã Hội BCH/KTTV/KQ là… quân lệnh!

    Họa vô đơn chí, tôi vừa nhận lãnh chức vụ được ít lâu thì Phòng Xã Hội phải kiêm thêm một nhiệm vụ không giống ai là quản trị đàn bò và bầy dê của đơn vị.

    (Còn tiếp)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-27-2024, 04:43 PM.
  • Nguyen Huu Thien
    Moderator

    • Jul 2014
    • 1125

    #2
    BUỒN VUI ĐỜI LÍNH... VĂN PHÒNG (phần 2)

    “Kỹ Thuật Tiếp Vận là ta”

    (Tiếp theo)

    Tôi không được biết ở các căn cứ khác trong Không Quân VNCH người ta có nuôi bò hay không, và nếu nuôi thì phần sở, phòng ban nào chịu trách nhiệm, chỉ biết ở SĐ5KQ có một đàn bò do Không Đoàn Yểm Cứ Tân Sơn Nhứt của Đại tá Nguyễn Trung Sơn nuôi, nghe nói trên dưới 50 con.

    Bò ăn cỏ trong căn cứ thì giao cho Không Đoàn Yểm Cứ nuôi quả là hợp tình hợp lý, nhưng ở SĐ3KQ trong khi Không Đoàn Yểm Cứ Biên Hòa của ông Phùng Văn Chiêu không nuôi bò thì BCH/KTTV/KQ của ông Từ Văn Bê lại nuôi để chúng ăn cỏ “chùa”!

    Cũng cần nhấn mạnh, theo hệ thống chỉ huy hàng ngang, BCH/KTTV/KQ là một trong chín đại đơn vị biệt lập của Không Quân có cấp số tương đương Sư Đoàn, nhưng về phương diện lãnh thổ lại nằm trong căn cứ không quân Biên Hòa thì trên nguyên tắc, những phần đất phía bên ngoài các cơ sở của BCH/KTTV/KQ là đất của SĐ3KQ, cỏ mọc trên đất này là cỏ của SĐ3KQ chứ không phải cỏ chùa!

    Cũng may mà SĐ3KQ không nuôi bò, bởi nếu cả hai bên cùng nuôi thì sẽ nảy sinh biết bao vấn đề, mà nhức đầu nhất có lẽ là việc nhận vơ hoặc tranh giành... bò lạc!

    Sở dĩ SĐ3KQ không nuôi bò, theo suy nghĩ của tôi, là vì quỹ xã hội của Sư Đoàn quá dư giả đâu cần tới những nguồn lợi lẻ tẻ như nuôi bò!

    Quỹ xã hội của Sư Đoàn dư giả không phải vì được Phòng Xã Hội BTL/KQ trợ cấp nhiều mà vì căn cứ không quân Biên Hòa có quá nhiều hàng quán thương mại (phải “đóng thuế”) đồng thời được nhiều nhà mạnh thường quân bảo trợ.

    Ngược dòng thời gian, mặc dù Biên Hòa (Căn Cứ Trợ Lực số 2) được người Pháp bàn giao sau Nha Trang (Căn Cứ Trợ Lực số 1) nhưng Biên Hòa vẫn được ghi nhận là căn cứ không quân quan trọng nhất trong cuộc chiến Việt Nam, được mệnh danh là “cái nôi của ngành khu trục”, được nhà văn Dương Hùng Cường sử dụng làm bối cảnh cho cuốn truyện “Buồn vui phi trường” của ông, cho nên các đơn vị phi hành của Không Quân Biên Hòa được nhiều công ty, doanh nhân không chỉ ở xứ bưởi mà còn ở tận Sài Gòn biết tiếng và nhận đỡ đầu.

    Tôi còn nhớ một phi đoàn nọ tổ chức tiệc mừng kỷ niệm ngày thành lập với phí tổn lên tới trên 300,000 đồng, tương đương với 12 tháng lương trung úy của tôi, bằng một nửa Quỹ Xã Hội của BCH/KTTV/KQ trong cả năm!

    Vì thế SĐ3KQ đâu cần nuôi bò!

    Ông Từ Văn Bê được đàng chân lân đàng đầu, thấy cỏ trong căn cứ nhiều quá, bò ăn không hết, bèn cho nuôi thêm một bầy dê!

    Và chính bầy dê này mới thực sự là những “trouble makers”, chúng lang thang leo trèo phá phách cỏ cây hoa lá không từ một chỗ nào, kể cả vườn hoa phía trước Sư Đoàn Bộ của ông Huỳnh Bá Tính.

    Có lẽ chỉ ở CCKQ Biên Hòa người ta mới được nghe những mẩu đối thoại như sau trên tần số Motorola:

    - Đồng Nai 10 gọi Tiếp Vận 7!
    - Tiếp Vận 7 nghe.
    - Bầy dê của anh nó đang phá phách, leo lên tận ngọn mấy cây bông sứ cùi trước Sư Đoàn Bộ, anh làm ơn cho xe Cảnh Vệ tới dẹp tụi nó được không!

    - Tiếp Vận 7 nghe 5/5. Tôi cho xe tới ngay!

    Không hiểu nếu lúc đó Đồng Nai 1 (ông Huỳnh Bá Tính), Tiếp Vận 1 (ông Từ Văn Bê) cũng mở Motorola và nghe được mẩu đối thoại trên, hai sếp phản ứng ra sao, chắc cũng chỉ cười thôi!


    Các bãi cỏ trước Sư Đoàn Bộ của SĐ3KQ, nơi tung hoành của bầy dê KTTV

    Nói cho ngay, cũng vì bên BCH/KTTV/KQ không có đất cho nên bầy dê mới phải lang thang trên lãnh thổ của SĐ3KQ.

    Tới đây cũng xin được tả oán về giang sơn nhỏ bé của ông Từ Văn Bê.

    Sau khi người Mỹ tới phi trường Biên Hòa, từ năm 1962 họ đã từng bước biến nơi đây thành căn cứ không quân lớn nhất Đông Dương. Căn cứ gồm khu Đông (East ramp) của người Mỹ và khu Tây (West ramp) của VN.

    Khu Tây gồm những cơ sở có từ thời Pháp đã rất cũ kỹ nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cho tới ngày tàn cuộc chiến.

    Từ Cổng 2 (Dốc Sỏi) đi vào con đường chính của căn cứ khoảng 7, 8 trăm mét có đường rẽ trái đi vào các khu gia binh, cư xá, khu sinh hoạt, cơ sở yểm cứ, chạy thẳng khoảng 500 mét nữa thì tới Bộ tư lệnh SĐ3KQ - tòa nhà to lớn và đẹp nhất căn cứ do người Pháp để lại - nằm bên tay trái; đi thêm khoảng 500 mét nữa cũng phía bên trái là sân banh, nơi tổ chức các buổi chào cờ, lễ lạc của của Sư Đoàn.


    Sân banh SĐ3KQ và các cơ sở của BCH/KTTV/KQ. Phía bên mặt con đường chính
    là các cơ xưởng và cơ sở thuộc SĐ3KQ

    Qua sân banh khoảng 100 mét, cũng phía bên trái, là ngôi nhà lầu được sử dụng làm văn phòng Chỉ huy trưởng BCH/KTTV/KQ (mũi tên xanh trong hình). Đây là ngôi nhà duy nhất được chia cho BCH/KTTV/KQ trong số 4, 5 ngôi nhà lầu tường gạch mái ngói được sử dụng làm văn phòng, cơ sở chỉ huy trong CCKQ Biên Hòa.

    Qua ngôi nhà lầu tới hai dãy nhà trệt được sử dụng làm các phòng sở tham mưu, hành chánh, tài chánh... của bên KTTV.

    Cách một con đường nhỏ là khu nhà kho của Trung Tâm Tiếp Liệu Chuyển Vận, thuộc BCH/KTTV/KQ. Một dãy nhà tiền chế ngay sát hàng rào (mũi tên đỏ trong hình) được dành cho Khối CTCT; một nhà kho lớn ở bên cạnh được biến cải thành hội trường.

    Cộng với Câu lạc bộ Bửu Long (mũi tên vàng) là toàn bộ giang sơn của ông Từ Văn Bê ở khu Tây.

    Thời gian tôi từ Pleiku về Biên Hòa, giữa năm 1972, người Mỹ đã bắt đầu bàn giao các cơ xưởng, hangar, ụ đậu phi cơ..., tuy nhiên các văn phòng, nơi ăn chốn ở thì phải đợi tới cuối năm.

    Trong đó tòa nhà hai tầng to đẹp nhất ở khu Đông, nguyên là Bộ tư lệnh Không Đoàn 3 Khu Trục Chiến Thuật (3rd Tactical Fighter Wing) thuộc Không Lực Thái Bình Dương (PACAF) được bàn giao cho BCH/KTTV/KQ.

    * * *

    Tới đây xin có đôi dòng về tổ chức và nhân sự của BCH/KTTV/KQ.

    Như đã viết ở trên, đây là một trong chín đại đơn vị biệt lập của Không Quân VNCH trong giai đoạn bành trướng (1970-1974), gồm sáu Sư Đoàn KQ và ba đơn vị biệt lập có cấp số sư đoàn: Trung Tâm Huấn Luyện KQ (ATC: Air Training Center) ở Nha Trang, Bộ Chỉ Huy Hành Quân KQ (AOC: Air Operations Command) ở Tân Sơn Nhất, và Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận KQ (ALC: Air Logistics Command) ở Biên Hòa.

    BCH/KTTV/KQ có khoảng 5000 quân nhân và dân chính quốc phòng. Về tổ chức, gồm có:

    - Không Đoàn Tân Trang Chế Tạo, với các Liên Đoàn Bảo Trì, Động Lực, Chế Tạo Sửa Chữa Phụ Tùng, Vũ Khí Điện Tử..., các Phòng Kiểm Phẩm, Kiểm Xuất... Không Đoàn Tân Trang Chế Tạo đã góp phần không nhỏ vào việc chế tạo chiếc phi cơ Tiền Phong 01 của Không Quân Việt Nam.

    - Trung Tâm Tiếp Liệu Chuyển Vận, gồm các tổng kho của Không Quân, và phương tiện chuyển vận từ hải cảng, phi trường tới các đơn vị Không Quân.

    - Trung Tâm Quản Trị Vật Liệu, có nhiệm vụ quản trị và cập nhật tình trạng của toàn bộ phương tiện chiến tranh (phi cơ, phụ tùng...) của KQVN, gửi đơn đặt hàng sang Hoa Kỳ.


    Trung tâm có dàn máy điện toán UNIVAC, tuy nhỏ hơn dàn IBM của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH nhưng hiện đại hơn. Đây là một trong những “máy con” nằm rải rác trên thế giới cũng như tại nội địa Hoa Kỳ, được nối kết trực tiếp với “máy mẹ” của Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận Không Lực Hoa Kỳ (AFLC: Air Force Logistics Command) nằm trong căn cứ không quân McClellan AFB Sacramento, California.

    - Trung Tâm Quy Chuẩn (PMEL: Precision Measurement Equipment Laboratory) có nhiệm vụ thử và điều chỉnh tất cả mọi thiết bị dùng vào việc kiểm soát, sửa chữa cơ phận điện tử trên phi cơ (thí dụ các phi kế). Mức độ chính xác của “máy mẹ” ở đây lên tới 1/15,000 cho nên cả đến Trung Tâm Quốc Gia Định Chuẩn của chính phủ VNCH cũng phải đưa các thiết bị của họ tới đây nhờ quy chuẩn cho chính xác!

    - Liên Đoàn Tân Trang Quân Xa Cơ Giới, nguyên là Commando Wheels, tức cơ xưởng tân trang tất cả các loại quân xa và cơ giới của Không Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam trước kia.

    Bên cạnh đó, BCH/KTTV/KQ cũng có một Liên Đoàn Trợ Lực như ở các Không Đoàn Yểm Cư của Sư Đoàn KQ, và các phòng ban biệt lập, như Khối CTCT, Phòng Tổng Quản Trị, Phòng Tài Chánh, Phòng Kế Hoạch, v.v...

    Về nhân sự, bốn nhân vật quan trọng nhất tại BCH/KTTV/KQ sau ông Chỉ huy trưởng Từ Văn Bê là:

    - Chỉ huy phó: Đại tá (cấp bậc sau cùng) Trương Trọng Công, cũng xuất thân Salon-de-Provence và Rochefort như ông Từ Văn Bê.

    - Không đoàn trưởng Không Đoàn Tân Trang Chế Tạo: Đại tá Nguyễn Văn Trung, cũng dân Salon-de-Provence, Rochefort.

    - Chỉ huy trưởng Trung Tâm Tiếp Liệu Chuyển Vận: Đại tá Huỳnh Công Chức, nickname “cậu Tám Chức”; tôi không được biết ông xuất thân quân trường nào chỉ biết ông là dân “cậu” thứ thiệt, ở xứ bưởi không ai mà không nghe danh “cậu Tám Chức”.

    - Chỉ huy trưởng Trung Tâm Quản Trị Vật Liệu: Trung tá Nguyễn Kim Cương.

    * * *

    Tới đây xin được trở lại với đàn bò và bầy dê của BCH/KTTV/KQ vì nhờ có chúng mà tôi - mới mang lon trung úy được ít lâu - được tham dự các buổi họp hàng tuần của các sếp lớn nói trên.

    Nguyên lúc ban đầu, khi có sáng kiến nuôi bò ông Từ Văn Bê đã quyết định trao cho Đoàn Tổng Vụ của Liên Đoàn Trợ Lực.

    Đoàn Tổng Vụ, như tên gọi của nó cho biết, đảm trách những công việc linh tinh, tổng quát. Đoàn Tổng Vụ tại BCH/KTTV/KQ gồm Ban Binh Thực, Ban Cư Xá, Phân Đoàn Cảnh Vệ..., được trao thêm công việc nuôi bò nuôi dê cũng hợp tình hợp lý thôi.

    Như vậy, đàn bò và bầy dê chẳng dính dáng gì tới Khối CTCT cả. Đơn vị nào muốn xin mổ bò, giết dê vào các dịp liên hoan, tết nhất hoặc cúng cô hồn tại các phần sở nhân tháng 7 âm lịch thì làm đơn xin ông Từ Văn Bê, chỉ cần thông qua ông Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Trợ Lực!


    Một buổi cúng cô hồn tại Liên Đoàn Bảo Trì

    Từ đó, dù muốn hay không cũng có dư luận không tốt cho rằng có sự thiên vị, phần sở nào, ông sếp nào thân với ông Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Trợ Lực, có điểm với ông Chỉ huy trưởng thì được ưu tiên...

    Chính vì dư luận này mà ông Từ Văn Bê quyết định công khai hóa và hợp thức hóa sự hiện hữu của đám bò dê này bằng cách trao cho Phòng Xã Hội quản trị (trên giấy tờ mà thôi, còn việc chăn bò chăn dê vẫn là của Đoàn Tổng Vụ), nơi nào muốn xin mổ bò giết dê phải làm đơn theo hệ thống quân giai, thông qua ý kiến của Trưởng Phòng Xã Hội, Trưởng Khối CTCT trước khi đệ trình Chỉ huy trưởng quyết định.

    Vì thế mà tôi, Trưởng Phòng Xã Hội, đã phải tháp tùng ông Trưởng Khối CTCT tham dự một buổi họp hàng tuần của Bộ chỉ huy để tường trình mọi việc.

    Buổi họp hàng tuần của các sếp lớn thường chỉ có ba sĩ quan cấp úy được tham dự là Đại úy Nhữ Văn Phúc, quyền Trưởng Khối CTCT, Đại úy Nguyễn Văn Ban, Trưởng Phòng Tổng Quản Trị, và Đại úy Phạm Khôn Rư, Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Tân Trang Quân Xa Cơ Giới. Lần này có thêm tôi tổng cộng bốn người.

    Các buổi họp hàng tuần tại BCH/KTTV/KQ có một thông lệ mà ông Từ Văn Bê gọi đùa là “bốn món ăn chơi”, trước khi bước vào buổi họp chính thức có một khoảng thời gian để mọi người hỏi thăm hoặc hỏi tội nhau, cự nự, mắng vốn nhau về những rắc rối, đụng chạm giữa các đơn vị mà xét ra không cần, hoặc không nên đưa vào buổi họp chính thức (có lập biên bản).

    Sau “bốn món ăn chơi” mới cho gọi Thiếu úy Mười - một ông thiếu úy già của Ban Văn Thư đặc trách công việc đệ trình văn thư và làm thư ký các buổi họp từ bao năm qua - vào phòng và buổi họp chính thức bắt đầu.

    Nhưng hôm nay thấy có sự hiện diện của tôi, ông Từ Văn Bê nói:

    - Thôi, bữa nay có ông Trung úy Trưởng Phòng Xã Hội ở đây, mình để ổng làm thư ký luôn cho tiện.

    Rồi ông nói tôi ra Ban Văn Thư thông báo cho Thiếu úy Mười khỏi cần vào.

    * * *

    Nhưng tôi không chỉ làm thư ký một lần đó “cho tiện” mà về sau trở thành thư ký “muôn năm”.

    Nguyên nhân xa đưa tới việc này cũng lại là một thông lệ (khác người) tại các buổi họp hàng tuần của BCH/KTTV/KQ: thư ký buổi họp không lập biên bản tại chỗ, đọc lại ngay sau buổi họp cho mọi người hiện diện nghe xem có thiếu sót gì không, mà sau đó mới tà tà làm.

    Trên thực tế, ở đơn vị nào cũng vậy, vì các buổi họp nội bộ thường kéo dài lê thê bất tận, họp xong ai cũng muốn dọt cho lẹ cho nên nếu thư ký có lập biên bản và đọc lại tại chỗ, cũng không mấy người chú ý, rốt cuộc công việc còn lại cứ giao hết cho ông thư ký buổi họp.

    Thế nhưng, ít nhất cũng là với ông Từ Văn Bê, buổi họp lần này không phải là một buổi họp nội bộ bình thường mà nó có mục đích làm sáng tỏ mọi việc, đánh tan dư luận không tốt liên quan tới đàn bò bầy dê của đơn vị.

    Vì thế, qua ngày hôm sau khi tôi đánh máy xong biên bản buổi họp, ký tên rồi giao cho Ban Văn Thư đệ trình Đại tá Chỉ huy trưởng rồi ra về, ông Từ Văn Bê đã nói Thiếu úy Mười điện thoại gọi tôi lên.

    Sau khi tôi vào phòng và đóng cửa lại, ông Từ Văn Bê khen biên bản tôi làm tuy ngắn gọn nhưng đầy đủ, rõ ràng, nhất là phần trình bày về việc chính thức đưa đàn bò bầy dê trở thành “tài sản” của Phòng Xã Hội. Vì thế, ông muốn ông Đại tá Chỉ huy phó và tất cả các đơn vị trưởng tham dự buổi họp này phải ký vào Biên bản để từ nay không còn ai thắc mắc, bàn tới bàn lui nữa.

    Nghe ông Từ Văn Bê nói tôi rất ngạc nhiên trước việc ông sếp lớn của mình chẳng biết gì về nguyên tắc hành chánh cả, biên bản buổi họp thì chỉ cần người lập biên bản ký là đủ hiệu lực, sao ở đây ông Bê lại bắt mọi người ký vào?

    Sau này trở thành người thân cận, tôi mới biết ông sếp lớn của mình nắm vững nguyên tắc hơn ai hết, nhưng ở đây ông cố tình bắt mọi người ký tên vào để... chặn họng!

    Khổ nỗi khi tôi nói để Thiếu úy Mười mang biên bản đi cho các ông đơn vị trưởng tham dự buổi họp ký vào thì ông Bê nói không được, biên bản họp đơn vị trưởng là hồ sơ KÍN, tôi phải đích thân đem đi!

    Phải mất mấy ngày trời tôi mới lấy đủ bằng đó chữ ký vì không phải ông sếp nào cũng chịu ký ngay mà có mấy ông nói muốn đọc kỹ biên bản trước khi ký! Tôi dư biết mấy ông này làm khó dễ tôi chỉ vì ghét... ông Chỉ huy trưởng!

    (Thực vậy, ông đơn vị trưởng nào tại BCH/KTTV/KQ cũng sợ ông Từ Văn Bê nhưng trong bụng có nhiều ông không ưa ông Bê một chút nào; từ chỗ không ưa ông Bê ghét lây tôi. Tôi sẽ viết về việc này ở một phần sau)

    Sau khi lấy đủ chữ ký của các ông đơn vị trưởng và trình Biên bản lên ông Chỉ huy trưởng, tôi cứ tưởng mọi việc tới đây coi như xong, nhưng không, ông Từ Văn Bê sau khi khen tôi thêm một nữa đã phán một câu xanh rờn:

    - Từ nay anh làm thư ký buổi họp hàng tuần luôn nghen!


    Thế là Thiếu úy Mười yên thân... dưỡng già còn tôi lãnh đủ! Cũng may trong gần ba năm tiếp theo đó chỉ có thêm một, hai buổi họp phải đi lấy chữ ký của tất cả mọi người tham dự.

    Đại tá “muôn năm”?

    Nhân dịp Quốc Khánh 1/11/1972, cùng với đề nghị Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH thăng cấp Thiếu tướng cho Chuẩn tướng Võ xuân Lành, Tư lệnh phó Không Quân, BTL/KQ đã đề nghị thăng cấp Chuẩn tướng cho 10 vị Đại tá.

    Thời gian này tôi chưa trở thành “ma cũ” trong đơn vị cho nên mãi tới cuối năm mới được Đại úy Vũ Duy Ty cho biết việc này, theo đó ông Từ Văn Bê là một trong số những vị đại tá được đề nghị nhưng bị rớt đài.

    Mười vị Đại tá được đề nghị gồm:

    - Võ Dinh, Tham mưu trưởng BTL/KQ
    - Đặng Đình Linh, Tham mưu phó Tiếp Vận
    - Phan Phụng Tiên, Sư đoàn trưởng SĐ5KQ
    - Huỳnh Bá Tính, Sư đoàn trưởng SĐ3KQ
    - Nguyễn Văn Lượng, Sư đoàn trưởng SĐ2KQ
    - Nguyễn Đức Khánh, Sư đoàn trưởng SĐ1KQ
    - Nguyễn Ngọc Oánh, Chỉ huy trưởng TTHLKQ
    - Vũ Văn Ước, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Hành Quân KQ
    - Từ Văn Bê, Chỉ huy trưởng BCH/KTTV/KQ
    - Lê Trung Trực, phụ tá của Trung tướng Đặng Văn Quang, Phủ Tổng thống

    [Danh sách Sư đoàn trưởng được đề nghị không có Đại tá Nguyễn Hữu Tần (SĐ4KQ) và Đại tá Phạm Ngọc Sang (SĐ6KQ) vì hai ông này mới nhậm chức, chưa đủ thâm niên chức vụ]

    Kết quả, Chuẩn tướng Võ Xuân Lành được vinh thăng Thiếu tướng, bảy vị Đại tá vinh thăng Chuẩn tướng là các ông Võ Dinh, Đặng Đình Linh, Phan Phụng Tiên, Huỳnh Bá Tính, Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Ngọc Oánh, và Lê Trung Trực.


    Chuẩn tướng Võ Dinh

    Chuẩn tướng Đặng Đình Linh

    Chuẩn tướng Phan Phụng Tiên


    Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng

    Trong lòng ba vị Đại tá bị rớt đài - Vũ Văn Ước, Từ Văn Bê, Nguyễn Đức Khánh - không biết ai buồn hơn ai, nhưng đứng ngoài nhìn vào người ta có thể thấy ông Bê là người “đau” nhất.

    Nguyên nhân: trong khi ở CCKQ Nha Trang, cả ông Oánh lẫn ông Lượng đều được lên Chuẩn tướng thì tại CCKQ Biên Hòa trong hai ông “hàng xóm với nhau” chỉ có một mình ông Tính được mang sao!

    Thực ra, nhận xét một cách khách quan thì ông Tính có nhiều ưu tiên hơn ông Bê: sinh năm 1927 (chỉ thua một mình ông Oánh, 1925), đi lính trước ông Bê xa, học bay trước cả ông Kỳ, nắm giữ SĐ3KQ là sư đoàn lớn nhất, mạnh nhất của KQVN..., trong khi ông Bê thua ông Tính tới 4 tuổi, lại chỉ là một vị chỉ huy trong ngành kỹ thuật!

    Nhưng riêng ông Bê vẫn hy vọng vì ông không chỉ nổi tiếng trong KQVN, trong QLVNCH mà còn được cả Bộ tư lệnh Không Lực Thái Bình Dương (PACAF) biết tới tên tuổi (năm 1974, vị tướng Mỹ 4 sao Tư lệnh PACAF đã tới thăm BCH/KTTV/KQ).

    Thành thử khi bị hụt lon tướng, ông Bê buồn cũng là một điều dễ hiểu; càng dễ hiểu hơn với những ai biết ông Bê thuộc típ người rất thích được đề cao, ca tụng.

    Sau này, trong một khoảnh khắc “trào lòng”, ông Bê tâm sự với tôi ông luôn lấy “chân thiện mỹ” làm hướng đi cho đời mình. Tuy nhiên theo nhận xét của tôi, trong khi ông Bê có thể đạt tới hai chữ “chân, thiện” thì lại không đạt được chữ “mỹ”, hoặc viết một cách nhẹ nhàng hơn, ông đã hiểu sai chữ “mỹ”!

    Đồng ý rằng khi thích được đề cao, ca tụng, ông Từ Văn Bê cũng chỉ muốn được đề cao, ca tụng về những gì cá nhân ông, đơn vị ông đã đạt được, nhưng bởi vì ông là một người chủ quan, đôi lúc hơi... ngây thơ, cho nên không phân biệt được đâu là những lời khen tặng thật tình đâu là những câu xưng tụng giả dối, đâu là những lời xã giao vô thưởng vô phạt.

    Vì thế sau bao năm kiên định trụ trì “cái chùa Kỹ Thuật Tiếp Vận”, cúc cung tận tụy làm “ông thần giữ của của Không Quân”, thấy ai cũng... tiên đoán mình sẽ lên tướng mà cuối cùng lại bị rớt đài, ông buồn lắm.

    * * *

    Đã buồn vì bị hụt lon tướng, ông Từ Văn Bê còn bị BTL/KQ chơi một cú đau điếng (dù chỉ do vô tình) khiến vết thương lòng của ông càng thêm trầm trọng!

    Nguyên từ ngày còn là Không Đoàn Kỹ Thuật Tiếp Vận, vào mỗi dịp tết nguyên đán, BCH/KTTV/KQ đều tổ chức buổi tất niên tập thể ngoài trời cho hàng ngàn quân nhân, dân chính quốc phòng trong đơn vị, gồm ẩm thực và văn nghệ do các nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn đảm trách, có năm đích thân “ông bầu” Hoàng Thi Thơ về Biên Hòa điều khiển chương trình.

    Trong dịp này, BCH/KTTV/KQ luôn luôn mời ông Tư Lệnh Không Quân về Biên Hòa chủ tọa, nhưng theo tôi được biết thì chưa bao giờ ông Minh “đù” về mà thường giao cho ông Tư lệnh phó Võ Xuân Lành, hoặc ông Tham mưu trưởng Võ Dinh đại diện.

    Để rồi tới đầu năm 1973, thấy ông sếp của SĐ3KQ là Đại tá Huỳnh Bá Tính vừa lên Chuẩn tướng, BTL/KQ liền “bán cái”, cử ông Tính đại diện BTL/KQ tới... chủ tọa!


    Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính

    Ông Từ Văn Bê vốn nổi tiếng réc-lô và trọng nguyên tắc, cho rằng ông Huỳnh Bá Tính không phải là người của BTL/KQ mà chỉ là một đơn vị trưởng ở Biên Hòa, ngang cơ với mình, thì dù đã lên Chuẩn tướng cũng vẫn là “hàng xóm” chứ không phải thượng cấp của ông, cho nên ông vừa giận vừa buồn.

    Giận trước việc làm sai nguyên tắc, và buồn trước sự thiếu tế nhị của BTL/KQ. Càng giận càng buồn thì lại càng... tủi thân trước việc mình vừa bị hụt lon tướng!

    Thành thử khi vị sĩ quan điều khiển chương trình yêu cầu mọi người (trong đó có ông Từ Văn Bê) đứng lên để chào đón “Chuẩn tướng Sư đoàn trưởng SĐ3KQ, đại diện Trung tướng Tư lệnh KQ”, càng cảm thấy bất mãn BTL/KQ tôi càng thương tội ông sếp lớn của mình!


    (Còn tiếp)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-03-2024, 10:05 PM.

    Comment

    • Nguyen Huu Thien
      Moderator

      • Jul 2014
      • 1125

      #3
      BUỒN VUI ĐỜI LÍNH VĂN PHÒNG (phần 2)

      “Kỹ Thuật Tiếp Vận là ta”

      (Tiếp theo)

      Năm 1972, tôi vừa về Biên Hòa được mấy tháng thì xảy ra vụ kho bom của SĐ3KQ bị nội tuyến Việt Cộng đặt chất nổ (tháng 9/1972). Cũng từ khoảng thời gian này, địch gia tăng pháo kích, phần lớn nhắm vào các nhà kho của Trung Tâm Tiếp Liệu Chuyển Vận thuộc BCH/KTTV/KQ, nơi đang tiếp nhận trang bị, phụ tùng phi cơ trước khi các phe ký kết Hiệp định Paris 1973.

      Khác với ở Pleiku, lãnh pháo ngày đêm nhưng thường chỉ là hỏa tiễn 107 ly, ở Biên Hòa bọn Việt Cộng tuy chỉ pháo ban đêm nhưng chơi toàn 122 ly (sau này còn có cả đại bác 130 ly). Hỏa tiễn 122 ngoài sức công phá mạnh gấp mấy lần 107 còn có hai ưu điểm vượt trội là bay nhanh và chính xác.

      Còn nhớ ở Pleiku mỗi lần Việt Cộng pháo kích ban đêm, sau khi còi hụ vang lên, loa phóng thanh báo động “Việt Cộng pháo kích phi trường!”, toán ứng chiến Không đoàn bộ chúng tôi chạy ra sân cỏ nhào xuống mấy cái hố cá nhân, nhìn lên có thể thấy một vài “em” 107 vẫn còn trên trời, nhận ra nhờ vệt lửa màu đỏ cam ở đuôi. Tôi thầm nghĩ: với tốc độ này, nếu thấy có “em” nào ra vẻ sẽ rớt ngay chỗ mình đang nằm, tôi có thể phóng sang những cái hố cách đó khoảng chục mét...

      Cho dù đây chỉ là sự tính toán cầu may nhưng theo tôi không phải là không có lý!

      Còn với 122 ly ở Biên Hòa thì trời kêu ai nấy dạ! Vừa nghe tiếng rít khoảng 2, 3 giây là đã nghe tiếng nổ kinh hoàng!

      Còn mức độ chính xác thì khỏi nói. Việt Cộng pháo như “để”, nhắm đâu trúng đó. Bởi vì đề-lô của chúng nằm ngay trên núi Bửu Long ngoài vòng đai phía tây phi trường, mà có người nói là nằm vùng trong chùa.

      Tôi đã đôi lần giả khách thập phương lên chùa vãn cảnh, nhìn xuống thấy khu Tây của phi trường rõ như lòng bàn tay!


      Môt phần khu Tây của CCKQ Biên Hòa, giữa hình là khu nhà kho của BCH/KTTV/KQ,
      bên ngoài hàng rào là núi Bửu Long rồi tới bờ sông

      Còn nhớ cuối năm 1964, chỉ với mấy khẩu súng cối, chúng đã gây chấn động tới tận Tòa Bạch Ốc!

      Nguyên vào đêm 1/11/1964, trong lúc các tướng tá thuộc Quân Đoàn III và đại diện chính quyền tỉnh Biên Hòa cùng nhau tham dự dạ tiệc kỷ niệm một năm “cách mạng” (1963) thành công, VC đã tới sát vòng đai phi trường bắn súng cối vào bãi đậu của 20 oanh tạc cơ B-57 của Hoa Kỳ vừa từ Clark AFB, Phi-luật-tân, tới Biên Hòa đồn trú.

      Ngày ấy chưa có các ụ chắn hoặc mái vòm chống pháo kích, 20 chiếc B-57 nằm ngoài bãi chịu trận; bọn VC điều chỉnh tọa độ, bắn tới bắn lui trong suốt nửa tiếng đồng hồ, phá hủy hoàn toàn năm chiếc B-57, ba chiếc A-1H, một trực thăng HH-43 (rescue), gây hư hại cho 13 chiếc B-57, ba A-1H, ba trực thăng HH-43 khác cùng hai vận tải cơ C-47.




      Oanh tạc cơ B-57 của Hoa Kỳ bị phá hủy

      Tới khi tôi từ Pleiku về Biên Hòa giữa năm 1972 thì VC đã chuyển từ pháo kích phi đạo, bãi đậu phi cơ của SĐ3KQ sang pháo kích các nhà kho và cơ xưởng quan trọng của BCH/KTTV/KQ.

      Trung Tâm Tiếp Liệu Chuyển Vận, nơi Khối CTCT chúng tôi ăn nhờ ở đậu, là khu vực lãnh pháo thường xuyên nhất.

      Lần đầu tiên từ bao năm qua, quân nhân trong đơn vị mới phải đối diện với hiểm nguy, với tử thần rình rập hàng đêm. Mỗi lần có người chết, đơn vị lại tổ chức lạc quyên để giúp đỡ gia đình (ngoài tiền tử tuất), Phòng Xã Hội lo thăm hỏi, an ủi tang quyến, hướng dẫn thân nhân mọi thủ tục và tham dự tang lễ...

      Mặc dù trước sau chỉ có vài binh sĩ thiệt mạng nhưng cũng đủ để đem lại bầu không khi ảm đạm trong một đơn vị vốn được xem là yên lành bậc nhất quân chủng.

      Thần ngưu báo oán!

      Ít lâu sau khi tôi đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng Xã Hội, một bác dân chính quốc phòng nhân dịp tới hớt tóc đã xin được nói chuyện riêng với tôi.

      Như đã viết ở một phần trên, Phòng Xã Hội có một thư viện, một phòng may, và một phòng hớt tóc để phục vụ quân nhân và dân chính trong đơn vị với giá rẻ bằng khoảng 1/3 giá ngoài phố.

      Nhân viên dân chính quốc phòng phục vụ tại BCH/KTTV/KQ đa số là thư ký, kế toán tại Trung tâm Tiếp Liệu Chuyển Vận và Trung tâm Quản Trị Vật Liệu, tức là có tương đối có trình độ.

      Bác dân chính xin nói chuyện với tôi đã khá lớn tuổi, người địa phương Biên Hòa. Sau khi chào hỏi, bác vào đề:

      -Thưa trung úy, từ lâu tôi có chuyện nầy muốn nói với quý vị ở Bộ Chỉ Huy nhưng còn ngần ngại, nay thấy trung úy mới đổi về, vui vẻ cởi mở tôi mới dám nói, đó là cái đầu con trâu rừng trong thư viện...

      Thì ra bác muốn tới cái đầu con min, một thành tích săn bắn của ông Từ Văn Bê, một giai thoại, huyền thoại trong đơn vị và cũng là nguyên nhân gây khổ sở bực mình cho nhân viên Phòng Xã Hội từ mấy năm qua!

      Nguyên ông Từ Văn Bê, mặc dù bị một chứng bệnh về mắt, tuy không đến nỗi gọi là nan y nhưng cứ ra ngoài trời hoặc dưới ánh đèn chói chang bắt buộc phải mang kiếng mát, lại thích chơi súng và có tài thiện xạ. Cũng nhờ đó mà sau khi trở thành người thân cận, tôi càng có điểm với ông.

      Số là tôi có hai tay bạn thân cùng Khóa 3/69 cùng ở Biên Hòa có liên quan tới súng đạn: Trung úy Nguyễn Kỳ Dzương, Quân Cảnh SĐ3KQ, và Trung úy Trần Như Lâm, Trưởng Đoàn Vũ Khí (trên bộ) của BCH/KTTV/KQ.

      Nguyễn Kỳ Dzương là vô địch bắn súng Colt 45 ở Biên Hòa, từng tham dự giải vô địch toàn quân; ông Từ Văn Bê cũng mê bắn Colt 45 đương nhiên phải biết tiếng Dzương.

      Trần Như Lâm thì có nhiệm vụ o bế mấy khẩu súng của ông sếp lớn và liên lạc với Phòng Huấn Luyện Quân Sự của SĐ3KQ để biết ngày nào sân bắn trống đưa sếp ra đó dợt.

      Ngoài ra chính tôi cũng mê khẩu M16A1 và bắn không đến nỗi tệ, ông Bê rất nể (tôi sẽ viết về “thành tích” này của tôi ở một phần sau).

      * * *


      Vào thời gian tôi về Biên Hòa, ông Từ Văn Bê không còn đi săn nữa nhưng thành tích của ông thì sờ sờ ra đó: cái đầu của con min được trưng bày trong thư viện của đơn vị.

      “Min” trong ngôn ngữ của người Stiêng (người Thượng ở Bình Long, Phước Long) có nghĩa là “trâu rừng”, được họ đặt cho một loài thú hiếm, mình giống bò tót đầu giống trâu rừng.

      Hiện nay các tự điển, các bài nghiên cứu của người trong nước đều gọi con min là “bò tót”, xếp vào chủng loại “Bos gaurus” (tiếng Anh: Gaur).

      “Bos gaurus” là loài thú to lớn nhất trong các chủng loại trâu bò, sống trong rừng ở Ấn Độ, Tích Lan (Sri Lanka), Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện và ba nước Đông Dương. Trong các chủng loại này, Bò tót Đông Dương (tên khoa học: Bos gaurus laosiensis), mà ông Từ Văn Bê gọi là con min theo người Stiêng, là loài bò tót có tầm vóc to lớn nhất, con đực có thể cao tới 2.2 mét và nặng trên 2 tấn.


      Bò tót Ấn Độ, con min còn to lớn, dữ tợn hơn

      Trên đây là những thông tin hiện được phổ biến trên Internet, theo đó con min không phải trâu rừng (vốn là tổ tiên của trâu nhà), cũng không liên hệ gì với bò rừng Bắc Mỹ (bison), tuy nhiên ngày ấy đa số người Việt đều cho đây là một loài trâu rừng hoặc bò rừng. Riêng quân nhân ở Không Đoàn KTTV (tức BCH/KTTV/KQ sau này) đều gọi cái đầu được trưng bày trong thư viện ấy là “đầu trâu” chứ không gọi là “đầu bò”, rất có thể vì họ kỵ húy tên “Bê” của ông tư lệnh!

      Câu chuyện bắt đầu với cái thú đi săn của ông Từ Văn Bê. Vào thuở miền Nam còn tương đối thanh bình (cuối thập niên 1950 tới đầu thập niên 1960) ông thường cùng một số cao thủ săn bắn ở Biên Hòa đi săn ở rừng Tân Uyên, nơi có nhiều loài thú hoang.

      Về sau, dù thú rừng không còn nhiều như trước, mỗi cuối tuần ông vẫn đi săn với một quân nhân thân tín dưới quyền cũng là một thợ săn kinh nghiệm là Thượng sĩ nhất S.

      Ông S là một nhân vật “xuất chúng”, ít nhất cũng về thể chất: cao lớn như... Từ Hải, để ria mép như tài tử Clark Gable, nét mặt rắn rỏi, giọng nói sang sảng, dáng điệu nghênh ngang, lại chạy một chiếc xe mô-tô phân khối lớn cho nên phải được xem là một hình ảnh nổi bật trong căn cứ không quân Biên Hòa; đồng thời với tài thiện xạ và kinh nghiệm săn bắn, ông còn là khắc tinh của các loài thú hoang ở rừng Tân Uyên.

      Một buổi sáng nọ, ông S và ông Bê thấy một con min xuất hiện nhưng chưa kịp phản ứng thì nó đã mất dạng.

      Theo lời ông S, min là một loài thú cực kỳ hiếm quý, cả đời ông chỉ được nghe kể lại, đây là lần đầu tiên được nhìn thấy. Không chỉ hiếm, loài min còn có thói quen đi ăn rất sớm, thường là từ nửa khuya cho tới sáng, khi mặt trời lên thì trở vào rừng sâu, cho nên đi săn ban ngày hiếm khi gặp.

      Sau nhiều lần đi săn thật sớm để phục kích con min nhưng đều thất bại, tới trước tết Mậu Thân 1968, ông Từ Văn Bê và ông S đã bắn hạ được nó.

      Cái đầu con min được ông Bê đem về mướn người thuộc (bảo quản) với giá nghe nói lên tới cả lượng vàng!

      Thông thường, đầu thú vật “chiến lợi phẩm” sau khi thuộc sẽ được gắn vào một miếng ván để treo trên tường nhưng cái đầu con min ông Bê săn được quá lớn và quá nặng không thể treo lên tường nên ông cho đặt phía trên cái tủ đựng cúp trong thư viện.

      Đây là một cái tủ kính đồ sộ trưng bày tất cả mọi cúp thể thao mà đơn vị đoạt được từ xưa tới nay, trong đó có những cúp vô địch cấp quốc gia. Từ ngày cái đầu con min được trưng bày, thư viện càng trở nên tấp nập, lúc nào cũng có người tới chiêm ngưỡng!

      Riêng tôi ngay lần đầu tiên nhìn thấy cái đầu con min đã nể phục cả người bắn lẫn người thuộc cái đầu.

      Nể phục người bắn vì cái đầu con min quá sức lớn; hiện nay vào trang Google xem hàng trăm tấm hình, tôi cũng không thấy một cái đầu nào lớn như thế, đặc biệt cặp sừng cong của nó phải dài gần gấp đôi cặp sừng dài nhất trên Google! Suy ra từ tỷ lệ của cái đầu, con min này phải có kích thước lớn hơn tất cả những con được đưa hình lên Internet.

      Có thể nói ngày ấy nếu ông Bê không đem cái đầu con min về thì không người dân Biên Hòa nào tin trên đời có một con “trâu rừng” to lớn như vậy!



      Mặt mũi con min vốn đã dữ dằn, ở đây người thợ thuộc lại là người khéo tay và có cặp mắt của một nghệ nhân cho nên đã thực hiện hai con mắt giả trông như thật và cái miệng được sơn đỏ chót nhe hàm răng trắng ởn trông rất đáng sợ. Nhiều người thú nhận họ đã phải rùng mình khi nhìn thẳng vào "mặt" con min!

      Riêng tôi và các nhân viên Phòng Xã Hội còn bị khốn khổ với ông Từ Văn Bê vì cái đầu min này.

      Nguyên nhân: người thợ thuộc cái đầu min trong khi có thể khéo tay và có óc mỹ thuật thật đấy nhưng lại thiếu kinh nghiệm chuyên môn, chẳng biết thuộc như thế nào mà chỉ hai năm sau lũ kiến bắt đầu chui vào hai lỗ tai của con min làm tổ.

      Ông Từ Văn Bê là người đầu tiên khám phá ra lũ kiến trong một lần xuống Phòng Xã Hội hớt tóc và ghé thư viện để chiêm ngưỡng thành tích của mình!

      Thế là từ đó Phòng Xã Hội được lệnh mỗi buổi sáng phải khiêng cái đầu con min ra sân phơi nắng. Việc không nhẹ một chút nào: cần hai nam quân nhân khỏe mạnh mới có thể khiêng cái đầu con min + miếng ván to dày nặng mấy chục ký từ nóc tủ kính đưa ra sân đặt trên ba cái ghế chân sắt để phơi; xế chiều lại phải khiêng vào.

      Ngày ông Từ Văn Bê chưa dọn sang khu Đông, đứng trên lầu Bộ chỉ huy gần sân banh nhìn xuống sân cỏ của Khối CTCT rõ mồn một, hôm nào ông không thấy cái đầu con min phơi ngoài sân là... biết tay ông!

      Đã bao lần ông Nhữ Văn Phúc phải vò đầu bứt trán, thậm chí to tiếng với chúng tôi:

      - Tôi đã nói với các anh bao nhiêu lần rồi, làm gì thì làm đừng quên phơi cái đầu trâu!

      Hoặc:

      - Chỉ có mỗi việc phơi cái đầu trâu mà các anh không làm được là sao?!

      * * *

      Trở lại với việc bác dân chính quốc phòng nói chuyện với tôi về cái đầu con min. Theo lời bác, xưa nay người Á đông không bao giờ trưng bày thủ cấp thú vật trong nhà, còn người tây phương cũng chỉ trưng bày thủ cấp những con thú do chính tay họ bắn hạ hoặc bẫy được mà thôi. Suy ra việc trưng bày cái thủ cấp con trâu rừng này trong một đơn vị quân đội dứt khoát là điều không tốt!

      Thoạt nghe bác dân chính sử dụng chữ “thủ cấp” để chỉ cái đầu con min, tôi tưởng bác không rành từ Hán-Nôm, sau đó thấy bác cứ nhấn mạnh chữ này tôi đoán bác cố tình sử dụng để nghiêm trọng hóa sự việc.

      Nguyên nghĩa chữ “thủ cấp” là cái đầu của quân địch được cắt đem về để chứng minh công trạng của mình. Như vậy, “thủ cấp” dứt khoát phải là đầu người, và trong trường hợp này con min đã được bác dân chính nhân cách hóa!

      Vì bác dân chính đã khá lớn tuổi lại có vẻ thành thật quan tâm tới phúc lợi của đơn vị quân đội mà bác phục vụ, tôi cố gắng giữ vẻ nghiêm chỉnh và kiên nhẫn nghe bác giải thích mặc dù trong lòng không tin một chút nào.

      Không tin một phần vì tôi vốn là người cứng bóng vía, không bao giờ tin chuyện ma quỷ hoang đường, một phần vì lúc đó Việt Cộng chưa bắt đầu pháo kích các nhà kho, nên tôi không hề quan tâm tới khía cạnh “siêu hình” mà bác đề cập tới (trong đơn vị mà trưng bày một cái “thủ cấp” là điều không tốt)!

      Chẳng những không tin những gì bác dân chính trình bày mà tôi còn liên tưởng tới giai thoại “Thần Ngưu Báo Oán” - một chuyện tiếu lâm thường được quân nhân trong đơn vị kể trong những lúc trà dư tửu hậu.

      “Thần Ngưu” ở đây chính là con min bị ông Từ Văn Bê và Thượng sĩ nhất S bắn chết ở rừng Tân Uyên, còn “báo oán” là việc ông S bị gẫy chân mấy năm sau vẫn không lành!

      Số là ít lâu sau khi bắn được con min, ông S chạy mô-tô bị tai nạn gẫy xương chân. Thông thường, khi bị gẫy xương tay, chân, một người trẻ tuổi chỉ cần từ 3 tới 6 tháng là lành, người có tuổi thì lâu hơn, nhưng tối đa cũng chỉ một năm.

      Nhưng khi tôi về Biên Hòa vào giữa năm 1972, tức là hơn hai năm đã trôi qua mà chân ông S vẫn không lành, thỉnh thoảng lại thấy ông chống nạng tới đơn vị thăm anh em.

      Dư luận trong đơn vị người thì nói ông S đóng kịch để dưỡng thương dài hạn, kẻ lại nói bởi vì khi mới băng bột được mấy tháng, từ bệnh viện về nhà thăm vợ, ông đã không chịu... kiêng cữ (quan hệ vợ chồng) nên bị thối xương (theo kinh nghiệm của dân gian)!

      Thực hư ra sao chỉ có trời biết, nhưng dù ông S đóng kịch hay bị thối xương thật sự, tôi cũng không bao giờ tin vào huyền thoại “Thần Ngưu Báo Oán” cho rằng ông S bị tại nạn vì đã bắn chết con min!


      (ảnh minh họa)

      Không tin nhưng tới khi tới khi Việt Cộng pháo kích các nhà kho và cơ xưởng quan trọng của BCH/KTTV/KQ, quân nhân trong đơn vị phải đối diện với hiểm nguy, với tử thần rình rập hàng đêm, tôi bỗng nhớ lại những lời khuyên của bác dân chính trước đây và băn khoăn suy nghĩ: rất có thể không ít quân nhân dân chính trong BCH cũng tin như thế, hay là mình cứ thử thuyết phục ông Chỉ huy trưởng xem sao, nếu thành công thì không chỉ chấm dứt dư luận không tốt trong đơn vị mà Phòng Xã Hội còn bớt được công việc phơi đầu trâu mỗi ngày!

      Thời gian này là đầu năm 1973, sau tết nguyên đán, Bộ Chỉ Huy cùng các phần sở tham mưu, hành chánh trong đó có Khối CTCT đã di chuyển sang khu Đông, nhưng riêng Phòng Xã Hội (cùng với phòng hớt tóc, phòng may, thư viện) vẫn ở lại khu Tây để chuẩn bị tiếp nhận hồ tắm và phòng tập thể dục ở cạnh cư xá binh sĩ do Hoa Kỳ bàn giao.

      Có nghĩa là cái đầu con min cũng ở lại khu Tây với Phòng Xã Hội!

      Tuy nhiên vào thời điểm này tôi chưa trở thành người thân cận, chưa biết ông Từ Văn Bê có tin dị đoan, phong thủy, địa lý hay không, vì thế tôi đã phải suy nghĩ đắn đo trước khi mở miệng thuyết phục ông đem cái đầu con min đi đâu cho khuất mắt, rảnh nợ.

      Bởi nếu ông nghe theo chẳng nói làm gì, nếu không rất có thể ông sẽ cho rẳng tôi bịa chuyện với mục đích tống khứ cái đầu con min.

      Nhưng suy đi nghĩ lại cuối cùng tôi quyết định tới luôn.

      Thời gian này, mỗi tuần tôi bắt buộc phải gặp ông một lần vào sáng Thứ Ba.

      Nguyên từ ngày trở thành thư ký buổi họp hàng tuần của BCH vào mỗi sáng Thứ Hai, qua sáng hôm sau tôi phải đích lên gặp ông để trình biên bản buổi họp. Trừ khi ông đang bận tiếp khách hoặc nói chuyện điện thoại với một giới chức quan trọng nào đó, khi Thiếu úy Mười của Ban Văn Thư gõ cửa vào thông báo, ông cho tôi vào ngay.

      Trong lúc ông đọc biên bản, tôi thường tới tới kệ sách lựa một cuốn tạp chí về không quân như Air Force, Flying, Aviation Week..., ngồi đọc ở bộ sa-lông da êm ái (của “đế quốc Mỹ” để lại).

      Sau khi đọc xong biên bản nếu không có gì cần sửa đổi thêm bớt, ông Bê thường hỏi một hai câu cho có chuyện – thí dụ “Sao, khu Tây có gì lạ không ông râu?” rồi để tôi ra về (khi không có người thứ ba, ông Bê thường gọi đùa tôi là “ông râu”).

      Nhưng lần này sau khi ông hỏi, tôi làm bộ ngập ngừng một chút rồi đáp:

      - Thưa Đại tá cũng có một chuyện... tuy nhiên không dính dáng gì tới công việc trong Bộ Chỉ Huy mà chỉ liên quan tới... tới... cái đầu con min.

      Nói tới đây tôi ngưng, làm ra vẻ không dám nói tiếp nhưng thực ra là để ông Bê phải sốt ruột.

      Thật vậy, thấy tôi ngưng nói, ông Bê hỏi ngay:

      - Cái đầu con min à? Chuyện gì vậy?

      Tôi liền hạ giọng cho thêm phần nghiêm trọng, trình bày những gì bác dân chính đã nói với tôi, không quên thêm thắt chút đỉnh cho ly kỳ rùng rợn.

      Như đã viết, tôi không tin dị đoan - chẳng hạn chụp hình ba người, con số 13, ngày Thứ Sáu 13 - đã đành mà còn không tin tử vi, tướng số, phong thủy, nhưng giờ đây với mục đích “hù dọa” ông sếp lớn, tôi lại phải cố gắng thuyết phục để ông tin rằng trưng bày cái “thủ cấp” của con min trong đơn vị có thể dẫn đưa tới những chuyện chẳng lành!

      Nghe tôi nói, ông Từ Văn Bê ra vẻ trầm tư, suy nghĩ một lúc rồi chậm rãi hỏi tôi:

      - Vậy theo anh mình đem nó đi đâu bây giờ?

      - Thưa Đại tá tôi thấy cũng đơn giản thôi, theo lời bác dân chính và sự hiểu biết của tôi, người nào bắn hạ nó thì cứ việc treo trong nhà của mình, đâu có sao!

      Thấy ông Bê im lặng, tôi kể cho ông nghe việc ông bố của một thằng bạn thân làm nghề thầu khoán có nhà nghỉ mát ở Đà Lạt, chuyên đi săn nai, hãnh diện treo một cái đầu nai trong nhà mà công việc làm ăn ngày càng phát đạt.

      Nhưng ông Bê lắc đầu; tôi hiểu ông không muốn đem về tư gia. Khi tôi đề nghị hỏi Thượng sĩ nhất S, ông cũng lắc đầu, nói nhà ông S không có chỗ treo đâu!

      Đã sẵn có kế hoạch trong đầu, tôi liền đề nghị ông nhờ những người quen biết ở Biên Hòa hay Sài Gòn làm trung gian tặng cái đầu min cho một cơ sở thương mại hay cơ quan dân sự nào đó, chẳng hạn Tòa tỉnh, câu lạc bộ, nhà hàng, khách sạn... chắc chắn sẽ được đón nhận, thậm chí còn mang ơn.

      Vừa nói vừa quan sát diễn biến nét mặt của ông Chỉ huy trưởng, tôi đoán ông rất phân vân, cho đi thì tiếc mà giữ lại thì sợ dư luận trong đơn vị...

      Cuối cùng, ông nói:

      - Để từ từ tôi suy nghĩ xem sao...

      Khi tôi đứng lên chuẩn bị đi ra cửa thì ông gọi giật lại:

      - Này, anh không được kể cho ai nghe việc này nghen!

      * * *

      Khoảng hai tuần sau, tai họa lại tới với BCH/KTTV/KQ nhưng không phải do Việt Cộng pháo kích mà là tai nạn nghề nghiệp khiến một quân nhân bị thiệt mạng!

      Tai nạn xảy ra tại giàn thử động cơ phản lực (Test Cell) thuộc Liên Đoàn Động Lực: sau khi được tổng kiểm (overhaul), một động cơ J-85 của phản lực siêu thanh F-5 được đặt trên giàn ngoài sân để thử, khi rú lên để đạt tới vận tốc quay (rpm) tối đa, nó bỗng vuột khỏi giàn thử quay một vòng, ống dẫn nhiên liệu (gắn vào động cơ) bị đứt, quất vào đầu Hạ sĩ M đứng gần đó khiến anh tử nạn tại chỗ!

      Cũng may, sau khi quay một vòng tại giàn thử, cái động cơ với sức đẩy 3,500 lbs đã phóng thẳng xuống một cái hố lớn gần hàng rào rồi nằm im; chứ nếu nó bay lên rồi đâm vào một cơ xưởng gần đó, chắc chắn đã không chỉ có một nạn nhân mà thôi.


      (Còn tiếp)
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-20-2024, 12:30 AM.

      Comment

      • Nguyen Huu Thien
        Moderator

        • Jul 2014
        • 1125

        #4
        BUỒN VUI ĐỜI LÍNH VĂN PHÒNG (phần 2)

        “Kỹ Thuật Tiếp Vận là ta”


        (Tiếp theo)

        Cái chết của Hạ sĩ M tại giàn thử động cơ phản lực (Test Cell) đã gây xôn xao, chấn động tại BCH/KTTV/KQ hơn bất cứ cái chết nào vì pháo kích trong đơn vị. Nguyên nhân cũng dễ hiểu: đây là lần đầu tiên xảy ra tai nạn chết người tại một cơ xưởng thuộc BCH.

        Càng gây xôn xao hơn khi tai nạn này không phải do lỗi của nhân viên mà lỗi của thiết bị thử động cơ.

        Kết quả cuộc điều tra hỗn hợp Mỹ-Việt sau đó cho biết khi động cơ nói trên đạt sức đẩy tối đa, một trong bốn bù-lon giữ cái khung động cơ trên bệ bê-tông đã bị sút ra, ba bù-lon còn lại không đủ sức kềm cái khung nên cũng sút luôn, đưa tới việc động cơ (cùng với cái khung) xoay một vòng rồi phóng khỏi bệ bê-tông.


        Giàn thử động cơ phản lực (ảnh minh họa)

        Giàn thử động cơ phản lực này do Không Quân Mỹ bàn giao, không biết họ có để lại những hướng dẫn kiểm soát an toàn định kỳ hay không, việc bù-lon bị sút khỏi bệ bê-tông cũng là chuyện chưa từng xảy ra, và không ai có thể ngờ. Bởi vì khi Không Lực Hoa Kỳ còn đồn trú tại Biên Hòa, họ đã sử dụng giàn thử này cho những động cơ phản lực lớn hơn, mạnh hơn nhiều, chẳng hạn động cơ của phản lực cơ F-100D (sức đẩy trên 10,000 lbs, mạnh gấp ba lần động cơ của F-5).

        Thành thử cuộc điều tra cũng chỉ có thể đi tới kết luận đây là một “sự không may không thể đoán trước”.

        Cái sự “không may” ấy cộng với những cái “không may” trước đó do pháo kích càng khiến bầu không khí trong đơn vị trở nên nặng nề.

        Dĩ nhiên, trong cương vị Chỉ huy trưởng, Đại tá Từ Văn Bê là người lo buồn hơn ai hết.

        Trong các buổi họp đơn vị trưởng mỗi sáng Thứ Hai, hầu như ông không còn cười nữa; trong trường hợp có chuyện khôi hài khiến cả phòng đều cười, ông cũng chỉ nhếch mép.

        Riêng tôi, việc phải lên BCH gặp mặt ông vào mỗi sáng Thứ Ba để trình biên bản buổi họp hàng tuần đã trở thành một nỗi khổ tâm. Khổ tâm vì thấy sự lo buồn hiện rõ trên khuôn mặt đã bắt đầu xuất hiện những nếp nhăn của ông mà không đủ tư cách để khuyên giải, ủi an; mấy chục phút ngồi trong phòng mà cảm thấy dài như vô tận!

        * * *

        Bỗng một ngày nọ, khoảng trước tết ta, ông Từ Văn Bê điện thoại cho tôi. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày về BCH/KTTV/KQ tôi được ông Đại tá Chỉ huy trưởng đích thân điện thoại; trước đó mỗi khi cần gọi tôi lên văn phòng ông đều để Thiếu úy Mười của Ban văn thư BCH điện thoại cho tôi, hoặc cần tôi đi đâu với ông, ông luôn luôn tế nhị nói qua Đại úy Nhữ Văn Phúc, quyền Trưởng Khối CTCT.

        Tôi bốc điện thoại, vừa xưng tên xong là ông Bê vào đề ngay:

        - Này ông râu, ông Đại tá Carnell, cố vấn của BCH sắp về nước, hay là mình hỏi ổng có muốn cái đầu con min thì mình tặng cho ổng!

        Dĩ nhiên, tôi ủng hộ cả hai tay ý định của sếp lớn. Mọi việc sau đó diễn tiến hết sức tốt đẹp: Đại tá Carnell rất vui mừng, cảm động trước việc được người bạn đồng minh tặng món quà “vô giá” này; và ông Bê đã tức tốc ra chỉ thị đóng một cái thùng gỗ thật chắc chắn để bỏ đầu con min vào.


        Từ phải, Đại tá Từ Văn Bê, Đại tá Carnell, và hai vị sĩ quan Mỹ trong một buổi lễ tại sân cờ SĐ3KQ.
        Lưu ý: ông Bê (và vị cố vấn Mỹ) vẫn mang phù hiệu Không Đoàn Kỹ Thuật Tiếp Vận mặc dù lúc đó
        đã có phù hiệu của BCH/KTTV/KQ, chỉ vì ông Bê không thích phù hiệu mới


        Phù hiệu Không Đoàn Kỹ Thuật Tiếp Vận

        Phù hiệu BCH/KTTV/KQ

        Trong buổi tiệc trà tiễn Đại tá Carnell tổ chức tại Cậu lạc bộ Bửu Long, tôi không biết giữa ông Đại tá chỉ huy trưởng và ông Đại tá cố vấn ai vui hơn ai; chỉ biết người vui nhiều kế tiếp không ai khác hơn là ông... Trưởng Phòng Xã Hội!

        Sau khi Phòng Xã Hội tống khứ được cái đầu con min, Việt Cộng không pháo kích phi trường Biên Hòa nữa! Nhưng không phải vì cái “thủ cấp” ấy đã đem mọi sự xui xẻo theo ông Đại tá cố vấn về xứ Cờ Huê mà chỉ vì việc (tặng đầu con min) này xảy ra cùng khoảng thời gian ký kết Hiệp Định Paris (27 tháng 1, 1973), theo đó đôi bên sẽ ngưng bắn.

        Dĩ nhiên, cộng sản quốc tế nói chung, cộng sản Việt Nam nói riêng, tuy đặt bút ký nhưng luôn luôn xem các hiệp định như tờ giấy lộn, muốn xé lúc nào thì xé, cho nên việc Việt Cộng ngưng pháo kích căn cứ không quân Biên Hòa dứt khoát không do “thiện chí” mà vì nguyên nhân sau đây:

        Theo thỏa hiệp giữa bốn phe (Hoa Kỳ, VNCH, cộng sản Bắc Việt và Việt Cộng trong Nam) về việc trao trả tù binh, phi trường Biên Hòa sẽ là địa điểm trả tù binh cộng sản, và phi trường Lộc Ninh (bị VC chiếm đóng) là địa điểm trả tù binh VNCH.

        Vì thế nếu VC tiếp tục pháo kích phi trường Biên Hòa thì không thể tiến hành công việc trao trả. Nhờ đó phe ta mới được yên thân trong suốt thời gian diễn ra các cuộc trao trả tù binh cộng sản.

        Không còn cảnh đơn vị bị pháo kích, kho cháy, hangar sập, người chết, ông Từ Văn Bê như trút được một nửa gánh nặng trên vai, trở nên tương đối vui vẻ, dễ chịu hơn trước.

        Nhất số mệnh, nhì phong thủy…

        Thành công trong việc thuyết phục ông Chỉ huy trưởng tống khứ cái đầu con min ra khỏi đơn vị không chỉ giúp nhân viên Phòng Xã Hội thoát nợ mà còn giúp tôi nắm được cái tẩy của ông Từ Văn Bê: ông rất tin dị đoan!

        Vì thế hơn nửa năm sau, khi đã trở thành người thân tín của ông, tôi quyết định tiến hành công việc mà tôi đã có ý định ngay từ ngày BCH di chuyển từ khu Tây sang khu Đông vào cuối năm 1972, đó là thay đổi vị trí và hướng bàn làm việc của ông chỉ huy trưởng.

        Như đã viết, tôi không tin dị đoan, bói toán đã đành mà còn không tin tử vi đẩu số bởi chính người Tàu đã coi đây là một hình thức bói toán không hơn không kém!

        Về địa lý phong thủy, tôi cũng không tin nhưng vì càng ngày càng có nhiều người (trong đó có cả những người theo tây học) cho rằng địa lý phong thủy trên thực tế chính là “môi trường sinh thái” mà chúng ta đang sống, hoặc đơn thuần xem đó như một cái mốt thời thượng, cho nên tôi đã bỏ công tìm hiểu, kết quả cũng có được một mớ kiến thức đủ để lòe thiên hạ khi cần.

        Trở lại với bàn làm việc của ông Từ Văn Bê trong tòa nhà to đẹp nhất CCKQ Biên Hòa, nguyên là Bộ tư lệnh Không Đoàn 3 Khu Trục Chiến Thuật (3rd Tactical Fighter Wing) thuộc Không Lực Thái Bình Dương (PACAF), ngay sau khi nhận bàn giao từ phía Hoa Kỳ, ông Bê đã cho xoay cái bàn 180 độ.

        Tôi biết được điều này là vì trước đây có lần ông Bê đã nói tôi tới để trao một hồ sơ mật tận tay vị Đại tá Tư lệnh Không Đoàn, được vào phòng của ông dù chỉ một lần duy nhất tôi vẫn nhớ vị trí cái bàn làm việc.

        Cũng xin có đôi dòng về tòa nhà của Bộ tư lệnh Không Đoàn 3 Khu Trục Chiến Thuật, được xem là to đẹp nhất trong số các bộ tư lệnh không đoàn của người Mỹ ở Việt Nam.

        Tuy cũng mang danh xưng không đoàn (wing) – tương đương cấp trung đoàn bên lục quân - Không Đoàn 3 Khu Trục Chiến Thuật có một lực lượng tác chiến (cơ hữu cũng như từ các nơi tăng phái) hùng hậu gấp đôi các không đoàn bình thường, có một hệ thống tiếp liệu bảo trì độc lập, và nhận lãnh những nhiệm vụ đặc biệt, trong đó có việc thử nghiệm hai kiểu phản lực cơ mới F-5 và A-37 trên chiến trường Việt Nam.


        CCKQ Biên Hòa năm 1966: những phản lực cơ F-5 "Skoshi Tiger" đang được thử nghiệm
        trên chiến trường Việt Nam.
        Xa xa là các phản lực cơ F-100D Super Sabre

        Vì thế tòa nhà của Bộ tư lệnh Không Đoàn cũng bề thế, đẹp đẽ hơn so với các không đoàn ở nơi khác, chẳng hạn Không Đoàn 633 Đặc Nhiệm (633rd Special Operations Wing) ở Pleiku được bàn giao cho Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku.

        Nhìn từ bên ngoài, khác biệt chính là thay vì có hai cửa ra vào và hai cầu thang ở hai đầu hồi, tòa nhà ở Biên Hòa có lối ra vào ở giữa mặt tiền với hai hàng cột và mái che, có đường đi lên hình vòng cung giống như các dinh thự, phía trước có hai cột cờ khá cao, và hai bên lối vào trồng cỏ cây hoa lá – một việc hơi hiếm trong các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

        Phía trong, sau hai cánh cửa ra vào bằng kính khung gỗ đánh bóng là một tiền sảnh khá rộng, nơi có một cầu thang lớn, cũng bằng gỗ đánh bóng, đi lên lầu. Điểm nổi bật bên trong tòa nhà này là tất cả cửa và khung cửa đều bằng gỗ đánh bóng chứ không sơn như đa số các cơ sở của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hành lang trên lầu khá rộng, đem lại một cảm giác tương đối thoải mái trong một không gian kín mít.

        Trên lầu, nhìn về phương bắc, phía bên trái là phòng họp, phía bên phải là Ban văn thư (Staff) rồi tới phòng làm việc của vị tư lệnh nằm sau cánh cửa khá lớn. Đối diện với cửa chính này là một cửa phụ trổ ra đầu hồi có cầu thang riêng để nếu muốn, vị tư lệnh có thể ra vào phòng bằng lối riêng.

        Giữa hai cái cửa là bàn làm việc của vị tư lệnh. Đây là một cái bàn làm bằng gỗ quý, khá lớn, chắc chắn không nằm trong cấp số vật liệu của Không Quân Hoa Kỳ mà là sản phẩm địa phương, đồng bộ với cái kệ gỗ cao gần đụng trần nhà ở bức tường sau lưng.

        Bàn làm việc của vị tư lệnh nhìn về hướng bắc qua một cửa sổ kính rộng, giữa phòng là một bộ sa-lông để tiếp khách, góc phòng phía bên mặt là giá cờ bằng gỗ với hai lá quốc kỳ Mỹ - Việt (ngày người Mỹ chưa bàn giao cho phía VN).

        Không cần có kiến thức về phong thủy, một người bình thường cũng có thể thấy cách thiết trí, bày biện như trên rất hợp lý và đẹp mắt, nhất là tòa nhà này lại nằm trên khu đất cao nhất trong CCKQ Biên Hòa, vị tư lệnh Không Đoàn 3 Khu Trục đứng ở cửa sổ trên lầu nhìn về hướng bắc có thể nhìn thấy toàn bộ giang sơn của mình ở khu Đông.

        Thế nhưng cách thiết trí ấy lại không thích hợp với cá nhân ông Từ Văn Bê một chút nào. Nguyên nhân: ông bị đau mắt kinh niên, trong khi bàn làm việc lại đối diện cái cửa sổ quá rộng, cứ ngẩng đầu lên là bị ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào mắt.

        Cũng nên biết các tòa nhà sử dụng làm bộ chỉ huy của Không Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam luôn luôn có máy điều hòa không khí cho nên cửa sổ kính của họ không có cánh cửa và màn cửa. Gọi là “kính” chỉ vì nó trong suốt chứ không phải bằng thủy tinh (glass) mà làm bằng một hợp chất có độ mềm dẻo chịu được chấn động (của pháo kích), không bị vỡ nát như thủy tinh (có thể gây thương tích), và được pha màu (tinted) xanh hoặc nâu nhạt có tác dụng làm dịu ánh sáng từ bên ngoài, cho nên không cần màn cửa.

        Nhưng với một người mắt “có vấn đề” như ông Từ Văn Bê thì độ sáng nói trên vẫn quá mức chịu đựng cho nên ngay sau khi tiếp nhận tòa nhà ông đã ra lệnh cho Ban văn thư xoay cái bàn làm việc 180 độ, tức là ngồi quay lưng ra cửa sổ!

        Với một người bình thường, cách kê bàn làm việc như thế đã bị xem là ngược đời, chướng mắt, nói gì tới những người hiểu biết về phong thủy, biết đây là điều tối kỵ trong việc thiết trí, sắp xếp phòng làm việc.

        Riêng Thiếu úy Mười và đám đệ tử ở Ban văn thư thì than trời vì cái bàn làm bằng gỗ quý ấy quá lớn, quá nặng! (Tôi đoán cái bàn này được đóng sẵn rồi ráp lại ở trong phòng, chứ không thể lọt cửa).

        * * *

        Sáng Thứ Ba hôm ấy tôi sang khu Đông, vào phòng làm việc của ông Từ Văn Bê trình biên bản buổi họp đơn vị trưởng như thường lệ nhưng với một âm mưu trong đầu.

        Tới khi đoán chừng ông sắp đọc xong, tôi rời ghế sa-lông tiến tới cạnh cửa sổ làm bộ chăm chú quan sát phía bên ngoài.
        Ông Từ Văn Bê đọc biên bản xong, hỏi:

        - Anh dòm cái gì vậy?

        - Thưa Đại tá ngắm cảnh, khu Đông đẹp quá!

        Ông Bê phổng mũi (tôi đoán như thế):

        - Đẹp thiệt sao?

        - Dạ, đẹp thiệt. Người Mỹ họ thiết kế không chê vào đâu được! Đại tá có để ý thấy họ cố tình xây cái hội trường lùi về hướng đông để ông tư lệnh đứng trên này thấy được toàn bộ giang sơn trải dài trước mặt...

        Dĩ nhiên, từ ngày tiếp nhận tòa nhà này chắc hẳn ông Từ Văn Bê đã hơn một lần đứng trên cửa sổ nhìn xuống: từ Trung Tâm Quản Trị Vật Liệu ở cuối dốc, nơi đặt dàn máy điện toán UNIVAC có tường gạch chống pháo kích vây quanh, tới tòa nhà Không đoàn bộ của Không Đoàn Tân Trang Chế Tạo, xa xa là cơ xưởng, hangar của các Liên Đoàn, phòng ban trực thuộc...


        Toàn cảnh CCKQ Biên Hòa nhìn từ hướng tây bắc. Mũi tên vàng là
        BCH/KTTV/KQ khi còn ở khu Tây, mũi tên đỏ là khi đã sang khu Đông

        Im lặng một lát, tôi chưa biết phải vào đề ra sao, bỗng ông Từ Văn Bê buột miệng:

        - Tôi chỉ không thích cái cửa sổ, họ làm quá lớn để chi vậy không biết nữa!

        Thấy ông sếp lớn của mình nhắc tới cái cửa sổ, tôi mừng rỡ chộp ngay lấy cơ hội:

        - Dạ, có lẽ vì người Mỹ họ thích ánh sáng tự nhiên, trong phong thủy đông phương người ta cũng đặt nặng tầm quan trọng của ánh sáng mặt trời, bởi đó là nguồn dương khí.

        - Anh cũng biết phong thủy nữa sao?

        Tôi bắt đầu ba hoa:

        -Thưa Đại tá, tôi chỉ nghiên cứu địa lý phong thủy qua sách vở nhưng cũng nắm được một số nguyên tắc, đủ để xem thế đất hướng nhà, lối đi, ngoại cảnh, nội thất...

        - Nhưng anh có tin không?

        - Thưa tin chứ. Trong Ngũ Huyền Thuật, tức năm khoa siêu hình học của Đông Phương, trong khi tử vi đẩu số chỉ để đoán số mệnh, bị nhiều người xem là thuật bói toán thì địa lý phong thủy được xếp vào thuật xem tướng, là một bộ môn khoa học thông qua các công thức và sự tính toán... Cho nên Dịch học mới có câu “Nhất số mệnh, nhì phong thủy, tam đức, tứ trí”...

        - Là sao? Anh nói lại từ từ cho tôi nghe được không!

        - Nhất số mệnh, nhì phong thủy, tam đức, tứ trí. Nghĩa là số mệnh trên hết, không ai có thể cãi lại được, nhưng nếu biết nương theo phong thủy, tạo ra cái đức, vận dụng cái trí thì đường đời của mình sẽ tốt đẹp hơn... Nói cách khác, nếu không kể số mệnh, trong những thứ mà bản thân có thể tự đạt được, “phong thủy” đứng đầu, kế tới mới là “đức”, và sau cùng là “trí”.

        Ông Từ Văn Bê nghe tôi giải thích, gật gù ra vẻ tán thưởng rồi hỏi:

        - Vậy theo anh địa lý phong thủy của Bộ chỉ huy mình có tốt không?

        - Địa lý thì tôi không dám lạm bàn bởi nó cần có thực học chân truyền. Còn phong thủy tôi cho là khá tốt, trừ... cái bàn làm việc của Đại tá quay lưng ra cửa sổ.

        - Thì sao?


        Tôi cố làm ra vẻ nghiêm trọng, chậm rãi giải thích:

        - Thưa Đại tá, theo phong thủy, điều tối kỵ thứ nhất là người lãnh đạo ngồi quay lưng ra cửa ra vào, tối kỵ thứ nhì là quay lưng ra cửa sổ...

        Trước hết nói về cửa ra vào. Dòng khí vô hình từ ngoài đi vào phòng phải qua cửa này, cho dù cửa đóng kín. Ngồi quay lưng ra cửa sẽ chịu tác động của dòng khí thổi từ phía sau khiến tinh thần bất ổn, thể chất bất an. Chưa kể khi có chuyện gì không hay xảy ra bên ngoài, ngồi quay lưng ra cửa sẽ không biết sớm để đề phòng, phản ứng; theo người xưa thì ngồi quay lưng ra cửa dễ bị thích khách ám hại, ngày nay chúng ta hiểu là có kẻ thù rình rập chơi xấu sau lưng.

        Còn cửa sổ dù là cửa kính cũng được thiết kế với mục đích đón nhận ánh dương – trực tiếp hay gián tiếp; ngồi làm việc mà quay lưng ra cửa sổ chẳng khác nào tự ngăn chặn nguồn dương khí tự nhiên ấy, từ đó sẽ bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự nghiệp...

        Tôi còn muốn nói nhiều hơn nữa nhưng chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để ông Từ Văn Bê... đầu hàng. Ông hơi lớn giọng:

        - Biết như vậy sao anh không chịu nói với tôi ngay từ ngày mình mới dời sang khu Đông?

        - Thưa Đại tá, hồi đó tôi đâu có biết Đại tá cũng tin khoa học huyền bí nên đâu dám nói. Hôm nay Đại tá hỏi về phong thủy tôi mới có cơ hội trình bày.


        - Thôi, quên chuyện cũ đi. Bây giờ nếu anh thấy vị trí của cái bàn là không tốt, thì chỗ nào tốt nhất?

        Tôi vừa đi lại trong phòng, vừa nhìn ngắm vừa nói:

        - Theo nguyên tắc phong thủy, lý tưởng nhất là bàn làm việc phải nhìn thẳng ra cửa, không bị một vật gì che cản, và càng xa cửa càng tốt. Trong căn phòng này vị trí lý tưởng nhất là cái góc nhà hướng đông bắc nơi đang trưng bày lá quốc kỳ; tuy nhiên vì cái bàn quá lớn không thể nào lọt vào một góc, cho nên phải nhấp nhận “second best”, đó là kê ở khoảng giữa cửa ra vào và cửa sổ, nhìn về cái cửa phụ ở hướng đông, trước bàn là bộ xa-lông để tiếp khách, bên tay mặt là cái kệ sát tường, bên tay trái là cửa sổ...

        Một chi tiết quan trọng cần ghi nhớ là trên đường thẳng giữa bàn làm việc và hai cửa ra vào không được đặt một vật gì, dù chỉ là một cái đôn nhỏ hay một bình hoa; tốt nhất là bộ xa-lông nên cách cái kệ 2/3 và cách cửa sổ 1/3 bề ngang căn phòng.

        Ông Từ Văn Bê ngồi trầm ngâm, không nói một tiếng; có lẽ ông đang nhẩm lại trong đầu những gì tôi vừa nói!

        Đợi một hồi, tôi nghĩ tốt hơn hết nên tự động rút lui nhưng chợt nhớ tới việc đám đệ tử của Thiếu úy Mười ở Ban văn thư suýt bị... cụp xương sống khi phải khiêng cái bàn gỗ nặng như đá cách đây mấy tháng, tôi đành phải mở miệng:

        - Thưa Đại tá, nếu Đại tá quyết định cho thay đổi vị trí bàn làm việc, xin đừng cho Ban văn thư biết đây là ý kiến của tôi mà hãy nói đây là lời khuyên của một nhà phong thủy nào đó... Tôi không muốn mọi người nghĩ thế này thế khác!

        * * *

        Qua ngày hôm sau, ông Từ Văn Bê quyết định thay đổi vị trí bàn làm việc. Xong xuôi ông gọi tôi lên để double-check. Tất cả đều đúng ý tôi, tuy nhiên khi nhìn vào góc phòng đặt cái giá cắm cờ thấy hai cái lỗ mà chỉ có một lá quốc kỳ VNCH lẻ loi (cờ Mỹ đã được những người bạn đồng minh đem về nước), tôi đề nghị ông cho phòng may thực hiện một lá quân kỳ Không Quân để điền vào chỗ trống cho cân đối.

        Chỉ hơn một tuần sau, dư luận tại BCH/KTTV/KQ bắt đầu loan truyền tin đồn ly kỳ đại khái như sau:

        Ông Đại tá chỉ huy trưởng đã mời một thầy phong thủy từ tận Đài Bắc sang CCKQ Biên Hòa đo đạc, ngắm hướng để thay đổi vị trí bàn làm việc của ông, và còn sửa cả cái cầu thang đi lên lầu 15 bậc chỉ còn 12 bậc cho hạp tuổi của ông sếp lớn!

        Tôi thấy tức cười nhất là tin đồn (thất thiệt) cầu thang 15 bậc chỉ còn 12 bậc. Trong hơn năm ngàn quân nhân dân chính trong đơn vị có mấy người được bước vào tòa nhà của Bộ chỉ huy có cảnh vệ gác cửa để nhìn tận mắt 15 bậc thang nay chỉ còn 12, nhưng khi kể lại ai cũng quả quyết chuyện đó có thật 100%!

        Riêng các ông đơn vị trưởng và sĩ quan cao cấp có dịp vào phòng ông chỉ huy trưởng ai nấy đều khen cách thiết trí mới vừa đẹp mắt vừa có vẻ thoải mái hơn trước, nhưng vẫn trang trọng nhờ trên giá cờ ở góc phòng có thêm lá quân kỳ Không Quân màu thiên thanh mát mắt bên cạnh lá quốc kỳ màu vàng rực rỡ!

        Lúc đó khoảng tháng 9 năm 1973, tức là thời gian các quân binh chủng thiết lập danh sách đề nghị thăng cấp đặc cách cho các sĩ quan nhân dịp Quốc Khánh 1 tháng 11, 1973.

        Dĩ nhiên Đại tá Từ Văn Bê, người bị hụt lon tướng trước đó một năm, nay lại có tên trong danh sách đề nghị của BTL/KQ.

        (Còn tiếp)

        Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-23-2024, 03:58 PM.

        Comment

        • Nguyen Huu Thien
          Moderator

          • Jul 2014
          • 1125

          #5
          BUỒN VUI ĐỜI LÍNH VĂN PHÒNG (phần 2)

          “Kỹ Thuật Tiếp Vận là ta”


          (Tiếp theo)

          Xin được nhắc lại, trước đó một năm, nhân dịp Quốc Khánh 1/11/1972 BTL/KQ đã đề nghị thăng cấp chuẩn tướng cho 10 vị Đại tá hội đủ điều kiện; kết quả bảy vị được mang sao và ba vị bị rớt đài gồm (theo thứ tự thâm niên cấp bậc):

          - Đại tá Vũ Văn Ước, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân (BCH/HQ/KQ)

          - Đại tá Từ Văn Bê, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận Không Quân (BCH/KTTV/KQ)

          - Đại tá Nguyễn Đức Khánh, Tư lệnh Sư Đoàn 1 KQ

          Tới Quốc Khánh 1/11/1973, ba vị Đại tá nói trên đương nhiên nằm trong danh sách được đề nghị lên chuẩn tướng, cộng với hai vị năm nay mới đủ điều kiện thâm niên chức vụ là:

          - Đại tá Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư Đoàn 6 KQ

          - Đại tá Nguyễn Hữu Tần, Tư lệnh Sư Đoàn 4 KQ

          (Tôi được biết có thêm hai ứng viên mới nhờ được một tay bạn cùng khóa phục vụ tại Văn phòng Tham mưu trưởng BTL/KQ bật mí)

          Danh sách đề nghị này sẽ được Bộ TTM duyệt xét, tuyển chọn rồi đệ trình Phủ tổng thống ban hành Quyết định thăng cấp.

          Năm 1972, có 10 vị đại tá được BTL/KQ đề nghị và bảy ông được mang sao, suy ra năm nay có năm vị được đề nghị thì ít nhất cũng phải có một ông bị rớt đài!

          Không phải giờ này kể lại chuyện cũ, khi mọi việc đã xảy ra bao năm rồi tôi mới có lời bàn Mao Tôn Cương, chẳng khác nào đợi tới lúc các biến cố lịch sử đã diễn ra xong xuôi mới đem sấm Trạng Trình để... chứng minh, thí dụ:

          Bao giờ lúa mọc trên chì,
          Voi đi trên giấy tây thì về tây.

          mà thực sự ngày ấy tôi và một số người đã thích thú theo dõi, bỏ công tìm hiểu, và đồ đoán về triển vọng lên tướng của năm vị Đại tá Không Quân có tên trong danh sách đề nghị.

          - Đại tá Vũ Văn Ước, Chỉ huy trưởng BCH/HQ/KQ, là người được xem có nhiều hy vọng nhất, do thâm niên quân vụ, thâm niên cấp bậc, và từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng.

          Năm 20 tuổi, ông tình nguyện gia nhập Không Quân (năm 1951, thời gian với Khóa 1 Nam Định, Thủ Đức), theo học Khóa 1 Hoa tiêu Quân sự tại TTHLKQ Nha Trang, tốt nghiệp năm 1952 với cấp bậc Thiếu úy.


          TTHLKQ Nha Trang, 1952. Hai khóa sinh Vũ Văn Ước (trái) và Dương Thiệu Hùng
          trước một chiếc Morane-Saulnier 500 Criquet – hỗn danh “Đầm Già”


          Năm 1954 ông đã mang cấp Đại úy, làm Chỉ huy trưởng (sau gọi là Giám đốc) Trường Phi Hành tại TTHLKQ Nha Trang. Các chức vụ quan trọng của ông sau đó gồm: Chỉ huy Trưởng Liên Đoàn Tác Chiến, Không Đoàn 41 Chiến thuật, Tư lệnh Không Đoàn 62 Chiến Thuật, thăng cấp Đại tá năm 1966, tức là một trong những vị đại tá KQ thâm niên nhất tính tới thời điểm đó.

          - Đại tá Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư Đoàn 6 KQ, cũng thâm niên quân vụ, thâm niên cấp bậc ngang ngửa với ông Vũ Văn Ước. Ông xuất thân Khóa 1 Thủ Đức, tức là cùng khóa với các ông Trần Văn Minh, Võ Xuân Lành, Huỳnh Hữu Hiền, Huỳnh Bá Tính...; sau khi được tuyển sang Không Quân ông theo học Khóa 52F1 tại trường bay căn bản Marrakech, Morocco, trước các ông Trần Văn Hổ, Nguyễn Cao Kỳ, Trịnh Hảo Tâm, Lưu Kim Cương, Phan Thanh Vân... theo học Khóa 52F2.

          Ba vị Đại tá còn lại - Nguyễn Hữu Tần, Từ Văn Bê, Nguyễn Đức Khánh – thì ông Tần và ông Bê ra vẻ ngang ngửa.


          Xét về thâm niên quân vụ, ông Nguyễn Hữu Tần đứng đầu vì ông xuất thân Khóa 1 Nam Định, cùng khóa với các ông Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Đặng Đình Linh..., tuy nhiên tới năm 1955 ông mới xin thuyên chuyển sang Không Quân, và tới cuối tháng 4/1972, khi đang giữ chức vụ Tham mưu phó Hành Quân BTL/KQ, ông mới được thăng cấp Đại tá để về Cần Thơ làm Tư lệnh SĐ4KQ thay cố Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh bị tử nạn trực thăng.

          Trong khi ông Từ Văn Bê nhập ngũ sau (1953) nhưng lại vào thẳng Không Quân, được sang Pháp theo học tại Trường Võ Bị Không Quân Salon-de-Provence năm 1953; và tới năm 1968 đã thăng cấp Đại tá (trước ông Tần 4 năm).

          Về phần Đại tá Nguyễn Đức Khánh ông được tôi (và nhiều người khác) xếp sau cùng trong danh sách vì vừa kém thâm niên quân vụ vừa kém thâm niên cấp bậc so với ông Từ Văn Bê. Ông được tuyển vào Không Quân năm 1954, sang Pháp theo học tại Trường Võ Bị Không Quân Salon-de-Provence, tốt nghiệp phi công khu trục.


          Giữa năm 1968, ông được thăng cấp Trung tá và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không Đoàn 41 Chiến Thuật.

          Giữa năm 1970, ông được thăng cấp Đại tá, và tới tháng 9 cùng năm, trở thành Tư lệnh SĐ1KQ vừa được thành lập tại Đà Nẵng.

          * * *

          Như vậy, trong danh sách đề nghị gồm năm vị Đại tá Không Quân kể trên, nếu chỉ có ba vị được lên Chuẩn tướng thì tới 99% sẽ có hai ông Vũ Văn Ước và Phạm Ngọc Sang, người còn lại sẽ là một trong ba ông Nguyễn Hữu Tần, Từ Văn Bê, và Nguyễn Đức Khánh.

          Nếu có tới bốn vị được mang sao, thì trong ba ông Nguyễn Hữu Tần, Từ Văn Bê, và Nguyễn Đức Khánh sẽ chỉ có một người bị “out”. Người đó là ai? Rất khó đoán!

          Có thể là ông Tần, vì tuy có thâm niên quân vụ cao nhất, ông mới mang lon đại tá được hơn một năm.

          Có thể là ông Bê, vì trong ngành kỹ thuật tiếp vận của Không Quân đã có một vị mang lon tướng là ông Đặng Đình Linh (Tham mưu phó Tiếp Vận) rồi.

          Cũng có thể là ông Khánh, vì thâm niên quân vụ của ông thua xa ông Tần, và thâm niên cấp bậc (đại tá) cũng thua ông Bê tới hai năm!

          Chính vì hai chữ “có thể” ấy mà sau khi danh sách được gửi sang Bộ TTM vào tháng 10/1973, những người quan tâm tới cuộc “chạy đua lên tướng” trong Không Quân đã phải hồi hộp chờ đợi kết quả.

          * Lon chuẩn tướng và cái giấy phép để râu

          Nhưng rồi ngày Quốc Khánh 1/11/1973 qua đi mà vẫn không có tin tức gì từ Bộ TTM. Sau đó tôi mới được ông dượng là một sĩ quan cao cấp phục vụ tại Bộ TTM cho biết trong suốt năm 1973, không hiểu vì nguyên nhân gì, đã không có một vị đại tá nào được thăng cấp chuẩn tướng, trừ hai vị được truy thăng sau khi hy sinh.

          Tới tháng 1/1974 bỗng có Quyết định thăng cấp chuẩn tướng cho một vị đại tá duy nhất: ông Từ Văn Bê của Không Quân.

          Ba tháng sau, những vị được tuyển chọn trong danh sách đề nghị nhân Quốc Khánh 1973 mới có Quyết định thăng cấp chuẩn tướng kể từ ngày 1/4/1974.

          Trong số đó có bốn đại tá của Hải Quân lên Phó Đề đốc và ba đại tá của Không Quân lên chuẩn tướng là các ông Phạm Ngọc Sang, Nguyễn Hữu Tần, và Nguyễn Đức Khánh.



          Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang

          Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần


          Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh ngày còn là SVSQ ở Trường Võ Bị
          Không Quân Pháp Salon-de-Provence


          Còn Đại tá Vũ Văn Ước, Chỉ huy trưởng BCH/HQKQ, người được xem là có nhiều hy vọng nhất - do thâm niên quân vụ, thâm niên cấp bậc, từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng - lại bị rớt đài!

          Ngày ấy, và cả sau năm 1975, ngoài một số sĩ quan cao cấp “ẩn danh” ở Bộ TTM, không ai đủ tư cách khẳng định nguyên nhân khiến Đại tá Vũ Văn Ước bị hụt lon chuẩn tướng trong hai đợt đề nghị liên tiếp (1972, 1973). Nhưng tin đồn thì nhiều, trong số đó tin đồn ra vẻ có lý nhất nói rằng ông Vũ Văn Ước đã gây thù chuốc oán với một số quan lớn bên Bộ TTM. (xem Chú Thích)


          Đại tá Vũ Văn Ước; hình chụp khoảng năm 1966-67

          Trở lại với việc Đại tá Từ Văn Bê được thăng cấp chuẩn tướng vào tháng 1/1974 qua một Quyết định chỉ có mỗi tên ông, ngày ấy một số người giải thích như sau: nếu đợi tới tháng 4/1974 mới xét cùng với các ứng viên khác, rất có thể ông sẽ bị loại vì thua điểm hai ông Nguyễn Hữu Tần, Tư lệnh SĐ4KQ, và Nguyễn Đức Khánh, Tư lệnh SĐ1KQ.

          Nhưng tại sao một vị đại tá ngành kỹ thuật lại được đặc biệt ưu tiên như thế?

          Theo suy đoán của tôi, bởi vì ông rất có điểm với cả phía Hoa Kỳ lẫn Bộ TTM, một cách chính xác là Bộ Tư Lệnh Không Lực Thái Bình Dương (PACAF) và Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu phó Bộ TTM kiêm Tổng cục trưởng Tổng Cục Tiếp Vận.

          Bên cạnh đó tôi còn tin rằng ông được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chuẩn tướng Võ Dinh, Tham mưu trưởng BTL/KQ, người được Trung tướng Tư lệnh Trần Văn Minh trao phó mọi việc trong nội bộ quân chủng.

          * * *

          Thế là gần một năm sau ngày phải chào đón Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính tới chủ tọa buổi tất niên của BCH/KTTV/KQ, ông Từ Văn Bê đã có thể “ngước mặt nhìn đời” với ngôi sao bạc trên ve áo!

          Thông thường, đa số sĩ quan hiện dịch trong bước đầu binh nghiệp chỉ cầu mong lên tới Trung tá, là cấp thấp nhất trong hàng “sĩ quan cao cấp”, nhưng sau khi lên Trung tá (Lieutenant Colonel) lại muốn lên Đại tá (Colonel), lên Đại tá rồi lại muốn lên cấp Tướng (General), cho nên không cần ông Từ Văn Bê nói ra tôi cũng biết việc được lên chuẩn tướng là niềm sung sướng, hãnh diện lớn nhất đời ông.

          Tuy nhiên, ông đã không tổ chức tiệc tùng khao lon mà chỉ có một buổi tiếp tân khá đơn giản tại Câu lạc bộ Bửu Long, với bia nước ngọt, thức ăn cầm tay.

          Hai món xa xỉ duy nhất là một cặp rượu champagne Pháp do ông mua và một hộp xì-gà gộc của Cuba do viên sĩ quan Mỹ thuộc cơ quan DAO ở phi trường Biên Hòa biếu.

          Khách mời theo tôi nhớ chỉ khoảng trên 20 người, trong đó cấp tướng chỉ có hai vị là Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, Tư lệnh SĐ3KQ, và Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh phó Quân Đoàn III, vị tướng nổi tiếng thanh liêm, mới về Quân Đoàn III năm 1973 đã kết thân với ông Từ Văn Bê.

          Sau đó, tất cả trở lại bình thường, có khác chăng là trên bàn làm việc của ông có đặt một lá cờ tướng không quân nền xanh sao trắng, chiều dài khoảng một gang rưỡi, theo đúng thủ tục, và cái mũ lưỡi trai (casquette) được gắn thêm hai cành lá bạc trên vành mũ phía trước (trong suốt binh nghiệp của mình, ông Từ Văn Bê chỉ đội một kiểu mũ lưỡi trai).


          Chuẩn tướng Từ Văn Bê

          Về phần tôi, tôi không biết ông Bê có tin rằng việc thay đổi hướng bàn làm việc đã góp phần giúp ông lên tướng hay không, chỉ biết sau đó tôi được ông “tặng” cho cái giấy phép để râu mép đầu tiên trong đơn vị.

          * * *

          Hôm ấy tôi phải lên gặp ông Từ Văn Bê về chuyện gì đó, xong xuôi tôi đang tính đứng dậy ra về thì ông nói:

          - Này ông râu, về làm đơn xin phép để râu cho nó hợp lệ nghen!

          Ông Bê vừa nói vừa cười cười cho nên tôi cũng cũng không hiểu ý ông ra sao nữa. Chẳng lẽ ông không muốn tôi để râu nên “đá nhẹ”, hay là ông thực sự muốn tôi làm đơn xin phép để hợp thức hóa bộ râu?

          Tôi suy nghĩ nát óc cũng không có câu trả lời. Cho tới lúc đó, đầu năm 1974, tôi chỉ được nghe kể có một số sĩ quan KQ làm đơn xin phép để râu mép với lý do “để bảo vệ hạnh phúc gia đình”, mà chỉ cần nghe qua ai cũng biết là chuyện tiếu lâm nghe cho vui.

          Tôi cũng nghe nói có một ông sĩ quan CTCT ở BTL/KQ lấy lý do “tướng số” và đã được ông Chỉ huy trưởng Tổng hành dinh Không Quân ký giấy phép, nhưng tôi chưa có dịp hỏi ông bạn Trần Ngọc Tự quý hóa của tôi ở BTL/KQ để biết thực hư.

          Ở CCKQ Biên Hòa thì tôi thấy khá nhiều ông pilot bên SĐ3KQ để râu mà tôi đoán cũng chẳng ai có giấy phép bởi vì tôi chưa bao giờ nghe bạn bè ở Phòng Nhân Viên bên Sư Đoàn nói tới việc các quân nhân làm đơn xin phép để râu. Còn ở BCH/KTTV/KQ tôi chỉ thấy một người duy nhất để râu mép là Thiếu tá Trương Cao Thiên ở Trung Tâm Quản Trị Vật Liệu, mà tôi đoán cũng không có giấp phép.

          Nhưng một khi ông Từ Văn Bê đã “phán” như thế, tôi bắt buộc phải làm đơn; trong đơn, lý do xin để râu tôi ghi một cách vô thưởng vô phạt là “Thẩm mỹ”!

          Đơn làm theo hệ thống quân giai, nghĩa là tôi phải trình Trưởng Khối CTCT rồi Trưởng Phòng Tổng Quản Trị để nơi đây cho ý kiến trước khi đệ trình Chỉ huy trưởng quyết định.

          Lúc này Thiếu tá Nguyễn Bá Thảo đã mãn nhiệm kỳ Sĩ Quan Liên Lạc Không Quân trở về với nhiệm vụ Trưởng Khối CTCT và thăng cấp Trung tá, khi tôi đem tờ đơn vào và trình bày đầu đuôi sự việc, ông cũng như tôi, không thể hiểu được ý của ông Từ Văn Bê cho nên đã dè dặt phê một cách vô thưởng vô phạt:

          Kính chuyển để xin cứu xét.

          Sau đó tôi cầm tờ đơn lên Phòng Tổng Quản Trị (trước kia gọi là Phòng Nhân Viên). Vì đây là một lá đơn khá đặc biệt (lần đầu tiên trong đơn vị) không muốn để mọi người biết sẽ bàn tán xôn xao, tôi xin gặp riêng Trưởng Phòng là Đại úy Nguyễn Văn Ban, một bạn già “Bắc kỳ” của tôi.

          Ông Nguyễn Văn Ban là sĩ quan lớn tuổi nhất tại BCH/KTTV/KQ, phục vụ lâu năm, nhiều kinh nghiệm, quen biết rộng cho nên rất được ông Từ Văn Bê và mọi người nể nang. Từ ngày về Biên Hòa, tôi chưa thấy hoặc nghe nói ông Bê cự nự hoặc than phiền về Đại úy Ban bao giờ.

          Tôi gọi Đại úy Ban là “bạn già” có lẽ hơi quá lời nhưng trên thực tế tôi là sĩ quan trẻ duy nhất trong đơn vị được ông mời... uống rượu trong giờ làm việc và dám nhận lời!

          Tất cả bắt đầu từ buổi họp về đàn bò bầy dê cuối năm 1972 mà tôi là thư ký lập biên bản. Khi tôi đưa biên bản tới Phòng Tổng Quản Trị để Đại úy Ban ký vào theo yêu cầu của ông Từ Văn Bê, thay vì ký ngay ông lại rời bàn làm việc kéo tôi ngồi xuống bộ xa-lông có cái bàn nho nhỏ giống như trong các quán cà-phê.

          - Việc gì phải gấp gáp, mày cứ ngồi xuống đây làm một ly với tao xem nào! (Đại úy Ban thường “mày tao” với tôi và một vài sĩ quan trẻ thân thiết)

          Miệng nói tay ông đưa xuống dưới gầm bàn lôi ra cái bình nhựa 2 lít đựng rượu trắng, rồi không cần biết tôi có chịu uống hay không, ông rót ra hai cái ly xây chừng rồi đưa cho tôi một ly.

          Lúc này Phòng Tổng Quản Trị và Khối CTCT cùng các phòng sở tham mưu của BCH/KTTV/KQ đã dọn sang khu Đông do Hoa Kỳ bàn giao. Phòng Tổng Quản Trị chiếm một ngôi nhà hai tầng khá rộng, phòng làm việc của ông Ban ở trên lầu, vây quanh bằng kính cho nên ông mời ai uống rượu các nhân viên đều nhìn thấy rõ.

          Tôi cầm ly rượu lên thử một ngụm nhỏ và nhận ra đây là loại rượu nếp hảo hạng của người Bắc.

          Khi di cư vào Nam năm 1954, tôi mới 6 tuổi thì làm gì đã biết rượu chè nhưng sau này nhờ lấy vợ mà biết thưởng thức và đánh giá rượu nếp.

          Nguyên bà mẹ vợ của tôi quê Hải Hậu, Nam Định. Huyện Hải Hậu là nơi trồng những loại lúa ngon nhất, gạo tẻ cũng như gạo nếp, trong đó có một loại nếp cái hoa vàng để nấu rượu trắng ngon bậc nhất miền Bắc.

          Thực ra nếu nói về danh tiếng và mức độ phổ biến, rượu Kim Sơn (Ninh Bình) là nhất miền Bắc, tuy nhiên rượu Hải Hậu không phổ biến bằng rượu Kim Sơn không phải vì rượu Hải Hậu không ngon bằng mà chỉ vì rượu Hải Hậu được nấu bằng loại nếp cái hoa vàng trồng ở địa phương, số lượng thu hoạch hạn chế cho nên rượu nấu ra chỉ đủ cung ứng nhu cầu của người sành điệu ở Nam Định và một số nhỏ ở Hà Nội.

          Di cư vào Nam không có nếp cái hoa vàng, sau một vài năm nấu thử bằng nếp trồng ở các địa phương, dân di cư gốc Hải Hậu đã chấm được một loại nếp Long An lý tưởng. Còn men thì một gia đình nọ ở chợ Thái Bình, Hố Nai, khi di cư đã mang theo được công thức gia truyền làm men bằng thảo mộc và các vị thuốc bắc.

          Nhờ đó mà bà mẹ vợ tương lai của tôi, định cư ở xứ đạo Tân Mai (quận Đức Tu, Biên Hòa) có nguyên liệu mỗi năm nấu một, hai nồi rượu nếp vào các dịp lễ tết giỗ chạp để nhà uống và biếu các cụ trong họ.

          Làm thêm vài ngụm, tôi ra vẻ mình là người uống rượu sành điệu, hỏi đại:

          - Rượu nếp này Đại úy mua ở chợ Tân Mai phải không?

          Ai ngờ trúng phóc. Ông Ban khoái chí cười lớn:

          - Thằng này tài thật, biết cả chỗ tao mua rượu nữa!


          Nếp cái hoa vàng Hải Hậu

          Từ đó mỗi lần có việc phải sang khu Đông, xong xuôi tôi lại ghé Phòng Tổng Quản Trị làm hai ly xây chừng với ông Đại úy Trưởng phòng.

          * * *

          Mấy ngày sau khi tôi trao cái đơn xin phép để râu cho Đại úy Ban, một nhân viên Phòng Tổng Quản Trị điện thọai nói tôi tới gặp Đại úy Trưởng phòng có việc cần. Bước vào phòng, tôi thấy mặt ông Ban không được vui vẻ cho lắm. Ông chỉ cái ghế trước bàn giấy của ông, nói “Mày ngồi xuống đây”.

          Rồi ông quăng tờ đơn xin phép để râu trước mặt tôi:

          - Mày đọc đi!

          Tôi mở ra thì thấy ông Ban viết:

          Kính chuyển với hảo ý.

          Phía bên dưới là mấy hàng chữ và chữ ký thật lớn của ông Từ Văn Bê:

          Tổng Quản Trị, hảo ý là thế nào? Được hay không được phải nói cho rõ!
          Từ Văn Bê

          Chưa bao giờ tôi thấy ông sếp lớn ký tên “Từ Văn Bê” lớn như thế, cao có đến 2 cm, chiếm hết bề ngang trang giấy.

          Tôi nhìn Đại úy Ban như dò hỏi. Ông nói:

          - Ông Bê có thói quen hễ bực tức, nóng giận là viết chữ thật lớn nhưng chưa bao giờ tao thấy ổng viết và ký tên lớn như trong cái đơn xin để râu của mày!

          - ...

          - Lại còn kiếm chuyện với tao nữa chứ. Xưa nay lá đơn nào mà tao không “Kính chuyển với hảo ý”, ông ấy là Chỉ huy trưởng có toàn quyền quyết định thì cứ việc phê thuận hay không thuận, đây lại còn hạch sách tao. Bực mình!

          Tôi rất quý mến Đại úy Ban, thấy ông bực mình như thế cũng cảm thấy áy náy.

          - Đại úy, hay là mình dẹp cái vụ làm đơn đi cho rồi!

          - Tùy mày, tao thì tao đoán có lẽ sau khi lên tướng ông ấy không muốn có một sĩ quan thân cận râu ria lởm chởm như mày... Hay là mày cạo phứt đi cho rồi!

          Đại úy Ban là người đã sát cánh với ông Từ Văn Bê hơn 10 năm hẳn phải hiểu ông sếp lớn hơn tôi. Tôi nói:

          - Đại úy đã nói thế, tôi xuống râu cho xong chuyện!

          * * *

          Thế là tôi về cạo sạch bộ râu mép. Trong Khối CTCT người khen kẻ chê. Người khen thì nói trông tôi trẻ ra có đến năm, bảy tuổi, người chê thì bảo trông... vô duyên, tôi chẳng biết tin ai.

          Thấy tôi tự nhiên xuống râu, ai thắc mắc tôi trả lời để xả xui, riêng ông Trung tá Trưởng Khối CTCT – người đã phê “Kính chuyển để xin cứu xét” trong lá đơn của tôi – chẳng hỏi han gì cả nhưng tôi đoán ông cho rằng đơn đã bị bác cho nên tôi mới phải cạo râu.

          Trong buổi họp đơn vị trưởng sáng Thứ Hai cũng không có ai thắc mắc, nhưng qua sáng Thứ Ba khi tôi đem biên bản trình ông Từ Văn Bê, vừa vào phòng đóng cửa lại đã bị ông hỏi ngay:

          - Sao anh lại cạo râu vậy?

          - Thưa Chuẩn tướng vì tôi thấy cái đơn của tôi bị... trả lại Phòng Tổng Quản Trị.

          - Tôi chỉ trả lại cái đơn chứ đâu có bác, chính tôi nói anh làm đơn mà... Tôi trả lại vì cái đơn của anh làm sai nguyên tắc...

          Thấy ông Từ Văn Bê bắt đầu lớn tiếng, tôi ngồi im...

          - Ông Đại úy Ban làm Phòng Nhân Viên mấy chục năm ổng phải biết mỗi khi làm đơn xin cấp giấy phép thì phải trích yếu sự vụ văn thư chứ!... Đơn xin để râu thì phải trích yếu sự vụ văn thư cho phép để râu... Không trích yếu mà ông ấy cứ “Kính chuyển với hảo ý” là sao!

          Rồi ông nhìn tôi, hạ giọng:

          - Thôi anh về làm cái đơn khác, nhớ hỏi Phòng Tổng Quản Trị cái SVVT cho phép để râu. Anh cũng nói là tôi muốn cái SVVT của Đại tướng Lê Văn Tỵ ký hồi xưa chứ không phải mấy cái văn thư tầm bậy tầm bạ của Không Quân sau này nghen!

          (Còn tiếp)


          CHÚ THÍCH:

          Theo tin đồn này, sự việc xảy ra trong thời gian Đại tá Vũ Văn Ước theo học Khóa Tham Mưu Cao Cấp tại Trường Chỉ Huy Tham Mưu ở Đà Lạt.

          Thời gian này (1969), Đại tá Ước đang giữ chức Tư lệnh Không Đoàn 62 Chiến Thuật ở Nha Trang, tức sếp lớn của Không Quân ở Vùng 2 Chiến Thuật, mỗi cuối tuần đều có trực thăng lên đón về Nha Trang, sáng Thứ Hai trở lại Đà Lạt. Mỗi chuyến đi về Nha Trang như thế ông đều cho một số sĩ quan cao cấp (giảng viên của trường hoặc khóa sinh Tham Mưu Cao Cấp) quá giang về Nha Trang.

          Nghe kể lại thái độ phách lối (?) của ông Vũ Văn Ước trong việc cho ưu tiên quá giang đã bị một số giảng viên và sĩ quan khóa sinh của Bộ TTM... khắc cốt ghi tâm.

          Kết quả Đại tá Vũ Văn Ước đã bị Trường Chỉ Huy Tham Mưu đánh rớt; và sau này khi được BTL/KQ đề nghị thăng cấp chuẩn tướng đã bị Bộ TTM loại hai lần liên tiếp, viện lý do không có bằng Tham Mưu Cao Cấp.

          Tin hay không tin những tin đồn này là tùy cá nhân, riêng tôi không tin.




          Normandy, 1955. Các sĩ quan KQVN thăm hệ thống phòng thủ phía bắc Pháp quốc, từ trái, Nguyễn Văn Trương,
          Trần Văn Minh (Minh đù), Vũ Văn Ước (hình do NT Vũ Văn Ước cung cấp)


          Theo đa số các vị đại niên trưởng cùng thời, ông Vũ Văn Ước là một “quân nhân chuyên nghiệp” đúng nghĩa, nhiều khả năng, không tham vọng chính trị, không phe đảng, dễ hòa đồng, không lên mặt khi gặp thời, không cay đắng khi thất thế.

          Ông chỉ có một cái “tật” (tạm gọi như thế) là thích khoe – khoe gia thế, khoe tài ca hát, khoe số đào hoa... nhưng thiết nghĩ cũng chẳng chết thằng tây nào cả!

          Việc ông trở thành vị đại tá duy nhất trong số chín ông đại đơn vị trưởng của Không Quân (6 sư đoàn, TTHLKQ, BCH/HQ/KQ, BCH/KTTV/KQ) không được lên tướng chắc hẳn phải có một nguyên nhân sâu xa nào đó mà các vị có thẩm quyền ở Bộ TTM cũng như trong KQVN không tiện tiết lộ.

          Những ai tinh ý sẽ thấy điều đó ngay từ năm 1970, khi năm Không Đoàn Chiến Thuật (41, 62, 23, 33, 74) trở thành các Sư Đoàn Không Quân, trong khi tất cả các ông Tư lệnh Không Đoàn đương nhiệm tự động trở thành Tư lệnh Sư Đoàn thì riêng Đại tá Vũ Văn Ước, Tư lệnh Không Đoàn 62, lại được điều về TSN làm Chỉ huy trưởng BCH/HQ/KQ, và Đại tá Nguyễn Văn Lượng, đang làm Chỉ huy phó TTHLKQ, sang nắm chức Tư lệnh Sư Đoàn 2 KQ, để rồi... lên tướng.

          “Duy tâm” một chút có thể nói ông Lượng có số làm tướng còn ông Ước thì không!
          Last edited by Nguyen Huu Thien; 12-07-2024, 01:10 AM.

          Comment

          • Nguyen Huu Thien
            Moderator

            • Jul 2014
            • 1125

            #6
            “Thập Lục Tướng Quân”

            Nếu bộ bài tứ sắc có 16 ông tướng thì Không Quân VNCH cũng có “thập lục tướng quân” (chỉ kể những vị được vinh thăng khi còn sống, không tính cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương được truy thăng).

            Theo sự hiểu biết của chúng tôi, tính cho tới nay cựu Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng, nguyên Tư lệnh SĐ2KQ, là người duy nhất còn tại thế, đang sống tại California.

            Mười lăm vị đã ra đi, trừ cố Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh đã sớm gãy cánh năm 1972, 14 vị còn lại đều lần lượt qua đời tại hải ngoại:

            1- Thiếu tướng Võ Xuân Lành, năm 1982, hưởng dương 51 tuổi
            2- Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, 1990, thọ 63 tuổi
            3- Chuẩn tướng Phan Phụng Tiên, 1995, thọ 65 tuổi
            4- Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, 1996, thọ 64 tuổi
            5- Trung tướng Trần Văn Minh, 1997, thọ 65 tuổi

            6- Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, 1998, thọ 68 tuổi
            7- Chuẩn tướng Lê Trung Trực, 2002, thọ 75 tuổi
            8- Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, 2002, thọ 72 tuổi
            9- Chuẩn tướng Từ Văn Bê, 2008, thọ 77 tuổi
            10- Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần, 2008, thọ 78 tuổi
            11- Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh, 2010, thọ 85 tuổi
            12- Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, 2011, thọ 81 tuổi
            13- Chuẩn tướng Võ Dinh, 2017, thọ 88 tuổi
            14- Chuẩn tướng Đặng Đình Linh, 2020, thọ 92 tuổi.




            TTHLKQ Nha Trang 1966, NT Võ Xuân Lành (bên trái) khi còn mang cấp bậc
            Trung tá, Chỉ huy trưởng, và Thiếu tá Ông Lợi Hồng, Chỉ huy phó
            Last edited by Nguyen Huu Thien; 12-14-2024, 10:33 PM.

            Comment

            • Nguyen Huu Thien
              Moderator

              • Jul 2014
              • 1125

              #7
              BUỒN VUI ĐỜI LÍNH VĂN PHÒNG(phần 2)

              “Kỹ Thuật Tiếp Vận là ta”

              (Tiếp theo)

              Rời phòng làm việc của ông Từ Văn Bê đầu óc tôi rối bời. Tất cả cũng chỉ vì cái đơn xin để râu mép của một tay trung úy quèn trong một đơn vị có tới vài chục sĩ quan cấp tá!... Tôi có muốn làm đâu!... Giờ biết ăn nói ra sao với Đại úy Ban đây?! Chắc chắn ông sẽ vô cùng bực mình!

              Nhưng một khi ông Từ Văn Bê đã phán như thế tôi bắt buộc phải theo lao cho dù trong lòng không muốn!

              Cũng may, khi được tôi thuật lại lời ông Chỉ huy trưởng nói rằng ổng muốn tôi làm đơn xin phép để râu cho hợp lệ và đòi phải trích yếu sự vụ văn thư liên quan, Đại úy Ban không hề trách móc tôi có lẽ vì ông cũng hiểu tôi đang ở vào cái thế phải theo lao. Ông chỉ nói:

              - Tao chưa từng thấy mà cũng chưa bao giờ nghe nói tới cái sự vụ văn thư của Đại tướng Lê Văn Tỵ, còn mấy cái văn thư mà ông Bê gọi là “tầm bậy tầm bạ của Không Quân” tao cũng không biết chúng nó (nhân viên của ông) có lưu giữ hay không!... Nhưng thôi, ông ấy đã nói như thế tao sẽ cho người về Phòng Nhân Viên BTL/KQ sao lục cái sự vụ văn thư của ông Lê Văn Tỵ, khi nào có, chúng nó sẽ báo cho mày biết.

              Việc về Phòng Nhân Viên của BTL/KQ xin một bản sao sự vụ văn thư cũng chẳng tốn công sức gì nhiều bởi vì mỗi tuần nhân viên của Phòng Tổng Quản Trị BCH/KTTV/KQ đều phải về Tân Sơn Nhứt ít nhất một lần để chuyển và nhận văn thư.

              Trong thời gian chờ đợi, để không khí bớt... căng thằng, tôi bắt đầu để râu trở lại.

              Nhưng rồi hai tuần trôi qua, tôi vẫn không nghe tin tức gì từ Phòng Tổng Quản Trị. Cuối cùng phải mất hơn một tháng, vị hạ sĩ quan đặc trách công việc chuyển nhận văn thư của Phòng Tổng Quản Trị mới điện thoại cho tôi thông báo cái sự vụ văn thư mà tôi chờ đợi đã về tới nơi.

              Đó là một sự vụ văn thư do Đại tướng Lê Văn Tỵ ký năm 1957, có nội dung rất ngắn, ngắn tới mức giờ này tôi vẫn còn nhớ từng chữ, nguyên văn như sau:

              SỰ VỤ VĂN THƯ

              TRÍCH YẾU: v/v để râu tóc của quân nhân

              Kể từ ngày ban hành sự vụ văn thư này:

              (1) Tuyệt đối cấm quân nhân Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa các cấp để tóc dài, râu cằm và râu quai nón.

              (2) Về râu mép, đơn vị trưởng tùy nghi cho phép.

              KBC 4002, ngày... tháng... năm 1957

              Đại tướng Lê Văn Tỵ
              Tổng Tham Mưu Trưởng QĐVNCH
              (ấn ký)

              [Trước đó tôi được ông Từ Văn Bê cho biết sở dĩ Bộ TTM phải ban hành sự vụ văn thư này là vì vào những năm 1955, 1956 có nhiều người thuộc các lực lượng giáo phái (Cao Đài, Hòa Hảo) sau khi quy thuận chính phủ và tình nguyện gia nhập Quân Đội Quốc Gia (tiền thân của QĐVNCH), vẫn để tóc dài (búi tóc) và để râu dài, viện lý do tôn giáo hay phong tục địa phương]

              Tôi xin Phòng Phòng Tổng Quản Trị một bản photocopy rồi làm lại đơn xin để râu. Khi tôi trình Trung tá Nguyễn Bá Thảo và giải thích đầu đuôi sự việc, ông Trưởng Khối CTCT nhìn tôi với ánh mắt hơi khó chịu, hay ít nhất cũng là theo sự suy đoán của tôi. Có lẽ ông đang thắc mắc tại sao một ông tướng lại quan tâm tới cái đơn xin phép để râu của một tay trung úy đến như vậy. Rồi ông cũng phê y hệt như trong cái đơn trước:

              Kính chuyển để xin cứu xét.

              Rồi tôi lại xách đơn sang Phòng Tổng Quản Trị gặp Đại úy Ban. Thấy mặt tôi ông mắng vốn ngay:

              - Mẹ, chỉ vì cái đơn xin để râu của mày mà chúng tao mất cả tháng trời!

              Rồi ông kể cho tôi nghe đầu đuôi đại khái như sau:

              Khi nhân viên Phòng Tổng Quản Trị BCH/KTTV/KQ về văn phòng Tham Mưu Phó Nhân Viên BTL/KQ xin sao lục SVVT về việc cho phép để râu do Đại tướng Lê Văn Tỵ ký thì một tuần sau được trả lời rằng có lẽ sự vụ văn thư đó quá cũ cho nên không còn lưu!

              Sau đó, phải nhờ VP/TMP Nhân Viên BTL/KQ giới thiệu “người quen” ở Phòng Phòng Tổng Quản Trị của Bộ Tổng Tham Mưu để xin sao lục. Trước sau mất một tháng trời! (Chú thích 1)

              * * *

              Một tuần sau, tôi đã có trong tay cái GIẤY PHÉP ĐỂ RÂU đầu tiên trong đơn vị. Điều đáng nói là trong đơn xin tôi ghi lý do “Thẩm mỹ” thì khi ký thuận, Chuẩn tướng Từ Văn Bê đã “chế” thêm mấy chữ và chỉ thị Phòng Tổng Quản Trị phải mở ngoặc ghi vào trong giấy phép như sau:

              LÝ DO: Thẩm mỹ (để che vết thẹo môi trên)

              Trong buổi họp hàng tuần sáng Thứ Hai kế tiếp, trong phần “bốn món ăn chơi” ông Bê chỉ tay về phía tôi ngồi ở cuối cái bàn dài và nói với các ông đơn vị trưởng:

              - Tôi vừa mới ký giấy phép để râu cho ông Trung úy Thiện nè. Các anh về phổ biến cho quân nhân dưới quyền ai để râu thì phải làm đơn xin phép cho hợp lệ nghen.

              Kết quả, chỉ trong vòng một tháng tiếp theo đó, đã có hàng chục quân nhân trong đơn vị, tất cả đều là hạ sĩ quan tương đối lớn tuổi, tìm tới Phòng Xã Hội để nhờ tôi hướng dẫn cách làm đơn phép để râu, và tất cả đều được chấp thuận.

              Nhờ đó, tôi càng thêm nổi tiếng và ông Từ Văn Bê cũng được tiếng thơm lây là tuy réc-lô trong công việc nhưng lại quan tâm tới quyền lợi của quân nhân dưới quyền, trong đó có quyền... để râu mép!

              Về phần Thiếu tá Trương Cao Thiên của Trung Tâm Quản Trị Vật Liệu, vị sĩ quan duy nhất trong đơn vị để râu trước tôi, nhất định không làm đơn xin phép; có lẽ ông cho rằng quân cảnh chẳng bao giờ dám hỏi giấy phép để râu của một sĩ quan cấp tá, nhất là lại chạy xế hộp như ông.

              *Người thương kẻ ghét

              Khi tôi viết “tôi càng thêm nổi tiếng” có nghĩa cả tiếng thơm lẫn tiếng xấu; tiếng thơm nơi những người hiểu tôi, quý mến tôi và tiếng xấu từ những người ghét tôi, cho tôi là tà-lọt của ông chỉ huy trưởng.

              Cũng xin có đôi hàng về những người được xem là thân cận của ông Từ Văn Bê vào thời điểm tôi thuyên chuyển về BCH/KTTV/KQ giữa năm 1972.

              - Trung úy Thưởng (sau lên Đại úy, tôi không nhớ họ của ông), xuất thân hạ sĩ quan, giữ chức Trưởng Ban Văn Thư BCH từ nhiều năm qua. Theo sự hiểu biết của tôi, Trung úy Thưởng được cả gia đình ông Từ Văn Bê xem như người nhà.

              - Trung úy Trung (tôi cũng không nhớ họ), nickname “Trung ếch”, xuất thân hạ sĩ quan kỹ thuật, là một “thổ địa” ở Biên Hòa, thường tháp tùng ông Từ Văn Bê trong các dịp đi đây đó, giao tế, tiếp xúc với các quan chức, thân hào nhân sĩ, doanh nhân địa phương trong đó có các ông chủ hầm đá ở Bửu Long.

              - Trung sĩ Quang, người thường được ông Bê sai làm những công việc lặt vặt, linh tinh, cũng là người đưa ông ra phố Biên Hòa xem phim Tàu mỗi khi có phim mới.

              - Một người tài xế của Đoàn Quân Xa (tôi không nhớ tên) để lái chiếc xe Jeep của ông Bê khi cần, chẳng hạn trong các buổi lễ lạc, hoặc về BTL/KQ ở Tân Sơn Nhứt, về tư gia ở Sài Gòn; còn đi lại trong căn cứ, ông Bê luôn luôn tự lái xe.

              Bốn người nói trên (cùng với một võ sư Thái Cực Đạo bên võ đường của SĐ3KQ, huấn luyện viên riêng của ông) là những người thường xuyên lui tới tư thất của ông Từ Văn Bê, vốn sống độc thân tại chỗ trong phi trường Biên Hòa, chỉ thỉnh thoảng mới về nhà ở Sài Gòn, nơi vợ ông làm chủ một nhà thuốc tây lớn.

              “Tư thất” của ông Từ Văn Bê trong CCKQ Biên Hòa là một căn biệt thự song lập (chung vách nhưng có cổng riêng, sân trước sân sau riêng). Căn bên kia là của Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính.

              Riêng tôi, trong suốt gần 3 năm ở Biên Hòa, tôi chỉ tới tư thất của ông Bê hai lần, một lần với tư cách Trưởng Phòng Xã Hội tới thăm “người bệnh” (hôm đó ông đau không thể tới văn phòng), một lần tới để ông nói chuyện riêng vì ban ngày ông quá bận không thể kêu tôi lên văn phòng.

              Nhưng ở nơi làm việc và trong giờ làm việc, trước mắt mọi người trong Ban Văn Thư Bộ Chỉ Huy cũng như các ông đơn vị trưởng, tôi được xem là nhân vật quan trọng nhất trong số những người thân cận của ông Từ Văn Bê.

              Nguyên nhân gần, như đã viết ở một phần trước, vì bị làm thư ký trong các buổi họp hàng tuần của BCH, được nghe các ông đơn vị trưởng trình bày công việc, nghe các ông bàn cãi, tôi không chỉ nắm được những gì đang diễn ra tại BCH/KTTV/KQ mà còn có cơ hội tìm hiểu, nhận xét con người mỗi ông, dù không chính xác cho lắm cũng đủ để góp ý với ông Từ Văn Bê mỗi khi được ông hỏi ý kiến.

              Bên cạnh đó, tôi không dám tự khen nhưng thực sự tôi có một kiến thức tổng quát khá rộng nên ông Bê rất nể.

              Tôi vốn mê đọc sách, thích tìm hiểu và được trời ban cho một trí nhớ khá tốt. Dĩ nhiên, một khi ôm đồm - cái gì cũng đọc, lĩnh vực nào cũng nhảy vào - thì chẳng có cái nào tới nơi tới chốn cả.

              Viết cách khác, kiến thức của tôi chỉ có bề ngang chứ không có chiều sâu, tài nghệ của tôi (đàn địch, hội họa...) chỉ đủ để show-off với những người không biết gì hoặc chỉ hiểu biết chút ít. Nhưng bằng đó thôi cũng đủ để “lòe” thiên hạ.

              Ngoài ra, sự biết hiểu của tôi về tổ chức, nhân sự trong quân chủng Không Quân, cách riêng ở BTL/KQ, càng khiến ông Bê thêm tin tưởng. Sự biết hiểu ấy tôi có được nhờ duy trì liên lạc thường xuyên với bạn bè KQ ở khắp nơi, nhất là những người mang chỉ số 70 (Nhân Viên), 72 (CTCT) thường gần gũi các sếp lớn nên được biết đủ thứ chuyện.

              Còn nguyên nhân xa thì chỉ có thể giải thích tôi và ông Từ Văn Bê... hạp tuổi!

              Việc lần đầu tiên tôi lên trình diện ông với mái tóc khá dài và bộ râu lởm chởm nhưng không bị ông chỉnh đã khiến Đại úy Nhữ Văn Phúc, quyền Trưởng Khối CTCT, cứ phải thắc mắc mãi.

              Việc mỗi sáng Thứ Ba khi tôi đưa biên bản buổi họp đơn vị lên trình ông thường bị ông lưu lại trò chuyện trong khi ông luôn luôn bận rộn đã được Thiếu úy Mười và Ban Văn Thư xem là chuyện lạ.

              Trong những lần tôi bị lưu lại ấy, không phải lúc nào ông cũng nói chuyện công việc trong đơn vị mà nhiều khi nói chuyện linh tinh, từ những ngày ông còn học ở Salon-de-Provence tới thời gian về Biên Hòa nắm Công Xưởng Không Quân qua bao đời tư lệnh Không Quân...

              Về phần tôi, trong khi nể trọng ông Từ Văn Bê vì cấp bậc và chức vụ của ông, tôi rất thẳng thắn trong việc trình bày suy nghĩ, ý kiến của mình cho dù có lúc khiến ông không vui, bực mình.

              Thí dụ điển hình là việc ông Bê và đa số đơn vị trưởng dưới quyền thường đề cao một cách quá đáng và trọng dụng các ông sĩ quan già hoặc hạ sĩ quan kỹ thuật thâm niên, khiến họ “lừng”, xem thường các sĩ quan trưởng phòng, trưởng ban, trưởng xưởng trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm.

              Có lần tôi đã phải gay gắt với ông Bê khi nghe ông đề cập tới “mấy ông sĩ quan trẻ lè phè” trong cuộc nói chuyện điện thoại với một ông đơn vị trưởng. Tôi nói:

              - Xin lỗi Đại tá, nói như Đại tá thì ngày xưa Không Quân cho Đại tá đi Pháp học bằng kỹ sư hàng không để làm gì, cứ sử dụng mấy ông hạ sĩ quan kỹ thuật Rochefort cũng đủ rồi! Các sĩ quan trẻ hiện nay cũng thế, họ học sĩ quan ra không phải để làm thợ máy mà để chỉ huy thợ máy. Mấy ông thượng sĩ già dù cao tay nghề, dù nhiều kinh nghiệm tới đâu cũng không được học về lãnh đạo chỉ huy!

              Tôi không “nổ” mà trên thực tế trong gần ba năm tôi ở BCH/KTTV/KQ tình trạng nói trên đã thay đổi một cách khá tốt đẹp. Nhiều sĩ quan trẻ đã lọt vào mắt xanh của ông Từ Văn Bê, được ông xuống tận xưởng thăm viếng, quan sát công việc, nhớ tên trong các đợt đề nghị thăng cấp đặc cách chức vụ...

              Thí dụ thứ hai là việc tôi hạ bệ được ông “sĩ quan thể thao tự xưng” của đơn vị, người bị ghét nhất trong số các Trưởng Phòng biệt lập tại BCH/KTTV/KQ và cũng là người ghét tôi nhất. Chuyện khá dài dòng.

              Như tôi đã viết ở phần đầu, khuyết điểm (tạm gọi như thế) lớn nhất nơi ông Từ Văn Bê là muốn cho đơn vị của mình được nổi tiếng bằng mọi mọi giá, bằng mọi cách (hợp pháp, dĩ nhiên)!

              Sau lĩnh vực chuyên môn (kỹ thuật, tiếp vận), thể thao được ông Bê chú trọng nhất trong việc tạo tiếng vang cho đơn vị. Khi tôi nhận chức vụ Trưởng Phòng Xã Hội vào cuối năm 1972, trong tủ kính trưng bày cúp trong Thư Viện đã có hàng chục cúp vô địch bóng tròn, bóng rổ, bóng chuyền mà đơn vị đoạt được từ thời còn là Công Xưởng Không Quân (1955-1964), Không Đoàn Kỹ Thuật Tiếp Vận (1964-1970) cho tới khi trở thành Bộ Chỉ Huy KTTV/KQ, trong đó có những cúp vô địch toàn quân.

              Sở dĩ đơn vị đạt được những thành tích ấy là nhờ mời được huấn luyện viên giỏi và cầu thủ đa số là lính kiểng được tuyển từ những đội bóng nổi tiếng.

              Nhưng rồi tới năm 1973, tại CCKQ Biên Hòa cùng với việc ông Tư lệnh SĐ3KQ là Đại tá Huỳnh Bá Tính vinh thăng Chuẩn tướng đội bóng tròn SĐ3KQ cũng được lên hạng Danh Dự, trong khi đội Kỹ Thuật Tiếp Vận vẫn tiếp tục ở hạng A.

              [Sau khi Không Đoàn Kỹ Thuật Tiếp Vận trở thành Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận Không Quân, trong làng bóng tròn người ta vẫn quen miệng gọi là “đội Không Đoàn Kỹ Thuật Tiếp Vận”, hoặc ngắn gọn hơn, “đội Kỹ Thuật Tiếp Vận”]

              Như những người mê bóng tròn ở miền Nam ngày ấy còn nhớ, các đội mạnh nhất trên hạng Danh Dự là Quan Thuế, AJS, Cảnh Sát, và Tổng Tham Mưu, còn đội Bộ Tư Lệnh Không Quân bước sang thập niên 1970 mới tạo được tiếng vang, vì thế việc quân chủng Không Quân có thêm một đội banh (SĐ3KQ) được lên hạng Danh Dự phải là một tin lớn.

              Nhưng trong khi bên SĐ3KQ ăn mừng thì tại BCH/KTTV/KQ, ông Đại tá Chỉ huy trưởng rầu thúi ruột. Rầu vì ông tự biết đội Kỹ Thuật Tiếp Vận sẽ không bao giờ lên được hạng Danh Dự vì nhân tài vật lực có giới hạn.

              Vào thời gian này, đội Kỹ Thuật Tiếp Vận không có huấn luyện viên toàn thời mà chỉ có một huấn luyện viên bán thời là cựu thủ môn Phạm Văn Rạng nổi tiếng một thời, lúc đó đã từ giã sân cỏ để sống đời công chức.

              Thường thường cứ mỗi sáng Chủ Nhật, đơn vị lại cho một chiếc xe Jeep về Sài Gòn đón anh Rạng lên Biên Hòa để hướng dẫn các cầu thủ đội Kỹ Thuật Tiếp Vận.

              Mặc dù ngoài tài thủ thành Phạm Văn Rạng còn có khả năng đá ở mọi vị trí nhưng vì tài nghệ của các cầu thủ Kỹ Thuật Tiếp Vận chỉ tới mức đó, “đội nhà” vẫn chỉ là một đội hạng A.

              Vì thế, theo sự cố vấn của ông X, một vị đại úy mới lên thiếu tá giữ chức Trưởng Phòng... được xem như “sĩ quan thể thao” không chính thức của đơn vị, ông Từ Văn Bê dồn mọi nỗ lực đầu tư vào bộ môn bóng rổ.

              Xin có đôi dòng về Thiếu tá X. Với đàn bà con gái chuộng vật chất bề ngoài, ông X là một người đàn ông lý tưởng: cao lớn, đẹp trai như kép cải lương, chạy xế hộp, miệng ngon ngọt, mắt đa tình...

              Ông X không chơi một môn thể thao nào nhưng giao thiệp rộng, quen biết các ông bầu ở Sài Gòn nên rất có điểm với ông Từ Văn Bê.

              Về cuộc sống cá nhân của ông X, tôi chỉ được nghe người khác kể lại, theo đó ông là một tay chơi có hạng, thường cặp với phụ nữ giàu có để lấy tiền bao gái trẻ. Vào thời gian tôi về Biên Hòa nghe nói ông đang chung sống với một bà chủ động hạng sang ở hẻm 60 đường Yên Đỗ, Sài Gòn; chiếc xe Mazda 1200 mà ông lái lên Biên Hòa mỗi ngày là của bà ta.

              Ngoài những lời kể lại nói trên, chi tiết duy nhất tôi được biết chắc chắn là việc ông X thường chở gái sở Mỹ trong phi trường về cư xá sĩ quan độc thân để... ngủ trưa. (Chú thích 2)

              Vì thế sĩ quan các cấp tá tại BCH/KTTV/KQ hầu như không ai giao du với Thiếu tá X, ngược lại ông X cũng không muốn “hạ mình” kết thân với bất cứ ai.

              Trở lại với đội bóng rổ của BCH/KTTV/KQ, nhờ Thiếu tá X móc nối với các ông bầu ở sân Tinh Võ, tìm cách mánh mung đưa các tuyển thủ gốc Hoa tới tuổi quân dịch vào Không Quân làm lính kiểng ở BCH/KTTV/KQ, qua năm 1974 cùng với việc ông Chỉ huy trưởng được lên tướng, đã đoạt chức vô địch toàn quốc, được Không Lực Trung Hoa Dân Quốc mời sang Đài Loan đấu giao hữu.

              Khỏi nói, ông Từ Văn Bê vô cùng sung sướng, hãnh diện, về phần Thiếu tá X càng có điểm với ông Chỉ huy trưởng, càng vênh váo với mọi người.

              Nhưng xui cho Thiếu tá X (và hên cho tôi), mấy ngày sau khi đội bóng rổ trở về từ Đài Bắc, ông ta lấy cái xế Mazda của mình chở ông Từ Văn Bê tới sân bóng rổ thăm đội bóng, đi ngang qua Phòng Xã Hội và bị tôi... bắt gặp quả tang!

              Nguyên sau khi các cơ sở của BCH/KTTV/KQ di chuyển sang khu Đông vào cuối năm 1972, vẫn còn một vài phần sở tiếp tục ở lại khu Tây trong đó có Phòng... của Thiếu tá X, còn Phòng Xã Hội của tôi thì tiếp nhận hồ tắm, phòng tập thể dục và văn phòng do người Mỹ bàn giao nằm ngay ngã ba đi tới Phòng... của Thiếu tá X, xe cộ tới đây phải dừng lại ở bảng STOP cho nên tôi mới vô tình nhìn qua cửa sổ kính thấy rõ mồn một ông Từ Văn Bê ngồi trên xe của ông X, tươi cười trò chuyện.

              Chiếc Mazda của ông X là xe dân sự không được gắn bảng được phép chạy ngoài taxiway (song song hoặc tiếp nối với các phi đạo) cho nên khi chở ông Từ Văn Bê từ khu Đông sang khu Tây, bắt buộc phải sử dụng đường vòng đi ngang qua cổng 1, cổng 2 và nhiều cơ sở ở khu Tây, suy ra đã có không ít người nhìn thấy ông ngồi trên chiếc Mazda này!

              Tới sáng Thứ Ba, tôi lên phòng ông Từ Văn Bê trình biên bản buổi họp như thường lệ. Xong xuôi, tôi làm bộ dè dặt hỏi ông:

              - Thưa Chuẩn tướng, tuần rồi lính của tôi nói họ thấy Chuẩn tướng ngồi xe hơi của Thiếu tá X sang khu Tây đi ngang Phòng Xã Hội, không biết có thiệt hay họ nhìn lộn?

              Tình ngay, ông Từ Văn Bê đáp:

              - Đúng đó, ông X chở tôi sang khu Tây thăm anh em cầu thủ bóng rổ đang tập dợt, họ mới đoạt giải mình cũng phải tỏ ra quan tâm một chút cho họ lên tinh thần chớ.

              - Dạ, Chuẩn tướng qua thăm anh em cầu thủ là đúng rồi. Bạn tôi ở BTL/KQ kể mới đây sau khi đoàn Thái Cực Đạo của Không Quân đoạt giải vô địch toàn quốc, họ cũng được Trung tướng Trần Văn Minh tới võ đường khen thưởng, trò chuyện thân mật
              chụp hình lưu niệm. Nhưng có điều không ổn là Chuẩn tướng...

              Nói tới đây tối cố tình ngập ngừng khiến ông Bê sốt ruột:


              - Cái gì không ổn, ông râu nói nghe coi!

              - Thưa Chuẩn tướng, đúng lý ra bữa đó Chuẩn tướng phải đi xe Jeep của mình chứ không nên ngồi trên xe hơi của Thiếu tá X, không official một chút nào cả!


              Ông Từ Văn Bê cự lại:

              - Sao anh khó quá vậy? Đi xe Jeep hay đi xe hơi của ông X thì tôi cũng là Chỉ huy trưởng đơn vị mà!

              Tôi lắc đầu, trả lời:

              - Tôi đồng ý Chuẩn tướng vẫn là Chỉ huy trưởng, nhưng người trong đơn vị mà nhìn thấy Chuẩn tướng ngồi trên chiếc Mazda của Thiếu tá X chắc chắn họ sẽ bàn tán!

              - Bàn tán về cái gì?

              Tôi liền kể cho ông Bê nghe những lời đồn trong đơn vị về cuộc sống cá nhân của Thiếu tá X, trong đó có việc chủ nhân của chiếc Mazda 1200 là một bà chủ động “poules de luxe” nổi tiếng ở Sài Gòn.

              Mục đích của tôi là tố khổ Thiếu tá X nhưng để đề phòng việc ông Bê có thể cho tôi là người lắm chuyện, tôi làm ra vẻ khách quan:

              - Thưa Chuẩn tướng, tôi quan niệm đời tư của mỗi người cần được tôn trọng. Những tin đồn về cuộc sống cá nhân Thiếu tá X dù có thật tôi cũng nghe rồi bỏ qua, nhưng còn dư luận trong đơn vị, tôi tin chắc nếu họ thấy Chuẩn tướng ngồi trên chiếc Mazda đó với Thiếu tá X họ sẽ bàn tán xôn xao, không có lợi cho Chuẩn tướng. Tôi nói không ổn là vì vậy!

              Nghe tôi trình bày, ông Từ Văn Bê càng lúc càng lộ vẻ ưu tư; có lẽ ông đang ân hận về sự thiếu suy nghĩ của mình. Phần tôi, vừa cảm thấy ái ngại cho vị chỉ huy trưởng chỉ muốn cho đơn vị mình được nổi tiếng, vừa hả dạ khi nhớ lại thái độ hách dịch của Thiếu tá X trong những lần tôi xuống văn phòng của ông ta để xin ký vào biên bản buổi họp.

              (Còn tiếp)

              CHÚ THÍCH:

              (1) Gần đây qua trao đổi trên Facebook, tôi được xem photocopy Giấy Phép Để Râu của một quân nhân thuộc SĐ4KQ do Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần ký, trong đó có ghi tham chiếu một SVVT của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH ban hành năm 1968.

              Theo suy nghĩ của tôi, xét tới nơi tới chốn, SVVT này mới có giá trị vì do Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH ban hành năm 1968, tức là khi “Quân Đội VNCH” đã cải danh thành “Quân Lực VNCH” . Còn SVVT do Đại tướng Lê Văn Tỵ ký năm 1957 chỉ có giá trị vào thời còn là “Quân Đội VNCH”.

              Theo sự đoán mò của tôi, rất có thể SVVT (1968) khi được Phòng Nhân Viên BTL/KQ sao gửi tới các đơn vị, ông Từ Văn Bê không chịu đọc kỹ nên mới cho đó là “mấy cái văn thư tầm bậy tầm bạ của Không Quân” và không chỉ thị Phòng Nhân Viên BCH/KTTV/KQ lưu giữ.

              (2) Theo hồi ký của tác giả tranbienman, một thổ địa ở vùng Tân Định, thì cái động chị em ta “cao cấp” này nằm ngoài mặt đường Yên Đỗ, bên cạnh lối vào hẻm 60, chứ không phải nằm trong con hẻm nổi tiếng này. Trước 1975, tôi chỉ nghe kể lại chứ chưa đi “thăm em cho biết sự tình” bao giờ nên không biết đích xác.

              Về phần Thiếu tá X, sau năm 1975 bị đi “học tập cải tạo” ở trại tù Suối Máu (Tân Hiệp, Biên Hòa) đã cho thấy thời buổi nào ông ta cũng được trọng dụng nhờ tài quyền biến, mánh mung: ông được Ban chỉ huy trại (bộ đội) đưa lên làm việc tại Ban Hậu Cần, nơi cung cấp lương thực thực phẩm cho tù cải tạo (và bớt xén, tẩu tán đem đi bán cho dân chúng).

              Năm 1978, khi tôi bị đưa từ Phước Long về Suối Máu, thấy ông X sáng sáng mặc một bộ pyjamas đi lên hậu cần với vẻ mặt dương dương tự đắc. Có 4, 5 ông thiếu tá của BCH/KTTV/KQ ở cùng K (phân trại) với ông X nhưng, cũng giống trước năm 1975, không ai chơi với ông ta và ông ta cũng không chơi với ai; bánh quà thăm nuôi ăn không kịp, ông ta dục hố rác chứ không cho ai.
              Last edited by Nguyen Huu Thien; 12-20-2024, 09:47 PM.

              Comment

              • Nguyen Huu Thien
                Moderator

                • Jul 2014
                • 1125

                #8
                BUỒN VUI ĐỜI LÍNH VĂN PHÒNG (phần 2)
                Hồi ký


                Nguyễn Hữu Thiện


                “Kỹ Thuật Tiếp Vận là ta”

                (Tiếp theo)

                Sau lần bị tôi “mần” về việc ngồi xe Mazda của Thiếu tá X, ông Từ Văn Bê vừa có vẻ nể nang tôi hơn nhưng đồng thời cũng bớt vui vẻ với tôi. Tôi biết được điều này vì trong khoảng thời gian mấy tháng trời ông không bao giờ gọi tôi là “ông râu” nữa mà gọi bằng cấp bậc, hoặc anh.

                Tôi rất hiểu và thông cảm với ông vì ông vừa bị “quê” với tôi vừa không thể tiếp tục sử dụng Thiếu tá X như một vị sĩ quan thể thao của đơn vị nữa.

                Tôi không buồn mà cũng chẳng cảm thấy áy náy bởi vì trước sau tôi cũng phải tìm cách cho ông nhận ra cái sai của ông trong việc “mua danh” cho đơn vị trong lĩnh vực thể thao bằng mọi giá, bằng mọi cách, kể cả việc trọng dụng một người thiếu tư cách như Thiếu tá X.

                * * *

                Đúng vào khoảng thời gian này, Đại úy Vũ Duy Ty, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến và cũng là sĩ quan đặc trách Hướng đạo sinh Quân đội tại BCH/KTTV/KQ, rủ tôi tới thăm một khóa hội thảo dành cho các trưởng Hướng đạo sinh Quân đội (HĐSQĐ) tổ chức trong căn cứ Long Bình.

                Được biết phong trào HĐSQĐ do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị phát động vào năm 1967 và tới giữa năm 1969 chính thức ra mắt ở một bãi tập của Trường Bộ Binh Thủ Đức, dưới sự chủ tọa của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu (vốn là bạn cùng Khóa 1 Sĩ Quan Hiện Dịch của Trung tướng Trần Văn Trung, Tổng cục trưởng Tổng Cục CTCT).

                Khi tôi thuyên chuyển từ Pleiku về Biên Hòa vào giữa năm 1972, phong trào HĐSQĐ đã lớn mạnh, chỉ tính các bộ chỉ huy quân binh chủng đồn trú ở Sai Gòn và vùng phụ cận đã có trên một chục đoàn HĐSQĐ, trong đó BCH/KTTV/KQ được ghi nhận là một trong những đoàn đông nhất.

                Được như thế là nhờ có một số quân nhân trong đơn vị xuất thân từ Hướng Đạo Việt Nam ở Biên Hòa (đạo Bửu long, nếu tôi nhớ không lầm) đã hy sinh thời giờ, công sức vào mỗi cuối tuần để sinh hoạt với các em.

                Tuy đông nhưng lại không mạnh bằng HĐSQĐ của Trường Bộ Binh Thủ Đức, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Cục Quân Cụ... là những đơn vị được thành lập ngay từ những ngày đầu và được cấp chỉ huy quan tâm hỗ trợ.

                Khi cùng với Đại úy Vũ Duy Ty tới thăm viếng, quan sát khóa hội thảo của các trưởng HĐSQĐ ở Long Bình và tiếp xúc với các sĩ quan CTCT của các đơn vị bạn, tôi được biết những quan tâm, hỗ trợ cụ thể nhất là (1) các quân nhân xuất thân Hướng Đạo Việt Nam được biệt phái dài hạn về Khối CTCT để phụ trách HĐSQĐ, (2) yểm trợ phương tiện di chuyển, tài chánh để tham dự các trại HĐSQĐ do Tổng Cục CTCT tổ chức.

                Trong thời gian thăm khóa hội thảo, chúng tôi còn thấy các sĩ quan cao cấp của các đơn vị tới thăm và được các phóng viên quân đội phỏng vấn để làm phóng sự trên các phương tiện truyền thông của Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục CTCT.

                Chứng kiến những diễn tiến này, tôi liên tưởng tới ông sếp lớn của mình và những thành tích thể thao đơn vị đạt được, rồi tự hỏi đã có mấy lần đội tuyển của đơn vị được “lên báo”? Kể cả trong trường hợp không cần “lên báo” để chỉ nói tới phúc lợi cho con em quân nhân trong đơn vị thì giữa đội ngũ HĐSQĐ và các đội tuyển bóng tròn, bóng rổ bên nào mang lại nhiều lợi ích hơn?

                Tôi đem việc này ra bàn bạc với Đại úy Vũ Duy Ty và hai anh em đi tới kết luận phải đốc thúc ông Từ Văn Bê quan tâm hơn tới sinh hoạt HĐSQĐ trong đơn vị, trước mắt là thuyết phục ông tới thăm các trưởng HĐSQĐ ở Long Bình. Nếu ông đồng ý đi, tôi và anh Ty sẽ liên lạc với các phóng viên quân đội hẹn giờ giấc để họ tới phỏng vấn và chụp hình.

                Ngày Thứ Ba kế tiếp, sau khi lên văn phòng chỉ huy trưởng trình biên bản buổi họp hàng tuần như thường lệ, tôi vào đề một cách gián tiếp, kể cho ông Từ Văn Bê nghe việc tôi cùng Đại úy Vũ Duy Ty vào thăm khóa hội thảo của HĐSQĐ trong căn cứ Long Bình; và ở đó tôi được thấy một số cấp chỉ huy các đơn vị quân đội tới thăm để khích lệ tinh thần các trưởng tham dự, và được các phóng viên quân đội phỏng vấn, chụp hình...

                Tôi cũng cho ông biết khóa hội thảo này là để chuẩn bị cho kỳ họp bạn toàn quốc sắp được tổ chức tại một vùng phụ cận thủ đô Sài Gòn, hy vọng HĐSQĐ của BCH/KTTV/KQ nếu không tạo được tiếng vang thì cũng học hỏi được kinh nghiệm từ các đơn vị mạnh như HĐSQĐ Trường Bộ Binh Thủ Đức, Cục Quân Cụ, Hải Quân...

                Trong lúc trình bày, tôi cố tình nhấn mạnh tới HĐSQĐ của Hải Quân để khơi động “lòng tự ái quân chủng” nơi ông sếp lớn của mình, bởi tôi biết ông luôn luôn hãnh diện “cái gì Không Quân cũng hơn Hải Quân”, chẳng hạn trong khi Công Xưởng Không Quân của ông trở thành Không Đoàn Kỹ Thuật Tiếp Vận rồi Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận Không Quân thì Hải Quân Công Xưởng trước sau vẫn chỉ là... Hải Quân Công Xưởng, tức cái hãng Ba Son từ thời tây để lại. (Thành thật xin lỗi độc giả và bạn bè bên Hải Quân, đây là suy nghĩ của ông Từ Văn Bê, không phải của tôi)

                Dù ông Từ Văn Bê không bao giờ nói thẳng ra nhưng tôi biết ông tin rằng vị Giám đốc Hải Quân Công Xưởng, một người khá thân thiết với ông là Đại tá Nguyễn Văn Lịch, xuất thân Khóa 1 Hải Quân Nha Trang (cùng khóa với Đề đốc Trần Văn Chơn), sở dĩ không lên tướng được vì chức vụ của ông chỉ là một Giám đốc.

                Khoảng 15 phút sau, không cần đợi tôi mở lời, ông Từ Văn Bê hỏi:

                - Khi nào mấy anh vô Long Bình nữa?

                - Thưa Chuẩn tướng sáng Thứ Bảy này.

                * * *

                Thế rồi vào sáng Thứ Bảy đẹp trời ấy, Chuẩn tướng Từ Văn Bê được Đại úy Vũ Duy Ty và tôi đưa vào thăm các trưởng HĐSQĐ trong Long Bình, được các sĩ quan của Tổng Cục CTCT tiếp đón, hướng dẫn, và dĩ nhiên được phóng viên quân đội phỏng vấn, chụp hình.

                Một chi tiết bên lề cần ghi ra là bên lục quân, các binh sĩ và hạ sĩ quan hầu như không ai sử dụng chữ “chuẩn” khi xưng hô với các sĩ quan cấp chuẩn úy, mà gọi là thiếu úy; có lẽ vì thông lệ (không xài chữ "chuẩn") đó mà khi xưng hô với Chuẩn tướng Từ Văn Bê, các phóng viên quân đội cứ một điều Thiếu tướng hai điều Thiếu tướng. Lúc đầu tôi và anh Vũ Duy Ty thấy nó... kỳ kỳ, một hồi mới quen tai.


                * * *

                Sau ngày ấy, “Thiếu tướng” Từ Văn Bê bắt đầu quan tâm hết mình tới sinh họat của HĐSQĐ trong đơn vị. Ông ra lệnh biệt phái dài hạn các quân nhân gốc trưởng Hướng Đạo Việt Nam đang phục vụ ở các xưởng về Khối CTCT; mỗi sáng Chủ Nhật ông thường tới dự lễ chào cờ của các em và ở lại thăm hỏi. Dĩ nhiên luôn luôn có tôi và anh Vũ Duy Ty tháp tùng (cũng may mà thời gian này tôi đã xin được nhà trong cư xá sĩ quan).

                Sự quan tâm, ưu ái của ông Chỉ huy trưởng đã tác động mạnh mẽ tới tinh thần của các trưởng nói riêng, phong trào HĐSQĐ tại BCH/KTTV/KQ nói chung.

                Kết quả, mấy tháng sau, tại trại HĐSQĐ toàn quốc tổ chức ở Linh Xuân Thôn, Thủ Đức, HĐSQĐ của BCH/KTTV/KQ đã đoạt giải nhất về dựng cổng chào, được hân hạnh đón tiếp Tổng thống VNCH và Trung tướng Tổng cục trưởng Tổng Cục CTCT.

                Hình chụp cổng chào của HĐSQĐ BCH/KTTV/KQ sau đó đã được sử dụng làm hình bìa nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa. (Cách đây mấy chục năm tại hải ngoại, tôi đã được thấy tấm hình bìa nói trên được phổ biến trên Internet nhưng rất tiếc sau đó không thể tìm lại được).


                Tùy viên bất đắc dĩ

                Nhưng không cần đợi tới lúc cổng chào của HĐSQĐ BCH/KTTV/KQ đoạt giải nhất và được sử dụng làm hình bìa nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa mà trước đó, ngay sau khi ông Từ Văn Bê đi thăm các trưởng HĐSQĐ ở Long Bình, cuộc “chiến tranh lạnh” giữa vị Chuẩn tướng Chỉ huy trưởng và ông Trung úy Trưởng Phòng Xã Hội đã chấm dứt. Chẳng những thế, khi cần thiết tôi còn bị ông Bê bắt tháp tùng ông đi đây đó như một sĩ quan tùy viên.

                Cũng xin được viết thêm, sau khi lên Chuẩn tướng, ngoài lá cờ 1 sao trên bàn làm việc, ông Từ Văn Bê không áp dụng bất cứ thay đổi hình thức nào dành cho một cấp tướng: không có Chánh văn phòng (Đại úy Thưởng vẫn chỉ là Trưởng Ban Văn Thư), không có sĩ quan tùy viên, không có tài xế riêng cho gia đình, v.v...

                Việc tôi phải tháp tùng ông đi đây đó thực ra đã có từ ngày ông còn mang lon Đại tá, tuy nhiên khi ấy nếu có ai để ý thì cũng xem tôi là một sĩ quan CTCT tháp tùng ông chỉ huy trưởng vậy thôi (như thường xảy ra ở các nơi khác) nhưng sau khi ông lên tướng thì lại khác, người ta sẽ nghĩ tôi là sĩ quan tùy viên của ông.

                Chữ “tùy viên” trong tiếng Anh được gọi một cách trân trọng gọi là “aide “ (từ chữ aide-de-camp trong tiếng Pháp) nhưng trong tiếng Việt lại bị hiểu là người xách cặp. Tôi không muốn “xách cặp” cho ai cả!

                Bên cạnh đó, tôi còn không muốn để ông Trưởng Khối CTCT nghĩ rằng tôi là “người của ông chỉ huy trưởng”.

                Đây là một điều hết sức tế nhị; ngày chúng tôi từ Thủ Đức về trình diện BTL/KQ để bốc thăm đi đơn vị, trong số 19 thăm có một cái ghi “Sĩ Quan CTCT tại Văn phòng Tham mưu trưởng KQ”, nghĩa là người bốc được cái thăm đó sẽ trực thuộc văn phòng của Đại tá (sau lên Chuẩn tướng) Tham mưu trưởng Võ Dinh, chứ không nằm dưới quyền xài xể của Đại tá Đinh Văn Chung, Tham mưu phó CTCT. Nhưng trường hợp của tôi thì khác, thuộc quân số của Khối CTCT nhưng (đôi khi) làm việc trực tiếp với ông chỉ huy trưởng, tức là có thể bị ông Trưởng Khối CTCT nghĩ là “qua mặt” ông.

                Cho dù ông Từ Văn Bê là người trọng nguyên tắc và rất tế nhị, mọi chỉ thị cho tôi đều thông qua ông Trưởng Khối CTCT, tôi cũng hiểu được rằng trong bụng ông sếp trực tiếp của tôi cũng không vui vẻ gì khi thấy một sĩ quan dưới quyền mình lại được ông sếp lớn trọng dụng. Và đó cũng là nguyên nhân khiến một số ông chỉ huy trưởng trong đơn vị không ưa tôi (trong khi phần lớn cấp chỉ huy trung gian – liên đoàn trưởng, trưởng khối, trưởng phòng – đều quý mến tôi bởi các ông hiểu tôi, biết tôi chỉ nói tốt cho các ông chứ không bao giờ đâm thọc).

                Vì thế, chẳng đặng đừng tôi mới đi theo ông Từ Văn Bê đi đây đi đó, số lần không quá năm đầu ngón tay nên tôi còn nhớ rất rõ, xin kể lại ba lần quan trọng nhất:

                (1) Về Tân Sơn Nhứt phúng điếu Nhạc phụ của Chuẩn tướng Võ Dinh. Ông Bê lấy lý do nhà vợ ông Võ Dinh là người Công Giáo, ông không biết cách thức phúng điếu, chia buồn ra sao nên cần có tôi (là người Công Giáo) đi theo.

                Hôm đó là ngày Chủ Nhật, sau khi phúng điếu người tài xế chở ông Bê và tôi về nhà ông ở đường Nguyễn Tri Phương; và ông Bê nói chúng tôi ở lại ăn cơm trưa trước khi (hai người chúng tôi) trở lại Biên Hòa.

                Đây là lần đầu tiên và duy nhất tôi tới tư gia của ông chỉ huy trưởng.

                (2) Về Tân Sơn Nhứt tham sự buổi kỷ niệm Ngày Không Lực năm 1973. Nguyên vào năm ấy, tiếp theo Ngày Quân Lực 19/6 được tổ chức trọng thể với cuộc duyệt binh vĩ đại trên đại lộ Trần Hưng Đạo và cuộc triển lãm quy mô về QLVNCH tại công viên Tao Đàn kéo dài hai tuần lễ, các quân binh chủng đã có những buổi lễ trao gắn huy chương cho các đơn vị hữu công.

                Riêng quân chủng Không Quân đã nhân dịp này tổ chức Ngày Không Lực 1 tháng 7 một cách trọng thể tại CCKQ Tân Sơn Nhứt, trong đó có phần tuyên dương công trạng 9 đại đơn vị, gồm 6 Sư Đoàn, TTHLKQ, BCH/HQKQ, BCH/KTTV/KQ, và gắn huy chương cho 9 ông sếp lớn. Vì thế đích thân các ông phải về tham dự.

                Theo chương trình buổi lễ, trước phần gắn huy chương, 9 ông sếp lớn sẽ rời khán đài, xếp thành một hàng dọc phía bên phải khán đài rồi đi tới đứng trước hiệu kỳ của đơn vị mình, đối diện với khán đài. Sau khi Trung tướng Tư lệnh KQ gắn huy chương cho các ông xong và trở về khán đài, các ông sẽ đi hàng một trở về vị trí cũ rồi mới trở lại chỗ ngồi của mình.

                Công việc đi đứng nói trên, với một sĩ quan mới ra trường 4, 5 năm như tôi chỉ cần nghe “briefing” 5 phút là xong ngay, nhưng với một ông chuẩn tướng hay đại tá đã rời quân trường trên dưới 20 năm thì... không bảo đảm, vì thế trước đó mấy ngày, các đơn vị phải cử người đại diện ông sếp lớn về TSN tập dợt, sau đó trở về đơn vị dợt lại cho sếp.

                Khoảng thời gian này tôi đang phụ trách gian hàng triển lãm của Không Quân trong công viên Tao Đàn cho nên được lệnh ông Trưởng Khối CTCT tạm thời giao gian hàng cho mấy ông hạ sĩ quan kỹ thuật để vào TSN đóng vai ông Từ Văn Bê tập dợt. Nhưng cho dù tôi không có mặt ở Sài Gòn mà đang ở Biên Hòa chắc chắn cũng sẽ bị chỉ định nhận lãnh công việc mà đúng lý ra là của một sĩ quan mang chỉ số 70 (Nhân viên) thuộc Phòng Tổng Quản Trị!

                Xui cho ông Từ Văn Bê (lúc đó còn mang lon Đại tá) là trong danh sách 9 đại đơn vị, BCH/KTTV/KQ đứng sau cùng cho nên khi xếp hàng một phía bên phải khán đài ông là người đứng cuối hàng, có bổn phận hô các khẩu lệnh “trước bước, bên trái quay, chào tay...”, gắn huy chương xong lại phải hô “chào tay, bên trái quay, trước bước...”.

                Sau khi vào TSN đóng vai ông Từ Văn Bê để tập dợt, tôi trở về Biên Hòa để dợt cho ông sếp lớn. Kết quả, ông Bê đã không làm tôi phải thất vọng: tuy xuất thân Trường Võ Bị Không Quân Pháp, ổng lĩnh hội mau chóng cách hô các khẩu lệnh bằng tiếng Việt - trước bước, bên trái quay, chào tay... chào, v.v... - cho nên tôi chỉ lo ổng lẫn lộn thứ tự hô cái nào trước, cái nào sau.

                Vì thế để cho chắc ăn, sau khi tập dợt tôi đã ghi tóm tắt trên giấy để ông ôn lại trước buổi lễ: trước tiên hô “trước bước... một hai ba bốn...”, tới vị trí trước cờ của BCH/KTTV/KQ thì dừng lại, hô “bên trái... quay” rồi “chào tay... chào”. Sau khi Trung tướng Tư lệnh KQ gắn huy chương xong và trở về khán đài thì hô “chào tay... chào” rồi “bên trái... quay”, “trước bước... một hai ba bốn...” để trở về điểm xuất phát.

                Lúc đầu, trong buổi tập dợt tại TSN, ông sĩ quan nghi lễ của BTL/KQ còn bắt tôi (thủ vai ông Từ Văn Bê) hô “đứng lại... đứng” nhưng hầu hết các sĩ quan đang thủ vai đơn vị trưởng đã lắc đầu ngao ngán, cho rằng thà cứ để mấy ổng khi nào đi tới trước lá cờ của đơn vị mình thì tự động đứng lại, còn hơn là dậm chân tại chỗ cho tới khi nghe ông Bê hô “đứng lại... đứng” chắc chắn các ông sẽ quờ quạng, lộn xộn, nhìn vào chẳng giống ai!

                Tới ngày 1 tháng 7, tôi vào TSN khá sớm vì đã hẹn ông Từ Văn Bê cho ông “thực tập” trước buổi lễ. Sau đó, khi các ông đơn vị trưởng còn lại đã tới đông đủ, Chuẩn tướng Phan Phụng Tiên, Tư lệnh SĐ5KQ, với tư cách “chủ nhà” đã yêu cầu vị sĩ quan phụ trách chương trình buổi lễ cho tất cả các ông sếp lớn “tổng dợt” cho chắc ăn.

                Lần đầu, bốn ông Chuẩn tướng - Oánh, Lượng, Tính, Tiên - và bốn ông Đại tá - Khánh, Sang, Ước, Tần – đi đứng không giống ai có lẽ vì ông Từ Văn Bê... mắc cở không dám hô lớn, trong khi các ông khác thì cười đùa một cách thích thú vì sau bao năm mới có dịp ôn lại cơ bản thao diễn!

                Nhưng cuối cùng, trong buổi lễ mọi việc đã diễn ra tốt đẹp ngoài sự mong đợi của mọi người, mà nguyên nhân chính theo tôi là khung cảnh trang nghiêm, tiếng quân nhạc hùng tráng đã khiến các ông thêm phấn chấn, (ông Bê) hô dõng dạc hơn, chân bước mạnh dạn hơn... (Chú thích 1)

                (3) Phúng điếu Nhạc phụ (?) TT Nguyễn Văn Thiệu.

                Khoảng giữa năm 1974, ít lâu sau khi ông Từ Văn Bê lên Chuẩn tướng, nhạc phụ của TT Nguyễn Văn Thiệu (hay nhạc mẫu, tôi nhớ không rõ) qua đời tại Mỹ Tho.

                Vì sĩ quan cấp tướng do Tổng thống ký quyết định thăng cấp nên, như một thông lệ, khi gia đình tổng thống có tang ma, các tướng lãnh đều phải phân ưu dưới hình thức này hay hình thức khác.

                Tôi không được biết có bao nhiêu vị tướng Không Quân phân ưu với TT Thiệu trong dịp này, chỉ biết có một phái đoàn của Bộ Tư Lệnh Không Quân do Trung tướng Trần Văn Minh cầm đầu về tận Mỹ Tho để phúng điếu, hai ông Huỳnh Bá Tính và Từ Văn Bê từ Biên Hòa về Tân Sơn Nhứt để cùng đi trên một chiếc trực thăng UH-1.

                Tôi không hiểu vì ông Từ Văn Bê muốn “lấy điểm” với BTL/KQ hay vì bị “bán cái” mà BCH/KTTV/KQ lãnh trách nhiệm đặt ba vòng cườm, một cho BTL/KQ, một cho SĐ3KQ, một cho BCH/KTTV/KQ, và đưa về Mỹ Tho bằng đường bộ trước khi trực thăng đáp.

                Khỏi nói, tôi là người lãnh đủ. Ngày hôm trước, tôi phải ra phố Biên Hòa đặt ba vòng cườm với giá không quá 5000 đồng mỗi vòng (tức là cỡ trung bình, vì ông Bê nổi tiếng là keo). Sáng sớm hôm, một chiếc microbus (của hãng Ford do Không Quân Mỹ bàn giao) từ Đoàn Quân Xa lên Phòng Xã Hội đón tôi và Trung sĩ I Đ, một người gốc Mỹ Tho, thêm một binh sĩ dưới quyền ra phố Biên Hòa lấy vòng cườm rồi trực chỉ Mỹ Tho.

                Theo chương trình đã được BTL/KQ thông báo, 11 giờ sáng TT Thiệu sẽ (đi trực thăng) về tới Mỹ Tho để thọ tang và tiếp khách phúng điếu; vì thế trực thăng của BTL/KQ sẽ đáp lúc 10 giờ 30.

                Khi chúng tôi tới Mỹ Tho, hỏi đường tới nhà bà Tổng thống, một biệt thự gần bờ sông, thì mới khoảng 9 giờ 30. Đường bị đóng nhưng nhờ sự vụ lệnh ”Phúng điếu Nhạc phụ Tổng thống VNCH” xe của chúng tôi được chạy vào tận nơi, chỉ cách cổng khoảng 50m.

                Biệt thự của nhà vợ TT Thiệu không lớn lắm nhưng có sân, vườn hoa khá rộng lại nằm ở ngã ba cho nên có hai mặt vườn để làm chỗ treo các vòng cườm bên trong hàng rào.

                Từ cổng tới cửa ra vào cất một cái rạp lớn có bàn ghế tươm tất, có nhân viên phục vụ giải khát, làm chỗ chờ đợi, trò truyện cho khách viếng tang. Tại cửa ra vào có hai người lính Tổng thống phủ mặc lễ phục trắng đứng gác và một số khác đi lại trong sân.

                Sau khi tôi cho vị sĩ quan cấp tá của Tổng thống phủ
                đứng ở cổng biệt thự biết đây là các vòng hoa của phái đoàn Không Quân, ông ta cho lính Tổng thống phủ đưa vào treo bên trong hàng rào đồng thời cho tôi biết thứ tự vào phúng điếu của phái đoàn Không Quân là thứ 9, sau phái đoàn của Bộ Tổng Tham Mưu và Hải Quân. Sau này tôi đoán mò sở dĩ Đề đốc Trần Văn Chơn mang lon thua Trung tướng Trần Văn Minh một sao nhưng Hải Quân được vào trước là vì ông Chơn lớn tuổi hơn ông Minh tới 12 con giáp!

                Sau khi trao vòng cườm, tôi cho người tài xế đậu xe cách đó khoảng 100m và cho Trung sĩ I Đông và người lính của tôi được tự do cho tới 11 giờ rưỡi, còn tôi thì ngồi ở một quán nước lộ thiên phía trước biệt thự để theo dõi các diễn tiến và chờ phái đoàn Không Quân. Nhìn một vòng, tôi thấy lúc này hầu như khách của quán đều là nhân viên an ninh chìm nổi, các sĩ quan tùy tùng, và phóng viên báo chí.

                Khoảng 10 giờ, có một toán sĩ quan hải quân cấp úy mặc quân phục tiểu lễ được đưa tới, 6 người đứng thành hai hàng trước lối vào biệt thự để chờ chào đón vị tư lệnh của họ, những người còn lại có lẽ để luôn phiên.

                Chứng kiến cảnh này tôi mới thấy Không Quân vốn đã... lè phè, so sánh với Hải Quân vốn là quân chủng có truyền thống quốc tế lại càng lè phè hơn: tất cả “lực lượng” chào đón phái đoàn tướng lãnh của BTL/KQ chỉ vỏn vẹn một ông trung úy ngồi gác chân phì phèo điếu thuốc ngoài quán cóc!


                * * *

                Khoảng 10 giờ 30, trực thăng của Không Quân đáp ở bãi đáp gần bờ sông, cách biệt thự hơn 100m, cũng là bãi đáp trực thăng riêng của Tổng thống Thiệu. Khi phái đoàn được hướng dẫn tới biệt thự, tôi đi vào cổng để chào đón thì thấy Đề đốc Trần Văn Chơn cùng đi với các tướng Không Quân; sau này mới biết ông Tư lệnh Không Quân chơi đẹp, mời ông Tư lệnh Hải Quân đi chung trực thăng.




                Từ phải: Trung tướng Trần Văn Minh, Đề đốc Trần Văn Chơn, và một vị Thiếu tướng Mỹ trong một buổi tiếp tân

                Các tướng lãnh Không Quân mặc quân phục ka-ki vàng ngắn tay, Đề đốc Trần Văn Chơn mặc bộ tiểu lễ.

                Khi thấy một vị sĩ quan Hải Quân cấp tá đứng chờ sẵn trước cổng để nghênh đón vị tư lệnh của mình, các tướng lãnh Không Quân đã lịch sự nhường cho Đề đốc Trần Văn Chơn vào trước để toán dàn chào của Hải Quân... trình diễn màn chào kính.

                Lúc đó đã có mặt nhiều nhân vật trong Chính phủ đứng quây quần trò chuyện, trong số đó có Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, ông Tổng trưởng Dân Vận & Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã...

                Về phía quân đội, tôi chỉ nhận ra Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân Đoàn IV vì ông nổi bật trong bộ đại lễ trắng, huy chương (thòng) đeo kín ngực...

                Khi phái đoàn Không Quân vào tới nơi, bầu không khí có phần sinh động hơn vì Trung tướng Trần Văn Minh ra vẻ quen biết rộng, bắt tay tướng này chào hỏi tướng khác...

                Thấy Trung tá D, một vị Trưởng Phòng thuộc Văn phòng TMP/CTCT BTL/KQ, tháp tùng các tướng, tôi cho ông biết số thứ tự vào phúng điếu của Không Quân rồi trở ra quán nước tiếp tục ngồi quan sát.

                Đúng 11 giờ có tiếng trực thăng đáp ngoài bờ sông, tôi biết TT Thiệu đã về tới nơi. Vào cổng, ông chỉ đưa hai tay lên chào chung mọi người rồi đi thẳng vào nhà.

                Độ chừng 15 phút sau, tôi thấy Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và các vị tổng trưởng, rồi tới các tướng lãnh lần lượt được mời vào phúng điếu theo thứ tự.

                Khi Đề đốc Trần Văn Chơn và các tướng lãnh Không Quân trở ra, tôi cứ ngỡ các ông sẽ ra bờ sông lên trực thăng bay về Sài Gòn ngay, nhưng không phải vậy, một chiếc xe Jeep của Hải Quân chờ sẵn ở đâu đó đã chạy tới gần cổng biệt thự đón ông Chơn lên rồi chạy đi mất tiêu!

                Tôi còn đang thắc mắc không biết có phải ông tư lệnh Hải Quân ở lại thăm các đơn vị ở Mỹ Tho rồi về Sài Gòn sau bằng đường bộ hay không, Trung tá D đã tới cái quán nước tôi đang ngồi cho biết Trung tướng Tư lệnh Không Quân kêu thầy trò tôi theo mấy ổng tìm chỗ ăn trưa (trong lúc chờ Đề đốc Trần Văn Chơn
                trở lại).

                Thế là tôi, Trung sĩ I Đông và người lính dưới quyền theo phái đoàn tướng lãnh đi về phía chợ, người tài xế lái chiếc microbus chạy tà tà phía sau.

                Nhưng mới đi được một quãng, không biết do ông nào đề nghị, các tướng lãnh vào một quán hủ tiếu bên bờ sông. Cái quán không lấy gì làm khang trang, rộng rãi, thua xa quán phở Tàu Bay ở Bình Triệu trên xa lộ Đại Hàn mà thầy trò tôi thường ghé ăn phở mỗi lần về Sài Gòn công tác, nhưng được cái sạch sẽ, thoáng mát.

                Phái đoàn ngồi ở một bàn lớn, tụi tôi ngồi ở cái bàn nhỏ bên cạnh. Chưa ai kịp gọi món, ông Trung tướng Tư lệnh đã nói lớn:

                - Tiêu chuẩn đồng đều: hủ tiếu, bia mập nghen!

                Tôi tự nhủ: về Mỹ Tho thì ăn hủ tiếu là đúng điệu rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được thấy ông Minh “đù” uống bia mập (bia con cọp) vốn là gu của ông Paul Lành, bởi mỗi khi đi thanh tra hoặc dự tiệc tùng, gu của ông là cognac VSOP.

                Sau này khi nhớ lại thời gian phục vụ dưới trướng ông Từ Văn Bê, tôi vẫn thích thú nhất với lần đi công tác Mỹ Tho ấy, không chỉ vì được BTL/KQ bao ăn trưa mà còn vì niềm vui, sự hãnh diện khi được phục vụ trong một quân chủng tuy mang tiếng hơi... lè phè nhưng nặng tình huynh đệ chi binh.

                (Còn tiếp)

                CHÚ THÍCH:


                (1) Dưới đây là video clip dài 1 phút 19 giây thu hình buổi lễ kỷ niệm Ngày Không Lực nói trên, được trang mạng hinhanhlichsu-org phổ biến trên Youtube với tựa “Tướng Trần Văn Minh tại ngày kỉ niệm Không lực VNCH năm 1971”, tức là ghi sai, đúng ra là năm 1973.

                Năm 1971, ông Phan Phụng Tiên (người hướng dẫn Trung tướng Trần Văn Minh duyệt hàng quân) còn mang lon Đại tá trong khi trong video này ông đã mang lon Chuẩn tướng (ông được thăng cấp ngày 1/11/1972).

                Cũng trong video clip này, từ giây thứ 32 tới 34, chúng ta thấy 9 ông đại đơn vị trưởng đứng trước hiệu kỳ đơn vị, người đứng cuối cùng (cận ảnh) là Đại tá Từ Văn Bê.






                Last edited by Nguyen Huu Thien; 01-06-2025, 10:22 PM.

                Comment



                Hội Quán Phi Dũng ©
                Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                website hit counter

                Working...